EU: Giảm thiểu rác thải nhựa; Xe điện giữ phong độ; Xoay trục sang Trung Á; Vụ mưu sát rúng động; Canh bạc cuối của Rishi Sunak

CHÂU ÂU NỖ LỰC GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 23/5 thông báo đang điều tra Italy vì cho rằng nước này không thực hiện các hướng dẫn nhằm hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Italy là một trong những nước đầu tiên ủng hộ các nỗ lực của châu Âu nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do đồ nhựa sử dụng một lần, song trong những năm gần đây quốc gia này phản đối việc mở rộng các quy định liên quan.

Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) điều tra và phát hiện rằng các quy định của Italy về sản phẩm nhựa sử dụng một lần không tuân thủ các quy định của EU.

Sau đó, Italy chính thức "chuyển đổi" các quy định của EU về sản phẩm nhựa dùng một lần thành luật. Tuy nhiên, vấn đề này một lần nữa gây chú ý vào năm ngoái, khi Italy và Phần Lan cảnh báo sẽ nới lỏng các quy định của EU về bao bì nhựa dùng một lần.

Thông báo của EC cho biết Italy đã không thực hiện "đầy đủ và chính xác" các quy định về đồ nhựa sử dụng một lần, vốn được coi là đóng vai trò thiết yếu trong Chiến lược về nhựa và Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của EU.

Nội các Italy cùng ngày xác nhận đã nhận được thông báo điều tra của EC.

Theo EC, Italy có thời gian 2 tháng để khắc phục các vấn đề được nêu trong kế hoạch trên. Nếu không tuân thủ, quốc gia này có thể sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt của EC.

Một nghiên cứu quốc tế mới đây cho thấy hơn 50% ô nhiễm nhựa từ các sản phẩm có thương hiệu trên toàn cầu liên quan 56 công ty sản xuất.

Nghiên cứu được đăng trên trang chủ của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), theo đó 12 tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan khoa học quốc gia của Australia và CSIRO, đã lần đầu tiên đưa ra định lượng trách nhiệm đối với vấn đề ô nhiễm nhựa.

Dựa trên dữ liệu từ chương trình theo dõi rác thải nhựa kéo dài 5 năm tại 84 quốc gia trên thế giới, nghiên cứu chỉ ra công ty Coca-Cola của Mỹ là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất, chiếm 11% tổng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Tiếp theo là tập đoàn PepsiCo, chiếm 5%; Nestle của Thụy Sỹ và công ty thực phẩm Danone của Pháp đều chiếm 3%. Trong khi đó, 13 công ty khác gây ra ít nhất 1% ô nhiễm là nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống hoặc thuốc lá.

Nhìn chung, nghiên cứu chỉ ra rằng lượng ô nhiễm nhựa có thương hiệu và không thương hiệu ngoài môi trường ở mức gần tương đương nhau.

Trong thông cáo báo chí, nhà nghiên cứu Kathy Willis của tổ chức CSIRO nhấn mạnh, những phát hiện trên cung cấp hiểu biết mới về những sản phẩm nhựa thải ra môi trường và nêu bật tầm quan trọng của các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề sản phẩm nhựa dùng một lần.

Trong số các giải pháp có các thiết kế sản phẩm an toàn và bền vững giúp cắt giảm nhu cầu toàn cầu về sản phẩm mới và tăng khả năng tái sử dụng, sửa chữa, cũng như tái chế.

Nhà nghiên cứu Willis cũng kêu gọi các tiêu chuẩn quốc tế cải thiện việc xây dựng thương hiệu bao bì để tăng khả năng truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm giải trình về ô nhiễm nhựa.

Trong khi đó, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Đại học Toronto (Canada) gần đây công bố một nghiên cứu cho thấy hiện có tới khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm đang nằm sâu dưới đáy đại dương.

Nhóm các nhà nghiên cứu từ CSIRO và Đại học Toronto đã sử dụng hai mô hình dự đoán để ước tính số lượng và sự phân bố của rác thải nhựa dưới đáy biển. Nhà khoa học cấp cao Denise Hardesty tại CSIRO, người đã đóng góp cho nghiên cứu này, cho biết đây là ước tính đầu tiên trên thế giới về lượng rác thải nhựa dưới đáy đại dương và nơi nó tích tụ.

Theo bà Hardesty, mỗi năm lại có hàng triệu tấn rác thải nhựa được thải ra biển nhưng khó có thể đưa ra con số chính xác về số lượng rác thải nằm sâu dưới đáy đại dương. Vì vậy, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đáy đại dương đã trở thành nơi chứa hầu hết rác thải nhựa với số lượng ước tính từ 3 triệu tấn đến 11 triệu tấn.

Ước tính trên được đưa ra dựa trên dữ liệu từ các robot điều khiển từ xa (ROVs) và sử dụng những tấm lưới nặng được kéo dọc theo đáy đại dương. Theo dữ liệu từ ROV, khối lượng rác thải nhựa dưới đáy biển tập trung xung quanh các lục địa, với 46% trong tổng số lượng rác này nằm ở độ sâu hơn 200 m và 54% còn lại nằm ở độ sâu từ 200 m đến 11.000 m.

Theo UNEP, hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm, một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần, và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế. Theo ước tính, khoảng 19-23 triệu tấn rác thải nhựa đang đọng lại ở sông, hồ và biển.

Trước đó, các nước thành viên EU tháng 12/2023 đã ủng hộ thực hiện luật mới về giảm thiểu rác thải bao bì, đồng thời nhất trí xây dựng những quy định riêng có liên quan cho những sản phẩm đặc thù.

Luật về rác thải bao bì được EC công bố hồi năm 2022 trong nỗ lực kiềm chế lượng rác thải bao bì đã gia tăng tới 20% trong một thập kỷ qua tại EU. Đây là hệ lụy từ hoạt động mua sắm trực tuyến và thói quen mua hàng "gói và mang đi".

Các quốc gia EU đều nhất trí ủng hộ một số mục tiêu chính trong luật mới, trong đó có quy định toàn bộ bao bì đóng gói sản phẩm đều phải được thiết kế để có thể tái chế vào năm 2030.

Bên cạnh đó, các quốc gia EU ủng hộ đề xuất loại bỏ những loại túi nilon, nhựa sử dụng một lần như túi mỏng đựng trái cây và rau quả, chai lọ mini đựng dầu gội đầu, các loại đĩa, cốc và hộp dùng một lần sử dụng phục vụ đồ ăn uống tại nhà hàng phục vụ thức ăn nhanh.

Các quốc gia EU cũng cho rằng nên được trao quyền quyết định đối với một số trường hợp ngoại lệ trong những ngành đặc thù như rau quả hữu cơ. Trong khi đó, Nghị viện châu Âu ủng hộ một số miễn trừ đối với các mục tiêu như tái sử dụng bao bì ngành rượu vang... Mặc dù vậy, một số quốc gia EU, trong đó có Phần Lan, bày tỏ phản đối do lo ngại quy định này sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất giấy và công nghiệp bột giấy.

Ủy viên phụ trách môi trường EU Virginijus Sinkevicius nhấn mạnh tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề rác thải bao bì. Quan chức này gọi việc rác thải bao bì tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là điều "không thể chấp nhận". Trung bình mỗi người dân châu Âu thải ra gần 180kg rác thải bao bì/năm.

Bao bì là một trong những ngành chính ngốn nhiều nguyên liệu thô nhất của EU khi có khoảng 40% tổng lượng nhựa và 50% tổng lượng giấy sử dụng trên toàn EU là dành để sản xuất bao bì. Theo đó, nếu không hành động, ước tính tới năm 2030, EU sẽ chứng kiến mức tăng hơn 19% rác thải bao bì, và riêng rác thải nhựa thậm chí còn tăng 46%. EU đặt mục tiêu tới năm 2040 sẽ giảm lượng rác thải nhựa khoảng 15% so với mức của năm 2018.

Theo các chuyên gia, ô nhiễm nhựa đã là một vấn đề toàn cầu và nếu không hành động, yếu tố này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn một cách đáng kể. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, lượng rác thải nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái dưới nước có thể tăng gần gấp ba lần, từ khoảng 9–14 triệu tấn/năm vào năm 2016 lên mức dự kiến khoảng 23–37 triệu tấn/năm vào năm 2040.

Trên mặt đất và trên các sông hồ thường xuyên tràn ngập vỏ chai lọ hoặc giấy gói bỏ đi, những hòn đảo nhựa rộng lớn cuộn xoáy trong đại dương, trong khi những “hạt vi nhựa” vô hình ngày càng được tìm thấy nhiều hơn là thực vật và thậm chí nhiều hơn cả con người.

XE ĐIỆN TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG TẠI CHÂU ÂU

Có 913.995 xe mới được đăng ký tại Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 4 năm nay, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xe chạy xăng đang dần mất thị phần.

Xe chạy xăng dần mất thị phần

Theo số liệu mới được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) công bố, có 913.995 xe mới được đăng ký tại Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 4 năm nay, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xe chạy xăng đang dần mất thị phần.

Sự tăng trưởng đáng kể trong số xe ô tô đăng ký mới được ghi nhận tại một số quốc gia như Romania, Đan Mạch, Ba Lan và Tây Ban Nha, dẫn đầu là Cyprus với mức tăng vọt 105,4%.

Các nhà sản xuất ghi nhận số xe đăng ký mới tăng mạnh có Honda (155,4%), Volvo (63,5%) và Toyota (47,3%). Tính theo số lượng, Tập đoàn Volkswagen, bao gồm các thương hiệu Skoda, Audi và Porsche, chiếm ưu thế với 254.019 xe được đăng ký, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về nguồn năng lượng của xe, lượng đăng ký xe điện chạy pin tăng 14,8% lên 108.552 xe trong tháng 4, giữ vững thị phần ở mức khoảng 12% như cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Đức là nước có số lượng xe điện chạy pin đăng ký cao nhất EU (29.740 xe), dù con số này đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số xe điện được đăng ký nhìn chung gia tăng trong bối cảnh một số chuyên gia cảnh báo về sự chững lại trong nhu cầu đối với xe điện. Một số nhà sản xuất cho rằng sự hạ nhiệt này không chỉ do cơ sở hạ tầng sạc xe điện chưa đủ mà còn vì xe điện vẫn còn quá đắt đối với nhiều người tiêu dùng.

Vấn đề này sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi EU có động thái hạn chế các mẫu xe giá rẻ của Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng các mặt hàng được trợ giá này đang tạo ra sân chơi bất bình đẳng cho các nhà sản xuất châu Âu.

Đáng chú ý, do nhu cầu không đạt kỳ vọng, Ford Europe đã đẩy lùi kế hoạch chỉ bán xe điện ở châu Âu từ năm 2030. Giám đốc điều hành (CEO) Martin Sander cho biết mục tiêu này khồng còn phù hợp vì doanh số bán xe điện "thấp hơn kỳ vọng".

Để giảm khí thải, EU đã ban hành luật vào năm ngoái, yêu cầu từ năm 2035, tất cả xe ô tô và xe tải mới được bán ở châu Âu phải là xe không phát thải. Các công ty không tuân thủ quy định này sẽ phải đối mặt với các án phạt nặng.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và EU

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 21/5 cho biết EU sẽ áp thuế có mục tiêu vào xe điện của Trung Quốc nếu điều tra cho thấy các khoản hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc cho lĩnh vực này là trái quy định.

EU năm ngoái đã khiến Trung Quốc phản ứng mạnh sau khi tiến hành cuộc điều tra chống trợ giá nhằm vào xe điện của nước này, với khả năng gia tăng EU sẽ áp thuế đáp trả.

Đầu tháng này, Mỹ đã tăng mạnh thuế đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng bà von der Leyen khẳng định EU sẽ có cách tiếp cận khác. Bà nói có thể đảm bảo rằng mức thuế mà EU sẽ tương xứng với mức thiệt hại.

EC được cho là sẽ quyết định liệu có áp thuế tạm thời đối với xe điện của Trung Quốc vào ngày 5/6 và thực thi từ ngày 4/7.

Một số nước EU lo ngại về một động thái như vậy.

Đức và Thụy Điển tuần trước bày tỏ sự e ngại trước khả năng EU đánh thuế, do tác động đến hoạt động thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và EU gia tăng khi EU đã khởi động một loạt các cuộc điều tra nhằm vào các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho tấm pin năng lượng Mặt Trời, tua bin và tàu hỏa.

Trong tháng trước, EU đã tiến hành điều tra hoạt động mua sắm công dịch vụ y tế của Trung Quốc, do lo ngại Trung Quốc ưu tiên các nhà cung cấp trong nước.

Trước đó, CEO của công ty sản xuất ô tô Pháp Renault Luca de Meo đã kêu gọi thực hiện "Kế hoạch Marshall" của châu Âu nhằm thúc đẩy phát triển xe điện và giảm lượng khí thải carbon trước sự cạnh tranh của Trung Quốc.

Kế hoạch Marshall còn được gọi là "Chương trình Hỗ trợ châu Âu" (European Recovery Program), là một chương trình hỗ trợ kinh tế và tài chính của Mỹ dành cho các nước châu Âu sau Thế chiến II.

Ông Luca de Meo đã đưa ra một loạt đề xuất để khởi động một cuộc thảo luận chính sách trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024. Ông Luca de Meo cho hay kế hoạch Marshall của châu Âu có thể được áp dụng để đẩy nhanh quá trình đổi mới và giảm đáng kể lượng khí thải CO2.

Ông đã ví kế hoạch trên với kế hoạch phục hồi sau COVID-19 của EU, đồng thời cho biết một quỹ đặc biệt của châu Âu có thể hỗ trợ các ưu đãi cho việc mua xe điện mới hoặc đã qua sử dụng.

Châu Âu đặt mục tiêu loại bỏ xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035, như một phần trong nỗ lực đạt được trung hòa carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, trước sự lấn át của xe điện từ Trung Quốc", ông Luca de Meo cho biết lĩnh vực ô tô châu Âu cần EU phát triển một chiến lược công nghiệp, giống như EU đã làm để khuyến khích sự phát triển của nhà sản xuất máy bay Airbus và như Trung Quốc đã làm đối với xe điện.

Đặc biệt, ông de Meo kêu gọi thành lập các "khu kinh tế xanh" giống như các đặc khu kinh tế của Trung Quốc, trong đó các công ty nhận được trợ cấp bổ sung và giảm thuế để khuyến khích sự phát triển nhanh chóng của xe điện. Ông cũng kêu gọi những nỗ lực hợp tác để chế tạo những phương tiện nhỏ và giá cả phải chăng ở châu Âu. Những chiếc xe nhỏ gọn có chi phí sản xuất rẻ hơn từ 20- 30%.

Bên cạnh đó, ông Luca de Meo cho hay cần phải nỗ lực giảm giá ô tô ở các thành phố nhỏ vì giá những chiếc xe nhỏ đã tăng hơn gấp hai lần trong 20 năm qua trong khi tiền lương tăng ít hơn nhiều, cũng như các biện pháp khuyến khích và tài chính để đảm bảo người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng xe điện.

CHIẾN LƯỢC XOAY TRỤC SANG TRUNG Á CỦA CHÂU ÂU

Trong thời gian gần đây, Liên minh châu Âu (EU) tăng cường quan hệ với các quốc gia khu vực Trung Á. Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, điều này dường như khiến Nga và Trung Quốc coi là một thách thức.

Bổ sung quan hệ mới, không ảnh hưởng quan hệ cũ

Bình luận từ giới chuyên gia, trong những năm trở lại đây, những biến động của thời cuộc đã thúc đẩy EU thay đổi cách tiếp cận với khu vực Trung Á, gồm các quốc gia: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. EU ngày càng thực hiện nhiều hoạt động, thể hiện tham vọng rõ ràng về việc muốn củng cố vị thế, tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực đang trở thành trọng yếu đối với “lục địa già”.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, trong bối cảnh bất ổn an ninh tại châu Âu, Trung Á ngày càng cho thấy vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với các quốc gia phương Tây, nhất là việc khu vực này sở hữu nhiều tiềm năng về năng lượng và giao thông. Trên thực tế, EU và Trung Á đã và đang có sự phát triển mô hình liên lạc chính trị thường xuyên ở cấp cao nhất, cũng như chiến lược hợp tác được cập nhật, cùng các dự án kinh tế mới được triển khai. Riêng trong EU, Đức và Pháp là hai cường quốc dẫn đầu các nỗ lực củng cố sự gắn kết với khu vực Trung Á.

EU đã tìm kiếm các hình thức hợp tác tối ưu và khởi xướng nhiều dự án kinh tế mới với khu vực Trung Á. Đặc biệt là nỗ lực mở rộng hợp tác về nguyên liệu và năng lượng với các nước Trung Á, như một cách thức tìm kiếm nhà cung cấp mới, thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga như trước đây. EU cũng đang phát triển các sáng kiến giao thông vận tải không có sự tham gia của Nga. Những nội dung này hầu hết đều xuất hiện trong các cuộc đối thoại chính trị chuyên sâu, đặc biệt là giữa các chính trị gia cấp cao.

Còn với Trung Á, diễn biến phức tạp về chính trị, an ninh ở châu Âu tạo ra nguy cơ khiến các quốc gia này bị cô lập. Song với việc củng cố các mối quan hệ sâu sắc hơn với EU đã trở thành cơ hội tốt để Trung Á tránh bị cô lập, đồng thời mang tới một số lợi ích về kinh tế và củng cố chính trị của khu vực.

Giới chuyên gia lưu ý rằng, việc Trung Á củng cố quan hệ với EU là theo chiều hướng bổ sung, chứ không thay thế hoặc làm suy yếu mối quan hệ bền chặt với những quốc gia vốn có quan hệ hữu hảo trước đây. Những quốc gia có quan hệ gắn bó với Trung Á lâu nay thường là những quốc gia đối lập với EU. Vì vậy, các tiếp cận EU của khu vực Trung Á theo chiều hướng khéo léo này sẽ mở ra không gian hợp tác hài hòa, bền vững.

Cũng theo giới chuyên gia, quan hệ giữa EU và khu vực Trung Á vẫn còn nhiều dư địa và có thể tiếp tục trở nên sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự gắn kết EU - Trung Á phụ thuộc rất nhiều vào nhiều yếu tố. Trước hết là diễn biến về an ninh ở châu Âu, tiếp đó là sự quyết tâm thúc đẩy quan hệ của EU và các quốc gia trong khu vực, đồng thời có sự tác động từ các cường quốc được xem là đối lập của phương Tây.

Khơi nguồn nhiều lợi ích

Tháng 10/2023, Hội đồng EU đã thông qua Kế hoạch hành động chung nhằm tăng cường mối quan hệ EU - Trung Á. Giới chuyên gia đánh giá đây là kết quả tích cực trong nỗ lực tìm kiếm cách tiếp cận mới của EU. Kế hoạch này được xem là bản cập nhật của chiến lược năm 2019 với sự phát triển được bắt đầu bằng việc nâng cấp cuộc đối thoại chính trị giữa hai bên lên tầm cao hơn. Nổi bật trong giai đoạn vừa qua, EU và Trung Á đã tiến hành một số sự kiện, động thái được xem là mới lạ, đó là hai cuộc họp cấp cao giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và hầu hết các nhà lãnh đạo trong khu vực Trung Á.

Chương trình nghị sự giữa EU và Trung Á trong thời gian qua đều có trọng tâm là các vấn đề kinh tế liên quan chặt chẽ đến hợp tác năng lượng, khí hậu, môi trường và giao thông. Các nội dung này chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong kế hoạch hành động chung mới và được coi là kênh hợp tác quan trọng nhất giữa EU và Trung Á.

Bình luận về EU, chuyên gia Marcin Popławski tại Viện Các vấn đề quốc tế Ba Lan (PISM) nhìn nhận, mục tiêu của khối đối với khu vực Trung Á phù hợp với lợi ích và chính sách của các quốc gia thành viên quan trọng nhất, chủ yếu là Đức và Pháp. Riêng với hai quốc gia này, tầm quan trọng của Kazakhstan và Uzbekistan đã tăng lên đáng kể với tư cách là nguồn cung cấp nguyên liệu thô. Quá trình vận chuyển dầu từ Kazakhstan đến Đức qua đường ống dẫn dầu Druzhba đã bắt đầu đi vào hoạt động, sau khi ký kết hợp đồng vào tháng 6/2023.

Kazakhstan đã củng cố vị thế là một trong ba nhà xuất khẩu dầu lớn nhất sang Pháp. Trong khi đó, Pháp cũng đang nhập khẩu ngày càng nhiều uranium từ Trung Á. Kazakhstan và Uzbekistan vào năm 2022 đã cung cấp hơn 50% nguồn cung cho thị trường Pháp.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chuyên gia Marcin Popławski khẳng định, đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quan hệ EU - Trung Á với các khoản đầu tư của phương Tây vào Trung Á. Điển hình như, một tập đoàn Đức - Thụy Điển đã đầu tư một nhà máy điện gió và mặt trời ở Kazakhstan trị giá 50 tỷ USD; một tập đoàn của Pháp đầu tư tổ hợp tua bin gió ở Kazakhstan trị giá 1,4 tỷ USD.

Giới chuyên gia nhìn nhận, việc EU và Trung Á gắn kết quan hệ cả chính trị và kinh tế sẽ kéo theo những phản ứng từ các cường quốc đối lập với phương Tây, bởi Trung Á là khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng, có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực tới vị thế của các thế lực siêu cường.

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, nhất là việc Trung Á khéo léo không “lung lay”, giới chuyên gia lạc quan rằng, mối quan hệ EU - Trung Á dù có tăng cường trong thời gian tới nhưng cũng không thể dễ dàng làm suy yếu vị thế của các siêu cường. Trước mắt, sự xoay trục của EU tới Trung Á mang tới nhiều cơ hội phát triển với lợi ích to lớn và tích cực, không chỉ đối với khu vực này, mà còn có những tác động tích cực nhất định trên khắp lục địa Á - Âu.

VỤ MƯU SÁT RÚNG ĐỘNG TRỜI ÂU

Năm phát súng nã trực diện vào Thủ tướng Robert Fico ngày 15-5 đã gây chấn động không chỉ đất nước Slovakia, và Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Matush Shutai-Eshtok cho rằng "vụ mưu sát đã đưa đất nước đến bờ vực nội chiến".

Cuộc tấn công xảy ra khi ông Fico đang tiến đến gặp công chúng sau một cuộc họp chính phủ ở Handlova, cách thủ đô Bratislava 190km. Kẻ tấn công được xác định là Juraj Chintula, 71 tuổi.

Nguyên nhân được ông Shutai-Eshtok nêu sau các thẩm vấn đầu tiên: Do Bratislava "ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine, can thiệp vào công việc của đài truyền hình công cộng và khiến chủ tịch hội đồng tư pháp từ chức". Ông Fico bị thương nặng ở ngực, bụng, và đang được tích cực điều trị.

Truyền thông Slovakia nói Chintula không chỉ là "nhà văn nổi loạn". Kênh truyền hình TAZ 16-5 đưa tin nghi phạm có quan hệ với tổ chức bán quân sự Slovenský Branci (ngừng hoạt động vào năm 2022 và không được đăng ký ở Slovakia).

Vào năm 2016, Chintula đã tham gia các cuộc gặp của tổ chức này và đăng trên mạng xã hội những bài thơ và đoạn văn với nội dung bài xích người nhập cư.

Truyền hình Slovakia gọi Chintula là "nhà tranh đấu thất bại" do kêu gọi thành lập phong trào chống bạo lực, nhưng đơn thỉnh cầu của ông chỉ có 8 người ký tên.

Sau vụ mưu sát, truyền hình Bratislava phát đi hình ảnh Chintula tại một cuộc biểu tình chống chính phủ hồi tháng 4-2024, trong đó những khẩu hiệu ủng hộ Ukraine được hô vang dưới lá cờ EU.

Một số nguồn tin nói Chintula là thành viên đảng "Slovakia tiến bộ" (ủng hộ LGBT và chủ nghĩa toàn cầu, nhưng không giành được ghế nào trong quốc hội hiện nay). Tuy nhiên, ngay sau vụ mưu sát, đảng này phủ nhận bất kỳ liên can nào tới Chintula.

Chintula đã bị truy tố hôm 16-5 và đối mặt án tù từ 25 năm đến chung thân. Theo đài TV Markiza, Chintula, người sở hữu súng hợp pháp 30 năm qua, tuyên bố "tự hào về những gì mình đã làm".

"Con sói đơn độc"?

Vụ mưu sát diễn ra trong bối cảnh xã hội Slovakia đang chia rẽ nghiêm trọng, thể hiện qua tỉ lệ thắng cử của đảng Định hướng - Dân chủ xã hội (Smer-SD) đưa ông Fico lên làm thủ tướng lần thứ ba vào tháng 10-2023.

Smer-SD chỉ giành được 22,94% số phiếu bầu, tương đương 42/150 ghế quốc hội. Đất nước 5,4 triệu dân Slovakia đầy những vấn đề nội bộ gay gắt, mà bản thân Fico, theo nhận định của nhà khoa học chính trị Georgi Bovt trên cổng thông tin BFM.ru, là một "chính khách dân túy đầy mâu thuẫn".

Đã hai lần làm thủ tướng (2006-2010 và 2012-2018), ông Fico và Smer-SD ban đầu tỏ ra có đường lối dân túy cánh tả.

Nhưng từ sau năm 2018, khi ông buộc phải từ chức sau vụ sát hại Jan Kuciak, nhà báo điều tra tham nhũng chính trị, Fico bắt đầu ngả theo hướng dân túy cánh hữu, gần giống Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Đường lối thực dụng này đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, chống Mỹ và thân Slave, phản đối nhập cư và LGBT.

Trở lại nắm quyền, ông Fico phản đối viện trợ nhà nước cho Ukraine, nhưng đồng thời vẫn cho phép các nhà sản xuất vũ khí tư nhân Slovakia tiếp tục làm ăn với Kiev. Ông từng nói nguyên nhân dẫn tới chiến tranh là "cuộc vui của những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới Ukraine", và chỉ trích "sự lừa dối Nga liên quan đến việc NATO mở rộng về phía đông".

Quan điểm của ông là viện trợ quân sự cho Kiev chỉ kéo dài xung đột. Ông cũng nhiều lần phản đối trừng phạt chống Nga (dù Bratislava vẫn ủng hộ gói trừng phạt mới nhất).

Trong nước, ông đóng cửa cơ quan chống tham nhũng, cáo buộc cơ quan này khởi xướng các vụ án chính trị chống lại đồng minh của ông. Gần đây, ông đề xuất đóng cửa đài truyền hình công RTV kể từ tháng 6 tới, do đài này "thiên vị chống chính phủ".

Thay vào đó, một công ty truyền hình mới sẽ được thành lập, dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ. Quốc hội Slovakia bắt đầu thảo luận về luật này đúng vào ngày xảy ra vụ ám sát ông Fico, trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống đối nổ ra.

Gần đây, một đạo luật khác cũng đã được Bratislava soạn thảo, yêu cầu các tổ chức phi chính phủ nhận được hơn 5.000 euro từ nước ngoài phải đăng ký là "tổ chức đối tác nước ngoài". (Dự luật tương tự cũng gây làn sóng biểu tình rầm rộ ở Tbilisi đã được Quốc hội Gruzia thông qua hôm 13-5).

Tất cả những diễn biến này khiến xã hội Slovakia sôi sục, và ông Fico không phải là đối tượng duy nhất bị căm ghét.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Zuzana Caputova - người ủng hộ Brussels và viện trợ quân sự cho Ukraine - nói đã nhận được những đe dọa ám sát bà vào năm ngoái. Về phần mình, các đồng minh chính trị của Fico đổ lỗi vụ ám sát cho phe đối lập cấp tiến và giới truyền thông.

Phó chủ tịch Quốc hội Slovakia Lubos Blaga nói đây là một "vụ săn mồi" mà trách nhiệm thuộc về những "thế lực tự do". Chính ông Fico đã đưa ra tuyên bố mang tính tiên tri cách đây một tháng khi nói về tình hình Slovakia: "Các chính trị gia bị xúc phạm trên đường phố, và tôi chỉ chờ sự thất vọng này biến thành một vụ giết người".

Trong bầu không khí như vậy, một số "con sói đơn độc" có thể chọn bất kỳ ai làm nạn nhân. Tuy nhiên, cũng có những nhắc nhở rằng Thế chiến I đã bắt đầu bằng phát súng của một người Serbia bắn vào Thái tử Áo - Hung Ferdinand.

Đồng minh của ông Fico, tân tổng thống Slovakia Peter Pellegrini nói sau vụ tấn công: "Nếu chúng ta bày tỏ quan điểm chính trị bằng vũ khí tại các quảng trường thay vì tại các điểm bỏ phiếu, chúng ta sẽ gây nguy hiểm cho mọi thứ... [mà chúng ta] đã cùng nhau xây dựng trong suốt 31 năm chủ quyền của Slovakia".

Ông Pellegrini đã đánh bại ứng viên thân phương Tây Ivan Korczok trong cuộc bầu cử, và sau đó ông Fico cảnh báo Brussels sẽ "trả thù cho thất bại của Korczok".

Trong vườn hoa châu Âu

Phản ứng về vụ ám sát ông Fico trên truyền thông ở các nước Tây Âu tỏ ra tương xứng với thái độ chính trị của họ với Chính phủ Slovakia hiện tại. Đài Anh Sky News giật tít: "Còn muốn gì nữa? Ông ta phản đối viện trợ quân sự cho Kiev".

Trên các báo Pháp ngày 16-5, tin tức chính là tình trạng bất ổn ở New Caledonia. Thông tin về vụ ám sát ông Fico, nếu có lên trang nhất, cũng được đưa rất khiêm tốn.

Báo Đức Spiegel đăng một bài báo về vụ việc với tiêu đề: "Fico đã đầu độc bầu không khí đất nước mình ra sao". Tít báo này sau đó được thay đổi, nhưng nội dung vẫn nhắm vào ông Fico.

Báo Anh The Guardian thì viết việc ông Fico trở lại nắm quyền đã gây ra tình trạng bất ổn trong và ngoài Slovakia, và tình hình ngày càng hỗn loạn và phân cực dưới sự lãnh đạo của ông.

Từ một góc nhìn khác, không phải tự nhiên mà cảnh sát Slovakia cảnh báo mạng xã hội có trách nhiệm trong vụ ám sát này.

Chỉ bốn ngày trước vụ ám sát, tờ Politico phiên bản châu Âu 11-5 đã đăng bài về việc Brussels chỉ trích gay gắt luật các đối tác nước ngoài của Slovakia.

Dưới nhan đề: "Fico âm mưu phá bỏ báo chí tự do", bài báo "kể tội" gay gắt đến mức có thể làm "nóng máu" những người tin ở tự do báo chí.

Sau vụ mưu sát Fico, các biện pháp an ninh đang được tăng cường ở Phần Lan. Hôm 16-5, một người đàn ông bị bắt giữ ở Serbia vì đe dọa tổng thống nước này Aleksandar Vucic. Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tuck cũng tiết lộ đã nhận được đe dọa ám sát sau vụ Fico.

Lãnh đạo Đảng Phục hưng Bulgaria, Kostadin Kostadinov nói vụ ám sát ông Fico xảy ra do làn sóng chống Nga quy mô lớn đang được thổi bùng ở châu Âu, và đặt câu hỏi ai có thể là mục tiêu tiếp theo.

Không khí chia rẽ và thù hận này đối nghịch với ví von EU như khu vườn nở hoa của Cao ủy ngoại giao EU, Josep Borrell, hồi tháng 10-2022.

Khi đó, phát biểu trước các nhà ngoại giao trẻ EU tại lễ khai trương Học viện Ngoại giao châu Âu ở Bruges (Bỉ), Borrell nói người châu Âu "có đặc quyền" nhờ kết hợp ba yếu tố: "tự do chính trị, triển vọng kinh tế và sự gắn kết xã hội".

Vì thế, châu Âu là "khu vườn nở hoa", trong khi thế giới xung quanh là "khu rừng rậm" có thể xâm chiếm cơ chế đang vận hành tốt của châu Âu. Những gì đang diễn ra ở Slovakia và nhiều nước châu Âu khác cho thấy cũng không thể nói trước nơi nào mới là rừng rậm, còn đâu mới là vườn hoa.

THỦ TƯỚNG ANH ĐẶT CƯỢC VÀO CANH BẠC CUỐI

Sau thời gian chần chừ khá dài, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cuối cùng cũng buộc phải tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Thay cho việc tiếp tục lãnh đạo đảo quốc sương mù đến tháng 1.2025, ông Sunak đã quyết định để cho cử tri Anh bầu quốc hội mới vào ngày 4.7 tới. Chỉ riêng điều trên thôi cũng đã đủ để cho thấy tình cảnh quyền lực của ông Sunak xấu đi thế nào.

Đấy sẽ là canh bạc chính trị quyền lực cuối cùng của ông Sunak và người này buộc phải chơi nó để tìm kiếm chút vận may còn sót lại với hy vọng tiếp tục cầm quyền. Suốt nhiều tháng nay, mọi kết quả thăm dò ở Anh đều cho thấy Công đảng bỏ xa phe Bảo thủ của ông Sunak. Mọi dấu hiệu hiện tại ở Anh lại còn đều cho thấy diễn biến tình hình chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước và nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền ngày càng thêm bất lợi cho ông Sunak.

Ông Sunak là thủ tướng thứ 5 của Anh trong vòng 8 năm qua. Canh bạc chính trị quyền lực cuối cùng này sẽ không những chỉ phán định số phận chính trị của ông Sunak mà còn quyết định cả tương lai của đảng Bảo thủ cầm quyền liên tục từ năm 2010. Đảng này đang trượt dốc bởi tự gây ra vấn đề nước Anh rời khỏi EU mà về sau không giải quyết ổn thỏa nổi. Đồng thời nội bộ đảng Bảo thủ cũng đang có nhiều bất đồng.

Trong 2 năm làm Thủ tướng Anh, ông Sunak đã không đoàn kết thống nhất được nội bộ đảng Bảo thủ. Dù là chủ tịch đảng nhưng ông không được coi là lãnh đạo đảng, nên cầm quyền không thành công.

Công đảng Anh giờ có được cơ hội thuận lợi như chưa từng thấy kể từ 15 năm nay để trở lại cầm quyền. Nhưng ở nước Anh hiện tại, giữ được quyền khó gấp nhiều lần giành được quyền.

Nguồn: Báo Tin Tức; VTV; Biên Phòng; Tuổi Trẻ; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang