EU: Mối lo giảm hợp tác TQ; Trừng phạt Na Uy; Rác ùn ứ Paris; Anh tăng ngân sách QP, xuất khẩu tàu ngầm sang Đài Loan

Cắt giảm hợp tác về phía Đông sẽ gây nguy hiểm cho nhiều nền kinh tế EU

(Ảnh minh họa).

Bộ trưởng ngoại giao Hungary Szijjarto cho biết nước này kiên quyết phản đối việc cắt đứt hợp tác kinh tế giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc bởi sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế của châu Âu trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn gây nhiều dư chấn nặng nề tới các nền kinh tế trong khối.

Sau cuộc gặp với Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Bộ trưởng ngoại giao Hungary cho rằng châu Âu có thể vượt qua giai đoạn thách thức nghiêm trọng hiện nay hay không chủ yếu phụ thuộc vào quyết định đúng đắn của các nhà lãnh đạo châu Âu. Sự phục hồi trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách tiếp cận giữa EU và Trung Quốc.

Ông Szijjarto cảnh báo nếu hợp tác kinh tế và thương mại bị cắt giảm theo sáng kiến của Tây Âu hoặc Mỹ, thì nền kinh tế châu Âu sẽ còn gặp rắc rối lớn hơn và khó có thể phục hồi thậm chí còn rơi vào suy thoái sâu. Ông cho biết thêm châu Âu có lợi ích cơ bản trong việc duy trì hợp tác kinh tế thực chất và cùng có lợi với Trung Quốc.

Bộ trưởng Szijjarto nêu dẫn chứng về Hungary là điểm kết nối của ngành công nghiệp ô tô Đức và các nhà sản xuất pin điện Trung Quốc. Để tạo sự chuyển đổi lớn trong việc tiến tới sử dụng toàn bộ bằng xe điện từ 2035 nghĩa là châu Âu cần đủ pin. Trong số 10 nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, hiện có đến 7 nhà sản xuất đến từ Trung Quốc. Rõ ràng, điều này dẫn tới châu Âu buộc phải mở rộng hợp tác về phương Đông nếu không muốn ngành công nghiệp ô tô châu Âu và chiến lược xe điện của châu Âu thất bại trong hơn 10 năm nữa.

Bộ trưởng Szijjarto cho biết Hungary trong những năm gần đây thường xuyên chứng kiến những kỷ lục đầu tư mới, đồng thời cho biết thêm điều này rất quan trọng để bảo đảm việc làm cho người dân. Ông cũng khẳng định cuộc gặp của ông với Tổng thư ký OECD cũng đã đề cập đến cuộc chiến chống lạm phát và thảo luận về khả năng mở rộng trong tương lai của OECD cũng như báo cáo sắp tới của tổ chức về Hungary. Ông cho biết sự hợp tác giữa Hungary và OECD là có lợi và dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

(Nguồn: VOV)

Châu Âu thông qua lệnh trừng phạt dầu khí đối với... Na Uy?

Na Uy được cho là hưởng lợi lớn từ tình hình căng thẳng tại Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây không chấp nhận điều này.

Bộ trưởng dầu mỏ và năng lượng của Na Uy cho biết hôm 10/3 rằng Oslo không lo lắng về kế hoạch của EU, đó là liên kết mua chung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nhà cung cấp khác trên thế giới.

Tất nhiên sẽ là điều dễ hiểu khi lo sợ rằng một nhóm các quốc gia cùng mua LNG như một pháp nhân sẽ gây ảnh hưởng lớn trên thị trường thế giới.

Nhưng Oslo tự tin cho rằng thỏa thuận này có thể mang lại lợi ích cho các công ty năng lượng của họ thông qua "những cuộc đàm phán trên cơ sở thương mại".

Hiện tại, 22 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác với đối tác khác trong lĩnh vực khí đốt.

Năm ngoái, Na Uy bị chỉ trích nặng nề vì tận dụng nhu cầu năng lượng tăng cao của châu Âu, khi khối cố gắng cắt nguồn cung từ Nga.

EU đã sẵn sàng khởi động cuộc đấu thầu đầu tiên để cung cấp nguyên liệu thô vào tháng tới, sau một thời gian thảo luận về cách đảm bảo an ninh năng lượng mà không vô tình gây tăng giá bằng cách cạnh tranh với nhau.

Năm ngoái, Oslo kiếm được nhiều hơn 80% từ xuất khẩu hydrocarbon so với năm 2021.

Doanh thu của họ tăng 85 tỷ Euro, nhưng chính phủ giải thích điều này không phải do "lòng tham" mà do giá cả tăng và nguồn cung thiếu hụt.

Trong bất kỳ trường hợp nào, việc các nước châu Âu cùng mua khí đốt và hạn chế trần giá là biện pháp nhằm vào Moskva cũng như khống chế doanh thu xuất khẩu tài nguyên của nước này.

Nhưng giống như dầu mỏ, nhiên liệu xanh của Nga đã rời khỏi bờ biển châu Âu từ lâu, đó là lý do tại sao tất cả các hình thức cấm vận và hạn chế đối với nhiên liệu hóa thạch mà EU ban hành đang thực sự chống lại các nhà cung cấp khác, trong trường hợp này là Na Uy.

Nếu chúng ta loại bỏ yếu tố chính trị không cần thiết, cũng như ngữ nghĩa và lời nói thì một sự thật đơn giản xuất hiện: Brussels đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Na Uy, không phải Nga.

EU đang yêu cầu Oslo phải có trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng Ukraine khi được hưởng lợi lớn, thông qua việc viện trợ vũ khí và cung cấp sự giúp đỡ về kinh tế cho Kyiv.

(Nguồn: Giáo Dục Thời Đại)

Hơn 5.000 tấn rác ùn ứ trên đường phố Paris

(Ảnh minh họa).

Trên đường phố Paris, cuộc đình công của công nhân đã khiến hơn 5 nghìn tấn rác bị tích tụ lại – hãng tin BFMTV đưa tin ngày 13/3.

Nhân viên của dịch vụ tiện ích đã biểu tình trong một tuần chống lại cải cách liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu. Trong suốt thời gian này, rác không được dọn sạch và vẫn còn trên đường phố. Thùng rác ở trung tâm Paris tràn ngập, núi túi đựng chất thải nằm ngay vỉa hè nhưng những người tổ chức đình công không có ý định dừng hoạt động.

Trước đó, ngày 12/3, có thông tin cho biết sau 10 ngày tranh luận sôi nổi, Thượng viện Pháp vẫn bỏ phiếu thông qua cải cách lương hưu, gây ra làn sóng biểu tình lớn. Cải cách này được thông qua với 195 phiếu thuận và 112 phiếu chống.

Ngày 11/3, các cuộc biểu tình mới đã biến thành các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát. Người biểu tình ở Paris bắt đầu phá hủy các bến xe buýt, đốt thùng rác và tấn công nhân viên thực thi pháp luật, ném đá và chai lọ vào họ.

Ngày 10/1, Thủ tướng Pháp Elizabeth trình bày một cuộc cải cách, theo đó tuổi nghỉ hưu ở nước này sẽ tăng từ 62 lên 64 tuổi. Từ ngày 1/9/2023, thời gian nghỉ hưu sẽ tăng dần và đạt 64 tuổi vào năm 2030.

Cuộc tổng biểu tình đầu tiên chống lại những thay đổi được đề xuất trên diễn ra vào ngày 19/1. Theo công đoàn, ở Paris có 400 nghìn người tham gia và tổng cộng 200 triệu người biểu tình trên cả nước trong 2 cuộc biểu tình. Bộ Nội vụ Pháp ngày 7/2 đưa tin hơn 750.000 người đã tham gia biểu tình phản đối cải cách lương hưu.

(Nguồn: Soha)

Anh tăng 5 tỷ bảng cho quốc phòng trước cuộc gặp Sunak-Biden-Albanese về hiệp ước Aukus

Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak cam kết tăng thêm 5 tỷ bảng chi tiêu ngân sách cho quốc phòng trong hai năm tới để chống lại "các đe dọa từ những chính thể thù địch".

Bản Phúc trình liên bộ mới của năm 2023 (2023 Integrated Review Refresh-IR23) xác lập chiến lược ngoại giao và an ninh quốc gia Anh, được công bố sáng thứ Hai 13/03/2023 giờ London.

Ông Sunak công bố nội dung về việc tăng chi tiêu quốc phòng trước cuộc gặp các lãnh đạo Mỹ và Úc ở California, Hoa Kỳ.

Hội nghị của các ông Joe Biden, Rishi Sunak và Anthony Albanese (thủ tướng Úc) được tổ chức để hoàn tất thỏa thuận có tên là Hiệp ước Aukus, cung cấp cho Úc tàu ngầm nguyên tử với công nghệ của Mỹ và Anh.

Được ký sơ bộ năm 2021, đây là dự án quốc phòng nhằm chống lại sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Phủ Thủ tướng Anh cũng nói chiến lược mới sẽ ghi nhận cả các nguy cơ an ninh Moscow gây ra, bên cạnh các hoạt động "ngày càng gây lo ngại về quân sự, tài chính và ngoại giao" của Trung Quốc.

IR23 sẽ cung cấp ngân khoản để dạy tiếng Trung (cho giới chức Anh) và tăng cường kiến thức ngoại giao về Trung Quốc, cũng như nhằm đảm bảo Anh tiếp cận được các nguồn khoáng sản trọng yếu cho công nghệ mới.

Quy trình huấn luyện cho nhân viên an ninh sẽ được cải thiện và một đơn vị nhỏ trong cơ quan tình báo MI5 của Anh sẽ cung cấp tư vấn an ninh cho doanh nghiệp và các tổ chức.

Giới chức Anh và Phương Tây từ mấy năm qua đã nêu lo ngại của điều họ cho là Trung Quốc "xâm nhập, tác động hoặc hoạt động do thám kinh tế" vào các ngành mũi nhọn của họ.

Tiền cho Bộ Quốc phòng Anh sẽ được chi vào việc tăng lượng đạn dược trong kho, hiện đại hóa công nghệ hạt nhân và chi vào giai đoạn tiếp của dự án Aukus.

Chống Nga, phòng ngừa Trung Quốc

Năm 2020, ngành quốc phòng Anh đã nhận được khoảng 24 tỷ bảng trong vòng bốn năm, tăng đáng kể so với mặt bằng chi tiêu thời Chiến tranh Lạnh.

Mục tiêu tức thời của Anh là ngăn chặn nguy cơ an ninh do Nga gây ra ở châu Âu, IR23 viết. Anh Quốc cũng muốn Nga không thể được hưởng lợi "từ cuộc xâm lăng Ukraine".

Về TQ, IR23 cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngày càng có các hoạt động quân sự, tài chính và ngoại giao gây quan ngại.

"Thủ tướng Anh đặt ra định hướng xuyên suốt cho các bộ ngành của chính phủ để có cách tiếp cận mạnh mẽ, liền lạc và thống nhất về Trung Quốc, đặt quyền lợi quốc gia và sự phố hợp với các đồng minh vào vị trí trọng tâm."

Chính phủ Anh cung cấp thêm 20 triệu bảng cho BBC World Service (BBC Thế giới vụ) ở London trong hai năm tới để đảm bảo đài này có thể tiếp tục các chương trình của 42 ngôn ngữ nhắm tới các nước, gồm cả những quốc gia bị tấn công bởi các chính quyền thù địch và nạn thông tin sai lệch.

Tuy thế, lãnh đạo BBC News đã ngay lập tức nói họ không thay đổi gì kế hoạch Digital First công bố vào tháng 9/2022, dự kiến đóng một loạt ban ngôn ngữ ở London, chuyển toàn bộ phần sản xuất nội dung về các khu vực ngoài Anh.

(Nguồn: BBC)

Anh tăng xuất khẩu liên quan đến tàu ngầm sang Đài Loan, chọc giận Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Anh chấp thuận tăng mạnh xuất khẩu các bộ phận và công nghệ tàu ngầm vào năm ngoái cho Đài Loan khi Đài Loan nâng cấp lực lượng hải quân, một động thái có thể ảnh hưởng đến quan hệ của Anh với Trung Quốc.

Giá trị giấy phép do chính phủ Anh cấp cho các công ty xuất khẩu linh kiện và công nghệ liên quan đến tàu ngầm sang Đài Loan đạt tổng trị giá kỷ lục 201,29 triệu đô la trong 9 tháng đầu năm ngoái, theo dữ liệu cấp phép xuất khẩu của chính phủ Anh. Con số này cao hơn cả sáu năm trước cộng lại, một phân tích dữ liệu của Reuters cho thấy.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc, được gọi là chính sách Một Trung Quốc, và phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của nước ngoài vào hòn đảo vì tin rằng đó là sự hỗ trợ cho mong muốn của Đài Loan được công nhận là quốc gia độc lập.

Trước các số liệu Reuters trưng ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Nếu điều này là đúng, thì đó là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc, làm suy yếu chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời phá hoại hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.”

“Trung Quốc rất lo ngại về điều này và kiên quyết phản đối,” tuyên bố bằng văn bản cho biết, đồng thời kêu gọi Anh “kiềm chế hỗ trợ quân sự cho chính quyền Đài Loan”.

Anh không công nhận Đài Loan và không có quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo nhưng vẫn duy trì quan hệ kinh tế và thương mại và có một tòa đại sứ Anh trên thực tế tại Đài Bắc.

Phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết trong một tuyên bố rằng Vương quốc Anh có một hồ sơ dài về việc “cấp giấy phép xuất khẩu hàng hóa có kiểm soát sang Đài Loan, trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, trong đó các đơn xin phù hợp với các quy định của xuất khẩu vũ khí và sản phẩm công dụng kép.”

“Chúng tôi coi vấn đề Đài Loan là vấn đề được giải quyết hòa bình bởi người dân ở cả hai bờ Eo biển Đài Loan thông qua đối thoại mang tính xây dựng, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay ép buộc”, vẫn theo tuyên bố của phát ngôn nhân chính phủ Anh.

Hai quan chức chính phủ giấu tên vì sự nhạy cảm của vấn đề cho biết việc tăng giấy phép được cấp phản ánh nhu cầu lớn hơn từ Đài Loan.

Hai nhà lập pháp có kiến thức về xuất khẩu và hai cựu quan chức cho biết sự chấp thuận phản ánh sự sẵn sàng ngày càng tăng của Anh trong việc hỗ trợ Đài Loan. Một trong những nhà lập pháp, người cũng phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết việc cấp giấy phép xuất khẩu đồng nghĩa với việc “bật đèn xanh” để Đài Loan trang bị tốt hơn.

Dữ liệu được lấy từ Tổ chức Kiểm soát Xuất khẩu, nơi chịu trách nhiệm cấp phép xuất khẩu và nằm trong Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh. Tổ chức này cho thấy chính phủ đã cấp 25 giấy phép xuất khẩu cho Đài Loan trong 9 tháng đầu năm 2022 dưới các danh mục “linh kiện cho tàu ngầm” và “công nghệ cho tàu ngầm”.

Dữ liệu không tiết lộ công ty nào đã nhận được giấy phép hoặc chi tiết những thiết bị cụ thể.

Một loại giấy phép, được gọi là ML9, bao gồm “tàu chiến, thiết bị hải quân đặc biệt, phụ kiện, linh kiện và các tàu nổi khác”, theo danh sách các mặt hàng quân sự chiến lược của Anh cần xin phép xuất khẩu. Một loại giấy phép khác, ML22, bao gồm công nghệ cần thiết cho việc phát triển, sản xuất, vận hành, thiết lập, bảo trì, sửa chữa hoặc hàng hóa hoặc phần mềm.

Chính phủ Anh ngày 13/3 tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng khi công bố bản cập nhật các ưu tiên chính sách quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đưa ra kế hoạch “đối phó với các mối đe dọa mới” từ Trung Quốc và Nga.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak, trong lời nói đầu của tài liệu chính sách, đã xác định cụ thể lập trường hung hăng hơn của Trung Quốc ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan là một trong những vấn đề “đe dọa tạo ra một thế giới được xác định bởi nguy hiểm, hỗn loạn và chia rẽ – và một trật tự quốc tế thuận lợi hơn cho chủ nghĩa độc tài.”

Căng thẳng tăng cao

Căng thẳng quân sự giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên. Đài Loan, cách bờ biển Trung Quốc khoảng 160 km về phía đông nam, cho biết họ đang xây dựng một hạm đội tàu ngầm để củng cố hệ thống phòng thủ hải quân của họ. Đài Loan trong nhiều thập niên đã không thể mua tàu ngầm thông thường từ các nước khác vì các nước này lo ngại chọc giận Trung Quốc.

Chính phủ dân cử dân chủ của Đài Loan bác bỏ mạnh mẽ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, nói rằng chỉ người dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.

Như Reuters đã đưa tin trước đây, một loạt các nhà cung cấp công nghệ tàu ngầm nước ngoài, với sự chấp thuận của chính phủ họ, đã hỗ trợ chương trình này.

Đáp yêu cầu bình luận về các hoạt động xuất khẩu liên quan đến tàu ngầm từ Anh, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng chương trình đóng tàu của họ là “một chính sách lớn của quốc gia, và hải quân đang đẩy mạnh nhiều dự án khác nhau theo một chiều hướng thực dụng”.

“Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các tầng lớp xã hội sẽ tiếp tục ủng hộ, cùng nhau duy trì an ninh và hòa bình của Eo biển Đài Loan,” Bộ cho biết.

Đài Bắc đặt mục tiêu thử nghiệm mẫu tàu ngầm đầu tiên vào tháng 9 năm nay và bàn giao chiếc đầu tiên trong số 8 tàu theo kế hoạch vào năm 2025.

Việc Anh cấp giấy phép liên quan đến tàu ngầm bắt đầu tăng lên sau khi Đài Loan tuyên bố họ có kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm vào năm 2017.

Anh đã chấp thuận việc xuất khẩu các bộ phận và công nghệ tàu ngầm trị giá 87 triệu bảng Anh sang Đài Loan vào năm 2020, tăng từ 31.415 bảng vào năm 2017 và zero vào năm 2016, theo dữ liệu cấp phép. Giá trị của những giấy phép như vậy được chấp thuận vào năm 2021 giảm xuống chỉ còn dưới 9 triệu bảng.

Anh hướng tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Duyệt xét Hội nhập của Anh, một tài liệu phát họa các ưu tiên trong chính sách quốc phòng, an ninh và đối ngoại của nước này công bố vào tháng 3 năm 2021, đã chỉ ra “việc hướng tới” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng không đề cập đến Đài Loan.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine năm ngoái đã đặt ra câu hỏi ở Anh và các nơi khác ở phương Tây về các điểm bùng phát khác có thể xảy ra trong tương lai trên khắp thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, nói với Reuters vào tháng trước rằng các hành động của phương Tây ủng hộ Kyiv là một tín hiệu cho các quốc gia khác thấy rằng việc chiếm đất sẽ không thành công. Ông nói: “Cuộc xung đột này rất quan trọng vì thế giới đang theo dõi liệu phương Tây có đứng lên bảo vệ các giá trị tự do, dân chủ, xã hội tự do và pháp quyền hay không”.

Các nhà lập pháp phương Tây và các quan chức khác đã tăng cường các chuyến thăm Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Điều đó bao gồm chuyến thăm vào tháng 11 năm ngoái của Bộ trưởng Bộ Thương mại Anh Greg Hands. “Chúng tôi kêu gọi phía Anh ngừng mọi hình thức trao đổi chính thức với Đài Loan và ngừng gửi tín hiệu sai trái cho các lực lượng ly khai đòi Đài Loan độc lập”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói vào thời điểm đó.

Ông Tobias Ellwood, người đứng đầu ủy ban quốc phòng của quốc hội Anh và là thành viên của Đảng Bảo thủ cầm quyền Anh, người đã đến thăm Đài Loan vào tháng 12 năm ngoái, nói với Reuters rằng chính phủ Anh phải cẩn thận về những chi tiết mà họ cung cấp công khai về thiết bị được cấp phép xuất khẩu.

“Một thông báo về tính chất cụ thể của những mặt hàng xuất khẩu này có nguy cơ tiết lộ thông tin nhạy cảm về khả năng phòng thủ của Đài Loan và một số thận trọng của chính phủ Anh khi thảo luận về những mặt hàng xuất khẩu này là hợp lý,” ông Ellwood nói.

Một trong những cựu quan chức Anh nói: “Mọi quyết định xung quanh Đài Loan đều được đưa ra rất cân nhắc và thường thận trọng.”

Khi được hỏi về quyết định chấp thuận tăng giấy phép xuất khẩu, quan chức này nói: “Chúng ta không làm điều gì đó như thế này mà không suy nghĩ rất kỹ về những tác động.”

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang