- Thời sự
- EU
Hiện lãi suất của ECB thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với lãi suất của Fed. Điều này có nghĩa là ECB có ít dư địa hơn so với Fed và một số ngân hàng khác trong việc nới lỏng chính sách của mình.
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở hai bên bờ Đại Tây Dương đều đang phải chịu áp lực từ nhiều phía như giới chính trị, thị trường tài chính, dư luận trong việc điều hành chính sách lãi suất.
Theo đồn đoán của các thị trường, rất có khả năng các ngân hàng trung ương lớn sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất trong cuộc họp thường kỳ tháng Chín.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có ít dư địa hơn so với các ngân hàng trung ương khác.
Lạm phát toàn cầu đang “hạ nhiệt,” chuyển dần về hướng mục tiêu 2% dù tiến triển chưa như kỳ vọng. Nhưng nỗi lo suy thoái vẫn còn dai dẳng, bất kể các dữ liệu đầu vào tương đối tốt.
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tạo ra một số lượng lớn việc làm mỗi tháng (đã giảm bớt trong hai tháng gần đây, nhưng vẫn ở mức cao).
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban châu Âu (EC) thực hiện, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tại Khu vực đồng euro phần nào đã được cải thiện, nếu xét trên triển vọng trung bình dài hạn.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ vào đầu tháng Tám vừa qua, sau khi có thông tin tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ tăng vọt, đã khiến các nhà quan sát hoảng sợ.
Nhưng cả ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall, bao gồm S&P 500, Nasdaq và Dow Jones, đã tăng trở lại chỉ vài tuần sau đó.
Với lạm phát đang trên đà giảm và thị trường lao động có xu hướng ổn định, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất, ngay tại cuộc họp tháng Chín này, sẽ là một tín hiệu khích lệ đối với các thị trường, trong khi vẫn duy trì được lập trường hạn chế cần thiết để ngăn chặn giảm phát và đạt mục tiêu lạm phát 2%.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị chuyên về kinh tế Jackson Holes của Fed tổ chức giữa tháng Tám, Chủ tịch Jerome Powell "bật đèn xanh" về quyết định hạ lãi suất, khi nói rằng “hướng đi đã rõ ràng.”
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ có những bước đi tương tự Fed. Lạm phát tiêu dùng của Anh đã quay về mức mục tiêu 2% vào tháng 5/2024, nhưng vẫn đang ó nguy cơ tăng trở lại.
Điểm khác biệt chính giữa BoE và Fed đó là BoE đã tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 1/8, đưa lãi suất từ mức cao nhất trong 16 năm trở về ngưỡng 5%.
Điều này cho thấy trong cuộc họp tháng Chín, khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất của các nhà hoạch định chính sách BoE không mạnh bằng Fed.
Phần lớn các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters tin rằng BoE sẽ cắt giảm lãi suất lần tiếp theo vào tháng 11, thay vì tháng Chín, khi lạm phát tăng trở lại trên mức mục tiêu.
ECB cũng đã tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 7/6, đưa lãi suất cơ bản từ mức đỉnh điểm 4% xuống còn 3,75%.
Hiện lãi suất của ECB thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với lãi suất của Fed. Điều này có nghĩa là ECB có ít dư địa hơn so với Fed và một số ngân hàng trung ương lớn khác trong việc nới lỏng chính sách của mình.
Theo số liệu chính thức, lạm phát của Khu vực đồng euro (Eurozone) đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm vào tháng 8/2024.
Giá tiêu dùng tháng 8/2024 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 2,6% vào tháng 7/2024, khiến con số này chỉ cách mục tiêu của ECB một chút.
Lạm phát lõi (loại trừ các yếu tố biến động mạnh như giá năng lượng và thực phẩm) được theo dõi chặt chẽ, vẫn ở mức cao 2,8% trong tháng 8/2024, trong khi lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ lại tăng tốc.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị ECB cần duy trì lập trường hạn chế vừa phải để có thể ngăn chặn giảm phát hơn nữa. Như nhà kinh tế trưởng của ECB, Philip Lane, đã chia sẻ tại Hội nghị Jackson Hole, "mục tiêu quay trở về ngưỡng lạm phát 2% vẫn chưa chắc chắn."
Chủ tịch ECB Christine Lagarde thường tuyên bố rằng cơ quan quản lý chính sách tiền tệ của EU không tuân theo hướng đi của Fed. ECB có lộ trình của riêng mình, vì hai nền kinh tế có cấu trúc và tốc độ phát triển khác nhau.
Rất có thể những gì mà Chủ tịch ECB chia sẻ sẽ được chứng minh tại cuộc họp chính sách vào ngày 12/9.
Bất chấp hơn hai năm rưỡi xung đột Nga - Ukraine, hàng loạt lệnh trừng phạt và nhiều lần EU và các nước châu Âu khẳng định sẽ hoàn toàn ủng hộ Kiev trong cuộc đối đầu với Moskva, khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy vào châu Âu.
Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 10/9, kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, châu Âu đã phải đối mặt với một loạt các thách thức về năng lượng. Dù đã nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, toàn bộ lục địa này vẫn tiếp tục nhận khí đốt từ Moskva. Điều đó đặt ra một câu hỏi quan trọng: Tại sao châu Âu vẫn duy trì sự phụ thuộc này dù đã có nhiều nỗ lực và lệnh trừng phạt đối với Nga?
Sự phụ thuộc về năng lượng
Trước khi xung đột nổ ra, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu. Khí đốt được vận chuyển qua nhiều tuyến đường ống, bao gồm Dòng chảy phương Bắc dưới Biển Baltic, Belarus, Ba Lan, Ukraine, và Dòng chảy Turk qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khi giao tranh nổ ra, Điện Kremlin đã cắt đứt hầu hết các nguồn cung qua các tuyến đường ống này, đặc biệt là qua Dòng chảy phương Bắc và Belarus-Ba Lan. Điều đó đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở châu Âu.
Mặc dù có những biện pháp trừng phạt và các hành động quân sự của Ukraine, khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy vào châu Âu qua trạm Sudzha, một điểm trung chuyển quan trọng ở thị trấn Sudzha, Nga. Trạm này nằm trên tuyến đường ống vận chuyển khí đốt từ Siberia qua Ukraine vào châu Âu. Ngay cả khi Ukraine tiếp tục các cuộc tấn công vào khu vực Kursk, trạm Sudzha vẫn duy trì hoạt động. Theo đơn vị vận hành hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine, lượng khí đốt qua Sudzha vẫn ổn định, với khoảng 42,4 triệu mét khối khí đốt được lên kế hoạch vận chuyển trong tuần qua.
Trước xung đột, Nga và Ukraine đã ký một thỏa thuận kéo dài 5 năm về việc vận chuyển khí đốt qua hệ thống đường ống của Ukraine. Thỏa thuận này cho phép Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine và Kiev thu phí quá cảnh. Dù thỏa thuận này sắp hết hạn vào cuối năm nay, Ukraine chưa có ý định chặn hoặc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt qua Sudzha, lý do chính là nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và duy trì nguồn thu từ phí quá cảnh.
Khó khăn đa dạng hóa nguồn cung
Châu Âu đã nỗ lực để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế. Đức đã chi hàng tỷ euro để thiết lập các nhà ga nổi nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và Na Uy cùng Mỹ đã trở thành hai nhà cung cấp lớn nhất để lấp đầy khoảng trống này. Tuy nhiên, việc thay thế khí đốt của Nga không phải là một nhiệm vụ đơn giản.
Áo, một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga, đã tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga từ 80% lên 98% trong hai năm qua. Trong khi đó, Italy đã giảm nhập khẩu khí đốt trực tiếp từ Nga nhưng vẫn nhận khí đốt có nguồn gốc từ Nga thông qua Áo. Châu Âu cũng tiếp tục nhập khẩu khí đốt hóa lỏng, nhưng lượng khí đốt này vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu toàn diện.
Một số quốc gia thành viên EU như Romania và Hungary đã ký hợp đồng khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia nhập khẩu khí đốt từ Nga. Armida van Rijd, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hoàng gia về các vấn đề quốc tế ở London, chỉ ra rằng khí đốt của Nga đang được “rửa” qua Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ để đáp ứng nhu cầu của châu Âu.
Có nhiều lý do giải thích cho sự phụ thuộc kéo dài của châu Âu vào khí đốt Nga. Đầu tiên, việc giảm hoặc ngừng nhập khẩu khí đốt Nga có thể gây ra những khó khăn lớn về năng lượng cho nhiều quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát cao và khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Sự đa dạng hóa nguồn cung năng lượng gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là khi nhiều nước phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá năng lượng cao.
Hơn nữa, một số quốc gia châu Âu có mối quan hệ gần gũi với Moskva và phụ thuộc vào khí đốt Nga hơn những quốc gia khác. Hungary, chẳng hạn, đã trở thành "rào cản" của EU khi chậm trễ trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, một phần vì sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và mối quan hệ tương đối gần gũi với Điện Kremlin.
Sự tiếp tục nhận khí đốt từ Nga, bất chấp những nỗ lực và lệnh trừng phạt của châu Âu, cho thấy sự phụ thuộc năng lượng sâu rộng của lục địa này vào Moskva. Dù châu Âu đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm bớt sự phụ thuộc này, thực tế cho thấy việc hoàn toàn thoát khỏi khí đốt của Nga là một thách thức lớn.
Các “ông lớn” trong ngành ô tô châu Âu đang đối mặt một loạt thách thức trên con đường điện hóa hoàn toàn.
Những thách thức này bao gồm việc thiếu các mẫu xe giá cả phải chăng, quá trình triển khai trạm sạc chậm hơn dự kiến và tác động có thể xảy ra nếu châu Âu áp thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Volvo Cars ngày 11/9 thông báo từ bỏ kế hoạch chỉ bán xe điện vào năm 2030, do những điều kiện thị trường thay đổi. Nhà sản xuất ô tô Thụy Điển này cho biết hiện đang đặt mục tiêu các mẫu xe điện hoàn toàn hoặc xe lai sẽ chiếm từ 90-100% doanh số bán xe của mình vào năm 2030.
Volkswagen và nhiều nhà sản xuất ô tô khác như Ford và Mercedes-Benz Group đều đã thông báo kế hoạch trì hoãn các mục tiêu ngừng bán xe chạy bằng động cơ đốt trong ở châu Âu.
Ông Tim Urquhart, chuyên gia phân tích ô tô tại S&P Global Mobility, cho biết rất nhiều nhà sản xuất đã ngừng đầu tư vào công nghệ động cơ đốt trong, nhưng giờ đây họ bắt đầu nhận ra rằng, nếu không tiếp tục đầu tư thì sẽ không cạnh tranh được và không có những mẫu xe mà khách hàng thực sự muốn mua.
Khi công bố kế hoạch điều chỉnh về xe điện vào tuần trước, Volvo Cars đã nêu ra một số thách thức đối với mục tiêu điện khí hóa của ngành ô tô, như tiến độ triển khai cơ sở hạ tầng sạc điện chậm hơn dự kiến, nhiều nước thu hồi các chính sách ưu đãi của chính phủ và sự bất ổn do nhiều thị trường áp thuế đối với xe điện trong thời gian gần đây. Theo Volvo Cars, những diễn biến này cho thấy vẫn cần có "các chính sách mạnh mẽ và ổn định hơn của chính phủ " để hỗ trợ quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Ông Urquhart nhận định những thách thức nói trên có thể làm giảm động lực mua xe điện của người dân. Ông Urquhart cho rằng người tiêu dùng đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn, khi xe điện khiến họ phải thay đổi hoàn toàn cách sử dụng và vận hành xe.
Tuy nhiên, các nhà phân tích khẳng định rằng bất chấp những bất ổn trong ngắn hạn, các nhà sản xuất ô tô vẫn nhận thấy họ không thể bỏ lỡ xu hướng xe điện.
Trong một nghiên cứu gần đây, ông Rico Luman, chuyên gia kinh tế cấp cao về vận tải và hậu cần tại ngân hàng Hà Lan ING, nhận định quá trình chuyển đổi sang xe điện là một hành trình không dễ dàng với nhiều bất ổn. Trong bối cảnh đó, ông cho biết, quyết định của một số nhà sản xuất ô tô châu Âu trong việc trì hoãn quá trình chuyển đổi sang xe điện chỉ nhằm mục đích duy trì khả năng sinh lời và linh hoạt trong một môi trường đầy bất ổn.
Ông khẳng định xu hướng xe điện không thay đổi, và các nhà sản xuất ô tô vẫn cần tiếp tục đầu tư vào việc cải tạo danh mục sản phẩm để đảm bảo vị thế lâu dài trên thị trường trong thập kỷ tới.
Chưa đầy một ngày sau sự kiện ra mắt iPhone 16, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (EU) đã ra phán quyết Apple phải trả 14 tỉ USD tiền thuế chưa nộp cho Ireland.
Quyết định này được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc Ireland đã trao cho Apple "lợi thế thuế bất hợp pháp 8 năm trước". Trong khi chính phủ Ireland lập luận rằng Apple không cần phải trả các loại thuế này, tòa án cho rằng quyết định này là quyết định cuối cùng và "Ireland đã cấp cho Apple khoản viện trợ bất hợp pháp mà quốc gia này có nghĩa vụ phải thu hồi".
Điều thú vị là Ireland luôn coi mình là nơi hấp dẫn đối với các công ty lớn. Với mức thuế doanh nghiệp thấp nhất EU, quốc gia này là nơi để Apple đặt văn phòng của họ ở châu Âu. Mặc dù Apple có thể không chuyển văn phòng sang các quốc gia khác nhưng điều đó ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ ngay từ bây giờ.
Mặt khác, Ủy ban châu Âu coi quyết định này là một chiến thắng lớn trước các công ty Big Tech vì cho rằng các công ty này sử dụng "các thỏa thuận tài chính sáng tạo để giảm hóa đơn thuế của họ".
Trong tuyên bố của mình, Apple cho biết: "Vụ kiện này không bao giờ liên quan đến số tiền thuế chúng tôi phải trả, mà là chúng tôi phải trả cho chính phủ nào. Chúng tôi luôn trả tất cả các khoản thuế mà chúng tôi nợ ở bất cứ nơi nào chúng tôi hoạt động và chưa bao giờ có một thỏa thuận đặc biệt nào. EC đang cố gắng thay đổi các quy tắc một cách hồi tố và bỏ qua rằng, theo yêu cầu của luật thuế quốc tế, thu nhập của chúng tôi đã phải chịu thuế tại Mỹ. Chúng tôi thất vọng với quyết định ngày hôm nay vì trước đó, tòa án sơ thẩm đã xem xét và tuyên bố hủy bỏ vụ kiện này".
Cùng với đó, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu cũng ra phán quyết rằng Google phải nộp khoản tiền phạt 2,6 tỉ USD vì lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường của các dịch vụ so sánh mua sắm.
Việc chuyển giao phi đạn đạn đạo của Iran cho Nga là một sự leo thang quân sự hơn nữa và sẽ phải đối mặt với “phản ứng mạnh mẽ” từ Liên hiệp châu Âu, phát ngôn viên về các vấn đề đối ngoại của EU, ông Peter Stano, cho biết.
Ông Stano cho hay cơ quan ngoại giao của EU, theo yêu cầu của người đứng đầu chính sách đối ngoại Josep Borrell, đã trình bày cho các thành viên EU “một loạt các biện pháp quyết đoán và nhắm mục tiêu” đối với Iran để đáp trả việc chuyển giao này.
Bất kỳ biện pháp nào như vậy cũng phải được tất cả 27 thành viên của EU đồng ý thì mới có hiệu lực, ông Stano nói thêm.
“Chúng tôi xác nhận (chúng tôi) đã nhận được thông tin đáng tin cậy về việc chuyển giao phi đạn đạn đạo của Iran cho Nga”, ông nói.
“Đại diện cấp cao Borrell, trong các cuộc tiếp xúc song phương với các đối tác Iran, đã liên tục cảnh báo Iran về quyết định như vậy”, ông Stano cho biết.
Ông nói việc chuyển giao này vi phạm Hiến chương Liên hiệp quốc, luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế.
“Việc chuyển giao phi đạn đạn đạo có thể sẽ hỗ trợ cho chiến dịch ném bom leo thang của Nga nhắm vào dân thường, thành phố và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, làm gia tăng thêm thương vong và sự tàn phá”, ông Stano cho biết.
“Sự hỗ trợ như vậy cho chiến dịch khủng bố của Nga nhắm vào người dân Ukraine sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ của EU”.
Trong khi đó, Nga hôm 10/9 loan báo đã gần hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm ký một hiệp ước song phương mới với Iran, hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời quan chức an ninh hàng đầu Sergei Shoigu cho biết.
“Chúng tôi mong chờ việc ký kết một hiệp ước liên quốc gia cơ bản mới. Chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết để chuẩn bị các văn bản để các tổng thống ký kết”, ông Shoigu nói.
Nga đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iran và các quốc gia thù địch với Mỹ, chẳng hạn như Triều Tiên, trong hai năm rưỡi kể từ khi bắt đầu chiến tranh Ukraine.
Hoa Kỳ cáo buộc cả hai nước hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga, điều mà Moscow phủ nhận. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sáng ngày 10/9 nói Nga đã nhận được phi đạn đạn đạo từ Iran và có khả năng sẽ sử dụng chúng trong vòng vài tuần.
Một quan chức cấp cao của Iran hôm 9/9 đã phủ nhận các báo cáo rằng Tehran đã cung cấp cho Moscow những phi đạn như vậy.
Nga từng nói họ có ý định ký một hiệp ước hợp tác lớn với Cộng hòa Hồi giáo Iran, nhưng tuyên bố của ông Shoigu là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy một thỏa thuận như vậy sắp xảy ra.
Nguồn: VietnamPlus; Báo Tin Tức; Bnews; Thanh Niên; VOA
EU: Vì sao lũ lụt; Doanh số bán ô tô mới giảm; NK dầu phá kỷ lục; Chính phủ mới ở Pháp gặp áp lực; Áo chia rẽ vì khí đốt Nga
EU: Nguy cơ thiếu khí đốt; Học mô hình kinh tế của Mỹ; Ống ngầm xuyên liên minh; Ác mộng với các công ty; Nợ công Pháp tiếp tục tăng
EU: Nỗ lực chặn người di cư; Khả năng ECB giảm lãi suất; DN phụ thuộc hàng TQ; Siết quy định các dự án hydro; Họp bất thường vì Liban
EU: Thành tựu chống lũ; Chia rẽ vì thuế xe điện TQ; Bài toán chuỗi cung ứng; Hoãn luật chống phá rừng; Anh nhượng chủ quyền đảo Chagos
EU: Chi tiêu tiết kiệm; Quân sự hóa kinh tế; Biểu tình phản đối xung đột ở Gaza; Tiếp tục ủng hộ Ukraine; Macron ‘sát muối’ vào Israel
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá