EU: Đình công ở Anh; Biểu tình chống Thổ; Đức: Hồi sinh nhà máy điện than, tân Bộ trưởng QP, Volkswagen thách thức điện TQ

ANH QUỐC: NGÀNH GIÁO DỤC BẮT ĐẦU LÀN SÓNG ĐÌNH CÔNG NHIỀU NGÀY TRONG NĂM MỚI

(Ảnh minh hoạ).

Nghiệp đoàn giáo viên ở Scotland tuyên bố đình công nhiều ngày, sau khi 70 nghìn giảng viên, nhân viên đại học cả nước Anh tuyên bố sẽ đình công 18 ngày trong hai tháng 2 và 3 của năm mới.

Làn sóng đình công trong ngành y thì được nói là sẽ không hề giảm tốc, mà còn tăng lên về cường độ.

Các ngành nghề ở khu vực công trên toàn Vương quốc Anh gồm cả nhân viên nhà nước, công chức đang đấu tranh đòi tăng lương.

Giáo viên đình công ở Scotland

Tranh chấp về lương bổng giữa ngành giáo dục Scotland và các nghiệp đoàn giáo viên đã đi vào bế tắc, theo tin BBC News hôm 16/01/2023.

Một làn sóng đình công 16 ngày sẽ ngay lậpp tức xảy ra ở hai khu vực, Glasgow và East Lothian.

Cơ quan Giáo dục Scotland (Educational Institute of Scotland) tuần trước vừa tuyên bố đợt đình công sắp tới sẽ được kéo dài thêm 22 ngày.

Giới chức chính phủ và các hội đồng địa phương ở Scotland nói yêu sách đòi tăng lương 10% là không được chấp nhận vì ngân sách không có tiền.

Hiện chính quyền chỉ đồng ý tăng từ 5% đến 6,85%, với khoản tăng cao hơn dành cho nhóm nhân viên ngành giáo dục có thu nhập thấp nhất.

Nhưng các lãnh đạo nghiệp đoàn không đồng ý.

Các đại học đình công

Ba hôm trước, ngày 13/01, nghiệp đoàn các đại học Anh (University and College Union) công bố đợt đình công mới 18 ngày trên 150 trường trong hai tháng 2 và 3.

Họ nói mức tăng lương mà Bộ Giáo dục đồng ý trả, 4-5% là không đủ và UCEA, đại diện cho giảng viên, nhân viên các đại học, nói tiền tăng lương ít nhất phải đạt 7%.

Cho đến nay, nghiệp đoàn và các hội sinh viên Anh ủng hộ yêu sách của thầy cô giáo, giảng sư, giáo sư.

Chính phủ Anh mới đây công bố tiền học phí mà sinh viên Anh phải đóng - hiện là khoản tuition fee 9.250 bảng Anh (13.050 USD) một năm - sẽ không tăng trong vòng hai năm tới.

Điều này khiến ngân sách của nhiều đại học bị thâm hụt vì lạm phát lên cao. Có ý kiến nói khoản tiền đó nay chỉ còn bằng 6.500 bảng vào những năm trước, khi luật về học phí bắt buộc có hiệu lực.

Sinh viên nước ngoài phải đóng các khoản phí cao hơn nhiều, tuỳ ngành học, nhưng thế cũng không đủ chi tiêu cho các đại học Anh.

Giảng viên, nhân viên văn phòng ngành giáo dục đại học Anh còn yêu cần cải thiện chế độ làm việc vì hiện rất nhiều người chỉ có các hợp đồng ngắn hạn, ảnh hưởng đến tâm lý của họ và khiến quỹ hưu không đảm bảo một khoản thu lúc về hưu.

Từ cuối 2022, khu vực công và nhiều ngành dịch vụ ở Anh, từ hỏa xa đến y tế, giáo dục, và cả hàng không, biên phòng đã đình công liên tiếp.

(Nguồn: BBC)

BIỂU TÌNH CHỐNG THỔ NHĨ KỲ LAN RỘNG,THỤY ĐIỂN GẶP KHÓ ĐỂ VÀO NATO

“Thụy Điển phải hành động ngay nếu muốn gia nhập NATO hoặc không quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển có thể sẽ tồi tệ hơn”. Đó là nhận định vừa được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình của người Kurd phản đối Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại Thụy Điển và một số quốc gia châu Âu khác.

Hình nộm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan được cho là do người Kurd tại Thụy Điển treo ngược lên bên ngoài tòa thị chính thành phố Stockholm hồi tuần trước đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận.

Cảnh sát Thụy Điển sau đó đã giải thích rằng họ không hề hay biết vụ việc cho đến khi nó diễn ra. Còn Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson thừa nhận, đây là hành động cực kỳ nguy hiểm và nó có thể phá hoại tiến trình gia nhập NATO của nước này vì sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù Thụy Điển giải thích như vậy, đi kèm theo việc điều tra đang được tiến hành, song đến nay Thổ Nhĩ Kỳ dường như vẫn chưa hài lòng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua cho biết:

“Hiện tại chuyến thăm này của Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không diễn ra và nếu họ không can thiệp vào tình hình ở Thụy Điển, điều này có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai bên”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan cần làm nhiều hơn nữa trước các cuộc biểu tình chống đối Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra tại 2 quốc gia này. Ông đề nghị Thụy Điển hành động ngay lập tức để giải quyết các vấn đề liên quan đến cộng đồng khoảng 100.000 người Kurd tại nước này, cũng như thực hiện yêu cầu dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với khoảng 130 “phần tử khủng bố”.

Đến nay, hành động chống khủng bố của Phần Lan đang được Thổ Nhĩ Kỳ hài lòng hơn so với Thụy Điển. Chính phủ Thụy Điển cũng đã thắt chặt luật chống khủng bố, song thừa nhận sẽ không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều trường hợp yêu cầu dẫn độ sẽ không được thực hiện nếu Tòa án Thụy Điển không cho phép.

Với việc Thổ Nhĩ Kỳ mới đây tuyên bố sẽ phê chuẩn việc gia nhập NATO cho Thụy Điển và Phần Lan cùng một lúc, nên hai quốc gia này được cho sẽ không sớm gia nhập được NATO khi khoảng cách giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang là khá lớn.

Cuối tuần qua, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin xác nhận, việc phê chuẩn sẽ không kịp diễn ra trước thời điểm cuộc tổng tuyển cử ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào tháng Sáu tới.

Hồi tháng 5 năm ngoái, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên của NATO. Hiện đã có 28 nước chấp thuận việc này. Hungary cho biết nước này dự kiến sẽ chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 2/2023. Tuy nhiên, thời điểm phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn là ẩn số, khi những yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ chưa được đáp ứng đầy đủ.

Giới phân tích cho rằng, với việc gây sức ép lên Phần Lan và Thụy Điển; ngoài những lợi ích chống khủng bố của quốc gia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thể hiện vị thế của mình trong NATO và nâng cao uy tín của Chính phủ đương nhiệm trước người dân của khi cuộc tổng tuyển cử đang tới gần.

(Nguồn: Soha)

ĐỨC QUYẾT ĐỊNH HỒI SINH TRỞ LẠI CÁC NHÀ MÁY ĐIỆN THAN

(Ảnh minh hoạ).

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck đã bảo vệ quyết định tạm thời đưa các nhà máy nhiệt điện than hoạt động trở lại.

Theo TTXVN đưa tin, phát biểu tại một hội nghị về năng lượng tại thủ đô Berlin ngày 16/1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck đã bảo vệ quyết định tạm thời đưa các nhà máy nhiệt điện than hoạt động trở lại.

Bộ trưởng Habeck cho rằng việc để các nhà máy nhiệt điện than tiếp tục hoạt động là cần thiết để giảm mức tiêu thụ khí đốt trong sản xuất điện, dù đây là một lỗi lớn về mặt chính sách khí hậu. Tất nhiên, cần cố gắng để các nhà máy điện than này hoạt động càng ngắn càng tốt.

Theo ông Habeck, khi cơ sở hạ tầng khí hóa lỏng (LNG) và các nhà máy điện vận hành bằng khí đốt hoàn thành, tất cả các nhà máy nhiệt điện than sẽ dừng hoạt động hoàn toàn. Quá trình này có thể sẽ kéo dài thêm 1 hoặc 2 năm nữa. Bộ trưởng Habeck cũng đã công bố các cuộc đấu thầu xây dựng các nhà máy điện khí đốt mới và thông tin chi tiết về quy hoạch mạng lưới hydro, đồng thời cũng không loại trừ việc thu hồi và lưu trữ khí CO2 ở Đức trong tương lai. Trong năm ngoái, trọng tâm của ngành năng lượng hầu như chỉ tập trung vào an ninh nguồn cung, thì năm nay trọng tâm sẽ là quá trình chuyển đổi năng lượng.

Bộ trưởng Habeck cũng khẳng định lại mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2030, khoảng 80% sản lượng điện sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu này có thể đạt được. Nước Đức phải chứng tỏ rằng, với tư cách là một quốc gia công nghiệp cùng tất cả các yêu cầu về an ninh nguồn cung và sự thịnh vượng, có thể nhanh chóng trung hòa với khí thải cacbon. Hiện tại ở Đức, sản lượng điện từ các nguồn tái tạo đã đạt gần 50% và đang tiếp tục tăng lên, dù mức tăng còn chậm.

Về mức giá điện chung tại châu Âu, Bộ trưởng Habeck cho rằng châu Âu rất cần một mức giá điện công nghiệp chung như vậy. Theo ông, điều này là thực tế. Cuộc khủng hoảng giá năng lượng không thể được giải quyết nếu không có giải pháp xuyên quốc gia. Ông cho rằng năm 2023 sẽ là một năm quan trọng đối với chính sách năng lượng của châu Âu.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

ĐỨC CÓ TÂN BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG

Ông Boris Pistorius sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng Đức, thay thế bà Christine Lambrecht, người từ chức hồi đầu tuần.

Chính phủ Đức hôm nay xác nhận ông Boris Pistorius, 62 tuổi, thuộc đảng Dân chủ Xã hội, sẽ là tân Bộ trưởng Quốc phòng. Ông lãnh đạo cơ quan nội vụ bang Lower Saxony, tây bắc Đức, từ năm 2013 và từng trong quân ngũ giai đoạn 1980-1981.

"Pistorius là chính trị gia rất dày dạn, có kinh nghiệm điều hành, tham gia chính sách an ninh nhiều năm. Với năng lực, sự quyết đoán và trái tim bao dung, ông ấy là người phù hợp để dẫn dắt Bundeswehr qua kỷ nguyên thay đổi này", Thủ tướng Olaf Scholz nói, nhắc đến các lực lượng vũ trang Đức.

Đài ARD và tạp chí Spiegel trước đó đưa tin ông Pistorius sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 19/1. Phó thủ tướng Đức Robert Habeck mô tả ông Pistorius là "người đại diện phù hợp của quân đội Đức".

Với quyết định trên, ông Pistorius sẽ kế nhiệm bà Christine Lambrecht. Bà Lambrecht hôm 16/1 xin từ chức giữa bối cảnh chịu nhiều chỉ trích về khả năng hồi sinh lực lượng vũ trang Đức. Ông Pistorius cũng là nam Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Đức trong một thập niên.

Ông Pistorius sẽ đối mặt nhiều thách thức, trong bối cảnh Đức chịu áp lực tăng viện trợ cho Ukraine, trong khi năng lực quốc phòng nội địa bị đặt dấu hỏi sau vụ toàn bộ xe chiến đấu bộ binh Puma tối tân của một đơn vị thiết giáp bị hỏng trong đợt diễn tập hồi năm ngoái.

(Nguồn: Vnexpress)

HÃNG XE ĐỨC VOLKSWAGEN THÁCH THỨC THỊ TRƯỜNG XE ĐIỆN TRUNG QUỐC

(Ảnh minh hoạ).

VW từ lâu đã thống trị thị trường ô tô động cơ đốt trong ở Trung Quốc, nhưng lại thua xa các đối thủ cạnh tranh nội địa như BYD về xe điện.

Hãng xe hơi danh tiếng Volkswagen (VW) của Đức muốn mở rộng cung cấp cả xe cao cấp hơn và thấp cấp hơn tại thị trường Trung Quốc.

Thông tin trên được CEO của thương hiệu VW Ralf Brandstaetter cho biết hôm 16/1. Ông gọi thị trường cạnh tranh nhịp độ cao ở Trung Quốc là một “trung tâm thể dục thể thao (fitness center) khổng lồ cho ngành”.

VW từ lâu đã thống trị thị trường ô tô động cơ đốt trong ở Trung Quốc, nhưng lại thua xa các đối thủ cạnh tranh nội địa về xe điện (EV). Ví dụ đáng chú ý nhất là BYD. Gã khổng lồ xe điện Trung Quốc đã bán được 40.046 chiếc EV trong khoảng thời gian từ ngày 1-8/1, còn VW chỉ bán được 1.962 chiếc trong cùng khoảng thời gian, theo công ty môi giới CMBI của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong năm qua, Trung Quốc vẫn là thị trường tăng trưởng tốt nhất của VW. Trong số 330.000 xe điện chạy pin bán được trên toàn cầu của VW, khoảng 143.100 mẫu ID.3, ID.4 và ID.6 đã được bán tại Trung Quốc vào năm 2022, tăng 102,9% so với cùng kỳ năm 2021.

“Chúng tôi không muốn từ bỏ cuộc đua này - chúng tôi muốn tham gia”, ông Brandstaetter tuyên bố tại một hội nghị bàn tròn truyền thông. Khi được hỏi liệu nhà sản xuất ô tô Đức có mong muốn trở thành nhà sản xuất ô tô nước ngoài số 1 tại Trung Quốc trong kỷ nguyên xe điện hay không, đại diện của VW nói: “Chúng tôi muốn đóng vai trò dẫn đầu... trong ván bài mới này”.

Hãng xe hơi Đức đặt mục tiêu tăng tốc thời gian đưa ra thị trường các mẫu xe mới từ 4 năm – tức gần hơn với mức trung bình 2,5 năm mà các đối thủ Trung Quốc đang thực hiện – một phần bằng cách thúc đẩy hơn nữa địa phương hóa khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các mẫu xe Trung Quốc.

“Chúng tôi cho mình nhiều thời gian hơn vì các tiêu chuẩn chất lượng của chúng tôi, nhưng chúng tôi có thể tăng tốc”, ông Brandstaetter cho biết.

VW có kế hoạch phát hành mẫu ID.7 cao cấp hơn ở Trung Quốc, cũng như một mẫu xe sedan hoặc SUV mới nhỏ hơn ID.4, theo vị đại diện công ty.

Ông cũng cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường EV ở Trung Quốc một phần là do giá điện ở đây rẻ hơn, với chi phí cho một lần sạc chiếc ID.4 ở Đức đắt hơn gần 5 lần so với sạc ở Trung Quốc.

Volkswagen phải đi từ lợi thế của mình ở Trung Quốc, đề cập đến cuộc tranh luận đang diễn ra ở Đức về cách đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, ông Brandstaetter cho biết.

“Đa dạng hóa không có nghĩa là đóng cửa ở Trung Quốc và phát triển ở Mỹ. Nó có nghĩa là tiếp tục tận dụng các cơ hội thị trường ở Trung Quốc và phát triển ở Mỹ”, ông giải thích

(Nguồn: Người Đưa Tin)

(Xem thêm:

=> EU: Tích trữ dầu; Chính sách ngược của Hungary; Đức: Bộ trưởng QP từ chức, giảm hấp dẫn đầu tư, kinh tế khủng hoảng ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang