EU: Khan hiếp căn hộ giá rẻ; Loay hoay quay lại với dầu Nga; Sóng thần ‘hàng TQ’; Câu hỏi chủ quyền công nghiệp; Họp bàn vấn đề Ukraine

KHAN HIẾM CĂN HỘ GIÁ RẺ

Chính quyền nhiều thành phố châu Âu tìm cách thúc đẩy thị trường bất động sản, nhưng huy động nguồn lực tư nhân thế nào vẫn là bài toán khó.

Một hội chợ quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, vừa kết thúc tại Pháp, đã làm nổi bật vấn đề khan hiếm "chỗ ở với giá cả phải chăng" tại hầu hết các nước châu Âu. Các nhà hoạch định chính sách từ khắp nơi trên thế giới đã tới hội chợ, trình bày các kế hoạch phát triển đô thị, nhằm tìm kiếm nguồn lực tài chính từ giới đầu tư.

Chính quyền nhiều Thành phố châu Âu tìm cách thúc đẩy thị trường bất động sản, nhưng huy động nguồn lực tư nhân thế nào vẫn là bài toán khó.

Tờ Le Soir của Bỉ có bài về hội chợ Mipim tại Thành phố Cannes của Pháp, hội chợ quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, nơi tập trung giới đầu tư tài chính, các nhà thầu xây dựng và giới làm chính sách của nhiều thành phố trên thế giới. Ở Bỉ cũng như các nước châu Âu khác, "chỗ ở với giá cả phải chăng nay phải trở thành ưu tiên" trong phát triển thị trường bất động sản. Mua được căn nhà vẫn là giấc mơ xa. "Tại Bruxelles, chỉ có 29% tổng số người mua nhà là dưới 30 tuổi", tức là cứ 10 người mua nhà thì có đến 7 người đã bước vào tuổi trung niên, "một tỷ lệ cho thấy khó khăn của lứa tuổi thanh niên khi muốn mua một chỗ ở ổn định". Theo bài báo, "năm vừa rồi, số lượng giao dịch suy giảm, chỉ có 208.000 căn nhà đổi chủ, so với 210.000 căn trong năm sát trước".

Nguồn cung chỗ ở quá thấp là vấn đề mấu chốt. Có nhiều lý do. Lãi suất ngân hàng cao dần, vật liệu xây dựng tăng giá, khan hiếm thợ xây… Nhưng nguyên nhân chính được chỉ ra tại Hội chợ Mipim là quá trình cấp phép xây dựng. Tờ Mặt trời 24h của Italia lấy ví dụ, tại Thành phố Milan "các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi" một chính sách rõ ràng hơn. Chính quyền Thành phố vừa muốn xây thêm nhiều chỗ ở, lại vừa muốn giảm tải đô thị, tăng diện tích cây xanh và quảng trường. Bài báo trích lời một nhà đầu tư: "Đối với thị trường, vấn đề là mọi thứ không rõ ràng. Giá như Thành phố chọn một hướng đi, hướng nào cũng được và giới đầu tư cứ thế mà theo. Được như vậy, thị trường mới có thể khởi động lại".

Chính quyền nhiều Thành phố cũng dùng luật để điều tiết thị trường. Tờ Le Soir viết rằng "ở châu Âu, bài toán chỗ ở đã trở thành vấn đề khẩn cấp". "Khan hiếm chỗ ở ngày càng trở nên trầm trọng trong nhiều Thành phố, do ngày càng có nhiều căn hộ ưu tiên cho khách du lịch thuê ngắn ngày, hoặc nhiều căn nhà là nhà thứ hai ít khi chủ nhân tới ở, thậm chí bỏ không", nhưng chủ nhà không cần tiền nên không cho thuê cũng không bán. Thành phố Barcelone Tây Ban Nha đã thông báo "sẽ huỷ hết giấy phép cho thuê ngắn hạn vào năm 2028, tương đương sẽ có thêm 10.000 căn hộ quay lại thị trường". Thành phố Cardiff tại Anh quyết định "tăng thuế gấp đôi đối với căn hộ thứ nhì và tăng gấp 4 đối với căn hộ bỏ không". Hướng đi nữa là thúc đẩy các chủ đầu tư "chuyển đổi trung tâm thương mại và khu văn phòng trống thành nhà ở".

 

 

KHỔ NHƯ CHÂU ÂU: LOAY HOAY QUAY LẠI VỚI KHÍ ĐỐT NGA THÌ VƯỚNG BÃO THUẾ ĐỐI ỨNG TỪ MỸ

Giám đốc điều hành của nhiều công ty lớn tại châu Âu cho biết họ dường như không thể đợi được nữa để quay trở lại với năng lượng giá rẻ của Nga.

Hơn 3 năm sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, an ninh năng lượng của châu Âu đang trở nên mong mạnh.

LNG của Mỹ đã giúp lấp đầy lượng cung cấp từ Nga tại châu Âu trong cuộc khủng hoảng năng lượng 2022-2023 nhưng giờ đây, khi Tổng thống Donald Trump đang muốn dùng năng lượng như một con bài "mặc cả" trong các đàm phán thương mại, doanh nghiệp châu Âu lại lo sợ rằng việc phụ thuộc vào Mỹ trở thành một điểm yếu khác.

Trong bối cảnh này, Giám đốc điều hành tại các công ty lớn của EU bắt đầu nói về một điều mà trước đây họ không hề nghĩ tới: nhập khẩu khí đốt từ Nga. Điều này, tất nhiên, sẽ đòi hỏi một sự thay đổi chính sách lớn khi EU đã cam kết chấm dứt nhập khẩu năng lượng từ Nga vào năm 2027.

Châu Âu có rất ít lựa chọn. Các cuộc đàm phán với Qatar về việc cung cấp thêm khí đốt đã bị đình trệ trong khi tiến độ triển khai năng lượng tái tạo chậm chạp. "Nếu có bước tiến trong đàm phán Nga – Ukraine, chúng ta có thể quay trở lại dòng chảy 60 tỷ mét khối, có thể là 70 tỷ mét khối hàng năm, bao gồm cả LNG", Didier Holleaux – Phó chủ tịch điều hành tại Engie của Pháp trả lời Reuters. Holleaux cho biết Nga có thể cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu của EU, giảm so với mức 40% thời điểm trước xung đột.

Người đứng đầu công ty dầu mỏ lớn của Pháp là TotalEnergies cảnh báo châu Âu không nên quá phụ thuộc vào khí đốt của Mỹ. "Chúng ta cần đa dạng hóa, nhiều tuyến đường, không nên quá phụ thuộc vào 1-2 tuyến đường", ông Patrick Pouyanne nói.

"Châu Âu sẽ không bao giờ quay trở lại nhập khẩu 150 tỷ mét khối từ Nga nhưng tôi cá là có thể ở mức 70 tỷ mét khối", ông nói thêm.

Pháp là một trong những quốc gia sở hữu nguồn cung đa dạng nhất ở châu Âu. Đức thì không như vậy. Họ phụ thuộc nhiều vào khí đốt giá rẻ của Nga để thúc đẩy ngành sản xuất cho đến khi xảy ra xung đột.

Biểu đồ đường giá khí đốt của châu Âu năm 2025 vẫn ở mức khoảng 35 euro cho mỗi MW so với với trước khi xảy ra khủng hoảng năng lượng – mức 20 euro/MWh.

Nga từng đáp ứng 60% nhu cầu năng lượng của Đức, chủ yếu thông qua đường ống Nord Stream, vốn bị phá hủy vào năm 2022. "Chúng tôi đang trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và không thể chờ đợi được nữa", Christof Guenther, Giám đốc điều hành của InfraLeuna, đơn vị điều hành công viên hóa chất Leuna cho biết. Ông cho hay ngành công nghiệp hóa chất của Đức đã cắt giảm việc làm trong 5 quý liên tiếp, điều chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.

"Chúng tôi cần khí đốt của Nga. Chúng tôi cần năng lượng giá rẻ, bất kể nó đến từ đâu", Klaus Paur, Giám đốc điều hành của Leuna-Harxe, một nhà sản xuất hóa dầu cỡ trung tại Leuna Park, cho biết. "Chúng tôi cần Nord Stream 2 vì chúng tôi phải kiểm soát chi phí năng lượng".

Khí đốt của Mỹ chiếm 16,7% lượng nhập khẩu vào EU năm ngoái, sau Na Uy (33,6%) và Nga (18,8%). Thị phần của Nga sẽ giảm xuống dưới 10% trong năm nay sau khi Ukraine đóng cửa các đường ống. Các luồng khí còn lại chủ yếu là LNG từ Novatek.

EU đang chuẩn bị mua thêm LNG của Mỹ vì ông Trump muốn châu Âu giảm thặng dư thương mại với Mỹ. "Chắc chắn, chúng tôi sẽ cần nhiều LNG hơn", ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic cho biết vào tuần trước.

Cuộc chiến thuế quan đã làm tăng mối lo ngại của châu Âu về sự phụ thuộc vào khí đốt Mỹ, theo Tatiana Mitrova, nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia cho biết. "Ngày càng khó coi LNG của Mỹ là một mặt hàng trung lập. Đến một thời điểm nào đó, nó có thể trở thành một công cụ địa chính trị".

Năm 2022, EU đặt mục tiêu không ràng buộc là chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027 nhưng đã 2 lần trì hoãn việc công bố kế hoạch thực hiện.

 

 

CHÂU ÂU TRƯỚC NGUY CƠ SÓNG THẦN MANG TÊN “HÀNG TRUNG QUỐC”

582,4 tỷ đô la là tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc đã xuất sang Mỹ trong năm 2024, theo số liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Với cuộc chiến thuế quan mà tổng thống Mỹ khơi mào, Bắc Kinh phải tìm những đầu ra khác cho khối lượng hàng hoá khổng lồ của mình. Trong bối cảnh này, châu Âu khó thoát khỏi tầm ngắm của nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Phải chăng đã đến lúc Liên Âu nên lo ngại về cơn lũ hàng hóa Made in China ?

Nhấn chìm nền công nghiệp châu Âu

Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos nhận định, ngoài việc có thể làm phật ý tổng thống Mỹ, mở rộng cửa đón hàng hoá Trung Quốc còn đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho các doanh nghiệp châu Âu. Ông Thomas Grjebine, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Triển vọng và Thông tin Quốc tế (Cepii), nhận định : “Ngay cả khi chưa có các biện pháp (thuế quan) của Trump, ngành công nghiệp châu Âu vốn đã chịu thiệt hại nặng nề do sự cạnh tranh từ Trung Quốc.” Theo ông, nguyên nhân đến từ việc “chi phí sản xuất của ngành công nghiệp Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực thấp hơn từ 30% đến 40% so với các doanh nghiệp châu Âu.” Lý do là vì các nhà sản xuất Trung Quốc được hưởng lợi từ quy mô kinh tế, từ những tiến bộ công nghệ trong nhiều lĩnh vực, và đặc biệt là từ các khoản trợ cấp của Nhà nước. Điều này đã khiến cho cuộc cạnh tranh càng trở nên không công bằng, nhất là khi một phần đáng kể các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể hoạt động dù đang trong tình trạng thua lỗ.

Hàng hoá từ các nhà sản xuất Trung Quốc còn có lợi thế hơn nữa trong bối cảnh mà đồng euro đã tăng giá so với đồng đô la Mỹ trong vòng một tháng qua, còn đồng nhân dân tệ lại giảm giá so với đồng bạc xanh. Kể từ đầu tháng Hai, đồng tiền Trung Quốc đã mất 10% giá trị so với đồng euro. Ngoài ra, hàng Trung Quốc xuất sang EU còn đang được hưởng miễn trừ thuế quan với các kiện hàng dưới 150 euro.

Trong ngắn hạn, người tiêu dùng châu Âu sẽ được hưởng lợi vì có thể mua hàng hoá với mức giá hấp dẫn cùng nhiều chương trình khuyến mại. Các doanh nghiệp châu Âu cũng có thể sẽ phải giảm giá bán để có thể cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc. Tuy nhiên nếu tính về lâu dài thì điều này có thể huỷ hoại nền công nghiệp của châu Âu. Bắc Kinh có thể cố tình kéo giá xuống thấp hơn, thậm chí là thực hiện hành vi bán phá giá. Trả lời trên kênh BFMTV, ông Thomas Métivier, tổng giám đốc nền tảng thương mại trực tuyến Cdiscount, nhắc lại rằng chiến lược bán phá giá của Trung Quốc, đặt biệt là trong các lĩnh vực như tuabin gió, năng lượng mặt trời, nhôm, … đã khiến ngành sản xuất của châu Âu gần như sụp đổ.

Ngoài ra, trong một báo cáo đăng tải hồi tháng Hai, các nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Đức, trụ sở tại Cologne, bày tỏ lo ngại khi mà “Bắc Kinh đã giành thêm thị phần xuất khẩu trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực máy móc và sản phẩm điện tử, trong khi Đức lại đánh mất vị thế trong những lĩnh vực này kể từ năm 2010”.

Thúc đẩy thâm hụt thương mại

Trả lời trên kênh Public Sénat, kinh tế gia Anthony Morlet-Lavidalie, tại khoa phân tích tình hình và dự báo kinh tế của Viện Rexecode, nhắc lại từ năm 2010-2019, thâm hụt thương mại của EU với Bắc Kinh chỉ là 100 tỷ euro. Nhưng con số này đã tăng lên đáng kể sau đại dịch Covid-19, rồi lại tới cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát. Đến hiện nay, thâm hụt thương mại của châu Âu với Trung Quốc đã tăng lên gấp 3, vượt mức 300 tỷ đô la trong năm ngoái. Tờ Les Echos bổ sung thêm rằng xét trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Âu, con số này còn lớn hơn cả mức thâm hụt mà Hoa Kỳ đang phải gánh chịu với Trung Quốc. Cụ thể, thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm 1% GDP của Mỹ, trong khi thâm hụt giữa châu Âu và Trung Quốc lên tới 2% GDP của EU.

Bruxelles nên chuẩn bị gì trước cơn bão ?

Trong cuộc gặp thủ tướng Tây Ban Nha hôm 11/04 tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu “cùng nhau chống lại” cuộc chiến tranh thương mại mà tổng thống Mỹ khơi mào. Về phần mình, Liên Âu cũng cho biết đang tính tới khả năng ấn định mức giá sàn đối với các loại xe điện sản xuất tại Trung Quốc, thay vì áp thuế như đã làm vào năm ngoái. Dường như Bắc Kinh và Bruxelles đang cố gắng xích lại gần nhau để đối phó với sự thù địch và thái độ gây hấn từ phía Mỹ.

Kênh Public Sénat dẫn lời bà Mary-Françoise Renard, giáo sư Kinh tế tại Đại học Clermont Auvergne, người đứng đầu Viện nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại CERDI, cho rằng : “Mục tiêu của Trung Quốc là tiêu thụ được sản phẩm, còn châu Âu thì muốn tránh một làn sóng hàng hóa Trung Quốc tràn vào”. Đây cũng chính là thế tiến thoái lưỡng nan đối với Trung Quốc. Do vậy, EU sẽ có ưu thế hơn khi ngồi vào bàn đàm phán. Bà Renard nhấn mạnh thêm : “Đừng quên rằng Trung Quốc đang cần châu Âu. Họ sẽ không dại gì mà làm căng thẳng mối quan hệ.”

Bà cũng lạc quan cho biết châu Âu còn có thể kích hoạt các điều khoản bảo vệ mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã quy định. Những biện pháp khẩn cấp này cho phép áp đặt hạn chế về số lượng hàng hoá hoặc tăng thuế nhập khẩu trong trường hợp lượng hàng nhập khẩu gia tăng đe dọa đến sản xuất nội địa của một quốc gia thành viên.

Ngược lại, chuyên gia Anthony Morlet-Lavidalie từ Viện Rexecode thì tỏ ra khá lo ngại trước sự thay đổi đột ngột của Ủy Ban Châu Âu. Ông nói : “Chúng ta không thể mãi ngây thơ. Tôi có cảm giác châu Âu giống như một chiếc chong chóng xoay theo chiều gió. Chúng ta đang trải thảm đỏ hơi quá mức.” Trước đó vào năm 2023, vào lúc chưa có cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, khi châu Âu tăng thuế 35% áp vào xe điện nhập khẩu của Trung Quốc để tránh cạnh tranh không lành mạnh từ Bắc Kinh, Trung Quốc cũng đã ngay lập tức trả đũa bằng việc nhắm vào các loại rượu của châu Âu, đặc biệt là cognac.

Trung Quốc không phải là mối lo duy nhất

Tờ Le Monde, trong bài “Thuế quan : Ngành công nghiệp may mặc Pháp trước con sóng hàng châu Á”, nhận định rằng ngoài Trung Quốc, các sản phẩm đến từ các nước Nam và Đông Nam Á như Việt Nam, Cam Bốt hay Bangladesh cũng có thể sẽ đổ về châu Âu. Ngay cả trước khi bị ông Trump đánh thuế, phần lớn hàng hoá may mặc ở châu Âu cũng đã đến từ nhà máy đặt tại các nước này. Cụ thể trong số 85 tỷ euro quần áo và giày dép được nhập khẩu vào EU, 63 tỷ đến từ các nước châu Á như Bangladesh (18,3 tỷ), Việt nam (3,9 tỷ), Cam Bốt (3,8 tỷ)... Đây cũng là những nước bị nguyên thủ Mỹ dọa đánh thuế nặng. Theo bảng tăng thuế quan mà ông Trump đưa ra hôm 02/04, Bangladesh có thể bị đánh thuế tới 37%, Việt Nam 46% và Cam Bốt 49%.

Tờ báo cũng chỉ ra rằng Hà Nội, Dhaka và Phnom Penh đều đang được hưởng lợi thuế quan với EU. Với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên Âu (EVFTA), ký kết vào năm 2019 tại Hà Nội, 99% thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu sẽ dần được xóa bỏ cho đến cuối năm 2026. Trong khi đó, Cam Bốt và Bangladesh nằm trong danh sách các quốc gia kém phát triển nhất (LDC – Least Developed Countries). Với tư cách đó, hàng hóa nhập khẩu từ hai nước này vào châu Âu cũng không bị áp thuế.

 

 

CÂU HỎI VỀ CHỦ QUYỀN CÔNG NGHIỆP

Quyết định mới đây của liên doanh Automotive Cells Company (ACC) hợp tác với một đối tác Trung Quốc nhằm giải cứu dây chuyền sản xuất pin tại Pháp đã làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực xây dựng năng lực sản xuất pin – trụ cột chiến lược cho ngành công nghiệp ô tô điện, quyết định của liên doanh Automotive Cells Company (ACC) hợp tác với một đối tác Trung Quốc nhằm giải cứu dây chuyền sản xuất tại Pháp đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Đây là dấu hiệu của sự “thức tỉnh thực tế” hay là bước lùi trong tham vọng chủ quyền công nghiệp pin của châu lục này?

Theo báo La Tribune của Pháp, đối mặt với khó khăn trong dây chuyền sản xuất, nhà sản xuất pin ACC, sản phẩm liên doanh giữa các tập đoàn Stellantis, Mercedes-Benz và TotalEnergies trong lĩnh vực pin, thông báo đã hợp tác với một nhà sản xuất Trung Quốc có kinh nghiệm để tăng tốc độ vận hành siêu nhà máy (gigafactory) tại Pas-de-Calais.

Thông tin được Giám đốc điều hành ACC, ông Yann Vincent, chia sẻ tại sự kiện Batteries Event ở Dunkerque: “Chúng tôi đã thiết lập một quan hệ đối tác với một nhà sản xuất pin Trung Quốc để hỗ trợ tăng tốc độ sản xuất”. Thông tin này đề cập đến siêu nhà máy tại Billy-Berclau (Pas-de-Calais), chuyên sản xuất pin lithium-ion. Đây là nhà máy biểu tượng cho nỗ lực tự chủ về công nghệ pin của châu Âu. Trước câu hỏi về khả năng cạnh tranh của ngành pin châu Âu so với các đối thủ châu Á, ông Vincent trả lời ngắn gọn nhưng đầy hàm ý: “Hãy nhờ những người giỏi nhất giúp đỡ”.

Mặc dù ACC từ chối tiết lộ tên đối tác Trung Quốc và khẳng định đó không phải là nhà sản xuất pin hàng đầu CATL – đối tác cung cấp pin LFP cho Stellantis – song việc mở cửa cho một doanh nghiệp nước ngoài tham gia sâu vào dây chuyền sản xuất vẫn khiến dư luận châu Âu lo ngại. Đây có thực sự là hỗ trợ kỹ thuật thuần túy hay là dấu hiệu của một sự lệ thuộc mới?

Ông Mathieu Hubert, Tổng Thư ký ACC nói: “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn học hỏi” và “trong giai đoạn dài và khó khăn hơn dự kiến này, sự hỗ trợ từ một đối tác giàu kinh nghiệm có thể giúp ích”.

Ngoài hợp tác chính thức, công ty còn cho biết có một số cựu nhân viên của các “ông lớn” châu Á như CATL, BYD và Samsung đang làm việc tại gigafactory.

Khoảng cách thực tế giữa các đối tác

Theo tiết lộ từ nguồn tin nội bộ, gigafactory đang đối mặt với tỷ lệ lỗi rất cao ở hai công đoạn then chốt trong quy tình sản xuất pin lithium-ion: phủ vật liệu và cán mỏng. Đây là những công đoạn có độ chính xác cực cao. Công đoạn đầu tiên yêu cầu phủ lớp vật liệu lên lớp foil nhôm mỏng chỉ 6 micron – mỏng hơn 10 lần so với lá nhôm thông thường. Sau đó, lớp phủ này được nén và nung nóng bằng các trục cán.

Một nguồn tin cho biết sản lượng hiện tại của nhà máy chỉ bằng 1/30 công suất dự kiến, khiến dây chuyền vận hành “trong một tháng chỉ sản xuất được lượng pin lẽ ra phải hoàn tất trong một ngày”. ACC phủ nhận con số này và tuyên bố vẫn đang đáp ứng được các đơn hàng cho Stellantis, đồng thời đặt mục tiêu tăng sản lượng gấp 20 lần vào cuối năm 2025.

“ACC là nhà sản xuất đầu tiên ở châu Âu cung cấp pin ‘made in France’ cho xe điện sản xuất hàng loạt”, ông Hubert nhấn mạnh, đề cập đến các mẫu xe Opel Grandland và Peugeot 3008.

Tuy nhiên, ACC đã buộc phải điều chỉnh mạnh mẽ kỳ vọng: thay vì 100.000 bộ pin như kế hoạch ban đầu cho năm 2025, mục tiêu hiện chỉ là 50.000 bộ – tương đương sản lượng trang bị cho 50.000 xe điện. Năm 2024, con số này chỉ là 3.000 xe. Trong khi đó, mục tiêu dài hạn của nhà máy là đạt công suất 800.000 bộ pin/năm.

Với nhiều chuyên gia, những khó khăn này không có gì bất ngờ và phản ánh tình trạng chung của cả ngành. Theo một chuyên gia trong ngành, tỷ lệ lỗi trong sản xuất pin ở Pháp lên tới 80%, so với mức 50% ở Hàn Quốc và chỉ 5% ở Trung Quốc. Đó là khoảng cách của một thập kỷ kinh nghiệm và kỹ thuật.

Khi châu Âu vẫn chỉ là “học trò” trên sân chơi pin toàn cầu

“Người châu Âu vẫn là học trò, còn người châu Á là thầy giáo”, một lãnh đạo ACC thừa nhận thẳng thắn. Sự thật này phần nào lý giải việc công ty tuyển dụng nhiều cựu kỹ sư từ các tập đoàn lớn như CATL, BYD hay Samsung để củng cố năng lực kỹ thuật nội bộ.

Về phía Chính phủ Pháp, một quan chức Bộ Công nghiệp thừa nhận: “Không có gì đáng ngạc nhiên nếu việc hợp tác này mang lại lợi ích về việc làm và kỹ năng”. Nhưng đằng sau sự công nhận ấy là một dấu hỏi lớn về chiến lược dài hạn: liệu châu Âu đang tự xây dựng năng lực, hay đang hình thành một sự phụ thuộc kiểu mới.

Chiến lược đào tạo và chuyển giao công nghệ: Mắt xích yếu nhất

Theo ông Ludovic Leroy – giảng viên tại IFP Training, chương trình đào tạo nhân lực cho ngành pin hiện nay của châu Âu còn quá sơ sài, chủ yếu là các khóa ngắn hạn cho người lao động quay lại thị trường, thiếu chiều sâu kỹ thuật và kiến thức hệ thống. Điều này khiến các kỹ thuật viên khó có thể làm chủ được dây chuyền phức tạp và hiện đại, vốn chủ yếu được cung cấp bởi các nhà sản xuất Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ông Leroy nhấn mạnh: “Tại nhiều nhà máy, các chuyên gia đến từ châu Á điều khiển thiết bị, còn kỹ sư châu Âu chỉ đứng quan sát vì không hiểu rõ quy trình. Rào cản ngôn ngữ và văn hóa khiến việc chuyển giao công nghệ trở nên khó khăn và thiếu hiệu quả”.

Hiện chuyên gia này đang nỗ lực để IFP Training trở thành bên trung gian hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho gigafactory. Ông lý giải, việc chuyển giao cần được giám sát chặt chẽ để đảm bảo cả về hiệu suất và an ninh thông tin, bởi một số máy móc có thể bị điều khiển từ xa bởi nhà sản xuất.

Câu hỏi về chủ quyền công nghiệp và nguy cơ tụt hậu

Việc ACC bất ngờ hủy kế hoạch xây dựng nhà máy tại Đức và Italy trong bối cảnh nhu cầu xe điện sụt giảm, cùng với thông báo cắt giảm nhân sự hành chính vào tháng 3/2025, càng củng cố thêm mối lo ngại về sự bền vững của chiến lược pin châu Âu.

Ủy ban châu Âu (EC) từng công bố gói hỗ trợ 1,8 tỷ euro (2,04 tỷ USD) cho ngành pin, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng sự hỗ trợ này đến quá muộn so với tốc độ phát triển và áp lực cạnh tranh toàn cầu. “Để nhận được trợ giúp, trước hết chúng tôi phải sống sót”, ACC cảnh báo.

Câu hỏi đặt ra là: liệu châu Âu có thể duy trì tham vọng về chủ quyền công nghiệp trong một lĩnh vực mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã đi trước cả thập kỷ, hay sẽ phải tiếp tục học hỏi trong thế bị động và phụ thuộc?

 

 

HỌP BÀN VỀ AN NINH CHO UKRAINE

Các bộ trưởng ngoại giao EU họp tại Luxembourg, Bỉ ngày 14/4 để bàn về đảm bảo an ninh cho Ukraine và gói trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Theo một quan chức cấp cao giấu tên của Liên minh châu Âu, các bộ trưởng Ngoại giao EU sẽ họp tại Luxembourg vào ngày 14/4 để thảo luận về các biện pháp đảm bảo an ninh cho Ukraine, trong đó có sáng kiến "liên minh ý nguyện" - một kế hoạch tiềm năng nhằm triển khai phái bộ giám sát tại Ukraine.

Cuộc họp cũng sẽ xem xét quá trình chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 17 của EU nhằm vào Nga. Vị quan chức cho biết: “Liên minh châu Âu ủng hộ việc duy trì sức ép đối với Nga, do đó gói trừng phạt thứ 17 cùng với các biện pháp gây áp lực khác sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Đối ngoại”.

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng sẽ bàn về tiến trình đàm phán gia nhập EU của Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh Hungary tiếp tục ngăn chặn việc mở các cụm đàm phán then chốt.

Một nội dung quan trọng khác là đề xuất của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Bà Kaja Kallas nhằm tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đề xuất này bao gồm việc cung cấp 2 triệu viên đạn với tổng giá trị khoảng 5 tỷ euro. “ Tôi cho rằng vào thứ hai tới, chúng ta sẽ thấy mức độ cam kết của các quốc gia được mở rộng ra sao ”, vị quan chức cho biết thêm.

Các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về sáng kiến "liên minh ý nguyện" do Pháp và Anh dẫn đầu, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai một phái bộ giám sát trong tương lai tại Ukraine sau khi đạt được lệnh ngừng bắn. Phái bộ này sẽ có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn và bảo đảm các cam kết an ninh cho Ukraine, hướng tới việc thiết lập một nền hòa bình công bằng và bền vững cho quốc gia này.

 

Nguồn: VTV; CafeF; RFI; Bnews; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang