EU: Kinh tế suy giảm; Người độc thân chật vật; Luật cạnh tranh gặp khó; Kiếm tiền từ dầu giá rẻ của Nga; Pháp 50 ngày chưa có thủ tướng

VÌ SAO KINH TẾ CHÂU ÂU SUY GIẢM LIÊN TIẾP?

Kinh tế châu Âu suy giảm, khiến nhiều doanh nghiệp lớn ở khu vực này đã bắt đầu cảm nhận được tình hình kinh tế khó khăn trong tương lai gần.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn tại châu Âu đang bước vào thời kỳ cắt giảm lao động khi nền kinh tế trì trệ. Các ngành năng lượng, dược, mỹ phẩm, thương mại dịch vụ, đến thể thao, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, ô tô đều gặp khó khăn.

Gã khổng lồ dầu khí Shell (Hà Lan) dự kiến giảm 20% lao động, BP (Anh) giảm 1/10 số lượng việc làm. Nhà phát triển và điều hành đường sắt Đức Deutsche Bahn cho biết họ có kế hoạch cắt giảm 30.000 việc làm, tương đương khoảng 9% nhân viên.

Infineon, công ty sản xuất chip của Đức sẽ cắt giảm 1.400 việc làm trên toàn thế giới và chuyển thêm 1.400 vị trí đến các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn. Siemens Energy's có kế hoạch cắt giảm 4.100 việc làm, tương đương khoảng 15% lực lượng lao động.

Tập đoàn lâm nghiệp Phần Lan UPM sẽ đóng cửa hai nhà máy giấy ở Đức; trong khi đó đại tập đoàn BAYER trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng tập trung cắt giảm nhân sự cấp cao. Indivior và Novartis, những công ty dược hàng đầu châu Âu sẽ giảm bớt hàng nghìn lao động.

Manchester United- Câu lạc bộ nổi tiếng ở giải bóng đá Ngoại hạng Anh - đang đề xuất cắt giảm khoảng 250 việc làm như một phần của chương trình sa thải trên diện rộng.

Tại Volkswagen, tình hình còn căng thẳng hơn khi phải đối diện với việc phải đóng cửa nhà máy tại Đức, các tổ chức đại diện quyền lợi công nhân đang đấu tranh quyết liệt để đảo ngược tình hình mong giữ lại việc làm của họ.

Các vấn đề tiềm ẩn tại Volkswagen xuất hiện vào thời điểm khó khăn đối với cả nền kinh tế Đức nói chung và ngành công nghiệp ô tô của nước này nói riêng, khi một loạt các thách thức đè nặng lên ngành này.

Viện nghiên cứu chính sách kinh tế IFO có trụ sở chính ở München cho biết rằng môi trường kinh doanh trong ngành công nghiệp ô tô Đức đã giảm trở lại vào tháng 8, xuống mức âm 24,7 điểm so với mức -18,5 điểm của tháng trước. IFO cho biết kỳ vọng kinh doanh trong 6 tháng tới là “cực kỳ bi quan”.

Khu vực đồng euro đã bước vào suy thoái kỹ thuật vào nửa cuối năm 2023, khi GDP giảm trong cả quý 3 và quý 4 của năm. Nền kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng trở lại 0,3% trong quý 2 năm 2024.

Riêng kinh tế Đức đã giảm 0,1%; Latvia, Thụy Điển và Hungary là ba quốc gia khác ghi nhận mức suy giảm. Đức - nền kinh tế “đầu tàu” của châu Âu - đang khủng hoảng, không kỳ vọng sẽ cải thiện nhiều trong quý 3/2024.

Các nhà kinh tế tại ING dự kiến lạm phát cơ bản của khu vực đồng euro sẽ vẫn ở mức trên 2,5% trong phần còn lại của năm trong bối cảnh giá hàng hóa và dịch vụ vẫn chưa hạ nhiệt.

Những triển vọng dài hạn với “lục địa già” cũng không mấy khả quan. Tỷ lệ chiến thắng bầu cử Mỹ của ông Trump ngày càng tăng đã gây ra rủi ro đáng kể với dự báo tăng trưởng tại khu vực đồng euro. Đó là sự bất ổn về chính sách thương mại, áp lực chi tiêu quốc phòng và an ninh gia tăng, cùng với các tác động lan tỏa từ các chính sách trong nước của Nhà trắng, ví dụ như thuế, di trú có thể tác động đến châu Âu.

 

 

CHI PHÍ SINH HOẠT TĂNG KHIẾN NGƯỜI ĐỘC THÂN CHÂU ÂU CHẬT VẬT

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang lan rộng khắp châu Âu và những người độc thân đối mặt nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo công ty tài chính và bảo hiểm Ocean Finance, những người độc thân ở Anh phải trả khoảng 3.195 bảng (tương đương hơn 4.200 USD) cho các khoản như tiền thuê nhà, thế chấp và tiện ích mỗi năm.

Không chỉ ở Anh, những người sống một mình ở nhiều quốc gia châu Âu khác trong vài năm gần đây cũng phải chịu chi phí tăng bất cân xứng so với các cặp đôi hoặc gia đình. Điều này dẫn đến sự gia tăng của một thuật ngữ mới là "thuế độc thân", dùng để chỉ tất cả các chi phí phát sinh mà những người không kết đôi phải đối mặt.

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, các hộ gia đình một người không có con tại Liên minh châu Âu (EU) tăng 30,7% trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2022. Các hộ gia đình nhỏ nhất xuất hiện chủ yếu ở Litva, Estonia, Đan Mạch và Phần Lan, trong khi các hộ lớn nhất thường ở Croatia, Slovakia và Hy Lạp. Theo Eurostat, vào năm 2022, kiểu gia đình phổ biến nhất ở EU là các hộ chỉ có một người lớn, chiếm khoảng 71,9 triệu người.

Theo chuyên gia về hôn nhân và gia đình Sophie Cress, tác động từ "thuế độc thân" có thể vượt xa gánh nặng tài chính. Chuyên gia này cho rằng, "thuế độc thân" có thể gây hậu quả vượt ngoài vấn đề tiền bạc, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và quá trình ra quyết định của mọi người. Tỷ lệ ngày càng tăng những người duy trì các mối quan hệ vì lý do tài chính cho thấy áp lực xã hội và kinh tế mà những người độc thân phải đối mặt, chẳng hạn như phải trả tiền thuê nhà và thế chấp một mình, đặc biệt là ở các thành phố đắt đỏ. Trong nhiều trường hợp, các ngân hàng và các tổ chức tài chính cũng ít muốn cấp các khoản vay và thế chấp cho những người độc thân, ngay cả khi họ có công việc ổn định, lương cao và có khả năng trả khoản thế chấp ban đầu khá tốt. Điều này có thể gây khó cho nhiều người độc thân muốn tự mua nhà.

Bên cạnh đó, hóa đơn mua sắm cũng có thể cao hơn nhiều bởi các mặt hàng thường được đóng gói theo khẩu phần ăn từ 2-4 suất. Khi đi ăn ở ngoài, người độc thân cũng ít có khả năng tận dụng các ưu đãi dành cho các cặp đôi hoặc gia đình.

Tương tự như vậy, chi phí đi lại cũng tăng vì những người độc thân không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận các khoản giảm giá cho cặp đôi, chẳng hạn như thẻ tàu hai người Two Together ở Anh. Điều này cũng xuất hiện ở những lĩnh vực khác như nhà hàng, khách sạn và hoạt động nghỉ dưỡng, khi người đi một mình thường không được hưởng các khoản giảm giá dành cho gia đình hoặc nhóm.

Theo Ocean Finance, những người độc thân phải trả thêm khoảng 200 bảng Anh/tháng cho các hóa đơn, bao gồm cả nhà ở so với khi họ có một người khác ở cùng để chia sẻ chi phí. Họ cũng phải chi thêm khoảng 15 bảng Anh cho thực phẩm và rượu, 39,5 bảng Anh cho các kỳ nghỉ và 26,4 bảng Anh cho các gói đăng ký thành viên.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vào năm 2022, mức thuế đối với người lao động độc thân không có con tại Bỉ là khoảng 53,0%, tại Đức là 47,8% và tại Áo là 46,8%. Con số này ở Pháp là 47,0%, và ở Italy là 45,9%. Ngược lại, mức thuế đối với người lao động đã kết hôn có hai con trung bình của Bỉ là 37,8% vào năm 2022. Đức và Áo áp các mức thuế này lần lượt là 32,9% và 30,2%, trong khi Pháp đánh thuế 39,2% và Italy là 34,9%.

Theo Văn phòng Thống kê của Bỉ (Stratbel), tính đến ngày 1/1/2023, Bỉ có 1,8 triệu gia đình một người, chiếm hơn 36% hộ gia đình. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, số này tăng khoảng 22%. Mặc dù vậy, Bỉ vẫn áp dụng một trong những chính sách đánh thuế cao nhất đối với người độc thân.

 

 

THÁCH THỨC MỚI VỚI LUẬT CẠNH TRANH

Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU) vừa đưa ra một phán quyết quan trọng có thể ảnh hưởng đến chính sách chống độc quyền của EU. Quyết định này cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) không có thẩm quyền can thiệp vào thương vụ Illumina, tập đoàn hàng đầu thế giới về máy móc giải trình tự gene, mua lại công ty công nghệ sinh học Grail của Mỹ.

Ngày 3/9, CJEU đã ra phán quyết nhấn mạnh EC không nên can thiệp vào thương vụ Illumina mua lại Grail vào mùa thu năm 2022. Theo các thẩm phán, thương vụ trị giá 7 tỷ USD này không vi phạm bất kỳ quy định nào tại các quốc gia thành viên EU và cũng không đạt "quy mô châu Âu", vì Grail không có doanh thu tại EU hoặc bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Illumina đã bày tỏ sự hài lòng với phán quyết của Tòa án CJUE, đồng thời cho rằng EC đã "vượt quá quyền hạn" trong vụ việc này. Illumina cũng không chấp nhận khoản phạt 432 triệu euro mà EC áp đặt trước đó, cho rằng giao dịch đã hoàn tất trước khi được Ủy ban xem xét.

Trước đó, vào tháng 3/2021, EC đã ban hành các quy định mới nhằm mở rộng quyền hạn giám sát đối với các thương vụ mua lại các công ty khởi nghiệp sáng tạo. Mục đích là để ngăn chặn các thương vụ có thể gây hại đến cạnh tranh trong các lĩnh vực mới nổi.

Sau khi Illumina hoàn tất việc mua lại Grail, các chuyên gia cạnh tranh của EC, theo yêu cầu từ Pháp, Bỉ, Hy Lạp và Hà Lan, đã quyết định áp dụng các quy định mới để điều tra vụ việc. Đến tháng 9/2022, EC bày tỏ lo ngại rằng thương vụ này có thể "gây cản trở cho sự đổi mới và làm giảm số lượng các xét nghiệm máu phát hiện sớm ung thư trên thị trường". Tháng 10 cùng năm, EC đã chính thức ra lệnh cho Illumina phải hủy bỏ giao dịch mua lại Grail.

Tháng 4/2023, các cơ quan chức năng của Mỹ cũng phản đối thương vụ này, cho rằng nó gây ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường xét nghiệm ung thư tại Mỹ. Trước áp lực này, Illumina đã quyết định rút lui, đưa Grail lên sàn chứng khoán và chỉ giữ lại 14,5% cổ phần.

Sau khi xem xét trường hợp của Illumina và Grail, vào tháng 8/2023, EC thông báo sẽ tiếp tục xem xét thêm hai giao dịch khác. Giao dịch đầu tiên là việc EEX, đối thủ cạnh tranh chính của Nasdaq tại Đức, mua lại hoạt động về hợp đồng tương lai điện ở khu vực Bắc Âu của Nasdaq. Giao dịch thứ hai là Qualcomm, tập đoàn bán dẫn lớn của Mỹ, mua lại Autotalks, một công ty sản xuất bán dẫn của Israel chuyên về công nghệ xe kết nối.

Trong trường hợp đầu tiên, các bên liên quan đã tự nguyện từ bỏ việc tiến xa hơn. Trong trường hợp thứ hai, Qualcomm đã rút lui sau khi các cơ quan quản lý của Israel và Mỹ cho rằng thương vụ có thể gây rủi ro.

Phán quyết của Tòa án CJEU đã buộc EC phải xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Ủy viên phụ trách cạnh tranh Margrethe Vestager đã khẳng định EC sẽ tiếp tục sử dụng các quy định mới về chống độc quyền, nhưng cũng thừa nhận cần phải có những điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả giám sát trong các trường hợp phức tạp.

Trên mạng xã hội X, nghị sĩ châu Âu Stéphanie Yon-Courtin nhấn mạnh cần xem xét lại các quy tắc về mua bán và sáp nhập để ngăn chặn các thương vụ thâu tóm độc quyền và duy trì tính cạnh tranh, sự đổi mới trên thị trường duy nhất của EU.

Phán quyết của CJEU đặt ra câu hỏi về giới hạn quyền lực của EC trong việc giám sát các thương vụ mua bán và sáp nhập, đồng thời thúc đẩy EU cần phải điều chỉnh các quy định để bảo vệ sự cạnh tranh và đổi mới trong thị trường chung.

 

 

NỖ LỰC KIẾM TIỀN TỪ DẦU GIÁ RẺ CỦA NGA

Hai quốc gia Hungary và Slovakia được cho là không gặp khó khăn về nguồn cung năng lượng như họ vẫn đề cập.

Các quan chức Brussels hôm thứ 3/9 cho biết, các lệnh trừng phạt và hạn chế của Kyiv đối với dầu mỏ của Nga không ngăn cản nguồn cung cấp năng lượng từ Liên bang Nga đến Hungary và Slovakia, bác bỏ tuyên bố của Budapest về tình trạng thiếu nhiên liệu sắp xảy ra.

Hungary đã cảnh báo trong nhiều tuần về một cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra sau những hành động gần đây của Ukraine nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp sản phẩm của tập đoàn năng lượng khổng lồ Lukoil của Nga qua lãnh thổ nước này. Ngoài ra Slovakia cũng cho biết nước này sẽ sớm đối mặt với tình trạng thiếu hụt.

Nhưng vừa qua, các thành viên của Ủy ban châu Âu - cơ quan điều hành của EU cho biết, Hungary vẫn nhận được lượng nhiên liệu tương tự như trước khi các biện pháp trừng phạt bổ sung được áp dụng, đồng thời kêu gọi cả nước này và Slovakia cung cấp thêm thông tin nếu họ muốn EU giúp đỡ.

Trên thực tế, Brussels ám chỉ rằng hai nước EU chỉ đơn giản muốn lợi dụng lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Liên bang Nga và tạo ra tình trạng dư thừa nhiên liệu để bán sản phẩm bị cấm vận ở châu Âu. Mặc dù hiện tại cả Hungary và Slovakia đều đang nhận được khối lượng nguyên liệu thô theo hợp đồng.

Nói cách khác, EC cáo buộc rất rõ ràng hai thành viên EU đang cố gắng thu lợi từ dầu giá rẻ của Nga, sau những lời phàn nàn về vấn đề thiếu hụt có thể xảy ra.

Những người chỉ trích quan điểm của Budapest và Bratislava lưu ý rằng cả hai nước đều phóng đại tác động tiềm tàng của các lệnh trừng phạt từ Kyiv. Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh rằng việc dỡ bỏ biện pháp hạn chế cho phép họ mua dầu của Nga luôn chỉ mang tính chất tạm thời.

Đối với Hungary - quốc gia có giá nhiên liệu thấp nhất tại EU, ngay cả khi các nước láng giềng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào Nga, đã đề xuất một thỏa thuận trong đó họ sẽ sở hữu dầu trước khi đến Ukraine, có khả năng cho phép phá vỡ các biện pháp trừng phạt chống lại Lukoil và giải quyết cuộc đối đầu.

Hungary được xem như đồng minh quan trọng của Nga trong EU và NATO.

 

 

PHÁP 50 NGÀY CHƯA CÓ THỦ TƯỚNG

Cho đến hôm nay, 04/09/2024, tức là 50 ngày kể từ khi thủ tướng Gabriel Attal và toàn bộ nội các của ông từ chức sau cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn, nước Pháp vẫn chưa có thủ tướng mới. Hai chính khách dày dặn kinh nghiệm có thể được tổng thống Emmanuel Macron chọn để lãnh đạo chính phủ mới đều có nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Hiện giờ, tổng thống Macron vẫn do dự giữa hai nhân vật: Thứ nhất là ông Xavier Bertrand, chủ tịch vùng Haut-de-France, thuộc đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa và ông Bernard Cazeneuve, cựu thủ tướng trước đây thuộc đảng Xã Hội cánh tả. Thế nhưng, trong cuộc điện đàm tối qua với tổng thống Macron, lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc Marine Le Pen đã báo trước là đảng này sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mà đứng đầu là ông Xavier Bertrand hay ông Bernard Cazeneuve.

Bên phía cánh tả, lãnh đạo đảng Xã Hội Olivier Faure cũng đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm nội các của ông Bertrand. Hiện chưa biết là đảng Xã Hội có sẽ làm như vậy đối với chính phủ do ông Cazeneuve lãnh đạo hay không. Tối qua, đảng này đã quyết định sẽ không ủng hộ vô điều kiện ông Cazeneuve. 

Áp lực ngày tăng đối với tổng thống Macron, buộc ông phải nhanh chóng bổ nhiệm một tân thủ tướng, bởi vì chính phủ sẽ phải trình Quốc Hội ngân sách 2025 vào ngày 01/10 tới.

Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tiếp diễn, hôm qua, cựu thủ tướng Edouard Philippe chính thức thông báo sẽ ra tranh cử tổng thống Pháp vào năm 2027 và tuyên bố “sẵn sàng” cho một cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn.

 

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp; Tạp chí Bảo hiểm Xã hội; Báo Tin Tức; CafeF; RFI

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang