- Thời sự
- EU
Tuyết rơi đầu mùa tại nhiều nước châu Âu đã khiến giao thông rơi vào tình trạng hỗn loạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng triệu người dân.
Tại Pháp, khoảng 10% chuyến bay tại sân bay Charles-de-Gaulle đã bị hủy. Nhiều hành khách phải thay đổi kế hoạch di chuyển vì tuyết rơi dày và gió mạnh. Ở Anh, đợt tuyết đầu mùa cũng gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Nhiều chuyến tàu bị hủy, hàng trăm trường học phải đóng cửa trên toàn quốc.
Cơ quan khí tượng Anh đã đưa ra cảnh báo về tuyết và băng, nhấn mạnh các nguy cơ mất điện, xe cộ mắc kẹt, và thậm chí là các khu vực nông thôn có thể bị cô lập. Tại Phần Lan, trận bão tuyết đầu tiên trong năm đã gây thiệt hại lớn, khiến 80.000 hộ gia đình rơi vào cảnh mất điện và làm gián đoạn nghiêm trọng giao thông trong khu vực.
Tuyết rơi đầu mùa, trong khi là niềm vui của một số người yêu thích cảnh đẹp mùa đông, lại trở thành nỗi lo lắng lớn đối với các ngành giao thông vận tải và hàng triệu người dân châu Âu.
Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.
Áp lực gia tăng từ khủng hoảng năng lượng
Từ sau cú sốc năng lượng lớn cách đây hai năm, thị trường khí đốt châu Âu vẫn đang vật lộn để phục hồi. Bloomberg nhận định, giá khí đốt đã tăng tới 45% trong năm nay, phần lớn do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine. Dù giá hiện tại vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2022, nhưng đủ cao để đẩy mạnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và gia tăng áp lực lên các nhà sản xuất.
Tiến sĩ Markus Krebber, Giám đốc điều hành của RWE AG (một trong những công ty năng lượng lớn nhất châu Âu), nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn gặp vấn đề với nguồn cung khí đốt. Nếu muốn hoàn toàn độc lập khỏi khí đốt Nga, chúng ta cần tăng cường năng lực nhập khẩu”.
Lời cảnh báo của ông Krebber được đưa ra trong bối cảnh kho dự trữ khí đốt của châu Âu đang cạn kiệt nhanh chóng, do nhu cầu sưởi ấm tăng cao trong mùa đông, cộng với việc thiếu gió làm giảm sản lượng điện từ năng lượng tái tạo.
Tuần này, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Gazprombank, một ngân hàng chính của Nga tham gia vào các giao dịch liên quan đến năng lượng và cũng là kênh kết nối cuối cùng giữa Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Động thái này có nguy cơ làm gián đoạn những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga qua đường ống. Các nhà phân tích tại Energy Aspects, cảnh báo: “Mất đi một trong những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga sẽ gia tăng áp lực lên thị trường và đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao hơn nữa”.
Hungary, quốc gia thường xuyên phản đối các biện pháp trừng phạt mạnh tay với Nga, đã chỉ trích quyết định của Mỹ. Chính phủ Hungary tuyên bố rằng trừng phạt Gazprombank là hành động đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng của nhiều quốc gia châu Âu.
Thủ tướng Viktor Orbán nhiều lần cảnh báo rằng những biện pháp này không chỉ làm tổn hại kinh tế Nga mà còn gây thiệt hại nặng nề cho chính các nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Hungary hiện vẫn duy trì hợp đồng nhập khẩu khí đốt dài hạn với Gazprom, giúp nước này có được nguồn cung ổn định trong khi nhiều quốc gia châu Âu phải tìm kiếm nguồn thay thế đắt đỏ hơn.
Ngày 23/11, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đã bày tỏ quan ngại về quyết định của Mỹ khi đưa Gazprombank vào danh sách trừng phạt.
Theo ông Szijjarto, quyết định này có thể làm gia tăng khó khăn cho một số quốc gia Trung Âu, trong đó có Hungary, trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Szijjarto nhận định: “Việc đưa Gazprombank vào danh sách trừng phạt là một quyết định gây áp lực không cần thiết lên một số quốc gia Trung Âu và có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an ninh nguồn cung năng lượng”. Ông khẳng định Hungary luôn coi việc bảo vệ an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu và sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định cho quốc gia.
Thời điểm mùa hè thường là lúc giá khí đốt giảm để các nước bổ sung kho dự trữ, nhưng giá hiện tại lại cao hơn cả mức dự báo cho mùa đông sắp tới. Điều này khiến việc tích trữ trở nên ngày càng khó khăn và đắt đỏ, trong khi mùa đông lạnh giá khiến tiêu thụ khí đốt tăng cao.
Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các kế hoạch nhằm giảm phụ thuộc năng lượng Nga, nhưng khối này vẫn là một trong những khách hàng lớn nhất của Nga về nhiên liệu hóa thạch. Tình hình hiện tại đặt châu Âu trước những thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh mùa đông đang đến gần.
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu không chỉ là bài toán về cung và cầu, mà còn phản ánh rõ nét những mâu thuẫn trong chính sách năng lượng của khối này. Trong khi các nước lớn như Đức, Pháp thúc đẩy năng lượng tái tạo, một số quốc gia như Hungary lại duy trì phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và mối quan hệ với Nga.
Dù vậy, một điều rõ ràng là giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, đẩy mạnh các áp lực kinh tế và xã hội tại châu Âu. Liệu EU có tìm được tiếng nói chung để giải quyết khủng hoảng hay không vẫn còn là câu hỏi lớn.
Nhà sản xuất pin xe điện Northvolt của Thụy Điển đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ vào hôm 21-11. Một ngày sau đó, nhà đồng sáng lập và CEO Peter Carlsson của công ty này cũng đã quyết định từ chức.
Khó khăn của Northvolt - công ty được xem như niềm hy vọng của châu Âu trong việc xây dựng một "người khổng lồ" sản xuất pin xe điện nội địa - là một bước lùi lớn với tham vọng điện khí hóa của châu lục này.
Cạnh tranh nghẹt thở từ Trung Quốc
Kể từ khi thành lập vào năm 2016, Northvolt đã phát triển mạnh mẽ và nhận được hàng tỉ USD đầu tư cũng như đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất ô tô hàng đầu như Volkswagen hay Volvo, khi các ông lớn của châu lục này chuyển từ xe động cơ đốt trong sang xe điện.
Tuy nhiên, nhà sản xuất pin xe điện có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển) đã chịu ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc. Khó khăn của Northvolt cũng là tình cảnh chung của ngành sản xuất pin xe điện ở Mỹ và châu Âu trước những đối thủ như CATL hay BYD.
Theo tờ New York Times, pin Trung Quốc chiếm lợi thế nhờ thị trường nội địa lớn, khi xe điện chiếm tới 50% doanh số bán ô tô mới. Trong khi đó, thị trường xe điện ở châu Âu lại khá ảm đạm. Theo Liên minh châu Âu (EU), nhu cầu xe điện chỉ tăng 1,3% trong nửa đầu năm 2024, giảm so với mức 14,6% vào năm ngoái.
Bước lùi ở châu Âu càng làm nổi bật vai trò của Trung Quốc trong ngành sản xuất xe điện. CATL hiện đã là nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới. Có ý kiến tin rằng cạnh tranh về pin xe điện với Trung Quốc là sai lầm vì nước này đã có lợi thế dẫn đầu trong ngành từ lâu với trợ cấp từ chính phủ.
"Các nhà đầu tư và chính phủ lẽ ra nên tập trung nguồn lực vào các công nghệ pin mới có thể mang lại lợi thế cạnh tranh", bà Celina Mikolajczak - giám đốc công nghệ pin của Lyten, một công ty đang phát triển pin sử dụng lưu huỳnh chi phí thấp thay cho các kim loại đắt đỏ như nickel và cobalt - nhận định.
"Vấn đề lớn nhất là pin không dễ sản xuất và Northvolt chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp của khách hàng. Đó là vấn đề về quản lý. Người Trung Quốc đang đi trước phương Tây 10 năm về công nghệ pin. Đó là sự thật" - ông Andy Palmer, người sáng lập Công ty tư vấn Palmer Automotive, nói với Hãng tin Reuters.
Đã có ít nhất 8 công ty đã hoãn hoặc hủy bỏ dự án về pin xe điện ở châu Âu, bao gồm Svolt của Trung Quốc và liên doanh ACC do Stellantis và Mercedes-Benz dẫn đầu, cho thấy sự suy giảm trong ngành ở châu lục này.
Giám đốc chiến lược Patrik Andreasson của Northvolt đã cảnh báo rằng châu Âu và Mỹ có nguy cơ tụt hậu về công nghệ xe điện.
"Càng chậm chuyển đổi sang xe điện hoàn toàn thì châu Âu và Bắc Mỹ càng nhường lại nhiều thị trường cho các đối thủ, chủ yếu là Trung Quốc", ông nói vào tháng 8.
Tiếp tục niềm hy vọng của châu Âu
Trong những tháng gần đây, Northvolt đã phải thu hẹp quy mô kinh doanh và cắt giảm việc làm. Vào tháng 6, BMW đã hủy hợp đồng trị giá 2,1 tỉ USD với nhà sản xuất pin xe điện này. Sau đó vào tháng 8, công ty tuyên bố đóng cửa trung tâm nghiên cứu và phát triển gần San Francisco, đồng thời hợp nhất việc phát triển pin thế hệ mới tại Thụy Điển.
Theo Đài CNBC, trong một tuyên bố, Northvolt cho biết việc nộp đơn xin bảo hộ hôm 21-11 là căn cứ theo chương 11 trong Luật Phá sản của Mỹ. Mục đích của việc này nhằm tái cấu trúc nợ, thu hẹp quy mô và đảm bảo nền tảng cho hoạt động trong tương lai.
Northvolt cho biết công ty sẽ tiếp tục hoạt động bình thường trong quá trình tái cấu trúc, dự kiến hoàn tất vào quý 1-2025.
"Ngày hôm nay (21-11) đánh dấu một giai đoạn mới quan trọng cho Northvolt cũng như cá nhân tôi. Việc nộp đơn bảo hộ theo chương 11 cho phép công ty có thời gian để tái tổ chức, tăng cường hoạt động trong khi vẫn thể hiện được sự tôn trọng với khách hàng và nhà cung cấp, đồng thời định vị công ty trong dài hạn. Đây là thời điểm phù hợp để tôi chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo", ông Peter Carlsson tuyên bố.
Ông Carlsson, đồng sáng lập và lãnh đạo công ty kể từ năm 2016, sẽ đảm nhận vai trò cố vấn cấp cao và vẫn là thành viên hội đồng quản trị của Northvolt.
"Bước đi quyết đoán này sẽ cho phép Northvolt tiếp tục sứ mệnh thiết lập nền tảng công nghiệp nội địa châu Âu cho sản xuất pin" - ông Tom Johnstone, chủ tịch lâm thời của hội đồng quản trị công ty này, nhấn mạnh.
Một số quốc gia châu Âu đang có biện pháp ngăn chặn tình trạng nguồn nhân lực chất lượng cao chuyển tới các nước giàu có với mức lương cao hơn trong khối.
Gần đây, kỹ sư hàng không vũ trụ Pedro Monteiro có kế hoạch chuyển từ Bồ Đào Nha đến các nước láng giềng châu Âu giàu hơn để tìm kiếm một công việc được trả lương cao sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Lisbon.
Nhưng các khoản giảm thuế do Chính phủ Bồ Đào Nha đề xuất cho lao động trẻ lên đến mức miễn thuế thu nhập tạm thời 100% trong một số trường hợp cùng với sự hỗ trợ về nhà ở khiến anh phải suy nghĩ lại.
"Các chính phủ trước đã không để tâm tới người trẻ. Đất nước cần chúng tôi và chúng tôi muốn ở lại nhưng cần thấy những dấu hiệu từ chính phủ thể hiện, họ đang thực hiện các chính sách có thể giúp ích cho chúng tôi", anh Monteiro, 23 tuổi cho biết.
Monteiro liệt kê những vấn đề mà anh và nhiều người đang phải đối mặt: Giá thuê hoặc mua nhà ngày càng tăng cao do sự xuất hiện của người nước ngoài giàu có đổ xô tới Bồ Đào Nha do các chính sách cư trú dễ dàng cùng các khoản giảm thuế. Anh hoài nghi liệu các biện pháp mới của Chính phủ có đủ để giải quyết vấn đề này.
“Bạn của tôi đang làm việc ở nước ngoài và kiếm được đáng kể cùng với cơ hội phát triển sự nghiệp tốt hơn. Tôi hoài nghi về cơ hội việc làm của mình ở Bồ Đào Nha", anh nói.
Bồ Đào Nha là quốc gia mới nhất ở châu Âu tìm cách giải quyết tình trạng “chảy máu” chất xám đang ảnh hưởng tới nền kinh tế. Các khoản giảm thuế cho lao động trẻ đang được Quốc hội thông qua, dự kiến có hiệu lực năm 2025. Chính sách có thể mang lại lợi ích cho 400.000 người trẻ với chi phí hàng năm là 525 triệu euro.
Sự di cư của nhóm lao động chất lượng cao đến các quốc gia giàu có hơn ở phía bắc là vấn đề mà Bồ Đào Nha cùng một số quốc gia khác ở Nam và Trung Âu đang phải đối mặt. Người lao động tận dụng các quy tắc tự do di chuyển trong khối Liên minh châu Âu và không gặp phải rào cản trong việc chuyển nơi làm việc. Điều này đã buộc nhiều quốc gia phải có kế hoạch giữ chân người tài.
Theo tổ chức Đài quan sát di cư của Bồ Đào Nha, khoảng 2,3 triệu người sinh ra tại Bồ Đào Nha, tương đương 23% dân số đang sống ở nước ngoài, trong đó 850.000 công dân Bồ Đào Nha trong độ tuổi 15 - 39, tương đương khoảng 30% người Bồ Đào Nha trẻ tuổi và 12,6% dân số trong độ tuổi lao động.
Điều đáng lo ngại hơn là khoảng 40% trong số 50.000 người tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng kỹ thuật di cư ra nước ngoài mỗi năm, theo một nghiên cứu của Business Roundtable Portugal và Deloitte. Điều này khiến Bồ Đào Nha thiệt hại hàng tỷ euro do mất thuế thu nhập và đóng góp an sinh xã hội.
Di cư nội bộ trong EU một phần là do sự chênh lệch về tiền lương giữa các quốc gia thành viên. Một số người di cư vì lý do kinh tế cũng cho biết đang tìm kiếm các phúc lợi tốt hơn như lương hưu, chăm sóc sức khỏe cũng như môi trường làm việc.
Bà Eszter Czovek (45 tuổi) và chồng đã quyết định chuyển từ Hungary sang Áo, nơi người lao động kiếm được trung bình 40,9 euro/giờ so với 12,8 euro/giờ ở Hungary. Số lượng người Hungary sống tại Áo đã tăng lên 107.264 vào đầu năm 2024, so với con số 14.151 người vào thời điểm Hungary gia nhập EU.
Chồng của bà Czovek làm trong ngành xây dựng đã được mời tới Áo làm việc, trong khi bà đã làm việc trong ngành truyền thông và kế toán tại nhiều công ty đa quốc gia. Bà viện dẫn mức lương, lương hưu, điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe tốt hơn là động lực để chuyển đi.
Kể từ sau khi Anh rời EU, Hà Lan đã trở thành điểm đến ưa thích của nhân tài Bồ Đào Nha trong khi Đức và các nước Scandinavia cũng rất được ưa chuộng. Tại Bồ Đào Nha, họ phải đối mặt với mức thuế cao thứ 8 trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngay cả khi giá nhà tăng 186% và tiền thuê nhà tăng 94% kể từ năm 2015, theo các chuyên gia bất động sản Confidencial Imobiliario.
Theo Eurostat, một người độc thân ở Bồ Đào Nha kiếm được trung bình 16.943 euro sau thuế vào năm 2023 so với 45.429 euro ở Hà Lan. Với chính sách mới, Bồ Đào Nha sẽ miễn thuế cho người dưới 35 tuổi có thu nhập lên đến 28.000 euro/năm với mức miễn thuế 100% trong năm đầu tiên làm việc, dần giảm xuống mức 25% giữa năm thứ 8 và 10.
"Chúng tôi đang tạo ra giải pháp vững chắc nhằm giải quyết lý do chính khiến người trẻ rời đi", Bộ trưởng Nội các Bồ Đào Nha Antonio Leitao Amaro cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Ông Leitao Amaro không biết liệu các khoản giảm thuế có hiệu quả không và Bồ Đào Nha phải thử điều gì đó mới. "Nếu chúng ta không hành động một cách tham vọng, mọi thứ sẽ không thay đổi và Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục đi theo con đường này", ông nói.
Tại Italy, Chính phủ nước này đã nhận ra thực tế, các ưu đãi về thuế nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây tốn kém và dễ xảy ra gian lận. Hồi tháng 1, Italy đã bất ngờ cắt giảm chương trình hỗ trợ thuế ngay cả khi nó thu hút được những nhân viên công nghệ như cô Alessandra Mariani trở về nước.
Trước năm 2024, những người Italy trở về nước được giảm thuế 70% trong 5 năm, có thể gia hạn thêm 5 năm nữa trong một số trường hợp nhất định. Bây giờ, Italy có kế hoạch tung ra chương trình quy mô nhỏ hơn do đang thiếu nghiêm trọng giáo viên và nhà nghiên cứu.
Cô Mariani cho biết, các ưu đãi là điều thuyết phục cô quay trở lại Milan năm 2021, bởi nó cho phép cô duy trì mức sống tương tự như cô đã được hưởng ở London, Anh.
Hai tuyến cáp gần đường ống dẫn khí Nord Stream, gồm BCS East-West nối Litva với Thụy Ðiển và C-Lion1 nối Phần Lan với Ðức, đột nhiên bị gián đoạn vào ngày 17 và 18-11. Sự cố này khiến các nhà lãnh đạo châu Âu “đứng ngồi không yên”.
Mọi nghi ngờ về “bàn tay” đằng sau sự cố hiện đều đổ dồn về Yi Peng 3, tàu treo cờ Trung Quốc đã được phát hiện trong khu vực vào thời điểm 2 tuyến cáp bị đứt.
Theo dữ liệu theo dõi vệ tinh, tàu Yi Peng 3 trên đường từ thành phố Saint Petersburg (Nga) đến thủ đô Cairo (Ai Cập) đã di chuyển dọc theo tuyến cáp C-Lion1, sau đó đổi hướng, di chuyển gần cáp BCS East-West. Tương tự, dữ liệu tự động nhận dạng tàu thuyền AIS cũng phát hiện Yi Peng 3 qua lại địa điểm xảy ra đứt cáp trong khoảng một giờ vào sáng 18-11.
Như vậy, đây là lần thứ hai trong vòng khoảng 1 năm, một tàu chở hàng của Trung Quốc bị nghi làm hỏng cáp ngầm ở Biển Baltic. Trước đó, tàu container NewNew Polar Bear của Trung Quốc hồi tháng 10-2023 đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường sau khi kéo neo qua đường ống dẫn khí Balticonnector giữa Phần Lan và Estonia. Tàu này sau đó đi qua Vành đai vĩ đại (Ðan Mạch) rồi tiếp tục đi về phía Bắc dọc theo bờ biển Na Uy, từ đó đến bờ biển Bắc Cực (Nga). 2 tháng sau đó, phía Bắc Kinh thừa nhận tàu này đã mắc lỗi nhưng lại kết luận trong một cuộc điều tra rằng đó chỉ là một vụ tai nạn.
Bộ trưởng Quốc phòng Ðức Boris Pistorius trong một tuyên bố cho biết “không ai tin rằng những tuyến cáp này bị cắt đứt một cách tình cờ”. Theo ông Pistorius, sự cố này là hành vi tấn công hỗn hợp và đó là hoạt động “phá hoại”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và người đồng cấp Ðức Annalena Baerbock trong một tuyên bố chung cho hay họ “rất quan ngại” về sự cố này và nêu ra khả năng đây là một phần của “cuộc chiến tranh hỗn hợp”.
Basil Germond, chuyên gia về an ninh quốc tế và hàng hải tại Ðại học Lancaster (Anh) cũng có lo ngại tương tự. Theo ông Germond, Biển Baltic có thể trở thành chiến trường cho chiến tranh hỗn hợp, bởi đây “là một vùng biển rộng lớn, lỏng lẻo, rất khó giám sát và kiểm soát, cũng như rất khó để xác định các hành vi đáng ngờ và ngăn chặn các hoạt động ác ý”.
Về phần mình, Elisabeth Braw, nghiên cứu viên cấp cao của Hội đồng Ðại Tây Dương, cho rằng đây là điển hình về “chiến thuật vùng xám” nhưng nó phức tạp hơn, bởi thiệt hại trên được cho là do một tàu dân sự gây ra. Theo bà Braw, việc sử dụng chiến thuật vùng xám là một cách gây hại cho nước khác mà không phải sợ bị trả đũa. “Rõ ràng là Nga có lợi ích trong việc làm mất ổn định khu vực Biển Baltic bằng các biện pháp phi quân sự. Nếu Nga sử dụng các biện pháp quân sự, họ sẽ phải đối mặt với sức mạnh tập thể của NATO” - bà Braw cho hay. Tuy nhiên, bà bày tỏ lo ngại rằng việc ứng phó với những sự cố như thế này không hề đơn giản, bởi “nếu chúng ta làm gì đó về vấn đề này thì Nga và Trung Quốc sẽ coi đó là hành động leo thang và sẽ mạnh tay đáp trả”.
Trong bối cảnh đó, Cơ quan Công tố Thụy Ðiển đã mở một cuộc điều tra sơ bộ về nghi án phá hoại, trong khi Cục Ðiều tra Quốc gia Phần Lan cũng mở cuộc điều tra hình sự về các tội danh bị tình nghi là phá hoại và can thiệp nghiêm trọng vào thông tin liên lạc. Theo các đơn vị này, các tuyến cáp và đường ống thường được biểu thị một cách chi tiết trên các biểu đồ hàng hải nên gần như không có chuyện một con tàu vô tình cắt đứt không chỉ một mà là hai tuyến cáp.
Song, Christian Bueger, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Ðại học Copenhagen (Ðan Mạch) cho rằng việc ông Pistorius nói các sự cố trên là hoạt động “phá hoại” và việc ông gián tiếp ám chỉ Nga có khả năng đứng sau vụ việc là điều đáng ngạc nhiên và là điều quá sớm. “Ðiều đó hạn chế hành động ngoại giao của Ðức. Ðó là một tàu Trung Quốc chứ không phải tàu Nga. Ông Pistorius về cơ bản đang cáo buộc Trung Quốc thực hiện hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng của Ðức” - ông Bueger cho hay. Theo ông Bueger, mặc dù Trung Quốc không còn xa lạ với việc tiến hành các hoạt động hỗn hợp trên biển ở trong nước nhưng nếu Bắc Kinh làm điều tương tự ở vùng biển châu Âu thì “đó sẽ là hành động khiêu khích thực sự, thật đáng ngạc nhiên và chưa từng có”, qua đó cũng sẽ đánh dấu sự leo thang lớn trong căng thẳng ở Biển Baltic nói chung.
Nguồn: Hà Nội Online; Báo Tin Tức; Tuổi Trẻ; Dân Trí; Báo Cần Thơ
EU: Vụ gian lận thuế VAT; Dân quay lưng với Mỹ; Thách thức chờ Von der Leyen; Pháp gặp cú sốc ở Phi; Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa
EU: Giá khí đốt tăng; Tăng cường an ninh mạng; Mua sắm cuối năm gặp khó; ‘Né’ chiến tranh thương mại; Chính phủ Pháp bên bờ sụp đổ
EU: Mong muốn tự bảo vệ; Các thách thức kinh tế; Ngành pin xe điện lâm nguy; Ủng hộ thắt lưng buộc bụng; ‘Át chủ bài’ cuối cùng ở Kiev
EU: Ô nhiễm từ LNG; Cảnh báo bong bóng cổ phiếu AI; Tích cực thay thế LNG Mỹ; ‘Ủng hộ’ trái phiếu quốc phòng; Khó ‘gồng gánh’ Kiev
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá