EU: Kỷ nguyên dầu Nga kết thúc; Thách thức năm 2025; Kỳ vọng ‘ngã tư’ Ðông-Tây; Hungary mất 1 tỷ EUR; Miền Bắc nước Anh ngập lụt

KỶ NGUYÊN KHÍ ĐỐT NGA TẠI CHÂU ÂU KẾT THÚC!

Nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu trung chuyển qua Ukraine sẽ bị cắt đứt vào ngày đầu năm mới, khi hợp đồng giữa Kiev và Mátxcơva kết thúc mà không được gia hạn. Dữ liệu từ đơn vị vận chuyển khí đốt của Ukraine cho thấy, Nga chưa yêu cầu trung chuyển bất kỳ luồng khí đốt nào qua đường ống của Ukraine đến châu Âu vào ngày 1/1.

Đây là tuyến đường dẫn khí đốt lâu đời nhất của Nga tới châu Âu, đã hoạt động trong nhiều thập kỷ.

Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gấp đôi nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào năm 2022, bằng cách tìm kiếm các nguồn thay thế. Trong đó, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ là một trong những lựa chọn hàng đầu.

Sự thay đổi này đã tác động mạnh mẽ đến Nga, khi tập đoàn xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga ghi nhận khoản lỗ 7 tỷ đô la, lần đầu tiên từ năm 1999, mặc dù đã nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang khách hàng mới là Trung Quốc.

Những khách hàng mua khí đốt còn lại của Nga thông qua Ukraine như Slovakia và Áo cũng đã tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Áo cho biết hôm 31/12, rằng nhờ việc lấp đầy kho lưu trữ, nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng nước này đã được đảm bảo.

Slovakia cũng sẽ không phải đối diện nguy cơ thiếu hụt năng lượng, mặc dù hiện phải thanh toán khoản phí bổ sung 177 triệu euro cho các tuyến đường thay thế, Bộ Kinh tế nước này cho biết.

Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu đã chỉ ra các biện pháp ứng phó của EU, bao gồm phát triển năng lượng tái tạo và hệ thống khí đốt linh hoạt.

"Cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt không có nguồn gốc từ Nga cho Trung và Đông Âu thông qua các tuyến đường thay thế. Cơ sở hạ tầng này đã được tăng cường với công suất nhập khẩu LNG mới đáng kể từ năm 2022", phát ngôn viên Anna-Kaisa Itkonen cho biết.

Tác động đến thị trường

Các nhà phân tích dự đoán, tác động từ việc dừng vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu qua Ukraine sẽ khá hạn chế. Một đợt tăng giá khí đốt như những gì đã xảy ra ở EU năm 2022 sẽ không lặp lại, vì khối lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine đã giảm xuống còn khá nhỏ.

Thị trường khí đốt không biến động nhiều trong ngày cuối năm, với giá khí đốt ở châu Âu chỉ tăng nhẹ.

Nhưng bất chấp những nỗ lực trong việc thay thế nguồn cung cấp từ Nga, châu Âu vẫn sẽ cảm nhận được phần nào tác động, khi chi phí năng lượng cao hơn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp của họ so với Mỹ và Trung Quốc.

Ukraine sẽ mất khoảng 800 triệu đô la/năm do không còn phí trung chuyển khí đốt từ Nga, trong khi Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ đô la doanh thu bán khí đốt.

Moldova là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nước này cho biết hiện cần phải đưa ra các biện pháp để giảm một phần ba lượng khí đốt sử dụng.

Nga đã dành một nửa thế kỷ để xây dựng thị phần trên thị trường khí đốt châu Âu, có lúc đạt đỉnh khoảng 35%, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã "đóng băng" gần như toàn bộ mảng kinh doanh này của Gazprom.

Đường ống Yamal - Europe qua Belarus đã đóng cửa và tuyến Nord Stream qua Biển Baltic đến Đức đã bị phá hủy vào năm 2022.

Trong năm 2018, Nga đã cung cấp lượng khí đốt kỷ lục 201 tỷ m 3 (bcm) đến châu Âu thông qua các tuyến đường khác nhau.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt duy nhất của Nga vẫn đang hoạt động là TurkStream, băng qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ. TurkStream có hai tuyến - một tuyến dành cho thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ, và tuyến còn lại cung cấp cho các khách hàng ở Trung Âu bao gồm Hungary và Serbia.

NHỮNG THÁCH THỨC CHÂU ÂU PHẢI ĐỐI MẶT TRONG NĂM 2025

Những thách thức chưa từng có và sự chia rẽ trong nội bộ EU đang đặt khối này trước ngã rẽ quan trọng vào năm 2025, khi phải đối mặt với các vấn đề từ kinh tế trì trệ, chính trị bất ổn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu.

Bình luận với hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Giles Merritt, người sáng lập nhóm nghiên cứu "Friends of Europe" và hiện đang là cộng tác viên cấp cao trong Chương trình các vấn đề châu Âu của Viện Egmont, cho rằng những "cơn gió đổi thay" đang thổi mạnh khắp thế giới, và các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels đang chia rẽ về việc liệu châu lục này có nên chuẩn bị cho một "đợt gió lạnh đặc biệt" hay vẫn có thể hy vọng vào những cơn gió nhẹ hơn.

Trong khi các nhà dự báo kinh tế tỏ ra thận trọng và khuyến nghị chuẩn bị cho những khó khăn phía trước, các nhà phân tích chính trị lại có cái nhìn lạc quan hơn. Sự phân hóa này thể hiện rõ giữa hai nhóm: một bên là các nhà ngoại giao và quan chức cấp cao tin tưởng vào khả năng điều hành của EU, bên kia là những nhà bình luận độc lập lo ngại về nguy cơ bất ổn chính trị ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các nước lớn như Pháp và Đức.

Vai trò của bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cũng đang là tâm điểm chú ý. Bà von der Leyen đã thể hiện sự khéo léo khi tập hợp nhân sự cho Ủy ban châu Âu mới mà không phải loại bỏ bất kỳ ứng cử viên nào trong các phiên điều trần xác nhận của Nghị viện châu Âu. Bà von der Leyen được đánh giá cao về khả năng xử lý đại dịch COVID-19 và ứng phó với các thách thức kinh tế, đồng thời thành công trong việc tập hợp sự ủng hộ cho Ukraine. Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo của bà cũng gây ra những lo ngại về khả năng làm rạn nứt mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên.

Trước bối cảnh đó, 2025 được dự báo sẽ là một năm đầy thách thức đối với EU, với nhiều yếu tố bất ổn từ cả bên trong và bên ngoài khối. Một trong những mối quan ngại lớn là "yếu tố Trump" và tác động tiềm tàng đối với các khoản đầu tư nghìn tỷ USD của Mỹ vào châu Âu. Bên cạnh đó, các lựa chọn để cứu vãn nền kinh tế trì trệ của EU đang ngày càng thu hẹp.

Theo đánh giá của Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu - người từng cam kết "làm bất cứ điều gì cần thiết" để xoa dịu cuộc khủng hoảng nợ công năm 2012, EU đang phải đối mặt với một vòng luẩn quẩn của các vấn đề kinh tế: nhu cầu nội địa yếu, thiếu kích thích kinh tế vĩ mô, đầu tư suy giảm và năng suất thấp. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta, qua báo cáo chi tiết của mình, chỉ ra điểm yếu quan trọng của EU là thiếu vắng một thị trường vốn thống nhất, điều này cản trở sự phát triển của các đổi mới công nghệ cao.

Một thách thức đáng lo ngại khác là sự gia tăng của các đảng phái cánh hữu và hoài nghi về đồng euro trong Nghị viện châu Âu. Theo thống kê, khoảng 25% nghị sĩ được bầu vào tháng 6 năm nay thuộc nhóm này. Chính trường châu Âu đã được tái cấu trúc bởi các đảng phái chính trị cánh hữu, trong đó một số theo chủ nghĩa dân túy với chương trình nghị sự dân tộc chủ nghĩa cấp tiến, số khác thuộc phe bảo thủ truyền thống nhưng không sẵn sàng trao thêm quyền lực cho EU. Đáng chú ý là sự nổi lên của các đảng như Tập hợp Quốc gia tại Pháp và đảng cực hữu Đức AfD (Alternative für Deutschland) tại Đức.

Tin tích cực là EU đang bước vào năm 2025 với nhận thức rõ ràng hơn về những điểm yếu cấu trúc của mình. Tuy nhiên, tin xấu là sức mạnh chính trị để đưa ra và thực hiện các giải pháp đang ngày càng suy yếu. Việc thiếu vắng sự dẫn dắt từ trục Phác-Đức, vốn đã từng giúp dự án hội nhập châu Âu vượt qua khó khăn vào những năm 1980, đang là một trở ngại lớn cho viễn cảnh phục hồi và thống nhất của khối.

Dù bức tranh tổng thể không mấy tươi sáng, nhiều nhà bình luận châu Âu vẫn tỏ ra lạc quan khi so sánh với tình hình tại Mỹ. Họ cho rằng những thách thức trong năm 2025 có thể là cơ hội để EU đoàn kết chặt chẽ hơn, như đã từng xảy ra trong lịch sử của khối này. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới có thể cho thấy liệu EU có đủ sức mạnh để vượt qua những thử thách này hay không.

KỲ VỌNG NƠI “NGÃ TƯ” ÐÔNG - TÂY

Từ ngày 1-1-2025, Ba Lan đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU). Vácsava đã thể hiện mong muốn tận dụng cơ hội này để định hình chương trình nghị sự và tạo ảnh hưởng đáng kể đến các ưu tiên của liên minh. Ba Lan đang nắm trong tay những lợi thế nhất định, song chặng đường phía trước không chỉ có hoa hồng.

Những vấn đề ưu tiên

Phát biểu họp báo ở thủ đô Vácsava hồi giữa tháng 12-2024, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tin tưởng rằng nước này có thể tạo được đột phá trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình, với các ưu tiên trong chương trình nghị sự gồm các vấn đề an ninh, năng lượng và năng lực cạnh tranh của EU.

Với cuộc chiến đang diễn ra ở quốc gia láng giềng Ukraine, không có gì ngạc nhiên khi an ninh và quốc phòng là nền tảng trong chương trình nghị sự. Ba Lan được đánh giá có khả năng thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên và thiết lập các cơ chế mạnh mẽ hơn để đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp và các cuộc tấn công mạng. Là quốc gia có lực lượng quân sự lớn thứ ba trong NATO, chỉ sau Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan có đủ động lực để đẩy mạnh các sáng kiến chung về quốc phòng của EU, vận động đầu tư vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ triển khai nhanh chóng quân đội và thiết bị trên khắp châu Âu. Đặc biệt Ba Lan sẽ thể hiện rõ vai trò của một trong những quốc gia đi đầu hỗ trợ Kiev, cả về quân sự và nhân đạo, đồng thời tăng cường khả năng điều phối trong toàn EU và NATO.

Về năng lượng, Ba Lan ưu tiên tập trung tìm các biện pháp giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trong khi cân bằng nhu cầu chuyển đổi xanh. Vốn phụ thuộc vào than đá, Ba Lan có thể sẽ ủng hộ một cách tiếp cận thực tế và từng bước để đạt được trung hòa carbon. Các mục tiêu chính gồm: tiếp tục đa dạng hóa các nguồn năng lượng; thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo và hợp tác khu vực; đảm bảo tiếp cận công bằng với các nguồn năng lượng giữa các nước thành viên EU; đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ xanh bằng việc tận dụng các quỹ của EU cho các giải pháp năng lượng sạch hơn, đặc biệt là năng lượng hydro và năng lượng gió.

Nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của EU, Ba Lan có thể sẽ ưu tiên các biện pháp tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong khối. Các đề xuất chính của Ba Lan cho chương trình nghị sự nhiều khả năng hướng đến “tái công nghiệp hóa” EU thông qua việc hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược châu Âu phục hồi nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy các sáng kiến như “Chiến lược số của châu Âu” để tăng cường khả năng cạnh tranh; tạo điều kiện tiếp cận tài chính và đổi mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là ở Đông Âu.

Ngoài ra, do vị trí nằm ở khu vực Trung và Đông Âu, Ba Lan được coi là trung tâm của các nỗ lực thu hẹp khoảng cách về kinh tế và hạ tầng giữa các khu vực của EU. Vácsava có thể vận động các chính sách gắn kết chặt chẽ hơn để giải quyết tình trạng chênh lệch, thúc đẩy phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như Đường sắt Baltica, hỗ trợ hội nhập Tây Balkan vào khuôn khổ EU. Trong khi đó, là quốc gia “biên giới” của EU, Ba Lan sẽ hướng tới mục tiêu tăng cường các chính sách quản lý nhập cư và biên giới của liên minh như tăng cường năng lực của Frontex, ủng hộ một cách tiếp cận cân bằng đối với vấn đề nhập cư có tính đến các mối quan tâm về an ninh và nhân đạo, khuyến khích các quốc gia thành viên áp dụng phân bổ công bằng hơn các trách nhiệm trong vấn đề tiếp nhận người tị nạn.

Lợi thế và thách thức

Vị trí chiến lược ở “ngã tư” nối giữa Đông Âu và Tây Âu mang lại cho Ba Lan góc nhìn độc đáo về các vấn đề quan trọng của khu vực. Trong bối cảnh các quốc gia thành viên chủ chốt của EU ở phía Tây như Đức và Pháp đang phải đối mặt cùng lúc với hàng loạt khó khăn về chính trị và kinh tế, Ba Lan có đầy đủ lợi thế để thể hiện vai trò lãnh đạo khi giữ ghế Chủ tịch luân phiên EU. Sau nhiệm kỳ 6 tháng được cho là “hỗn loạn” của Hungary, Ba Lan được kỳ vọng tạo ra sự khởi đầu tốt hơn để bảo vệ các ưu tiên của EU. Bất chấp những biến động kinh tế thế giới, Ba Lan tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thập niên qua. Kinh nghiệm của nước này trong việc quản lý khả năng phục hồi kinh tế có thể cung cấp thông tin cho các chiến lược phục hồi trên toàn EU. Ngoài ra, sự tham gia tích cực của Ba Lan vào các sáng kiến như Sáng kiến Ba Biển nhấn mạnh cam kết của nước này đối với sự phát triển khu vực. Ba Lan cũng là một trong những nước đi đầu ủng hộ Ukraine. Vai trò lãnh đạo sẽ cho phép Ba Lan củng cố và tăng cường những nỗ lực này, thu hút thêm nhiều sự góp sức từ các quốc gia thành viên, không chỉ trong lĩnh vực viện trợ quân sự mà có thể mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế, nhân đạo, tái thiết.

Ở trong nước, chính phủ và các nhà lãnh đạo Ba Lan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân (cuộc khảo sát của Eurobarometer cho thấy hơn 80% người Ba Lan có quan điểm tích cực về tư cách thành viên EU), qua đó giúp Vácsava tự tin và tạo dựng cơ sở đồng thuận vững chắc để đề xuất và triển khai các sáng kiến của mình trong nhiệm kỳ 6 tháng tới. Theo nhà báo Helena Quis của tờ Global Europe, những sáng kiến của Ba Lan như đảm bảo tài chính cho “Lá chắn phía Đông” và ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, củng cố sự hỗ trợ của EU đối với Ukraine, đẩy nhanh quá trình mở rộng EU, áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga và làm sâu sắc thêm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cộng hưởng với định hướng lâu dài của Ba Lan, vốn đã ăn sâu vào nền văn hóa chiến lược của đất nước, và phù hợp với sự trỗi dậy toàn cầu của chủ nghĩa thực dụng. Cũng theo nhà báo này, động lực từ cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Ba Lan có thể chính là điều mà EU cần để điều hướng tình hình chính trị toàn cầu hỗn loạn và làm chủ quá trình chuyển đổi địa chính trị.

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng Ba Lan cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU. Yếu tố đầu tiên chính là sự chia rẽ nội bộ trong liên minh, nhất là về các vấn đề di cư, pháp quyền và chính sách tài khóa. Ba Lan sẽ cần phải hành động như một bên trung gian, cân bằng lợi ích của các quốc gia thành viên đa dạng trong khi thúc đẩy các ưu tiên của riêng mình. Bên cạnh đó, Ba Lan bị xem như một “kẻ nổi loạn” dưới thời đảng Pháp luật và Công lý (PiS) nắm quyền. Những tranh chấp giữa Ba Lan với Ủy ban châu Âu (EC) về cải cách tư pháp và các mối quan tâm về pháp quyền vẫn đang tiếp diễn và có thể làm suy yếu uy tín của Vácsava. EC đã phong tỏa hàng tỉ euro từ quỹ phục hồi dành cho Ba Lan với lý do nhận thấy có hành vi vi phạm luật pháp EU. Nguy cơ bất ổn kinh tế toàn cầu, bao gồm lạm phát và biến động giá năng lượng, sẽ ảnh hưởng đến khả năng thúc đẩy các chính sách đầy tham vọng của Ba Lan. Sự phụ thuộc của Ba Lan vào than cũng có thể dẫn đến căng thẳng với các quốc gia thành viên ủng hộ các biện pháp khí hậu tích cực hơn. Trong vấn đề di cư, do là quốc gia ở “tuyến đầu”, Ba Lan phải đối mặt với áp lực trực tiếp từ làn sóng nhập cư bất hợp pháp và an ninh biên giới, gây khó khăn không nhỏ cho các nỗ lực cân bằng lợi ích quốc gia với các chính sách di cư rộng hơn của EU.

Tháng 1-2025, Mỹ cũng sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên Donald Trump 2.0, được dự báo sẽ khiến châu Âu có nguy cơ đối mặt với nhiều bất ổn và hỗn loạn. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội của Ba Lan bởi trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ với Ba Lan, đặc biệt với Tổng thống Andrzej Duda. Theo giới phân tích, mối quan hệ này mở ra một con đường để EU và Mỹ thúc đẩy lợi ích chung, một nguồn lực mà châu Âu cần tận dụng để duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ.

Bộ Ngoại giao Ba Lan thừa nhận nước này đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên EU trong bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp, song Vácsava muốn tận dụng nhiệm kỳ 6 tháng tới để củng cố vị thế  như một trong những quốc gia thành viên EU quan trọng và tích cực nhất.

HỖ TRỢ EU, HUNGARY MẤT 1 TỶ EURO

Ủy ban châu Âu (EC) hôm 1/1/2025 đã quyết định thu hồi vĩnh viễn quyền tiếp cận của Hungary đối với khoản tiền 1,04 tỷ Euro từ các quỹ của Liên minh châu Âu (EU).

Theo thông báo của EC, Budapest đã không thực hiện cải cách pháp quyền theo hạn chót là ngày 31/12/2024, nên cơ quan này sẽ không giải ngân số tiền nêu trên cho Hungary. EC đã phong tỏa khoản hỗ trợ dành cho Hungary từ cuối năm 2022 sau khi phân tích và đưa ra kết luận rằng Budapest vi phạm các giá trị và tiêu chuẩn cơ bản có hiệu lực ở EU.

Tuy nhiên, ngay cả khi có kết luận như vậy, Chính phủ Hungary vẫn không thực hiện những chương trình cải cách cần thiết, chẳng hạn như luật chống xung đột lợi ích và cuộc chiến chống tham nhũng.

Budapest vẫn đang cố gắng tiếp cận khoản hỗ trợ cho Hungary bị Brussels đóng băng. Theo EC, khoảng 19 tỷ Euro dành cho Hungary hiện đang bị phong tỏa, bao gồm cả khoản hỗ trợ từ EU để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Đầu tháng 12/2024, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đe dọa sẽ phủ quyết ngân sách giai đoạn 7 năm tiếp theo của EU nếu Brussels không giải phóng các quỹ dành cho Budapest đang bị phong tỏa.

Những cuộc đàm phán về ngân sách dài hạn của EU giai đoạn 2028 - 2035 có thể sẽ được khởi động vào giữa năm 2025.

Hiện giữa Hungary và Liên minh châu Âu đang tồn tại một số bất đồng.

Vào cuối tháng 12/2024, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng phương Tây không nhận thức được thực tế mới trong cuộc xung đột ở Ukraine là hoàn toàn ảo tưởng và sẽ phải trả giá đắt cho sai lầm này. Theo ông Orban, một vị tổng thống sẵn sàng chiến đấu vì tương lai của phương Tây đang chuẩn bị lên nắm quyền tại Mỹ và điều này sẽ hoàn toàn thay đổi thế giới phương Tây.

Ông Orban trước đó cho biết châu Âu và Mỹ đã chi tổng cộng 310 tỷ Euro cho Ukraine - một con số "khủng khiếp". Theo ông Orban, nếu số tiền này được đầu tư vào nền kinh tế châu Âu, người dân châu Âu sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều và có thể tạo ra những điều kỳ diệu.

Hungary thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế di cư bất hợp pháp. Nước này cũng là là một trong những quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu kể từ năm 2015.

Hungary thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế di cư bất hợp pháp. Nước này cũng là là một trong những quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu kể từ năm 2015. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã áp dụng khoản tiền phạt 200 triệu Euro đối với Hungary vào tháng 6, với lý do Budapest không tuân thủ luật tị nạn của EU.

Ngoài ra, khoản tiền phạt hàng ngày là 1 triệu Euro đã được áp dụng cho đến khi Hungary điều chỉnh chính sách của mình theo các chỉ thị của EU. Điều này cũng khiến cho nước này buộc phải thực hiện các bước đi pháp lý nhằm chống lại các khoản tiền phạt liên quan của Liên minh châu Âu.

CƠN MƯA LỚN GÂY NGẬP LỤT Ở MIỀN BẮC NƯỚC ANH

Một cơn mưa lớn gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở miền Bắc nước Anh, buộc các nhà chức trách ban hành cảnh báo "Không được đi lại" ở nhiều nơi.

Sáng ngày 1/1 (giờ địa phương), các khu vực ở miền Bắc nước Anh, đặc biệt là Greater Manchester, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lớn gây ngập lụt. Nhiều ngôi nhà bị nước tràn vào, trong khi giao thông tại đây hoàn toàn tê liệt.

Chính quyền đã ban hành cảnh báo "Không được đi lại" để đảm bảo an toàn cho người dân, yêu cầu tránh ra đường trừ trường hợp thực sự cần thiết. Cảnh sát địa phương đã phải tiến hành giải cứu nhiều người khỏi A555, nơi bị nhấn chìm bởi lũ lụt. Một số tuyến đường và đường cao tốc quan trọng cũng đã bị phong tỏa do mức nước dâng cao.

Trước tình hình này, cơ quan khí tượng khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi các cập nhật thời tiết và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn từ chính quyền để đảm bảo an toàn trong bối cảnh diễn biến mưa lũ vẫn còn phức tạp.

Nguồn: CafeF; Báo Tin Tức; Báo Cần Thơ; VTV; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang