EU: Luật trí tuệ nhân tạo; 'Triệt hạ' đường dầu Nga; Tính toán sai ở Phi; Điều chỉnh đối ngoại với TQ; Pháp 'tái công nghiệp hóa'

Dự thảo luật trí tuệ nhân tạo của châu Âu có gì?

Hai ủy ban của Nghị viện châu Âu đã ủng hộ việc thiết lập các quy tắc về cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tổng quát như ChatGPT ở Liên minh châu Âu (EU). Sau khi được phê duyệt, chúng sẽ trở thành "quy tắc đầu tiên của thế giới" về công nghệ AI.

Bộ quy tắc AI đầu tiên trên thế giới

Đại đa số các nhà lập pháp châu Âu (MEP) trong ủy ban về quyền tự do dân sự và bảo vệ người tiêu dùng đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo Đạo luật AI.

Theo một tuyên bố được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu, dự thảo sẽ đưa ra các hạn chế về cách thức công nghệ có thể được sử dụng trên khắp châu Âu.

Các quy tắc dự thảo sẽ được trình bày trước toàn thể Nghị viện châu Âu vào tháng tới để bỏ phiếu thông qua. Sau đó, các chi tiết sẽ được hoàn thiện với các quốc gia thành viên EU và Ủy ban châu Âu trước khi được đưa ra thành luật.

Các quy định về AI đã trở nên cấp bách hơn trước sự phát triển nhanh chóng của các phần mềm AI như ChatGPT. Cuộc cách mạng đã mang lại những lợi ích và cơ hội do mới cho ngành công nghệ, nhưng cũng cho thấy những nguy cơ mà AI có thể tạo ra.

"Chúng tôi sắp đưa ra luật mang tính bước ngoặt phải chống lại thách thức của thời gian. Điều quan trọng là xây dựng niềm tin của người dân vào sự phát triển của AI", ông Brando Benifei, đại diện của Ý cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi tin rằng dự thảo này cân bằng giữa việc cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp và kích thích sự đổi mới ở châu Âu”.

Đạo luật AI là gì?

Đạo luật AI được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2021, đặt ra các quy tắc quản lý cho bất kỳ sản phẩm và dịch vụ nào sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Các sản phẩm và dịch vụ AI sẽ được phân chia thành 4 cấp, với các ứng dụng rủi ro hơn sẽ phải đối mặt với các quy định khắt khe hơn, đòi hỏi sự minh bạch và chính xác hơn.

Các công cụ kiểm soát nhằm mục đích xác định trước tội phạm sẽ có thể xảy ra ở đâu và do ai thực hiện. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt từ xa cũng sẽ bị cấm ngoại trừ việc chống lại và ngăn chặn một mối đe dọa khủng bố cụ thể.

"Mục đích là để tránh một xã hội bị kiểm soát dựa trên AI", ông Benifei cho hay. "Chúng tôi cho rằng rủi ro công nghệ này được sử dụng cho mục đích xấu là quá cao".

Mặc dù tài liệu gốc không đề cập chi tiết về chatbot, nhưng các nhà lập pháp đã bổ sung một bản sửa đổi để đặt ChatGPT và AI tổng quát tương tự ngang hàng với các hệ thống có rủi ro cao.

Sau khi được thông qua, EU cho biết luật này sẽ bao gồm "các quy tắc đầu tiên trên thế giới về trí tuệ nhân tạo".

(Nguồn: Công Luận)

EU tính 'triệt hạ' thêm một tuyến đường dầu Nga sang châu Âu, quốc gia thành viên dọa chặn hết trừng phạt

Ngày 12/5, truyền thông châu Âu đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất ngừng cung cấp dầu của Nga thông qua đường ống Druzhba nhánh phía Bắc đến Đức và Ba Lan.

Đường ống dẫn dầu Druzhba bắt nguồn từ vùng Samara (Nga), đi qua Bryansk rồi phân thành hai nhánh: nhánh phía Bắc (qua lãnh thổ Belarus, Ba Lan, Đức) và nhánh phía Nam (qua lãnh thổ Ukraine, Czech, Slovakia, Hungary).

EU đã áp đặt cấm vận dầu mỏ của Nga nhưng miễn trừ đối với nguồn cung thông qua tuyến đường ống Druzhba. Dự kiến, khối 27 quốc gia thành viên sẽ xem xét sáng kiến "chặn" Druzhba trong quá trình thảo luận về gói trừng phạt mới chống lại Moscow.

Cần lưu ý rằng, Đức và Ba Lan đã ngừng nhập khẩu dầu thô qua tuyến đường ống Druzhba và nếu việc chặn tuyến đường này diễn ra, nó chủ yếu mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, EU sẽ tiếp tục duy trì việc miễn trừ cho đường ống Druzhba nhánh phía Nam.

Ngày 5/12/2022, lệnh cấm vận của EU đối với việc cung cấp dầu mỏ của Nga có hiệu lực và bắt đầu áp dụng giá trần, theo đó, dầu thô từ Nga có giá không quá 60 USD/thùng.

Những hạn chế này áp dụng cho dầu vận chuyển bằng đường biển và miễn trừ đối với tuyến đường ống Druzhba. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh tiến hành các biện pháp trả đũa, cấm bán dầu mỏ theo quy định giá trần.

Trong diễn biến liên quan các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Moscow, ngày 12/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nhấn mạnh, chừng nào Ngân hàng OTP lớn nhất của nước này còn nằm trong danh sách ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Bubdapest sẽ khó có thể đàm phán về các biện pháp trừng phạt mới.

Theo ông Szijjarto, việc đưa ngân hàng này của Hungary vào danh sách trừng phạt là điều tai tiếng, bởi OTP không vi phạm bất cứ luật nào.

Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Hungary được đưa ra khi cuối tuần trước, Ủy ban châu Âu gửi các đề xuất về gói trừng phạt thứ 11 chống lại Nga tới chính phủ các nước thành viên.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Tính toán sai lầm của phương Tây ở châu Phi

Phương Tây cần tôn trọng các giá trị địa phương khi can dự với các chính phủ châu Phi, nếu không, phản ứng dữ dội chống phương Tây sẽ gia tăng.

Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan phân tích địa chính trị, kinh tế, an ninh và năng lượng GIS (có trụ sở tại Thụy Sĩ), châu Phi, khu vực láng giềng phía nam của châu Âu, ngày càng được chú ý. Một mặt, giới chính trị phương Tây không thúc đẩy hợp tác và tăng trưởng ở các nước châu Phi. Mặt khác, các phương tiện truyền thông thường mô tả châu Phi theo cách tiêu cực. Kết quả là dư luận của khu vực đối với phương Tây cũng bị ảnh hưởng.

Không thể phủ nhận châu Phi là một lục địa có tương lai tươi sáng. Hầu hết các vùng lãnh thổ (ngoại trừ sa mạc và vùng Sahel) có đất đai màu mỡ thích hợp cho nông nghiệp và lâm nghiệp. Khu vực này có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đang trải qua sự bùng nổ nhân khẩu học. Dân số ngày càng tăng này có ý nghĩa kinh tế và xã hội đối với người châu Phi và tương lai của họ.

Về địa chiến lược, châu Phi có vị trí chiến lược đặc biệt giữa Ấn Độ Dương và Nam Đại Tây Dương. Lục địa này đã trở thành một trong những nơi diễn ra cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, một nước Nga quyết đoán hơn, và ở một mức độ thấp hơn, các cường quốc châu Âu truyền thống và Mỹ. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đang gia tăng dấu ấn của họ trên lục địa châu Phi.

Thật không may, các cường quốc thực dân châu Âu truyền thống đã từ bỏ châu Phi hoặc tiếp tục đối xử với khu vực này theo cách "gia trưởng". Cả Mỹ và EU đều tìm cách thúc đẩy chính quyền châu Phi hướng tới các giá trị cụ thể, khiến sự hỗ trợ của họ trở thành có điều kiện đối với một số vấn đề nhất định. Trong khi một số nội dung trong số này được khuyến khích, nhưng lại không tính đến văn hóa và truyền thống của người châu Phi. Điều này đã khiến người châu Phi coi một số hành động nhất định của phương Tây là chủ nghĩa thực dân mới.

Trong khi đó, Trung Quốc đã và đang tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích thực sự cho các nước châu Phi, đồng thời hạn chế chỉ trích các vấn đề liên quan đến quản trị và giá trị. Mục tiêu của Bắc Kinh rất rõ ràng: Cung cấp sự hỗ trợ mang tính hữu hình và đổi lại, Bác Kinh được mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế, nâng cao vị thế địa chiến lược của mình.

Với Nga, Moskva chủ yếu tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho các chế độ cầm quyền. Thoạt nhìn, các mục tiêu của Nga tương tự như của Trung Quốc. Tuy nhiên, có một góc độ khác. Moskva tham gia đáng kể vào khu vực Sahel. Khu vực này, ngay phía Nam sa mạc Sahara, không chỉ phải đối mặt với nội chiến, đảo chính và tấn công khủng bố mà còn cả tình trạng quá tải dân số và hạn hán, nhưng lại giàu tài nguyên.

Những sáng kiến ​​sai lầm của phương Tây

Các chính trị gia hàng đầu của Mỹ, chẳng hạn như Phó Tổng thống Kamala Harris, thường xuyên công du châu Phi. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã đến thăm một số nước châu Phi.

Trong những chuyến đi này, cả các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đều ưu tiên dân chủ, hội nhập, nhân quyền và quản trị. Mặc dù đây là những vấn đề quan trọng, nhưng điều cần thiết là phải thừa nhận rằng người châu Phi cần tự phát triển những khía cạnh này theo cách phù hợp với điều kiện và giá trị sống của họ. Nếu không, có thể có những phản ứng mạnh mẽ và ngoài ý muốn.

Vấn đề đồng tính luyến ái (LGBTQ) là một ví dụ điển hình của một sáng kiến ​​phản tác dụng. Vận động cho quyền tự do LGBTQ là mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt là trong chuyến công du khu vực của bà Harris.

Trong khi đó, Uganda gần đây đã ban hành luật cấm đồng tính luyến ái và chuyển đổi giới tính, đưa ra các hình phạt nghiêm khắc. Các luật tương tự đã tồn tại ở một số quốc gia khác, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ thế giới phương Tây.

Sẽ không chính xác khi cho rằng các nền văn hóa châu Phi vốn ủng hộ hoặc chống LGBTQ; thông thường, nó đơn giản không phải là một vấn đề. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo và công dân châu Phi rất nhạy cảm với những nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt các biện pháp hạn chế tỷ lệ sinh.

Về mặt sinh học, đồng tính luyến ái làm hạn chế tỷ lệ sinh. Do đó, áp lực này tạo ra một phản ứng dữ dội. Có thể dự đoán rằng càng nhiều giới chức phương Tây thúc đẩy quyền LGBTQ ở những quốc gia này, thì sự phản kháng sẽ càng gay gắt hơn.

Ngoài vấn đề giá trị, cách tiếp cận vụng về nhằm thúc đẩy các giá trị phương Tây sẽ không giúp phương Tây đảm bảo châu Phi là một đồng minh. Bên cạnh đó, thay vì hỗ trợ tài chính có điều kiện, sẽ hữu ích hơn nếu phương Tây nới lỏng các rào cản thương mại – đặc biệt là các rào cản của châu Âu – đối với các nước châu Phi.

Tóm lại, việc áp dụng các chính sách thực dụng hơn và ngừng mang tính "chỉ đạo" sẽ không chỉ cải thiện việc quản lý ở châu Phi mà còn củng cố vị thế của phương Tây trong cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu.

(Nguồn: Soha)

EU thống nhất sơ bộ về điều chỉnh đối ngoại với Trung Quốc

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các nguyên tắc chính trong quan hệ với Trung Quốc, dù được dự báo sẽ có những điều chỉnh vì lợi ích mỗi nước.

"Các ngoại trưởng đồng ý về những điều cơ bản trong việc điều chỉnh lại chiến lược của chúng tôi đối với Trung Quốc, xem xét diễn biến trong nước gần đây ở Trung Quốc và quỹ đạo chính sách đối ngoại", Cao ủy EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell nói hôm 12/5.

Dù vậy, ông Borrell thừa nhận các quốc gia sẽ cố thay đổi nội dung tài liệu trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 6, theo Bloomberg.

"Chắc chắn chúng tôi có những cách tiếp cận khác nhau vì có những lợi ích khác nhau", ông Borrell nói, đưa ra những ví dụ về quốc gia xuất khẩu lớn sang Trung Quốc như Đức, đến những nước hầu như không có quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.

Tài liệu sơ bộ do bộ phận chính sách đối ngoại của EU soạn thảo kêu gọi các thành viên tránh bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, tái khẳng định lập trường coi Bắc Kinh vừa là đối thủ vừa là đối tác, và sẽ cân bằng trong cách tiếp cận dựa vào phản ứng của Trung Quốc với châu Âu.

Các nước EU đã và đang cố gắng thống nhất lập trường chung để phản ứng trước tiềm lực kinh tế từ Trung Quốc, với nhiều thành viên cho rằng Bắc Kinh đang dần trở thành đối thủ hơn đối tác. Một số quốc gia EU đề xuất hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.

Song, ông Borrell nói quan hệ giữa EU với Trung Quốc cũng sẽ dựa vào lập trường của Bắc Kinh với tình hình tại Ukraine. Ngoài ra, một số quan chức EU, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gần đây nhấn mạnh về việc "giảm rủi ro" thay vì "giảm liên kết" trong quan hệ với Trung Quốc.

(Nguồn: Zing News)

Tổng thống Macron loan báo kế hoạch “tái công nghiệp hóa” nước Pháp

Phát biểu hôm qua, 11/05/2023, tại điện Elysée, Paris, trước các tác nhân chủ chốt của nền công nghiệp Pháp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ chiến lược “đẩy nhanh” tiến trình “tái công nghiệp hóa” đất nước.

Để tăng tốc độ công nghiệp hóa trở lại nước Pháp, tổng thống Macron đã loan báo một loạt biện pháp, trong đó nổi bật là đơn giản hóa thủ tục tới mức giảm đi một nửa thời gian cần thiết để lập một cơ sở công nghiệp mới tại Pháp, từ 17 đến 18 tháng hiện nay xuống còn “tối đa” là 9 tháng.

Để có thể có mặt bằng cho các cơ sở công nghiệp trong bối cảnh đất đai khan hiếm, Nhà nước sẽ đầu tư một tỷ euro vào việc “giải tỏa” các cơ sở hoang phế để cung ứng cho các dự án trong tương lai.

Tổng thống Macron cam kết cấp thêm 700 triệu euro để phát triển đào tạo nhân lực cho các “công việc tương lai”, hoặc “đang thiếu” trong ngành công nghiệp.

Ngoài ra nguyên thủ Pháp còn loan báo lập mức giảm thuế mới, ưu đãi, cho các dự án đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời, máy bơm nhiệt và pin. Biện pháp này dự kiến ​​sẽ tạo ra các khoản đầu tư tư nhân với tổng trị giá lên đến 20 tỷ euro vào năm 2030, tạo ra hàng chục nghìn việc làm.

Chính phủ của tổng thống Macron muốn tăng cường đầu tư vào các công nghệ thân thiện với môi trường để Pháp không bị tụt lại phía sau Mỹ, vì Washington đã cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho các công ty thông qua Đạo Luật Chống Giảm Phát.

Theo ông Macron, hỗ trợ của Nhà nước Pháp cho việc mua xe điện sẽ được dành cho những chiếc xe được sản xuất tại châu Âu.

ProLogium (Đài Loan) đầu tư 5,2 tỷ euro vào Pháp

Ngay sau khi tổng thống Pháp loan báo kế hoạch tái công nghiệp hóa, tập đoàn ProLogium của Đài Loan thông báo quyết định thành lập nhà máy sản xuất pin đầu tiên ở nước ngoài tại Dunkerque, miền bắc nước Pháp.

Các lãnh đạo ProLogium cho biết họ có kế hoạch đầu tư 5,2 tỷ euro vào nhà máy từ nay đến năm 2030, tạo ra 3.000 việc làm trực tiếp trong cơ sở, và 12.000 việc làm gián tiếp cho toàn vùng.

Nhà máy của Đài Loan sẽ là nhà máy sản xuất pin thứ tư của Pháp, tất cả đều nằm ở vùng Hauts-de-France, miền bắc Pháp

Trước khi chọn nơi đặt nhà máy đầu tiên tại châu Âu , công ty ProLogium đã đánh giá 90 địa điểm trên hàng chục quốc gia trong đó có Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan và Vương quốc Anh.

(Nguồn: RFI)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang