EU: Giảm dấu chân carbon; Chu kỳ lạm phát mới; Nới lỏng quy định tài trợ; Thách thức với tân Tổng thống Phần Lan

Liên minh châu Âu nỗ lực giảm dấu chân carbon

Năm 2023 vừa qua là năm Liên minh châu Âu bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu. Cơ chế này sẽ cho phép Liên minh châu Âu đơn phương áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nước không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường do khối đặt ra.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu mang theo dấu chân carbon nhiều hay ít tùy thuộc vào quá trình sản xuất sản phẩm đó. Trong giai đoạn đầu, 6 nhóm sản phẩm công nghiệp thâm dụng năng lượng có dấu chân carbon đậm nét được đưa vào tầm ngắm.

Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới sẽ buộc mọi nhà cung ứng phải xanh hóa quy trình, giảm phát thải ở mọi công đoạn trong chuỗi giá trị. Đối với xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện năng và hydro nhập khẩu vào châu Âu, nếu quá trình sản xuất tạo ra lượng khí thải lớn hơn so với quy định của Liên minh châu Âu, nhà nhập khẩu sẽ phải trả tiền cho phần chênh lệch đó.

Với cơ chế này, doanh nghiệp của chính các nước châu Âu không thể lách luật bằng cách chuyển nhà máy ra bên ngoài châu Âu được nữa. Hàng hóa của doanh nghiệp châu Âu sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu trở lại vào châu Âu vẫn phải trả thêm phần chênh lệch nếu có lượng khí thải lớn hơn so với quy định.

Liên minh châu Âu không chỉ buộc doanh nghiệp nội địa phải làm mờ dấu chân carbon. Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới sẽ gián tiếp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất trên toàn thế giới phải giảm phát thải.

Một chu kỳ lạm phát mới đang quay trở lại?

Tốc độ giảm lạm phát trong nửa cuối năm 2023 đã gây ngạc nhiên cho các ngân hàng trung ương, vốn đã khẳng định rằng còn quá sớm để tuyên bố “chiến thắng”.

Sau khi leo lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ vào giữa năm 2022, lạm phát tại Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone) đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, vào tháng 12/2023, chỉ số giá tiêu dùng toàn phần (bao gồm cả hàng thực phẩm) ở Mỹ và chỉ số giá tiêu dùng đã được điều chỉnh (HICP) tại Eurozone đã quay đầu tăng nhẹ.

Diễn biến này là dư chấn hay tiền chấn của chu kỳ lạm phát cao trong các năm gần đây? Trong bài viết đăng tải trên trang mạng Project Syndicate, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh London, cựu Giám đốc nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Lucrezia Reichlin, đã trả lời cho câu hỏi này như sau:

Tốc độ giảm lạm phát trong nửa cuối năm 2023 đã gây ngạc nhiên cho các ngân hàng trung ương, vốn đã khẳng định rằng còn quá sớm để tuyên bố “chiến thắng”. Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh lạm phát giảm, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ vẫn kêu gọi thận trọng, với lý do còn tồn tại áp lực lạm phát dai dẳng. Điều này có thể giải thích cho sự gia tăng CPI gần đây. Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng những lo lắng đó chỉ đơn giản là việc các nhà điều hành chính sách đang thừa nhận sự không chắc chắn.

Các thị trường đã tỏ ra lạc quan và dường như muốn tin vào lời giải thích về sự không chắc chắn. Phần lớn nhà đầu tư nghiên về dự đoán rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mùa Xuân năm nay. Tâm lý này không phải là không có cơ sở. Tác giả phân tích nếu chúng ta xem xét sự thay đổi tỷ lệ phần trăm của lạm phát cơ bản trong sáu tháng cuối năm 2023, thì có thể thấy rằng cả Mỹ và Eurozone đều đã thành công đưa lạm phát trở về mức mục tiêu 2%. Quan trọng hơn, tiến trình lãi suất giảm có xu hướng ổn định, bất chấp sự gia tăng (nhỏ) gần đây của CPI toàn phần.

Điều đó có nghĩa là sự ổn định về giá có thể đã được thiết lập lại trong vòng ba năm gần đây. Nó giải thích cho lý do vì sao các thị trường tin rằng đợt lạm phát mới nhất gần đây chỉ là tạm thời.

Tác giả nhấn mạnh chính sách tiền tệ là một công cụ đắc lực. Thực thi tốt công cụ này có thể giúp “hạ nhiệt” lạm phát. Các ngân hàng trung ương thường được khuyến khích cần bắt tay vào điều chỉnh công cụ hiệu quả này một cách nhanh chóng và chắc chắn nhất, để ngăn chặn lạm phát trở nên “không kiểm soát được”, có thể thúc đẩy vòng xoáy giá cả-tiền lương, dẫn đến mất việc làm.

Tuy nhiên, việc “mạnh tay” với lạm phát có thể gây ra chi phí và kiềm chế lạm phát quá mức sẽ dẫn đến nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và giảm hiệu quả hoạt động của lĩnh vực tài chính. Do đó, điều quan trọng là xem xét kỹ các yếu tố gây ra lạm phát để có những bước đi đúng đắn. Nếu “thủ phạm” là cú sốc từ phía nguồn cung không ổn định (kèm theo sự thay đổi lớn về giá cả), thì việc sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát sẽ dễ dàng hơn. Nhưng nếu nguyên nhân là do tổng cầu tăng đột biến, chi phí giảm phát có thể sẽ cao hơn, do đó cần có sự cân nhắc cẩn trọng hơn.

Quay trở lại với vấn đề lạm phát tăng trong tháng 12/2023. Tại Eurozone, lạm phát chủ yếu được thúc đẩy bởi những cú sốc về năng lượng và nguồn cung không ổn định. Tác động của chúng lan truyền dần dần qua các khu vực khác nhau của nền kinh tế, bắt đầu từ sản xuất và sau đó chuyển sang dịch vụ. Điều này cũng có thể đã xảy ra tương tự ở Mỹ, nhưng với mức độ thấp hơn.

Tại cả hai nền kinh tế, áp lực về việc tiền lương phải “bắt kịp” lạm phát là rất khiêm tốn, không có dấu hiệu nào cho thấy đã xuất hiện vòng xoáy tiền lương-giá cả. Và, trong giai đoạn giảm phát, thị trường lao động cũng không suy yếu đáng kể, kể cả ở cả Mỹ và châu Âu. Nói cách khác, cả lạm phát và giảm phát đều diễn ra trên thị trường hàng hóa chứ không phải thị trường lao động.

Cách giải thích này được hỗ trợ bởi thực tế là mặc dù mức suy giảm của lạm phát lõi (đã loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng) đã chậm hơn so với mức giảm của lạm phát cơ bản, nhưng lạm phát lõi hiện đang hội tụ về mục tiêu 2%. Sự sụt giảm mạnh đáng ngạc nhiên này xảy ra trước khi hoạt động kinh tế bắt đầu chậm lại (có thể là do độ trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ).

Theo cơ quan thống kê Eurostat, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng quý của Đức, trong quý II và III/2023, bằng 0 và đã rơi xuống mức -0,3% trong quý IV/2023. Mức tăng trưởng trung bình của cả khu vực Eurozone tốt hơn một chút so, với tăng trưởng quý IV/2023 bằng 0, sau khi giảm nhẹ xuống -0,1% vào quý trước đó.

Có lý do chính đáng để tin rằng lạm phát hiện tại chỉ gia tăng nhất thời, do sự biến động lớn về giá tương đối, và sẽ dần trở nên phổ biến hơn. Đầu tiên, quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra, do đó nhu cầu năng lượng đã tăng lên đáng kể, đi kèm với những hạn chế về nguồn cung. Điều này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, các cuộc tấn công gần đây của lực lượng Houthi vào các con tàu container ở Biển Đỏ, dự báo tạo ra những đứt gãy đối với chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đó, việc coi lạm phát là mục tiêu của các tác động dường như không thỏa đáng. Các ngân hàng trung ương nên cân nhắc xem khi đối diện với những cú sốc về nguồn cung không ổn định, họ có nên cho mình thêm thời gian để mang lạm phát trở lại ngưỡng mục tiêu hay không.

Xét cho cùng, quy định tiêu chuẩn về thắt chặt chính sách tiền tệ - hoạt động bằng cách làm giảm tổng cầu - sẽ tỏ ra kém hiệu quả hơn trong việc kiềm chế lạm phát do những cú sốc từ phía nguồn cung không ổn định gây ra. Và nó sẽ mang lại chi phí cao hơn. Ngoài việc làm suy yếu sự ổn định tài chính và việc làm, việc thắt chặt quá mức còn cản trở hành động điều chỉnh giá tương đối, do đó làm giảm hiệu quả phân bổ nguồn lực.

Nếu điều kiện tiền tệ vẫn bị thắt chặt trong thời gian dài, các nhà đầu tư có thể nản lòng khi theo đuổi các khoản đầu tư dài hạn hơn, chẳng hạn như vào công nghệ xanh.

Nói tóm lại, khi lạm phát bị thúc đẩy bởi những hạn chế về nguồn cung thì việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ không phải là một câu hỏi cần có lời giải đáp. Hành động về chính sách tài khóa – và sự phối hợp về tiền tệ và tài chính – là cần thiết. Tuy nhiên, thế giới hiện đã thay đổi rất nhiều so với thập niên 70 và 90. Khi các mà các ngân hàng trung ương nghĩ về lạm phát, họ cần phải liên hệ đến các bài học kinh nghiệm trong quá khứ (kể cả từ quá khứ gần đây), đánh giá đầy đủ điều kiện giá cả hiện tại, trên cơ sở đó, cố gắng dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai.

EU đồng ý nới lỏng các quy định tài trợ để giảm nợ và tăng cường đầu tư

Hôm thứ Bảy (10/2), các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm giảm bớt các quy định tài chính nghiêm ngặt của khối, giúp chính phủ có thêm thời gian để giảm nợ cũng như khuyến khích thúc đẩy đầu tư công vào khí hậu, chính sách công nghiệp và an ninh.

Bản sửa đổi mới nhất của các quy tắc của Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng được đưa ra sau khi một số quốc gia thành viên EU phải gánh khoản nợ cao kỷ lục khi họ tăng chi tiêu để giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và khi khối công bố các các mục tiêu xanh, công nghiệp và quốc phòng đầy tham vọng.

Các quy định mới đặt ra các mục tiêu thâm hụt và giảm nợ tối thiểu nhưng những mục tiêu này ít tham vọng hơn so với các số liệu trước đó.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Valdis Dombrovskis cho biết: “Vào thời điểm có thách thức kinh tế và địa chính trị đáng kể, các quy định mới sẽ cho phép chúng tôi giải quyết thực tế mới ngày nay và mang lại cho các quốc gia thành viên EU sự rõ ràng cũng như khả năng dự đoán về chính sách tài khóa của họ trong những năm tới”.

“Những quy định này sẽ cải thiện tính bền vững của tài chính công và thúc đẩy tăng trưởng bền vững bằng cách khuyến khích đầu tư và cải cách”, ông cho biết

Bình luận về thỏa thuận này, thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) Margarida Marques cho biết: "Với cách tiếp cận từng trường hợp và trung hạn, cùng với việc tăng quyền sở hữu, các quốc gia thành viên sẽ được trang bị tốt hơn để ngăn chặn các chính sách thắt lưng buộc bụng”.

Các quy tắc sửa đổi cho phép các quốc gia vay nợ quá mức có thể giảm nợ trung bình 1% mỗi năm nếu tỷ lệ này trên 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và trung bình 0,5% mỗi năm nếu khoản nợ nằm trong khoảng từ 60% đến 90% GDP.

Các quốc gia có mức thâm hụt trên 3% GDP được yêu cầu giảm một nửa xuống còn 1,5% trong thời kỳ tăng trưởng, tạo ra vùng đệm an toàn cho những thời điểm khó khăn phía trước.

Chi tiêu quốc phòng sẽ được tính đến khi Ủy ban châu Âu đánh giá mức thâm hụt cao của một quốc gia, nguyên nhân được cân nhắc do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

Các quy định mới sẽ cho các quốc gia 7 năm, tăng so với 4 năm trước đó để cắt giảm nợ và thâm hụt bắt đầu từ năm 2025.

Tuy nhiên, một quốc gia thành viên có nợ quá mức sẽ không bị buộc phải giảm tỷ lệ này xuống dưới 60% vào cuối thời hạn 7 năm, miễn là nó đang trên đà đi xuống hợp lý.

Các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu sẽ cần chính thức xác nhận thỏa thuận sơ bộ mà các nhà đàm phán đạt được vào thứ Bảy (10/2) trước khi thoả thuận có thể có hiệu lực vào năm tới.

Thách thức với tân Tổng thống Phần Lan trong bối cảnh địa chính trị mới

Bối cảnh địa chính trị đang thay đổi ở châu Âu sẽ là thách thức chính đối với tổng thống mới của Phần Lan.

Theo hãng AFP, cựu Thủ tướng bảo thủ Alexander Stubb đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Phần Lan ngày 11/2, đảm nhận một vai trò ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước này là thành viên NATO và căng thẳng gia tăng với nước láng giềng Nga.

Khoảng 4,3 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu để lựa chọn vị nguyên thủ quốc gia của Phần Lan giữa ông Stubb và cựu ngoại trưởng Pekka Haavisto, một nghị sĩ Đảng Xanh tranh cử với tư cách độc lập.

“Xin chúc mừng Alexander Stubb, tổng thống thứ 13 của Phần Lan”, ông Haavisto nói trên truyền hình trực tiếp khi thừa nhận thất bại sau khi đài truyền hình Yle dự đoán rằng ông Stubb đã thắng với 51,4%.

Khi tất cả phiếu bầu được kiểm, kết quả cuối cùng cho thấy ông Stubb giành được 51,6% phiếu bầu. Ông Stubb, người gọi chiến thắng này là “vinh dự lớn nhất trong cuộc đời”, sẽ nhậm chức vào ngày 1/3 tới.

Bối cảnh địa chính trị đang thay đổi ở châu Âu sẽ là thách thức chính đối với nguyên thủ quốc gia mới, người - mặc dù có quyền hạn hạn chế so với thủ tướng - cùng với chính phủ vạch ra chính sách đối ngoại của nước này và đóng vai trò là tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang Phần Lan.

Mối quan hệ giữa Nga và Phần Lan đã xấu đi sau cuộc xung đột ở Ukraine, khiến Helsinki phải từ bỏ chính sách không liên kết quân sự trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO vào tháng 4/2023.

Nga, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Phần Lan, đã nhanh chóng cảnh báo về “các biện pháp đối phó”.

Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Helsinki duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moskva. Tổng thống sắp mãn nhiệm Sauli Niinisto, được bầu lần đầu tiên vào năm 2012, từng tự hào về mối quan hệ chặt chẽ của mình với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi trở thành một trong những người chỉ trích gay gắt Moskva.

Vào tháng 8/2023, Phần Lan cho biết một dòng người di cư vào biên giới phía Đông mà không có thị thực. Helsinki cáo buộc Moskva đang thúc đẩy những người di cư nhằm "gây bất ổn" cho nước này và để đáp trả, Phần Lan đã đóng cửa biên giới của họ vào tháng 11 – một động thái được cả hai ứng cử viên tổng thống khi đó ủng hộ.

Hanna Ojanen, Giám đốc nghiên cứu chính trị tại Đại học Tampere, nhận định: “Tôi tin rằng ông (Stubb) có thể điều hướng cả hợp tác đa phương và quan hệ song phương, đó là điều cần thiết, và ông ấy có thể cũng sẽ hiểu được bức tranh chung về chính sách đối ngoại và an ninh”.

Ông Stubb và Haavisto, cả hai đều từng giữ chức ngoại trưởng, đã chia sẻ tầm nhìn tương tự về lập trường của Phần Lan đối với Nga, kêu gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Moskva và hỗ trợ cho Ukraine.

Theo Theodora Helimaki, nhà nghiên cứu tiến sĩ về khoa học chính trị tại Đại học Helsinki, khi tham gia cuộc bầu cử, các nhà phân tích đã lưu ý rằng hai ứng cử viên phần lớn có quan điểm giống nhau về các vấn đề chính sách lớn, do đó, sự khác biệt là ở một số động thái, chẳng hạn như việc lưu trữ hoặc quá cảnh vũ khí hạt nhân ở Phần Lan.

Ông Stubb từng nói rằng nước này không nên loại trừ “bất kỳ phần nào” trong khả năng răn đe hạt nhân của NATO, trong khi ông Haavisto không muốn có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Phần Lan.

Chuyên gia Helimaki cho rằng ông Stubb sẽ được coi là “một kiểu tổng thống hơi mới” đối với người Phần Lan. “Có lẽ ông ấy hướng ngoại hơn nhiều so với những người khác, có thể 'quốc tế' hơn một chút về nhiều mặt", chuyên gia Helimaki nêu quan điểm.

Nguồn: ANTV; Bnews; Tin Nhanh Chứng Khoán; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang