- Thời sự
- EU
Trong khi tình trạng né trừng phạt khiến EU đau đầu, thì cách thức để né trừng phạt cũng gây thiệt hại cho Nga khi nước này phải mua các sản phẩm như đồ công nghệ cao với giá đắt hơn.
Trong khi nhập khẩu của EU từ Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục trong quý II/2024, vẫn có dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt mà Brussels áp đặt lên Moscow đang bị né tránh thông qua hoạt động thương mại với các nước thứ 3.
Dữ liệu do cơ quan thống kê chính thức của EU là Eurostat công bố hôm 28/8 cho thấy nhập khẩu vào khối từ nước láng giềng phía Đông đã giảm 16% trong giai đoạn từ quý I đến quý II năm nay.
Trong tháng 6, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu đã giảm xuống còn 2,47 tỷ Euro – mức thấp nhất hàng tháng kể từ khi Eurostat bắt đầu thu thập dữ liệu vào tháng 1/2002. Tiếp theo là tháng 4 và tháng 5, chứng kiến mức nhập khẩu hàng tháng thấp thứ 2 và thứ 3 được ghi nhận, lần lượt là 2,66 tỷ Euro và 2,89 tỷ Euro.
Xuất khẩu cũng ghi nhận mức giảm mạnh tương tự, giảm 9,5% mỗi quý xuống còn 2,43 tỷ euro vào tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2003 và là mức thấp thứ ba từng được ghi nhận.
Nhập khẩu của EU từ Nga đã giảm mạnh ngay sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022 nhưng đà giảm đã chậm lại kể từ quý II/2023. Xuất khẩu cũng theo xu hướng tương tự, với mức giảm về sau ổn định hơn so với ban đầu.
Ông Philipp Lausberg, nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC), nói với Euractiv rằng một lý do có thể dẫn đến tình trạng trên là các vòng trừng phạt gần đây trong số 14 gói trừng phạt của Brussels đối với Moscow đã ít chú trọng hơn vào việc cấm nhập khẩu các mặt hàng cụ thể, chẳng hạn như dầu và than, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào việc thực thi và ngăn chặn các hành vi lách luật.
Ông Alexander Kolyandr, thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPS), cho rằng một lý do tiềm ẩn khác cho tình trạng này là sự ổn định tương đối về giá hàng hóa – đặc biệt là giá năng lượng – kể từ đầu năm 2023.
"Nga đang bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nguồn cung là không đổi, nhưng châu Âu cũng không muốn giảm lượng mua bất cứ thứ gì từ Nga – và do đó, kết quả cuối cùng về cơ bản phụ thuộc vào giá thị trường của hàng hóa", ông Kolyandr nói với Euractiv.
Trong khi lượng hàng Nga vào EU giảm, một vấn đề "đau đầu" vẫn tiếp diễn: Các hành vi né trừng phạt thông qua cơ chế thương mại song song. Đây là lý do tại sao hoạt động thương mại giữa các nước châu Âu và các nước ở châu Á, Kavkaz và Trung Đông đã tăng mạnh kể từ tháng 2/2022.
Ông Kolyandr lưu ý rằng, từ năm 2021 đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của EU sang Uzbekistan đã tăng gần gấp đôi từ (2,30 tỷ euro lên 4,35 tỷ euro), doanh số bán hàng hóa sang Armenia tăng gần gấp ba lần (757 triệu euro lên 2,16 tỷ euro) và kim ngạch xuất khẩu sang Kyrgyzstan tăng hơn mười lần (263 triệu euro lên 2,73 tỷ euro).
"Nga có thể đã lách các lệnh trừng phạt bằng cách giao dịch với các nước thứ 3", vị chuyên gia tại CEPS cho biết, đồng thời nói thêm rằng các nước không thuộc Liên Xô cũ như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể là những tuyến đường chính để né trừng phạt.
Trong khi đó, ông Lausberg cho biết, mặc dù tình trạng né trừng phạt khiến EU đau đầu, thì cách thức để né trừng phạt cũng gây thiệt hại cho Nga khi nước này phải mua các sản phẩm như đồ công nghệ cao và đồ điện tử với giá đắt hơn so với trước đây.
Sự cạnh tranh gay gắt bởi các hãng hàng không Trung Quốc và một số quốc gia khác đang là nguy cơ lớn đối với nhiều hãng hàng không tại “Lục địa Già”.
Theo bài viết trên tạp chí kinh tế Handelsblatt, các chuyến bay đến châu Á ngày càng trở thành vấn đề nan giải đối với các hãng hàng không châu Âu. Sự cạnh tranh gay gắt bởi các hãng hàng không Trung Quốc và một số quốc gia khác đang là nguy cơ lớn đối với nhiều hãng hàng không tại "Lục địa Già".
Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine diễn ra, các hãng hàng không châu Âu đã phải điều chỉnh lộ trình các chuyến bay thay vì qua Nga như thường lệ. Điều này khiến thời gian di chuyển bị kéo dài cùng nhiều chi phí phát sinh, khiến giá các chuyến bay ngày càng đắt đỏ.
Trong khi đó, các hãng hàng không Trung Quốc vẫn tiếp tục bay theo lộ trình cũ nên có lợi thế cạnh tranh tốt. Họ đang tăng cường các chuyến bay tới châu Âu.
Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu hàng không Cirium, trong tháng 8-2024, các hãng hàng không Trung Quốc đã tăng số lượng vé bán ra trên các chặng bay giữa các thành phố châu Âu (Frankfurt, Munich, London và Paris) và Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải) lên 30% so với cùng kỳ năm 2019. Ngược lại, các hãng hàng không lớn của châu Âu như Lufthansa, British Airways và Air France đã giảm công suất gần 40%.
Do nguồn cung vé của các hãng hàng không Trung Quốc trên các tuyến bay này gia tăng, giá vé của họ liên tục giảm. Điều này khiến hành khách hài lòng, nhưng lại gây căng thẳng cho các hãng hàng không châu Âu vì nhiều chuyến bay không còn mang lại lợi nhuận như trước. Do đó, hãng British Airways đã phải thông báo sẽ tạm dừng đường bay từ London đến Bắc Kinh từ tháng 10-2024 và hãng Virgin Atlantic sẽ hủy kết nối đến Thượng Hải.
Hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa cũng đối mặt với khó khăn tương tự và đang đề nghị sự trợ giúp của giới chính trị. Trong thời gian dài, Lufthansa nhiều lần phàn nàn rằng việc tăng phí và các yêu cầu, chẳng hạn như liên quan đến các mục tiêu bảo vệ khí hậu, sẽ bóp méo thị trường vận tải hàng không.
Ngoài ra, sự cạnh tranh từ phía Trung Quốc ngày càng tăng. Theo Lufthansa, các chính trị gia ở Đức và châu Âu cần tìm ra câu trả lời về mặt chính sách cho vấn đề này để giúp ngành hàng không vượt qua khó khăn.
Các chuyến bay đến châu Á luôn là kết nối quan trọng với nhiều hãng hàng không châu Âu như Lufthansa. Sau đại dịch COVID-19, một số quốc gia như Trung Quốc mở lại biên giới rất muộn. Chủ tịch Lufthansa Carsten Spohr đã từng kỳ vọng rằng hiệu ứng "bắt kịp" sẽ rất lớn như trên các đường bay đến Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra trái với dự đoán của Chủ tịch Lufthansa. Đầu tiên, cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt đã khiến các hãng hàng không phương Tây không còn có thể bay qua Nga nữa. Sau đó là sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng đối thủ Trung Quốc.
Ngược lại, các hãng hàng không Trung Quốc như Air China, China Eastern và China Southern đang thâm nhập ngày càng mạnh mẽ hơn vào châu Âu. Theo dữ liệu của Cirium, số lượng vé các hãng này bán ra trên tuyến London-Bắc Kinh đã tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện tại, có rất ít kỳ vọng rằng áp lực sẽ giảm bớt. Sự cạnh tranh của Trung Quốc rất lớn. Hãng China Eastern có kế hoạch trở thành hãng hàng không hàng đầu thế giới. Mục tiêu chiến lược này đã được Ban lãnh đạo China Eastern đề ra trong báo cáo thường niên mới nhất.
Có nhiều nguyên nhân tạo ra sự tăng trưởng của ngành hàng không Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc muốn thu hút thêm nhiều khách du lịch quốc tế đến nước này sau một thời gian dài đóng cửa biên giới do đại dịch. Chính sách thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc được điều chỉnh để tạo thuận lợi nhất cho du khách.
Mặt khác, các hãng hàng không Trung Quốc không thực hiện bất kỳ đợt cắt giảm nào trong thời kỳ đại dịch. Đội tàu bay Trung Quốc, kể cả tàu bay thân rộng, liên tục hoạt động ở trong nước. Không giống như các đối thủ cạnh tranh ở phương Tây, các nhà cung cấp ở Trung Quốc không phải đối mặt với những hạn chế về năng lực và nhân sự. Do đó, ngay sau đại dịch, các hãng hàng không Trung Quốc có thể dễ dàng hoạt động bình thường trở lại trên các đường bay quốc tế.
Ngoài ra, nhiều hãng hàng không của Trung Quốc không chỉ mở rộng hoạt động khai thác tại các sân bay quốc tế lớn, nơi các hãng châu Âu như Lufthansa, Air France và British Airways đang khai thác. Họ còn mở rộng hoạt động đến các sân bay nhỏ hơn. Vài tuần trước, China Eastern đã bổ sung tuyến bay Thượng Hải-Marseille vào chương trình của họ. Thành phố biển Venice cũng nằm trong kế hoạch. China Eastern cũng mở đường bay thẳng từ Quảng Châu đến Budapest.
Từ năm tới, áp lực lên Lufthansa, Air France và British Airways có thể sẽ tiếp tục tăng vì theo kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC), nhiên liệu hàng không của các hãng phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới, khắt khe hơn. Điều này gây thêm căng thẳng cho các tuyến đường bay hiện tại.
Hiện Lufthansa cho biết sẽ chuyển chi phí bổ sung này cho khách hàng thông qua việc tính phí môi trường cho các chuyến bay từ đầu năm 2025. Điều này có thể bù đắp một phần chi phí, nhưng lại làm tăng nguy cơ khách hàng tìm tới các hãng hàng không khác có giá cả cạnh tranh hơn.
Pavel Durov, người sáng lập và giám đốc điều hành của ứng dụng nhắn tin Telegram, đang bị điều tra tại Pháp, một phần của cuộc điều tra tội phạm có tổ chức trên phần mềm này.
Các công tố viên ở Paris cũng cho biết tỷ phú 39 tuổi này không bị giam giữ mà được đặt dưới sự giám sát của tòa án và phải nộp tiền bảo lãnh 5 triệu euro.
Ông Durov, người cũng có quốc tịch Pháp, phải đến đồn cảnh sát Pháp hai lần một tuần và không được phép rời khỏi lãnh thổ nước này.
Động thái của các công tố viên Pháp là tình tiết mới nhất trong câu chuyện gây chấn động giới công nghệ trong thời gian gần đây.
Chưa từng có tiền lệ khi một chủ sở hữu của một nền tảng truyền thông xã hội, nhắn tin bị bắt vì cách thức sử dụng nền tảng đó. Các cuộc tranh luận về tự do ngôn luận, trách nhiệm và vai trò của các giám đốc điều hành công ty truyền thông xã hội và nhắn tin đã nổ ra.
Luật sư của ông Durov, David-Olivier Kaminski, cho biết Telegram tuân thủ mọi quy định kỹ thuật số của châu Âu và được điều chỉnh để cùng tiêu chuẩn với các mạng xã hội khác.
Ông Kaminski nói thật "vô lý" khi cho rằng thân chủ của mình có thể tham gia "vào các hành vi phạm tội không liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ông ấy".
Pavel Durov là ai?
Pavel Durov là một tỷ phú gốc Nga. Theo cập nhật của Forbes ngày 29/8, ông sở hữu khối tài sản trị giá 15,5 tỷ USD.
Ông là người sáng lập công ty truyền thông xã hội nổi tiếng của Nga - VKontakte.
Năm 2014, ông Durov rời Nga sau khi từ chối tuân theo yêu cầu của chính phủ về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên nền tảng này.
Một năm trước đó, ông đã thành lập Telegram và hiện đang điều hành công ty từ Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nơi ông đang sinh sống.
Ông có quốc tịch UAE và Pháp, nhưng Nga cho biết họ vẫn coi ông là công dân của mình.
Sau khi ông Durov bị bắt, Telegram cho biết ông đã thường xuyên đi du lịch ở châu Âu.
Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn truyền hình phe bảo thủ của Mỹ - Tucker Carlson - vào tháng 4, ông Durov khẳng định sẽ từ chối một số yêu cầu của chính quyền về việc xóa bỏ nội dung khỏi nền tảng của mình.
Ông nói:
"Chúng tôi sẽ bỏ qua những yêu cầu vượt quá giới hạn, không phù hợp với các giá trị của chúng tôi về quyền tự do ngôn luận và việc bảo vệ sự riêng tư của mọi người."
Telegram là gì?
Telegram là một trong những nền tảng truyền thông xã hội và nhắn tin lớn nhất thế giới, cùng với Facebook, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat.
Vào tháng 7/2024, ông Durov cho biết Telegram đã đạt 950 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Ứng dụng này phổ biến ở Nga và Ukraine. Các nhóm ủng hộ dân chủ ở Iran và Hong Kong cũng sử dụng nền tảng này.
Telegram cung cấp mã hóa đầu cuối, nghĩa là tin nhắn chỉ có thể được đọc trên thiết bị gửi và thiết bị nhận. Tuy nhiên, đây không phải là cài đặt mặc định cho người dùng.
Sự khác biệt lớn giữa Telegram và các dịch vụ tương tự như WhatsApp là quy mô nhóm mà người dùng có thể tham gia.
WhatsApp giới hạn quy mô nhóm ở mức tối đa 1.000 người trong khi con số đó ở Telegram là 200.000 người.
Telegram đang đối mặt với những chỉ trích rằng thông tin sai lệch có thể lan truyền trong các nhóm quy mô lớn.
Những người chỉ trích cho rằng đã có việc chia sẻ nội dung liên quan đến thuyết âm mưu, tân phát xít, ấu dâm hoặc khủng bố trên nền tảng này.
Tại Vương quốc Anh, ứng dụng này bị giám sát vì lưu trữ các kênh cực hữu đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các cuộc bạo loạn vào tháng 8/2024 ở quốc gia này.
Các chuyên gia an ninh mạng nói rằng việc điều chỉnh nội dung cực đoan và bất hợp pháp trên Telegram yếu hơn đáng kể so với các nền tảng truyền thông xã hội và ứng dụng nhắn tin khác.
Sau vụ bắt giữ ông Durov, Telegram cho biết hoạt động kiểm duyệt của họ "nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện".
Telegram khẳng định họ tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu, bao gồm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, nhằm đảm bảo môi trường trực tuyến an toàn và có trách nhiệm.
"Gần một tỷ người dùng trên toàn cầu sử dụng Telegram làm phương tiện giao tiếp và nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp nhanh chóng cho tình huống này. Telegram luôn đồng hành cùng tất cả các bạn," công ty này tuyên bố.
Vụ bắt giữ Pavel Durov
Trong thông cáo hôm 28/8, các công tố viên Paris cho biết ông Durov đã bị điều tra chính thức về các tội danh được cho là bao gồm:
Đồng phạm trong việc quản lý một nền tảng trực tuyến cho phép các giao dịch bất hợp pháp của một băng đảng có tổ chức
Từ chối liên lạc với cơ quan chức năng
Đồng phạm trong việc phân phối có tổ chức hình ảnh khiêu dâm trẻ em
Tại Pháp, việc bị điều tra chính thức không ngụ ý có tội hoặc nhất thiết dẫn đến xét xử - nhưng nó cho thấy các thẩm phán cho rằng có đủ bằng chứng để tiến hành điều tra.
Elon Musk, ông chủ mạng xã hội X (trước đây là Twitter), đã bảo vệ ông Durov trong vài ngày qua bằng một loạt bài đăng trên nền tảng của mình.
Tỷ phú Musk nói rằng "việc điều chỉnh" là một từ ngữ mang tính tuyên truyền để thay thế cho từ "kiểm duyệt". Ông Musk cũng cho rằng nên trả tự do cho ông Durov.
Chris Pavlovski, người sáng lập của một ứng dụng chia sẻ video gây tranh cãi có tên Rumble, cho biết ông đã rời khỏi châu Âu sau khi ông Durov bị bắt giữ.
Đầu tuần này, Edward Snowden, một người tố giác Mỹ hiện đang sống ở Nga sau khi tiết lộ hoạt động giám sát internet và điện thoại rộng rãi của tình báo Mỹ, đã viết trên X rằng vụ bắt giữ ông Durov là "một cuộc tấn công vào các quyền cơ bản của con người về ngôn luận và thành lập hội nhóm".
Ông Snowden viết thêm:
"Tôi rất ngạc nhiên và vô cùng buồn khi [Tổng thống Pháp Emmanuel] Macron đã hạ thấp bản thân mình xuống mức bắt con tin để tiếp cận các thông tin liên lạc riêng tư. Điều này không chỉ hạ thấp nước Pháp mà còn cả thế giới."
Sau khi một số chi tiết về vụ bắt giữ được tiết lộ, Vyacheslav Volodin - một chính trị gia nổi tiếng của Nga và đồng minh của Vladimir Putin - đã cáo buộc Mỹ đứng sau vụ bắt giữ ông Durov.
"Telegram là một trong số ít và cũng là nền tảng internet lớn nhất mà Mỹ không có ảnh hưởng," ông Volodin viết trên nền tảng này.
Tổng thống Macron đã đăng trên mạng xã hội vào thứ Hai rằng ông đã thấy "thông tin sai lệch" liên quan đến Pháp sau vụ bắt giữ ông Durov và nói thêm:
"Đây không phải là một quyết định chính trị. Các thẩm phán sẽ là người ra quyết định."
Những tranh cãi giữa quan chức cấp cao phụ trách đối ngoại châu Âu với Hungary tại cuộc họp của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/8 đã khiến trọng tâm bị chệch khỏi hai vấn lớn là cuộc xung đột ở Ukraine và căng thẳng Trung Đông.
Phát biểu tại hội nghị ở Brussels, quan chức phụ trách đối ngoại EU Josep Borrell kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí mà nước này được tài trợ để tấn công Nga.
“Vũ khí mà chúng ta đang cung cấp cho Ukraine cần được sử dụng đầy đủ, cần dỡ bỏ hạn chế để người Ukraine có thể tấn công vào những nơi Nga triển khai chiến dịch quân sự. Nếu không, vũ khí sẽ vô dụng”, ông Borrell nói.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng dự cuộc họp này. Một quan chức tham gia cuộc họp nói với Politico rằng ông Kuleba kêu gọi EU cho phép Ukraine tấn công các cơ sở ở Nga, nói rằng không nên coi đề xuất này là sự leo thang.
Kiến nghị của ông Kuleba và quan điểm của ông Borell được Pháp, Thụy Điển, Latvia, Hà Lan và Ba Lan ủng hộ. Các quốc gia này cho rằng luật pháp quốc tế không cấm Ukraine tấn công vào Nga vì Mátxcơva bắt đầu chiến dịch quân sự trước.
Ông Borrell cũng đề xuất các nước EU áp lệnh trừng phạt một số bộ trưởng của Israel vì đã đưa ra những thông điệp hận thù với người Palestine , cho rằng điều này đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Cả hai ý kiến của ông Borrell đều bị Hungary gạt bỏ.
“Sự giận dữ của đại diện cấp cao phải bị chặn lại”, Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó viết trong bài đăng trên Facebook, đồng thời cho rằng đề xuất của ông Borrell về Ukraine và Trung Đông là “liều lĩnh”.
“Chúng tôi không muốn có thêm vũ khí ở Ukraine, chúng tôi không muốn có thêm chết chóc, chúng tôi không muốn leo thang xung đột, chúng tôi không muốn mở rộng cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục ủng hộ hòa bình”, ông Szijjártó viết thêm.
Trong cuộc họp kín, Hungary bị Lithuania và Đức chỉ trích vì đã mở rộng chương trình nhập cư, bao gồm cả người Nga và người Belarus, cho rằng điều này gây ra mối đe dọa an ninh. Ông Szijjártó đáp trả, lập luận số lượng người Nga sống ở Đức hoặc vùng Baltic nhiều hơn ở Hungary, nơi chỉ có 0,7 % người Nga.
Mối quan hệ giữa Hungary và EU từ lâu đã trắc trở, nhưng tình hình trở nên tồi tệ hơn từ khi Budapest đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU vào tháng 7. Một số ngoại trưởng EU đã tẩy chay hội nghị diễn ra ở Budapest, thay vào đó tổ chức một hội nghị riêng ở Brussels.
Khi được một nhà báo hỏi tại sao cuộc họp được tổ chức tại Brussels thay vì Budapest, ông Borrell trả lời: “Vì tôi quyết định như vậy. Tôi nghĩ việc đó là phù hợp vì một số quan điểm mà Chính phủ Hungary thể hiện đi ngược lại chính sách chung. Tốt hơn là họp tại trụ sở chính”.
Slovakia phàn nàn cuộc họp không được tổ chức ở Budapest.
Theo Hãng tin The Guardian ngày 29-8, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã bày tỏ lo ngại rằng, nước này có thể phải đối mặt với sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy cực hữu như đã thấy ở Đức và Pháp, đồng thời kêu gọi các đảng phái chính trị tiến bộ trên khắp châu Âu hợp tác để giải quyết thách thức chung.
Anh đã bị tấn công bởi các cuộc bạo loạn chống người nhập cư vào đầu tháng này sau khi một người bị sát hại bằng dao trong một lớp học khiêu vũ. Tiếp theo vụ việc, căng thẳng gia tăng do những tuyên bố sai sự thật, được khuếch đại bởi những thành phần cực hữu rằng, kẻ tấn công là một người xin tị nạn theo đạo Hồi. Làn sóng bạo loạn chống người nhập cư là cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên của Thủ tướng Keir Starmer sau khi nhậm chức vào đầu tháng 7-2024. Cảnh sát Anh đã bắt giữ hơn 1.160 người vì các cuộc bạo loạn liên quan đến bạo lực, đốt phá và cướp bóc, cũng như các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc nhắm vào người Hồi giáo và người di cư.
Thủ tướng Keir Starmer đã cam kết xử lý các vấn đề tiêu cực liên quan tới chủ nghĩa dân túy cực hữu. Tuy nhiên, nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng các dịch vụ công đang xuống cấp vẫn đang là chủ đề cần ưu tiên tại Anh.
Nguồn: Người Đưa Tin; Tuổi Trẻ; BBC; Soha; Hà Nội Mới
EU: Vì sao lũ lụt; Doanh số bán ô tô mới giảm; NK dầu phá kỷ lục; Chính phủ mới ở Pháp gặp áp lực; Áo chia rẽ vì khí đốt Nga
EU: Nguy cơ thiếu khí đốt; Học mô hình kinh tế của Mỹ; Ống ngầm xuyên liên minh; Ác mộng với các công ty; Nợ công Pháp tiếp tục tăng
EU: Nỗ lực chặn người di cư; Khả năng ECB giảm lãi suất; DN phụ thuộc hàng TQ; Siết quy định các dự án hydro; Họp bất thường vì Liban
EU: Thành tựu chống lũ; Chia rẽ vì thuế xe điện TQ; Bài toán chuỗi cung ứng; Hoãn luật chống phá rừng; Anh nhượng chủ quyền đảo Chagos
EU: Chi tiêu tiết kiệm; Quân sự hóa kinh tế; Biểu tình phản đối xung đột ở Gaza; Tiếp tục ủng hộ Ukraine; Macron ‘sát muối’ vào Israel
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá