EU: Kinh tế 1 năm chiến sự; Mua chung đạn dược; Paris lột xác; Đức: Cánh tay phải của Thủ tướng, chuyến công du nhiều mục tiêu

Kinh tế châu Âu sau một năm chiến sự Ukraine

Châu Âu thoát phụ thuộc năng lượng Nga trong khi sản xuất không sụp đổ, cắt điện luân phiên không diễn ra, dù tăng trưởng còn thấp, lạm phát dai dẳng.

Sau ba năm đóng cửa vì đại dịch, kinh tế châu Âu hồi phục và dần ổn định. Các nhà hoạch định chính sách khu vực này từng cho rằng 2023 sẽ là năm lục địa già trở lại trạng thái bình thường mới với mức tăng trưởng khá và lạm phát dưới 2%.

Tuy nhiên, dưới tác động của xung đột Ukraine một năm qua, kinh tế châu Âu dù tránh được những kịch bản xấu nhất, trạng thái bình thường mới sau dịch vẫn xấu hơn so với những gì các nhà kinh tế dự kiến.

Các hộ gia đình bắt đầu thắt chặt hầu bao vào quý IV/2022. Tại Áo và Tây Ban Nha, tiêu dùng giảm đã kéo mức tăng trưởng hàng quý xuống một điểm phần trăm. Thương mại bán lẻ trong khu vực đồng euro đã giảm 2,7% trong tháng 12 so với tháng 11 năm ngoái. Khi việc trợ giá và áp giá trần năng lượng bán cho hộ gia đình hết hiệu lực trong năm nay, sức mua có thể trở thành một vấn đề.

Trong khi đó, lạm phát còn dai dẳng. "Ở EU, chúng tôi có 27 cách khác nhau mà giá năng lượng bán buôn vẫn tác động người tiêu dùng. Đó là một cơn ác mộng để dự báo", một quan chức của Ủy ban châu Âu nói với The Economist.

Một số áp lực về giá vẫn có thể xảy ra. Ví dụ như ở Đức, nơi giá năng lượng trong tháng 1 tăng 8,3% so với tháng 12. Ngay cả khi giá bán buôn ổn định ở mức thấp hơn hiện tại, giá bán cho các hộ gia đình vẫn có thể thất thường.

Thị trường việc làm mạnh mẽ của châu Âu có thể làm tăng lạm phát. Giá cả cao và tình trạng thiếu nhân sự, có khả năng trở nên tồi tệ hơn khi người già nghỉ hưu và ít thanh niên tham gia lực lượng lao động, đang đẩy nhu cầu trả lương lên cao.

Ở Hà Lan, tiền lương đã tăng 4,8% trong tháng 1 so với cùng kỳ 2022. Vào tháng 1 của năm 2021 và 2022, tiền lương chỉ tăng lần lượt 2,1% và 3,3%. Tại Đức, các công đoàn khu vực công đe dọa sẽ có nhiều cuộc đình công hơn. Họ muốn mức tăng lương đến 10,5%, điều có thể tạo ra yêu cầu tương tự ở các công đoàn khác.

Dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng Indeed cho thấy tiền lương ở eurozone có xu hướng tuân theo lạm phát cốt lõi, vốn chưa có dấu hiệu giảm tốc. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, tức không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 7% vào tháng trước. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ phải đối mặt với chi phí tăng mạnh, theo khảo sát Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI). Điều này có thể dẫn đến tăng giá hơn nữa.

Vì thế, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giữ lãi suất cao. Thị trường kỳ vọng họ sẽ tăng lãi suất từ mức 2,5% lên 3,7% vào mùa hè. Do đó, chi phí vốn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đến đầu tư. Ông Eisenschmidt cho rằng hầu hết tác động của việc thắt chặt tiền tệ vẫn còn chưa được cảm nhận.

Nhìn chung, khu vực đồng euro thoát được suy thoái nhưng kinh tế đang trì trệ. Lạm phát và lãi suất vẫn cao. Tăng trưởng của eurozone là 0,1% trong quý IV/2022 và của Liên minh châu Âu là 0%. Xu hướng đầu năm nay cũng đang tương tự. "Điều đó vẫn tốt hơn là suy giảm", Bruno Cavalier, nhà kinh tế tại tập đoàn tài chính Oddo BHF, bình luận.

IMF dự đoán eurozone sẽ tăng trưởng 0,7% năm nay trong khi Ủy ban châu Âu dự báo 0,9%. Thậm chí những con số này có thể vẫn còn quá lạc quan, theo The Economist. Mỹ cũng phải đối mặt với tình trạng lạm phát nghiêm trọng không kém, và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đã không mang lại nhiều động lực cho châu Âu. Bình thường mới của lục địa này có lẽ sẽ không ít gian nan.

"Đối với eurozone, chúng tôi dự đoán mức tăng trưởng bằng 0 trong quý I và chỉ 0,8% trong cả năm. Đây là mức thấp, với mức tăng trưởng dự kiến chỉ 0,2% ở Đức năm 2023", Felix Huefner, nhà kinh tế của UBS, cho biết.

Ở mặt tích cực, eurozone chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể sau cú sốc khủng hoảng Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng. Sau khi tăng vọt vào mùa hè năm ngoái, giá khí đốt hiện giờ còn rẻ hơn so với trước khi xảy ra xung đột. Các chính phủ không phải phân phối năng lượng như người ta lo ngại lúc đầu, một phần nhờ thời tiết ấm áp bất thường. Lạm phát toàn phần đạt mức kỷ lục 10,6% trong tháng 10/2022, cũng đang giảm.

Những dự đoán về sự sụp đổ của các ngành công nghiệp vì chi phí nhiên liệu gia tăng cũng không xảy ra. Tại Đức, các nhà máy sử dụng nhiều năng lượng đã chứng kiến sản lượng giảm một phần năm kể từ khi chiến sự bắt đầu. Nhưng đến cuối năm ngoái, tổng sản lượng công nghiệp chỉ giảm 3%, phù hợp với xu hướng trước đại dịch. Cuộc khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh tại nước này cho biết các nhà sản xuất vẫn lạc quan như trước Covid-19.

Mặc dù nền kinh tế Đức suy giảm nhẹ trong quý IV/2022, eurozone vẫn chưa suy thoái. Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu, khối này sẽ tránh được suy giảm trong quý I năm nay. Các cuộc khảo sát gần đây cũng phản ánh xu hướng trên. Chỉ số PMI của khu vực này tăng lên những tháng gần đây, cho thấy một bức tranh tươi sáng hơn dần hiện ra.

Ổn định kinh tế giúp mọi người có việc làm. Số lượng việc làm trên toàn khối đã tăng trở lại vào quý IV/2022. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999. Các công ty vẫn liên tục tuyển thêm.

Có việc làm giúp mọi người tiếp tục chi tiêu. Dù giá năng lượng cao, tiêu dùng vẫn đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng hàng quý trong quý II và III năm ngoái. Theo Jens Eisenschmidt, Kinh tế trưởng châu Âu của Morgan Stanley, cú sốc năng lượng cần có thời gian để ảnh hưởng đến người tiêu dùng vì giá cao chỉ lan truyền sau một thời gian. "Trong khi chờ đợi, hỗ trợ tài chính từ chính phủ đã giúp các hộ gia đình chi tiêu", ông này nói.

Cuộc chiến cũng đã đánh dấu một sự thay đổi sâu sắc và lâu dài trong nền kinh tế châu Âu, nhất là nguồn cung năng lượng. "Lục địa này đã rời xa sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và tìm kiếm các nguồn năng lượng khác, đó là một sự thay đổi lâu dài", Andrew Kenningham, chuyên gia phân tích của Capital Economics, cho biết.

Kể từ mùa hè năm ngoái, những người ra quyết định kinh tế và chính trị ở châu Âu đã chú ý đến một chỉ số mà trước đây không mấy quan tâm. Đó là giá khí đốt TTF, được niêm yết ở Hà Lan, được dùng làm giá chuẩn ở châu Âu.

Vào tháng 8/2022, nó đạt 338 euro mỗi mWh, gấp 15 lần mức trung bình trong lịch sử. Nhưng đến 17/2/2023, TTF chỉ còn 48,9 euro mỗi mWh, mức thấp nhất 18 tháng. Mùa đông trôi qua mà không có sự cố mất điện lớn nào xảy ra mặc dù lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu đã giảm 85% trong quý IV năm ngoái.

"Canh bạc của nhà lãnh đạo Nga là đơn phương cắt nguồn cung khí đốt vào mùa hè của năm 2022, ngoại trừ một số quốc gia đồng minh bao gồm Hungary và Serbia, là một thất bại nặng nề", tờ Le Monde của Pháp bình luận.

Người châu Âu cũng đã tìm các nguồn cung khác, lấp đầy kho dự trữ của họ bằng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Trung Đông và Mỹ. Trong vòng vài tháng, Đức đã mua kho cảng LNG đầu tiên, khai trương vào tháng 12/2022 tại Wilhelmshaven ở Biển Bắc. Những kho cảng LNG sẽ sớm bổ sung ở Đức, Phần Lan.

Châu Âu cũng đã may mắn với một mùa đông ôn hòa. Đồng thời, các công ty và hộ gia đình đã cố gắng giảm tiêu thụ đáng kể. "Chúng ta đã đánh giá thấp tính linh hoạt của nền kinh tế," Kenningham nói. Kết quả, tháng 8 đến tháng 11 năm ngoái, mức tiêu thụ khí đốt của EU giảm 20% so với trung bình giai đoạn 2017-2020.

"Các kho dự trữ khí đốt trên khắp châu Âu đang còn đầy 66%, là mức cao bất thường vào thời điểm này trong năm", theo Toby Whittington, chuyên gia của Oxford Economics. Với tốc độ hiện tại, chúng sẽ lại đầy vào cuối hè. "Rất khó có khả năng châu Âu cạn kiệt khí đốt trong mùa đông này hoặc năm sau", ông nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Lý do nhiều nước EU quan tâm tới ý tưởng 'mua chung đạn dược'

Một năm trước, ý tưởng về việc EU đàm phán hợp đồng mua đạn dược nghe có vẻ vô lý. Nhưng giờ đây, điều đó không chỉ đột nhiên trở nên khả thi mà còn mang tính chất khẩn cấp.

Đó là tâm trạng của các bộ trưởng ngoại giao EU khi họ tập trung tại Brussels đầu tuần này. Các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu chỉ ra rằng có vẻ như vấn đề bây giờ là khi nào và như thế nào chứ không phải liệu EU có được trao quyền để thay mặt các nước thành viên thực hiện các hợp đồng mua bán vũ khí hay không.

Ngoại trưởng Séc Jan Lipavský nói với các phóng viên rằng nếu điều đó có nghĩa là “tìm cách mua sắm đạn dược chung và cho phép các công ty đầu tư dài hạn vào năng lực [quốc phòng], thì hãy làm điều đó”.

Ý tưởng mua đạn dược chung đã nổi lên kể từ khi nó được Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU hồi đầu tháng này, trong bối cảnh nhiều lo ngại lan rộng rằng Ukraine sắp cạn kiệt đạn. Các quan chức hàng đầu của EU, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell, sau đó thể hiện sự ủng hộ bằng các bình luận vào cuối tuần.

Tuy nhiên, chỉ riêng sự nhiệt tình thì sẽ không thúc đẩy được đề xuất. EU phải tìm được sự đồng thuận giữa tất cả quốc gia thành viên về chủ đề này, điều không bao giờ là dễ dàng ở Brussels. Chưa kể hiện nay liên minh đang thiếu một cơ chế chính thức để cùng nhau đàm phán các hợp đồng vũ khí.

Sau cuộc họp hôm 20/2, ông Borrell nhấn mạnh rằng tốc độ là điều cần thiết nhưng thừa nhận các bộ trưởng quốc phòng sẽ không nhận được đề xuất cụ thể cho đến đầu tháng tới, trước hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng 3.

Ông nói: “Rõ ràng là chúng ta cần khởi động các thủ tục để tăng năng lực sản xuất nhiều hơn và nhanh hơn của ngành công nghiệp châu Âu", đồng thời kêu gọi các nước quyên góp những gì họ có trong thời gian chờ đợi.

“Những tuần tới sẽ rất quan trọng. Tốc độ đồng nghĩa với sự sống”, ông Borrell nhấn mạnh.

Tinh thần đó làm nổi bật sự thay đổi ý thức hệ lớn đang diễn ra tại EU - một liên minh hòa bình đang ngày càng chuyển sang lĩnh vực quân sự. Hiện tại, Brussels đang hoàn trả một phần cho các quốc gia quyên góp vũ khí cho Ukraine, và tham gia vào các chủ đề gây tranh cãi như viện trợ máy bay chiến đấu.

Một nhà ngoại giao EU cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đã "lật ngược chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh của EU theo một cách chưa từng có."

Vậy kế hoạch là gì?

Cách thức hoạt động của một hợp đồng mua sắm đạn dược do EU đứng đầu (ít nhất là trên lý thuyết) là: Thay vì để mỗi quốc gia đàm phán thỏa thuận mua đạn dược của riêng mình, EU sẽ đưa ra một hợp đồng duy nhất cho tất cả các quốc gia quan tâm, giúp giảm giá mỗi viên đạn và cho phép các công ty đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu thời chiến.

Đạn dược đầu tiên sẽ đến Ukraine. Nhưng các đơn đặt hàng sau này cũng có thể được chuyển đến các nước EU cần bổ sung kho dự trữ của chính họ.

Việc mua chung đạn dược như mua vaccine COVID-19 là một khái niệm đã gây xôn xao trong nhiều tháng qua, khi châu Âu nhận ra rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ còn kéo dài trong một thời gian dài nữa.

Vào tháng 11/2022, ông Borrell và ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU, Thierry Breton, đã viết một lá thư cho các bộ trưởng quốc phòng đề xuất một kế hoạch mua sắm vũ khí chung quy mô lớn. Họ so sánh nó với đại dịch COVID-19, khi các nước EU cho phép Brussels đàm phán một hợp đồng mua vaccine trong toàn khối.

Tuy nhiên, EU đã xem xét đề xuất này vào thời điểm đó. Và ngay cả bây giờ, việc đó vẫn sẽ mất thời gian. Các bộ trưởng ngoại giao châu Âu ủng hộ ý tưởng này hôm 20/2 cho biết không còn nhiều thời gian để lãng phí.

Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu nói với các phóng viên rằng đề xuất của nước ông sẽ chứng kiến ​​EU đàm phán các hợp đồng mua tổng cộng một triệu quả đạn pháo 155 mm với chi phí 4 tỷ euro.

Tuy nhiên, EU sẽ làm điều đó như thế nào thì vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Năm ngoái, các nước EU đã dành 500 triệu euro từ ngân sách của khối để mua sắm quốc phòng chung. Nhưng Nghị viện châu Âu vẫn chưa hoàn thiện kế hoạch và một số nhà ngoại giao cho biết khó mong đợi một thỏa thuận cuối cùng cho đến ít nhất là tháng 5.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hôm 20/2 đã đề xuất một lựa chọn khả thi, gọi là Cơ sở Hòa bình châu Âu - là một quỹ tiền ngoài ngân sách thông thường của EU, từng được sử dụng cho các nhiệm vụ ngăn ngừa xung đột, giờ được tái sử dụng làm quỹ hoàn trả cho các quốc gia gửi vũ khí cho Ukraine. Cho đến nay, quỹ này đã trao cho các quốc gia hơn 3,5 tỷ euro để giúp trang trải chi phí quyên góp vũ khí.

“Chúng tôi sẽ sử dụng cơ chế của Cơ sở Hòa bình châu Âu, một điều mới, để cho phép châu Âu mua trực tiếp đạn dược cho Ukraine", bà Colonna nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Ngoài ra vẫn có những vấn đề khác cần giải quyết, chẳng hạn như liệu những giao dịch mua chung này có chỉ áp dụng cho đạn dược do châu Âu sản xuất hay không. Các nhà ngoại giao cho biết họ mong đợi điều đó, ít nhất là trong giai đoạn đầu.

Toàn bộ chủ đề nói trên sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi các bộ trưởng quốc phòng EU tập trung vào ngày 8/3 tại Thụy Điển, nơi các quan chức cũng sẽ cân nhắc xem có nên khai thác Cơ sở Hòa bình châu Âu cho sáng kiến ​​mua đạn chung hay không. Một số nhà ngoại giao cho biết khối có thể đồng ý thiết lập một dự án thí điểm mua chung qua cơ chế này.

Nhưng nếu kế hoạch đó thất bại, các quan chức sẵn sàng xem xét các lựa chọn phạm vi hẹp hơn - ngoại trưởng Estonia, Reinsalu cho biết.

Ông nói với Politico: “Chúng tôi chắc chắn muốn thấy một giải pháp toàn châu Âu. Nhưng nếu có trường hợp ai đó sẽ do dự trong vấn đề đó, thì chắc chắn cơ chế lựa chọn tham gia hoặc từ chối sẽ thực tế hơn".

(Nguồn: Soha)

Paris lột xác

Paris thay da đổi thịt mạnh mẽ thời gian qua khi đổ tiền vào văn hóa, thu hút các nghệ sĩ hàng đầu tới sống và làm việc, với tham vọng trở thành kinh đô nghệ thuật mới ở châu Âu.

Tháng 10/2022, Paris được vinh danh là kinh đô nghệ thuật đương đại của châu Âu khi đăng cai tổ chức triển lãm nghệ thuật Paris+ par Art Basel danh tiếng.

Từ khắp thế giới, các nhà sưu tầm giàu có, các chuyên gia nghệ thuật hàng đầu và báo giới đổ về các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật tại kinh đô ánh sáng Paris. Đây là điều chưa từng có tiền lệ, theo Bloomberg.

Kinh đô nghệ thuật mới

Từ lâu, Paris bị gán mác là thành phố nghệ thuật già nua thiếu sức sống. Nhưng năm nay, thủ đô nước Pháp lột xác khi liên tiếp tổ chức kết hợp các sự kiện nghệ thuật công cộng và tư nhân. Mạng lưới nghệ sĩ sống tại Paris cũng ngày càng được mở rộng.

"Các quỹ nghệ thuật, bảo tàng, triển lãm, nhà sưu tầm ý thức được sự quan trọng của thời kỳ vàng hiện nay với Paris. Chúng tôi đang nỗ lực để kéo mọi người tới Paris, duy trì sự sôi động của thành phố", Kamel Mennour, chủ 4 phòng trưng bày tại Paris, nói.

Sự nổi lên của Paris trong lĩnh vực nghệ thuật diễn ra trong bối cảnh London mất đi sức hấp dẫn sau khi nước Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU). Tuy vậy, nhiều người yêu nghệ thuật cho rằng đây không phải cuộc cạnh tranh một mất một còn.

Thị trường nghệ thuật London hiện vẫn rất nhộn nhịp. Mới đây, London tổ chức nhiều triển lãm bảo tàng được giới phê bình đánh giá cao, như triển lãm điêu khắc và thơ tại Serpentine, hay triển lãm về họa sĩ Lucian Freud tại Bảo tàng Quốc gia.

Thực tế, sự khởi sắc của Paris chủ yếu đến từ các khoản đầu tư hào phóng của các ông lớn trong lĩnh vực nghệ thuật. Khởi đầu của làn sóng này diễn ra năm 2014 khi Chủ tịch hãng thời trang xa xỉ LVMH Bernard Arnault, hiện là người giàu nhất thế giới, khánh thành bảo tàng nghệ thuật Foundation Louis Vuitton.

Foundation Louis Vuitton được thiết kế như một con thuyền trôi giữa rừng cây, nằm tại công viên Bois de Boulogne. Kể từ đó, Foundation Louis Vuitton đã tổ chức hàng loạt triển lãm mang tầm quốc tế, với quy mô và ngân sách vượt trội tất cả cơ sở nghệ thuật công khác, theo Forbes.

Tới 2018, Paris chứng kiến sự ra đời của không gian nghệ thuật đương đại Lafayette Anticipations, đứng sau là tập đoàn nghệ thuật và thời trang Galeries Lafayette.

Ba năm sau đó, nhà sáng lập tập đoàn chuyên kinh doanh xa xỉ phẩm Kering SA, ông François Pinault, khai trương bảo tàng nghệ thuật của riêng mình có tên Bourse de Commerce - Pinault's Collection. Bảo tàng này nhanh chóng trở thành ngôi đền nghệ thuật tầm cỡ thế giới.

Paris thu trái ngọt

Chính phủ Pháp hiện đứng đầu trong số các nước châu Âu rót tiền vào nghệ thuật. Năm ngoái, Pháp đầu tư 4,2 tỷ USD vào lĩnh vực văn hóa, so với 2,5 tỷ USD của Đức - nước xếp thứ hai, theo New York Times.

Các bảo tàng tư nhân mới thành lập đã rót tiền vào ngành nghệ thuật ở Paris, thu mua đủ loại tác phẩm nghệ thuật lớn nhỏ của giới nghệ sĩ.

"Tất cả tổ chức triển lãm với tác phẩm của các nghệ sĩ Pháp. Giám đốc, quản lý các bảo tàng tư nhân thường xuyên ghé thăm các phòng trưng bày và nắm sát diễn biến của thị trường nghệ thuật", Alexander Hertling, đồng sáng lập phòng trưng bày nghệ thuật Balice Hertling, nói.

Đầu tư của khối tư nhân là động lực thúc đẩy sự phát triển của các phòng trưng bày nghệ thuật. Đã có hàng chục cơ sở mới như vậy mọc lên tại Paris trong vài năm qua.

Hoạt động và tương tác nhịp nhàng giữa giới nghệ sĩ, các triển lãm, bảo tàng nghệ thuật thúc góp phần thúc đẩy thương mại nghệ thuật của Paris. Kinh đô ánh sáng là một trong các địa điểm du lịch hàng đầu thế giới năm 2022.

Các hội chợ và buổi diễn nghệ thuật mới tổ chức gần như mỗi tuần, thu hút thêm khách du lịch. Năm ngoái, bảo tàng Louvre tiếp đón 7,8 triệu lượt khách, chỉ thấp hơn 19% so với thời gian trước đại dịch Covid-19.

Giới doanh nghiệp đứng sau sự trỗi dậy gần đây của Paris quyết tâm thay da đổi thịt thành phố, bước đầu tiên là biến thủ đô nước Pháp trở thành ngôi nhà của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới.

"Chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng giúp đỡ các nghệ sĩ tới đây tạo dựng chỗ đứng", ông Mennour nói. Một phần trong kế hoạch hỗ trợ các nghệ sĩ là cung cấp nhà ở, nơi làm việc miễn phí.

Những khoản đầu tư hào phóng của vài năm qua đã bắt đầu mang lại thành quả cho Paris.

Theo ông Hertling, nghệ thuật đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày. Các nghệ sĩ bắt đầu cảm thấy thực sự thoải mái khi sống ở Paris. Điều này giúp các triển lãm, bảo tàng nghệ thuật thu được sản phẩm gần như mỗi ngày, đồng thời thu hút thêm các triển lãm và nhà sưu tầm mới gia nhập hệ sinh thái nghệ thuật của thành phố.

(Nguồn: Zing News)

“Cánh tay phải” của Thủ tướng Đức

Văn phòng Thủ tướng Đức tọa lạc trên tầng 7 của tòa nhà trụ sở chính phủ.

Người đứng đầu văn phòng, cũng là phụ tá thân cận nhất của Thủ tướng Olaf Scholz-ông Wolfgang Schmidt, Chánh văn phòng kiêm Bộ trưởng liên bang phụ trách các nhiệm vụ đặc biệt. Ông là người giám sát 870 nhân viên thuộc 7 phòng, ban trong phủ thủ tướng.

Dù ít được công chúng biết đến, song ông Schmidt được coi là một trong những quan chức có ảnh hưởng nhất ở Berlin. Ông là người mà các chính trị gia Đức và quốc tế tìm đến khi họ muốn tham vấn về các chính sách của thủ tướng. Theo Markus Tons, một nhà lập pháp cấp cao của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), ông Schmidt là người đặc biệt vì “thủ tướng rất tin tưởng, thường xuyên lắng nghe ý kiến và giao cho ông ấy nhiều nhiệm vụ quan trọng”.

Ông Schmidt cũng là người đứng đầu nhóm cố vấn của thủ tướng, gồm Thứ trưởng Bộ Tài chính Jörg Kukies, Cố vấn Chính sách đối ngoại và An ninh Jens Plötner, Phát ngôn viên Chính phủ Đức Steffen Hebestreit, cựu Chánh văn phòng Thủ tướng Jeanette Schwamberger. Những người này đều đã làm việc với ông Scholz từ trước khi ông trở thành thủ tướng, song mối quan hệ giữa Thủ tướng Scholz với ông Schmidt được đánh giá là mối quan hệ khăng khít nhất.

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Berlin vào tháng trước để thảo luận về đề xuất Đức cung cấp xe tăng cho Ukraine, ông đã có cuộc gặp gỡ với ông Schmidt. Phụ tá của Thủ tướng Scholz cũng là người theo dõi quan hệ Pháp-Đức khi thường xuyên trao đổi trực tiếp với cố vấn hàng đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Alexis Kohler.

Trong một số trường hợp, khi Thủ tướng Scholz không có mặt, ông Schmidt cũng đảm nhận việc tiếp đón các nhà lãnh đạo của một số nước như Moldova và Colombia tại văn phòng thủ tướng. Ít ai biết, bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Scholz tại Hội nghị An ninh Munich vừa qua cũng mang đậm dấu ấn của kiến trúc sư Schmidt, theo bật mí của tờ Politico.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Niels Annen nhận định, ông Schmidt đã tham gia tích cực vào chính sách đối ngoại trong nhiều năm, xây dựng được nhiều mối quan hệ quốc tế và tất nhiên, chính phủ liên bang được hưởng lợi từ điều đó.

Lý giải về vai trò và ảnh hưởng của mình đối với các chính sách của Thủ tướng Scholz, người đứng đầu văn phòng thủ tướng cho biết ông “không nhúng tay vào chính sách đối ngoại” mà chỉ giới hạn công việc trong các nhiệm vụ hành chính và chính trị trong nước. Dù vậy, vai trò quan trọng không thể phủ nhận của ông Schmidt từng gây ra tranh cãi về việc ai mới thực sự là người kiến tạo các chính sách đối ngoại của Đức, ông Schmidt hay Ngoại trưởng Annalena Baerbock.

(Nguồn: Quân Đội Nhân Dân)

Chuyến công du nhiều mục tiêu

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến công du tới Ấn Độ.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục căng thẳng liên quan đến xung đột tại Ukraine, cũng như chủ trương đa dạng hóa kinh tế của Chính phủ Đức để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chuyến thăm này được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trọng tâm của chuyến thăm sẽ là cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Olaf Scholz với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi. Sau đó, hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc thảo luận với đại diện doanh nghiệp hai bên. Thủ tướng Đức cũng sẽ tới thăm "thành trì công nghệ cao" của Ấn Độ ở Bangalore, miền Nam đất nước. Tháp tùng Thủ tướng Scholz trong chuyến thăm này là phái đoàn doanh nghiệp lớn của Đức.

Chuyến thăm đầu tiên của ông Olaf Scholz tới Ấn Độ trên cương vị Thủ tướng Đức được cho là cơ hội tốt để hai bên đánh giá lại những kết quả chính của cuộc tham vấn lần thứ sáu giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Ấn Độ hồi tháng 5/2022; tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, hướng tới các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, thúc đẩy hợp tác về lao động và đưa ra hướng dẫn chiến lược cho sự hợp tác về khoa học và công nghệ.

Về kinh tế, hiện tại nước Đức đang tích cực đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ấn Độ với quy mô dân số khoảng 1,4 tỷ dân và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, là đối tác hết sức quan trọng của Đức tại châu Á. Mặc dù vậy, trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Đức năm 2022, Ấn Độ chỉ xếp thứ 22 về xuất khẩu và thứ 24 về nhập khẩu. Kim ngạch thương mại song phương Đức-Ấn đạt khoảng 30 tỷ euro. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn hợp tác của cả hai bên. Trong khi đó, việc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Tại Đức, mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác hơn nữa về kinh tế, thương mại với Ấn Độ - động lực tăng trưởng của châu Á, là rất lớn. Theo ông Stefan Halusa, lãnh đạo Phòng Thương mại Đức tại Ấn Độ, với mối quan hệ chính trị tốt, chia sẻ nhiều giá trị chung, hai nước có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại. Vì không có sự phụ thuộc từ một phía nên cán cân thương mại song phương giữa Đức và Ấn Độ hiện khá cân bằng.

Ấn Độ đang giữ cương vị chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại New Delhi vào tháng 9 tới, trong đó chủ đề khí hậu và các ngành công nghiệp xanh sẽ là một phần quan trọng của các cuộc đàm phán. Giống như EU và Mỹ, Ấn Độ đang tích cực đầu tư cho các công nghệ mới, trong đó có công nghệ năng lượng Mặt Trời, hydro xanh và xe điện. Đây đều là các lĩnh vực mà nền kinh tế Đức hết sức quan tâm. Chuyến đi của Thủ tướng Scholz tới "thành trì công nghệ cao" Bangalore của Ấn Độ cho thấy rõ điều này.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Berlin hồi tháng 5/2022, Đức và Ấn Độ đã ký kết tổng cộng 14 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bảo vệ khí hậu, phát triển công nghệ hydro xanh... Thủ tướng Đức đã tuyên bố sẽ cung cấp 10 tỷ euro để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Ấn Độ trong những năm tới. Với một phái đoàn doanh nghiệp lớn đi cùng, chuyến thăm tới New Delhi của Thủ tướng Đức vừa để thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác đã có, vừa hướng tới mở ra các cơ hội kinh doanh mới cho nền kinh tế Đức. Ấn Độ được coi là thị trường rất tiềm năng cho các ngành công nghiệp Đức như hóa chất, dược phẩm, công nghệ y tế, ô tô, kỹ thuật cơ khí, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Về chính trị, giới chuyên gia cho rằng không phải ngẫu nhiên chuyến thăm Ấn Độ lại được tổ chức đúng vào dịp tròn 1 năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong suốt thời gian qua, bất chấp sức ép từ phương Tây, Chính phủ Ấn Độ vẫn kiên định lập trường trung lập, không tham gia các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại Nga cả về kinh tế lẫn chính trị. Ngược lại, New Delhi tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với Moskva, đặc biệt là việc nhập khẩu năng lượng. Nếu trước xung đột, lượng dầu nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm 1% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, thì đến tháng 1/2023, tỷ lệ này đã tăng lên 28% và Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ. Nhập khẩu phân bón từ Nga cũng tăng vọt. Tính chung, giá trị nhập khẩu từ Nga đã tăng lên hơn 37,3 tỷ USD trong vòng 10 tháng, từ tháng 4/2022 - 1/2023, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, đưa Nga lên vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng các nhà cung cấp của Ấn Độ.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Đức lần này là nỗ lực tiếp theo của Đức nhằm gắn kết Ấn Độ chặt chẽ hơn với phương Tây. Theo chuyên gia Christian Wagner từ Viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP), phương Tây đang thúc đẩy sự hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc của New Delhi vào Moskva. Còn theo nhận định của báo Thế giới (Die Welt), Ấn Độ là đối tác rất quan trọng của phương Tây nói chung và nước Đức nói riêng.

Đại sứ Đức tại Ấn Độ Philipp Ackermann cho biết xung đột Nga - Ukraine và các hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm của Thủ tướng Scholz. Ngoài ra, Đức cũng rất cần Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng sẽ là một chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận tại New Delhi.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang