EU: Khí đốt dự trữ sắp đầy; Giảm thuế cho xe điện TQ; Siêu dự án chip lộ diện; Cuộc chiến với các hãng công nghệ; Vụ tỷ phú Anh mất tích

DỰ TRỮ KHÍ ĐỐT TỰ NHIÊN Ở CHÂU ÂU GẦN ĐẦY

Dự trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu gần như đã đầy, giúp hạn chế đợt tăng giá gần đây do lo ngại về rủi ro nguồn cung.

Theo dữ liệu mới nhất từ nhóm công nghiệp Gas Infrastructure Europe, mức dự trữ của lục địa này đã đạt 90% công suất vào ngày 19 tháng 8. Con số này sớm hơn hai tháng so với mục tiêu đạt được mức đó của Liên minh châu Âu đặt ra vào ngày 1/11.

Giá khí đốt tương lai chuẩn dao động gần mức thấp nhất trong hai tuần vào sáng ngày thứ Tư 21/8, sau khi giảm 4,7% một ngày trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6. Thị trường đã chứng minh được sự nhạy cảm với tình trạng gián đoạn nguồn cung vào mùa hè này, với những lo ngại về dòng chảy còn lại từ Nga đã gây ra một đợt tăng giá vào đầu tháng này.

Hiện tại, lượng hàng tồn kho dồi dào đang giúp bù đắp rủi ro về nguồn cung. Các địa điểm dự trữ được lấp đầy với tỷ lệ ít hơn một chút so với thời điểm này năm ngoái — do hoạt động lấp đầy đã chậm lại vào mùa hè — nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm.

Tuy nhiên, lục địa này vẫn tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến sự gián đoạn đột ngột. Các nước châu Âu vẫn đang tranh luận về cách họ có thể thay thế dòng chảy qua đường ống của Nga sau khi thỏa thuận trung chuyển giữa Moscow và Kyiv hết hạn vào cuối năm.

Nhà cung cấp khí đốt hàng đầu châu Âu, Na Uy, cũng đang tiến vào giai đoạn bảo trì lớn khiến các nhà giao dịch phải luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Nhà phân tích Christoph Halser của Rystad cho biết: "Bất kỳ sự gián đoạn nào ở đó hoặc việc gia hạn bảo trì ngoài kế hoạch có thể sẽ dẫn đến phản ứng lo lắng của thị trường", đồng thời ông nói thêm rằng những dòng chảy này đặc biệt quan trọng vì châu Âu đang gặp khó khăn trong nguồn cung LNG.

Giá khí đốt tương lai của Hà Lan, chuẩn mực khí đốt của châu Âu, giảm 0,3% xuống còn 37,85 euro cho một megawatt-giờ vào lúc 8:42 sáng tại Amsterdam.

 

 

BẤT NGỜ: CHÂU ÂU GIẢM THUẾ CHO XE ĐIỆN SẢN XUẤT TẠI TRUNG QUỐC

Thuế nhập khẩu bổ sung châu Âu áp lên xe điện Tesla xuất xứ Trung Quốc và nhiều hãng như BYD, Geely, SAIC đều được giảm so với trước.

Hồi tháng 6, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ áp thuế nhập khẩu mạnh tay với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, mức 17,4-37,6%. Đây là thuế bổ sung bên cạnh mức thuế chung là 10% áp dụng với tất cả xe điện vào châu Âu. EU cho rằng xe Trung Quốc "hưởng lợi nhiều từ các khoản trợ cấp không công bằng" và "đe dọa gây tổn hại kinh tế" với các công ty xe điện châu Âu.

Tuy nhiên, sau khi nhận phản hồi từ các bên liên quan, hôm 20/8, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo "điều chỉnh thuế nhập khẩu đề xuất". Theo đó, mức thuế dự tính áp lên xe Tesla xuất xứ Trung Quốc sẽ giảm từ 20,8% xuống 9%. Cổ phiếu Tesla hôm qua có thời điểm tăng 1% sau quyết định của EU.

Trước đó, CEO Tesla Elon Musk cũng đề nghị EU tính toán lại thuế nhập khẩu với xe của hãng này sản xuất tại Trung Quốc. Ông muốn thuế phản ánh chính xác mức hỗ trợ mà họ nhận được.

Ngoài Tesla, một số hãng xe Trung Quốc khác cũng được giảm thuế nhập khẩu bổ sung. BYD được giảm từ 17,4% xuống 17%. Geely giảm từ 19,9% xuống 19,3%. SAIC từ 37,6% xuống 36,3%.

Với các hãng xe còn lại, những doanh nghiệp hợp tác với EU trong cuộc điều tra chống trợ cấp sẽ chịu mức thuế 21,3%. Mức này cao hơn kế hoạch cũ là 20,8%.

Còn với các hãng không hợp tác điều tra, thuế nhập khẩu sẽ là 36,3%. Mức này giảm so với 37,6% đề xuất trước đó.

Hồi tháng 6, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối kế hoạch của châu Âu. Họ cho rằng quyết định này "chỉ dựa trên các số liệu đơn phương".

Cũng trong tháng 6, Trung Quốc mở cuộc điều tra rượu cognac Pháp và thịt lợn châu Âu xuất khẩu sang nước này. Đầu tháng 8, họ tiếp tục nộp đơn kiện EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) "để bảo vệ quyền và lợi ích của ngành xe điện, cũng như bảo vệ sự hợp tác toàn cầu trong quá trình chuyển đổi xanh".

 

 

SIÊU DỰ ÁN CHIP LỘ DIỆN

ESMC - liên doanh giữa Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, Trung Quốc (TSMC), Bosch, Infineon và NXP hoàn thành xây dựng nhà máy sản xuất chip hiệu suất cao tại Dresden, bang Saxony, Đức.

Trong chuyến thăm nhà máy sản xuất chip hiệu suất cao đầu tiên tại Dresden, bang Saxony, Đức do ESMC - một liên doanh giữa Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, Trung Quốc (TSMC), Bosch, Infineon và NXP xây dựng, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - Ursula Von der Leyen cho biết: “Trung tâm này đủ điều kiện vận hành theo Đạo luật Chips của Châu Âu. Đây sẽ là nơi sản xuất các sản phẩm không có tại bất kỳ cơ sở nào khác trên khắp châu lục này. Chúng tôi sẽ sớm công bố các chính sách hỗ trợ tài chính”.

Đồng thời, bà cũng tiết lộ Ủy ban Châu Âu đã chấp thuận khoản hỗ trợ trị giá 5 tỉ euro của chính phủ Đức cho ESMC xây dựng và vận hành nhà máy.

Nhà máy mới này sẽ sản xuất chip hiệu suất cao có sử dụng công nghệ bóng bán dẫn hiệu ứng trường vây ('FinFET') và tích hợp một số tính năng mới. Những con chip được sản xuất sẽ có hiệu suất tốt hơn cũng như giảm mức tiêu thụ điện năng hiệu quả.

ESMC dự kiến sẽ sản xuất 480.000 con chip vào năm 2029. Những con chip này được sử dụng cho các sản phẩm công nghiệp và ôtô.

Nhà máy này ra đời nhằm tăng cường an ninh nguồn cung, khả năng phục hồi và quyền tự chủ của châu Âu trong các công nghệ bán dẫn cũng như phù hợp với Đạo luật Chip châu Âu. Đạo luật này có hiệu lực vào tháng 9.2023, với mục đích hiện thực hóa mục tiêu đưa số lượng chip của khối đạt 10% tổng chip toàn cầu vào năm 2030.

Trước đó, đã có khoảng 1 nghìn tỉ chip đã được sản xuất trên toàn thế giới vào năm 2020. Bà Von der Leyen cũng cho biết đến nay, Đạo luật Chips đã giúp thu hút được khoảng 115 tỉ euro nguồn vốn đầu tư.

Tại bang Saxony, Đức hiện có khoảng 25.000 công ty và nhà máy bán dẫn, bao gồm Bosch, Infineon, Globalfoundries và X-FAB. Với khối lượng chip khổng lồ được sản xuất ra cho phép khu vực này đạt được những tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, đám mây, quốc phòng và năng lượng sạch.

Bà Von der Leyen cam kết sẽ thực hiện thêm các biện pháp để thúc đẩy khả năng cạnh tranh công nghiệp của châu Âu, chẳng hạn như thành lập quỹ đầu tư vào các ngành công nghệ chiến lược, bao gồm lĩnh vực chip tiên tiến trong nhiệm kỳ mới của mình.

Đồng thời, bà cũng sẽ đề xuất một thỏa thuận công nghiệp sạch nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng và nguyên liệu thô giá rẻ. Ngoài ra, công tác đào tạo kỹ năng trong lĩnh vực sản xuất chip hoặc các ngành công nghệ cao khác cũng được quan tâm.

 

 

CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ GIỮA EU VÀ CÁC "GÃ KHỔNG LỒ" CÔNG NGHỆ

Kể từ tháng 8/2023, các nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay tại EU.

Những tháng cuối năm nay dự báo sẽ là thời điểm khó khăn đối với các tập đoàn công nghệ hoạt động ở Liên minh châu Âu (EU) khi khối này tăng cường sử dụng bộ công cụ pháp lý mới mạnh mẽ hơn để kiểm soát các "gã khổng lồ" công nghệ.

Kể từ tháng 8/2023, các nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay tại EU.

Sau 1 năm, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy việc thực thi các quy định này sẽ chậm lại.

EU đã giành được chiến thắng pháp lý đầu tiên sau khi buộc TikTok xóa vĩnh viễn một tính năng gây "nghiện" trong ứng dụng phụ vào tháng Tám, một năm sau khi các quy tắc kiểm duyệt nội dung theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của khối bắt đầu có hiệu lực.

Trước đó, vào đầu mùa Hè, các cơ quan quản lý của EU cũng liên tiếp ban hành các quyết định nhắm vào Apple, Meta và Microsoft.

Theo giới chức EU, từ nay đến cuối năm, khối sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ.

Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho biết khối này đang "tăng tốc tối đa" trong nỗ lực thực thi các chính sách và quy định liên quan.

Bà nhấn mạnh mục tiêu của EU là rút ngắn thời gian điều tra về luật cạnh tranh, vốn kéo dài nhiều năm, xuống tối đa 12 tháng.

Các hành động pháp lý của EU chủ yếu dựa trên hai luật, gồm DSA - yêu cầu các tập đoàn công nghệ phải kiểm soát nội dung trực tuyến, và luật cạnh tranh mang tên Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) - quy định cụ thể những gì các tập đoàn có thể làm và không thể làm trong hoạt động kinh doanh.

Hiện EU cũng đang xem xét các thỏa thuận giữa những "gã khổng lồ" công nghệ và các nhà phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có thương vụ hợp tác trị giá 13 tỷ USD giữa Microsoft và OpenAI - "cha đẻ" của ChatGPT.

 

 

VỤ MẤT TÍCH BÍ ẨN CỦA “BILL GATES NƯỚC ANH”

Trong những ngày qua, dư luận xôn xao khi hay tin một doanh nhân nổi tiếng của nước Anh mất tích sau vụ chìm thuyền. Đáng chú ý hơn là ông vừa được tuyên trắng án sau vụ kiện kéo dài với hãng máy tính Hewlett Packard (HP).

Doanh nhân công nghệ người Anh Mike Lynch là người sáng lập công ty phần mềm doanh nghiệp Autonomy. Tháng 6 vừa qua, ông đã được tuyên trắng án trong phiên toà xét xử cáo buộc gian lận vì đã thổi phồng giá trị của Autonomy khi bán công ty với giá 11,7 tỷ USD cho gã khổng lồ sản xuất máy tính Hewlett Packard (HP).

Hai tháng sau phiên toà, vị doanh nhân được mệnh danh như “Bill Gates của nước Anh” đã mất tích sau vụ chìm siêu du thuyền ngoài khơi đảo Sicily của Italy.

Chiếc du thuyền có tên Bayesian bị lật úp vào khoảng 4 giờ sáng giờ địa phương. Theo báo giới, chiếc thuyền đã bị một cơn bão lớn bất ngờ tấn công.

Bà Angela Bacares, vợ của ông Lynch, là một trong số 15 người được cứu sau vụ việc. Ít nhất một người đàn ông đã tử vong. Trong khi đó, 6 người bao gồm ông Lynch và con gái vẫn mất tích.

Mike Lynch là ai?

Như đã nhắc, ông Mike Lynch, 59 tuổi, là người sáng lập công ty phần mềm doanh nghiệp Autonomy. Ngoài ra, ông cònh điều hành công ty đầu tư mạo hiểm Invoke Capital, chuyên hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ châu Âu. Công ty này được Lynch thành lập vào năm 2012.

Ông đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến pháp lý kéo dài với hãng sản xuất máy tính Hewlett Packard (HP). Công ty này cáo buộc Lynch thổi phồng giá trị của Autonomy trong thương vụ mua bán trị giá 11,7 tỷ USD. Trong vòng một năm sau khi hoàn tất thương vụ và kiểm toán lại, phía HP đã cắt giảm 8,8 tỷ USD giá trị của Autonomy.

Năm 2023, Lynch đã bị dẫn độ từ Anh sang Mỹ để hầu tòa vì những cáo buộc liên quan đến HP. Ông phải đối mặt với các cáo buộc hình sự, bao gồm gian lận chuyển tiền và âm mưu thổi phồng doanh thu của Autonomy từ năm 2009 nhằm mục đích thu hút người mua.

Nhưng hai tháng trước, ông Lynch bất ngờ chiến thắng và được tuyên trắng án về tội gian lận. Trong phiên tòa, Lynch đã tự bào chữa cho mình, phủ nhận hành vi sai trái và nói với bồi thẩm đoàn rằng HP đã phá hỏng quá trình sáp nhập Autonomy.

Các công tố viên đã cáo buộc Lynch cùng với giám đốc tài chính quá cố Chamberlain đã làm giàu cho Autonomy bằng nhiều cách. Lynch nói với bồi thẩm đoàn rằng ông tập trung vào các vấn đề liên quan đến công nghệ tại Autonomy. Các quyết định về kế toán và tiền bạc do giám đốc tài chính lúc bấy giờ là Sushovan Hussain xử lý.

Hussain đã bị kết án riêng tại Mỹ vào năm 2018 về các tội danh âm mưu, gian lận chuyển tiền và gian lận chứng khoán liên quan đến thỏa thuận HP. Ông ra tù vào tháng 1 sau khi thụ án 5 năm.

“Bill Gates của nước Anh”

Ông Mike Lynch sinh năm 1965 tại khu đô thị ngoại ô Ilford ở phía Đông London và lớn lên gần Chelmsford thuộc hạt Essex của Anh.

Ông theo học khoa học tự nhiên tại Đại học Cambridge, tập trung vào các lĩnh vực bao gồm điện tử, toán học và sinh học. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, Lynch đã hoàn thành bằng Tiến sĩ về xử lý tín hiệu và truyền thông.

Vào cuối những năm 1980, Lynch thành lập công ty sản xuất các thiết kế và sản phẩm âm thanh cho ngành công nghiệp âm nhạc có tên Lynett Systems.

Đến đầu thập niên 1990, ông thành lập một doanh nghiệp nhận dạng dấu vân tay có tên là Cambridge Neurodynamics. Cảnh sát South Yorkshire là một trong số những khách hàng của ông.

Nhưng đến năm 1996, bước đột phá lớn mới thực sự xuất hiện. Ông cùng David Tabizel và Richard Gaunt đồng sáng lập Autonomy. Kể từ đó, công ty phát triển thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất nước Anh.

Khi ở đỉnh cao thành công, ông Lynch có ảnh hưởng rất lớn trong lĩnh vực công nghệ của Vương quốc Anh. Ông từng được giới truyền thông ưu ái gọi là Bill Gates của nước Anh.

Trước đây ông từng là thành viên hội đồng quản trị của đài truyền hình BBC. Ông cũng từng là cố vấn cho chính phủ Anh tại Hội đồng Khoa học và Công nghệ.

Với vai trò là người đứng đầu công ty đầu tư mạo hiểm Invoke, Lynch đã tham gia chặt chẽ vào việc giúp công ty an ninh mạng Darktrace của Anh và công ty khởi nghiệp phần mềm pháp lý Luminance đi vào hoạt động.

Ông Lynch trước đây đã lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes vào năm 2014 và 2015, với giá trị tài sản ròng ước tính là 1 tỷ USD. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với chi phí pháp lý trong vụ kiện của HP, ông rời khỏi danh sách vào năm 2016.

Ông nói với LeadersIn trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi nuôi những giống vật nuôi quý hiếm”. Tờ báo địa phương East Anglian Times đưa tin Lynch đã trở về trang trại của mình ở Suffolk để hồi phục sau cuộc chiến pháp lý ở Mỹ.

Vài tuần trước khi bị báo mất tích, Lynch đã chia sẻ với tờ The Times rằng ông sợ chết trong tù nếu bị kết tội vì những cáo buộc liên quan đến HP. Ông nói: “Nếu mọi chuyện diễn ra không như mong đợi, thì đó sẽ là dấu chấm hết cho cuộc đời tôi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”.

 

Nguồn: Năng Lượng Quốc Tế; Vnexpress; Lao Động; VietnamPlus; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang