EU: Lập đạo luật AI; Tăng chi tiêu quốc phòng; Trừng phạt các nước giúp Nga; Ý vẫn cần dầu Nga, rút khỏi Vành đai & Con đường

Châu Âu tiên phong trong thiết lập đạo luật AI

(Ảnh minh họa).

Theo AP, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã dấy lên một cơn sốt từ người dùng trong sáng tác nhạc, sáng tạo hình ảnh và viết luận. Tuy nhiên, AI cũng đang khiến cộng đồng lo ngại về hệ lụy của nó.

Liên minh châu Âu EU đang nỗ lực xây dựng các quy định để quản lý công nghệ mới nổi này. Hai năm trước, khối 27 quốc gia đã đề xuất các quy định đầu tiên về AI, tập trung vào việc kiểm soát các rủi ro của ứng dụng AI, tuy nhiên, diện bao trùm còn hẹp. Vào thời điểm đó, các chatbot AI tiên tiến hầu như không được đề cập.

Dragos Tudorache, nghị sĩ người Romania của Nghị viện châu Âu, người dẫn đầu nỗ lực thiết lập quy định về AI, cho biết: "Sau đó, ChatGPT bùng nổ. Nếu vẫn còn một số người nghi ngờ liệu chúng ta có cần quy định gì về AI hay không thì tôi nghĩ nghi ngờ đó đã nhanh chóng tan biến."

Việc ra mắt ChatGPT vào năm ngoái đã thu hút sự chú ý của thế giới vì khả năng phản hồi lại các yêu cầu rất giống con người, dựa trên những dữ liệu đồ sộ ChatGPT có được.

Lo ngại nhiều hơn về vấn đều này, các nhà lập pháp châu Âu nhanh chóng thêm nội dung về các hệ thống AI khi họ tiến hành hoàn thiện luật lệ của mình.

Đạo luật AI của EU có thể trở thành tiêu chuẩn toàn cầu đối với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Sarah Chander, cố vấn chính sách cấp cao của nhóm quyền kỹ thuật số EDRi cho biết: "Châu Âu là khối đầu tiên cố gắng điều chỉnh mạnh mẽ AI. Đây là một thách thức lớn khi xem xét AI có thể bao hàm những gì". Các quy định sâu rộng của EU về AI, dự kiến ràng buộc mọi nhà cung cấp dịch vụ và các sản phẩm AI – đang nằm trong lịch trình thông qua của một cơ quan thuộc Nghị viện Châu Âu vào thứ Năm. Sau khi được cơ quan này nhất trí, bản dự thảo sẽ được đưa ra để thảo luận giữa 27 quốc gia thành viên, Nghị viện và Ủy ban điều hành của EU.

Toàn cầu lo ngại về AI

Các nhà chức trách trên toàn thế giới cũng đang cố gắng tìm ra cách kiểm soát AI để đảm bảo rằng công nghệ này giúp cải thiện cuộc sống của mọi người và không đe dọa đến quyền hoặc sự an toàn của họ. Các cơ quan quản lý cũng đang lo ngại về những rủi ro đạo đức và xã hội mới do ChatGPT và các hệ thống AI tương tự gây ra, quan ngại chúng có thể biến đổi cuộc sống hàng ngày, từ công việc, giáo dục sang vấn đề bản quyền và quyền riêng tư.

Nhà Trắng gần đây đã mời những người đứng đầu các công ty công nghệ đang phát triển AI như Microsoft, Google và người tạo ra ChatGPT OpenAI để thảo luận về các rủi ro này. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng cảnh báo rằng họ sẽ không ngần ngại trấn áp.

Trung Quốc cũng đã ban hành dự thảo quy định bắt buộc đánh giá bảo mật đối với bất kỳ sản phẩm nào sử dụng hệ thống AI tương tự như ChatGPT. Cơ quan giám sát cạnh tranh của Anh gần đây đã mở một cuộc đánh giá về thị trường AI, trong khi Italy đã cấm ChatGPT trong một thời gian ngắn do vi phạm quyền riêng tư.

Sự phát triển của AI cũng đang dấy lên sự lo ngại của chính giới công nghệ. Các nhà lãnh đạo thế giới công nghệ như Elon Musk và đồng sáng lập Apple Steve Wozniak đã kêu gọi tạm dừng sáu tháng quá trình phát triển AI để xem xét các rủi ro.

Geoffrey Hinton, một nhà khoa học máy tính tên tuổi và một chuyên gia tiên phong về AI Yoshua Bengio đã lên tiếng vào tuần trước về nguy cơ AI phát triển mà không được kiểm soát.

Ông Tudorache cho biết những cảnh báo như vậy cho thấy động thái của EU khi bắt đầu xây dựng các quy tắc về AI từ năm 2021 là "hành động đúng đắn".

Quan tâm tới bảo vệ quyền lợi và sự riêng tư của người dùng

Các điều khoản được bổ sung gần đây vào Đạo luật AI của EU sẽ yêu cầu các mô hình AI "nền tảng" như Chat GPT công bố những tài liệu bản quyền họ đã sử dụng trong quá trình lập kho dữ liệu cho Chat GPT, theo một dự thảo luật gần đây mà AP tiếp cận được.

Các mô hình nền tảng, còn được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn, là một hướng phát triển nhỏ của AI. Thuật toán của chúng được xây dựng từ một kho thông tin trực tuyến rộng lớn, như bài đăng trên blog, sách điện tử, bài báo khoa học hay danh mục các bài hát.

Ông Tudorache nói: "Cần nỗ lực đáng kể để lưu trữ lại tài liệu có bản quyền nào đã được sử dụng trong quá trình xây dựng thuật toán". Từ đó, các nghệ sĩ, nhà văn và những người sáng tạo nội dung khác có thể tìm cách ứng phó.

Theo phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro của EU, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đe dọa đến sự an toàn hoặc quyền của mọi người phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ.

Nhận dạng khuôn mặt từ xa dự kiến sẽ bị cấm. Việc quét bừa bãi các bức ảnh từ internet để khớp sinh trắc học và nhận dạng khuôn mặt cũng là điều không nên.

Chính sách dự đoán tâm lý và công nghệ nhận dạng cảm xúc, ngoài việc sử dụng trong điều trị hoặc y tế, cũng không còn được sử dụng rộng rãi. Hành động vi phạm có thể dẫn đến tiền phạt tới 6% doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty.

Dù đạo luật của EU nhận được sự chấp thuận cuối của toàn bộ các cơ quan liên quan, dự kiến muộn nhất là vào cuối năm này hoặc đầu năm 2024, thì văn bản cũng sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Sẽ có một khoảng thời gian chờ để các công ty và tổ chức thích ứng và tìm cách áp dụng các quy tắc mới

(Nguồn: Tổ Quốc)

Châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng kỷ lục

Trong năm qua, nhiều nước châu Âu đã gia tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phải chăng, thời kỳ của “cổ tức hòa bình”, khi các quốc gia dồn nguồn lực cho phát triển kinh tế thay vì đầu tư vào quân sự, đã khép lại?

Cuộc chạy đua mới

Theo báo cáo mà Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố cuối tháng 4, chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2022 đã tăng 3,7%, đạt tới mức kỷ lục 2,24 nghìn tỷ USD. Trong đó, khu vực Trung và Tây Âu có mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Cụ thể, chi tiêu quân sự của các quốc gia Trung và Tây Âu đạt 345 tỷ USD trong năm 2022, vượt qua mức chi tiêu của năm 1989, tức là ngay trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với dữ liệu so sánh đã quy đổi tỷ giá tương đương.

Phần Lan, nước mới đây trở thành thành viên thứ 31 của NATO, dẫn đầu với mức tăng 36%, tiếp theo là Lithua[1]nia (tăng 27%); Thụy Điển, nước đang tìm kiếm tư cách thành viên NATO cũng tăng 12% và đứng ngay dưới họ là Ba Lan (tăng 11%). Trong khi đó, Đan Mạch, một thành viên sáng lập của NATO, đã cam kết tăng chi tiêu quân sự từ khoảng 1,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 2% vào năm 2030.

"Sự gia tăng trong chi tiêu quốc phòng toàn cầu những năm gần đây cho thấy các quốc gia đang nỗ lực củng cố sức mạnh nhằm đối phó với môi trường an ninh ngày càng khó lường”, Nan Tian - nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Sản xuất vũ khí và Chi tiêu quân sự của SIPRI - cho biết.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thì đánh giá về việc chi phí quốc phòng tăng cao trên thế giới rằng: “Cổ tức hòa bình đã không còn nữa”. Khái niệm “cổ tức hòa bình” mà bà Georgieva đề cập đến vốn là một khẩu hiệu chính trị phổ biến sau kết thúc Chiến tranh Lạnh, được dùng để mô tả lợi ích kinh tế của việc giảm chi tiêu quốc phòng và ngừng chạy đua vũ trang.

Trong 3 thập kỷ kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã, hàng nghìn tỷ USD dành cho quân sự dần được chuyển sang các chương trình an sinh xã hội. Chẳng hạn Đan Mạch từ năm 1994 đến năm 2022 đã tăng gấp đôi số tiền dành cho chăm sóc sức khỏe. Trong cùng thời gian, Anh tăng hơn 90% chi tiêu cho những chương trình tương tự, Ba Lan thì tăng gấp đôi kinh phí cho các hoạt động văn hóa và nghệ thuật. Sự thay đổi trong chi tiêu của các chính phủ thời kỳ này có lẽ nổi bật nhất ở Đức, nơi ngân sách quốc phòng sụt giảm mạnh sau khi Đông và Tây Đức cũ thống nhất vào năm 1990.

Hubertus Bardt, Giám đốc điều hành của Viện Kinh tế Đức từng tổng kết ngắn gọn về chính sách thời kỳ đó rằng “quốc phòng luôn là khu vực cần tiết kiệm”. Vì thế, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã liên tục dành ít tiền hơn cho quân đội tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP so với các cường quốc khác như Pháp hoặc Anh.

Hệ quả của bối cảnh địa chính trị mới...

Nhưng, thời đại “cổ tức hòa bình” mà ưu tiên quốc phòng nhường chỗ cho thương mại và tăng trưởng kinh tế dường như đã kết thúc khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm ngoái. Bối cảnh địa chính trị biến động và những thách thức an ninh mới đã buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải đưa những điều chỉnh về ngân sách. Trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, chi tiêu quốc phòng của các thành viên châu Âu của NATO dự kiến sẽ đạt gần 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2026, tức là tăng 14% trong 5 năm, theo nghiên cứu của hãng tư vấn toàn cầu McKinsey & Company. Bây giờ, chi tiêu được ước tính sẽ tăng từ 53 đến 65%. Điều đó có nghĩa là hàng trăm tỷ USD lẽ ra có thể được đầu tư vào sửa chữa cầu cảng, phát triển đường cao tốc, chăm sóc trẻ em, nghiên cứu ung thư, tái định cư người tị nạn hoặc hỗ trợ các dàn nhạc công cộng... dự kiến sẽ được chuyển đến quân đội.

Theo Wall Street Journal, Ba Lan mới đây đã cam kết dành 4% GDP cho quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Đức thì yêu cầu thêm 11 tỷ USD vào năm tới, tức là tăng 20% chi tiêu cho quân sự. Tổng thống Emmanuel Macron cũng hứa sẽ tăng chi tiêu quân sự của Pháp lên hơn một phần ba cho đến năm 2030.

Tại Đan Mạch, các nhà lập pháp nước này hồi tháng 3 đã bỏ phiếu đồng ý loại bỏ một kỳ nghỉ lễ mùa xuân có tên Store Bededag (Ngày cầu nguyện vĩ đại) khỏi lịch quốc gia và có kế hoạch sử dụng tiền tiết kiệm từ việc này, khoảng 430 triệu USD, để tăng chi tiêu quân sự.

Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố kế hoạch nâng cấp và mở rộng hoạt động sản xuất vũ khí, trong đó chi 500 triệu euro cho các nhà chế tạo. Thierry Breton, Ủy viên Thương mại của EU cho biết, bên cạnh việc tìm cách tăng cường sản xuất vũ khí cho quân đội các nước châu Âu thuộc NATO, kế hoạch này có thể giúp các nước NATO đáp ứng thời hạn cung cấp 1 triệu viên đạn pháo cho Ukraine trong năm 2023.

Một số nhà phân tích lập luận rằng việc cắt giảm ngân sách quân sự của nhiều nước châu Âu đã sâu đến mức làm tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu cơ bản. Vì thế, những điều chỉnh là cần thiết. Và, các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng cũng có sự ủng hộ của công chúng một số nước đối với việc tăng chi tiêu quân sự, được minh chứng rõ ràng qua việc Phần Lan và Thụy Điển thay đổi chính sách quốc phòng khi xin gia nhập NATO.

Và gánh nặng mới...

Nhưng, ở hầu hết các nước khác, chuyện không dễ dàng như thế. Câu hỏi hóc búa là làm thế nào để chi trả cho sự thay đổi quan trọng trong các ưu tiên quốc gia vẫn là gánh nặng với nhiều nhà lãnh đạo.

Ví dụ, ở Pháp, chi tiêu của chính phủ - khoảng 1,4 nghìn tỷ euro - là mức cao nhất ở châu Âu nếu tính theo tỷ lệ phần trăm GDP. Trong số đó, gần một nửa được chi cho mạng lưới an sinh xã hội hào phóng của nước này, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, lương hưu. Và, dù nợ công cũng tăng cao sau đại dịch, Tổng thống Macron đã tuyên bố sẽ không tăng mức thuế vốn đã là một trong những mức cao nhất ở châu Âu, vì sợ làm các nhà đầu tư sợ hãi. Trong bối cảnh đó, việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ tạo ra áp lực cực lớn, nhất là khi Pháp còn đang đau đầu với những cuộc biểu tình phản đối cải cách tuổi nghỉ hưu vốn kéo dài từ đầu năm đến giờ.

Tại Anh, cùng thời điểm tháng 3 khi chính phủ công bố ngân sách bao gồm khoản chi tiêu quốc phòng trị giá 6,25 tỷ USD, hàng chục nghìn giáo viên, bác sĩ và công nhân vận tải đã tổ chức đình công đòi tăng lương và điều kiện làm việc. Đó chỉ là một trong hàng loạt cuộc xuống đường của những người lao động để phản đối tình trạng thiếu kinh phí, lạm phát cao và việc các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giao thông và giáo dục bị giảm sút sau đại dịch.

Romania, quốc gia đang tăng nợ công những năm qua, đã cam kết tăng chi tiêu quân sự trong năm nay thêm 0,5% GDP. Và, nước này cũng đã đồng ý mua một số lượng không được tiết lộ máy bay chiến đấu F-35, có giá niêm yết khoảng 80 triệu USD/chiếc. Mặc dù sự gia tăng chi tiêu kể trên sẽ giúp Romania đạt được mục tiêu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng mà NATO hướng đến, nhưng nó sẽ làm giảm nỗ lực đáp ứng các giới hạn nợ do EU đặt ra cho họ.

Ở Đan Mạch, hàng nghìn người cũng đã xuống đường tại thủ đô Copenhagen để phản đối kế hoạch hủy ngày nghỉ lễ Store Bededag. Các lãnh đạo công đoàn tại nước này nói rằng việc bỏ ngày lễ tôn giáo thiêng liêng có từ thế kỷ 17 khỏi lịch quốc gia là mối đe dọa đối với mô hình phúc lợi của Đan Mạch. Lizette Risgaard, người đứng đầu Liên đoàn Lao động FH, có 1,3 triệu thành viên, tuyên bố: “Các chính trị gia nên đứng ngoài thị trường lao động. Nếu không, họ sẽ vi phạm các thỏa thuận với chúng tôi”.

Một cuộc thăm dò gần đây của tổ chức nghiên cứu thị trường Epinion cho thấy một số lượng lớn người Đan Mạch phản đối việc hủy bỏ ngày lễ Store Bededag để tiết kiệm tiền cho quốc phòng. Chỉ 17% ủng hộ kế hoạch này, trong khi 75% phản đối.

Theo báo New York Times, nhu cầu chi tiêu quốc phòng tăng đột ngột (và có thể sẽ còn kéo dài ngay cả khi kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine) của các nước châu Âu đến rất không hợp thời điểm, bởi các khoản chi khổng lồ để chăm sóc dân số đang già đi nhanh chóng và tránh biến đổi khí hậu cũng đang cấp thiết. Chỉ riêng mục tiêu đầy tham vọng của EU là trung hòa carbon vào năm 2050 ước tính đã tiêu tốn từ 175 tỷ đến 250 tỷ USD/năm trong 27 năm tới.

Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế Đại học Harvard, đánh giá: “Áp lực chi tiêu đối với châu Âu sẽ rất lớn và điều đó thậm chí còn chưa tính đến quá trình chuyển đổi xanh. Toàn bộ mạng lưới an sinh xã hội châu Âu rất dễ bị tổn thương trước những nhu cầu lớn này”. Giáo sư Rogoff cũng tin rằng hầu hết người châu Âu vẫn chưa hiểu được tác động lâu dài của việc “cổ tức hòa bình” phai nhạt sẽ lớn như thế nào. Ông nói, đây là một thực tế mới, “và các chính phủ châu Âu sẽ cần tìm cách cân bằng lại mọi thứ”. Họ sẽ phải quyết định chi tiêu nhiều hơn cho xe tăng hay bệnh viện, súng đạn hay giáo viên, tên lửa hay đường bộ? Và, làm thế nào để chi trả những thứ đó: Tăng thuế hoặc vay nhiều hơn? Hay cả hai?

Dù theo cách nào thì những đánh đổi về ngân sách hoặc tăng thuế đều sẽ ảnh hưởng ngay tới cuộc sống hằng ngày của người dân. Phần lớn các hộ gia đình châu Âu năm qua đã phải chật vật xoay xở vì giá năng lượng tăng vọt và lạm phát. Với họ, những thách thức quốc phòng của đất nước thì còn xa. Song, những khó khăn kinh tế thì rất gần và có tác động ngay lập tức đến mỗi nhà.

(Nguồn: CAND)

EU nhắm vào các nước giúp Nga tránh lệnh trừng phạt

(Ảnh minh họa).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi 27 thành viên EU thực hiện biện pháp thương mại đối với các quốc gia giúp Nga né lệnh trừng phạt của khối.

Phát biểu trong chuyến thăm Kiev hôm 9/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết các biện pháp này sẽ tạo tiền lệ mới cho hành động của Liên minh châu Âu (EU).

“Gần đây, chúng ta chứng kiến ​​sự tăng trưởng của dòng chảy thương mại rất bất thường thông qua EU và một số nước thứ ba. Những hàng hóa này sau đó sẽ đến Nga”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói.

Bà Ursula von der Leyen không nêu tên cụ thể các quốc gia nằm trong diện trừng phạt.

“Nếu phát hiện hàng hóa đi từ EU đến nước thứ ba và sau đó đến Nga, chúng tôi có thể đề xuất với các quốc gia thành viên trừng phạt", bà Ursula von der Leyen cho hay.

Tất cả 27 thành viên EU phải nhất trí thông qua bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. EC chịu trách nhiệm trong việc đề xuất hành động trừng phạt cần thực hiện và giải quyết những khác biệt về quan điểm của các quốc gia.

“Công cụ này sẽ là phương sách cuối cùng, sẽ được sử dụng một cách thận trọng sau khi phân tích rủi ro và nhận được các thành viên EU chấp thuận. Chúng tôi đang làm việc để chống lại việc lách lệnh trừng phạt", Chủ tịch EC nhấn mạnh.

EU đã áp đặt 10 vòng trừng phạt đối với Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2/2022. Các ngân hàng, công ty và thị trường đã bị ảnh hưởng từ đòn trừng phạt này. Hơn 1.000 quan chức có thể bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại.

Nhiều biện pháp liên quan đến việc bịt các kẽ hở từ việc giúp Nga né trừng phạt đã được EU đưa ra. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các kế hoạch nhắm mục tiêu thương mại qua các quốc gia khác được công bố.

Các biện pháp trừng phạt trước đây đã được thành viên EU thống nhất chỉ trong vài tháng. Nhưng các biện pháp mới đang ngày càng khó được ủng hộ khi gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế và chính trị của một số quốc gia thành viên.

(Nguồn: VTC)

Ý vẫn cần khí đốt của Nga

Sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ, các nước EU, bao gồm cả Ý, bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và hỗ trợ toàn diện cho Kyiv.

Vào tháng 3 năm 2022, EU và Hoa Kỳ đã cấm đưa đồng euro và đô la vào Liên bang Nga, đồng thời ngắt kết nối một số ngân hàng nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Đáp lại, Moskva đã yêu cầu thanh toán khí đốt cung cấp cho các quốc gia không thân thiện từ ngoại tệ sang đồng rúp.

Sau đó Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio nói rằng Rome từ chối thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp, bởi vì điều này có nghĩa là phá vỡ các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Không chỉ có vậy, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Ý - ông Roberto Cingolani cũng tuyên bố rằng nước này có thể từ bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt từ Liên bang Nga trong vòng 18 tháng.

Một năm đã trôi qua. Vào cuối tháng 4 năm 2023, Giám đốc điều hành công ty dầu khí Eni của Ý - ông Claudio Descalzi, đảm bảo với giới truyền thông địa phương rằng nguồn cung cấp nhiên liệu xanh cho Ý từ Liên bang Nga đã giảm xuống chỉ còn vài phần trăm, và sự phụ thuộc vào khí đốt Nga đã gần như chấm dứt.

Theo ông Descalzi, việc thay thế nhanh chóng nguồn cung từ Moskva có thể thực hiện được nhờ mối quan hệ lịch sử với Ai Cập, Angola, Algeria, Cộng hòa Congo, Mozambique và Libya - nơi gã khổng lồ năng lượng này duy trì sự hiện diện.

Tuy vậy, dự báo Ý sẽ cần ít nhất hai năm nữa để chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Liên bang Nga.

Những gì ông Descalzi nói đã đặt ra câu hỏi cần giải đáp, vì nó mâu thuẫn với lời của các chính trị gia vào tháng 8 năm 2022 đã tuyên bố rằng nhu cầu khí đốt từ Liên bang Nga sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2024.

Hơn nữa vào ngày 9 tháng 5, có thông tin cho rằng công ty Eni đã khởi kiện ra tòa trọng tài do nguồn cung cấp khí đốt từ Nga suy giảm, họ nhấn mạnh rằng hợp đồng dài hạn về cung cấp nhiên liệu với Gazprom vẫn có hiệu lực.

Cần nhấn mạnh rằng Ý nhập khẩu 90% lượng khí đốt cần thiết, hoặc lên tới 40 tỷ mét khối hàng năm. Việc cung cấp khí đốt của Nga, theo ông Descalzi, bắt đầu suy giảm từ giữa năm ngoái.

Vào mùa thu năm 2022, Eni báo hiệu rằng quá trình vận chuyển khí đốt bị ngừng do nhà điều hành Áo gây cản trở. Tuy nhiên nhờ sự can thiệp của Gazprom, vấn đề đã được giải quyết và việc giao nhận nhiên liệu đã được nối lại. Nhưng rồi mới đây vướng mắc với Áo lại tiếp diễn.

Trước tình hình hiện tại, theo giới phân tích, có lẽ Rome nên tiến hành một cuộc trò chuyện thực chất với Vienna và chỉ khi không giải quyết được mâu thuẫn mới dùng tới công cụ pháp lý.

(Nguồn: Soha)

Mắc kẹt giữa Mỹ-Trung, Italy định rút khỏi dự án Vành đai và Con đường

(Ảnh minh họa).

Italy đã bắn tín hiệu với Mỹ về dự định rút khỏi hiệp ước đầu tư gây tranh cãi với Trung Quốc trước cuối năm nay.

Hãng Bloomberg trích dẫn tiết lộ từ một số nhân vật thạo tin cho biết tại cuộc họp ở Rome hồi tuần trước, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã trấn an Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy rằng mặc dù chưa đưa ra quyết định chính thức, chính phủ của bà đang ủng hộ việc rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Italy đã ký sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn này vào năm 2019 - khi ông Giuseppe Conte giữ chức vụ thủ tướng - và trở thành quốc gia duy nhất trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tham gia thỏa thuận này. Việc tham gia sẽ tự gia hạn vào năm 2024 trừ khi Rome chủ động rút khỏi thỏa thuận.

Giống như phần lớn Liên minh châu Âu (EU), Italy hiện mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi “cơn bão” căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trở nên leo thang, một phần do Bắc Kinh duy trì ủng hộ Nga.

EU là một đồng minh trung thành của Mỹ những cũng phụ thuộc mạnh mẽ vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Do vậy, các nước châu Âu đang buộc phải đấu tranh để cân bằng giữa mong muốn tham gia hợp tác về thương mại và đầu tư với Trung Quốc, cùng lúc đó là đẩy lùi các tuyên bố về sự ràng buộc kinh tế theo lo ngại của Mỹ.

Hiện Italy là nhà nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lớn thứ ba tại Liên minh châu Âu (EU) và là nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ tư sang nền kinh tế lớn nhất châu Á. Tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại Italy Jia Guide cho biết thương mại giữa hai quốc gia trong ba năm qua đã lập kỷ lục mới, chạm mức 73,5 tỷ euro vào năm 2022.

Người phát ngôn của Thủ tướng Giorgia Meloni đã từ chối bình luận về thông tin trên. Phía văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng đưa ra phản ứng tương tự.

Theo những nhân vật giấu tên có mặt tại cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Italy và Mỹ, Washington đã tích cực gây áp lực buộc Rome phải có lập trường công khai về vấn đề này và từ bỏ hiệp ước.

Các cố vấn ngoại giao của bà Meloni vẫn đang thảo luận về các chi tiết và thời điểm để đưa ra quyết định, với lo ngại rằng Trung Quốc có thể đáp trả bằng các lệnh trừng phạt kinh tế. Nhiều khả năng, quyết định rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ không được công bố trước khi hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, diễn ra vào ngày 19/5 tới.

Theo tờ People, dự định đó có liên quan chặt chẽ đến lập trường của bà Meloni đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Italy, và đặc biệt là về lựa chọn có nên sử dụng quyền hành pháp để hạn chế ảnh hưởng của Tập đoàn Sinochemcủa Trung Quốc - cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất lốp xe Pirelli - hay không. Quyết định trên đã bị trì hoãn đến cuối tháng 5.

Tháng trước, Bloomberg đã đưa tin về việc giới quan chức Italy đang thảo luận về một loạt các lựa chọn trong cuộc đàm phán với các nhà đầu tư Pirelli về cơ cấu sở hữu của công ty. Một nguồn tin cho biết chính phủ Italy có thể đưa ra lập trường trung lập hơn về vai trò của Sinochem như một phần của quyết định chung về việc rút khỏi Vành đai và Con đường.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã tài trợ 900 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn cầu.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang