EU: Hàng không thiệt hại; Địa chấn mới ngân hàng; Vẫn làm ăn với Nga; Vũ khí mới trước TQ; 'Núi rác' được cứu ở Paris

Hàng không châu Âu thiệt hại vì đình công

(Ảnh minh họa).

Đại diện các hãng hàng không lớn nhất tại châu Âu, cho biết hành khách đang bị hoãn và hủy chuyến bay do ảnh hưởng của việc đình công tại Pháp.

Nước Pháp đang rung chuyển bởi các cuộc biểu tình và đình công, khi đạo luật hưu trí mới được thông qua mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội vào tuần trước tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64. Sự việc này cản trở nhiều chuyến bay qua không phận của Pháp, gây ra tình trạng sụt giảm nhân sự của ngành hàng không khu vực châu Âu.

Cùng thời điểm, kỳ nghỉ lễ Phục sinh năm nay diễn ra vào ngày 9/4, đây là một trong những thời điểm sôi động nhất của ngành du lịch châu Âu. Các cuộc đình công tại Pháp khiến kỳ nghỉ của nhiều du khách trở nên khó khăn.

Hàng loạt chuyến bay bị hủy

Hãng hàng không Ryanair (Ireland) đã hủy 230 chuyến bay vào tháng trước vì các cuộc đình công đang diễn ra ở Pháp. Tương tự, hôm 28/3-29/3, hãng hàng không này đã hủy 60 chuyến bay.

Giám đốc điều hành Ryanair, ông Michael O'Leary, cho biết các cuộc đình công của Pháp đã cản trở nhiều chuyến bay qua không phận của Pháp. Đồng thời, điều này làm gián đoạn các dịch vụ giữa thị trường du lịch của Anh và Tây Ban Nha.

"Thật khó để giải thích với hành khách ở Anh, Ireland và Tây Ban Nha rằng các chuyến bay của họ bị hủy vì cuộc biểu tình của một số nhân viên kiểm soát không lưu ở Pháp, mặc dù chuyến bay của họ không hạ cánh ở Pháp", ông O'Leary nói.

Tương tự, British Airways (Anh) đã hủy 16 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày từ khi các cuộc đình công diễn ra. Tổng cộng, hãng hàng không này đã hủy 300 chuyến bay, nhằm giảm số lượng hành khách.

Theo luật hành khách của châu Âu, các hãng hàng không phải bồi thường cho hành khách vì sự chậm trễ hoặc hủy chuyến kéo dài. Tuy nhiên, các hãng hàng không này không thể thu hồi các khoản phạt từ cơ quan không lưu khi không phận bị phong tỏa.

Kỳ nghỉ khó khăn

Ông O'Leary, cho biết các sân bay đã chuẩn bị tốt cho sự gián đoạn trong mùa hè năm nay sau tình trạng hỗn loạn lan rộng vào năm ngoái. Tuy nhiên, ông cho rằng các vấn đề kiểm soát không lưu sẽ tiếp tục tăng vọt trong những tháng tới.

Sân bay Heathrow (Anh) phải đối mặt với vấn đề thiếu nhân sự. 1.400 thành viên tuyên bố sẽ không trở lại làm việc cho đến ngày 9/4 do tranh chấp về tiền lương, bất chấp lời đề nghị tăng lương 10% từ công ty.

Trước thông tin này, phát ngôn viên của sân bay Heathrow cho biết: "Chúng tôi sẽ không để những cuộc đình công không cần thiết này ảnh hưởng đến kỳ nghỉ của hành khách. Chúng tôi đang tuyển thêm 1.000 nhân sự và đội ngũ quản lý để hỗ trợ hành khách trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh".

Các cuộc đình công là một thách thức lớn đối với các hãng hàng không, cũng như khách du lịch. Để đảm bảo một khởi đầu tốt nhất cho hành trình của mình, khách hàng nên kiểm tra tình trạng chuyến bay của mình với hãng hàng không trước khi đến sân bay.

"Đến sân bay Heathrow không sớm hơn 2 giờ trước các chuyến bay ngắn và 3 giờ trước các chuyến bay đường dài. Hành khách cần đảm bảo an ninh, tuân thủ quy định trong hành lý xách tay của mình", phát ngôn viên của sân bay Heathrow nói.

Các hãng hàng không đã được sân bay yêu cầu giảm doanh số bán vé, bất chấp đây là mùa cao điểm của du lịch châu Âu trong năm, do ảnh hưởng của các cuộc đình công.

(Nguồn: Zing News)

Khối ngân hàng lại đối mặt cơn địa chấn mới ở châu Âu

Sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ, rồi tới rắc rối bủa vây Ngân hàng Credit Suisse ở Thụy Sĩ, lúc này khối ngân hàng lại đối mặt cơn địa chấn mới: "vụ cướp thế kỷ" ở châu Âu.

Ngày 28-3, Văn phòng Công tố tài chính quốc gia Pháp ra lệnh khám xét đồng loạt năm ngân hàng lớn ở Pháp, vốn là một phần trong cuộc điều tra dài hạn về cáo buộc rửa tiền và trốn thuế. Hơn 150 điều tra viên tài chính và 16 thẩm phán địa phương đã khám xét trụ sở tại Paris của các ngân hàng Société Générale, BNP Paribas, HSBC, Natixis và Exane để thu thập bằng chứng.

Âm mưu gian lận thuế qua các ngân hàng

Đây là động thái mới nhất của nhà chức trách nhằm vào các ngân hàng toàn cầu liên quan đến âm mưu gian lận thuế cổ tức. Các cuộc điều tra tương tự đã diễn ra tại Đức và nhiều nước châu Âu khác. Giới chức một số nước châu Âu cho biết những điều tra đó có quy mô trải khắp bốn châu lục, nhắm vào hàng chục ngân hàng và khoảng 1.500 nghi phạm.

Các ngân hàng đang bị điều tra ở Pháp bị cáo buộc tham gia vào một kế hoạch được gọi là "giao dịch cum - cum", trong đó các cá nhân đã bỏ túi hàng trăm triệu euro bằng cách tránh nộp thuế cổ tức của Pháp.

Cum - cum là thủ thuật mà theo đó các cổ đông chuyển nhượng cổ phiếu trong một thời gian ngắn cho nhà đầu tư ở nước ngoài để tránh phải trả thuế cổ tức. Văn phòng Công tố tài chính quốc gia Pháp cho biết Chính phủ Pháp đang tìm cách thu lại ít nhất 1 tỉ euro (1,1 tỉ USD) bị thất thoát.

Thời gian qua, một số nước châu Âu đang tìm kiếm công lý trong "vụ cướp thế kỷ" - cách gọi của nhật báo Le Monde (Pháp), tờ báo đầu tiên đưa tin về âm mưu gian lận thuế ở Pháp vào năm 2018. Trong nhiều năm, hàng trăm người làm trong ngành ngân hàng, các luật sư và nhà đầu tư đã bòn rút ước tính 55 tỉ euro từ kho bạc của các nước châu Âu thông qua âm mưu này.

Trong đó, Đức bị ảnh hưởng nặng nhất, thất thoát khoảng 30 tỉ euro, tiếp theo là Pháp với thiệt hại khoảng 17 tỉ euro. Những khoản tiền nhỏ hơn cũng đã bị bòn rút ở Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Áo, Na Uy, Phần Lan, Ba Lan...

Tại Đức, âm mưu gian lận được thực hiện thông qua "giao dịch cum - ex" (phát triển từ cum - cum), một thủ thuật mà các nhà đầu tư có hiểu biết sẽ lợi dụng để tạo ra hai khoản hoàn lại cho số thuế cổ tức đã trả.

Tháng 12-2022, luật sư Hanno Berger - người được coi là bộ não phía sau âm mưu gian lận thuế theo hình thức "cum - ex" ở Đức - đã bị tòa án thành phố Bonn tuyên 8 năm tù. Âm mưu gian lận thuế cũng dẫn đến các vụ án dân sự và hình sự ở Anh và Đan Mạch. Chính quyền Đan Mạch cho biết cơ quan thuế của họ đã bị một chuyên gia tài chính - sinh ra ở London và đã chuyển đến Dubai - lừa đảo 2 tỉ euro.

Trong vụ điều tra ở Pháp, một nguồn thạo tin cho biết các cuộc khám xét được tổ chức để thu thập bằng chứng về cách thức các giao dịch cổ tức được dàn xếp và liệu có hành vi cố ý nào nhằm giúp khách hàng trốn thuế không. Các ngân hàng trên hiện đối diện nguy cơ bị phạt tổng cộng hơn 1 tỉ euro.

Cảnh giác cao độ

Việc một loạt ngân hàng bị lục soát ở Pháp diễn ra trong bối cảnh lĩnh vực này trên toàn cầu đã có sẵn nhiều bất ổn sau sự sụp đổ của hai ngân hàng SVB và Signature ở Mỹ trong tháng 3, cũng như vụ Ngân hàng UBS mua lại Ngân hàng Credit Suisse tại Thụy Sĩ.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 28-3, các nhà quản lý tài chính Mỹ gọi sự sụp đổ nói trên là "ví dụ kinh điển về quản lý yếu kém", đổ lỗi cho các lãnh đạo SVB đã không điều chỉnh chiến lược khi lãi suất tăng hồi năm ngoái bất chấp cảnh báo từ giới chức. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Jon Tester chỉ trích: "Có vẻ như các cơ quan quản lý đã biết vấn đề nhưng không ai hành động".

Theo Đài BBC, Ngân hàng Anh - ngân hàng trung ương của Vương quốc Anh - cho biết hiện tại ngân hàng này cũng đang trong tình trạng "căng thẳng và cảnh giác cao độ" về những bất ổn thêm nữa có thể xảy ra sau các biến cố ở Mỹ và Thụy Sĩ. Theo Đài CNN, các nhà đầu tư toàn cầu cũng đang cảnh giác cao độ về sức khỏe của ngành ngân hàng.

Đầu tuần này, Giám đốc điều hành Tập đoàn ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ), ông Shayne Elliott, cho rằng biến động của hệ thống ngân hàng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán liệu một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự năm 2008 có lặp lại không. Tuy nhiên, rõ ràng với vụ khám xét các ngân hàng ở Pháp, những rắc rối xảy đến với lĩnh vực ngân hàng toàn cầu vẫn đang tiếp tục.

Hãng tin Bloomberg bình luận cuộc điều tra nhằm vào các ngân hàng ở Pháp làm tăng thêm tâm lý tiêu cực với lĩnh vực ngân hàng ở cả Mỹ và châu Âu.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Bất chấp trừng phạt khắc nghiệt, EU vẫn làm ăn với Nga

(Ảnh minh họa).

Bất chấp các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, nhiều hoạt động thương mại vẫn diễn ra giữa EU và Nga. Đó là kết quả của việc vận động hành lang thành công, việc EU không sẵn sàng chịu tác động kinh tế nặng nề hơn và lo ngại về tác động sâu rộng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kể từ Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, EU đã áp đặt 10 vòng trừng phạt nhằm vào Moscow, trong đó có những biện pháp được xem là khắc nghiệt nhất đối với một quốc gia nước ngoài.

Theo EU, các biện pháp trừng phạt của khối là nhằm cắt giảm doanh thu của Nga và khả năng tiếp cận công nghệ của Điện Kremlin. Dù vậy, một số báo cáo của Nghị viện châu Âu cho rằng, tác động “sẽ không đủ mạnh để hạn chế khả năng tiến hành chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trong năm 2023”.

Nhiều hoạt động thương mại vẫn diễn ra giữa 27 thành viên của EU với Nga. Đó là kết quả của việc vận động hành lang thành công, việc EU không sẵn sàng chịu tác động kinh tế nặng nề hơn và lo ngại về tác động sâu rộng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2021, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU, với giá trị trao đổi hàng hóa là 258 tỷ euro (280 tỷ USD). Các mặt hàng chính EU nhập khẩu từ Nga là nhiên liệu, gỗ, sắt thép và phân bón.

Theo dữ liệu mới nhất có sẵn từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tổng cộng, từ tháng 3/2022 cho đến hết tháng 1/2023, EU đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 171 tỷ Euro (186 tỷ USD) từ Nga. Con số này vượt xa mức 60 tỷ Euro (65 tỷ USD) - số tiền mà EU đã viện trợ cho Kiev trong hơn 1 năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

Khí tự nhiên hóa lỏng

EU đã cấm nhập khẩu than đã và dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga vào năm 2022, Khí đốt không nằm trong lệnh trừng phạt của EU nhưng Moscow đã cắt giảm lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống tới châu Âu kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Năm 2022, EU nhận được lượng khí đốt của Nga ít hơn 40% so với những năm gần đây.

Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lại là một câu chuyện khác. Theo phân tích của EU, việc cung cấp LNG của Nga tới châu Âu đã tăng lên đáng kể từ sau xung đột, lên 22 tỷ m3 vào năm 2022 tăng đáng kể so với mức 16 tỷ m3 trong năm 2021.

Khối lượng LNG nhỏ hơn so với lượng khí đốt Nga vận chuyển qua đường ống, vốn ở mức 155 tỷ m3 mỗi năm trước xung đột. Tuy nhiên, sự gia tăng đã khiến một số quốc gia yêu cầu có một lựa chọn pháp lý theo luật của EU để chặn nhập khẩu LNG.

Lĩnh vực hạt nhân

Tương tự như LNG, không có biện pháp trừng phạt nào đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga. Đây là lĩnh vực mà Hungary và Bulgaria công khai phản đối.

Theo Eurostat, EU nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp hạt nhân của Nga đạt tổng trị giá gần 750 triệu Euro (814 tỷ USD) vào năm 2022. Cơ quan hạt nhân của EU (Euratom) cũng cho biết, Nga đã cung cấp 1/5 lượng uranium được sử dụng tại các cơ sở của EU vào năm 2021.

Bộ năng lượng Pháp phản đối các phần trong báo cáo của Greenpeace hồi tháng 2/2023 trong đó nói rằng Paris đã tăng mạnh nhập khẩu urani làm giàu từ Nga kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Paris cho biết, việc tạm dừng các hợp đồng của họ với Nga sẽ tốn kém hơn là tiếp tục.

Kim cương

Số liệu của Eurostat cho thấy, EU đã mua số kim cương trị giá 1,4 tỷ Euro (1,52 USD) của Nga vào năm 2022. Khối này không cấm nhập khẩu đá quý cũng như không đưa công ty khai thác Alrosa do nhà nước Nga kiểm soát vào danh sách đen thương mại.

Bỉ, nơi có trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới Antwerp, đã làm mất lòng những người diều hâu trong khối bằng cách vận động hành lang chống lại việc EU độc chiếm kim cương của Nga.

EU, Mỹ và các nền kinh tế G7 khác hiện đang làm việc về một hệ thống truy xuất nguồn gốc để cùng nhau gây áp lực cho lĩnh vực kim cương của Nga. Trung tâm Kim cương Thế giới Antwerp nói rằng, để hệ thống này có hiệu quả, cần phải có sự tham gia của Ấn Độ - quốc gia không phải là thành viên G7.

Hóa chất và nguyên liệu thô

Theo Eurostat, EU nhập khẩu 2,6 tỷ Euro (2,82 tỷ USD) phân bón của Nga vào năm ngoái, tăng hơn 40% so với năm 2021.

Kali từ Nga và Belarus bị hạn chế hoặc cấm rất nhiều ở EU. Nhưng các loại phân bón khác bao gồm cả urê, niken của Moscow vẫn được "lưu thông" tại nhiều quốc gia trong khối.

Trong số các nguyên liệu thô không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt có niken, chủ yếu được sử dụng để sản xuất thép không gỉ. EU đã nhập khẩu khối lượng niken của Nga trị giá 2,1 tỷ euro vào năm 2021 và 3,2 tỷ euro (3,47 tỷ USD) vào năm 2022.

Những tên tuổi lớn nằm ngoài danh sách trừng phạt

Có gần 1.700 cá nhân và tổ chức nằm trong danh sách trừng phạt của EU nhưng nhiều tên tuổi lớn của Nga không có trong đó như Alrosa và Rosatom. Gazprombank - chi nhánh tài chính của công ty độc quyền khí đốt Gazprom của Nga - và nhà sản xuất dầu mỏ tư nhân lớn thứ hai của Nga Lukoil cũng không nằm trong danh sách đen.

(Nguồn: VOV)

Vũ khí mới của EU trong xung đột thương mại với Trung Quốc

Trước sức ép kinh tế từ những nước như Nga và Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng một công cụ mới để đối phó.

Theo trang qz.com, gần đây, một số nước EU đã vướng vào tranh cãi thương mại với Trung Quốc. Ví dụ như vụ Trung Quốc tẩy chay hàng hóa của Litva hay cảnh báo hậu quả nếu Hà Lan chặn xuất khẩu công nghệ bán dẫn.

Sau các cuộc đàm phán thâu đêm ngày 28/3 vừa rồi, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đã nhất trí xây dựng công cụ chống ép buộc. Đây là biện pháp phòng vệ thương mại mới, với mục tiêu là ngăn chặn các nước ép buộc kinh tế.

Hội đồng châu Âu cho biết trong một tuyên bố: "Mục đích của công cụ này là ngăn chặn các nước thứ ba nhằm vào EU và các quốc gia thành viên thông qua ép buộc kinh tế bằng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư".

Mặc dù EU đã có sẵn một số phương án phòng vệ thương mại trong bộ công cụ, như các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, nhưng công cụ chống ép buộc nói trên sẽ mở rộng khả năng phòng thủ của EU khi cho phép khối này thực hiện các biện pháp đối phó như tăng thuế hải quan, yêu cầu giấy phép xuất nhập khẩu và đưa ra các hạn chế về dịch vụ và mua sắm công.

Công cụ này cũng là phương thức thay thế để giải quyết các tranh chấp thương mại và một sự lựa chọn đáng hoan nghênh ở EU vì con đường khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thường mất thời gian.

Hiện nay, Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu sẽ cần đưa ra các chi tiết quy định của công cụ chống ép buộc và thông qua luật liên quan công cụ này. Quá trình đó dự kiến mất vài tháng.

Sau khi luật có hiệu lực, Ủy ban châu Âu có thể thực hiện các cuộc điều tra nhằm xem liệu các hành động của nước thứ ba có phải là ép buộc hay không. Nếu 55% quốc gia thành viên EU đồng ý với đánh giá của Ủy ban châu Âu rằng có sự ép buộc, thì các nước này, Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu sẽ quyết định các biện pháp đối phó với nước thứ ba.

Công cụ mới xuất hiện trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng quan trọng như chất bán dẫn, xe điện và khoáng sản.

Nỗ lực của châu Âu nhằm củng cố các biện pháp phòng vệ thương mại là một phần trong kế hoạch giảm phụ thuộc Trung Quốc, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và tăng cường an ninh kinh tế.

Có một loạt công cụ phòng vệ thương mại mạnh mẽ (như công cụ trợ cấp nước ngoài được thông qua gần đây và công cụ chống ép buộc mới được nhất trí) có thể đủ sức răn đe đối với một số hình thức ép buộc kinh tế.

Giới chức EU nhấn mạnh vai trò chính của công cụ này là biện pháp bảo vệ các lợi ích kinh tế của khối. Chính sách này sẽ có hiệu lực vào nửa sau của năm 2023, dự kiến chỉ áp dụng cho các trường hợp mới phát sinh chứ không giải quyết các trường hợp đã xảy ra trước đó.

Tuy nhiên, một số nước thành viên EU tỏ ra hoài nghi trước độ hiệu quả của biện pháp này, đồng thời quan ngại rằng biện pháp này có thể mang tính chất bảo hộ hoặc vô tình "châm ngòi" cho những cuộc chiến thương mại. Đề xuất chính sách này lần đầu được đưa ra vào tháng 12/2021, được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thảo luận trước khi nhất trí chung.

Ông Bernd Lange, nhà đàm phán trưởng của Nghị viện châu Âu, nói với các phóng viên: "Đó thực sự không phải là súng nước, đó là một khẩu súng và đôi khi cần phải đặt súng lên bàn, ngay cả khi biết rằng sẽ không dùng tới".

(Nguồn: Soha)

Biểu tình ở Pháp: Thủ đô Paris được giải cứu khỏi “núi rác”

(Ảnh minh họa).

Những đống rác đã trở thành một biểu tượng nổi bật về thị giác và khứu giác, tượng trưng cho sự phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của Tổng thống Pháp Marcon.

Các công nhân vệ sinh ở thủ đô Paris đã bắt đầu trở lại làm việc hôm 29/3, chấm dứt một trong những cuộc đình công dài nhất nhằm phản đối cải cách hưu trí của Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon, khi các cuộc biểu tình trên toàn quốc dường như cũng đang lắng xuống.

Cuộc đình công, bắt đầu từ ngày 6/3, đã khiến thủ đô hoa lệ của nước Pháp bốc mùi với hàng nghìn tấn rác nằm la liệt trên các đường phố.

Tính đến ngày 28/3, khoảng 7.000 tấn rác chưa được thu gom vẫn đang làm tắc nghẽn đường phố Paris, so với 10.000 tấn vào ngày 24/3, chính quyền thành phố cho biết.

Những đống rác đã trở thành một biểu tượng nổi bật về thị giác và khứu giác, tượng trưng cho sự phản đối kế hoạch của Tổng thống Marcon nhằm nâng tuổi nghỉ hưu lên 2 năm. Đối với hầu hết mọi người, điều đó có nghĩa là làm việc cho đến năm 64 tuổi sau khi biện pháp này được Hội đồng Hiến pháp Pháp thông qua và được ghi trong luật.

Những công nhân vệ sinh, những người đã chặn 3 nhà máy đốt rác và bãi chứa xe rác, nghỉ hưu sớm hơn hầu hết các ngành nghề khác, ở tuổi 57 do công việc nặng nhọc của họ, mặc dù nhiều người cũng làm việc lâu hơn để tăng lương hưu. Kế hoạch cải cách sẽ đẩy tuổi nghỉ hưu của họ lên 59.

Nhiều người đình công phản đối kế hoạch cải cách đã viện lý do lo ngại về sức khỏe nếu họ phải làm việc lâu hơn.

Hôm 28/3, trong một quyết định khiến nhiều cư dân Paris cảm thấy nhẹ nhõm, nghiệp đoàn CGT cứng rắn – đại diện cho các công nhân vệ sinh – đã thông báo rằng, cuộc đình công kéo dài 3 tuần sẽ “tạm dừng” kể từ 29/3 để bắt đầu quá trình dọn dẹp “núi rác”.

“Thật tốt khi rác được thu gom. Nó rất mất vệ sinh và một số cư dân đã gặp rắc rối với chuột. Nó có thể nguy hiểm nếu để quá lâu”, nghệ sĩ Gil Franco, 73 tuổi, cho biết.

Việc tạm dừng đình công, cùng với số lượng người biểu tình giảm dần, được một số người coi là khởi đầu cho sự kết thúc của làn sóng biểu tình phản đối cải cách hưu trí ở Pháp.

Các cuộc biểu tình hôm 28/3 ở Paris đã chứng kiến hàng chục vụ bắt giữ và bùng phát bạo lực, mặc dù có ít người hơn tham gia ngày hành động thứ 10 trên toàn quốc.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết, số lượng người biểu tình trên toàn quốc là 740.000 người hôm 28/3, giảm so với hơn 1 triệu người hôm 23/3 khi những người biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ vì chính phủ của Tổng thống Macron đã buộc thông qua kế hoạch cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện Pháp.

Đối với các nghiệp đoàn, công cuộc phản đối còn lâu mới kết thúc. Ngày hành động thứ 11 đã được lên kế hoạch vào ngày 6/4 tới

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang