- Thời sự
- EU
Siêu bão Beryl làm nổi bật rủi ro nguồn cung khiến giá khí đốt châu Âu tăng vọt.
Giá khí đốt châu Âu tăng cao do các thương nhân đánh giá rủi ro nguồn cung trong bối cảnh thời tiết nắng nóng ở một số khu vực châu Á và cơn bão Beryl ảnh hưởng đến nhà cung cấp khí đốt chính ở Texas, Mỹ.
Bloomberg đưa tin, giá hợp đồng khí đốt tương lai chuẩn châu Âu có lúc đã tăng tới 2,1% vào ngày 8.7. Mặc dù lượng khí đốt tồn kho của châu Âu được dự trữ đầy đủ trong thời gian này trong năm, nhưng thị trường toàn cầu mà khu vực này phụ thuộc gần đây đã chứng kiến một số gián đoạn, bao gồm cả những đợt ngừng hoạt động ngoài dự kiến và nhu cầu tăng đột biến ở một số nơi trên thế giới.
Giá khí đốt đã tăng hơn 20% kể từ khi các thương nhân bắt đầu dự trữ vào tháng 4.
Một rủi ro mà thị trường đang theo dõi chặt chẽ là cơn bão Beryl đổ bộ vào bờ biển Texas (Mỹ) sẽ gây gián đoạn hoạt động khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở đó. Cơ sở hóa lỏng của công ty Freeport LNG thông báo đã giảm sản lượng.
Trong khi đó ở châu Âu, tình trạng ngừng hoạt động ngoài kế hoạch tại cơ sở Tolmount của Vương quốc Anh kéo dài đến tối 8.7.
Đồng thời, tình trạng nắng nóng hơn bình thường đang bao trùm nhiều khu vực ở châu Á, làm tăng nhu cầu về khí đốt để sản xuất điện.
Các nhà phân tích Iryna Sereda và Alireza Nahvi của BloombergNEF viết trong báo cáo triển vọng thị trường: “Do châu Âu ngày càng phụ thuộc vào LNG nên giá khí đốt sẽ vẫn rất dễ bị tổn thương trước sự cố ngừng cung cấp ngoài dự kiến và sự thay đổi thời tiết ở châu Âu hoặc châu Á”.
Hiện tại, châu Âu đang được hưởng lợi từ các kho dự trữ khí đốt cao hơn bình thường trong mùa này và sự gia tăng nguồn cung từ nhà cung cấp hàng đầu Na Uy. Nhiệt độ cũng được dự báo sẽ ở mức ôn hòa ở Anh, Đức và Pháp, những thị trường năng lượng lớn nhất khu vực, trong tuần tới.
Giá khí đốt hợp đồng tương lai trên sàn giao dịch TTF ở Hà Lan tăng 0,63% lên 33,27 euro/megawatt giờ lúc 2h chiều ngày 8.7 ở Amsterdam. Các hợp đồng tương đương của Anh cũng tăng.
Dù chuyên gia và nhà đầu tư lo lắng, một số chính trị gia châu Âu phớt lờ "con voi" nợ công và tự tin vạch kế hoạch tăng chi tiêu.
"Các chính phủ mới ở châu Âu đang được trao một chén rượu độc", tờ Wall Street Journal bình luận về đợt bầu cử ở Anh và Pháp. Gọi là "thuốc độc" vì các lãnh đạo mới ở hai nước này sẽ nhận nhiệm vụ thay đổi tình hình nợ công căng thẳng nhưng được trang bị rất ít công cụ trong tay.
Nợ công gần đạt mức cao nhất nhiều thập kỷ ở cả hai bờ eo biển Manche, nơi cử tri Anh và Pháp đang bầu ra quốc hội mới tuần này. Tại cả hai, chi tiêu chính phủ và thâm hụt ngân sách tính trên GDP đã cao hơn đáng kể so với trước dịch. Trong khi, tăng trưởng kinh tế vẫn mờ nhạt, chi phí đi vay tăng cao và nhu cầu chi tiêu tiếp tục leo thang, từ ngân sách phục vụ quốc phòng đến lương hưu cho người già.
Nợ công Pháp năm nay đã tăng lên 112% GDP từ mức 97% năm 2019 và 65% năm 2007, theo IMF. Thâm hụt nợ công dự báo vào khoảng 5% GDP năm nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ đã tăng vọt trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư dự báo núi nợ công nước này sẽ còn cao hơn.
Hồi tháng 5, S&P hạ xếp hạng nợ công của Pháp xuống AA-. Tháng trước, Ủy ban châu Âu khuyến cáo Pháp, Italy và 5 quốc gia khác nên bị kỷ luật vì thâm hụt ngân sách vượt quá giới hạn của EU.
Tại Anh, nợ công cũng tăng lên 104% GDP trong năm nay từ mức 86% năm 2019 và 43% năm 2007.
Theo các nhà kinh tế, tình hình nợ công đòi hỏi giới chức Anh, Pháp phải tìm cách chi tiêu ít hơn và tăng thuế. Nhưng để chạy đua lấy lá phiếu của cử tri, họ còn công bố các kế hoạch ngược lại.
Đảng cực hữu National Rally (RN) tại Pháp đề xuất giảm thuế sâu rộng và đảo ngược việc tăng tuổi hưởng lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron. Liên minh cánh tả của New Popular Front (NFP) thậm chí còn có chương trình nghị sự tham vọng hơn, bao gồm tăng mạnh lương tối thiểu, trợ cấp trong khi giảm thuế.
Ở Anh, đảng Lao động ra hiệu sẽ chi nhiều hơn cho các dịch vụ công như y tế. Viện Nghiên cứu Tài chính, trụ sở tại London, gần đây cáo buộc tất cả đảng lớn, bao gồm đảng Lao động, né tránh các vấn đề hóc búa. S&P Global gọi căng thẳng tài chính của Anh trong cuộc bầu cử này là "con voi trong phòng", thành ngữ phương Tây chỉ vấn đề ai cũng biết nhưng bị lờ đi vì khó giải quyết.
"Tăng trưởng dự kiến khá thất vọng và lãi suất vẫn ở mức cao. Kết hợp chúng là điều kiện kém nhất trong lịch sử hậu Thế chiến mà quốc hội Anh phải đối diện", Isabel Stockton, nhà kinh tế nghiên cứu cấp cao tại IFS cho biết.
Nhưng "con voi" nợ công đang làm giới phân tích và đầu tư cảnh giác. Cuối 2022, Thủ tướng Anh khi đó là Liz Truss đã khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt bằng cách tuyên bố cắt giảm thuế và vay mượn quy mô lớn, đẩy thị trường tài chính Anh vào hỗn loạn. Điều này do chính sách khiến rủi ro nợ công tăng lên, kéo theo bất an của nhà đầu tư trong việc nắm giữ trái phiếu chính phủ, đẩy lợi suất lên cao.
S&P Global nói cuộc hoảng loạn này là cảnh báo rõ ràng cho các chính sách quá cấp tiến mà phớt lờ nợ công. "Chúng tôi quan tâm đến sự cân bằng giữa điều chỉnh doanh thu (thuế) và chi tiêu, điều sẽ cho phép các chính phủ mới cải thiện vị thế tài chính cơ bản," Frank Gill, chuyên gia nợ công của S&P giải thích.
Giữa tháng trước, Ngân hàng Norinchukin (Nhật Bản) nêu kế hoạch bán 10.000 tỷ yen (62,6 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Mỹ và châu Âu để ngăn chặn tổn thất. Các nhà phân tích của Citi cho rằng chi phí phòng ngừa rủi ro cao làm tăng nguy cơ xảy ra đợt bán tháo khác của Nhật Bản sau khi nắm giữ ổn định trong 15 tháng.
Năm 2017, trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 mà bà Le Pen đã thua ông Macron, các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán 27,89 tỷ USD trái phiếu chính phủ Pháp, con số kỷ lục theo tính toán của Barclays.
"Có nguy cơ tái diễn những động lực từng thấy vào năm 2017", chiến lược gia tỷ giá Max Kitson của Barclays nói. Hiện khối ngoại (gồm chính phủ, ngân hàng, tổ chức phi ngân hàng) đang nắm giữ đến 50,4% trái phiếu chính phủ Pháp.
Và dù tăng sự quan tâm, điều khó là thâm hụt nợ công ở nhiều nước phát triển cao hơn 3 điểm phần trăm so với trước dịch, theo Capital Economics. Kinh tế trưởng Neil Shearing nói một phần nguyên nhân do lãi suất cao hơn và chi tiêu không liên quan đến Covid-19 tăng. "Không có nhiều cơ hội cho việc mở rộng tài chính quy mô lớn", ông nói.
Ngay cả Đức, hình mẫu về sự thận trọng tài chính, cũng đã thâm hụt ngân sách từ trạng thái thặng dư những năm 2010. Sau nhiều tháng đàm phán khó khăn, liên minh ba bên của Thủ tướng Olaf Scholz tuần trước tuyên bố đạt thỏa thuận vẫn tuân thủ các quy định vay mượn nghiêm ngặt nhưng đồng thời tìm ra biện pháp nhằm phục hồi tăng trưởng và thúc đẩy chi tiêu quân sự.
Tại Italy, Thủ tướng Giorgia Meloni gần đây đã trấn an được các nhà đầu tư bằng cách công bố kế hoạch giảm chi tiêu và giọng điệu hòa giải đối với Brussels khi Ủy ban điểm danh nước này cùng với Pháp vi phạm kỷ luật nợ công.
Nhưng không phải lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy (tập trung chính sách ưu tiên quyền lợi đại chúng) nào cũng sẽ thành công như bà Meloni, theo WSJ. Một nghiên cứu năm 2023 trên 51 tổng thống và thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy từ năm 1900 đến năm 2020 cho thấy họ có xu hướng thất bại về mặt kinh tế.
Manuel Funke, Moritz Schularick và Christoph Trebesch của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) nhận thấy rằng trong hơn 15 năm, GDP bình quân đầu người và tiêu dùng đã giảm hơn 10% dưới các chính phủ dân túy so với các chính phủ phi dân túy, trong khi gánh nặng nợ nần và lạm phát cũng có xu hướng gia tăng.
Bất ngờ lớn đã xảy ra tại vòng hai bầu cử quốc hội Pháp. Khác hoàn toàn với dự đoán của giới phân tích và các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu, khối chính trị giành vị trí dẫn đầu không phải là đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và các đồng minh, mà là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP).
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy NFP vươn lên vị trí dẫn đầu về số ghế, đẩy RN và đồng minh xuống vị trí thứ ba. Liên minh “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron chính thức mất đa số tương đối và dự kiến chỉ còn giữ được từ 160 –162 ghế so với 254 ghế trong quốc hội cũ. Kết quả vòng hai càng khẳng định sự phân cực của chính trường Pháp, với 3 khối có số ghế không chênh nhau quá nhiều trong cơ quan lập pháp. Kết quả không lường trước được khiến các lá bài bị xáo trộn, buộc Điện Elysée phải xem lại các kịch bản của mình.
Phát biểu chúc mừng thành công của cánh tả thống nhất, ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng cánh tả cấp tiến Nước Pháp bất khuất (LFI), nhấn mạnh các cử tri đã "loại trừ giải pháp tồi tệ nhất", tức là RN chiếm được đa số tuyệt đối trong quốc hội. Thất bại nằm ngoài mọi dự đoán của phe cực hữu cho thấy chiến lược rút lui của “Mặt trận Cộng hòa”, mà nòng cốt chính là phe cánh tả thống nhất và phe của Tổng thống Macron, đã phát huy hiệu quả ngoài mong đợi. Các thông điệp và hướng dẫn bầu cử của các đảng này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cử tri.
Với kết quả này, RN đã không còn cơ hội nắm quyền lực mặc dù vẫn được hưởng một vị thế mạnh nhất trong lịch sử tồn tại của mình. “Thủy triều lần này không dâng đủ cao, nhưng nó vẫn tiếp tục dâng. Chiến thắng của chúng tôi chỉ bị trì hoãn” - cựu Chủ tịch RN Marine Le Pen phát biểu như vậy sau khi biết kết quả bỏ phiếu. Bà cũng nhấn mạnh rằng đa số tuyệt đối dành cho RN sẽ nằm trong tầm tay nếu như không có “thỏa thuận không tự nhiên” giữa liên minh cánh tả và phe của Tổng thống Macron.
Với số ghế đạt được ít hơn nhiều so với trước, phe đa số của Tổng thống Macron đã chính thức trở thành phe thiểu số. Nhiều cử tri Pháp đã không thay đổi quyết định tiếp tục bỏ phiếu trừng phạt ông trong vòng hai, khiến kế hoạch thu hút trở lại các cử tri của khối trung dung thất bại. Nhiệm vụ cấp bách của Tổng thống Macron là phải nhanh chóng quên đi thất bại do chính mình gây ra để giải quyết một bài toán hóc búa là kế hoạch "sống chung" như thế nào trong những tháng tới. Cho đến nay, giới quan sát vẫn chưa biết Tổng thống Macron sẽ lựa chọn chung sống theo giải pháp nào nhưng chắc chắn rằng mọi kịch bản đều không hứa hẹn những điều tốt lành đối với ông.
Theo giới quan sát, một trong những kịch bản tiềm năng nhất là thành lập một “chính phủ cầu vồng”, gồm nhiều sắc thái chính trị như thường thấy tại Bỉ, trên cơ sở một quốc hội đa nguyên. Tổng thống Macron có thể chỉ định một nhân vật đủ uy tín, trong trường hợp này là người của cánh tả, đứng ra xây dựng một liên minh giữ đa số tuyệt đối, với sự góp mặt của “một phần cánh tả, một phần cánh hữu và các đại biểu thuộc phe của ông”. Nhưng “giải pháp tình thế” này không dễ trở thành hiện thực do sẽ vấp phải sự phản đối của các đảng cánh tả LFI và đảng Sinh thái. Đánh giá tình thế hiện nay, ông Jean-Luc Mélenchon cho rằng: “Thất bại của phe Tổng thống Macron là không thể thay đổi và ông ấy không thể lảng tránh bằng mọi cách. Thủ tướng phải ra đi và có nghĩa vụ kêu gọi NFP điều hành chính phủ. Và NFP sẽ áp dụng toàn bộ chương trình của mình”.
Một trong những điều kiện tham gia bất cứ liên minh nào của LFI là phải giữ nguyên chương trình hành động của NFP, trong đó có việc bãi bỏ cải cách hưu trí mà Tổng thống Macron đã phải rất khó khăn mới đạt được năm 2023. Chia sẻ quan điểm với lãnh đạo LFI sau cuộc bỏ phiếu, ông Olivier Faure, Bí thư thứ nhất đảng Xã hội, cũng khẳng định: “Chúng ta sẽ không tham gia bất kỳ liên minh đối lập nào phản bội phiếu bầu của người dân (...) Các chính sách theo chủ nghĩa Macron sẽ không thể được tiếp tục. Chúng ta sẽ chỉ có một la bàn duy nhất, đó là chương trình của NFP.”
Nếu mục tiêu thành lập “chính phủ cầu vồng” hay “Liên đoàn các dự án” như ý tưởng của Tổng thống Macron không thể trở thành hiện thực, ông có thể nghĩ tới việc thành lập một chính phủ kỹ trị như một phương án tối thiểu. Đó sẽ là một nhóm gồm các học giả, chuyên gia và công chức cấp cao, không liên quan đến bất kỳ đảng phái chính trị nào, làm việc dưới sự điều hành của một nhân vật được đề cử vào Phủ Thủ tướng theo nguyên tắc đồng thuận, giống như một chính phủ tại Italy năm 2021 – 2022 do cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi lãnh đạo. Các bộ trưởng trong chính phủ kỹ trị sẽ được quyền bỏ phiếu về ngân sách. Tuy nhiên, với một chính phủ kỹ trị, Tổng thống Macron sẽ phải chấp nhận từ bỏ các tham vọng cải cách mà ông muốn hoàn thành trong phần còn lại của nhiệm kỳ thứ hai.
Với những phân tích ở trên, khả năng là với “cấu hình” mới tại Quốc hội, Tổng thống Macron có thể sẽ chung sống với một phần cánh tả, gồm các đại biểu của đảng Xã hội, đảng Sinh thái và có thể cả các đại biểu của đảng Cộng sản vì LFI đã loại trừ mọi ý tưởng làm việc với ông. Trong trường hợp này, thủ tướng tiếp theo sẽ là người thuộc cánh tả, nhưng với điều kiện NFP cần tìm ra một chính trị gia có cá tính đủ mạnh và không thể tranh cãi để tập hợp được phe trung dung và cánh hữu lại với nhau.
Thất bại bất ngờ của RN và các đồng minh đã giúp Tổng thống Pháp loại trừ được kịch bản tồi tệ nhất, bởi nếu đảng này nắm quyền lực, nước Pháp sẽ chứng kiến sự chia rẽ mang tính lịch sử giữa hai nhân vật đứng đầu của Nhà nước. Nhưng việc phải chung sống với cánh tả cũng sẽ là điều trớ trêu đối với Tổng thống Macron, bởi ông đã ấn định nhiệm kỳ thứ hai của mình theo hướng hữu khuynh, mà nổi bật là dự án cải cách hưu trí và Luật nhập cư mới.
Như vậy, bất kỳ viễn cảnh nào cũng dẫn tới một điều chắc chắn rằng cuộc bầu cử sớm sẽ không chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp hiện nay. “Không có tình huống nào dẫn đến một kết quả tốt đẹp”, một quan chức cấp cao không muốn nêu tên thuộc phe tổng thống nhấn mạnh. Theo quan chức này, Tổng thống Macron đã suy yếu và đơn độc hơn bao giờ hết khi phía trước ông là một quốc hội và chính phủ không dễ kiểm soát.
Cần biết rằng theo Hiến pháp, trong mọi trường hợp và với mọi kịch bản, nếu khủng hoảng xảy ra, Quốc hội mới được bầu của nước Pháp cũng không thể bị giải tán trong vòng một năm, tức là trước ngày 9/6/2025.
Bắt đầu từ ngày 8/7, Pháp phải đối mặt với một quốc hội treo và các cuộc đàm phán khó khăn để thành lập chính phủ, sau khi làn sóng cánh tả bất ngờ cản trở nỗ lực của bà Marine Le Pen nhằm đưa phe cực hữu lên nắm quyền.
Mặt trận Bình dân Mới (NFP) theo cánh tả nổi lên như một lực lượng thống trị trong Quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử hôm 7/7, nhưng không có nhóm nào đảm bảo thế đa số tuyệt đối, với các khả năng bao gồm NFP thành lập một chính phủ thiểu số hoặc xây dựng một liên minh lớn, cồng kềnh.
Kết quả này đã giáng một đòn mạnh vào Tổng thống Emmanuel Macron và khiến nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng euro rơi vào tình trạng lấp lửng, báo trước một thời kỳ bất ổn chính trị chỉ vài tuần trước khi Paris đăng cai Thế vận hội Olympic.
Ông Macron đã đi đến chỗ có một quốc hội bị chia cắt và điều này được cho là sẽ làm suy yếu vai trò của Pháp trong Liên minh châu Âu và xa hơn thế, đồng thời cũng làm cho bất kỳ ai khó có thể thúc đẩy một chương trình nghị sự trong nước.
Dữ liệu của Bộ Nội vụ Pháp được tờ Le Monde trích dẫn cho thấy, cánh tả đã giành được 182 ghế, liên minh trung dung của ông Macron giành 168 ghế và Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Le Pen cùng các đồng minh giành 143 ghế.
“Theo logic các thông lệ của chúng tôi, hôm nay ông Emmanuel Macron nên chính thức mời Mặt trận Bình dân Mới đề cử thủ tướng,” Lãnh đạo đảng Xanh Marine Tondelier, một trong số những nhân vật của NFP được coi là ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ này, cho biết.
“Ông ấy sẽ làm hay không? Vì vị tổng thống này luôn đầy rẫy những điều bất ngờ, chúng ta sẽ chờ xem,” bà Tondelier nói trên đài phát thanh RTL.
Thủ tướng Gabriel Attal cho biết ông sẽ nộp đơn từ chức vào ngày 8/7, nhưng không rõ liệu tổng thống có ngay lập tức chấp nhận việc này hay không trong lúc đối diện nhiệm vụ khó khăn trước mắt là thành lập chính phủ. Ông Attal cho biết ông sẽ sẵn sàng tiếp tục đảm nhận vai trò trong lúc lâm thời.
Những giọng nói bất hòa trong cánh tả
Các nhà lãnh đạo của NFP đã gặp nhau qua đêm để có những cuộc đàm phán đầu tiên về cách tiến hành, nhưng trong các cuộc phỏng vấn trên truyền thông hôm 8/7, họ đưa ra rất ít định hướng.
Bà Tondelier cho biết trên đài phát thanh France Inter rằng thủ tướng có thể là người thuộc đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất, Đảng Xanh hoặc Đảng Xã hội, ba đảng lớn nhất trong liên minh.
Ông Olivier Faure, lãnh đạo Đảng Xã hội, nói trên đài phát thanh France Info rằng ông mong đợi các bên sẽ đồng ý về kế hoạch trong tuần này, nhưng tránh trả lời câu hỏi về việc liệu NFP có sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận với phe trung dung của ông Macron hay không.
Ông Raphael Glucksmann, một người ôn hòa nổi tiếng, người dẫn đầu phe cánh tả trong cuộc bầu cử châu Âu hồi tháng trước, cho biết hôm 7/7 rằng một quốc hội treo cần phải có sự cởi mở để đối thoại.
Nhưng thủ lĩnh cực đoan của đảng Nước Pháp Bất khuất, Jean-Luc Melenchon, một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất trong nền chính trị Pháp, đã dứt khoát loại trừ bất kỳ thỏa thuận nào với những người theo chủ nghĩa ôn hòa hôm 7/7, và vào ngày 8/7, đồng minh của ông, Eric Bompard, tỏ ra không khoan nhượng.
“Tổng thống phải bổ nhiệm một người nào đó từ Mặt trận Bình dân Mới làm thủ tướng để thực hiện chương trình của NFP, toàn bộ chương trình và không có gì ngoài chương trình,” ông nói trên đài truyền hình France 2.
Bị thách thức về việc làm thế nào điều đó có thể thực hiện được nếu không có đa số tuyệt đối, ông Bompard từ chối trả lời câu hỏi, nhấn mạnh rằng vì NFP đã đi trước nên họ sẽ chi phối và loại bỏ ý tưởng đàm phán với bất kỳ ai khác.
Tuy nhiên, có rất ít khả năng bất kỳ đề xuất quan trọng nào của khối cánh tả, bao gồm tăng mức lương tối thiểu, đảo ngược cải cách lương hưu của ông Macron và giới hạn giá các mặt hàng quan trọng, sẽ được thông qua trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội mà không có thỏa thuận nào với các nhà lập pháp từ bên ngoài khối.
Các nhà trung dung sẵn sàng đàm phán
Một số nhân vật trung dung nổi bật, bao gồm ông Edouard Philippe, cựu thủ tướng dưới thời ông Macron, cho biết họ sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận nhằm đảm bảo một chính phủ ổn định, nhưng chưa sẵn sàng làm việc với đảng Nước Pháp Bất khuất, một lực lượng được nhiều người theo chủ nghĩa trung dung ở Pháp coi là cực đoan tương tự như RN.
Bà Yael Braun-Pivet, một nhà lập pháp thuộc đảng của ông Macron – người từng là lãnh đạo Quốc hội trước cuộc bầu cử, cho biết văn hóa chính trị của Pháp sẽ phải tiến triển, trở nên ít đối kháng hơn và hợp tác hơn giữa các đảng phái.
“Thông điệp mà tôi nghe được từ cử tri là ‘không ai có được đa số tuyệt đối, vì vậy các bạn phải làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp cho các vấn đề của chúng ta’,” bà Braun-Pivet nói trên kênh truyền hình France 2.
Đối với đảng RN của bà Le Pen, kết quả khác xa so với những tuần trước đó khi các cuộc thăm dò dư luận luôn dự đoán đảng này sẽ giành chiến thắng một cách dễ dàng.
Các liên minh cánh tả và trung dung đã cùng hợp tác sau vòng bỏ phiếu đầu tiên vào tuần trước bằng cách thu hút lá phiếu của các ứng cử viên từ các cuộc đua ba bên để tạo nên một cuộc bỏ phiếu thống nhất chống lại RN.
Trong phản ứng đầu tiên, lãnh đạo RN Jordan Bardella, người được bà Le Pen bảo trợ, đã gọi sự hợp tác giữa các lực lượng chống RN là một “liên minh đáng hổ thẹn” mà ông cho rằng sẽ làm tê liệt nước Pháp.
Tuy nhiên, bà Le Pen, người có thể sẽ là ứng cử viên của đảng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2027, cho biết cuộc bỏ phiếu hôm 7/7, trong đó RN đã giành được nhiều thắng lợi lớn, đã gieo hạt giống cho tương lai.
“Chiến thắng của chúng tôi chỉ đơn thuần là bị trì hoãn thôi,” bà nói.
Ngày 8/7, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo Đảng Lao động sẽ cho phép hơn 100.000 người di cư nộp đơn xin tị nạn.
Khoảng 90.000 người di cư sắp bị trục xuất sang Rwanda sẽ nằm trong số 102.000 người sẽ được xử lý hồ sơ thông qua hệ thống tị nạn. Động thái hủy bỏ kế hoạch Rwanda diễn ra sau khi giới chức Anh phát hiện chiếc thuyền di cư đầu tiên vượt qua eo biển Manche kể từ khi ông Keir Starmer thắng cử và xác định năm nay sẽ là một mùa hè "thử thách" đối với chính phủ.
Từ đầu năm đến nay, số người vượt biên qua eo biển Manche đã tăng lên mức kỷ lục 13.600 người, mức cao nhất kể từ khi những người di cư đầu tiên vượt eo biển này vào tháng 1/2018. Con số này cao hơn khoảng 3% so với mức 13.172 vào cùng thời điểm năm 2022, năm kỷ lục trước đó. Nó cũng cao hơn 8% so với con số 12.503 vào cùng thời điểm năm 2023.
Tính đến tháng 4/2024, đã có 102.888 người xin tị nạn đang chờ được duyệt hồ sơ. Hội đồng Người tị nạn Anh cho biết khoảng 70% hay khoảng 60.000 trong số 90.000 người sẽ được cấp quyền tị nạn dựa trên đặc điểm quốc gia ban đầu của họ.
Trong số những người đang tìm kiếm cơ hội tị nạn, gần 36.000 người đang được bố trí ăn ở trong các khách sạn, trong đó hơn 50% đến từ các quốc gia có tỷ lệ được cấp quyền tị nạn cao. Việc đảm bảo ăn ở cho những người xin tị nạn này đang tiêu tốn của chính phủ Anh 2,9 triệu Bảng (3,7 triệu USD) mỗi ngày. Chính phủ Anh dự kiến sẽ chấm dứt việc sử dụng khách sạn làm nơi ăn nghỉ cho người xin tị nạn trong vòng một năm để tiết kiệm tài chính.
Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper đang làm việc với các quan chức Bộ Nội vụ để xác định xem liệu Bộ có cần bãi bỏ luật nhập cư của Đảng Bảo thủ để chuyển người di cư sang hệ thống tị nạn và đưa ra luật riêng hay không. Những thay đổi này sẽ được đưa vào Dự luật An ninh Biên giới mới trong bài phát biểu của Vua Charles đệ tam vào tuần tới.
Hội đồng Người tị nạn ước tính sẽ có thêm 27.000 người di cư vượt eo biển Manche vào cuối năm nay, làm tăng thêm số đơn xin tị nạn tồn đọng mà chính quyền Đảng Lao động sẽ phải xử lý.
Bà Yvette Cooper cho biết chính phủ Anh hiện đang tập trung vào công việc cần thiết để bảo vệ đường biên giới và triển khai thành lập Bộ Tư lệnh An ninh Biên giới với mục đích giải quyết tận gốc nạn buôn người.
Nguồn: Lao Động; Vnexpress; Báo Tin Tức; VOA; VTV
EU: Giao thông hỗn loạn vì tuyết sớm; Khủng hoảng khí đốt mới; Bước lùi tham vọng xe điện; ‘Chảy máu’ chất xám; Bất an ở Biển Baltic
EU: Vụ gian lận thuế VAT; Dân quay lưng với Mỹ; Thách thức chờ Von der Leyen; Pháp gặp cú sốc ở Phi; Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa
EU: Giá khí đốt tăng; Tăng cường an ninh mạng; Mua sắm cuối năm gặp khó; ‘Né’ chiến tranh thương mại; Chính phủ Pháp bên bờ sụp đổ
EU: Mong muốn tự bảo vệ; Các thách thức kinh tế; Ngành pin xe điện lâm nguy; Ủng hộ thắt lưng buộc bụng; ‘Át chủ bài’ cuối cùng ở Kiev
EU: Ô nhiễm từ LNG; Cảnh báo bong bóng cổ phiếu AI; Tích cực thay thế LNG Mỹ; ‘Ủng hộ’ trái phiếu quốc phòng; Khó ‘gồng gánh’ Kiev
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá