EU: Kinh tế thời chiến; Boris Johnson muốn trở lại; Đụng độ ở Athens; Đức: Thỏa thuận dầu Kazakhstan, vì 'một nửa thế giới'

Quan chức EU đề xuất chuyển sang mô hình kinh tế thời chiến

(Ảnh minh họa).

Ủy viên Công nghiệp và Thị trường nội bộ Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng EU nên chuyển sang mô hình kinh tế thời chiến.

“Tôi tin rằng đã đến lúc ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chuyển sang mô hình kinh tế thời chiến để đáp ứng nhu cầu sản xuất quốc phòng”, ông Breton cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm 4/3.

Ông Breton cũng ủng hộ việc tăng cường sản xuất đạn dược để đối phó với xung đột cường độ cao.

Tuy nhiên, ông Breton lưu ý, đang có áp lực cho các tổ chức tài chính, một số tổ chức không hợp tác với các công ty vũ khí, để tăng cường cho các công ty đó vay.

Tuyên bố được ông Breton đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đề nghị EU cung cấp 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng để giảm bớt tình trạng thiếu hụt trầm trọng mà Kiev cảnh báo đang hạn chế bước tiến của nước này trong cuộc xung đột với Nga.

Theo đó, trong một bức thư gửi cho những người đồng cấp ở 27 quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov viết rằng lực lượng của nước ông chỉ bắn được 1/5 số đạn có thể vì thiếu nguồn cung cấp.

Theo ông Reznikov, pháo binh đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ sức mạnh quân sự của đối phương. Ông Reznikov nói, trung bình mỗi tháng Ukraine bắn 110.000 quả đạn cỡ 155mm - bằng một phần tư số lượng mà Nga sử dụng.

“Nếu chúng tôi không bị giới hạn bởi số lượng đạn pháo hiện có, chúng tôi có thể sử dụng toàn bộ cơ số đạn, tức là 594.000 quả đạn mỗi tháng”, ông Reznikov nói.

“Theo ước tính, để thực hiện thành công các nhiệm vụ chiến trường, nhu cầu tối thiểu là ít nhất 60% tổng số đạn dược, hoặc 356.400 quả đạn mỗi tháng”, ông Reznikov nhấn mạnh.

(Nguồn: Vietnamnet)

Cuộc chiến vì tham vọng trở lại chính trường của ông Boris Johnson

Cựu Thủ tướng Anh tiếp tục đối mặt rắc rối khi ủy ban điều tra của Hạ viện Anh phát hiện những bằng chứng có thể buộc tội ông cố ý lừa dối Quốc hội.

Gần một năm sau khi từ chức, cựu Thủ tướng Boris Johnson đang ôm hy vọng trở lại chính trường Anh. Tuy nhiên, kế hoạch của ông gặp thách thức nghiêm trọng sau khi Ủy ban Đặc quyền của Hạ viện Anh phát hiện những bằng chứng cho thấy ông Johnson tìm cách lừa dối các thành viên Quốc hội.

Cáo buộc nhắm vào cựu Thủ tướng Johnson một lần nữa liên quan tới những buổi tụ tập của ông và các trợ lý tại số 10 phố Downing trong thời gian nước Anh bị phong tỏa, theo Guardian.

Thêm bằng chứng bất lợi

Các báo cáo cho thấy tại một sự kiện tổ chức tháng 11/2020, khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Anh đang có hiệu lực, Thủ tướng Johnson nói với những người có mặt rằng "đây có lẽ là cuộc tụ tập giãn cách phi xã hội nhất lúc này ở Anh". Chi tiết cho thấy cựu thủ tướng nhận thức được buổi tụ tập này trái quy định.

Bằng chứng khác bao gồm tin nhắn từ một nhân viên của văn phòng thủ tướng gửi đi tháng 4/2021, 6 tháng trước khi các buổi tiệc tùng của Thủ tướng Johnson bị phát hiện. Tin nhắn này nói về "lo ngại rò rỉ thông tin" Thủ tướng Johnson đang phạm luật dù đã được cảnh báo trước.

Những thông tin trên xuất hiện trong tài liệu của Ủy ban Đặc quyền do Hạ viện Anh thành lập gồm 7 thành viên, 4 trong số đó đến từ đảng Bảo thủ của cựu Thủ tướng Johnson. Nhiệm vụ của Ủy ban này là xác định liệu cựu thủ tướng có cố ý gian dối Hạ viện hay không khi ông bác bỏ các hành động trái luật của mình.

Tài liệu của Ủy ban Đặc quyền mới chỉ là báo cáo ban đầu, nhằm thông báo cho cựu thủ tướng những vấn đề sẽ bị chất vấn khi ông ra điều trần vào cuối tháng này. Tuy vậy, những phát hiện của báo cáo, đi kèm hàng loạt tình tiết mới được công bố, khiến cựu thủ tướng và các đồng minh của ông càng thêm khó khăn.

"Có bằng chứng rằng Hạ viện có thể đã bị lừa dối theo nhiều cách khác nhau", báo cáo của Ủy ban Đặc quyền cho biết.

Dù đã từ chức thủ tướng, ông Johnson vẫn là nghị sĩ của đảng Bảo thủ tại Hạ viện. Nếu bị kết luận là cố ý lừa dối Quốc hội, ông sẽ bị đình chỉ tư cách nghị sĩ, theo Reuters.

Theo quy định của cơ quan lập pháp, nếu một nghị sĩ bị đình chỉ từ 14 ngày trở lên, cử tri tại địa hạt nơi nghị sĩ này đại diện có thể yêu cầu bãi nhiệm tư cách nghị sĩ của người đó. Đây là một kịch bản đầy rủi ro bởi tại hạt Uxbridge và South Ruislip nơi ông Johnson đại diện, cựu thủ tướng chỉ chiếm đa số mong manh.

Trước cáo buộc từ Ủy ban Đặc quyền, cựu Thủ tướng Johnson đã lập tức bác bỏ và đặt ra nghi vấn với sự xác thực của các bằng chứng mới.

"Thật bất ngờ khi phát hiện các đề xuất của ủy ban dựa trên bằng chứng được chọn lọc và sắp xếp bởi Sue Gray, người tình cờ vừa được bổ nhiệm làm chánh văn phòng cho lãnh đạo đảng Lao động", ông Johnson nói.

Một đại diện của Ủy ban Đặc quyền Hạ viện bác bỏ cáo buộc từ phía ông Johnson, cho biết các phát hiện của ủy ban này dựa trên lời kể của các nhân chứng và bằng chứng do chính phủ cung cấp.

Trong cuộc phỏng vấn sau đó, ông Johnson tiếp tục khẳng định ủy ban điều tra không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào có thể chứng minh bản thân ông cố ý làm trái luật khi tham gia các buổi tiệc ở số 10 phố Downing.

Tuy vậy, các thành viên Ủy ban Đặc quyền chỉ ra rằng những cuộc tụ tập liên tục trong thời gian đại dịch rõ ràng đi ngược lại quy định giãn cách xã hội, và việc ông Johnson nói bản thân đã tuân thủ quy định chẳng qua là cách để biện minh với truyền thông.

Lừa dối công chúng?

Liên quan sự kiện tổ chức tháng 11/2020, khi các cuộc tụ tập trong nhà bị cấm, một nhân chứng thừa nhận ông Johnson đã nói chuyện với nhóm 4 - 5 người trong phòng.

Báo cáo của Ủy ban Đặc quyền cũng cho biết ông Johnson thường xuyên chứng kiến các buổi tụ tập tối thứ sáu tại văn phòng báo chí của Số 10 phố Downing.

Tháng 11/2021, khi lần đầu xuất hiện những báo cáo gây bất lợi, các quan chức phủ thủ tướng Anh đã thảo luận với Giám đốc truyền thông Jack Doyle cách xử lý vấn đề. Ông Doyle đề nghị số 10 phố Downing trả lời công chúng rằng luôn tuân thủ quy định về Covid.

Tin nhắn giữa các nhân viên tại số 10 phố Downing cho thấy họ đã phối hợp với nhau thống nhất kể một câu chuyện để có thể "tự bảo vệ bản thân tốt nhất".

Có một số dấu hiệu cho thấy ông Johnson và chính phủ của ông khi đó tìm cách ngăn cản cuộc điều tra của ủy ban bằng cách che giấu hoặc biên tập lại các bằng chứng.

Trong bức thư ngày 14/7/2022, các nghị sĩ đề nghị chính phủ của ông Johnson cung cấp một số tài liệu cần thiết. Văn phòng thủ tướng sau đó cung cấp một tài liệu bị tô đen nhiều đến mức không có bất cứ giá trị thực sự nào.

Một số tài liệu bị tô đen cả những chi tiết vốn đã được công bố công khai. Các tài liệu không bị tô đen chỉ được cung cấp vào tháng 11/2022, sau khi ông Rishi Sunak đã lên nắm quyền.

Ủy ban Đặc quyền cũng yêu cầu ông Johnson tự giao nộp bằng chứng, nhưng cựu thủ tướng ban đầu tuyên bố "không có các tài liệu liên quan". 6 tháng sau đó, luật sư của ông Johnson mới cung cấp 46 tin nhắn qua ứng dụng WhatsApp giữa cựu thủ tướng và 5 người khác.

Sẽ cần thêm nhiều tháng để cuộc điều tra đi tới kết luận cuối cùng. Từ 20/3, ông Johnson sẽ phải ra điều trần.

Angela Rayner, phó chủ tịch đảng Lao động, cho rằng báo cáo của Ủy ban Đặc quyền đã vạch trần hành vi "che giấu" sự thật của cựu Thủ tướng Boris Johnson.

Trong khi đó, phó chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Daisy Cooper kêu gọi Thủ tướng Rishi Sunak "công khai ủng hộ" nếu Ủy ban Đặc quyền tìm ra các bằng chứng chống lại ông Johnson.

(Nguồn: Zing News)

Hy Lạp: Đụng độ ở Athens sau vụ tai nạn tàu hỏa gây chết người

(Ảnh minh họa).

Các cuộc đụng độ đã nổ ra ở Athens hôm Chủ nhật giữa cảnh sát và một nhóm người biểu tình về vụ tai nạn tàu hỏa ở Hy Lạp hồi đầu tuần khiến ít nhất 57 người thiệt mạng.

Sinh viên đại học và công nhân đường sắt đã biểu tình ở Quảng trường Syntagma ở trung tâm Athens về vụ tai nạn chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại của Hy Lạp.

Video cho thấy những người biểu tình ném các đồ vật bao gồm cả bom xăng vào cảnh sát chống bạo động, khi lực lượng của chính quyền tiến vào để ngăn chặn tình trạng bất ổn, và cảnh sát đã đáp trả bằng các loạt hơi cay.

Các cuộc đụng độ cũng nổ ra vào thứ Sáu giữa cảnh sát và người biểu tình.

Công nhân đường sắt Hy Lạp đã kéo dài cuộc đình công sang ngày thứ hai vào thứ Sáu, trong bối cảnh có sự tức giận về vụ tai nạn thảm khốc.

Công đoàn cho biết họ muốn có một thời gian biểu rõ ràng để tiến hành các biện pháp an toàn. Các câu hỏi xung quanh vụ tai nạn - xảy ra khi hai đoàn tàu chạy trên cùng một đường ray - liên quan đến các vấn đề bảo trì và tín hiệu bị lỗi.

Các toa tàu bị văng khỏi đường ray, bị nghiền nát và chìm trong biển lửa khi một đoàn tàu chở khách cao tốc với hơn 350 người trên tàu va chạm trực diện với một đoàn tàu chở hàng vào cuối ngày thứ Ba tuần trước.

(Nguồn: VOA)

Thỏa thuận dầu mỏ Đức - Kazakhstan có lợi cho Nga thế nào?

Kazakhstan mới đây đã vận chuyển lô dầu thô đầu tiên đến Đức thông qua hệ thống đường ống Druzhba.

Theo báo Deutsche Welle (Đức), động thái trên diễn ra khi Chính phủ Đức tìm cách tăng cường nguồn cung cho một nhà máy lọc dầu quan trọng ở miền Đông khi từ đầu năm nay tới nay, Đức hầu như chỉ nhập dầu Nga.

Lô hàng 20.000 tấn, tương đương khoảng 145.000 thùng, là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Đức nhằm cắt giảm phụ thuộc dầu mỏ Nga. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã ngừng mua dầu từ Moskva trong năm nay ngay cả khi dầu thô qua đường ống vẫn được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận của EU.

Kazakhstan, một đồng minh của Nga, đặt mục tiêu vận chuyển 1,2 triệu tấn dầu thô sang Đức trong năm 2023. Nhà điều hành đường ống do nhà nước quản lý KazTransOil đã nhận được sự chấp thuận từ đối tác Nga Transneft để vận chuyển 300.000 tấn qua đường ống Druzhba trong quý này.

Druzhba, có nghĩa là "tình bạn" trong tiếng Nga, là một trong những hệ thống đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới với khả năng vận chuyển 2 triệu thùng dầu/ngày. Dầu của Kazakhstan sẽ được chuyển đến nhà máy lọc dầu PCK của Đức ở Schwedt, cách Berlin 120 km về phía Đông Bắc. Nhà máy lọc dầu này trước đó được cung cấp dầu từ Nga.

Nhà máy lọc dầu Schwedt - nơi cung cấp 90% nhiên liệu cho Berlin và là nhà tuyển dụng lao động chủ chốt trong một khu vực vốn đã lạc hậu về kinh tế - đã gặp khó khăn kể từ khi Đức quyết định ngừng nhập khẩu dầu từ Nga.

Đức đã tìm cách thay thế hầu hết nguồn cung cấp từ Moskva trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Đức vốn phụ thuộc vào Nga để đáp ứng hơn một phần ba nhu cầu dầu mỏ trước xung đột ở Ukraine, nhập khẩu 687.000 thùng dầu thô mỗi ngày vào tháng 11/2021, phần lớn qua đường ống Druzhba.

Tuy nhiên, Berlin đã phải vật lộn để tìm các giải pháp thay thế nguồn hàng cho Schwedt, nơi không được kết nối với các tuyến đường ống cung cấp ở phía Tây. Điều đó đã khiến nhà máy lọc dầu chỉ hoạt động với 60% công suất. Do đó, các nguồn cung cấp từ Kazakhstan sẽ đảm bảo nhà máy lọc dầu hoạt động ở mức công suất cao hơn nhằm duy trì hiệu quả kinh tế.

Nhà máy lọc dầu Schwedt, thuộc sở hữu một phần của Rosneft của Nga cho đến khi Chính phủ Đức quốc hữu hóa vào năm ngoái, hiện đang được cung cấp chủ yếu dầu thô từ các thị trường toàn cầu, trong đó có Mỹ, thông qua một đường ống dẫn từ cảng Rostock ở Biển Baltic.

Lợi thế cho Nga?

Nga sẽ thu thêm doanh thu dưới hình thức phí vận chuyển mà Transneft kiếm được khi cho phép vận chuyển dầu qua mạng lưới đường ống của mình - một nguồn tiền đáng kể với Moskva vào thời điểm doanh thu từ dầu mỏ của nước này bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và áp trần giá dầu của phương Tây.

Hơn nữa, dầu phải được vận chuyển qua hàng nghìn km trên lãnh thổ Nga, khiến việc cung cấp phải phụ thuộc vào "thiện chí của Nga". "Chúng tôi phải quan sát cách Nga hành động liên quan đến dòng chảy qua Druzhba", người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức cho biết, lưu ý rằng rất khó để dự đoán các hành động của Nga do nguồn cung khí đốt bị đóng băng vào năm ngoái.

Trong khi đó, dầu từ Kazakhstan không phải chịu lệnh cấm vận của EU, cũng như không vi phạm lệnh cấm của Đức đối với đường ống dẫn dầu từ Nga.

Về quy trình vận chuyển, dầu từ Kazakhstan được bơm sang Nga, nơi dầu được trộn với dầu thô của Nga trước khi được xuất khẩu từ các cảng biển của Moskva. Năm ngoái, Kazakhstan đã đổi thương hiệu hàng hóa của mình thành KEBCO để tách nó khỏi REBCO (dầu thô pha trộn xuất khẩu của Nga), hay Urals, để tránh rơi vào tầm ngắm của các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, việc pha trộn dầu thô ở Nga đã làm dấy lên mối lo ngại rằng sẽ khó xác định được nguồn gốc của dầu. Bộ Kinh tế Đức cho biết mặc dù không thể tránh khỏi việc một số dầu của Nga sẽ đến Đức, nhưng điều quan trọng là không có tiền chảy vào Nga vì nguồn cung dầu sẽ không được mua từ một công ty Nga mà là một công ty của Kazakhstan.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Vì “một nửa thế giới”!

(Ảnh minh họa).

Vào dịp gần Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), nữ Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock công bố “chính sách đối ngoại nữ quyền” gây chú ý.

Theo đó, phụ nữ sẽ được đặt vào vị trí trung tâm trong các quyết định đối ngoại. Các quyết định đối ngoại đều phải tính tới nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái, nhằm xóa bỏ nạn phân biệt đối xử và thúc đẩy một xã hội ổn định hơn.

Bước đi này đánh dấu sự thay đổi quan trọng ở quốc gia có nền kinh tế đầu tàu châu Âu nhưng lại bị coi là nước trì trệ nhất “lục địa già” trong vấn đề bảo đảm bình đẳng cho phụ nữ. Một trong những dẫn chứng là khoảng cách mức lương giữa nam và nữ ở Đức lớn hơn các nước châu Âu còn lại.

Trước đó, vào năm 2020, Đức đã công bố chiến lược quốc gia mới mang tên “Sự mạnh mẽ trong tương lai”, được coi là bước đột phá trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, giúp phụ nữ thu hẹp khoảng cách về thu nhập với nam giới và có vai trò quan trọng hơn trong xã hội Đức.

Với những nỗ lực khó khăn, vấn đề bình đẳng giới ở Đức đã cho thấy thành quả đáng khích lệ. Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel từng phát biểu về những khác biệt bà nhận thấy trong xã hội Đức vài thập kỷ qua. Bà cho biết, cách đây 20 năm, các cuộc thảo luận chuyên đề chỉ toàn diễn giả nam giới và “điều đó thật không ổn”.

Không thể phủ nhận trong 16 năm cầm quyền của nữ Thủ tướng Merkel, vấn đề nữ quyền ở Đức đã được thúc đẩy mạnh mẽ và tạo những nền tảng quan trọng để nước này tiếp tục theo đuổi mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới.

Bà Merkel trở thành một biểu tượng của nữ quyền và câu nói nổi tiếng vào cuối nhiệm kỳ của bà vẫn được nhắc tới, đó là: “Tất cả chúng ta nên là những nhà nữ quyền”. Một trong những hiệu ứng tích cực là lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ Ki-tô giáo Đức (CDU) của nữ Thủ tướng Merkel trước đây đã cam kết sẽ để phụ nữ nắm 50% vị trí chủ chốt của đảng vào năm 2025.

Trong một tín hiệu tích cực, sau khi chính phủ trung tả hiện tại nhậm chức vào cuối năm 2021, vấn đề giới tính đã được đưa lên hàng đầu trong chính trị, với việc Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh về một nội các cân bằng giới tính.

“Chính sách đối ngoại nữ quyền” được công bố cho thấy nước Đức tiếp tục theo đuổi mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng lần này không chỉ ở nội bộ nước Đức mà trên toàn thế giới. Điều này cho thấy tầm nhìn của các nhà lãnh đạo Đức đối với một trong những mục tiêu quan trọng của Liên hợp quốc. Thúc đẩy bình đẳng giới không còn là vấn đề của riêng quốc gia nào, nhất là trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều mối thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu và xung đột.

Trong đại dịch Covid-19, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và thực tế cho thấy, thực trạng này không chỉ những nước nghèo, mà ngay cả các nước phát triển hàng đầu như Đức cũng phải đối mặt. Bà Katja Grieger, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các Trung tâm Tư vấn phụ nữ và Đường dây nóng khẩn cấp của Đức cho biết, việc các phương tiện truyền thông Đức đưa tin về bạo lực với phụ nữ, nhất là vào thời kỳ cao điểm của đại dịch, đã khiến những nạn nhân của bạo lực gia đình liên hệ với các trung tâm tư vấn nhiều hơn.

Bà Katja Grieger nói: “Bạo lực giới đối với phụ nữ là hệ quả của mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong xã hội. Những mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng này cần phải được giải quyết một cách tổng thể để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”.

Trên thế giới, cũng chính vào thời điểm này một năm về trước, hàng nghìn phụ nữ ở Đức, Mexico, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ... đã đổ xuống đường biểu tình kêu gọi bảo vệ phụ nữ trước những mối đe dọa do đại dịch Covid-19 gây ra. Đâu đó trên thế giới xuất hiện những tin tức tích cực về sự tiến bộ của phụ nữ, của nữ quyền, nhưng đáng buồn là những thống kê về bạo lực giới mà phụ nữ là nạn nhân hay bất bình đẳng giới vẫn có xu hướng gia tăng.

Tại Anh, theo một báo cáo mới đây, trong năm 2022, nữ giới nắm giữ 40% tổng số vị trí trong hội đồng quản trị của 350 doanh nghiệp lớn nhất Vương quốc Anh. Một số liệu từ Liên hợp quốc trong năm 2022 cho thấy, có tới 70% trong số 1,3 tỷ người sống trong cảnh nghèo đói trên thế giới là phụ nữ.

Trong bối cảnh đó, chính sách đối ngoại nữ quyền của quốc gia có nền kinh tế phát triển như Đức được đánh giá là sẽ tạo động lực mới để thúc đẩy chính sách đối ngoại nữ quyền trên thế giới. Chính sách này sẽ xuyên suốt tất cả hành động, chính sách đối ngoại của Đức, từ viện trợ nhân đạo đến các biện pháp ổn định, sứ mệnh hòa bình cũng như chính sách giáo dục và văn hóa đối ngoại.

Đức sẽ dành hơn 90% quỹ dự án mới cho các dự án toàn cầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới; vận động để bảo đảm các mối lo ngại của phụ nữ được chú trọng hơn trên thế giới, theo đó, phụ nữ có tiếng nói hơn và các quỹ phát triển của đất nước được phân bổ nhiều hơn cho các dự án giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.

Chính sách đối ngoại nữ quyền được Chính phủ Thụy Điển khởi xướng năm 2014. Đến nay, hơn 30 quốc gia, trong đó có Chile, Mexico, Tây Ban Nha, Pháp đã cam kết thực hiện chính sách này. Con số trên còn quá ít ỏi trước một vấn đề ngày càng cho thấy tầm quan trọng là thúc đẩy bình đẳng giới trên thế giới và cần sự nỗ lực chung của tất cả quốc gia.

Đại dịch Covid-19 được cho là đã đẩy chệch hướng mục tiêu của thế giới đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030. Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, bà Annalena Baerbock nêu rõ, xã hội không thể công bằng hơn nếu không có sự tham gia của phụ nữ, vốn được coi là một nửa thế giới.

(Nguồn: QĐND)

(Xem thêm:

=> EU: Kiếm lời từ lạm phát; Quân đội lộ điểm yếu; Cảnh báo trừng phạt TQ; Cơn sốt hạt giống rau ở Anh; Olaf Scholz gặp Biden ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang