EU: Khủng hoảng khí hậu; Căng mình giữ lời Ukraine; 8.000 ha rừng bị thiêu rụi; Cách mạng màu ở Serbia; Bầu cử Hy Lạp

Khủng hoảng khí hậu tràn vào cửa ngõ châu Âu

(Ảnh minh họa).

Chuyên gia nhận định trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 100 năm qua tại Italy là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu không còn là viễn cảnh xa vời, mà đã ở “cửa ngõ” châu Âu.

Tuần này, một phần vùng Emilia-Romagna phía bắc Italy đã hứng chịu 50% lượng mưa trung bình hàng năm chỉ trong 36 giờ. Trong thời gian này, khu vực nhận lượng mưa trung bình 200 mm, có nơi tới ít nhất 500 mm, Guardian đưa tin.

Các con sông vỡ bờ và hàng nghìn mẫu đất nông nghiệp bị nhấn chìm. Tính tới tối 20/5, ước tính có khoảng 20.000 người mất nhà cửa và 13 người thiệt mạng.

Trận mưa lũ này là thảm họa thời tiết mới nhất tấn công Italy. 6 tháng trước, 12 người trên hòn đảo Ischia phía nam qua đời sau một trận lở đất do mưa lớn. Tháng 9 năm ngoái, 11 người thiệt mạng do lũ quét ở khu vực miền Trung Marche.

Tháng 7/2022, giữa đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất Italy trong ít nhất 7 thập niên, trận lở băng tuyết ở dãy núi Alps của Italy đã giết chết 11 người.

Có thể thấy, bão, tuyết lở, lũ lụt và hạn hán đã giáng xuống Italy trong suốt năm qua, biến những thảm họa đặc biệt trở thành phần quen thuộc của cuộc sống, khiến chính phủ loay hoay tìm câu trả lời.

“Biến đổi khí hậu hiện diện ngay tại đây và chúng ta đang gánh chịu hậu quả. Đó không còn là viễn cảnh xa vời mà là điều bình thường mới”, Paola Pino d'Astore - chuyên gia tại Hiệp hội Địa chất Môi trường Italy (SIGEA) - cho biết.

Điều bình thường mới

Theo các chuyên gia, vị trí địa lý khiến Italy đặc biệt dễ bị tổn thương trước các thảm họa khí hậu. Địa chất đa dạng khiến nước này dễ bị lũ lụt và sạt lở đất, trong khi vùng biển ấm lên nhanh chóng ở cả hai bên khiến Italy bị ảnh hưởng bởi những cơn bão ngày càng mạnh, trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao.

Nhóm nông dân quốc gia Coldiretti cho biết số lượng sự kiện thời tiết khắc nghiệt được ghi nhận vào mùa hè năm ngoái - như lốc xoáy, mưa đá và sét đánh - cao hơn gấp 5 lần so với con số ghi nhận cách đây một thập niên.

Giống nhiều nơi trên thế giới cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu, nông dân là đối tượng hứng chịu hậu quả nhiều nhất: Đợt hạn hán năm ngoái khiến năng suất cây trồng giảm tới 45%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết nhiều năm xây dựng không kiểm soát và nông nghiệp quy mô công nghiệp đã làm trầm trọng thêm mối đe dọa khí hậu. Nhóm môi trường WWF Italy cho biết việc loại bỏ các khu rừng và thảm thực vật dọc theo bờ sông ở Emilia-Romagna đã khiến thảm họa trong tuần này có hậu quả nghiêm trọng hơn.

Bất chấp các thảm họa thời tiết khắc nghiệt diễn ra ngày càng thường xuyên, giới hoạch định chính sách Italy chỉ mới bắt đầu can thiệp. Bộ Môi trường Italy công bố kế hoạch quốc gia đầu tiên về thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 12/2022 sau gần 4 năm trì hoãn.

Nhiều người chỉ trích kế hoạch này thiếu vốn và cáo buộc chính phủ cản trở nỗ lực của EU nhằm giảm lượng khí thải carbon, Reuters đưa tin.

Những phát hiện “đáng sợ”

Cho đến nay, “tiền tuyến” cuộc khủng hoảng khí hậu chủ yếu vẫn nằm ở phía nam bán cầu, khiến nhiều ý kiến cho rằng nhóm ít trách nhiệm nhất trong cuộc khủng hoảng khí hậu lại đối mặt với những tác động tồi tệ nhất.

Tuy nhiên, với Italy bây giờ, và có lẽ sắp tới là phần còn lại của châu Âu, thảm họa đang “đứng trước cổng”, theo tác giả Damien Gayle của Guardian.

Trên khắp châu Âu, khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên, thời tiết cũng khắc nghiệt hơn. Những năm hạn hán liên tiếp ảnh hưởng đến nông dân ở Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp, trong khi năm ngoái lục địa chứng kiến những đợt nắng nóng chưa từng có.

Guardian dẫn báo cáo từ Copernicus Climate Change Service (C3S) cho biết những đợt nắng nóng lan rộng đã khiến châu Âu phải hứng chịu mùa hè nóng nhất được ghi nhận vào năm 2022. Hiện tượng này gần như không thể xảy ra nếu Trái Đất không nóng lên.

Ở Anh, lần đầu tiên nhiệt độ vượt quá 40 độ C. Tháng 8/2022, một trạm thời tiết gần Syracuse trên đảo phía nam Sicily ghi nhận 48,8 độ C. Đây được cho là nhiệt độ cao nhất từng đo được ở châu Âu.

Người dân ở Nam Âu trải qua 70-100 ngày nắng nóng, trong đó nhiệt độ ít nhất là 32 độ C, do gió và các yếu tố khác. Nam Âu trải qua số ngày kỷ lục “căng thẳng nhiệt rất cao” (từ 38-46 độ C), trong khi số ngày hè với nhiệt độ “cao” (32-38 độ) hoặc “rất cao” gia tăng khắp lục địa, theo AP.

Căng thẳng nhiệt ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trên toàn thế giới, khi có thể gây ra một loạt vấn đề sức khỏe, như phát ban, mất nước hoặc say nắng.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu không chỉ thể hiện khiến nhiệt độ trung bình tăng cao, mà còn làm cho các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác cũng xuất hiện thường xuyên hơn, El Pais nhận định.

Báo cáo tiết lộ nắng nóng cộng lượng mưa thấp gây hạn hán, ảnh hưởng đến hơn 1/3 lục địa vào lúc đỉnh điểm, khiến 2022 trở thành năm khô hạn nhất. Dòng chảy ở gần 2/3 con sông của châu Âu thấp hơn mức trung bình.

Nhiệt độ cao đồng nghĩa lượng khí thải carbon từ các vụ cháy rừng vào mùa hè cao nhất trong 15 năm, trong khi dãy núi Alps ở châu Âu mất đi lượng băng kỷ lục từ các sông băng.

Nhìn chung, châu Âu trải qua năm nóng thứ hai từng được ghi nhận, với nhiệt độ tăng gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu và nhanh hơn mọi lục địa khác. Trong khi thế giới đang vật lộn giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5 độ C, trong 5 năm qua, nhiệt độ trung bình ở châu Âu đã cao hơn 2,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tây Ban Nha nổi lên như một trong những “điểm đen” về hạn hán. Theo Samantha Burgess - Phó giám đốc C3S, nước này dự kiến chứng kiến tình trạng thiếu nước.

Vị chuyên gia tin “có khả năng” Tây Ban Nha sẽ xảy ra vấn đề về nguồn nước vào mùa hè nếu tình hình không thay đổi. Bà Burgess cho biết thêm tình trạng khô hạn dự kiến kéo dài ở miền Nam châu Âu vào mùa xuân và mùa hè, khiến giảm sản xuất nông nghiệp và nhiều vấn đề khác.

“Tôi phải nói những phát hiện này thật đáng sợ, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải biết sự thật”, Mauro Facchini - người đứng đầu bộ phận quan sát Trái Đất tại Ủy ban châu Âu - cho biết. “Ngày càng có nhiều sự kiện cực đoan xảy ra ở châu Âu. Mỗi người trong chúng ta đều có thể chứng kiến ​​điều đó”.

(Nguồn: Zing News)

Châu Âu căng mình giữ lời hứa viện trợ cho Ukraine

Châu Âu giờ đây mới rục rịch tăng cường sản xuất quốc phòng, khiến họ khó nhanh chóng đáp ứng cam kết viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine.

Sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky khép lại chuyến công du loạt nước châu Âu tuần qua, các cam kết viện trợ quân sự mới trị giá hàng tỷ USD mà Ukraine nhận được là minh chứng cho thấy sự ủng hộ của châu lục dành cho Kiev trong xung đột với Moskva.

Ông Zelensky đã nói rõ trước các chuyến thăm Đức, Pháp và Anh rằng cuộc phản công được mong chờ của Ukraine không thể bắt đầu nếu họ chưa có thêm vũ khí, đạn dược.

Anh sau đó thông báo chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow, có thể tăng cường đáng kể khả năng tấn công của Ukraine. Nhưng các chuyên gia cho rằng phần lớn vũ khí mới nhất mà các lãnh đạo châu Âu hứa hẹn khó có thể đến được chiến trường trước khi Kiev mở chiến dịch phản công. Mặt khác, khả năng duy trì hỗ trợ ở quy mô lớn như vậy của châu Âu vẫn chưa rõ ràng.

Theo giới phân tích, các nước châu Âu đã không hành động đủ nhanh để xoay chuyển chính sách công nghiệp quốc phòng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Ukraine về đạn pháo, xe bọc thép và những loại vũ khí khác.

Các kho vũ khí thời Liên Xô của Ukraine cũng như nguồn dự trữ khí tài phương Tây đang dần cạn kiệt, làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cho Kiev vào cuối năm nay, điều sẽ cản trở Ukraine tiến hành bất kỳ cuộc phản công nào khác.

"Châu Âu cần đầu tư cho công nghiệp quốc phòng nếu muốn tiếp tục hỗ trợ Ukraine", Jack Watling, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, nhận xét. "Vấn đề đã trở nên quá rõ ràng từ tháng 4 năm ngoái nhưng họ vẫn không làm gì cả".

Phương Tây đang ngày càng nhận thức rõ ràng hơn rằng việc hỗ trợ từng phần cho Ukraine là không đủ để giúp Kiev tạo thêm đột phá dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.400 km, nơi Nga đã dành nhiều tháng củng cố phòng tuyến.

"Lực lượng Nga biết cách rút kinh nghiệm và hiểu rõ rằng cuộc phản công sắp diễn ra", tướng Richard Barrons, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên quân của quân đội Anh, cho biết. "Chiến dịch phản công sẽ có một số tác động nhất định, nhưng nó không thể đẩy hoàn toàn quân đội Nga ra khỏi Ukraine. Nói cách khác, đây sẽ không phải chiến dịch cuối cùng của Ukraine trong cuộc chiến, nếu họ vẫn muốn tiếp tục".

Chiến dịch của Nga hồi tháng hai năm ngoái đã gây sốc cho châu Âu, khi lục địa này suốt nhiều thập kỷ qua chỉ tập trung vào phát triển kinh tế và chi tiêu xã hội mà lơ là đầu tư cho quân sự.

"Các nước châu Âu trong những năm qua đã không chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn có thể xảy ra", Camille Grand, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, viện nghiên cứu có trụ sở tại Berlin, Đức, bình luận. "Đó không phải cốt lõi trong chính sách của họ và họ đã không dự trữ đủ số đạn dược cho tình huống này".

Người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết liên minh đang "tích cực phối hợp" nhằm giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu hụt kho dự trữ đạn cũng như củng cố cơ sở công nghiệp xuyên Đại Tây Dương.

"Một số đồng minh, trong đó có Mỹ, Anh, Na Uy và Pháp, đã ký các hợp đồng lớn với ngành công nghiệp quốc phòng, cho phép họ tăng cường năng lực sản xuất", ông nói, song từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng hai cảnh báo Ukraine đang tiêu thụ đạn nhanh hơn nhiều so với khả năng sản xuất của các đồng minh và thời gian chờ để có đạn pháo cỡ lớn đã tăng từ 12 lên 28 tháng.

"Quan trọng tương đương với việc hỗ trợ một chiến dịch phản công thành công là chính sách công nghiệp phù hợp với quy mô cuộc chiến, nhưng chúng ta chưa có điều đó", ông nói. "Điều đáng tiếc là chúng ta đã để lãng phí 13 tháng giao tranh trước khi bắt đầu phát triển công nghiệp quốc phòng".

Ủy ban châu Âu tháng qua công bố một kế hoạch trị giá hơn 530 triệu USD nhằm thúc đẩy sản xuất các loại đạn pháo Ukraine cần. Giới chuyên gia quân sự nhận định sáng kiến này đánh dấu bước thay đổi quan trọng, nhưng việc triển khai đang diễn ra quá chậm chạp.

EU đến giờ vẫn chưa công bố bất kỳ bản hợp đồng mới nào và các quốc gia thành viên đang tiếp tục tranh cãi về cách chi tiêu cho một chương trình riêng trị giá hơn một tỷ USD để mua thêm đạn pháo, tên lửa.

Năm ngoái, quân đội Ukraine khai hỏa 180.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Trước xung đột, Mỹ sản xuất được khoảng 14.500 quả đạn pháo mỗi tháng và sản lượng của EU cũng gần tương tự.

Nhưng Mỹ đã phản ứng nhanh hơn trước tình trạng cạn kiệt kho dự trữ, thúc đẩy sản xuất trong nước lên 20.000 quả đạn mỗi tháng và mạnh tay đầu tư để tăng sản lượng lên 90.000.

Nhưng Ukraine hiện vẫn sử dụng 90.000 đến 140.000 quả đạn mỗi tháng, theo Watling, trong khi các khoản đầu tư vào sản xuất đạn dược của EU phải mất từ một đến hai năm mới có thể cho ra sản phẩm.

"Bạn không cần phải là một nhà phân tích quân sự giỏi mới nhận ra rằng sau 13 tháng chiến sự, các nước châu Âu mới đầu tư lớn vào sản xuất đạn pháo là quá muộn", Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân của Mỹ, cho hay. "Mỹ đã tăng đáng kể năng lực sản xuất, nhưng châu Âu có công suất lớn hơn. Nhiệm vụ của họ là tận dụng ngành công nghiệp quốc phòng sẵn có và đầu tư".

Dù vậy, một số người cho rằng thông báo về các gói viện trợ mới nhất của châu Âu cho Ukraine vẫn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga rằng họ sẽ ủng hộ Kiev lâu hơn khả năng Moskva kéo dài cuộc chiến.

"Một cam kết kéo dài nhiều tháng sẽ là bằng chứng cho thấy EU vẫn đoàn kết và viện trợ vẫn tiếp diễn", một quan chức ngoại giao cấp cao châu Âu nói. "Số lượng đạn pháo không quan trọng, quan trọng là nó được duy trì".

Nga cũng đang nỗ lực tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng, bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây. Theo dữ liệu được công bố gần đây trên trang web của Bộ Tài chính Nga, Moskva đã chi 26 tỷ USD cho quốc phòng chỉ riêng trong tháng một và tháng hai, tăng 282% so với cùng kỳ năm 2021.

Watling cho biết Nga có thể sản xuất 2,5 triệu quả đạn pháo trong năm nay, tăng từ 1,7 triệu quả trước xung đột.

Đáp lại tuyên bố từ EU rằng sẽ cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo trong 12 tháng tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng ba khẳng định Moskva sẽ sản xuất số đạn pháo nhiều gấp ba lần so với cùng kỳ.

"Nga có khả năng huy động nền kinh tế để hỗ trợ lực lượng vũ trang và kiểm soát vận mệnh của chính mình theo cách mà Ukraine không thể", tướng Barrons nói. "Điểm yếu lớn nhất của Ukraine là phụ thuộc vào kho dự trữ và công nghiệp quốc phòng phương Tây".

(Nguồn: Vnexpress)

Hơn 8.000 hécta rừng gần biên giới Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha bị thiêu rụi

(Ảnh minh họa).

Đám cháy rừng bùng phát từ hôm 18/5 đã thiêu rụi hơn 8.000 hécta rừng gần biên giới của Tây Ban Nha với Bồ Đào Nha, tốc độ gió lên tới 60km/h đã khiến việc khống chế đám cháy trở nên rất khó khăn.

Ngày 20/5, hơn 200 binh sỹ cùng hàng trăm lính cứu hỏa Tây Ban Nha được điều động trên khắp cả nước, với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp Bồ Đào Nha, đã cùng tham gia nỗ lực khống chế đám cháy rừng đang vượt ngoài tầm kiểm soát ở vùng Extremadura miền Tây nước này.

Từ trước đó 1 ngày, chính quyền sở tại đã phải sơ tán khoảng 700 người dân tại 3 ngôi làng và hy vọng điều kiện thời tiết sẽ thuận lợi hơn để giúp sớm kiểm soát được đám cháy.

Trước đó, tốc độ gió lên tới 60km/h đã khiến việc khống chế đám cháy, bùng phát từ hôm 18/5, trở nên rất khó khăn. Đám cháy đã khiến hơn 8.000 hécta rừng gần biên giới với Bồ Đào Nha bị thiêu trụi.

Mùa Đông khô bất thường diễn ra ở miền Nam châu Âu sau 3 năm ghi nhận lượng mưa dưới trung bình đã làm gia tăng nguy cơ cháy rừng ở Tây Ban Nha.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi xuất hiện đợt nóng bất thường vào cuối tháng Tư, khiến nhiệt độ tăng cao ở nhiều nơi trên cả nước.

Năm 2022, gần 500 vụ cháy đã xảy ra thiêu rụi hơn 300.000 hecta rừng ở quốc gia Nam Âu này.

Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính khiến hạn hán kéo dài, tạo điều kiện lý tưởng cho cháy rừng lan rộng ngoài tầm kiểm soát và gây ra thiệt hại chưa từng có về vật chất và môi trường.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Serbia nhận cảnh báo về cuộc cách mạng màu

Ở Serbia, các nỗ lực đang được thực hiện để tổ chức một cuộc cách mạng màu, theo cảnh báo từ các cơ quan đặc biệt của một số quốc gia.

Trong cuộc mít tinh ở Pancevo của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 19/5, tuyên bố trên đã được đưa ra.

Ông Vuicic đã nhận được cảnh báo về cuộc cách mạng màu trong bối cảnh biểu tình diễn ra sau các vụ xả súng ở nước này.

Theo ông Vucic, với những hành động như vậy, những kẻ tổ chức đang muốn trục lợi từ nỗi đau chung.

Ông cũng nói thêm rằng người dân "đã quá mệt mỏi với các cuộc cách mạng và sự tàn phá mọi thứ của người Serbia".

Sáng ngày 3/5, tại trường tiểu học Vladislav Rybnikar ở Belgrade, một học sinh lớp 7 đã nổ súng vào học sinh và nhân viên nhà trường.

9 người đã thiệt mạng trong vụ việc này, bao gồm 8 học sinh và 1 nhân viên bảo vệ.

Vài ngày sau, một cuộc tấn công thứ 2 xảy ra - một người đàn ông đã nổ súng tại cộng đồng Mladenovac của Serbia, khiến 8 người thiệt mạng, hơn 10 người bị thương.

(Nguồn: Soha)

Bầu cử quốc hội Hy Lạp: Cuộc đua ẩn dấu diễn biến khó lường

(Ảnh minh họa).

Gần 10 triệu công dân Hy Lạp đã tham gia bỏ phiếu tại 21.500 điểm trên cả nước, các điểm bỏ phiếu dự kiến sẽ đóng lại lúc 19h tối 21/5 để kiểm phiếu và bầu ra quốc hội và chính phủ mới.

Mặc dù Đảng của Thủ tướng đương nhiệm Kyriakos Mitsotakis đang đứng đầu sau các cuộc thăm dò trước và trong khi người dân tham gia bầu cử tuy nhiên sẽ rất khó để có thể thành lập liên minh do những bất đồng sâu sắc giữa các đảng phái.

Theo các cuộc thăm dò mới nhất, chỉ 5 trong số 35 đảng tranh cử có cơ hội giành được tối thiểu 3% số phiếu phổ thông để vào quốc hội 300 ghế. Đảng Dân chủ Mới của Thủ tướng đương nhiệm Kyriakos Mitsotakis có khả năng giành chiến thắng với hơn 30% phiếu bầu, trong khi Đảng cánh tả đối lập của cựu Thủ tướng Alexis Tsipras chỉ có 26% ủng hộ. Ở vị trí thứ ba có thể thuộc về Đảng Dân chủ Xã hội với 9%, tiếp theo là Đảng Cộng sản Hy Lạp với 6,5%. Trong các cuộc thăm dò cho thấy không Đảng nào giành được tối thiểu 45% số phiếu cần thiết để chiếm đa số ghế trong quốc hội.

Đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ có ba ngày để đàm phán liên minh với một hoặc nhiều đảng khác. Nếu thất bại, nhiệm vụ thành lập chính phủ sẽ được trao cho bên thứ hai. Tuy nhiên, Hy Lạp cũng đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng chính và các đảng phái nhỏ hơn, do đó, việc đàm phán thành lập một liên minh là rất khó khả thi. Trong trường hợp không có chính phủ nào được thành lập sau cuộc bầu cử này thì Tổng thống sẽ chỉ định một chính phủ tạm quyền để điều hành trước cuộc bầu cử thứ 2 sẽ được tổ vào đầu tháng 7.

Cuộc bầu cử thứ hai sẽ được tổ chức theo luật bầu cử mới giúp đảng chiến thắng dễ dàng thành lập chính phủ hơn bằng cách trao cho đảng đó phần thưởng lên tới 50 ghế. Tổng cộng có 36 đảng và liên minh đảng đang tranh cử. Các đảng nhận được ít nhất 3 phần trăm phiếu bầu sẽ chia sẻ 285 ghế trong quốc hội theo tỷ lệ phiếu bầu của họ.

Một trong vấn đề đáng chú ý khác được cho là thách thức của chính phủ mới Hy Lạp trong thời gian tới là vấn đề nhập cư bất hợp pháp. Trước cuộc bầu cử này, thủ tướng Mitsotakis đã hứa sẽ xây dựng một hàng rào biên giới dọc theo toàn bộ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người di cư đến từ những nơi như Syria. Nước này đã phải đối mặt với một giai đoạn vô cùng khó khăn từ khủng hoảng người di cư vào năm 2015.

Tiếp đó, vấn đề nhận sự quan tâm của nhiều người dân và quốc tế là cách giải quyết vấn đề của chính phủ hiện tại sau những cáo buộc giám sát hàng loạt các nhân vật đối lập trong năm 2021. Mặc dù Thủ tướng Mitsotakis đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội đầu năm 2023, tuy nhiên vụ bê bối này cũng là một đòn giáng mạnh mẽ vào niềm tin của công chúng đối với chính phủ hiện tại.

Bên cạnh đó, vẫn còn quan ngại về tình trạng nghèo nàn của cơ sở hạ tầng nghèo nàn của Hy Lạp, mà nổi bật là vụ tai nạn đường sắt vừa qua khiến 57 người thiệt mạng, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình của người dân phản đối chính phủ vì đã không có các biện pháp cải thiện cơ sở hạ tầng yếu kém./.

(Nguồn: VOV)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

Đức & EU

Thế giới

Video

Theo dõi trên

Đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2023 tại CHLB Đức

Nhằm tưởng nhớ công đức Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước; góp phần cùng cộng đồng người Việt giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam tới bạn bè Đức và quốc tế, đặc biệt thế hệ trẻ sinh trưởng tại CHLB Đức; Được sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam, Hội Đồng hương Vĩnh Phú, Hội Người Việt Nam TP Leipzig, cùng các tổ chức Hội Đoàn người Việt Nam tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023, diễn ra tại CHLB Đức:

Thời gian:  Từ 13 giờ 00 đến 20 giờ, chủ nhật, ngày 23.04.2023.

Địa điểm: SELGROS, Maximilianallee 05, 04129 Leipzig. 

Nội dung chương trình: 

-Dâng hương và lễ vật lên bàn thờ Tổ, tưởng nhớ 18 vị Vua Hùng đã có công dựng nước. 

-Ca múa nhạc dân tộc, thể hiện văn hoá tâm linh, ca ngợi non sông đất nước Việt Nam. 

Đại Lễ Giỗ Tổ hân hạnh được đón tiếp các vị khách quý từ Việt Nam, Đại Sứ quán Việt Nam, lãnh đạo thành phố Leipzig, Halle, tiểu bang Sachsen, Sachsen Anhalt, quan khách địa phương cùng cả ngàn người Việt từ khắp các địa phương trên toàn nước Đức hân hoan đổ về tham dự, trở thành một Đại lễ hội quy mô lớn bậc nhất từ trước tới nay của cộng đồng người Việt Nam tại Đức.

Hội Người Việt Leipzig – Trung Cao

 

Checklist các loại bảo hiểm có tác dụng GIảm Thuế

Những loại bảo hiểm nào có tác dụng giảm thuế/ được hỗ trợ thuế/ xin lại được thuế?

các loại bảo hiểm bắt buộc cũng như tự nguyện được chính phủ khuyến khích và có tác dụng tiết kiệm tiền thuế:

1. Bảo hiểm y tế/ Krankenversicherung

2. Bảo hiểm nuôi dưỡng lúc bị tàn phế / Pflegeversicherung.

3. Bảo hiểm thất nghiệp/ Arbeitslosenversicherung.

4. Bảo hiểm trách nhiệm khi vô tình gây hại cho ngườikhác / Haftpflichtversicherung.

5. Erwerbs- und Berufsunfähigkeitsversicherung/ Bảo hiểm mất sức lao động

6. Unfallversicherung / Bảo hiểm tai nạn

7. Bảo hiểm hưu trí / Altersvorsorgeleistungen.

8. Bảo hiểm nhân thọ / Risikolebensversicherung

9. Krankentagegeld- und Krankenhaustagegeldversicherungen.

10. Rechtschutzversicherung

Quan trọng cần để ý lúc này là giới hạn cho việc khấu trừ thuế tổng các loại không quá:

 

- 1900e (3800e đối với cặp vợ chồng) đối với: Người đi làm công (Angestellter), Công chức (Beamter), và người về hưu (Rentner)

- 2800e đối với người Selbständiger

 

Ở đây mình xin nói đến những nhóm bảo hiểm đặc biệt quan trọng trong việc khấu trừ thuế trước, từ từ mình sẽ thêm những mục khác vào sau.

 

Số 8: Bảo hiểm hưu trí / Altersvorsorgeleistungen Bảo hiểm được tính là chi phí đặc biệt (Sonderausgaben), thuộc nhóm này chính là các loại bảo hiểm về hưu trí (ví dụ: BasisRente, Rürup Rente, RisterRente..) các loại bảo hiểm tiết kiệm dài hạn (private Altersvorsorge, Vermögensaufbau…). Chính vì vậy việc dành một khoản hàng tháng tiết kiệm cho hưu trí là một điều quan trọng, và lại rất phải chăng khi chúng ta còn khấu trừ được thuế từ đó nữa.

Anh chị có thể liên hệ để biết chính xác loại Hưu trí của mình, hoặc liên hệ tư vấn để mua chính xác loại dành cho mình tại www.taichinh360.de

 

Số 1 và 2. Bảo hiểm y tế và bảo hiểm thương tật tàn phế Kranken- und Pflegeversicherung.

Đối với 2 loại bảo hiểm này bạn cứ khai đầy đủ lúc khai thuế, kể cả phần của vợ/chồng/partner và con cái. Phần lớn các anh chị làm công đều đã đạt mức tối đa giảm thuế trong mục này, nhưng chắc ăn thì mình vẫn liệt kê ra, finanzamt sẽ tự tính là phần nào còn giảm thuế được và không

Quan trọng của nhóm bảo hiểm này là Basisbeitrag (14,6% giống nhau giữa các hãng bảo hiểm) và Zusatzbeitrag (1,3-1,7% chênh nhau giữa các hãng bảo hiểm). Phần Basisbeitrag thường mọi người làm công đều đạt mức giảm thuế tối đa như ở trên mình có nói. Phần Zusatzbeitrag thì sẽ là phần được giảm thuế extra nữa mà mọi người đều nên để ý khi khai thuế

Basisbeitrag và Zusatzbeitrag của Krankenversicherung có thể tìm thấy ở đâu?

Basisbeitrag có thể thấy ngay trong Lohnabrechnung hàng tháng.

Zusatzbeitrag nằm trong hóa đón của hãng bảo hiểm gửi cho mình, họ có thống kê là ví dụ AOK là 1,7%, tương ứng với bao nhiêu đây tiền...

Loại bảo hiểm y tế nào còn được giảm thuế?

Đó chính là các loại bảo hiểm về Răng cỏ (Zahnzusatzversicherung), bảo hiểm du lịch nước ngoài (Auslandskrankenversicherung), bảo hiểm tai nạn (Unfallversicherung), bảo hiểm mất sức lao động (Berufsunfähigkeitsversicherung)

 

Số 4, 6, 10 Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (Haftpflichtversicherung), bảo hiểm tai nạn (Unfallversicherung), và bảo hiểm luật (Rechtschutzversicherung)

Các loại bảo hiểm này phần lớn đều được khấu trừ thuế một phần theo dạng là „sonstigen Vorsorgeaufwendungen“ là chi phí đặc biệt.

Ngày nay càng nhiều anh chị làm Homeoffice, vì vậy các loại bảo hiểm này cũng được xét thêm khấu trừ thuế trong trường hợp mình sử dụng nó cho mục đích công việc.

Ví dụ: Unfall xảy ra khi mình làm Homeoffice, mình vướng chân vào máy in khi đang làm việc khiến máy tính rớt xuống là gãy xương chân. Vì vậy trong trường hợp này Unfallversicherung vốn cho privat thì cũng được khấu trừ thuế một phần do Homeoffice

 

Huong Luu

Lên đầu trang