EU: Giới trẻ chiếm trường học; Hạn hán nghiêm trọng; Lệnh cấm nhập ngũ cốc; Tăng sản xuất vũ khí; Ý cần 2 năm để bỏ dầu Nga

Giới trẻ châu Âu chiếm đóng trường học, kêu gọi các chính phủ chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch

(Ảnh minh họa).

Một làn sóng chiếm đóng trường học của học sinh, sinh viên đã làm tê liệt nhiều ngôi trường và đại học khắp châu Âu. Đây là một phần trong chiến dịch biểu tình của giới trẻ để phản đối các chính phủ không có động thái chống lại biến đổi khí hậu.

22 trường học và đại học trên khắp lục địa này đã bị chiếm đóng, dự kiến chiến dịch này sẽ kéo dài một tháng.

Tại Đức, các đại học bị chiếm đóng nằm ở Wolfenbüttel, Magdeburg, Münster, Bielefeld, Regensburg, Bremen và Berlin. Ở Tây Ban Nha, các sinh viên chiếm đóng Đại học tự trị Barcelona đã tổ chức các buổi nói chuyện về khủng hoảng khí hậu. Tại Bỉ, 40 sinh viên chiếm đóng Đại học Ghent. Ở Cộng hòa Séc, khoảng 100 sinh viên cắm trại bên ngoài Bộ Thương mại và Công nghiệp. Ở Anh, cuộc biểu tình diễn ra ở các trường Đại học Leeds, Exeter và Falmouth.

Những hành động quyết liệt nhất diễn ra ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Tại đây các thanh thiếu niên chiếm giữ bảy ngôi trường và hai trường đại học. Vào thứ Năm vừa qua, các học sinh chiếm đóng đã buộc một trường cấp ba đóng cửa tới ngày thứ ba, trong khi các sinh viên thuộc khoa Nhân văn của Đại học Lisbon đã tự dựng rào chắn tại văn phòng khoa.

Những người trẻ tuổi đã phong tỏa một số đường phố ở thủ đô của Bồ Đào Nha để thể hiện sự ủng hộ với các cuộc chiếm đóng. Hành động quyết liệt này diễn ra bất chấp những phản ứng gay gắt từ phía giáo viên tại một trường học, khi họ gọi cảnh sát tới trục xuất những học sinh bắt đầu cuộc chiếm đóng vào tuần trước.

Các cuộc phong tỏa và chiếm đóng là một phần của chiến dịch kéo dài với lời kêu gọi từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Tuyên bố này đẩy phong trào khí hậu của thanh niên, khởi nguồn từ năm 2019 - đi xa hơn nữa: chiếm đóng thay vì bãi khóa và chấm dứt nền kinh tế sử dụng năng lượng hóa thạch thay vì “lắng nghe khoa học”.

Đây là lần thứ hai chiến dịch kêu gọi làn sóng chiếm đóng. Giữa tháng Chín và tháng Mười hai năm ngoái, 50 trường học và trường đại học bị chiếm đóng, trong đó có ba trường hợp những người chiếm đóng bị cảnh sát chống bạo động cưỡng chế trục xuất. Những người tổ chức tuyên bố làn sóng biểu tình trước đã thúc đẩy trường Đại học tự trị Barcelonacung cấp một học phần bắt buộc về tình trạng khẩn cấp của khí hậu và sinh thái cho tất cả sinh viên.

Họ hy vọng làn sóng mới nhất sẽ mang lại không khí sục sôi của tháng 5/1968, khi các cuộc biểu tình chống chủ nghĩa đế quốc do sinh viên Paris lôi kéo đượcsự tham gia của công nhân đình công và thúc đẩy một làn sóng nổi dậy trên khắp châu Âu.

Những người dẫn đầu chiến dịch chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu với việc học sinh, sinh viên chiếm đóng trường học và đại học, song chúng tôi cần mọi thành phần trong xã hội cùng chung tay thực hiện hành động triệt để nhằm chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chỉ khi có một phong trào rộng khắp gồm mọi tầng lớp xã hội đều tham gia và nhận trách nhiệm ngăn chặn kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, thì chúng ta mới thực sự thay đổi được hệ thống”.

Họ tiếp tục kêu gọi giới trẻ ở mọi nơi trên thế giới cùng tham gia phong tràocho tới khi thắng lợi.

(Nguồn: Khoa học & Phát triển)

Châu Âu đối mặt đợt hạn hán nghiêm trọng

Châu Âu đang chuẩn bị đối mặt một đợt hạn hán sau một mùa đông với lượng mưa và tuyết hạn chế.

Tình huống tồi tệ

Nhiều quốc gia đang chờ đợi tình huống của mùa hè năm ngoái lặp lại, và có thể còn tồi tệ hơn.

“Hồ chứa quan trọng phục vụ hàng triệu người dân Catalonia (Tây Ban Nha) đang bị cạn kiệt. Một cuộc xung đột về nước đã xảy ra ở Pháp, nơi một số ngôi làng không thể cung cấp đủ nước cho cư dân. Và mực nước của con sông lớn nhất Italy đã xuống thấp như hồi tháng 6 năm ngoái” - ấn bản Politico gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Một nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh xác nhận rằng châu Âu đã phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng kể từ năm 2018. Ngay cả khi lượng mưa vẫn như trước đây thì biến đổi khí hậu vẫn sẽ làm giảm lượng nước sẵn có ở tất cả các vùng của châu Âu.

Bài báo lưu ý: “Nhiệt độ tăng cao khiến tình trạng khan hiếm nước trở nên khó khắc phục hơn, việc tiếp cận nguồn nước ở châu Âu sẽ ngày càng trở nên mong manh”.

Theo các chuyên gia, để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn khi hàng năm thiếu nước ngầm nghiêm trọng, châu Âu sẽ cần đến "một thập kỉ mưa lớn", tuy nhiên, theo dự báo của dịch vụ khí tượng Đức, lượng mưa ở châu Âu chỉ có giảm.

Mùa hè năm ngoái, việc hạn chế sử dụng nước đã được áp dụng ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italy. Các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả những cơn mưa mùa xuân cũng không loại bỏ được tình trạng thiếu nước ngầm đang diễn ra ở châu Âu.

Hạn hán năm ngoái đã làm cạn kiệt các hồ chứa nước trên mặt đất cũng như dưới lòng đất, và mùa đông thì lại ít tuyết, không như mong đợi. Vì vậy, đó là đợt khô hạn nhất trong 60 năm qua ở Pháp. Còn đến năm 2050, lượng nước ở Tây Ban Nha và Pháp có thể giảm tới 40%.

Hạn hán thành tranh chấp chính trị

Chính phủ các nước đang cố gắng giải quyết vấn đề thiếu nước, tuy nhiên, như Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã nói, hạn hán sẽ trở thành một trong những tranh chấp chính trị và lãnh thổ trọng tâm ở nước này trong tương lai gần.

Theo các chuyên gia, năm nay có tới 4 khu vực sẽ phải “xóa sổ” một số loại cây ngũ cốc và có thể “tạm biệt gần như toàn bộ vụ thu hoạch ô liu”.

Ở miền nam nước Đức, tranh chấp pháp lí về nước đã tăng gấp đôi trong hai thập kỉ qua, và ở Pháp, căng thẳng giữa các nhà bảo vệ môi trường và nông dân về việc xây dựng hồ chứa vào tháng trước đã gây ra các cuộc đụng độ dữ dội.

Chiến lược quốc gia mới về quản lý nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm mục đích giảm tổng lượng nước tiêu thụ xuống 10% vào cuối thập kỉ này.

Chiến lược của Đức bao gồm các bước để đảm bảo sử dụng nước "bền vững" ở 10 tỉnh vào năm 2050, cũng như danh sách 78 biện pháp sẽ được thực hiện vào năm 2030.

Bài báo viết: “Quản lí tài nguyên nước và quyết định ai sẽ được tiếp cận với chúng đang trở thành một vấn đề chính trị trên khắp lục địa”.

Theo nhà nghiên cứu hàng đầu của Đài quan sát địa vật lí chính, tiến sĩ Andrei Kiselev, những năm gần đây đã chỉ ra rằng hạn hán đã trở thành một yếu tố nghiêm trọng.

“Vấn đề không chỉ là con người phải chịu nắng nóng cao, tỉ lệ tử vong và bệnh tật cao hơn, mà các con sông trở nên cạn, và trong số những thứ khác, đây là các tuyến đường hậu cần.

Việc vận chuyển hàng hóa dọc theo các con sông của châu Âu thực sự bị dừng lại, điều đó có nghĩa là các mối quan hệ kinh tế đang bị phá vỡ. Đây là một vấn đề lớn đối với châu Âu và không chỉ đối với nó.

Ngoài ra, còn có thêm rủi ro đối với nông nghiệp - thủy lợi, nhiệt độ cao. Hạn hán chỉ là một loại rủi ro. Còn có một tác động kết hợp giữa nắng gió và hạn hán. Nguy cơ hỏa hoạn tăng lên và nếu gió mạnh lên, ngọn lửa sẽ lan sang các khu vực khác.

Không thể tác động đến hệ thống khí hậu trong thời gian ngắn, bởi nó mang tính quán tính: Hôm nay ta làm gì thì ngày mai ta cũng không cảm nhận được kết quả, mà phải trải qua một khoảng thời gian tương đối lâu.

Cần phải nghiên cứu kinh nghiệm của những nước láng giềng, nhưng ngày nay chưa có biện pháp hiệu quả nào có thể giúp đối phó với những hiện tượng như vậy. Nó phát triển theo thời gian.

Cách đây một thời gian, có lũ lụt ở Đức, Cộng hòa Czech và Hà Lan. Nhưng Amsterdam có kinh nghiệm hàng thế kỉ trong việc xử lý yếu tố nước nên thiệt hại ít hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Theo thống kê, các tình huống bất thường về thời tiết và khí hậu đang trở nên thường xuyên hơn. Có những lí do để nghĩ rằng có điều gì đó tương tự có thể xảy ra, đặc biệt là trong điều kiện mùa đông có ít tuyết. Không ai có thể đưa ra đảm bảo, nhưng triển vọng thì đã được vạch ra.

Cần phải lưu ý đến tính không đồng nhất của khí hậu ở châu Âu, điều đó có nghĩa là các vấn đề về kinh tế và chính trị xã hội ở các nơi đó sẽ khác nhau.

Vùng Scandinavia là nơi mát mẻ hơn, có nhiều hồ, có nhiều khả năng được hưởng lợi từ điều này. Các lớp băng vĩnh cửu có thể sẽ bắt đầu tan chảy và nước sẽ đến, còn ở Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp sẽ gặp khó khăn hơn.

(Nguồn: Lao Động)

Lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của EU gây sốc cho nông dân Ukraine

(Ảnh minh họa).

Ba Lan và các quốc gia thành viên EU khác đã đóng cửa biên giới với ngũ cốc của Ukraine, đẩy nông dân Ukraine vào tình trạng khó khăn và bấp bênh về tài chính.

Theo báo Deutsche Welle (Đức) ngày 7/5, khi doanh nhân nông nghiệp Ukraine Mykola Olytskyy hợp tác với một thương nhân thu mua ngũ cốc ở Ba Lan vào tháng 12 năm ngoái nhờ quen biết lẫn nhau, ông Olytskyy cảm thấy có một tia hy vọng.

Ông Olytskyy điều hành một doanh nghiệp nông nghiệp ở Novolabun, thuộc vùng Khmelnytskyi phía Tây Ukraine, nơi trồng lúa mì, ngô và lúa mạch. Ông Olytskyy hy vọng việc bán ngũ cốc cho thị trường Ba Lan sẽ mang lại sự đảm bảo về tài chính.

Ông Olytskyy nói: “Việc bán hàng đến Ba Lan là cơ hội duy nhất để tạo ra lợi nhuận dù là nhỏ nhất. Nhờ các đối tác Ba Lan thu gom ngũ cốc ở biên giới, chúng tôi kiếm được 187 USD mỗi tấn".

Một thỏa thuận được Ukraine và Nga ký vào năm ngoái, do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, về hành lang ngũ cốc ở Biển Đen đã được thực hiện không triệt để. Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua đường biển đã nhiều lần đi vào bế tắc. Điều này đã khiến giá ngũ cốc của Ukraine dao động đáng kể.

Việc vận chuyển ngũ cốc quy mô lớn từ Ukraine đến EU chỉ có thể thực hiện được sau khi xung đột với Nga nổ ra. Chỉ hơn một năm trước, Brussels đã bãi bỏ thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine như một dấu hiệu của sự đoàn kết và là một nỗ lực để vực dậy nền kinh tế của Ukraine.

Tuy nhiên, vào ngày 7/4/2023, Ba Lan đã đơn phương áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với ngũ cốc của Ukraine sau các cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân ở Ba Lan vì giá giảm, mặc dù chính sách thương mại thường là đặc quyền của Brussels. Lệnh cấm này cũng nhanh chóng được áp dụng bởi Hungary, Slovakia, Bulgaria và cả Romania.

Đầu tháng này, Ủy ban châu Âu đã chính thức hóa lệnh cấm trên, được áp dụng từ ngày 2/5 đến ngày 5/6 tới. Theo quy định mới, Kiev vẫn có thể sử dụng “thủ tục quá cảnh hải quan chung” để xuất khẩu ngũ cốc sang các nước EU khác hoặc bên ngoài khối, nhưng không thể bán các mặt hàng này cho 5 quốc gia trên.

Doanh nhân Olytskyy cho biết: “Thương nhân Ba Lan đã trả nhiều hơn khoảng 8,41 USD mỗi tấn so với các thương nhân Ukraine thu mua ngũ cốc đến cảng Odesa để xuất khẩu. Họ thanh toán bằng ngoại tệ, đây rõ ràng là một lợi thế và xuất khẩu sang Ba Lan là một nguồn thu nhập đáng tin cậy đối với chúng tôi".

Nhưng khi Ba Lan và các nước láng giềng khác ngừng nhập khẩu ngũ cốc, đây là một cú sốc đối với nông dân Ukraine. Ông Olytskyy bày tỏ sự thất vọng: "Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ to lớn mà Ba Lan đã cung cấp cho chúng tôi trong những thời điểm xung đột khó khăn này, nhưng bước đi trên giống như một 'nhát dao đâm sau lưng'".

Ngay sau khi Ba Lan đóng cửa biên giới với ngũ cốc Ukraine, những người thu mua trung gian Ukraine đã hạ giá. Ông Olytskyy hiện chỉ thu được số tiền khoảng 165 USD mỗi tấn. Do lệnh cấm nhập khẩu của EU, 12 đến 15 triệu tấn ngũ cốc từ vụ thu hoạch năm ngoái sẽ vẫn còn trong các kho chứa của Ukraine, Pavlo Martyshev, giảng viên của Trường Kinh tế Kiev dự báo.

"Điều này sẽ ảnh hưởng khá nặng nề đến nông dân Ukraine vì dự trữ tài chính của họ từ năm 2021 đã được sử dụng hết trong năm đầu tiên của cuộc xung đột. Bây giờ họ không có tiền", ông Martyshev nói.

Theo ông Martyshev, nền kinh tế tổng thể của Ukraine cũng đang bị ảnh hưởng vì phần lớn ngành công nghiệp phía đông của nước này đã bị phá hủy do xung đột. Kết quả là, "tỷ trọng xuất khẩu nông sản tăng từ 40 lên hơn 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, vì vậy hai phần ba thu nhập ngoại hối của Kiev hiện phụ thuộc vào ngành này".

Đối với nông dân Ukraine, sự không chắc chắn trong mối quan hệ với các đối tác kinh doanh châu Âu thậm chí còn tồi tệ hơn những tổn thất tài chính hiện tại, Phó Chủ tịch Hội đồng nông nghiệp Ukraine, Denys Marchuk, cho biết.

"Nông dân của chúng tôi sản xuất ngũ cốc với giá cạnh tranh bất chấp xung đột, nhưng để chắc chắn, họ cần biết những quy tắc nào sẽ chi phối thị trường châu Âu", ông Marchuk nêu rõ, bày tỏ hy vọng Ủy ban châu Âu sẽ ngăn chặn các quốc gia riêng lẻ phá hoại các quy tắc thương mại chung trong tương lai.

Theo nhà phân tích kinh tế Martyshev, căng thẳng với EU trong lĩnh vực xuất khẩu ngũ cốc sẽ càng làm suy yếu Ukraine. Điều này có nghĩa là Ukraine càng phụ thuộc nhiều hơn vào sáng kiến ​​ngũ cốc ở Biển Đen đã được thống nhất với Nga.

Để gia hạn thỏa thuận, Nga đang gây áp lực để đạt được nhượng bộ chính trị. "Moskva thấy được điểm yếu của Kiev và chỉ nói về việc gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày", ông Martyshev nói. Trong khi đó, các thương nhân Ukraine phàn nàn rằng sự không chắc chắn này đang làm tăng chi phí bảo hiểm rủi ro và dẫn đến ít hợp đồng mua hàng hơn.

(Nguồn: Soha)

EU có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất vũ khí

Ngày 6/5, Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các kế hoạch nhằm hỗ trợ sản xuất đạn dược. Khoản tiền 500 triệu euro mà EU đang đặt lên bàn đàm phán sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư nhằm thúc đẩy sản xuất vũ khí trong khối để hỗ trợ Ukraine và bổ sung kho vũ khí trong khối.

Điều này xảy ra sau nhiều thập kỷ các nước châu Âu không đầu tư nhiều vào việc sản xuất vũ khí trong nước.

Với ngân sách 500 triệu euro, mục tiêu trong kế hoạch mới nhất của Ủy ban EU là đồng tài trợ các dự án cho ngành công nghiệp quốc phòng và cố gắng củng cố uy tín địa chính trị của khối.

"Đạo luật hỗ trợ sản xuất đạn dược này nhằm mục đích củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng châu Âu để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Tuy nhiên về lâu dài, để đáp ứng những thách thức an ninh mới ở châu Âu, tất cả các quốc gia thành viên, ở một mức độ cao, cần phải cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của họ", Ủy viên châu Âu về Thị trường nội bộ Thierry Breton cho biết.

(Nguồn: Công Lý)

Italy cần 2 năm để từ bỏ khí đốt Nga

(Ảnh minh họa).

Loại bỏ hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi vì Italy đã “bỏ bê” sản xuất trong nước trong gần 8 năm.

Italy sẽ có thể chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga chỉ trong khoảng 2 năm, ông Claudio Descalzi, CEO của Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Eni có trụ sở tại Rome, nói với nhật báo La Stampa.

Cho đến nay, Rome đã xoay sở để thay thế một phần khí đốt tự nhiên từ Nga bằng nhiên liệu từ các nhà cung cấp khác, ông Descalzi nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ nhật báo Italy.

Ông cũng cho biết thêm rằng khoảng 3/4 trong tổng số 40 triệu m3 khí đốt từ Nga hiện đã được thay thế bằng nguồn cung từ các nơi khác.

Theo vị CEO, loại bỏ hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga tất nhiên không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi vì Italy đã không chú trọng đầu tư vào sản xuất trong nước trong gần 8 năm.

“Trên hết, trong những tháng này, chúng tôi đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, loại bỏ sự phụ thuộc gây nguy hiểm cho sự ổn định của nguồn cung và giá cả”, ông Descalzi nói và nhận định rằng ông không mong đợi bất kỳ “cú sốc lớn” nào trên thị trường năng lượng trong năm nay.

CEO của Eni cho rằng Italy đạt được tiến bộ trong việc thay thế các nguồn cung từ Nga một phần là nhờ mối quan hệ lịch sử của Italy với các quốc gia như Ai Cập, Angola, Algeria, Congo, Mozambique, cũng như Libya - nơi Eni đang tiếp tục vận hành và sản xuất 70% khí đốt cho thị trường trong nước.

Italy phụ thuộc vào nhập khẩu gần 75% năng lượng. Trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2/2022, quốc gia Nam Âu nhận 40% lượng khí đốt từ Nga. Do các lệnh trừng phạt đối với Moscow và vụ nổ đường ống Nord Stream 1, lượng nhập khẩu của Italy đã sụt giảm mạnh.

Vào tháng 10 năm ngoái, Eni cho biết, khí đốt Nga chỉ chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu của Italy. Để đa dạng hóa nguồn cung, Chính phủ Italy và Eni đã đồng ý tăng nhập khẩu từ các nước châu Phi.

Dữ liệu chính thức được công bố vào đầu năm nay cho thấy Italy hiện nhập khẩu khí đốt từ Algeria nhiều gấp đôi so với từ Nga

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang