- Thời sự
- EU
Nhiều quốc gia châu Âu đã triển khai loạt biện pháp phòng chống tại các con sông lớn, trong bối cảnh hàng chục thị trấn và thành phố trên khắp Trung Âu bị nhấn chìm bởi trận lũ lụt tàn khốc khiến ít nhất 19 người thiệt mạng.
Reuters ngày 17/9 đưa tin, các con sông vẫn tiếp tục tràn bờ ở Czech, trong khi mực nước sông Danube đang dâng cao ở Slovakia và Hungary, và một số khu vực ở Áo và Romania cũng bị ngập trong nước lũ.
Khu vực biên giới Czech - Ba Lan được nhận định là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi mưa lũ xuất hiện vào cuối tuần qua, với việc các con sông tràn bờ kéo theo nước lũ gây sập cầu và phá hủy nhà cửa.
Tại Romania, lũ lụt đã khiến 7 người thiệt mạng. Lũ lụt cũng cướp đi sinh mạng của 4 người ở Ba Lan, 5 người ở Áo và 3 người ở Czech. Cho đến nay, hàng chục nghìn hộ gia đình tại Czech và Ba Lan vẫn không có điện hoặc nước ngọt.
Trong đêm 16/9, các tình nguyện viên cùng nhân viên cứu hộ đã nỗ lực đắp lại bờ kè bị vỡ xung quanh Nysa - thành phố có hơn 40.000 người sinh sống ở phía Tây Nam Ba Lan. Ba Lan đã ban bố tình trạng thảm họa ở khu vực này và dành riêng 260 triệu USD để cứu trợ nạn nhân vùng lũ.
Tại nước láng giềng Czech, Thống đốc vùng Đông Bắc Moravia-Silesia Josef Belica cho biết 15.000 người đã được sơ tán. Đây là một trong hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt ở Czech. Trực thăng cũng đang được điều động chuyển hàng cứu trợ đến các khu vực bị cô lập bởi nước lũ.
Tại Hungary, các thị trấn lịch sử Visegrad và Szentendre ở phía Bắc Budapest đã xây dựng các đập di động để chuẩn bị ứng phó với nguy cơ lũ lụt trên sông Danube. Hungary cho biết sẽ triển khai nhiều binh sĩ nhất có thể để hỗ trợ nỗ lực phòng chống lũ lụt, trong đó có 1.400 binh sĩ đã hỗ trợ trên bộ.
Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín dụng Morningstar DBRS ước tính, thiệt hại do lũ lụt trên khắp Trung Âu sẽ có thể lên đến hơn một tỷ euro ( tương đương 1,1 tỷ USD).
Cựu Chủ tịch ECB, Mario Draghi, vừa công bố bản báo cáo cạnh tranh châu Âu, trong đó khuyến nghị EU cần học theo Mỹ trong việc thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và đổi mới sáng tạo.
Giới hoạch định kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) có lẽ muốn đi theo con đường của Mỹ. Nhưng điều này đòi hỏi sự can thiệp mạnh hơn của nhà nước, cả về chính sách công nghiệp và thương mại – bài phân tích trên tờ Wall Street Journal ngày 16/9 đã nêu ra quan điểm này.
Giới chính trị EU đã gặp cú sốc hồi tuần trước, khi ông Mario Draghi – cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), người có công lớn trong việc “chèo lái” Khu vực đồng euro (Eurozone) hồi năm 2012, công bố báo cáo vốn rất được mong đợi. Báo cáo chỉ ra cách chặn đứng tình trạng đình lạm kinh tế của khu vực, vốn đang ngày một tệ hơn do cạnh tranh từ hàng xuất khẩu Trung Quốc và việc chấm dứt kỷ nguyên năng lượng nhập khẩu giá rẻ từ Nga.
Trọng tâm của báo cáo khuyến nghị EU cần học theo Mỹ trong việc thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và đổi mới sáng tạo. Tài liệu dẫn chứng việc không có một công ty châu Âu nào có mức vốn hóa thị trường trên 100 tỷ euro (110 tỷ USD) được tạo mới trong 50 năm qua. Còn tại Mỹ, những tập đoàn như Apple, Microsoft, Nvidia, Amazon, Alphabet hay Meta đều có mức vốn hóa thị trường vượt 1.000 tỷ USD.
Nhưng việc tiến dần lại mô hình của Mỹ có nghĩa là gì? Ông Draghi nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực công nghệ, cho rằng đây là lĩnh vực đóng góp phần lớn vào tăng trưởng sản xuất vượt trội của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 20 năm qua. Theo ông, châu Âu không thể tiếp tục mắc kẹt trong những ngành công nghiệp cũ.
Việc nhấn mạnh phát triển theo chiều dọc của một ngành đơn nhất này đánh dấu bước từ bỏ lớn so với nguyên trạng hậu những năm 1980, vốn đề cao thị trường tự do, tinh thần doanh nghiệp và những chính sách phát triển bề ngang nhằm thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế châu Âu như đào tạo lực lượng lao động, xây dựng hạ tầng. Quan điểm này được nêu bật trong Hiệp ước Maastricht vốn là nền tảng cho sự ra đời của EU.
Tại sao Mỹ năng suất hơn là một câu hỏi cũ. Câu hỏi đã được Chủ tịch Đại học Kinh tế London Allyn Young nêu ra từ năm 1928. Ông Young phủ nhận khoảng cách này là do các công ty Mỹ vận hành tốt hơn. Theo ông, “thị trường nội địa lớn nhất thế giới đồng nghĩa với việc các phương pháp năng suất mang lại lợi ích kinh tế, và lợi nhuận tại Mỹ vượt trội so với bất kỳ nơi nào khác”. Theo thời gian, thực tế này dẫn đến sự bùng nổ của những ngành tinh vi nhất tại Mỹ.
Kết luận ở đây là các công ty chỉ chấp nhận đầu tư lớn để nâng cao năng suất nếu họ hoạt động trong những ngành tăng trưởng có ý nghĩa. Đó là lý do tại sao châu Âu tụt hậu so với Mỹ trong tỷ lệ đầu tư phi xây dựng. Ba nhà chi tiêu hàng đầu cho nghiên cứu ở EU vẫn luôn là các tập đoàn ô tô chạy nhiên liệu xăng.
Trong khi đó, tại Mỹ, đầu tư lớn nhất cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là ngành ô tô và dược phẩm trong những năm 2000, sau đó chuyển sang lĩnh vực phần mềm và phần cứng trong thập kỷ 2010 và mới nhất là khu vực ứng dụng kỹ thuật số. Các nước không thể dễ dàng dịch chuyển sang những ngành phức tạp, tinh vi này, bởi lợi nhuận có tăng theo quy mô hay không luôn là một rào cản tự nhiên.
Thực tế, lý thuyết về lợi thế so sánh hay ngay cả tác động của tỷ giá hối đoái, dòng chảy vốn không đồng trục cũng không thể giải thích triệt để về thế giới ngày nay, một thế giới mà “người thắng thắng cả thị trường”, cùng với thâm hụt thương mại cố hữu và quá trình tích tụ tập trung vào một số ít các siêu đô thị.
Lịch sử các nước từng tìm cách vượt lên về kinh tế cũng không giúp lý giải xu thế này. Trong giai đoạn đuổi theo Anh vào thế kỷ thứ 19, Mỹ là nước triệt để sử dụng chủ nghĩa bảo hộ công nghiệp. Còn với những trường hợp thành công gần đây như Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ lại dựa nhiều vào các khu vực kinh tế và thị trường xuất khẩu ưu tiên.
Mỹ là quốc gia tiên phong ủng hộ thương mại tự do đa phương trong suốt nửa cuối thế kỷ 20 và mãi gần đây vẫn duy trì động lực này. Các công ty tại Thung lũng Silicon, vốn được khởi sinh từ đầu tư quân sự trước đó, sử dụng mạng lưới các nền kinh tế để trở thành người đi đầu thế giới. Nhưng Mỹ bắt đầu thay đổi quan điểm khi Trung Quốc nổi lên là đối thủ trực tiếp.
Trợ cấp công nghiệp cùng với thị trường nội địa rộng lớn giúp Trung Quốc “tấn công” các thị trường toàn cầu với sản phẩm xe điện, tấm pin năng lượng Mặt trời cùng nhiều công nghệ hiện đại khác được chế tạo với mức chi phí mà các đối thủ phương Tây có quy mô nhỏ hơn không thể nào cạnh tranh được.
Phản ứng đầu tiên đến từ đòn trừng phạt thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump. Kế đến là Đạo luật CHIP và Khoa học, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) dưới thời đương kim Tổng thống Joe Biden với các khoản chi mạnh tay của liên bang hỗ trợ ngành bán dẫn, xe điện và năng lượng sạch nội địa. Dù có trải qua "đau đớn", như "vết thương" mà Intel phải trải qua, nhưng các biện pháp đó đã mang đến sự bùng nổ trong ngành xây dựng chế tạo ở Mỹ.
Nhưng châu Âu đã không thể đạt được cấp độ hành động như vậy. Châu lục này bị tê liệt bởi quản trị rời rạc, lợi ích của các công ty Đức ở Nga và Trung Quốc, cùng với đó là luồng quan điểm tin vào truyền thống tự do thị trường của chính mình. Bản kế hoạch 400 trang của ông Draghi đề xuất một chính sách thương mại dựa trên “phân tích từng trường hợp cụ thể” về lĩnh vực nào sẽ giúp tăng trưởng sản xuất, cùng với đó là một chiến lược công nghiệp dựa vào các ngành lựa chọn thay vì từng "người thắng" cụ thể.
Trong lĩnh vực bán dẫn, tài liệu nhấn mạnh cần chú trọng vào những điểm mạnh của châu Âu như ô tô, thiết bị mạng kết nối, coi đây là lĩnh vực cần được trợ cấp. Về không gian kinh tế, kế hoạch hướng đến các nguyên tắc ưu tiên có chọn lựa để đẩy nhanh quy mô của các công ty nội địa. Trong công nghệ năng lượng Mặt trời, tài liệu đề cập đến đến việc chống lại hành vi thương mại và dư thừa công suất đến từ Trung Quốc, đồng thời cảnh báo việc trả đũa quá mạnh tay có thể hủy hoại thặng dư thương mại của khối về công nghệ điện gió.
Đã có một tiền lệ. Đầu những năm 1990, Airbus là một liên doanh thua lỗ của nhiều quốc gia châu Âu. Nhờ sự hậu thuẫn của chính quyền cùng với một chiến lược thương mại chọn lọc, Airbus hiện là nhà chế tạo máy bay hàng đầu thế giới.
Cái gọi là Đồng thuận Washington (cụm từ xuất hiện từ đầu thập niên 1990 để mô tả một chương trình cải cách kinh tế bao gồm 10 chính sách khác nhau được các tổ chức đóng trụ sở tại Washington như Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Ngân hàng Thế giới - WB, Bộ Tài chính Mỹ đề nghị áp dụng ở những nước trải qua khủng hoảng kinh tế) ở cuối thế kỷ XX đã đề cao tự do thương mại giảm vai trò quản lý kinh tế của nhà nước. Ngày nay, việc bước vào “Đội tuyển Mỹ” đồng nghĩa với việc chấp nhận chủ nghĩa bảo hộ chọn lọc cùng với các gói trợ cấp quy mô lớn cho các ngành công nghệ cao.
Việc Intel dừng các dự án ở châu Âu là “đòn giáng” vào nỗ lực của EU nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong một số công nghệ quan trọng, bao gồm chất bán dẫn.
Gã khổng lồ công nghệ Intel có trụ sở tại Mỹ vừa thông báo sẽ hoãn việc xây dựng một nhà máy sản xuất vi mạch lớn tại Magdeburg, Đức và cũng đình chỉ một khoản đầu tư khác tại Ba Lan trong 2 năm nhằm bù đắp những khoản lỗ lớn.
"Chúng tôi sẽ tạm dừng các dự án của mình tại Ba Lan và Đức trong khoảng 2 năm dựa trên nhu cầu thị trường dự kiến", CEO Intel Patrick P. Gelsinger cho biết trong một bài đăng trên blog vào tối muộn hôm 16/9.
Hai dự án – được tài trợ một phần thông qua tài trợ chính phủ – là những phần quan trọng trong nỗ lực của EU nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội khối để tăng khả năng phục hồi và tính độc lập của ngành này. Đạo luật Chips của EU, có hiệu lực kể từ tháng 9 năm ngoái, đặt mục tiêu tăng gấp đôi thị phần sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của châu Âu lên 20% vào năm 2030.
Khoản đầu tư 30 tỷ Euro của Intel vào Magdeburg là dự án lớn nhất được lên kế hoạch theo Đạo luật Chips của EU, với 1/3 số tiền đến từ các khoản trợ cấp của chính phủ Đức. Dự án trị giá 4,2 tỷ Euro của công ty tại Ba Lan được ca ngợi là "khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Ba Lan". Trong số đó, 1,7 tỷ Euro sẽ đến từ viện trợ của nhà nước, theo truyền thông Ba Lan.
Các kế hoạch đầy tham vọng này dường như đã bị cản trở bởi những khó khăn về tài chính của Intel. Intel đang tiến gần đến năm thứ 3 liên tiếp doanh số bán hàng giảm, với giá cổ phiếu mất khoảng 56% giá trị vào năm 2024, khiến công ty trở thành một trong những cổ phiếu có hiệu suất kém thứ hai trên chỉ số S&P 500.
Hồi tháng 8, Intel báo cáo khoản lỗ 1,6 tỷ USD (1,4 tỷ Euro) trong quý II năm nay, cũng như các đợt sa thải đáng kể, "tái cơ cấu và hoạt động trên toàn công ty" và cắt giảm chi tiêu hơn 10 tỷ USD vào năm 2025 so với dự kiến.
"Mọi con mắt đều đổ dồn vào Intel kể từ khi chúng tôi công bố thu nhập quý II", ông Gelsinger viết. Vị CEO là người đã cố gắng mở rộng mạng lưới nhà máy của công ty trong bối cảnh doanh số bán hàng giảm. Cuối cùng gã khổng lồ Mỹ đã cân nhắc một số lựa chọn để giải quyết các khoản lỗ, bao gồm cả việc tách bộ phận sản xuất của mình, trước khi quyết định đình chỉ các dự án tại Đức và Ba Lan, Bloomberg đưa tin.
Intel vẫn kiên định với các khoản đầu tư của mình tại Mỹ, quốc gia cũng đang cố gắng tăng cường năng lực sản xuất chip của mình. Hôm 16/9, Intel cũng thông báo rằng họ đã được cấp thêm 3 tỷ USD (2,7 tỷ Euro) tiền tài trợ trực tiếp của chính phủ để phát triển chất bán dẫn cho quốc phòng và tình báo. Con số này nằm ngoài khoản tài trợ trực tiếp 8,5 tỷ USD, cắt giảm thuế lên tới 25 tỷ USD và các khoản vay lên tới 11 tỷ USD mà công ty này đã đạt được thỏa thuận trước đó với Bộ Thương mại Mỹ.
Việc Intel dừng các dự án ở châu Âu là "đòn giáng" vào nỗ lực của EU nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong một số công nghệ quan trọng, bao gồm chất bán dẫn. Động thái này của công ty Mỹ cũng gây rắc rối cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, người hôm 17/9 vừa công bố đội ngũ của mình cho nhiệm kỳ 2 và muốn một "chiến lược công nghiệp mạnh mẽ hơn".
Hôm nay (17/9), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bổ nhiệm Bộ trưởng Teresa Ribera của Tây Ban Nha làm ủy viên phụ trách vấn đề chống độc quyền, cựu Thủ tướng Estonia Kaja Kallas làm quan chức phụ trách chính sách đối ngoại.
Chính trị gia Andrius Kubilius của Lithuania sẽ trở thành ủy viên quốc phòng đầu tiên của liên minh, một vai trò mới được thiết kế để xây dựng năng lực sản xuất quốc phòng cho châu Âu trong bối cảnh cuộc xung đột tiếp diễn ở Ukraine .
Ủy ban châu Âu là cơ quan quyền lực nhất của Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia thành viên. Ủy ban có thẩm quyền đề xuất luật mới của EU, ngăn chặn các vụ sáp nhập công ty và ký các thỏa thuận thương mại tự do.
Mỗi quốc gia thành viên EU có một đại diện trong Ủy ban, vai trò tương đương với một bộ trưởng chính phủ.
Danh sách Ủy viên mới của EU còn có Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne, phụ trách chiến lược công nghiệp, còn ông Maros Sefcovic của Slovakia sẽ giám sát các chính sách thương mại.
Tất cả ứng cử viên sẽ phải trải qua phiên điều trần với các nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu để được chính thức phê chuẩn.
Bà Von der Leyen cho biết Ủy ban mới sẽ tập trung thúc đẩy sự thịnh vượng, an ninh và dân chủ, cũng như khả năng cạnh tranh cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh và số hóa.
"Chúng tôi muốn xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh, phi carbon và tuần hoàn với quá trình chuyển đổi công bằng cho tất cả mọi người", bà Von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17/9.
So với nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của bà, "khía cạnh an ninh, do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như vấn đề về năng lực cạnh tranh sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến hoạt động của bộ máy mới", Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết.
Bà Ribera, người vốn là Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái của Tây Ban Nha, sẽ thay thế bà Margrethe Vestager - người đứng đầu cơ quan chống độc quyền, với nỗ lực gây áp lực lên các tập đoàn công nghệ (Big Tech).
Bà cũng sẽ giám sát vấn đề trợ cấp nước ngoài, một vấn đề nóng khác khi các công ty trong nhiều lĩnh vực quan trọng như xe điện và sản xuất năng lượng đang phải vật lộn để bảo vệ hoạt động kinh doanh của họ trước sự cạnh tranh giá rẻ từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc.
Bộ máy mới của Ủy ban EU dự kiến sẽ nhậm chức vào cuối năm nay, nghĩa là một trong những nhiệm vụ đầu tiên của họ sẽ diễn ra sau khi có kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Nếu ông Trump đắc cử, điều này sẽ làm thay đổi mạnh mẽ sự ủng hộ của phương Tây với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và gây đảo lộn quan hệ thương mại giữa EU với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dominique Pelicot thừa nhận đã chuốc thuốc mê vợ mình rồi để hàng chục người lạ cưỡng hiếp bà trong gần một thập kỷ, cầu xin sự tha thứ của gia đình khi nói với tòa án Pháp hôm 17/9: "Tôi là kẻ hiếp dâm".
Phiên tòa xét xử ông Pelicot, vốn là một trong những phiên tòa hình sự thu hút sự chú ý nhất của Pháp trong lịch sử gần đây, đã phải hoãn lại vào tuần trước do sức khỏe của bị cáo không tốt.
Ông Pelicot phải đối mặt với nhiều cáo buộc bao gồm hiếp dâm, hiếp dâm tập thể và xâm phạm quyền riêng tư bằng cách ghi lại và phát tán hình ảnh khiêu dâm.
Bị cáo đã phải chống gậy khi ra tòa sáng ngày17/9 và trao đổi với thẩm phán qua micrô. Luật sư của ông cho biết ông đã phải uống nhiều thuốc và được phép nghỉ giải lao để nằm xuống trong suốt cả ngày.
"Tôi là kẻ hiếp dâm giống như tất cả những bị cáo khác trong căn phòng này", ông nói. "Tôi mong vợ tôi, các con tôi, các cháu tôi chấp nhận lời xin lỗi của tôi. Tôi hối hận về những gì tôi đã làm. Tôi cầu xin sự tha thứ, ngay cả khi điều đó không thể tha thứ được".
Vụ án đã gây chấn động cả nước Pháp và gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc để ủng hộ vợ ông là bà Gisele, đồng thời phản đối bạo lực tình dục ở nam giới.
Ông Dominique Pelicot nói với tòa án rằng ông đã có một tuổi thơ khó khăn và bản thân ông đã từng là nạn nhân bị hiếp dâm. Theo truyền thông Pháp, đôi lúc ông đã khóc.
Bà Gisele Pelicot đã có mặt tại tòa án trong suốt thời gian ông ra tòa và được khán giả vỗ tay ủng hộ khi bà rời đi trong giờ nghỉ.
Xét xử công khai
Bà Gisele đã khăng khăng đòi xét xử công khai để vạch trần chồng bà và những người đàn ông khác bị buộc tội cưỡng hiếp bà, biến bà thành biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại bạo lực tình dục ở Pháp.
"Trong 50 năm, tôi đã sống với một người đàn ông mà tôi không bao giờ nghĩ rằng có thể thực hiện những hành vi hiếp dâm này", bà nói.
Bà Gisele Pelicot đã bắt đầu thủ tục ly hôn sau khi gặp các điều tra viên về vụ án.
Khi được một trong những luật sư hỏi liệu ông có nghĩ mình có thể lấy lại được niềm tin của người bạn đời trước đây của mình không, ông Pelicot nói: "Điều quan trọng là phải có hy vọng. Nếu không, mọi chuyện đã kết thúc ... Tôi đã bị sang chấn. Một phần là nhờ cô ấy mà tôi đã quên đi những khoảnh khắc tồi tệ này trong cuộc đời mình”.
Các công tố viên cho biết rằng ông Dominique Pelicot, người ban đầu bị bắt sau khi quay phim dưới váy của một người phụ nữ trong siêu thị, đã đề nghị được chia sẻ việc ông quan hệ tình dục với vợ mình trên một trang web có tên Coco và ông đã quay lại cảnh lạm dụng.
Ngoài Dominique Pelicot, 50 người đàn ông khác, từ 26 đến 73 tuổi, cũng đang bị xét xử về tội hiếp dâm tại thành phố Avignon ở phía nam nước Pháp.
Ông Dominique Pelicot cho biết tổng cộng có 72 người đàn ông tham gia vào hành vi lạm dụng người vợ khi đó của mình.
Trong khi một số bị cáo thừa nhận tội lỗi với các nhà điều tra, những người khác nói họ tin rằng họ đang thực hiện với sự tưởng tượng là một cặp đôi và bà Gisele Pelicot thực sự đã đồng ý quan hệ tình dục.
"Khi họ đến, họ đã biết mọi thứ. Họ đều biết mọi chuyện diễn ra như thế nào trước các cuộc gặp", ông Pelicot nói.
"Tôi muốn chứng minh rằng vợ tôi là nạn nhân chứ không phải là đồng phạm, để chứng minh rằng việc này hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu biết của cô ấy".
Các nhà điều tra đã tìm thấy 300 bức ảnh và một video về các hành vi và lưu chúng vào các tập hồ sơ, bao gồm một thư mục có tiêu đề "Lạm dụng", theo một tài liệu của tòa án.
Bà Gisele Pelicot nói với các nhà điều tra rằng bà bị suy giảm trí nhớ và đã tham khảo ý kiến của một bác sĩ phụ khoa về những cơn đau không rõ nguyên nhân.
Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 12. Nếu bị kết tội, các bị cáo phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm.
Nguồn: CAND; Bnews; Người Đưa Tin; Soha; VOA
EU: Vì sao lũ lụt; Doanh số bán ô tô mới giảm; NK dầu phá kỷ lục; Chính phủ mới ở Pháp gặp áp lực; Áo chia rẽ vì khí đốt Nga
EU: Nguy cơ thiếu khí đốt; Học mô hình kinh tế của Mỹ; Ống ngầm xuyên liên minh; Ác mộng với các công ty; Nợ công Pháp tiếp tục tăng
EU: Lũ lụt gây thiệt hại lớn; Kinh tế tụt hậu; Nhiều công ty vẫn làm ăn với Nga; Mối đe dọa kép từ TQ; Thách thức với tân nội các Pháp
EU: Nỗ lực chặn người di cư; Khả năng ECB giảm lãi suất; DN phụ thuộc hàng TQ; Siết quy định các dự án hydro; Họp bất thường vì Liban
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá