EU: Du lịch 'đi xuống'; 'Bài toán an ninh'; Ô tô điện TQ 'chất như núi'; Pháp gia hạn tạm giam CEO Telegram, chưa chọn Thủ tướng mới

NGÀNH DU LỊCH CHÂU ÂU TRỞ NÊN TỒI TỆ

Mọi thứ đang trở nên tồi tệ với du lịch châu Âu khi người dân không còn thân thiện, biểu tình đuổi khách lan rộng và quá tải ở các điểm đến.

Biểu tình trên đường phố, viết các dòng chữ graffiti đuổi khách về nhà, dân số địa phương tại các điểm du lịch giảm sút, giá thuê nhà tăng cao, chi phí đắt đỏ là những điều mà ngày nay châu Âu đang phải hứng chịu vì du lịch quá mức.

Venice thu phí khách đến trong ngày vào những hôm cao điểm, người dân biểu tình khắp Mallorca và Barcelona.

"Đây không phải điều mới mẻ hay mới xảy ra", Noel Josephides, chủ tịch công ty lữ hành châu Âu Sunvil nói. Josephides tin rằng tình trạng du lịch hỗn loạn hiện tại đã được dự báo từ nhiều năm trước. Ông cảm thấy xấu hổ về những gì ngành công nghiệp du lịch đã làm với các điểm đến cũng như mất niềm tin vào các hoạt động kinh doanh khi ngày ngày đối mặt với sự tàn phá mà ngành gây ra ở châu Âu.

"Ngành du lịch đã bỏ qua thiện chí của người dân địa phương", Justin Francis, chủ một công ty du lịch nhỏ cho biết. Anh lớn lên tại Bath, một trong những thành phố được ghé thăm nhiều nhất tại Anh. Justin có ấn tượng xấu với các du khách Mỹ ghé thăm thành phố khi anh còn nhỏ.

"Tôi đã rất ngạc nhiên trước những du khách cư xử như người ngoài hành tinh: ồn ào và hét vào mặt nhau", Justin nhớ lại.

Justin nói thêm du lịch ở nhiều nơi tại châu Âu đã đi đúng hướng nhưng nhìn chung toàn ngành đã đánh mất lòng tin với người dân địa phương.

Khi nhận xét về các cuộc biểu tình đuổi khách ở Tây Ban Nha, Justin nhận xét năm nay châu Âu đã trải qua mùa du lịch tồi tệ và chỉ ra vấn đề này thực tế đã âm ỉ một thời gian dài. Chính quyền sở tại không giải quyết được triệt để nên dẫn đến sự bùng phát hiện nay.

Justin cho biết ngành du lịch đã quên mất một tài sản quý giá: sự thân thiện của người dân địa phương. Mọi thứ sẽ sụp đổ nếu không có điều này. Tại nhiều điểm nóng du lịch, thiện chí của người dân đã mất và chính quyền sẽ khó có thể lấy lại được.

Justin cho rằng nguyên nhân của du lịch đại chúng kết hợp từ nhiều yếu tố: các hãng hàng không giá rẻ phát triển, dịch vụ cho thuê nhà nghỉ ngày một nhiều, phương tiện truyền thông khiến khách đổ xô tới điểm đến và ngày càng nhiều người đi du lịch. Justin tin rằng ngành công nghiệp du lịch cần được quản lý và kiểm soát.

Noel Josephides từng đưa hàng nghìn khách từ Bắc Âu đến Địa Trung Hải từ những năm 1970. Phần lớn công việc của ông liên quan đến tìm kiếm địa điểm mới, nơi du khách sẽ thích. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực lữ hành, Josephides nói cách tạo ra một điểm đến mới hút khách rất đơn giản: người dân địa phương đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch dưới sự hỗ trợ tài chính của các công ty lữ hành. Còn các công ty lữ hành nhỏ sẽ thêm điểm đến này vào tour dẫn khách của họ.

Nếu điểm đến ngày càng hút khách, các công ty du lịch lớn hơn sẽ tham gia dẫn khách tới. Các chuyến bay cũng tăng lên vài chuyến một ngày và đột nhiên điểm đến du lịch đó thay đổi. Chỉ trong vài năm, du khách sẽ không còn nhận ra điểm đến đó vì đã phát triển quá nhanh. Từ điểm đến cao cấp ít người biết, nơi đó trở thành điểm du lịch đại chúng và người dân địa phương bắt đầu phàn nàn.

Josephides nói ngành du lịch đang đi xuống đáy và mất kiểm soát. ÔnG không cho rằng người dân địa phương phản đối du lịch nhưng họ muốn kiểm soát du lịch. Và những người làm du lịch cần chịu trách nhiệm về những gì gây ra cho điểm đến.

Jeremy Sampson, CEO của Travel Foundation, cho rằng ngành du lịch châu Âu đang bị mất cân bằng.

Jaume Bauza, người đứng đầu Cục Du lịch, Văn hóa và Thể thao của quần đảo Balearics, Tây Ban Nha cho biết chính quyền đã thành lập một ủy ban nhằm mục đích phát triển du lịch bền vững. Bauza cho biết mối quan tâm của người dân địa phương là ưu tiên hàng đầu của chính quyền. "Du lịch là nguồn kinh tế chính nhưng chúng tôi cũng cần đặt người dân địa phương lên hàng đầu", Bauza nói.

Justin cho biết phần lớn người dân địa phương phản ứng với khách du lịch vì du lịch quá tải làm giá cả tăng vọt, khiến họ không có đủ khả năng để sống tại chính quê hương mình. Do vậy, chính quyền tại các điểm đến nổi tiếng khắp châu Âu cần có các biện pháp kiểm soát, không để tăng giá nhà cho thuê với người dân địa phương.

Josephides cho rằng bất kỳ thay đổi nào cũng phải ở cấp chính phủ, không nên trông chờ vào các doanh nghiệp vì "không một công ty nào đồng ý giảm lượng khách của họ". Khách du lịch nên ở khách sạn thay vì thuê căn hộ để tránh tranh nhà ở của người dân địa phương. Khi du khách đến nơi, hãy thuê hướng dẫn viên địa phương dẫn đi tham quan cũng như tạo công ăn việc làm cho cư dân tại điểm đến.

Justin tin rằng "du lịch là một thỏa thuận". Người dân địa phương để khách đến thì đổi lại khách cần cung cấp lại cho họ những lợi ích nhất định. Khách du lịch càng đầu tư nhiều tiền vào người dân địa phương, họ càng được chào đón.

MỐI LO NGẠI VỀ LÀN SÓNG KHỦNG BỐ GIA TĂNG

Châu Âu đang đứng trước mối lo ngại về làn sóng khủng bố gia tăng đe dọa an ninh Lục địa Già. Hàng loạt các vụ tấn công xảy ra mới đây ở Pháp, Đức, Anh, Áo đều có bóng dáng của những kẻ cực đoan có liên quan tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Các nhánh của tổ chức khủng bố này được cài cắm ở nhiều nơi, tìm cách đẩy mạnh xu hướng cực đoan hóa ở khu vực, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh và sự ổn định của châu Âu.

Cảnh sát Đức mới đây cho biết, một người đàn ông Syria đã ra đầu thú và nhận tội thực hiện vụ đâm dao tại thành phố Solingen, miền tây nước Đức, khiến 3 người thiệt mạng và 8 người bị thương. Vụ việc đã gây chấn động nước Đức, vì vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh hàng nghìn người tụ tập tham gia các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Lễ hội Đa bản sắc kỷ niệm 650 năm thành lập thành phố này.

Nghi phạm vụ tấn công sống ở một cơ sở dành cho những người tị nạn tại Solingen. IS cũng tuyên bố một thành viên của tổ chức khủng bố này đã thực hiện vụ tấn công bằng dao nêu trên để trả thù cho người Hồi giáo ở khắp nơi. Dòng người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông, châu Phi đổ vào châu Âu đang kéo theo những hệ lụy khôn lường cho Lục địa Già. Cục cảnh sát hình sự liên bang Đức (BKA) từng cảnh báo nguy cơ xảy ra các hành động bạo lực liên quan đến các phần tử thánh chiến Hồi giáo tại nước này ở mức cao.

Mối đe dọa khủng bố hiện hữu

Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2024) và Olympic Paris đã kết thúc, tuy nhiên tình hình an ninh ở khu vực được đánh giá vẫn chưa ổn định. Bộ Nội vụ Pháp mới đây thông báo, cảnh sát nước này đã bắt giữ đối tượng tình nghi phóng hỏa và gây ra vụ nổ tại một giáo đường Do Thái ở thị trấn nghỉ dưỡng La Grande Motte thuộc miền nam, mà theo nhà chức trách, đây có thể là một vụ tấn công khủng bố. Máy quay an ninh đã ghi lại được hình ảnh nghi can đã đốt 2 ô-tô bên ngoài giáo đường và gây ra một vụ nổ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là hành động khủng bố, đồng thời khẳng định nhà chức trách đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để truy bắt đối tượng. Quyền Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cũng tới thị sát hiện trường vụ việc cùng Bộ trưởng Nội vụ Gerard Darmanin. Sau khi vụ việc xảy ra, an ninh được thắt chặt tại nhiều địa điểm của người Do Thái tại Pháp, trong bối cảnh đang diễn ra lễ Sabbat hằng tuần của đạo Do Thái, với một số hoạt động tập trung đông người tại các giáo đường.

Trong khi đó, đáng chú ý, 3 buổi biểu diễn của danh ca Taylor Swift dự kiến diễn ra tại Vienna (Áo) hồi trung tuần tháng 8 vừa qua đã bị hủy, sau khi nhà chức trách Áo thông báo đã bắt giữ một số đối tượng tình nghi lên kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào sự kiện này.

Sau vụ việc các buổi biểu diễn của ca sĩ Taylor Swift bị hủy vì nguy cơ khủng bố, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Nancy Faeser và Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp nước này nhận định, mối đe dọa khủng bố Hồi giáo ở Đức vẫn ở mức cao. Nhà chức trách Đức đang sử dụng mọi công cụ pháp quyền để ngăn chặn mối đe dọa khủng bố. Kể từ khi xung đột tại Gaza leo thang, IS và các chi nhánh gia tăng ảnh hưởng và hỗ trợ các đối tượng đơn độc, còn gọi là “sói cô đơn”, các nhóm nhỏ lên kế hoạch tấn công khủng bố trên internet.

Bộ Nội vụ Áo cuối tháng trước đã thông báo, nhà chức trách Áo triệt phá một mạng lưới khủng bố có liên quan đến việc gây quỹ cho IS và bắt giữ 9 đối tượng. Lực lượng an ninh Áo tiến hành lục soát nhiều ngôi nhà tại 5 bang ở nước này, thu giữ nhiều điện thoại di động, máy tính xách tay, các thiết bị lưu trữ dữ liệu, một lượng lớn tiền mặt và phương tiện đi lại của các đối tượng tình nghi lên kế hoạch tấn công khủng bố.

Nguy cơ IS trỗi dậy

Với khoảng 30 vụ bắt giữ liên quan đến các phần tử Hồi giáo cực đoan đã được thực hiện ở châu Âu kể từ đầu năm nay, nguy cơ tấn công khủng bố đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực. Giám đốc Cơ quan tình báo liên bang Thụy Sĩ (FIS) Christian Dussey mới đây cho biết, mối đe dọa tấn công khủng bố ở nước này gia tăng từ đầu năm 2024.

Các quốc gia châu Âu đã phối hợp chặt chẽ và nâng cao năng lực chống khủng bố, song các cuộc xung đột kéo theo làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu tiếp tục đặt ra những thách thức lớn khiến châu lục này đau đầu với “bài toán an ninh”.

Đề cập tới lời kêu gọi của IS về việc tổ chức những cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu, Giám đốc FIS nhận định, IS đã không thực hiện hành vi này trong một khoảng thời gian dài cho nên lời kêu gọi đó thật sự đã “tạo ra động lực mới” cho những phần tử ủng hộ và được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Theo ông, nguy cơ xảy ra tấn công ở Thụy Sĩ, có thể đó là hành vi bạo lực do cá nhân biệt lập và kiểu phần tử lấy cảm hứng từ những lời kêu gọi thánh chiến.

Tháng 8/2023, Cơ quan An ninh Thụy Điển đã nâng cảnh báo nguy cơ khủng bố lên mức 4 trong thang cảnh báo gồm 5 cấp, sau khi các vụ đốt kinh Koran tại nước này làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia Hồi giáo, làm tăng nguy cơ tấn công khủng bố trong nước.

Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer cho biết, trong năm 2024, các vụ xả súng tại Thụy Điển đã giảm và các hoạt động đấu tranh, triệt phá các nhóm tội phạm bạo lực được đẩy mạnh so với năm trước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều vụ xả súng nghiêm trọng có liên quan đến các băng nhóm.

IS đã bị lực lượng của Mỹ và đồng minh đánh bại trong các cuộc chiến ở Iraq và Syria, song mối đe dọa từ tổ chức khủng bố này vẫn luôn hiện hữu. Tình hình trở nên đáng lo ngại khi cuộc xung đột tại Trung Đông bùng nổ vào tháng 10/2023 đã làm gia tăng nguy cơ về hoạt động khủng bố tại châu Âu.

Các quốc gia châu Âu đã phối hợp chặt chẽ và nâng cao năng lực chống khủng bố, song các cuộc xung đột kéo theo làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu tiếp tục đặt ra những thách thức lớn khiến châu lục này đau đầu với “bài toán an ninh”, trong bối cảnh IS có thể lợi dụng tình hình bất ổn hiện nay ở Trung Đông để trỗi dậy bất cứ lúc nào.

Ô TÔ ĐIỆN TRUNG QUỐC CHẤT ĐỐNG NHƯ NÚI TẠI CÁC CẢNG BIỂN CHÂU ÂU, VÌ SAO?

Nhiều hãng xe Trung Quốc mong muốn đưa xe năng lượng mới đến châu Âu, nhưng trên thực tế hiện nay, tình hình xuất khẩu không tốt như tưởng tượng.

Xe dồn ứ tại các cảng châu Âu

Gần đây, một số cơ quan truyền thông đều đưa tin xe điện Trung Quốc đang “chất đống như núi” tại các cảng châu Âu.

Tại cảng ô tô lớn nhất châu Âu Antwerp-Bruges ở Bỉ, người phát ngôn của cảng cho biết, nhiều hãng ô tô Trung Quốc không để xe ở các đại lý mà thuê diện tích lớn tại cảng và biến bến cảng thành bãi đỗ xe. Hiện nay, số lượng xe ứ đọng tại cảng cao hơn nhiều so với các năm 2020 và 2021.

Theo Financial Times, một số xe điện thương hiệu Trung Quốc đã đậu ở các cảng châu Âu suốt 18 tháng. Doanh số bán những chiếc xe này thấp hơn dự kiến ở châu Âu là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ùn ứ tại cảng.

Nguyên nhân đằng sau thực trạng này là gì?

Trước hết, muốn bán xe ra nước ngoài, bước đầu tiên là phải có được chứng nhận. Xe ô tô Trung Quốc muốn vào được thị trường châu Âu cần có WVTA (Whole Vehicle Type Approval - tức Chứng nhận toàn bộ xe). Xe chỉ có thể được bán sau khi có được WVTA. Những chiếc xe cần phải vượt qua hàng chục cuộc kiểm tra về an toàn, tính năng, chỉ số bảo vệ môi trường...mới nhận được chứng chỉ này.

Có thể nói WVTA là một trong những hệ thống chứng nhận ô tô nghiêm ngặt nhất thế giới. Tiểu Dương, một người của công ty ô tô có kinh nghiệm làm chứng nhận WVTA cho biết, các quy định của châu Âu nhìn chung đi trước hơn 5 năm và các yêu cầu còn cao hơn trong nước. Các công ty ô tô trong nước phải chuyển đổi nâng cấp theo...

Một ví dụ khác là hệ thống hỗ trợ tốc độ thông minh ISA. Ở Trung Quốc không yêu cầu bắt buộc phải có, nhưng Liên minh châu Âu yêu cầu tất cả ô tô mới phải có ISA từ ngày 7/7/2024.

Ngoài ra, phải kể đến chức năng là nhận dạng biển báo giao thông. Khi xe nhìn thấy biển báo giới hạn tốc độ phải chủ động giảm tốc, độ chính xác nhận dạng phải rất cao, hơn 95%. Tất cả những vấn đề đó, các hãng xe Trung Quốc gần như phải làm lại từ đầu.

Hạn chế về năng lực vận chuyển

Năng lực vận chuyển cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô tô ùn ứ tại cảng châu Âu hạn chế: số lượng xe tải không đủ và thiếu tài xế xe tải.

Khi năng lực vận tải thiếu, các công ty vận tải sẽ ưu tiên hợp tác với các công ty có quy mô lớn và đơn hàng tương đối ổn định hơn như Tesla. Các hãng xe Trung Quốc mới thành lập chưa thể cạnh tranh với các hãng khác nên ưu tiên vận chuyển sẽ bị xếp sau.

Nhu cầu về các mẫu xe ở các thị trường cũng khác nhau hoàn toàn.

Ví dụ như mẫu xe nhỏ ZEEKR X, giá 200.000 NDT, bán ở thị trường Trung Quốc không được tốt, suốt mấy tháng trước chỉ bán được vài trăm chiếc. Nhưng chiếc xe anh em của nó, Volvo EX30, có giá khởi điểm khoảng 307.000 NDT ở Thụy Điển, lại đang "cháy hàng". Theo bảng bán hàng tháng 5, EX30 là mẫu xe điện bán chạy thứ hai tại châu Âu, chỉ sau Tesla Model Y.

Ngoài ra, quá trình xe điện hóa ở châu Âu trong giai đoạn này đã hạ nhiệt. Mercedes-Benz tuyên bố trong báo cáo tài chính năm nay rằng hãng sẽ không tiếp tục kế hoạch điện hóa vào năm 2030, đồng thời đảm bảo sẽ tiếp tục cải tiến các loại xe sử dụng nhiên liệu. Porsche cũng cho biết quá trình chuyển đổi sang xe điện sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Tất nhiên, họ không từ bỏ điện hóa ô tô, nhưng thị trường đã trở nên giảm nhiệt và họ buộc phải lùi lại. Theo dữ liệu của tổ chức nghiên cứu thị trường EU-EVS, trong nửa đầu năm 2024, doanh số bán xe điện thuần túy tại 15 quốc gia châu Âu đã giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Đức, một quốc gia lớn về ô tô, có 111.000 xe điện được đăng ký từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay và ước tính cả năm là hơn 300.000, thấp hơn nhiều so với 520.000 xe của năm ngoái.

Ngoài ra, khi xe Trung Quốc vào thị trường này còn tồn tại những vấn đề như sức mạnh thương hiệu chưa đủ, ít cửa hàng, hệ thống hậu mãi không theo kịp. Có rất nhiều hãng ô tô địa phương ở châu Âu và khách mua đã quen với thương hiệu của mình. Đó là ưu thế của họ.

Đâu là lối thoát?

Chưa hết, Liên minh Châu Âu trong năm nay đã ban hành chính sách thuế quan đáng lo ngại, điều này cũng gây khó khăn cho xe điện Trung Quốc.

Cách đây vài ngày, mức thuế chống trợ cấp cuối cùng của Liên minh châu Âu đối với các nhãn xe điện Trung Quốc đưa ra từ 17% đến 36,3%, được cho là không có nhiều thay đổi lớn, nhưng mức thuế với xe Tesla đã giảm xuống còn 9%. Điều này cho thấy rõ họ lựa chọn con đường đối đầu với Trung Quốc.

Tóm lại, trở lực đối với việc xe điện Trung Quốc ở nước ngoài không hề nhỏ. Phương pháp ứng phó được nhiều hãng xe đưa ra là bản địa hóa nhiều hơn, tiến hành ổn định và có chiến lược dài hạn.

BYD và Chery đã bắt đầu xây dựng nhà máy ở châu Âu. SAIC và Leapmotor cũng có kế hoạch này.

Khi các hãng xe Nhật Bản và Hàn Quốc mới sang châu Âu, họ đã bị người tiêu dùng châu Âu chỉ trích, sau đó họ tiếp tục trau chuốt sản phẩm và phát triển thuận theo thị trường. Sau hàng chục năm dày công nghiên cứu ở châu Âu, các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc đã mở toang cánh cửa vào thị trường này.

Đối với các hãng xe Trung Quốc, giờ mới chỉ là bước khởi đầu. Nếu muốn phá vỡ tình trạng dồn ứ hiện nay, điều quan trọng nhất là phải ổn định tâm lý. Chỉ khi có tầm nhìn dài hạn và dành thời gian thì mới có cơ hội vào được thị trường khó tính này.

PHÁP GIA HẠN LỆNH TẠM GIAM CEO TELEGRAM

Theo cơ quan tư pháp của Pháp, lệnh tạm giam nhà sáng lập kiêm CEO ứng dụng nhắn tin Telegram, Pavel Durov sẽ được gia hạn lên 6 ngày.

Hãng tin AFP dẫn các nguồn tin riêng cho biết, cơ quan tư pháp của Pháp đã quyết định tăng thời gian bắt giữ nhà sáng lập kiêm CEO ứng dụng nhắn tin Telegram, Pavel Durov nhằm phục vụ điều tra các cáo buộc đối với ông Durov.

Ngày 24/8, cảnh sát Pháp bắt giữ ông Durov - doanh nhân mang hai quốc tịch Nga-Pháp ngay sau khi CEO Telegram đến Pháp.

Thời gian tạm giam để thẩm vấn đối với CEO Telegram ban đầu là 4 ngày, sau đó được tăng lên 6 ngày do các cáo buộc nghiêm trọng liên quan đến buôn bán ma túy và khủng bố. Trong giai đoạn tạm giam, cơ quan tư pháp phải đưa ra cáo buộc buộc mới, nếu không nghi phạm sẽ được tại ngoại sau khi hết thời gian tạm giữ.

Cũng theo nguồn tin của AFP , lệnh bắt giữ ông Durov do OFMIN, một bộ phận của cục cảnh sát tư pháp quốc gia Pháp, đưa ra với một loạt cáo buộc liên quan đến gian lận, buôn bán ma túy, bắt nạt trên mạng, tội phạm có tổ chức và khủng bố.

Còn theo Reuters , một đơn vị cảnh sát an ninh mạng và chống gian lận của Pháp đang đứng đầu cuộc điều tra đối với ông Durov.

Truyền thông Pháp trước đó đã đưa tin rằng việc giam giữ Durov tại sân bay Paris-Le Bourget vào cuối tuần trước với các cáo buộc vi phạm liên quan đến mạng xã hội Telegram. Các báo cáo cho biết CEO Telegram phải chịu trách nhiệm về một loạt tội ác được cho là đã thực hiện thông qua ứng dụng mạng xã hội do thiếu kiểm duyệt.

Telegram, ứng dụng đã đạt gần 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, được CEO Durov và anh trai của ông thành lập vào năm 2013 tại Nga. Doanh nhân này còn mang các quốc tịch khác như UAE và St. Kitts và Nevis và định cư tại Dubai. Ông Durov được cấp quốc tịch Pháp vào năm 2021.

Trong một tuyên bố phát đi trên kênh Telegram News vào ngày 26/8, Telegram khẳng định: "Telegram tuân thủ đầy đủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA). Các quy trình kiểm duyệt của chúng tôi tuân theo các tiêu chuẩn ngành và không ngừng được cải thiện. Giám đốc điều hành của Telegram, Pavel Durov, thường xuyên công tác tại châu Âu và không có gì phải giấu giếm".

" Với gần một tỉ người dùng toàn cầu, Telegram là công cụ giao tiếp và nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi hy vọng tình hình này sẽ sớm được giải quyết một cách nhanh chóng ", thông báo của Telegram nêu rõ.

Forbes ước tính ông Durov có khối tài sản trị giá 15,5 tỉ USD. Telegram hiện có 900 triệu người dùng hoạt động. Ông Durov từng nói rằng một số chính phủ đã cố gắng gây áp lực lên ông, nhưng ứng dụng Telegram nên duy trì như là "nền tảng trung lập" và không phải là "thế lực trong địa chính trị".

TỔNG THỐNG PHÁP VẪN CHƯA CHỌN THỦ TƯỚNG MỚI, CÁNH TẢ NỔI GIẬN

Vẫn còn phải chờ xem người mà ông Macron sẽ chọn làm tân Thủ tướng Pháp là ai, đặc biệt là khi người này cần đảm bảo sự ủng hộ của một quốc hội đang phân mảnh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/8 đã bác bỏ ý tưởng thành lập một chính phủ cánh tả để chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị của đất nước. Ông Macron cho biết, việc thành lập một chính phủ cánh tả sẽ là mối đe dọa đối với "sự ổn định của thể chế".

Những bình luận này khiến liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) nổi giận. NFP là liên minh cánh tả được thành lập vào phút chót trước cuộc bầu cử lập pháp sớm hồi tháng 7, bao gồm Đảng Nước Pháp bất khuất (LFI) cực tả, Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản và Đảng Xanh. Mặt trận này đã giành được số ghế cao nhất trong cuộc bầu cử.

Lãnh đạo Đảng Xanh Marine Tondelier cho rằng thông báo của ông Macron nghĩa là ông chủ Điện Elysee đã phớt lờ kết quả bầu cử. Lãnh đạo nhóm nghị viện của LFI, Mathilde Panot, thậm chí còn đe dọa bằng khả năng kêu gọi một cuộc luận tội chống lại ông Macron.

Các cuộc bỏ phiếu lập pháp đã được tổ chức tại Pháp vào ngày 30/6 và ngày 7/7 đã dẫn đến một quốc hội "treo". Cuộc bầu cử chứng kiến Hạ viện Pháp gồm 577 ghế bị chia rẽ giữa liên minh cánh tả NFP với hơn 190 ghế, tiếp theo là nhóm trung dung của ông Macron với khoảng 160 ghế, và nhóm bao gồm Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen với 140 ghế.

NFP tuyên bố họ có quyền thành lập chính phủ, nhưng các đảng trung dung và cánh hữu đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại cánh tả trong bất kỳ cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nào tại Hạ viện Pháp.

Ông Macron lập luận rằng ông không thể chọn một Thủ tướng mà sau đó không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội.

"Trách nhiệm của tôi là không để đất nước bị cản trở hay suy yếu", Tổng thống Macron nói trong một tuyên bố vào cuối ngày 26/8, kêu gọi "tất cả các nhà lãnh đạo chính trị hãy đứng lên bằng cách thể hiện tinh thần trách nhiệm".

LFI đã phản ứng giận dữ. Người đứng đầu Đảng LFI, chính trị gia cực tả Jean-Luc Melenchon, kêu gọi "phản ứng kiên quyết và mạnh mẽ" từ công chúng và các chính trị gia, bao gồm "đề nghị luận tội" đối với Tổng thống.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Fabien Roussel kêu gọi "một cuộc huy động quần chúng lớn" và loại trừ một vòng đàm phán mới.

Trước đó, từ hôm 23/8, Tổng thống Macron đã có các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo chính trị để tìm cách bổ nhiệm Thủ tướng mới và thành lập chính phủ mới cho cường quốc Tây Âu.

Vẫn còn phải chờ xem người mà ông Macron sẽ chọn làm tân Thủ tướng Pháp là ai, đặc biệt là khi người này cần đảm bảo sự ủng hộ của một quốc hội đang phân mảnh. Những diễn biến trong ngày 26/8 cho thấy vẫn chưa có hồi kết nào cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp.

Nguồn: Vnexpress; Bắc Giang TV; Việt Times; Soha; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang