EU: Kinh tế 2025 bấp bênh; Tìm ra nguồn cung dầu khủng; Lại ‘lao đao’ vì khí đốt; Đan Mạch đổi quốc huy; Cựu Tổng thống Pháp hầu tòa

KINH TẾ CHÂU ÂU BẤP BÊNH NĂM 2025?

Nền kinh tế châu Âu đã chứng kiên 5 quý liên tiếp trì trệ, trước khi ghi nhận mức tăng trưởng nhỏ giọt 0,8% năm 2024. Năm 2025, kinh tế khu vực này sẽ ra sao?

Đối mặt với nhiều rủi ro

ECB đã hạ lãi suất 4 lần trong năm qua để đối phó với lạm phát giảm và tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh rằng cần áp dụng cách tiếp cận "dựa trên dữ liệu" và thận trọng khi điều chỉnh chính sách. Mặc dù có lời kêu gọi hạ lãi suất thêm 1 điểm phần trăm trong năm 2025, ECB có thể sẽ giữ lãi suất ở mức trung lập - không thúc đẩy cũng không kìm hãm tăng trưởng.

Dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, GDP của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ước tăng 0,8% trong năm 2024, nhờ lạm phát giảm và tiêu dùng, đầu tư hồi phục. Tốc độ tăng trưởng được kỳ vọng đạt 1,3% vào năm 2025 và 1,5% vào năm 2026.

Tuy nhiên, phía Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại đưa ra dự báo thận trọng hơn, với mức tăng trưởng lần lượt là 1,1% và 1,4% trong hai năm 2025 và 2026. Lạm phát giảm nhờ giá năng lượng hạ nhiệt trong năm 2024, nhưng vẫn duy trì trên mức 2% kể từ tháng 10. Lạm phát cả năm 2024 dự kiến đạt 2,4%, giảm mạnh so với năm trước, và tiếp tục giảm xuống 2,1% vào năm 2025. Dù lạm phát thấp hơn và thị trường lao động ổn định giúp tăng thu nhập khả dụng, ECB cảnh báo tình hình bất ổn và khó lường vẫn khiến người tiêu dùng tiết kiệm nhiều hơn, ảnh hưởng đến tăng trưởng ngắn hạn.

Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế thế giới, Ngân hàng Quốc gia Qatar (QNB) nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở châu Âu dự kiến sẽ tăng từ 0,7% năm 2024 lên 1,0% vào năm 2025, nhờ sự hỗ trợ từ giá năng lượng thấp hơn và đà phục hồi của ngành chế tạo toàn cầu.

Thực tế cho thấy, ngay ngày giao dịch đầu tiên của năm 2025 đã chứng kiến đồng euro tiếp tục giảm giá mạnh, xuống dưới mức 1 euro đổi được 1,03 USD – thấp nhất trong hơn 2 năm. Điều này phản ánh sự chênh lệch ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và ECB. Một số chuyên gia dự báo đồng euro có thể đạt mức ngang giá với USD vào cuối năm 2025.

Có thể thấy, năm 2025 hứa hẹn là một năm đầy thách thức cho kinh tế châu Âu khi nhìn sâu hơn đến những rủi ro như năng lượng, thương mại và bất ổn chính trị - những yếu tố có thể tiếp tục cản trở tăng trưởng.

Thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã hết hạn vào ngày 1/1/2025 làm tăng nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Theo Viện chiến lược Bruegel, EU có thể thiếu 140 terawatt giờ/năm, dù nhập khẩu khí đốt hóa lỏng có thể tạm thời bù đắp. Tuy nhiên, giải pháp này lại đắt đỏ và không ổn định, gây áp lực đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chính sách thương mại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa gây ra một cuộc chiến thương mại. Nếu Hoa Kỳ áp đặt mức thuế từ 10 - 20% đối với hàng hóa châu Âu, Eurozone có thể rơi vào suy thoái trầm trọng.

Các nền kinh tế lớn đều lao đao

Theo các nhà phân tích, năm 2025 mở ra với nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít thách thức cho các nước châu Âu. Triển vọng kinh tế của các nước đều có thể bị rủi ro, từ căng thẳng địa chính trị, chi phí năng lượng cao, đến tranh chấp thương mại leo thang... Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất của khối này là Đức và Pháp phải vật lộn với khủng hoảng chính trị, với các đảng dân túy ở cả hai nước đang hướng tới chủ nghĩa dân tộc kinh tế và phản đối sự hội nhập sâu hơn của EU. Cả hai nước đều phải đối mặt với triển vọng kinh tế ảm đạm vào năm 2025, khi Ủy ban châu Âu dự kiến mức tăng trưởng chỉ 0,7% ở Đức và 0,8% ở Pháp.

Ông Thiess Petersen, cố vấn cấp cao tại Bertelsmann Stiftung nhận định: "Năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm đầy rủi ro kinh tế đối với châu Âu", đồng thời lưu ý tăng trưởng chậm chạp tại Đức vẫn đang ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Đức đang trên đà suy thoái dài nhất kể từ sau chiến tranh, với năm suy thoái thứ ba liên tiếp được dự báo vào năm 2025.

Tình hình của Pháp cũng không kém phần lo ngại. Nền kinh tế Pháp dự báo sẽ bước vào năm 2025 đầy biến động với sự bất ổn chính trị phủ bóng lên triển vọng kinh tế.

Tại Anh, dù nền kinh tế có các dấu hiệu phục hồi, số liệu mới nhất cho thấy GDP của Anh đang đi ngang, với niềm tin yếu, khi các doanh nghiệp chuẩn bị cho khoản đóng góp bảo hiểm quốc gia (NIC) của người sử dụng lao động tăng 25 tỷ bảng (31,3 tỷ USD) vào tháng 4/2025.

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 2% trong năm 2025, nhờ chi tiêu công cao hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu. Tuy nhiên, các số liệu gần đây cho thấy rủi ro suy giảm là không nhỏ.

EU TÌM ĐƯỢC NGUỒN CUNG DẦU SIÊU KHỦNG, NHẬP KHẨU TĂNG Ồ ẠT

Các quốc gia châu Âu đã sắp xếp ổn thỏa nguồn cung khí đốt một cách đầy bất ngờ.

Ukraine đã từ chối cho phép bất kỳ hoạt động trung chuyển khí đốt nào từ Nga sang châu Âu tiếp tục, đóng cửa tuyến đường đã tồn tại 5 thập kỷ qua lãnh thổ của mình. Ước tính quốc gia này sẽ mất khoảng 0,5% GDP do việc chấm dứt thu phí vận chuyển khí đốt.

Theo Oilprice, các quốc gia Trung Âu đã hoàn toàn thích ứng với việc Nga ngừng cung cấp khí đốt thông qua đường ống Ukraine, trong đó có Đức và Ý. Theo Austria Grid Management, nước này đã tăng cường nhập khẩu từ Đức và Ý khi dòng chảy từ Slovakia bị dừng lại do Ukraine từ chối gia hạn.

Các chuyên gia năng lượng trước đó đã cảnh báo rằng Áo, Hungary và Slovakia có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi việc nhập khẩu khí đốt của Nga qua Ukraine bị cắt. Tuy nhiên thật may mắn, họ đã tìm cách đảm bảo nguồn cung thay thế thay thế thành công.

Vào năm ngoái, công ty dầu mỏ nhà nước Azerbaijan (SOCAR) đã bắt đầu cung cấp khí đốt tự nhiên cho SPP - nhà điều hành năng lượng nhà nước lớn nhất của Slovakia. Điều này xảy ra chỉ một tháng sau khi SPP ký hợp đồng thí điểm ngắn hạn để mua khí đốt tự nhiên từ Azerbaijan - khi họ chuẩn bị cho việc nguồn cung khí đốt của Nga thông qua Ukraine bị đe dọa. SPP đã cam kết cung cấp cho khách hàng chủ yếu thông qua đường ống từ Đức và Hungary, mặc dù sẽ phải tăng thêm chi phí vận chuyển.

Trong khi đó, Mỹ đang nổi lên là người chiến thắng trên thị trường năng lượng đang diễn ra ở châu Âu. Mỹ và Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu. Vào năm 2024, Na Uy đã cung cấp 87,8 bcm (tỷ mét khối) khí đốt cho EU, chiếm 30,3% tổng lượng nhập khẩu. Bên cạnh đó, Mỹ cung cấp 56,2 bcm, chiếm 19,4% tổng lượng.

Ngoài ra, Mỹ còn là nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất cho châu Âu. Dẫn chứng là năm ngoái, Mỹ chiếm gần một nửa tổng lượng LNG nhập khẩu của châu lục này, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp "xứ cờ hoa" cung cấp nhiều LNG cho châu Âu hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Trước đó Mỹ cung cấp 27%, tương đương 2,4 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/d) trong tổng lượng nhập khẩu LNG của châu Âu vào năm 2021; sau đó là 44% (tương đương 6,5 Bcf/d) vào năm 2022 và 48% (tương đương 7,1 Bcf/d) vào năm 2023.

Bên cạnh đó, công suất nhập khẩu LNG của Châu Âu đang trên đà tăng lên 29,3 Bcf/ngày vào năm 2024, tăng 33% so với năm 2021. Đức đang bổ sung công suất nhiều nhất ở châu Âu khi các nhà phát triển ở nước này đã bổ sung thêm 1,8 Bcf/ d vào năm 2023 và đang trên đà tăng thêm 1,6 Bcf/ngày vào năm 2024.

EU LẠI LAO ĐAO VÌ KHÍ ĐỐT MÙA ĐÔNG NÀY

Châu Âu đang bước vào một mùa đông lạnh giá khi lượng dự trữ khí đốt hiện đang giảm mạnh và nguồn cung khí đốt cũng gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia dự báo, bất chấp những nỗ lực “thoát Nga” trong 3 năm qua, sự phụ thuộc về khí đốt của EU đối với Nga vẫn chưa thể thành công.

Theo số liệu mới, dự trữ khí đốt tại châu Âu hiện chỉ đạt 70% công suất, giảm mạnh so với mức 86% cùng kỳ năm 2024. Mặc dù tình trạng thiếu hụt chưa xảy ra, nhưng việc tái bổ sung nguồn dự trữ sau mùa Đông dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây biến động giá khí đốt trong ngắn hạn. Hôm qua, giá khí đốt chuẩn châu Âu – TTF -  tại Hà Lan đã tăng lên gần 49 EUR (tương đương 51 USD) mỗi megawatt-giờ (MWh), trong khi giá hôm 16/12 vẫn ở mức 40 EUR/MWh. Nếu tính từ giữa tháng 9/2024, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng xấp xỉ 40%.

Với tốc độ tiêu thụ như hiện tại, giới chuyên gia cảnh báo rằng, khu vực có thể đối mặt với áp lực lớn trong việc tái lập mức dự trữ an toàn trước mùa Đông năm sau. Điều này có thể dẫn đến những biến động mạnh về giá khí đốt trên thị trường năng lượng quốc tế trong thời gian tới.

“Có những giải pháp thay thế, nhưng chúng có xu hướng đắt hơn một chút so với khí đốt từ đường ống của Nga. Tác động sẽ được cảm nhận đặc biệt ở Áo, Hungary và Slovakia, nơi giá khí đốt có khả năng tăng. Và điều này có thể tác động đến giá tiêu dùng, chi phí sinh hoạt, nhưng cũng tác động đến giá cả của ngành công nghiệp, có thể tác động đến khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp đó”, ông Philipp Lausberg, nhà phân tích chính sách của Trung tâm Chính sách Châu Âu cảnh báo.

Các nền kinh tế Châu Âu đang lâm vào “hiểm cảnh” khi chứng kiến tiêu thụ lượng khí đốt dự trữ với tốc độ nhanh nhất trong vòng 7 năm qua. Theo Bloomberg, Đức ghi nhận lượng dự trữ khí đốt sụt giảm lớn nhất, với các kho dự trữ đã giảm từ mức 81% trong một tuần trước đó xuống còn 78%. Trong khi Pháp chỉ còn ở mức 57%, so với mức trung bình 5 năm là 75% vào thời điểm này trong năm. Các kho lưu trữ của Anh hiện có lượng khí dự trữ ở mức 55%.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) , việc đình chỉ đường ống vận chuyển khí đốt của Ukraine được coi là "sự bất ổn chính" đối với EU trong mùa đông năm nay. Trong khi Ủy ban Châu Âu cho biết họ sẽ không ủng hộ các cuộc thảo luận về việc gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt hoặc tìm kiếm các giải pháp thay thế để duy trì dòng chảy và họ không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến vấn đề này.

Trong nhiều thập kỷ, Nga đã vận chuyển khí đốt tự nhiên từ phía bắc Siberia qua Ukraine đến một số quốc gia EU , bao gồm Slovakia, Cộng hòa Séc, Hungary, Áo, thông qua đường ống xuyên biên giới. Tuy nhiên, sau lệnh trừng phạt của EU đối với Nga và việc xây dựng các chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, Slovakia trở thành quốc gia EU duy nhất nhận khí đốt của Nga qua đường ống trung chuyển của Ukraine. Hãng thông tấn Sputnik của Nga dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, tổng khối lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang các nước EU từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2024 đã tăng từ 18  đến 20% so với cùng kỳ năm 2023. Rõ ràng, bất chấp áp lực trừng phạt, nhu cầu về khí đốt của EU đối với Nga vẫn còn.

“Một hàm ý lớn hơn đối với địa chính trị năng lượng giữa Nga, EU và thậm chí đối với thị trường năng lượng toàn cầu có thể bao gồm một vài xu hướng quan trọng trong tương lai gần. Tất cả các bên bị tác động mạnh trong EU sẽ tăng gấp đôi nỗ lực của họ để tìm kiếm các tuyến đường vận chuyển thay thế, các tuyến đường nhập khẩu, xuất khẩu khí đốt như chúng ta đã thấy trong vài năm qua”, ông Trương Tín,  phó giáo sư, Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Sư phạm Hoa Đông bình luận.

Hiện tại, các nguồn cung năng lượng từ Nga đã không còn, việc thay thế cho dòng chảy này vẫn chưa thể thiết lập. Nguồn cung từ Mỹ cũng phải giảm do nhu cầu của nền kinh  tế Mỹ cũng cao hơn hàng năm. Các nước như Áo, Slovakia đã phải tìm mua nguồn khí đốt dự trữ từ chính các nước thành viên EU.

Với tình trạng băng giá sẽ diễn ra từ Tây Ban Nha tới Ba Lan và Ukraina trong tuần này, giá khí đốt sẽ dao động quanh mức cao nhất trong hơn một năm. Các chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics cảnh báo: “Châu Âu vẫn sẽ cần khí đốt vì mọi nỗ lực thoát khỏi khí đốt Nga đều chưa thành công”. Thậm chí, các nước châu Âu “có thể sẽ buộc phải xem xét mua thêm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga để bù đắp cho sự sụt giảm trong dự trữ khí đốt”.

GIỮA LÚC ÔNG TRUMP MUỐN MUA GREENLAND, ĐAN MẠCH ĐỔI QUỐC HUY

Đan Mạch đã thay đổi quốc huy nhằm thể hiện rõ hơn hình ảnh Greenland và Quần đảo Faroe, động thái được cho cách bày tỏ thái độ với các tuyên bố gần đây của ông Trump.

Theo Guardian, trong ngày 6/1, Vua Frederik của Đan Mạch đã quyết định thay đổi quốc huy của nước này, nhằm thể hiện rõ hơn hình ảnh về Greenland và Quần đảo Faroe. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố muốn mua lại Greenland.

Quốc huy cũ của Đan Mạch có hình 3 vương miện, tượng trưng cho Liên minh Kalmar giữa Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển trong quá khứ. Tuy vậy, quốc huy mới đã loại bỏ hình ảnh này, thay vào đó là hình ảnh một con cừu và một con gấu bắc cực, tượng trưng cho Greenland và Quần đảo Faroe.

Kể từ khi kế vị vào năm 2023, Vua Frederik đã thể hiện rõ quan điểm muốn giữ lại vùng lãnh thổ tự trị từng là thuộc địa của Vương quốc Đan Mạch. Ở thời điểm hiện tại, Đan Mạch vẫn kiểm soát chính sách đối ngoại và an ninh của Greenland.

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, Đan Mạch cũng công bố kế hoạch tăng mạnh chi tiêu quốc phòng cho Greenland, chỉ vài ngày sau khi ông Trump đề cập tới việc Mỹ muốn sở hữu hòn đảo này.

Trước đó, ông Trump đã khiến nhiều người xôn xao khi tuyên bố muốn mua lại Greenland và Panama thông qua mạng xã hội.

“Vì những mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, nước Mỹ cảm thấy quyền sở hữu và kiểm soát Đảo Greenland là điều hoàn toàn cần thiết. Tân Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Ken Howery sẽ làm một công việc tuyệt vời, khi ông ấy đại diện cho những lợi ích của nước Mỹ”, ông Trump cho biết.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Donald Trump Jr., con trai cả của ông Trump, dự kiến sẽ tới thăm Greenland vào ngày 7/1. Các nguồn tin thân cận tiết lộ đây là một chuyến đi cá nhân và ông Trump Jr. sẽ không gặp bất kỳ quan chức chính phủ nào.

CỰU TỔNG THỐNG PHÁP SARKOZY HẦU TÒA

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ phải ra hầu tòa vì cáo buộc nhận tài trợ bất hợp pháp từ cố lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007. Nếu bị kết tội, ông Sarkozy có thể đối mặt với mức án tối đa 10 năm tù giam.

Ông Sarkozy bị cáo buộc nhận một vali tiền tài trợ bất hợp pháp, khoảng 50 triệu euro, từ chính quyền của cố lãnh đạo Libya Gaddafi. Vụ án trên được coi là vụ việc gây tranh cãi nhất khi lần đầu tiên một cựu nguyên thủ quốc gia Pháp bị buộc tội âm mưu phạm tội với chính quyền nước ngoài kể từ Thế chiến thứ 2.

Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh tòa án tối cao Pháp trước đó giữ nguyên bản án quản thúc tại gia một năm đối với ông Sarkozy trong một vụ án tham nhũng khác. Trong khi đó, tờ Politico dẫn lời các công tố viên cho rằng số tiền trên đã được chuyển bất hợp pháp vào hệ thống tài chính Pháp thông qua các kênh trung gian và có dấu hiệu rửa tiền nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của giao dịch.

Hiện tòa án Pháp sẽ xem xét liệu chính quyền ở Libya có yêu cầu các ưu đãi ngoại giao, pháp lý và kinh doanh để đổi lấy việc tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Sarkozy hay không. Ngoài cựu tổng thống Sarkozy, 12 nghi phạm khác, bao gồm 3 cựu bộ trưởng và các cựu trợ lý thân cận, cũng bị xét xử trong vụ án này. Đến nay, tất cả các bị cáo đều phủ nhận mọi cáo buộc.

Nguồn: VTV; CafeF; Soha; Vietnamnet; Hà Nội Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang