EU: Hết thặng dư khí đốt; Thỏa thuận về máy bay điện; Áp thuế mật ong Ukraine; Người Anh muốn trở lại liên minh, Vụ bạo loạn ở Anh

THẶNG DƯ KHÍ ĐỐT CHÂU ÂU ĐÃ HẾT!

Thặng dư khí đốt kỷ lục của châu Âu được thừa hưởng từ mùa đông 2023/24 phần lớn đã không còn, sau khi lượng hàng tồn kho tích lũy nhỏ bất thường cho đến nay vào mùa hè năm 2024.

Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), lượng hàng tồn kho trên khắp Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh chỉ tăng 336 terawatt-giờ (TWh) kể từ ngày 31/3.

Mức tích lũy này là nhỏ nhất kể từ năm 2012 và thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 10 năm trước đó là 443 TWh.

Lượng hàng tồn kho kỷ lục từ mùa đông năm ngoái đòi hỏi kho sẽ cần phải tích lũy chậm hơn bình thường để tránh hết không gian lưu trữ trước mùa đông năm 2024/25, nhưng quá trình điều chỉnh này hiện đã gần như đạt yêu cầu.

Tổng lượng khí đốt dự trữ của EU và Vương quốc Anh đạt 1.006 TWh vào ngày 12/8, thấp hơn một chút so với mức 1.024 TWh vào cùng ngày năm ngoái; các cơ sở lưu trữ chỉ đạt mức dưới 88% so với mức hơn 89% vào năm 2023.

Mùa lưu trữ của châu Âu đang gần đạt 2/3 chặng đường, với lượng dự trữ tăng trong 134 ngày kể từ ngày 31/3 cho đến nay.

Lượng dự trữ thường đạt đỉnh vào khoảng ngày 27 tháng 10, nhưng có sự thay đổi đáng kể tùy thuộc vào nhiệt độ mùa thu và giá khí đốt.

Theo dữ liệu của GIE, kể từ năm 2011, lượng hàng tồn kho trước mùa đông đã đạt đỉnh sớm nhất vào ngày 9 tháng 10 (năm 2016) hoặc muộn nhất là vào ngày 13 tháng 11 (năm 2022).

Tuy nhiên, dựa trên các mô hình trong thập kỷ qua, dự kiến lượng khí đốt lưu trữ hiện tại sẽ đạt 1.173 TWh trước khi kho bắt đầu cạn kiệt vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.

Kết quả là, mối đe dọa về việc hết không gian lưu trữ trước khi mùa hè kết thúc đã gần như được loại bỏ, giúp nâng giá khí đốt giao ngay.

Giá hợp đồng tương lai TTF của Hà Lan giao ngay được điều chỉnh theo lạm phát trung bình là 38 euro cho mỗi megawatt-giờ (MWh) tính đến thời điểm hiện tại của tháng 8.

 

 

TUYÊN BỐ CHUNG VỀ MÁY BAY ĐIỆN

Hôm thứ Tư (ngày 14/8), các bộ trưởng giao thông của Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển đã ký một tuyên bố chung nhằm tăng cường hợp tác phát triển các máy bay sử dụng điện tại một cuộc họp ở Gothenburg, Thụy Điển.

Hàng không điện đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các loại nhiên liệu bền vững. Những chiếc máy bay chạy bằng động cơ điện có thể giúp cắt giảm khí thải CO2, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, góp phần thực hiện các mục tiêu bền vững.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Nhà ở Thụy Điển Andreas Carlson cho biết các nước Bắc Âu đang có nhiều lợi thế để vươn lên vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không điện, đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng các loại máy bay này không chỉ giúp giảm phát thải carbon, hạn chế ô nhiễm môi trường mà còn mang đến nhiều cơ hội tiếp cận các khu vực xa xôi khác.

Vào tháng 11/2022, tại một cuộc họp ở Fredrikstad, Na Uy, các bộ trưởng giao thông Bắc Âu đã cam kết thiết lập các tuyến hàng không không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên khắp khu vực vào năm 2030. Cam kết này bao gồm việc thúc đẩy ngành hàng không không sử dụng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu và khuyến khích sự hợp tác liên tục của khu vực Bắc Âu.

Ông Carlson nhận định hai tuyên bố trên tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy hợp tác giữa các nước Bắc Âu trong phát triển các tuyến bay bằng máy bay điện.

Các tuyên bố, cam kết trên diễn ra trong bối cảnh châu Âu, đặc biệt là các quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu đang thúc đẩy chuyên chở hành khách, hàng hóa bằng máy bay điện.

Hàng không điện đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng kể từ khi Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) cấp phép cho chiếc máy bay điện đầu tiên vào tháng 6/2020. Vào thời điểm đó, các nhà sản xuất máy bay và hãng hàng không ngày càng tin rằng những chiếc máy bay điện sẽ được triển khai trên một số tuyến đường nhất định trong vòng năm đến mười năm.

Đầu năm năm 2024, Mạng lưới Hàng không Điện Bắc Âu (NEA) đã gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách và đại diện của các ngành hàng không khu vực nhằm thu thập ý kiến về các hoạt động và sự phát triển của ngành hàng không điện ở từng quốc gia.

“NEA đang cho thấy những nỗ lực thúc đẩy việc hợp tác trong lĩnh vực hàng không ở Bắc Âu. Tôi nghĩ những động thái trên sẽ giúp các quốc gia trong khu vực tiến đến gần nhau hơn" - Nina Egeli, nhà nghiên cứu giao thông bền vững tại Nordic Innovation cho biết.

Với nhiều đảo, bờ biển rộng lớn cũng như các khu vực hẻo lánh khó có thể tiếp cận, khu vực Bắc Âu được xem là nơi thử nghiệm lý tưởng cho hàng không điện. Ngoài ra, việc các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất điện ở khu vực Bắc Âu đang tạo điều kiện cho việc triển khai hàng không điện.

Các quốc gia Bắc Âu cùng cam kết sẽ thúc đẩy phát triển giao thông bền vững theo Thỏa thuận chung Paris và đặt mục tiêu đẩy mạnh triển khai máy bay điện. Trong khi Iceland đang khẩn trương điện khí hóa các máy bay nội địa, Na Uy và Thụy Điển cũng thiết lập các mục tiêu cụ thể cho các chuyến bay bằng máy bay điện chặng ngắn.

Tại Đan Mạch, các hãng hàng không Væridion, Copenhagen Helicopter và Copenhagen Air Taxi đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tiên về phát triển các chuyến bay điện. Thỏa thuận này bao gồm một tuyến bay giữa Roskilde và Đảo Læsø sẽ được triển khai vào năm 2029 hoặc 2030.

"Đây là bước đầu tiên cho việc tiếp tục triển khai nhiều tuyến bay nội địa mới tại Đan Mạch và các nước Bắc Âu" - đại diện từ Sáng kiến Bắc Âu về Hàng không Bền vững (NISA), một trong những đối tác của NEA cho biết.

Hiện, các quốc gia tại khu vực này đang tập trung khai thác chuyến bay trên các tuyến đường dưới 400 km. Ngoài ra, các tuyến đường dưới 200 km, đặc biệt là ở các khu vực thưa dân, cũng đang được xem xét. Na Uy dường như hưởng lợi nhiều nhất từ hàng không điện khi có số lượng lớn tuyến đường với chiều dài như trên. Iceland, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan cũng đang tìm kiếm cơ hội để triển khai các chuyến bay chặng ngắn.

 

 

MẬT ONG TỪ UKRAINE BỊ ÁP THUẾ HẢI QUAN

Mật ong Ukraine xuất khẩu sang Liên minh châu Âu có thể sớm phải chịu thêm thuế hải quan sau khi khối lượng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch hàng năm là 44.000 tấn.

Động thái này diễn ra sau khi Ukraine vượt quá hạn ngạch xuất khẩu miễn thuế sang thị trường nội bộ của EU. Các cơ sở nuôi ong công nghiệp ở Ukraine được phép xuất khẩu một khối lượng sản phẩm nhất định sang Liên minh châu Âu mà không mất phí nhưng Ủy ban châu Âu hiện có hai tuần để khởi động cơ chế tạm dừng và áp thuế hải quan đối với sản phẩm sau khi tổng số lượng đã vượt quá trong năm.

Hiện tại, mật ong Ukraine có giá sản xuất rẻ hơn đáng kể so với mức giá trung bình trong Liên minh châu Âu. Do đó, việc nhiều sản phẩm tràn ngập thị trường sẽ có tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất EU và các quốc gia thành viên. Trước đó, một cơ chế tạm dừng khẩn cấp tương tự đã được áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp khác nhập khẩu từ Ukraine, như yến mạch, trứng và đường…

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hungary hy vọng biện pháp này sẽ cải thiện tình hình cho các nhà sản xuất mật ong Hungary. Ông cũng nhấn mạnh một số lượng đáng kể mật ong của Hungary, ước khoảng 20.000 tấn, được bán trên thị trường Tây Âu. Ông cho rằng nuôi ong là một trong những ngành hướng đến xuất khẩu nhất của Hungary, nhưng trong những năm gần đây, từ khi chế độ miễn thuế đối với các sản phẩm của Ukraine được áp dụng, mật ong Ukraine được sản xuất đã tràn ngập ở châu Âu và làm giảm đáng kể mức giá trung bình trong khối và nghề nuôi ong ở nước này đã gặp nhiều khó khăn.

Giới phân tích cho rằng các biện pháp của EU hiện tại nhằm gia hạn nhập khẩu các sản phẩm của Ukraine vào EU mà không có thuế và hạn chế về số lượng trong một năm, cho đến tháng 6 năm 2025. Động thái này nhằm thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của EU để bảo vệ ngành nông nghiệp châu Âu đặc biệt đối với các đối tượng tham gia sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ở các nước.  Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc áp đặt các hạn chế mới đối với mật ong của Ukraine cũng không mang lại hiệu quả cao vì các sản phẩm giá rẻ của Ukraine đã tràn ngập thị trường Tây Âu. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm ngoái, tổng cộng 163.000 tấn mật ong đã đến thị trường EU từ các nước thứ ba, trong số đó Ukraine chiếm 30%.

 

 

NGƯỜI ANH MUỐN TRỞ LẠI LIÊN MINH

Công chúng Anh tham gia thăm dò trên toàn quốc, ủng hộ bỏ phiếu quay trở về Liên minh châu Âu (EU).

Theo một cuộc thăm dò trên toàn quốc, người Anh đang muốn quay trở lại Liên minh châu Âu (EU) nhiều hơn, Politico đưa tin hôm 13/8.

Theo cuộc khảo sát của tổ chức lấy phiếu YouGo, 8 năm sau cuộc bỏ phiếu Br-exit của Vương quốc Anh, 59% người tham gia đã ủng hộ việc quay trở lại EU.

Đồng thời, những người tham gia khảo sát đều tin rằng, Anh cần có mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Liên minh châu Âu.

41% người được hỏi cho rằng, Anh cần củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU mà không liên quan đến việc tái gia nhập khối, thị trường chung hoặc liên minh thuế quan.

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nhấn mạnh rằng Đảng Lao động sẽ không tìm cách tái gia nhập EU hoặc thị trường chung hoặc liên minh thuế quan của EU dưới thời thủ tướng của ông. Thủ tướng 61 tuổi này đã nói rằng việc tái gia nhập sẽ không xảy ra trong suốt cuộc đời của ông.

YouGov nhận thấy rằng phần lớn cử tri (51 phần trăm) tin rằng chiến thắng áp đảo của Đảng Lao động trong cuộc bầu cử không trao cho Starmer quyền tái gia nhập EU. 21% số người được hỏi tin rằng ông Starmer có quyền làm vậy.

Những người bỏ phiếu Brexit năm 2016 có tỷ lệ ủng hộ và phản đối đều là 36%, cho rằng ông có nhiệm vụ thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Anh và EU.

Politico cho rằng, Bản tuyên ngôn của Đảng Lao động hứa sẽ thiết lập lại mối quan hệ thương mại và đầu tư của Vương quốc Anh với EU và tìm kiếm một hiệp ước an ninh.

Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông David Lammy với tư cách là ngoại trưởng là đến Đức, Ba Lan và Thụy Điển để cố gắng báo hiệu việc thiết lập lại mối quan hệ sau một thời kỳ căng thẳng dưới thời Đảng Bảo thủ.

Trong cuộc khảo sát vào cuối tháng 11/2023, YouGov cũng nhận được thông tin tương tự khi 52% số người tham gia khảo sát hiện tin rằng việc rời khỏi EU là một sai lầm, và 70% mong muốn có mối quan hệ gần gũi hơn với khối này.

Cuộc thăm dò cũng chỉ ra rằng 57% người Anh sẽ ủng hộ việc tham gia vào thị trường chung, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc khôi phục tự do di cư, một yếu tố quan trọng đã thúc đẩy quyết định rời EU vào năm 2016.

Các đánh giá từ truyền thông chỉ ra rằng người dân Anh vẫn chưa thấy được lợi ích từ việc rời EU như những gì các chính trị gia đã hứa hẹn. Dữ liệu thương mại là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về những thiệt hại do Brexit gây ra.

Cựu trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, Michel Barnier, nhận định rằng Brexit không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào và là một trò chơi cùng thua cho cả Anh và EU. Ông cho rằng cánh cửa vẫn mở và Anh có thể tái gia nhập EU bất kỳ lúc nào, tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay nước Anh.

 

 

VỤ BẠO LOẠN Ở ANH: KHÔNG BẤT NGỜ!

Các cuộc bạo loạn chống người nhập cư xảy ra liên tiếp ở Anh trong những ngày qua giống như một phép thử quan trọng cho tân Thủ tướng Keir Starmer.

Căn nguyên của những cuộc bạo loạn

Những chiếc xe bị thiêu rụi, các nhà thờ Hồi giáo cùng khách sạn - nơi trú ngụ của người xin tị nạn bị tấn công, hàng nghìn người bị cảnh sát bắt giữ..., các cuộc bạo loạn diễn ra ở Anh trong 2 tuần qua đã đặt ra thách thức trực tiếp đầu tiên đối với tân Thủ tướng Keir Starmer. Ngay cả sau khi khôi phục trật tự, ông Starmer vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến khác: giải quyết các vấn đề về dịch vụ công đang suy yếu và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn.

Trong khi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy công chúng rõ ràng ủng hộ việc đàn áp những người biểu tình bạo lực của ông Starmer, nhiều người lại coi những kẻ bạo loạn đã cất lên tiếng nói kêu gọi ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp đang gia tăng tại Anh.

Ông Steven Fielding - Giáo sư lịch sử chính trị tại Đại học Nottingham - nhận định: "Không phải ngẫu nhiên mà bạo lực bùng phát ở một số khu vực kinh tế khó khăn. Mối lo ngại về vấn đề nhập cư, vốn đã suy giảm ở Anh sau Brexit, đang căng thẳng trở lại trong bối cảnh việc làm khan hiếm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác quá tải, dẫn đến việc những người xin tị nạn trở thành mục tiêu 'đổ lỗi' của phe cực hữu".

Chiến dịch tranh cử của các chính trị gia vào tháng trước đã gây ra một cuộc tranh chấp chính trị gay gắt về kế hoạch của chính phủ nhằm cưỡng bức người di cư trái phép sang Rwanda. Con số 30.000 người vượt biên vào Anh trên những chiếc thuyền tạm bợ chỉ là một phần rất nhỏ trong số những người đang nộp đơn xin tị nạn tại Anh - vốn đã lên tới gần 750.000 người vào năm 2022.

Ông Sunder Katwala - Giám đốc Viện nghiên cứu British Future - cho rằng, Thủ tướng Starmer sẽ phải căng mình chứng minh rằng ông có thể khôi phục lại những khu vực bị bỏ quên mà những người theo chủ nghĩa cánh hữu đã tìm thấy sự ủng hộ bằng cách củng cố việc làm và các dịch vụ công.

Hiểm họa của tin giả trên mạng xã hội

Biểu tình bạo lực xảy ra trên khắp các thành phố ở Anh sau khi thông tin sai lệch xuất hiện trên mạng xã hội rằng vụ giết hại 3 bé gái ở thị trấn Southport ngày 29/7 có liên quan một người Hồi giáo. Những thông tin sai sự thật được lan truyền nhanh chóng khi gắn các từ khóa nhạy cảm với xã hội Anh: "nhập cư", "Hồi giáo" và "Rwanda".

Bà Claire Ainsley, cựu Giám đốc chính sách của ông Starmer, đã chỉ ra vai trò của phương tiện truyền thông xã hội trong việc phát tán thông tin sai lệch và gây căng thẳng trong dư luận. Bà lưu ý rằng bên cạnh những kẻ cực đoan, một số kẻ bạo loạn có thể là những kẻ cướp bóc và những kẻ cơ hội khác.

Bạo lực châm ngòi từ những thông tin sai lệch trên mạng xã hội về nhân thân và tôn giáo của nghi phạm đã kích động mạnh mẽ làn sóng kỳ thị chủng tộc và tôn giáo trên cả nước.

Thông tin giả này lan truyền nhanh đến mức cảnh sát Anh buộc phải phá lệ, công bố danh tính nghi phạm. Đó là Axel Rudakubana, 17 tuổi, sinh ra tại Cardiff, Anh và sống gần thành phố Southport, đổng thời nhấn mạnh rằng đây không phải vụ tấn công khủng bố.

Năm 2023, Anh đã thông qua Đạo luật an toàn trực tuyến, trao cho Cơ quan quản lý truyền thông Ofcom quyền phạt các công ty truyền thông xã hội lên tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm, nếu không kiểm soát việc phát tán tin giả, tài liệu bất hợp pháp như tuyên truyền khủng bố, lừa đảo trực tuyến và kích động bạo lực…

Tuy nhiên, vụ việc lần này đã đặt ra thêm thách thức cho chính phủ Anh trong việc quản lý các nền tảng kỹ thuật số cũng như khả năng tự kiểm duyệt của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

 

Nguồn: Năng Lượng Quốc Tế; Kinh tế & Đô thị; VOV; Báo Mới; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang