EU: Hồi hương người nhập cư; 'Vươn tay' tới Kavkaz; Sân chơi của điệp viên; Dân Đan Mạch nổi giận; Biểu tình ở Pháp

EU MUỐN TĂNG BIỆN PHÁP HỒI HƯƠNG NGƯỜI NHẬP CƯ TRÁI PHÉP

(Ảnh minh hoạ).

Bộ trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/1 đã lên kế hoạch hạn chế nhập cư ngoài diện có thị trực và sẵn sàng cho hồi hương nhiều người tăng lên từ mức thấp trong đại dịch.

Vấn đề đang khơi lại những ý tưởng gây tranh cãi về hàng rào biên giới và việc lập các trung tâm cứu xét tị nạn bên ngoài châu Âu.

Reuters đưa tin cơ quan biên giới EU, Frontex đã đưa ra báo cáo về 330.000 người nhập cư trái phép trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2016, với sự gia tăng mạnh trên tuyến đường Tây Balkan.

Trong cuộc hội đàm giữa 27 Bộ trưởng, Ủy viên EU về các vấn đề nội vụ Ylva Johansson phát biểu: “Có một sự gia tăng lớn về số lượng người nhập cư bất thường. Chúng ta có tỷ lệ trả họ về rất thấp và tôi thấy chúng ta có thể đạt được tiến bộ đáng kể ở điểm này.”

'Nhập cảnh bất thường' hay 'irregular arrivals' là khá niệm để chỉ những nhóm vào biên giới EU mà không có visa từ trước.

Đan Mạch, Hà Lan và Latvia nằm trong số những nước kêu gọi gây thêm áp lực thông qua chính sách thị thực và viện trợ phát triển đối với khoảng 20 quốc gia - bao gồm cả Iraq và Senegal - mà EU cho là không hợp tác trong việc nhận lại những công dân không có quyền ở lại châu Âu của họ.

Chỉ khoảng 1/5 số người không có quyền tị nạn ở châu Âu được đưa trở về nước của họ, với việc không đủ nguồn lực và sự phối hợp từ phía EU là một trở ngại khác, bà Johansson cho biết.

Các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng chuyên về di trú diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh ngày 9-10/2 của các nhà lãnh đạo EU, những người cũng sẽ tìm kiếm nhiều lợi ích hơn, theo dự thảo quyết định chung của họ mà Reuters có được.

'TƯỜNG VÀ RÀO'

Tuy nhiên, nói thì luôn dễ hơn làm. Tại châu Âu, nơi nhập cư là một vấn đề chính trị rất nhạy cảm và các nước thành viên đang bị chia rẽ gay gắt về cách chia sẻ nhiệm vụ chăm sóc những người xin tị nạn đến châu Âu.

Vấn đề ngày đã trở nên độc hại kể từ khi hơn một triệu người vượt Địa Trung Hải vào năm 2015 với những cảnh tượng hỗn loạn và chết chóc khiến EU cảnh giác và thổi bùng tâm lý chống nhập cư.

Châu Âu kể từ đó đã thắt chặt biên giới bên ngoài và luật tị nạn. Với việc dòng người tị nạn lại di chuyển sau đại dịch Covid, cuộc tranh luận đang sôi nổi trở lại, cũng như một số đề xuất trước đây bị bác bỏ là không thể chấp nhận được.

Đan Mạch đã tổ chức các cuộc đàm phán với Rwanda về việc xử lý đơn những người xin tị nạn ở Đông Phi, trong khi những nước khác kêu gọi tài trợ của EU cho hàng rào biên giới giữa Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ - cả hai ý tưởng cho đến nay vẫn bị coi là điều cấm kỵ.

“Chúng tôi vẫn đang làm việc để biến điều đó thành hiện thực, tốt nhất là với các nước châu Âu khác, nhưng như một phương án cuối cùng, chúng tôi sẽ chỉ thực hiện với sự hợp tác giữa Đan Mạch và, chẳng hạn như Rwanda,” Bộ trưởng Nội vụ Đan Mạch Kaare Dybvad cho biết hôm 26/1.

Nằm ngoài EU nhưng Anh cũng đã ký một thỏa thuận đưa người xin tị nạn tới Anh bằng đường biển sang luôn Rwanda để chờ duyệt đơn.

Tuy thế, các vụ kiện ra tòa với lý do nhân quyền khiến quá trình thực hiện chuyến bay đưa người xin tị nạn sang Rwanda từ Anh chưa làm được.

Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan Eric van der Burg cho biết ông sẵn sàng nhận tài trợ của EU cho các hàng rào biên giới.

"Các quốc gia thành viên EU tiếp tục khiến việc tiếp cận với sự bảo vệ quốc tế trở nên khó khăn", Hội đồng Tị nạn Đan Mạch, một tổ chức phi chính phủ, cho biết trong một báo cáo hôm 26/1. Báo cáo này nói về sự đẩy lùi có hệ thống nhằm vào những người bên ngoài biên giới EU, vi phạm quyền xin tị nạn của họ.

Trong khi phần lớn các nước EU phản đối việc nhập cư bất hợp pháp, thường bao gồm người Hồi giáo từ Trung Đông và Bắc Phi, Đức đang mở cửa thị trường và mở rộng việc làm cho những người lao động di cư.

Bộ trưởng Nội vụ Đức - bà Nancy Faeser nhấn mạnh phát biểu tại Stockholm: “Chúng tôi muốn ký kết các thỏa thuận di cư với các quốc gia, đặc biệt là với các quốc gia Bắc Phi, cho phép một con đường hợp pháp đến Đức nhưng cũng bao gồm các hoạt động hồi hương”.

(Nguồn: BBC)

EU 'VƯƠN TAY' TỚI XUNG ĐỘT Ở KAVKAZ, CÙNG ARMENIA TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI LẦN ĐẦU TIÊN

Ngày 26/1, Phó Tổng thư ký Hội đồng đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora và Thứ trưởng Ngoại giao Armenia Vahe Gevorgyan đã đồng chủ trì cuộc Đối thoại an ninh-chính trị cấp cao EU-Armenia đầu tiên tại Yerevan.

Cuộc đối thoại kéo dài một ngày phản ánh sự quan tâm của cả hai bên trong việc thúc đẩy đối thoại chính trị và hợp tác trong lĩnh vực xây dựng chính sách đối ngoại và an ninh, như một bước quan trọng hơn trong quan hệ EU-Armenia.

Thứ trưởng Ngoại giao Armenia Vahe Gevorgyan cho biết, Đối thoại an ninh và chính trị lần thứ nhất giữa nước này với EU là "khuôn khổ quan trọng để thảo luận nhiều vấn đề liên quan an ninh quốc tế và khu vực".

Armenia bày tỏ mong muốn "được hợp tác mạnh mẽ với phái bộ EU tại Armenia trong việc giám sát biên giới của Armenia".

Theo quan chức ngoại giao Armenia, Yerevan "đánh giá cao tất cả các hoạt động hòa giải và tạo thuận lợi nhằm xây dựng hòa bình và an ninh, vốn được coi là cần thiết để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia, cũng như quyền và an ninh của người dân Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh”.

Về phần mình, ông Enrique Mora khẳng định: “EU đang nỗ lực ở mức cao nhất để góp phần bình thường hóa toàn diện quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan".

EU vừa thành lập Phái bộ dân sự tại Armenia, nhằm góp phần tăng cường ổn định, an ninh con người và xây dựng lòng tin.

Theo ông Mora, việc khởi động Đối thoại an ninh và chính trị EU-Armenia lần đầu tiên "thể hiện mối quan tâm chung trong việc tăng cường hợp tác về xây dựng chính sách đối ngoại và an ninh, cũng như sẵn sàng hợp tác vì lợi ích hòa bình, an ninh và ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế đầy thách thức hiện nay”.

Trong Đối thoại, hai bên đã xem xét các vấn đề an ninh quan trọng đối với EU, Armenia và cả khu vực rộng lớn hơn, nhất là những thách thức đối với an ninh châu Âu.

EU và Armenia cũng đặc biệt tập trung vào các vấn đề liên quan bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan, trong đó có lo ngại ngày càng tăng về tình hình nhân đạo liên quan việc cản trở tự do đi lại trong hành lang Lachin.

Cuộc đối thoại khẳng định cam kết của EU và Armenia trong việc hướng tới khu vực Nam Kavkaz an toàn, ổn định, hòa bình và thịnh vượng vì lợi ích của tất cả người dân. Về vấn đề này, hai bên đã thảo luận việc triển khai Phái bộ dân sự do Hội đồng Đối ngoại EU vừa thành lập.

Thông qua các hoạt động và báo cáo với lãnh đạo EU, Phái bộ của EU cũng sẽ đóng góp vào những nỗ lực được thực hiện trong khuôn khổ do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đứng đầu. Các cuộc Đối thoại an ninh và chính trị EU-Armenia sẽ được tổ chức thường xuyên, về nguyên tắc là hàng năm.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

THỦ ĐÔ BRUSSELS - BỈ: SÂN CHƠI CỦA ĐIỆP VIÊN

(Ảnh minh hoạ).

Số lượng nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Bỉ sẽ tăng gần gấp đôi lên 1.000 vào năm 2024. Số lượng nhân viên phụ trách phản gián cũng sẽ tăng theo dù con số cụ thể không được tiết lộ.

Gần như ai cũng biết thủ đô Brussels - Bỉ đầy rẫy gián điệp và đây được xem là một phần cuộc sống ở thành phố này. Giờ đây, cuộc chiến đối phó gián điệp của Bỉ lại trở thành tâm điểm chú ý sau khi quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Nga leo thang căng thẳng, hoạt động do thám của Trung Quốc và cạnh tranh địa chính trị gay gắt.

Vấn đề là, như giới chức Bỉ thừa nhận, nỗ lực chống gián điệp của họ vẫn chưa đủ mạnh bởi một số yếu tố. Trước hết, không ai biết rõ có bao nhiêu điệp viên đang hoạt động tại Brussels, thủ phủ của Liên minh châu Âu (EU). Khi được hỏi về vấn đề này, giới chức an ninh Bỉ nói đùa rằng họ sẽ rất vui nếu ai đó có thể tìm ra con số này.

Theo trang Politico, một số quốc gia như Mỹ hoặc Úc yêu cầu những người làm việc vì lợi ích của nước ngoài phải đăng ký, từ đó phần nào nắm được những nỗ lực tác động đến tiến trình chính trị trong nước. Tuy nhiên, Bỉ không có quy định nào như thế.

Mục tiêu do thám cũng là thách thức khác. Brussels là nơi đặt trụ sở các cơ quan EU, NATO, khoảng 100 tổ chức quốc tế khác và khoảng 300 phái bộ ngoại giao nước ngoài. Khoảng 26.000 nhà ngoại giao được đăng ký chính thức và giới chức an ninh Bỉ ước tính 10-20% trong số này là nhân viên tình báo.

Ngoài ra, công việc tại các cơ quan học thuật hoặc tổ chức nghiên cứu cũng là vỏ bọc tốt. Truyền thông Bỉ từng đưa tin một một nghiên cứu sinh tiến sĩ người Trung Quốc bị trục xuất khỏi nước này vì cáo buộc gián điệp năm 2021.

Trách nhiệm phát hiện gián điệp tại Brussels chủ yếu dựa vào giới chức nước chủ nhà. NATO và một số cơ quan của EU, như Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu...có lực lượng an ninh riêng để bảo vệ trụ sở, ngăn điệp viên xâm nhập và tiếp cận tài liệu mật. Tuy nhiên, EU không có cơ quan tình báo chung hoặc tổ chức điều phối hoạt động của lực lượng tình báo các quốc gia thành viên.

Đã xuất hiện lời kêu gọi lập một cơ quan điều phối như thế, giống Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). "Một cơ quan tình báo ở cấp độ châu Âu là hợp lý để bảo vệ lợi ích chiến lược của châu lục này. Nguy cơ gián điệp là hiện hữu và không thể bị bỏ qua" - nghị sĩ Bỉ Samuel Cogolati lập luận.

Dù vậy, đây là vấn đề nhạy cảm với một số thành viên EU bởi họ chưa sẵn sàng chia sẻ thông tin. Trong lúc đợi sự hợp tác này thành hiện thực, chịu trách nhiệm chính là Cơ quan An ninh Quốc gia và cơ quan tình báo quân sự của Bỉ. Họ hợp tác với các cơ quan phản gián thuộc 80 quốc gia để truy tìm điệp viên.

Bỉ không xa lạ gì với hoạt động đối phó gián điệp. Khi trụ sở NATO chuyển từ thủ đô Paris - Pháp sang Brussels vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ đã đề nghị Bỉ tăng cường năng lực phản gián do lo ngại ảnh hưởng của Liên Xô. Bỉ đã tăng thêm nhân sự cho lực lượng an ninh với hy vọng không trở thành "sân chơi" cho gián điệp.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, phản gián không còn là ưu tiên hàng đầu và Bỉ gặp khó trong nỗ lực nói trên. Giờ đây, theo chiến lược an ninh quốc gia mới, chính phủ Bỉ muốn biến Brussels thành nơi không chào đón gián điệp nước ngoài.

Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne cho biết luật mới được thông qua trao thêm quyền cho giới chức an ninh trong các cuộc điều tra phản gián. Số lượng nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Bỉ sẽ tăng gần gấp đôi lên 1.000 vào năm 2024. Số lượng nhân viên phụ trách phản gián cũng sẽ tăng theo dù con số cụ thể không được tiết lộ.

Ông Van Quickenborne dự kiến còn trình dự luật mở rộng định nghĩa gián điệp để tạo thuận lợi cho việc truy tố điệp viên. Dù vậy, một số người lo ngại những nỗ lực trên của Bỉ là chưa đủ. Một quan chức nước này thừa nhận nguồn lực của họ vẫn không bằng một số cường quốc.

(Nguồn: Soha)

NGƯỜI ĐAN MẠCH NỔI GIẬN VÌ KẾ HOẠCH HỦY NGÀY NGHỈ LỄ

Lãnh đạo công đoàn Đan Mạch cho biết việc hủy bỏ ngày lễ tôn giáo được tổ chức từ thế kỷ 17 là mối đe dọa đối với mô hình phúc lợi của nước này.

Chính phủ Đan Mạch có kế hoạch hủy bỏ một ngày nghỉ lễ để dành tiền cho ngân sách quốc phòng, Guardian đưa tin ngày 26/1.

Lizette Risgaard, người đứng đầu liên đoàn FH, công đoàn lớn nhất của đất nước, cảnh báo: “Đó là một mối đe dọa lớn đối với mô hình Đan Mạch”.

“Các chính trị gia nên đứng ngoài vấn đề thị trường lao động. Nếu họ tiếp tục làm điều này, họ sẽ áp đặt ý chí của mình và vi phạm các thỏa thuận của chúng tôi”, bà nói với AFP hôm 25/1.

Liên minh chính phủ cánh tả, nắm quyền từ tháng 12/2022 và do Thủ tướng Mette Frederiksen từ đảng Dân chủ Xã hội lãnh đạo, có kế hoạch hủy bỏ ngày lễ tôn giáo được gọi là Ngày Cầu nguyện Vĩ đại.

Chính phủ Đan Mạch muốn loại bỏ ngày nghỉ lễ này để dành tiền nâng ngân sách quốc phòng đạt 2% GDP, mức do NATO đề ra, vào năm 2030, thay vì năm 2033 như kế hoạch.

Giới chức Đan Mạch cho biết việc tăng tốc là cần thiết trong bối cảnh châu Âu hiện nay. Động thái này dự kiến ​​mang lại thêm cho ngân sách nhà nước 3 tỷ kroner (tương đương hơn 303 triệu USD).

Kỳ nghỉ bị hủy bỏ sẽ kéo theo việc mỗi công nhân phải làm thêm 7,4 giờ.

“Tôi không nghĩ việc phải làm thêm một ngày là vấn đề”, bà Frederiksen nói. “Chúng ta đang phải đối mặt với những khoản chi tiêu khổng lồ cho quốc phòng và an ninh, chăm sóc sức khỏe, tâm thần và quá trình chuyển đổi xanh".

“Đó là một ngày nghỉ lễ. Tất nhiên, họ có thể nói: ‘Chúng tôi muốn bãi bỏ nó'”, bà Risgaard cho biết. “Nhưng họ đang đi ngược lại những gì chúng tôi đã thỏa thuận trong các cuộc đàm phán: Đó là quyền ở bên gia đình mình vào ngày hôm đó”.

Cuộc thăm dò gần đây của các nhà nghiên cứu thị trường Epinion cho thấy lượng lớn người Đan Mạch phản đối kế hoạch của chính phủ. Chỉ 17% ủng hộ kế hoạch này, trong khi 75% phản đối.

Một bản kiến ​​​​nghị trực tuyến do liên đoàn FH dẫn dắt đã thu thập được gần nửa triệu chữ ký.

“Tôi rất tức giận vì họ sử dụng danh nghĩa quân đội theo cách này, bằng cách nói rằng số tiền từ ngày nghỉ lễ sẽ được dùng để tăng ngân sách (quốc phòng)", Jesper Korsgaard Hansen, người đứng đầu công đoàn chính đại diện cho quân nhân, nói với báo BT.

(Nguồn: Zing News)

BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI CẢI CÁCH HƯU TRÍ LAN RỘNG Ở PHÁP, UY TÍN ÔNG MACRON GIẢM

(Ảnh minh hoạ).

Một tuần sau cuộc biểu tình thu hút hơn 1 triệu người tham gia để phản đối dự luật cải cách hưu trí, các nghiệp đoàn lớn tại Pháp tiếp tục kêu gọi các cuộc đình công, biểu tình lớn, nhất là trong một số ngành nghề thiết yếu như lọc dầu, khí đốt và điện.

Liên đoàn công nghiệp hoá học quốc gia Pháp (FNIC), một chi nhánh của Tổng công đoàn lao động Pháp (CGT) thuộc lĩnh vực xăng dầu, hôm qua (26/1) đã bắt đầu một cuộc đình kéo dài trong 48 tiếng để phản đối dự luật cải cách hưu trí của chính phủ.

Trong thông cáo phát ra, hai tổ chức này yêu cầu giảm tuổi nghỉ hưu xuống còn 60 cho toàn bộ người lao động trong ngành nghề này, chế độ hưu sớm ở tuổi 55 cho những công việc nặng nhọc cũng như tăng lương hưu dựa theo tỷ lệ lạm phát.

Các tổ chức này cảnh báo sẽ tiếp tục phát động cuộc đình công mới vào ngày 6/2/2023 và tăng thời gian đình công lên 72 tiếng, thậm chí có thể kêu gọi tổng đình công tại các nhà máy lọc dầu tại Pháp, tái diễn tình trạng hỗn loạn do thiếu nguồn cung nhiên liệu giống như hồi tháng 10/2022 nếu chính phủ không chấp nhận nhượng bộ.

Trong ngày hôm qua, đại diện các tổ chức lao động cùng hàng trăm công nhân làm việc tại các cơ sở lọc dầu thuộc tập đoàn năng lượng TotalEnergies tại các tỉnh Saint-Nazaire và Martigues đã tập trung phong toả lối ra vào nhà máy và cầu cảng để ngăn chặn các xe vận chuyển nhiên liệu. Theo các số liệu thống kê, khoảng 2% các trạm xăng tại Pháp hôm qua (26/1) đã rơi vào tình trạng tạm thời hết nhiên liệu.

Công đoàn khoáng sản và năng lượng thuộc CGT cảnh báo cũng sẽ đình công để giảm nguồn cung cấp điện và khí đốt trong một số lĩnh vực mục tiêu.

Tại các thành phố lớn như Paris, Marseille, Lille, Rouen, Dijon… tối hôm qua cũng đã diễn ra các cuộc tuần hành phản đối. Thị trưởng thành phố Paris bà Anne Hidalgo tuyên bố sẽ đóng cửa Toà thị chính vào ngày 31/1/2023 để hưởng ứng cuộc tổng đình công lớn thứ 2 diễn ra trên cả nước cùng ngày do các nghiệp đoàn lớn nhất tại Pháp liên kết phát động.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thư ký CGT ông Philippe Martinez tiếp tục cảnh báo về các cuộc biểu tình và đình công quy mô lớn tại Pháp.

“Chính phủ càng chậm trễ trong việc rút lại dự luật cải cách hưu trí thì sẽ càng có nhiều các cuộc đình công. Các cuộc đình công sẽ khiến giao thông đi lại bị đình trệ, các nhà máy lọc dầu sẽ không có dầu và dừng sản xuất. Chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự phản đối mạnh mẽ trên cả nước”.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 54% người Pháp cho rằng dự luật cải cách hưu trí của chính phủ là không cần thiết, 57% ủng hộ các hoạt động đình công và biểu tình trong khi số người phản đối cải cách tiếp tục tăng mạnh thêm 13 điểm lên mức 72%.

Theo thăm dò, uy tín của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne cũng tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn 34%, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra tháng 2/2020.

(Nguồn: VOV)

(Xem thêm:

=> EU: Trục xuất người di cư; Thỏa thuận với Gruzia; 'Phục vụ lợi ích của Mỹ'; Đức: Đâm dao trên tàu, vượt 'lằn ranh đỏ' ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang