EU: Khủng hoảng nước; Mùa hè 'nướng chín' TBN; Lễ đăng cơ của Charles; Nghề phục vụ giới tinh hoa; Dầu diesel Ấn ồ ạt chảy

Châu Âu tiếp tục đối mặt với khủng hoảng nước

Dù mới chỉ là mùa xuân, nhưng châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Theo tờ Politico, hồ chứa nước quan trọng phục vụ hàng triệu người ở vùng Catalonia, Tây Ban Nha, đang cạn kiệt. Tại Pháp, tình trạng thiếu nước đã gây ra các cuộc đụng độ khi một số ngôi làng không thể cung cấp nước máy cho cư dân. Trong khi đó, con sông lớn nhất của Italy đã trơ đáy từ tháng 6 năm ngoái.

Hơn 1/4 “lục địa già” đang phải chống chọi với hạn hán kể từ tháng 4, nhiều quốc gia đã gấp rút chuẩn bị cho mùa hè khô hạn khi nhiều dự báo cho rằng thảm hoạ sẽ lặp lại ở châu Âu, thậm chí còn tồi tệ hơn năm ngoái.

Đầu năm nay, một nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh xác nhận rằng châu Âu đã phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng kể từ năm 2018. Nhiệt độ tăng cao đang gây khó khăn cho nỗ lực phục hồi, khiến châu Âu mắc kẹt trong chu kỳ hạn hán nguy hiểm và nước trở thành nguồn tài nguyên quý giá hơn bao giờ hết.

Ông Torsten Mayer-Gürr, tác giả chính của nghiên cứu trên, nhận định: “Một vài năm trước, tôi dự đoán châu Âu vẫn có đủ nước. Nhưng giờ đây, dường như chúng ta có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề”.

Các chuyên gia cảnh báo dù thời tiết mưa ẩm trong những tuần tới có thể bổ sung nước cho lớp đất bề mặt và giúp ích cho hoạt động nông nghiệp, song mưa xuân cũng không thể khắc phục tình trạng thiếu nước ngầm đang xảy ra ở châu Âu.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tuyên bố hạn hán “sẽ trở thành một trong những vấn đề thảo luận chính trị trọng tâm của đất nước trong những năm tới.”

Hạn hán mùa đông

Trận hạn hán lịch sử vào năm ngoái đã khiến các hồ chứa trên mặt đất và dưới lòng đất của châu Âu trở nên cạn kiệt. Trong khi đó, nhiều khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán có rất ít mưa hoặc tuyết trong mùa đông - vốn được coi là thời điểm nguồn nước dồi dào hơn.

Pháp – nơi không có mưa trong hơn 30 ngày liên tiếp trong tháng 1 và tháng 2 – đã trải qua mùa đông khô hạn nhất trong 60 năm. Theo tổ chức nghiên cứu CIMA của Iatly, lượng tuyết rơi giảm 64% vào giữa tháng 4. Mực nước sông Po chảy thấp tương tự mùa hè năm ngoái, còn nước ở hồ Garda đã ở mức thấp hơn một nửa mức trung bình hằng năm.

Báo cáo từ hiệp hội nông dân Tây Ban Nha COAG cho biết một số loại ngũ cốc sẽ bị “xóa sổ” trên toàn bộ 4 khu vực trong năm nay. Một nhà khí tượng học đã nói với El País rằng hãy nói lời tạm biệt với gần như toàn bộ vụ thu hoạch ô liu.

Hồ chứa nước Sau ở phía Bắc Barcelona cũng cạn nước đến mức các giới chức đã quyết định vớt cá lên để chúng khỏi chết và làm ô nhiễm nguồn nước của khu vực. Trên khắp Catalonia, các hồ chứa nước chỉ ở mức 27% vào tháng 4. Trong khi đó, theo dự báo thời tiết, vào tuần tới, Tây Ban Nha sẽ đối mặt với một đợt nắng nóng sớm.

Theo Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Teresa Ribera, lượng nước hiện nay ở Tây Ban Nha, cũng như ở Pháp, có thể giảm tới 40% vào năm 2050.

Ông Fred Hattermann, nhà thủy văn học tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam cho rằng lượng mưa mùa đông rất quan trọng đối với các quốc gia Địa Trung Hải nói riêng.

“Với lượng mưa ít ỏi của năm nay và lớp tuyết phủ mỏng trên dãy Alpine, nếu hiện tại không có nhiều mưa, hạn hán về cơ bản sẽ không thể chấm dứt”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, mưa xuân cũng chỉ giúp giảm bớt phần nào tình trạng thiếu nước trong mùa hè này. Ông Hattermann cảnh báo để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn bắt đầu vào mỗi năm với tình trạng thiếu hụt lớn nước ngầm, châu Âu sẽ cần tới gần một thập kỷ có nhiều mưa.

Tác động của biến đổi khí hậu

Song việc dự báo lượng mưa trong thời gian dài như vậy là rất khó khăn, đặc biệt là khi biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi mô hình lượng mưa. Một trong số ít các dự báo dài hạn, như dự báo của cơ quan thời tiết Đức cho những năm 2020, cho rằng nước này sẽ có lượng mưa ít hơn trong hầu hết thập kỷ.

Song ngay cả khi lượng mưa không thay đổi, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm lượng nước cung cấp trên khắp các vùng của châu Âu.

Hạn hán là hiện tượng phức tạp xảy ra do nhiều yếu tố - chẳng hạn quản lý nước kém hoặc tiêu thụ quá mức. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng chắc chắn sẽ gây thêm áp lực lên nguồn cung cấp nước của châu Âu.

Ông Hattermann cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu đang khiến lục địa già trở nên khô cằn hơn theo 3 yếu tố.

Thứ nhất là nhiệt độ càng tăng, nước càng bốc hơi nhiều. Ông nhấn mạnh: “Chỉ riêng điều này đã khiến châu Âu khô cằn hơn. Về cơ bản, chúng ta sẽ phải có lượng mưa tăng đều đặn để bù đắp cho sự gia tăng lượng nước bốc hơi đó”.

Thứ hai, biến đổi khí hậu đang làm suy yếu dòng khí quyển châu Âu, có nghĩa là hệ thống áp suất không khí có thể bị mắc kẹt, tạo ra thời kỳ khô nóng kéo dài - như đã xảy ra vào năm ngoái - hoặc lượng mưa lớn kéo dài, như trường hợp xảy ra trong trận lũ lụt chết người năm 2021.

Cuối cùng, khi các dòng sông băng và tuyết phủ trên khắp châu Âu đang tan chảy nhanh chóng, bị thu hẹp do nhiệt độ tăng lên, nguồn cung nước thiết yếu cho các con sông lớn – như sông Rhine, sông Danube, sông Rhône hay sông Po – cũng vì thế mà mất đi.

Ông Andrea Toreti, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu cho biết năm nay, lượng nước chảy vào các hồ chứa nước của châu Âu sẽ ít hơn nhiều so với bình thường.

Theo ông Toreti, bước vào mùa hè này, Tây Ban Nha, miền nam Bồ Đào Nha, Italy và Pháp là những quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương.

“Ba Lan và các khu vực khác như Bulgaria, Romania, Hy Lạp đang cảnh báo về hạn hán”, ông nói. Đài quan sát hạn hán châu Âu cũng chỉ ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở các nước Bắc Âu.

Ông Hattermann lưu ý rằng Brandenburg, điểm nóng hạn hán ở Đức, đã có lượng mưa trên mức trung bình trong những tháng gần đây, nhưng mực nước ngầm lại thấp hơn so với năm ngoái. “Mặc dù mưa rất nhiều nhưng tình hình không khá hơn mà còn tệ hơn,” ông nói.

Chung tay hành động

Và châu Âu đang dần thức tỉnh trước mối đe dọa này.

Các thủ đô từng chịu ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán vào mùa hè năm ngoái đang đưa ra biện pháp phản ứng với tình trạng thiếu nước trong các lĩnh vực bao gồm nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp.

Đầu tháng này, Italy đã ban hành sắc lệnh về hạn hán nhằm giảm tình trạng quan liêu đối với cơ sở hạ tầng nước, bao gồm cả các nhà máy khử muối. Tây Ban Nha hồi tháng 1 cũng đã công bố bộ kế hoạch quản lý nước mới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra chiến lược quản lý nước quốc gia mới, nhằm mục đích giảm 10% lượng nước tiêu thụ tổng thể vào cuối thập kỷ này.

Chiến lược của Đức, được thông qua vào tháng 3, bao gồm các biện pháp sử dụng nước “bền vững” ở 10 khu vực vào năm 2050, cũng như loạt 78 biện pháp sẽ được thực hiện vào năm 2030.

Nhưng những nhà phê bình cho rằng các quốc gia đang hành động quá ít để giải quyết vấn đề quản lý tài nguyên yếu kém, vốn vẫn còn tồn tại trên khắp lục địa.

Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc của Copernicus, dịch vụ quan sát khí hậu châu Âu, cho biết: “Rõ ràng, nước là một nguồn tài nguyên hữu hạn và chúng ta với tư cách là một xã hội đã không quản lý hiệu quả nhất có thể nguồn tài nguyên hữu hạn này”.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Mùa hè ‘nướng chín’ Tây Ban Nha và còn hơn thế

Một số khu vực ở Tây Ban Nha đã ghi nhận mức nhiệt trên 37 độ C và tình trạng hạn hán kéo dài “vắt kiệt” các hồ chứa, cánh đồng trong tháng 4.

Tại thủ đô Madrid, nơi ghi nhận mức nhiệt khoảng 32 độ C vào ngày 28/4, các trường học được phép đóng cửa sớm để tránh nóng. Ở Catalonia, thời tiết khô hạn đến mức một kênh tưới tiêu phải đóng van vì thiếu nước.

Với nhiệt độ trên 37 độ C vào đầu tháng 4, người dân Tây Ban Nha đã bước vào mùa hè, bắt đầu tìm kiếm các bóng râm hay bãi biển tránh nóng.

Tuy nhiên, nắng nóng cực độ đến sớm hơn thường lệ khiến nhiều người lo ngại rằng nó không còn là hiện tượng theo mùa, mà là một thực tế mới hàng ngày.

"Họ nhốt mình trong nhà"

Vào ngày 27/4, Tây Ban Nha đã ghi nhận nhiệt độ nóng nhất từ ​​trước đến nay trong tháng 4 với 38,8 độ C, tại thành phố Cordoba. Ở một số khu vực, nhiệt độ vượt quá mức thông thường - hơn 25 độ C - và đạt đến con số điển hình của mùa hè.

Cùng với đợt hạn hán kéo dài khiến các hồ chứa cạn kiệt và ruộng đồng khô hạn, nắng nóng khắc nghiệt buộc các chuyên gia và chính quyền địa phương chuẩn bị cho sự quay trở lại sớm hơn dự kiến của các thảm họa liên quan đến nhiệt, chẳng hạn cháy rừng.

“Điều đó thực sự bất thường. Chúng tôi khá ngạc nhiên”, phát ngôn viên của cơ quan dự báo thời tiết Tây Ban Nha Cayetano Torres chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Cơ quan này cho biết nguyên nhân khiến nhiệt độ cao bất thường là "sự xâm nhập của một khối không khí rất ấm và khô từ Bắc Phi" vào Tây Ban Nha.

Ngay cả cư dân Cordoba, vốn quen với những con suối ấm áp, cũng phải ngạc nhiên trước cái nóng khắc nghiệt.

“Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ đến muộn hơn vào tháng 5 hoặc tháng 6”, ông Manuel Suárez Fernández, người làm việc trong một quán rượu bên bờ sông Guadalquivir, nói với New York Times. “Nhưng mỗi năm (mùa hè) lại bắt đầu sớm hơn”.

Ông Suárez Fernández cho biết hầu như không có ai mạo hiểm ra đường vào buổi chiều. “Họ nhốt mình trong nhà, tích trữ nước ngọt và ra ngoài khi màn đêm buông xuống”, ông nói.

Chính quyền Tây Ban Nha đã đưa ra cảnh báo vào những ngày nắng nóng. Tại thủ đô Madrid và khu vực lân cận, giới chức địa phương nỗ lực giúp các bệnh viện, trường học và trung tâm y tế ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn đảm bảo cung cấp đủ điều hòa.

Họ cũng sẽ mở các bể bơi ngoài trời từ giữa tháng 5, sớm hơn một tháng so với thường lệ. Bên cạnh đó, các chuyến tàu điện ngầm sẽ hoạt động thường xuyên hơn để tránh tình trạng quá tải trong cái nóng như thiêu đốt.

Người dân được cảnh báo uống đủ nước và chăm sóc những người dễ bị tổn thương như trẻ em và người già.

Ở phía nam, thành phố Seville cũng đã điều động thêm nhân viên y tế giúp đỡ những người mắc các bệnh liên quan đến nhiệt trong thời gian diễn ra hội chợ “Feria de Abril” thường thu hút hàng trăm nghìn người, bắt đầu từ ngày 30/4.

Hiện tượng hiếm gặp

Ông Maximiliano Herrera, nhà khí hậu học chuyên theo dõi nhiệt độ khắc nghiệt trên khắp thế giới, cho biết: “Sức nóng lần này ở Tây Ban Nha rất cực đoan với nhiệt độ chưa từng thấy trước đây vào tháng 4”.

Theo ông, nắng nóng khắc nghiệt cũng đã ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận như Maroc, Algeria và Bồ Đào Nha.

“Cường độ này là cực kỳ hiếm ở một khu vực rộng lớn và trong nhiều ngày liên tiếp như vậy”, ông Herrera mô tả. “Hàng trăm trạm (thời tiết) đang phá vỡ kỷ lục với mức chênh lệch lên tới 5 độ C và thậm chí tiến gần đến kỷ lục của tháng 5”.

Mặc dù chưa thể kết luận về mối liên kết giữa một đợt sóng nhiệt đơn lẻ với biến đổi khí hậu, các nhà khoa học chắc chắn rằng các đợt nắng nóng trên khắp thế giới đang trở nên khắc nghiệt, thường xuyên và kéo dài hơn.

Nhiệt độ cao có khả năng làm trầm trọng thêm tình hình ở một quốc gia vốn đang hứng chịu hạn hán kéo dài.

Trong một báo cáo gần đây, điều phối viên của Tổ chức Nông dân và Người chăn nuôi ở Tây Ban Nha cho biết hạn hán đã gây ra “thiệt hại không thể khắc phục đối với hơn 3,5 triệu ha ngũ cốc”. Tổ chức này dự đoán vụ lúa mì và lúa mạch ở bốn khu vực hầu như bị mất trắng.

Bà Paqui Doblas, quản lý một khách sạn nhỏ ở thành phố Malaga, cũng chia sẻ nguồn cung cấp nước trong khu vực đang cạn kiệt nhanh chóng, ảnh hưởng đến việc sản xuất các loại trái cây như bơ và xoài.

(Nguồn: Zing News)

Lễ đăng cơ có một không hai của Vua Charles

Nghi lễ phong ngôi vương cho Charles III diễn ra ngày 6/5. Đây là sự kiện quan trọng của chế độ quân chủ Anh, mang ý nghĩa văn hóa và tôn giáo.

Charles III trở thành tân vương nước Anh sau khi Nữ vương Elizabeth Đệ nhị (tại Việt Nam gọi là Nữ hoàng) qua đời hồi tháng 9/2022. Dù trên danh nghĩa, Charles đã là vua, nhưng phải đến ngày 6/5, lễ đăng cơ được tổ chức long trọng, chính thức công nhận Charles là quốc vương Anh.

Theo Reuters, lễ đăng cơ của Charles mang nhiều ý nghĩa, có một không hai trên thế giới thời hiện đại.

Suốt 1.000 năm qua, Quốc vương và Nữ vương Anh đều đăng cơ tại Tu viện Westminster, London, Anh. Độ long trọng, hoành tráng tùy thuộc vào tình hình lịch sử.

Có 38 vị vua được trao vương miện tại Tu viện. Chỉ có hai người là Edward V (một trong hai hoàng tử trẻ được cho là bị sát hại trong Tháp London hồi thế kỷ 15) và Edward VIII (quốc vương thoái vị để kết hôn với phụ nữ người Mỹ hai đời chồng) là không có lễ đăng cơ.

Sự kiện có một không hai

Theo nhà sử học hoàng gia Alice Hunt, Anh hiện là vương quốc duy nhất còn duy trì lễ đăng cơ trong số những quốc gia theo chế độ quân chủ. Vì vậy, lễ đăng cơ được xem là độc nhất vô nhị thời hiện đại.

"Sự kiện Charles III được tổ chức lễ đăng cơ long trọng chỉ có ở Anh và độc nhất của nền quân chủ hiện đại", Alice Hunt nói.

Thống chế Anh - quan chức cấp cao nhất của Anh, chức vụ phụ trách sự kiện cấp nhà nước - đảm nhận khâu tổ chức. Nhiều thế kỷ qua, Công tước xứ Norfolk và gia đình Howard đảm nhận vai trò này.

Hiện, chức vụ Thống chế Anh do Edward Fitzalan-Howard, Công tước xứ Norfolk, đảm nhận. Ông cũng là người tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị.

Trong lịch sử, lễ đăng cơ là nghi thức đánh dấu quyền lực người đứng đầu đất nước, cụ thể ở đây là Vương quốc Anh. Hiện, sự kiện chỉ mang tính nghi lễ.

"Ở Anh, lễ đăng quang vẫn được xem là nghi lễ hợp thức hóa vị thế của nhà vua. Đây cũng được xem là khoảnh khắc tự hào của Anh và công chúng.

Reuters thông tin lễ đăng cơ là sự kiện văn hóa, tôn giáo quan trọng với nhiều nghi thức. Charles tuyên thệ giữ gìn, bảo vệ luật pháp, Giáo hội Anh sau khi đăng cơ.

Trên ghế đăng quang lịch sử (hay còn được gọi là ghế của Vua Edward), tiếp nhận Hòn đá Định mệnh, Charles được Tổng giám mục Canterbury - người đứng đầu Giáo hội Anh - công nhận ngôi vua, thoa dầu thánh được ban phước ở đất Thánh Jerusalem.

Đây là nghi lễ quan trọng của buổi lễ, thể hiện sự đồng tình của Chúa với tân vương.

"Trong nghi lễ mang tính tôn giáo, chúng ta thường bỏ qua những đoạn giới thiệu. Nhưng nếu tập trung vào lúc Charles được xức dầu thánh, phong ngôi vua, bạn sẽ thấy đó là điều độc đáo kéo dài cả nghìn năm qua", Hunt nói.

Ngoài ra, Vua Charles còn được trao cầu vàng, vương trượng, gươm và nhẫn được trang trí công phu, lộng lẫy. Đây là những vật phẩm thuộc Bộ Trang sức Hoàng gia thể hiện quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu nền quân chủ Anh.

Tổng giám mục sau đó đội vương miện Thánh Edward cho Vua Charles. Đây là vương miện được dùng trong các buổi lễ quan trọng nhiều năm qua. Vợ ông - bà Camilla - trải qua nghi lễ nhỏ hơn và chính thức lên ngôi vương nữ.

Vua Charles sau đó đội Vương miện Nhà nước Hoàng gia để thực hiện loạt nghi lễ khác.

(Nguồn: Kenh14)

Nghề siêu khó phục vụ giới tinh hoa: Lương khởi điểm trên 1 tỷ đồng nhưng khổ luyện như ‘đi tu’, biết mọi thứ từ nấu ăn cho đến an minh mạng

Tại Anh, có cả một học viện hơn 100 năm đào tạo ra nhân lực phục vụ các gia đình quyền lực và giàu có. Nhưng đằng sau công việc này là cả một sự “hy sinh” lớn lao.

Học viện đào tạo bảo mẫu uy tín nhất thế giới

Tại hạt Berkshire của nước Anh, học viện Norland College được công nhận là cơ sở đào tạo bảo mẫu chất lượng và uy tín nhất thế giới. Đây là nơi lý tưởng để sinh viên tìm kiếm công việc tiếp xúc với giới quyền lực và siêu giàu. Ngoài ra, cũng có những người lao động mong muốn con cái của họ được chăm sóc cẩn thận để sau này trở thành người giàu có và quyền thế.

Bà María Teresa Turrión Borrallo đến học viện Norland vào năm 1989. Tại buổi lễ chào đón nhập trường, trên tay cầm ngọn nến, bà đã ký vào một bản quy tắc ứng xử chung trong học viện với yêu cầu không làm điều gì tổn hại đến danh dự của bản thân cũng như của tập thể. Từ đó, Borrallo trở thành một thành viên của Norland.

Chương trình giảng dạy tại học viện Norland hứa hẹn sẽ dạy cho các bảo mẫu tương lai từ cách ru trẻ ngủ, cách giúp người mẹ cai sữa cho đến cách may vá cùng nhiều vấn đề khác khi làm việc cho các gia đình giàu có hoặc quý tộc.

Tất nhiên, cuộc sống của bảo mẫu tại các gia đình này sẽ không dễ dàng và nhiều khi quyền tự do bị hạn chế. Các bảo mẫu ở Norland sẽ “sống chung” với chủ. Bạn trai của họ sẽ không được đến chơi khuya. Họ không được phép say xỉn, không được đi chơi tối. Một bảo mẫu từng ví công việc này không khác gì… đi tu. Ngoài ra, công việc bảo mẫu còn có nhiều áp lực về tâm lý, đặc biệt là mối quan hệ giữa bảo mẫu và đứa trẻ, vấn đề tiền lương, chế độ nô lệ…

Thành lập năm 1892, học viện Norland là đứa con tinh thần của nhà giáo dục Emily Ward. Bà đã nhìn thấy được nhu cầu cần người chăm sóc trẻ ở tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ. Vì thế, bà đã nghĩ đến ý tưởng thành lập học viện đào tạo những người giúp việc giỏi giang để có thể khiến các bậc phụ huynh yên tâm giao con cái cho họ.

Chuyển mình cùng thời thế

30 năm sau khi tốt nghiệp, giờ người ta có thể thấy bà Borrallo xuất hiện trong nhiều bức ảnh gia đình hoàng gia. Bà chính là người chăm sóc Hoàng tử George và anh chị của ông, Công chúa Charlotte, Hoàng tử Louis. Bà Borrallo còn làm việc cho Hoàng tử William và gia đình ông từ năm 2014. Bà được các sinh viên hiện tại của học viện gọi là “Bảo mẫu của Hoàng gia”.

Học viện Norland vốn có truyền thống đào tạo bảo mẫu cho tầng lớp quý tộc, đặc biệt là các gia đình hoàng gia từ Serbia, Tây Ban Nha cho đến Nga. Vào thời điểm bà Borrallo đến học viện, hầu như ai tốt nghiệp cũng có việc làm. Còn ngày nay, sinh viên tốt nghiệp tại Norland có mức lương khởi điểm khoảng 40.000 bảng Anh và có thể tăng nhanh chóng lên hơn 100.000 bảng Anh.

Tháng 9/2022, học viện Norland tuyển 102 học viên nữ và 2 học viên nam. Họ sẽ mặc đồng phục giống hệt Bảo mẫu Hoàng gia Borrallo (nam sinh có thể mặc quần tây). Nhưng chương trình đào tạo có thể khác so với những năm 1980 để phản ánh nhu cầu của những người giàu luôn thay đổi.

Trong trường, những cô gái trẻ mặc váy áo chỉnh tề, tóc búi gọn gàng. Chắc hẳn họ là những người rất đam mê với nghề nên mới sẵn sàng dành những năm tháng rực rỡ nhất của tuổi trẻ để ăn vận giống những người giúp việc. Việc mặc đồng phục cũng chính là bài kiểm tra đầu tiên.

Khi mặc đồng phục, sinh viên của trường Norland không được sử dụng tai nghe, không mua rượu hoặc gọi điện thoại di động nơi công cộng, trừ trường hợp khẩn cấp. Chỉ một hành động sai như băng qua đường khi đèn đỏ, đỗ xe không đúng quy định hoặc nói to nơi công cộng cũng sẽ bị khiển trách. Để vào được học viện, các sinh viên phải trải qua một đợt phỏng vấn. Học phí tại Norland là 15.000 bảng Anh, còn đối với sinh viên ngoại quốc là 18.000 bảng Anh.

Mỗi ngày, sinh viên của trường Norland sẽ có mặt tại trường trước 9h30. Bên cạnh các kiến thức nền tảng, giáo trình ngày nay còn dạy học viên nấu ăn trên bếp Aga cao cấp (loại bếp phổ biến tại Anh), học về an ninh mạng và tự vệ. Nhưng các sinh viên của trường cũng được dạy cách chấp nhận sự cô đơn như một phần công việc. Thường các bảo mẫu sẽ hy sinh chính cuộc sống riêng tư của mình, ví dụ như cơ hội lập gia đình và có đứa con của riêng mình.

Trên hết, họ là những người được đào tạo để dành tâm huyết chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ. Người thuê bảo mẫu ngày nay là những người có địa vị hoặc được quyền thừa kế nhiều của cải. Nhưng ban giám hiệu của trường khẳng định có tiền thôi chưa đủ.

Trường sẽ không để học viên đi làm bảo mẫu cho “Hitler”. Khách hàng có thể là những tỷ phú công nghệ, ngôi sao truyền hình, nữ CEO… Đối tượng khách hàng này sẽ yêu cầu nhiều thứ phức tạp hơn, chẳng hạn như kiến thức cơ bản về các sự kiện trên toàn thế giới, cách dạy trẻ sử dụng mạng xã hội và hướng dẫn chúng vượt qua sự phức tạp của giới tính. Những bảo mẫu trường Norland vừa phải “hiện đại hoá” vừa giữ nét truyền thống cổ điển.

Đây là câu hỏi hóc búa đối với hiệu trưởng đương nhiệm Janet Rose. Bà nói rằng thế giới giờ đã khác. Bảo mẫu không còn chỉ phục vụ cho một đối tượng nhất định trong xã hội. “Chúng tôi cần những sinh viên tốt nghiệp phù hợp với mọi kiểu gia đình”, bà nói.

(Nguồn: Soha)

Dầu diesel của Ấn Độ ồ ạt chảy vào châu Âu

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp từ công ty phân tích Kpler, trong tháng 4, Ấn Độ đang trên đà trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất châu Âu, đồng thời mua lượng dầu thô kỷ lục của Nga.

Dầu diesel Ấn Độ "chạy" khắp châu Âu

Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu của công ty cho biết: “Dầu thô của Nga đang tìm đường quay trở lại châu Âu bất chấp mọi lệnh trừng phạt và việc Ấn Độ tăng cường xuất khẩu nhiên liệu sang phương Tây là một ví dụ điển hình về điều đó”.

“Việc Ấn Độ nhập quá nhiều thùng dầu của Nga, điều đó là không thể tránh khỏi”, nhà phân tích nói.

Việc các quốc gia châu Á như Ấn Độ nhập khẩu dầu thô của Nga là “con dao hai lưỡi” đối với EU. Một mặt, “lục địa già” cần các nguồn dầu diesel thay thế khi khối này đã cắt đứt dòng chảy trực tiếp từ Nga, nhà cung cấp hàng đầu trước đây của khối này. Tuy nhiên, cuối cùng chính châu Âu lại làm tăng nhu cầu đối với các thùng dầu của Moscow, đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí vận chuyển.

Từ đó, những nhà máy lọc dầu của Châu Âu, những người không thể tiếp cận dầu thô giá rẻ của Nga sẽ mất đi ưu thế và khó cạnh tranh.

Dữ liệu của Kpler cho thấy nhập khẩu nhiên liệu tinh chế của châu Âu từ Ấn Độ sẽ tăng trên 360.000 thùng/ngày, vượt xa so với Saudi Arabia.

Theo dữ liệu của Kpler, lượng dầu thô của Nga đến Ấn Độ dự kiến sẽ vượt 2 triệu thùng/ngày trong tháng 4, chiếm gần 44% tổng lượng dầu nhập khẩu của quốc gia này.

Hơn một nửa số lô hàng dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga là đến Liên minh châu Âu và Nhóm bảy quốc gia trước khi khối này bắt đầu cắt giảm mua hàng để đáp trả xung đột Nga-Ukraine vào đầu năm 2022.

Nga - nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Ấn Độ

Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, nhập khẩu 85% nhu cầu trong nước. Trước đây, Trung Đông là nhà cung cấp truyền thống của quốc gia này, nhưng hiện nay Nga đã chiếm vị trí đầu tiên. Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành khách hàng chính của Moscow.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Ấn Độ đã nhập khẩu lượng dầu cao kỷ lục từ Nga trong tháng 3/2023, với 1,62 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 40% lượng nhập khẩu so với mức 70.000 thùng/ngày, tương đương 1% trước chiến tranh.

Mức độ phụ thuộc 30% vào dầu mỏ của Nga theo báo cáo dự kiến sẽ tăng lên 50% trong tháng 4 này, đánh dấu một mức cao mới trong quan hệ thương mại giữa New Delhi và Moscow. Vào tháng 1/2022, dầu của Nga chỉ chiếm 2% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ.

Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga Rosneft hôm thứ Tư (29/3) công bố rằng họ đã ký một thỏa thuận “tăng đáng kể” những chuyến hàng đến Indian Oil Company thuộc sở hữu nhà nước, sau chuyến công du tới Ấn Độ của Giám đốc điều hành Igor Sechin.

Phía Rosneft không nêu rõ số tiền của hợp đồng đã ký, cũng như khối lượng được quyết định trong khuôn khổ của thỏa thuận này.

Trong suốt 10 tháng qua kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, Ấn Độ đã tiết kiệm được 3,6 tỷ USD nhờ nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga.

Theo dữ liệu từ các thiết bị giám sát vận chuyển hàng hóa năng lượng, Ấn Độ đang nhập khẩu dầu thô Urals của Nga với mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD/thùng do các nước G7 đặt ra vào tháng 12/2022

(Nguồn: Công Luận)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang