Châu Âu thiệt hại hàng tỷ USD vì hạn hán

(Ảnh minh họa).
Tình hình hạn hán nghiêm trọng đã diễn ra tại nhiều nơi, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và buộc chính phủ các nước châu Âu phải nỗ lực tìm giải pháp ứng phó.
Các nước thuộc khu vực Tây Nam châu Âu đang phải đối mặt với năm thứ hai liên tiếp thời tiết cực kỳ khô và nóng, với nắng nóng đầu hè đến sớm hơn bất thường.
Hôm thứ Năm (11/5), Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch chi gần 2,2 tỷ Euro để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với hạn hán. Trong đó, 1,4 tỷ Euro sẽ được sử dụng để xây dựng các cơ sở hạ tầng cho nguồn cung cấp nước mới, giảm phí, thuế cho các trang trại bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Gần 800 triệu Euro khác sẽ được dùng để hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
"Chúng tôi muốn đảm bảo hoạt động sản xuất lương thực được duy trì đều đặn tại Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, cần giảm bớt áp lực từ hạn hán lên người nông dân, vốn đã phải chịu nhiều sức ép từ sự gia tăng chi phí đầu vào", ông Luis Planas, Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha, cho biết.
Giới chức Tây Ban Nha cũng ban hành quy định cấm một số công việc làm ngoài trời trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt, như xây dựng, dọn dẹp đường phố hay trồng trọt. Lệnh cấm sẽ được áp dụng khi cơ quan thời tiết quốc gia đưa ra cảnh báo về nguy cơ nhiệt độ cao nghiêm trọng hoặc cực đoan, trên 39oC.
"Cần phải có biện pháp để bảo vệ những người làm việc trên đường phố, trong các công trình xây dựng. Các cơ quan chính phủ nên đưa ra quy định điều tiết", ông Jesus Alonso, người dân Tây Ban Nha, đề xuất.
Ngoài Tây Ban Nha, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang phải áp dụng những biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với tình trạng hạn hán kéo dài.
Italy hiện đang tìm cách sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn, đồng thời củng cố cơ sở hạ tầng dự trữ nước.
Một số khu vực miền nam nước Pháp đã phải tuyên bố tình trạng hạn hán ở mức khủng hoảng và áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng nước.
"Chúng tôi đã ban hành quy định về việc quản lý sử dụng nước trong giai đoạn từ nay cho đến 13/6, để đảm bảo có đủ nước cho các mục đích quan trọng và hạn chế việc sử dụng cho các mục đích ít quan trọng hơn", ông Rodrigue Furcy, Tỉnh trưởng Pyrenees Orientales, Pháp, thông tin.
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng hạn hán kéo dài khiến mực nước sông giảm xuống thấp kỷ lục gây ra thiệt hại hàng tỷ USD cho kinh tế châu Âu do việc vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn. Thiếu nước cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất điện từ các nhà máy thủy điện và hạt nhân, đồng thời làm giảm sản lượng nông nghiệp. Điều này có thể sẽ khiến vấn đề chi phí sinh hoạt tại châu Âu trở nên trầm trọng hơn nữa trong năm nay.
(Nguồn: VTV)
Khí đốt châu Âu tiếp tục tụt dốc khi nhiều tàu chở LNG lênh đênh trên biển
Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đóng cửa ở mức thấp nhất trong gần 22 tháng do nhu cầu chững lại và hàng hóa nhiên liệu chất đống trên biển.
Theo ghi nhận của Bloomberg, hợp đồng tương lai chuẩn của khí đốt đã giảm hơn 50% kể từ đầu năm, lần đầu tiên xuống dưới 35 euro/megawatt giờ sau tháng 7/2021. Mùa nóng ở châu Âu đã kết thúc và thời tiết nóng nực vẫn còn kéo dài, mức tiêu thụ khí đốt vẫn giảm và không có gì phải vội vàng nhập thêm nguồn cung cấp.
Trong tuần này, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên mặt nước trong hơn 20 ngày trên toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất theo mùa kể từ ít nhất là năm 2017, dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy. Bây giờ lượng LNG đã tăng gần gấp đôi mức trung bình trong sáu năm qua.
Xu hướng cho thấy thị trường hiện có nhiều khí đốt hơn nhu cầu hiện tại. Các mức dự trữ trên mặt nước tương tự thường được thấy trong thời gian sắp đến mùa đông, không phải vào mùa xuân khi các quốc gia bắt đầu tích trữ hàng tồn kho với giá thấp hơn.
Các thương nhân đang theo dõi chặt chẽ nhu cầu hạ nhiệt, có thể tăng trong những tuần tới khi thời tiết trở nên nóng hơn và thúc đẩy giá bán LNG. Người ta cũng chú ý đến nhu cầu phục hồi ở châu Á, cũng như trong sử dụng khí đốt công nghiệp.
Lu Ming Pang, nhà phân tích tại Rystad Energy AS, cho biết tốc độ tổng hợp của đội tàu LNG toàn cầu đã giảm, từ mức trung bình khoảng 14 hải lý/h vào tháng 4 những năm trước, xuống còn 13 hải lý/h trong tháng 4 này.
“Điều này có thể cho thấy rằng có đủ nguồn cung trên thị trường, với việc giao hàng chậm lại để phù hợp với mức độ hoạt động giảm trong giai đoạn này,” ông nói.
Các kho dự trữ LNG của châu Âu có lượng dự trữ cao hơn thường lệ vào thời điểm này trong năm, trong khi các cơ sở lưu trữ khí ngầm trong khu vực đã đầy khoảng 62% — cũng cao hơn nhiều so với định mức lịch sử.
Khí đốt tháng trước của Hà Lan, tiêu chuẩn của châu Âu, đã giảm 2,7% xuống mức 34,99 euro mỗi megawatt giờ. Hợp đồng tương đương của Vương quốc Anh mất 2%.
(Nguồn: Công Luận)
Mùa đông khắc nghiệt liên quan gì 'điều kỳ diệu xe điện' ở Bắc Âu

(Ảnh minh họa).
Dù có điều kiện thời tiết không thuận lợi cho việc phát triển xe điện, 5 quốc gia Bắc Âu vẫn dẫn đầu thế giới về tỷ lệ ôtô điện mới bán ra trên thị trường.
Theo dữ liệu từ Mạng Quan sát và Thông tin Môi trường châu Âu năm 2021, 5 vị trí đứng đầu về tỷ lệ ôtô điện mới bán ra trên thị trường đều thuộc về 5 quốc gia Bắc Âu gồm Na Uy (86%), Iceland (64%), Thụy Điển (47%), Đan Mạch (35%) và Phần Lan (32%).
Số lượng ôtô điện tại khu vực này đã tăng đều đặn kể từ năm 2010, đạt số lượng gần 250.000 xe vào cuối năm 2017 và chiếm khoảng 8% tổng số ôtô điện toàn cầu vào năm 2016. Khu vực Bắc Âu cũng có tỷ lệ ôtô điện trên đầu người cao nhất thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Điều thú vị là cả 5 quốc gia này đều có mùa đông rất khắc nghiệt và thời tiết lạnh giá có thể làm giảm phạm vi hoạt động của ôtô điện.
Bên cạnh đó, bất chấp tính chất năng động của thị trường ôtô điện tại Bắc Âu, loại phương tiện này chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhu cầu điện trong khu vực vào năm 2017.
Với lưới điện mạnh mẽ và linh hoạt, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu trên toàn khu vực ngay cả trong mùa đông khắc nghiệt, lượng điện nhỏ này trên thực tế không gây ra vấn đề nghiêm trọng nào cho mạng lưới phân phối điện. Đó là một dấu hiệu lạc quan để các quốc gia trên thế giới thúc đẩy ngành công nghiệp này.
Nỗ lực của Iceland
Chỉ vài năm trước, Iceland hoàn toàn thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc cần thiết để bao phủ lãnh thổ và phục vụ một số lượng đáng kể xe điện. Tuy nhiên, hiện nay, quốc gia này có tỷ lệ ôtô điện mới bán ra trên thị trường cao thứ hai thế giới chỉ sau Na Uy.
Trong nửa đầu năm 2022, khoảng 85% ôtô cá nhân bán ra ở Iceland là loại plug-in (phương tiện sử dụng song song điện chạy bằng pin và xăng/dầu). Số lượng ôtô điện bán trên thị trường Iceland đã tăng 25% vào năm 2022, từ 60% tổng số xe đăng ký mới năm 2021 và 46% năm 2020.
Để so sánh, số lượng ôtô điện ở Đức chiếm 13,5% tổng số xe đăng ký mới, ở Pháp là 12,3% và Anh là 16,5%.
Ông Jon Bjorn Skulason, Tổng giám đốc Icelandic New Energy, cho rằng nguyên nhân chính khiến Iceland làm tốt như vậy là nhờ những ưu đãi từ chính phủ.
Chính phủ Iceland đã khiến việc sở hữu xe điện trở nên rẻ hơn, giảm thuế với các phương tiện không thải khí CO2 và cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn thuế giá trị gia tăng với xe điện.
"Ngoài ra, mọi người đều biết lưới điện ở Iceland hoàn toàn xanh. Họ nhận ra rằng chúng tôi có nguồn tài nguyên tái tạo và tương đối rẻ so với hầu hết địa điểm khác", ông Skulason nói. “Đây là những động lực chính thúc đẩy việc sử dụng xe điện nhanh chóng như hiện nay".
Song thách thức thực sự của cuộc cách mạng xe điện ở Iceland là việc thay đổi suy nghĩ và thói quen của người dân.
"Năm 2014, Iceland chỉ có dưới 100 xe điện. Và rõ ràng chủ sở hữu là những người thực sự thích công nghệ mới và không sợ thay đổi", Berglind Rán Ólafsdóttir, Giám đốc điều hành của ON Power - nhà cung cấp năng lượng sạch lớn nhất Iceland, nói với Euronews.
Ông Skulason cũng cho biết: “Ban đầu, mọi người nhìn chung không tin vào xe điện. Họ nghĩ rằng nó quá phức tạp và khó khăn. Nhưng sau đó họ bắt đầu nhìn thấy xe điện trên đường, nghe những câu chuyện rằng loại xe này không bị hỏng hay gặp vấn đề khi di chuyển, và có thể đi đến bất cứ nơi nào”.
"Các mẫu xe mới ra mắt vào năm 2017-2018, và sau đó là một sự đảo ngược hoàn toàn, mọi người bắt đầu mua xe điện", ông nói.
Để đáp ứng nhu cầu, ON Power quyết định thiết lập các trạm sạc dọc theo bờ biển của Iceland, đặt cách nhau 100 km. Những trạm sạc này phủ khắp ngóc ngách, kể cả những nơi không ai lái xe tới.
“Bằng cách này, các tài xế sẽ không có lý do gì để không sử dụng xe điện”, ông Ólafsdóttir nói.
Tuy nhiên, quốc gia này cũng phải đối mặt với một trở ngại khác: Nhiều người không có chỗ trống trong nhà để chứa bộ sạc và chỗ đậu xe riêng.
Do đó, ON Power đã hợp tác với một số thành phố để xây dựng các trạm sạc chung dành cho những người sống trong các tòa chung cư. Trong khi đó, những người mua sạc riêng sẽ được giảm thuế.
Ngoài thúc đẩy người dân trong nước, Iceland cũng thuyết phục du khách sử dụng xe điện. Khi Iceland mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, đại đa số du khách quốc tế đều hỏi thuê phương tiện truyền thống chạy bằng xăng.
"Đây là điều chúng ta cần khắc phục và thực sự là một tình huống khá phức tạp, vì mọi người hầu hết chưa bao giờ lái xe điện. Họ sắp đến một đất nước mạo hiểm và phải điều khiển loại xe mà họ chưa từng sử dụng hàng ngày trước đây", ông Skulason nói.
"Chúng tôi phải mất khá nhiều (công sức) tiếp cận và thuyết phục những vị khách sắp đến, biến (trải nghiệm này) như một cuộc phiêu lưu để thử các công nghệ mới", ông nói thêm.
Thế khó của Phần Lan
Trong khi đó, dù nằm trong top 5 về tỷ lệ ôtô điện mới, sự phát triển của dòng xe này tại Phần Lan vẫn thua xa các nước láng giềng Bắc Âu.
Vào năm 2017, Thụy Điển có số lượng ôtô điện nhiều gấp 10 lần so với Phần Lan nhờ trợ cấp, trong khi Na Uy có số lượng ôtô điện nhiều hơn gấp 100 lần nhờ chính sách miễn thuế VAT với phương tiện xanh.
Cư dân Phần Lan lái xe điện ít hơn nhiều so với các nước láng giềng Bắc Âu.
Theo Barents Observer, một nguyên nhân là mức giá đắt đỏ của các mẫu xe điện ở Phần Lan có thể khiến những người mua tiềm năng chuyển sang các lựa chọn rẻ hơn.
Phần Lan thu thuế thấp hơn với những người lái xe điện, nhưng thiếu các chương trình tiên phong để thúc đẩy chúng. Điều này là do chính phủ từng tập trung hơn vào nhiên liệu sinh học.
Một số nhà kinh doanh dầu mỏ tại nước này, chẳng hạn tỷ phú Mika Anttonen - người đã đầu tư rất nhiều vào nhiên liệu sinh học, cũng thường xem nhẹ tầm quan trọng của ôtô điện.
"Tôi không hiểu việc tăng cường ôtô điện. Trong mọi trường hợp, không nên chi một euro tiền thuế nào cho nó", ông Anttonen nói trong một cuộc phỏng vấn với Aamulehti vào năm 2017.
Một lý do khác khiến doanh số xe điện ở Phần Lan tương đối thấp là tình trạng thiếu trạm sạc.
Matti Virtanen, cư dân thành phố Sipoo (Phần Lan), chia sẻ hầu hết trạm sạc đều kín chỗ khi anh đến, do đó tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi số lượng ôtô điện tăng lên.
Theo Statista, tính đến tháng 8/2021, Phần Lan có 1.392 trạm sạc ôtô điện, trong đó gần 1/3 số trạm nằm ở khu vực đông dân nhất Uusimaa. Con số này thấp hơn nhiều so với mạng lưới hơn 5.600 trạm sạc nhanh và siêu tốc của Na Uy, dù hai quốc gia có diện tích và dân số gần tương đương.
(Nguồn: Zing News)
Anh: Chết trong nhà 6 năm không ai biết
Thi thể một cụ ông 70 tuổi vừa được phát hiện ở TP Bolton - Anh, khoảng 6 năm sau khi ông qua đời.
Daily Mail trích dẫn thông tin điều tra hôm 10-5 cho biết lúc phát hiện cụ ông kể trên, thi thể chỉ còn lại bộ xương.
Cụ ông được xác định tên là Robert Alton, nhân viên kế toán về hưu.
Theo cuộc điều tra gần đây, ông Alton được cho là đã qua đời ở tuổi 70 vào tháng 5-2017.
Nhân viên điều tra Peter Sigee cho biết: "Đánh giá các khả năng, ông Alton qua đời vào tháng 5-2017".
Thi thể của ông Alton được tìm thấy trong năm nay tại đầu cầu thang ở tầng một, trong chiếc quần jean và áo len màu xám.
Nhân viên cảnh sát Dominic Beaver cho biết những người hàng xóm không nhìn thấy ai ở căn hộ này trong ít nhất 5 năm qua.
Lần cuối cùng ông Alton liên lạc với bác sĩ gia đình của mình là vào năm 2014, trong khi tiền thuê nhà của cụ ông vẫn được trả cho đến thời điểm phát hiện bộ xương, thông qua trợ cấp nhà ở.
Hiện nhà chức trách chưa tìm được người thân nào của cụ ông.
Cách đây hơn 1 năm, một phụ nữ cũng được xác định danh tính thông qua hồ sơ nha khoa sau khi qua đời tại một căn hộ ở thủ đô London - Anh cách đó 2 năm rưỡi mà không ai hay biết.
Theo đó, bà Sheila Seleoane, 58 tuổi, được tìm thấy vào tháng 2-2022. Từ năm 2019, hàng xóm đã than phiền về "mùi hôi thối" và ruồi nhặng xuất hiện tại căn hộ nơi bà Seleoane sống.
(Nguồn: Soha)
Anh tiếp tục nâng lãi suất

(Ảnh minh họa).
Đây đã là lần nâng lãi suất thứ 12 liên tiếp của Anh, lên mức 4,5%, tương đương mức cao nhất kể từ tháng 10/2008.
Hãng tin CNN cho biết Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm ngày 11/5/2023 nhằm giúp nền kinh tế Anh tránh khỏi một cuộc khủng hoảng vì giá năng lượng tăng quá cao khiến lạm phát phi mã.
Đây đã là lần nâng lãi suất thứ 12 liên tiếp của Anh, lên mức 4,5%, tương đương mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. Động thái này diễn ra sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng nâng lãi suất ¼ điểm phần trăm.
“Lạm phát đang quá cao và nhiệm vụ của chúng tôi là hạ nó xuống mức mục tiêu 2%. Lạm phát thấp và ổn định là nguồn gốc của một nền kinh tế khỏe mạnh”, Thống đốc Andrew Bailey của BoE khẳng định.
Trái ngược với Anh, Trung Quốc lại đang cực kỳ đau đầu vì áp lực giảm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng ở mức chậm nhất trong suốt 2 năm qua, minh chứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu và khả năng hồi phục kém của nền kinh tế hậu đại dịch.
Số liệu cho thấy CPI tháng 4/2023 của Trung Quốc chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Tỷ lệ này là 1% và 0,7% tương ứng cho tháng 2 và tháng 3/2023.
Không chỉ lạm phát giảm mạnh mà chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm 3,6%, tương đương mức giảm mạnh nhất 3 năm qua và đã là tháng thứ 7 liên tiếp đi xuống.
Vậy là trong khi Anh kịch liệt nâng lãi suất nhằm chống lạm phát và rủi ro suy thoái thì Trung Quốc lại đang có khả năng rơi vào giảm phát bất chấp việc Ngân hàng trung ương nước này (PBOC) đã liên tục cắt giảm lãi suất cũng như bơm thêm tiền cho nền kinh tế.
Tệ nhất
Tại xứ sở sương mù, hiện BoE dự đoán kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 0,25% trong năm nay và 0,75% trong năm 2024, một con số tích cực hơn dự đoán trước đó, vốn cho rằng Anh sẽ suy giảm 0,5% trong năm 2023.
Nguyên nhân chính của sự tích cực này đến từ việc giá khí đốt trên thị trường quốc tế hạ nhiệt cũng như một số thông tin khả quan khác từ nền kinh tế, bao gồm tỷ lệ lao động có việc làm tăng cao.
Dẫu vậy, rủi ro suy thoái tại Anh vẫn rất lớn khi lạm phát vẫn vượt 10% dù đã giảm mạnh thời gian gần đây.
“Nếu những dấu hiệu xấu vẫn tiếp tục thì việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa là điều cần thiết phải làm”, Thống đốc Bailey cảnh báo.
Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới nâng lãi suất vào tháng 12/2021 sau khi đại dịch bùng phát. Thế nhưng lạm phát tại đây vẫn ở mức cao thái quá do giá khí đốt, điện và lương thực ở mức cao. Thêm vào đó tình trạng thiếu lao động do chính sách siết chặt nhập cư vì Brexit càng khiến chi phí nhân lực bị đội lên.
Số liệu mới nhất cho thấy lạm phát tháng 3/2023 tại Anh vẫn ở mức 10,1%, thấp hơn 10,4% của tháng 2/2023 nhưng cao hơn nhiều so với Mỹ và phần còn lại của Châu Âu.
Thậm chí giá lương thực tại Anh đã tăng đến 19,2% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong hơn 45 năm qua, khi giá các thực phẩm thiết yếu như bánh mì và ngũ cốc ở mức cao kỷ lục.
Việc BoE nâng lãi suất kịch liệt đang ảnh hưởng nặng đến tăng trưởng kinh tế khi chi phí vay vốn tăng cao, làm suy giảm khả năng chi tiêu của người dân cũng như đầu tư của doanh nghiệp với nền kinh tế.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây cảnh báo Anh sẽ suy giảm 0,3% GDP trong năm nay và trở thành nền kinh tế có kết quả tệ nhất trong số các quốc gia phát triển.
Điên cuồng tiết kiệm
Quay trở lại Trung Quốc, dù nhu cầu tiêu dùng đã bật tăng nhẹ trở lại sau khi nước này nới lỏng chiến dịch “Zero Covid” nhưng sự bất ổn của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản lại đang kéo sức mua của người dân lại.
“Lạm phát thấp cho thấy đà hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch đã bị chậm lại trong tháng 4/2023”, báo cáo phân tích của Nomura ghi rõ.
Cũng theo Nomura, sự hạ nhiệt của thị trường bất động sản đã ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác, qua đó lan rộng sang cả mảng tiêu dùng.
Hiện bất động sản đang đóng góp đến 30% GDP cho nền kinh tế Trung Quốc nhưng lại đang trong đợt xì hơi bong bóng. Giá nhà mới tại đây chỉ tăng chưa đến 0,5% trong tháng 2-3/2023 sau hơn 1 năm giảm giá liên tiếp.
Sự sụt giảm của thị trường nhà đất đã khiến nhu cầu nguyên vật liệu như sắt thép, xi măng đi xuống, qua đó kéo tụt chỉ số PPI.
Tệ hơn, nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm 7,9% trong tháng 4/2023, qua đó cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa hạ thấp. May mắn là xuất khẩu lại tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số này kém hơn rất nhiều so với 14,8% tăng trưởng của tháng 3/2023.
Hãng tin CNN cho biết thay vì gia tăng chi tiêu sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng, người dân Trung Quốc lại điên cuồng tiết kiệm ở mức kỷ lục trong quý I/2023.
Số liệu chính thức cho thấy tiền gửi tiết kiệm hộ gia đình đã tăng 27% so với cùng kỳ năm trước trong 3 tháng đầu năm nay, đạt 9,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1,4 nghìn tỷ USD.
Riêng trong năm ngoái, các hộ gia đình Trung Quốc đã tiết kiệm kỷ lục 2,6 nghìn tỷ USD, tăng 80% so với năm 2021 và tương đương hơn 1/3 tổng thu nhập hộ gia đình. Xin được nhắc là trước đại dịch, tỷ lệ tiền tiết kiệm chỉ chiếm 1/5 thu nhập hộ gia đình.
Hãng Nomura dự báo lạm phát tại Trung Quốc vẫn sẽ yếu trong tháng 5/2023 còn PPI thì tiếp tục giảm.
Dù chính phủ Trung Quốc liên tục phủ nhận nhưng nhiều chuyên gia đã cảnh báo về rủi ro giảm phát cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Khi đó người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi tiêu, đầu tư, đẩy giá cả xuống sâu hơn.
Nghe thì có vẻ tốt nhưng cầu thấp khiến doanh nghiệp thất thu, sa thải nhân công. Người lao động không có việc làm nên càng thắt chặt hầu bao, tạo thành vòng luẩn quẩn khiến kinh tế mất tăng trưởng.
(Nguồn: CafeF)
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá