Một mặt hàng của EU vẫn "ùn ùn đổ bộ" thủ đô của Nga: Thương lái "hái ra tiền" bất chấp mọi lệnh trừng phạt

(Ảnh minh họa).
Đây là một hoạt động kinh doanh mang lại 10 triệu USD cho các nhà sản xuất EU vào năm ngoái, với phần lớn hàng xuất khẩu từ Hà Lan tới Nga - theo Euronews.
Ngành hái ra tiền
Công việc làm ăn của Katya đang thuận buồm xuôi gió hơn bao giờ hết.
Vì không có lệnh trừng phạt nào đối với việc xuất khẩu hoa cắt cành từ EU sang Nga nên đội tài xế của cô đang bận rộn vận chuyển những bó hoa tươi tắn quanh thủ đô Moscow. Trên thực tế, công việc kinh doanh của cô tốt đến độ cô sắp có chuyến bay đi nghỉ dưỡng ở Dubai.
Theo số liệu thống kê chính thức mới nhất, xuất khẩu hoa cắt cành sang Nga là hoạt động kinh doanh mang lại 10 triệu USD cho các nhà sản xuất EU vào năm ngoái, và phần lớn số hoa này đến từ Hà Lan.
Katya mua hoa từ một nhà bán buôn và nói với Euronews rằng khoảng 30% số hoa tươi cô có đến từ Hà Lan, nơi nổi tiếng với những cánh đồng hoa tulip bao la vào mùa xuân. Mặc dù vẫn còn rất nhiều hoa nở, nhưng sản lượng đã ít hơn so với trước đây.
Cô nói, hoa Hà Lan đã trở nên đắt hơn, trong khi hoa từ Kenya, Ecuador và Colombia thì rẻ hơn một chút. Mặc dù giá cả đắt hơn, nhưng không phải là không thể tiếp cận được.
Các nhà xuất khẩu hoa lớn của Hà Lan đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giống như các doanh nghiệp châu Âu khác đang gặp phải: có nên tiếp tục xuất khẩu hàng hóa của họ sang Nga hay không - ngay cả khi họ không bị trừng phạt, chỉ vì nó đi ngược lại tinh thần các chính sách của EU.
Đầu tháng 4, công ty The Absolut đã quyết định ngừng xuất khẩu rượu vodka Absolut sang Nga ngay lập tức sau phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, đặc biệt là ở Thụy Điển - mặc dù xuất khẩu thực phẩm và đồ uống không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.
Hà Lan chiếm khoảng 60% sản lượng thương mại hoa toàn cầu trên toàn thế giới. Ở châu Âu, xuất khẩu của Hà Lan chiếm hơn 80% tổng xuất khẩu hoa của EU.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu hoa
Trong ba quý đầu năm 2022, giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu hoa ở Hà Lan đạt mức kỷ lục 3,4 tỷ euro. Vào ngày 8/4/2022, Liên minh Châu Âu đã công bố "Các biện pháp hạn chế do hành động gây bất ổn tình hình ở Ukraine", cấm các quốc gia thành viên EU xuất khẩu củ giống hoa và các sản phẩm giống cây trồng sang Nga vì những sản phẩm này có thể tạo ra giá trị gia tăng lớn sau khi trồng.
Trong khi đó, hoa cắt cành chỉ có tuổi thọ có hạn nên chúng không nằm trong danh sách cấm.
Mặc dù hoạt động thương mại gặp khó khăn do nhiều đợt trừng phạt của EU, ngành công nghiệp hoa tại Nga vẫn phát triển mạnh mẽ.
Nhóm Azalia, một nhà bán buôn hoa tươi ở Moscow, đã xác nhận với Euronews rằng họ nhập hoa từ Hà Lan và trang web của họ cho biết các cơ sở nhận được hoa giao hai lần mỗi tuần.
Mặc dù việc xuất khẩu hoa của Hà Lan sang Nga không cần giấu giếm, nhưng những người trồng hoa sẽ không công khai nói về hoạt động buôn bán này.
Chính phủ Hà Lan cũng đang chi tiền để mua xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, ủng hộ cho lực lượng Ukraine.
Hãng tin tức trực tuyến NU.nl của Hà Lan đưa tin rằng một người trồng hoa giấu tên đã tuyên bố rằng "vẫn sẽ có những người Nga muốn có hoa và những khoản tiền chi cho hoa sẽ không còn có thể trả cho quân đội Nga nữa".
Được biết, hoa tulip (uất kim hương) là giống hoa có nguồn gốc từ vùng Trung Đông. Tuy nhiên, loài hoa này lại gắn liền với đất nước Hà Lan. Xuyên suốt thời kỳ vàng son của hoa tulip đến nay, 1.200 giống loài đã được lai tạo, vun trồng với vô vàn sắc hoa khiến du khách mê đắm.
(Nguồn: CafeF)
Dầu mỏ Nga quay trở lại châu Âu
Ấn Độ thu lời lớn thông qua việc mua dầu thô Nga và bán dầu tinh chế cho EU.
Ấn Độ không chỉ trở thành khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga kể từ khi lệnh trừng phạt EU có hiệu lực mà còn đang trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất của khối.
Bloomberg đưa tin, EU thực chất vẫn đang mua năng lượng của Nga dù cố gắng trừng phạt nước này. Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu được cho là đang mua nhiên liệu của Nga nằm trong danh sách trừng phạt thông qua Ấn Độ.
Vào tháng 12, EU, G7 và các nước đồng minh đã áp đặt lệnh cấm vận và mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga và sau đó đưa ra các hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ.
Ấn Độ kể từ đó đã tăng cường mua dầu được giảm giá của Nga.
Dữ liệu của Kpler và Vortexa cho thấy, trong năm 2022-2023, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua từ 970.000 đến 981.000 thùng dầu của Nga mỗi ngày, chiếm hơn 1/5 tổng lượng nhập khẩu của cả nước (từ 4,5 triệu đến 4,6 triệu thùng mỗi ngày).
Lượng dầu thô của Nga đến Ấn Độ dự kiến sẽ vượt 2 triệu thùng/ngày trong tháng 4, chiếm gần 44% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của quốc gia này, dữ liệu từ Kpler thể hiện.
Ấn Độ không chỉ trở thành khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực, New Delhi hiện đang trên đường trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất của khối.
Các nhà máy chế biến của Ấn Độ đã chộp lấy dầu giá rẻ của Nga, biến nó thành nhiên liệu và bán lại cho EU với giá cạnh tranh.
Theo Kpler, nhập khẩu nhiên liệu từ Ấn Độ sang EU sẽ tăng vọt lên trên 360.000 thùng/ngày, vượt qua các chuyến hàng từ Saudi Arabia.
Reuter thì bình luận rằng, EU đã sử dụng Ấn Độ như một "cửa sau" để mua lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Xuất khẩu dầu diesel của Ấn Độ sang châu Âu đã tăng từ 12% - 16% lên 150.000-167.000 thùng/ngày trong năm tài chính vừa qua, đưa tỷ trọng xuất khẩu nhiên liệu của New Delhi lên 30% từ mức 21-24% một năm trước đó.
Các quốc gia mua diesel của Ấn Độ gồm Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan. Các quốc gia này đã mua lượng lớn khoảng 50% xuất khẩu nhiên liệu của quốc gia châu Á này.
Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler, nói với Bloomberg: “Dầu mỏ của Nga đang tìm đường quay trở lại châu Âu bất chấp mọi lệnh trừng phạt và việc Ấn Độ tăng cường xuất khẩu nhiên liệu sang phương Tây là một ví dụ điển hình cho điều đó”.
Ông nói thêm: “Với việc Ấn Độ nhập khẩu quá nhiều thùng dầu của Nga như vậy, khả năng đó là không thể tránh khỏi".
(Nguồn: Soha)
Nước Pháp lại sục sôi với biểu tình phản đối cải cách hưu trí

(Ảnh minh họa).
Ngày Quốc tế Lao động năm nay ở Pháp đánh dấu ngày tổng đình công và biểu tình thứ 13 chống lại kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 của Tổng thống Macron.
Người lao động Pháp đã xuống đường trên khắp đất nước vào ngày 1/5, khi các cuộc tuần hành nhân Ngày Quốc tế Lao động hàng năm ở Pháp diễn ra đồng thời với sự tức giận âm ỉ về một cuộc đại tu hưu trí không được lòng dân mà Tổng thống Emmanuel Macron đã thông qua vào tháng trước.
Từ Le Havre ở phía Bắc đến Marseille ở phía Nam, hàng chục nghìn người đã xuống đường từ giữa buổi sáng ngày 1/5 và cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm vào buổi chiều với một cuộc tuần hành ở Thủ đô Paris, trong đó cảnh sát phải sử dụng đến hơi cay.
Bộ Nội vụ Pháp triển khai 12.000 cảnh sát trên khắp đất nước, bao gồm 5.000 cảnh sát ở Paris, vì các nhà chức trách dự kiến có tới 650.000 người tham gia 380 cuộc biểu tình trên khắp đất nước chỉ trong một ngày, theo nhật báo Pháp Le Figaro.
Ngày Quốc tế Lao động năm nay ở Pháp đánh dấu ngày tổng đình công và biểu tình thứ 13 chống lại cải cách hưu trí, diễn ra sau khi Hội đồng Hiến pháp Pháp thông qua kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 64. Kế hoạch của Tổng thống Macron đã được ban hành thành luật vào giữa tháng 4.
Bà Sophie Binet, lãnh đạo của công đoàn CGT cánh tả có đường lối cứng rắn, cho biết cải cách hưu trí đã khiến ông Macron bị cô lập.
“Nhà vua không thể cai trị mà không có sự ủng hộ của người dân”, bà Binet nói trước cuộc biểu tình ở Paris, đồng thời cho biết thêm nghiệp đoàn của bà vẫn chưa quyết định đàm phán với Chính phủ Pháp về các vấn đề khác liên quan đến công việc trong những tuần tới.
Ông Laurent Berger, lãnh đạo nghiệp đoàn CFDT lớn nhất nước Pháp, nói với các phóng viên trước khi cuộc tuần hành bắt đầu ở Paris rằng các cuộc biểu tình là một cách để tiếp tục cuộc chiến chống lại cuộc đại tu hưu trí và “một lần nữa nói không với việc nghỉ hưu ở tuổi 64”.
Sự thách thức của ông Berger phản ánh một sự thật rộng lớn hơn mà ông Macron phải đối mặt: Mặc dù nhà lãnh đạo Pháp có thể thúc đẩy cuộc đại tu hưu trí, nhưng cách cải cách này được thông qua mà không cần một cuộc bỏ phiếu đầy đủ tại Quốc hội –và các cuộc biểu tình dai dẳng – sẽ là một lời nhắc nhở rõ ràng về cơn giận dữ của quần chúng.
Dù có rất ít khả năng chính phủ sẽ rút lại cải cách, nhưng những người biểu tình cũng khó có thể từ bỏ duy trì một mức độ áp lực nào đó đối với Chính phủ Pháp.
Ông Antoine Bristielle, người đứng đầu bộ phận bỏ phiếu tại viện nghiên cứu Fondation Jean-Jaurès, cho biết: “Ông Macron đang cố gắng tiến về phía trước, nhưng mọi người đang dậm chân tại chỗ. Khoảng 60% dân Pháp nói rằng họ không muốn tiếp tục cải cách hưu trí”.
Ông Macron nói rằng cải cách này là cần thiết để giữ cho một trong những hệ thống hưu trí hào phóng nhất thế giới công nghiệp hóa không sụp đổ.
Các khoản thanh toán lương hưu ở Pháp như một phần thu nhập trước khi nghỉ hưu cao hơn nhiều so với ở những nơi khác, và một người Pháp thường dành thời gian nghỉ hưu lâu hơn so với người ở các quốc gia OECD khác.
Các nghiệp đoàn lập luận rằng tiền để tài trợ cho hệ thống hưu trí Pháp có thể được tìm thấy ở những nơi khác.
Ông Michel Maingy, một thợ rèn đã nghỉ hưu, cho biết ông cảm thấy cuộc chiến về lương hưu đã thất bại. Mặc dù vậy, vẫn có những cuộc chiến để giành chiến thắng trong các cuộc đàm phán về điều kiện làm việc, ông nói.
“Từng chút một, chúng ta sẽ trở lại đúng hướng. Chúng ta cần phải luôn ngẩng cao đầu”, ông cho biết trước cuộc biểu tình ở thành phố Nantes, miền Tây nước Pháp
(Nguồn: Người Đưa Tin)
Khi sách trở thành 'phao cứu sinh' cho các tù nhân tại Pháp
Với những tù nhân tại Pháp, sách là công cụ giúp họ kết nối với nhau, cũng như để họ sống trong cuộc đời của những nhân vật trên trang sách.
Sâu trong nhà tù La Sante rộng lớn ở Paris, sinh viên luật Morgane đang thảo luận về cuốn tiểu thuyết kinh điển The Outsider của Albert Camus với một ông Adama, một tù nhân tại đây.
Dù đôi khi có những chỗ khó đọc, với ông Adama, việc đọc sách như một chiếc "phao cứu sinh".
“Nó cho phép tôi được giải thoát để nghĩ về điều gì đó khác. Những khung cảnh cứ hiện lên trong đầu tôi. Cứ như thể tôi đang đạo diễn một chương trình truyền hình vậy”, ông nói.
Ông Morgane là một tình nguyện viên của tổ chức từ thiện Lire Pour Sortir (tạm dịch: Đọc để giải thoát), coi việc đọc không chỉ là một hình thức trốn thoát khỏi thực tại, theo cách ẩn dụ. Tổ chức này còn khuyến khích việc đọc như một cách để giải quyết tình trạng quá tải các nhà tù ở Pháp, vốn đang quá tải, theo AFP.
“Thiếu vốn từ vựng là yếu tố hàng đầu dẫn đến bất bình đẳng xã hội”, luật sư Alexandre Duval-Stalla, người sáng lập tổ chức Lire Pour Sortir vào năm 2015, nói.
“Càng biết nhiều từ vựng, cơ hội làm việc của bạn càng lớn, càng dễ hòa mình với cuộc sống”, ông nói thêm, cho rằng điều này không chỉ giúp những người bị bắt giam tự tin trả lời trước thẩm phán, mà còn có thể ngăn chặn hành vi phạm tội ngay từ đầu.
The Outsider kể câu chuyện về một thanh niên vào tù và đối mặt với bản án tử hình.
Ông Adama được cho là có một lựa chọn phù hợp, khi tìm đến tác phẩm của Albert Camus. Nhà văn người Pháp gốc Nigeria có mẹ là người mù chữ, khi chỉ biết được 400 từ vựng. Điều này đã tạo nên rào giữa hai mẹ con, dù nhà văn này đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp văn chương.
Giải pháp cho các nhà tù
Theo số liệu từ chính phủ Pháp, gần một phần tư trong số hơn 72.000 tù nhân ở nước này mù chữ.
Các nhà tù ở Pháp bắt buộc phải có thư viện, nhưng không yêu cầu phải có thủ thư - những người sẽ khuyến khích tù nhân đọc sách, giúp đỡ họ và tổ chức các chương trình văn hóa.
Cùng với đó, một luật mới có hiệu lực từ tháng một đã xóa đi việc tù nhân được tự động giảm án nếu cải tạo tốt. Giờ đây, những người bị giam giữ phải chứng minh được họ có tham gia vào các chương trình văn hóa và công việc. Dù vậy, việc thiếu nguồn lực khiến nhiều người không thể tiếp cận các chương trình cần thiết.
Tổ chức Lire Pour Sortir muốn giúp lấp đầy khoảng trống này và sẽ tăng gấp đôi mạng lưới tình nguyện viên của mình lên 500 người vào năm 2024. Nhưng ngay cả khi đó, họ cũng chỉ đáp ứng được 50 trong tổng số 187 nhà tù tại Pháp.
Luật sư Duval-Stalla nói rằng nếu có đủ nguồn lực, những cuốn sách có thể phần nào đảm nhiệm công việc như các nhà tâm lý học.
“Tội phạm thường hiếm khi đặt bản thân mình vào vị trí người khác. Sách cho họ sống trong những câu chuyện của người khác, và điều đó rất quan trọng. Ngôn từ mang đến cho bạn quan điểm của riêng mình”, ông nói.
Khi những tù nhân trở thành giám khảo
Giải Goncourt - giải thưởng văn học Pháp, được chính phủ nước này lấy ý tưởng để tạo ra một "giải Goncourt của tù nhân". Khi đó, các tù nhân sẽ thảo luận để chọn ra tác phẩm xuất sắc.
Trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức, các tù nhân trở thành những giám khảo, và đã nhất trí trao giải cho tác phẩm Sa Préférée của nhà văn Sarah Jollien-Fardel hồi tháng 9/2022.
Dự án giải thưởng đặc biệt này được chính phủ Pháp khuyến khích, dù phe cánh hữu nói rằng chính phủ đang quá nhân từ với những tù nhân, theo New York Times.
"Nơi nào văn hóa, ngôn ngữ và lời nói phát triển, bạo lực sẽ đi xuống", Bộ trưởng Tư pháp Éric Dupond-Moretti nói. "Thời gian trong tù là sự trừng phạt, nhưng cũng là thời gian để họ thay đổi".
Với các tù nhân tại nhà tù ở Orleans, việc tranh luận về những cuốn sách giúp họ kết nối với nhau, làm vơi đi cảm giác lạnh lẽo phía sau những song sắt.
"Chỉ vì chúng tôi là tù nhân không có nghĩa là chúng tôi không có giá trị, hay các ý kiến không đáng để nghe", bà Mathilde, người bị giam tại Orleans, nói.
(Nguồn: Zing News)
'Làng sa sút trí tuệ' tại Hà Lan

(Ảnh minh họa).
"Làng sa sút trí tuệ" Hogeweyk được thành lập để mang lại cuộc sống bình thường cho những người đang điều trị các hội chứng giảm sút trí nhớ.
Jannette Spiering, đồng sáng lập cơ sở Hogeweyk, không thích tên gọi "làng sa sút trí tuệ". Nhưng sau khi phóng viên một hãng tin quốc tế đến thăm và gọi Hogeweyk bằng biệt danh như vậy, cư dân tại đây đã chấp nhận cái tên này.
"Chấp nhận dễ dàng hơn là chống lại nó", Spiering nói, cho rằng việc dùng từ làng hay "khu dân cư" để mô tả cơ sở sẽ phù hợp hơn, bởi điều đó góp phần mang lại cuộc sống bình thường cho những người mắc chứng sa sút trí tuệ đang được điều trị tại đây.
Làng Hogewek mở cửa năm 2009 tại Weesp, ngoại ô Amsterdam, Hà Lan, để cung cấp "dịch vụ chăm sóc gần gũi nhất cho người mắc chứng sa sút trí tuệ".
Thay vì thành lập một cơ sở như bệnh viện, Hogeweyk được xây dựng như một ngôi làng, với siêu thị, quán rượu, nhà hát và công viên, cung cấp môi trường quen thuộc và an toàn, trong đó bệnh nhân vẫn giữ được vai trò riêng và quyền tự chủ tối đa.
Làng có 27 ngôi nhà, mỗi nhà có khoảng 7 cư dân là các bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ nghiêm trọng. Những người này tham gia quản lý căn nhà, cùng với đội ngũ nhân viên chăm sóc, trong đó có các nhân viên y tế và tình nguyện viên.
152 cư dân được tự do đi lại trong làng, không cần người chăm sóc theo cùng, chỉ có một giám sát viên trông chừng ở cổng ra vào. Khách bên ngoài đều được chào đón khi đến thăm làng.
Bà Spiering cho hay làng Hogeweyk là một phần trong nỗ lực thay đổi cách đối xử với những người mắc chứng sa sút trí tuệ. Theo bà, cách chăm sóc, hỗ trợ những người này ở nhiều nơi khác đã bị "y tế hóa" đến mức khó có thể thay đổi.
"Nếu muốn tiếp tục cuộc sống, họ cần được coi là những người bình thường, không muốn bị nhốt hay hạn chế quyền tự do, cũng như được nhận hỗ trợ và an ninh cần thiết", bà nói.
Tại Hogeweyk, các tòa nhà và tiện ích đều nhằm hỗ trợ nhu cầu của những những người mắc chứng sa sút trí tuệ. Cư dân có môi trường để giao tiếp và kết nối với nhau theo cách riêng, trong lúc đi siêu thị, đi dạo hoặc trong nhà hàng.
"Ngay cả những bệnh nhân trong giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer, chúng tôi nhận thấy họ vẫn tìm cách đưa ra những lựa chọn riêng và thể hiện hành vi xã hội", bà Spiering cho biết. "Họ có thể vẫn có những cuộc trò chuyện mà chúng tôi không hiểu được, nhưng nó có ý nghĩa với họ. Kết nối và giao tiếp là rất quan trọng".
Ở Landais, một ngôi làng ở Pháp có mô hình tương tự Hogeweyk, cư dân cũng có thể nhìn cuộc sống "không chỉ qua lăng kính bệnh tật". "Mọi người có thể sống như đang ở nhà, đi lại tự do", Mathilde Charon-Burnel, giám đốc các dự án y tế, xã hội tại làng, cho biết.
Theo Charon-Burnel, lối sống như vậy mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân, tạo ra thay đổi lớn và tích cực với nhiều người.
"Các dịch vụ trị liệu cũng rất quan trọng để giúp mọi người trong làng duy trì kỹ năng, năng lực lâu nhất có thể. Kết quả là chúng tôi không ghi nhận rõ rệt tình trạng lo lắng, trầm cảm của mọi người khi mắc một căn bệnh thần kinh như vậy", cô nói.
Theo bà Spiering, quan điểm y tế hóa hoàn toàn các dịch vụ chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ là một trong những lý do khiến những mô hình như làng Hogeweyk ở Hà Lan chưa xuất hiện phổ biến.
"Chúng tôi muốn thoát khỏi khuôn khổ này, và điều chỉnh thành 'mô hình chăm sóc quan hệ xã hội', nơi cân bằng cuộc sống, hạnh phúc và dịch vụ chăm sóc. Bởi xét cho cùng, tất cả mọi người đều cần điều này, không chỉ các bệnh nhân mất trí nhớ", bà nói.
Tại Hogeweyk và Village Landais, "không có gì giống bệnh viện, nhân viên thậm chí không khoác áo blouse trắng", Charon-Burnel nói.
(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá