EU: Điên cuồng mua khí đốt Nga; Các ‘thiên đường’ xe điện; Bệnh sởi gia tăng; Lực lượng triển khai nhanh; Nông dân Pháp biểu tình

CÁC NƯỚC ĐIÊN CUỒNG MUA KHÍ ĐỐT NGA

Gã khổng lồ khí đốt Nga Gazprom ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Áo bắt đầu từ ngày 16/11.

" Mặc dù một số đơn vị tiêu thụ lớn đã ngừng nhập khí đốt từ phía đông, nhưng vẫn có cùng một lượng khí đốt chảy qua lãnh thổ Ukraine cho thấy châu Âu vẫn rất quan tâm đến loại khí đốt này" , Công ty Slovensky plynarensky priemysel (SPP) - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất tại Slovakia cho biết.

Hiện tại, SPP vẫn đang nhận khí đốt từ Nga sau khi Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Áo. Nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của đất nước này thông tin thêm những nhà cung cấp khác thậm chí còn mua khí đốt nhiều hơn trước.

Công ty năng lượng Áo OMV cũng tuyên bố nhận được thông báo từ Gazprom về việc ngừng cung cấp khí đốt bắt đầu từ ngày 16/11. Động thái này diễn ra ngay sau khi OMV thông báo ngừng thanh toán cho những đợt giao hàng tiếp theo khi giành được phán quyết trọng tài trị giá 230 triệu euro từ Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) liên quan đến tranh chấp hợp đồng với Gazprom.

Đại diện của Gazprom tiết lộ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu vẫn giữ nguyên khối lượng 42,4 triệu m3 mỗi ngày cho trạm bơm khí Sudzha ở vùng Kursk của Nga.

Tháng 7/2024, Áo mua hơn 80% khí đốt từ Nga. Hiện tại, nước này dự kiến chuyển sang mua khí đốt từ Đức, quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Trong quý 2/2024, Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU sau Mỹ, bất chấp những nỗ lực của châu Âu nhằm loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Áo, nước này vẫn tiếp tục cung cấp cho Hungary và Slovakia. Tuyến đường duy nhất mà Nga có thể cung cấp khí đốt cho các nước Tây Âu và Trung Âu là qua tuyến đường trung chuyển Urengoy - Pomary - Uzhgorod thời Liên Xô qua Ukraine.

Tuyến đường này vận chuyển khí đốt từ phía tây Siberia qua Sudzha ở vùng biên giới Kursk của Nga. Sau đó, chảy qua Ukraine theo hướng Slovakia, nơi rẽ nhánh sang Cộng hòa Séc và Áo. Ba nước Trung Âu - Hungary, Slovakia và Áo phản đối chính sách của EU, yêu cầu thành viên ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga.

Đồng thời, sau khi Kiev tuyên bố không gia hạn hợp đồng trung chuyển giữa Gazprom và Naftogaz, chính quyền Nga tuyên bố sử dụng tuyến đường thay thế để vận chuyển khí đốt.

 

 

CÁC QUỐC GIA LÀ 'THIÊN ĐƯỜNG' XE ĐIỆN Ở CHÂU ÂU

Na Uy, Hà Lan và Thụy Điển là những quốc gia phổ biến xe điện hàng đầu châu Âu. Chính sách mạnh mẽ của chính phủ cùng các ưu đãi tài chính từ các quốc gia này đang thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện phát triển vượt trội.

Đặc biệt, việc xây dựng được hệ thống trạm sạc rộng lớn và hiện đại là nền tảng quan trọng giúp các quốc gia này trở thành "thiên đường" xe điện.

Na Uy - mỗi 50 km có một trạm sạc

Với địa hình gồ ghề, quãng đường lái xe dài và mùa đông lạnh giá, Na Uy có vẻ không phải là nơi lý tưởng để bắt đầu cuộc cách mạng xe điện (EV). Tuy nhiên, 82,4% xe cá nhân được bán ở Na Uy trong năm 2023 là xe điện. Tháng 1 năm nay, con số này là 92,1% và Na Uy đặt mục tiêu đạt 100% vào năm tới.

Na Uy, quốc gia sản xuất khí đốt và dầu mỏ lớn nhất Tây Âu, thực sự vượt xa các quốc gia khác trên thế giới trong việc sử dụng xe điện. Để thực hiện sự chuyển đổi này, Na Uy tập trung vào việc làm cho xe điện trở nên hấp dẫn về mặt tài chính và thuận tiện để sở hữu.

Năm 1990, Na Uy bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với xe không phát thải. Sau đó, họ giảm và miễn cho xe điện các loại thuế mà xe chạy xăng dầu phải trả, đồng thời đưa ra các đặc quyền như phí đường bộ thấp hơn, miễn phí qua phà, được đi vào làn xe buýt và sử dụng bãi đậu xe công cộng miễn phí.

Chính phủ Na Uy cũng trợ cấp cho các hiệp hội nhà ở mua và lắp đặt trạm sạc, sau đó can thiệp để đảm bảo các điểm sạc dễ sử dụng và phân bổ công bằng.

Năm 2008, thủ đô Oslo triển khai hệ thống sạc xe điện đô thị đầu tiên trên thế giới và đến năm 2015 có 10.000 trạm sạc trên toàn quốc.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lái xe điện đường dài, Na Uy đặt mục tiêu mỗi 50 km trên các tuyến đường chính lắp đặt một trạm sạc.

Ngày nay, Na Uy có hơn 25.000 điểm sạc. Thủ đô Oslo đang thay thế các xe buýt chạy bằng dầu diesel còn lại bằng các mẫu xe buýt điện trong năm nay, khiến nơi đây trở thành thủ đô đầu tiên có hệ thống giao thông công cộng hoàn toàn bằng điện. Tài xế taxi cũng có thể sạc pin không dây trong khi chờ đợi tại các bãi đỗ nhờ hệ thống trạm sạc cảm ứng.

Ngoài ra, Na Uy sở hữu mạng lưới điện rộng lớn nhằm phục vụ nhu cầu sưởi ấm của người dân. Dù được biết đến như quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu lục địa già, nguồn điện của đất nước Bắc Âu này lại chủ yếu đến từ các nhà máy thủy điện và tích cực thúc đẩy điện mặt trời, khiến nơi đây trở thành một “thiên đường” đầy tiềm năng cho sự phát triển bền vững của xe xanh.

Thụy Điển - mạnh tay hỗ trợ lắp trạm sạc

Thụy Điển là quốc gia có doanh số bán xe điện bình quân đầu người cao thứ hai sau Na Uy. Để tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi, chính phủ đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạc.

Năm ngoái, Thụy Điển chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng sạc công cộng. Tính đến quý 4 năm 2023, Thụy Điển có khoảng 32.400 trạm sạc xe điện, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ Thụy Điển nhìn chung không hỗ trợ việc mua ô tô, nhưng lại hỗ trợ cơ sở hạ tầng sạc điện.

Các chung cư, công ty và tổ chức muốn cung cấp dịch vụ sạc xe điện cho cư dân và nhân viên có thể nộp đơn xin khoản tài trợ “Ladda bilen”, chi trả tới 50% chi phí, với mức tối đa là 15.000 kronor Thụy Điển (35 triệu đồng).

Cá nhân lắp đặt các điểm sạc EV có thể được giảm thuế 50% chi phí nhân công và vật liệu. Chính sách giảm thuế cũng hỗ trợ lắp đặt hệ thống pin mặt trời kết nối lưới điện và hệ thống lưu trữ năng lượng điện tự sản xuất.

Đối với các loại xe thương mại không phát thải, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển cũng cung cấp các khoản tài trợ “Ladda bilen” đối với nhiều loại cơ sở hạ tầng sạc điện xoay chiều (AC).

Cư dân, nhân viên, công ty hay tổ chức quan tâm đến việc xây dựng các trạm sạc công cộng phải nộp hồ sơ dự thầu để nhận được hỗ trợ đầu tư từ gói Klimatklivet, nơi cung cấp tới 70% chi phí đầu tư.

Dù vậy, tốc độ phát triển nhanh chóng của hệ thống sạc vẫn không bắt kịp doanh số bán xe điện ở Thụy Điển. Để giải quyết thách thức này, Thụy Điển phát triển các tuyến đường sạc điện. Những tuyến đường này sử dụng công nghệ nhúng để sạc không dây cho xe điện khi chúng chạy qua. Điều này có khả năng loại bỏ hoàn toàn nhu cầu về trạm sạc, giúp mọi người dễ dàng và thuận tiện hơn khi chuyển sang xe điện.

Năm 2016, Cục Giao thông Thụy Điển (Trafikverket) bắt đầu một dự án thí điểm để kiểm tra tính khả thi của công nghệ này. Dự án thí điểm bao gồm một đoạn đường dài 2 km gần Stockholm và đã hoàn thành thành công vào năm 2018.

Dựa trên thành công của dự án thí điểm, Trafikverket đang có kế hoạch xây dựng tuyến đường sạc điện cố định đầu tiên trên thế giới. Tuyến đường này sẽ nằm trên đường cao tốc E20 giữa Hallsberg và Örebro, và dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Đường sạc điện sử dụng công nghệ sạc cảm ứng, gồm nhúng các cuộn dây vào mặt đường, sau đó lắp một cuộn dây thu ở dưới cùng của xe điện. Khi xe chạy qua các cuộn dây, một dòng điện được tạo ra trong cuộn dây thu, sau đó được sử dụng để sạc pin của xe.

Công nghệ sạc cảm ứng có một số ưu điểm so với các loại công nghệ sạc xe điện khác. Nó hiệu quả hơn sạc dẫn điện, bao gồm kết nối vật lý xe với trạm sạc. Sạc cảm ứng cũng ít gây gián đoạn cho giao thông hơn vì không cần lắp đặt trạm sạc dọc đường.

Hà Lan - mô hình hợp tác chính phủ và doanh nghiệp

Hà Lan được xem là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phát triển hệ thống trạm sạc xe điện nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông bền vững.

Tính đến năm 2023, Hà Lan có hơn 500.000 trạm sạc, trong đó khoảng 200.000 trạm sạc bán công cộng. Người dùng xe điện có thể dễ dàng tìm thấy các điểm sạc bán công cộng hoặc công cộng dọc theo đường cao tốc, tại các trạm xăng, cửa hàng, rạp chiếu phim, công viên hoặc đơn giản là dọc theo các con đường dân cư.

Tại các thị trấn, mỗi người dùng xe điện đều có một điểm sạc điện trong phạm vi bán kính 200 m tính từ nhà, trong khi người dùng xe điện ở vùng nông thôn đều có các điểm sạc điện riêng, với 75% sử dụng năng lượng mặt trời.

Chiến lược triển khai hạ tầng sạc công cộng của Hà Lan đã phát triển trong thập kỷ qua. Hà Lan áp dụng mô hình hợp tác giữa chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức nghiên cứu. Chính phủ đặt ra các mục tiêu và chính sách hỗ trợ, trong khi các doanh nghiệp thực hiện đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Chính phủ Hà Lan cung cấp các chính sách khuyến khích như ưu đãi thuế và trợ cấp để thúc đẩy việc sử dụng xe điện và lắp đặt trạm sạc. Những biện pháp này làm cho việc sở hữu xe điện và cài đặt trạm sạc trở nên hấp dẫn hơn đối với các cá nhân và doanh nghiệp.

Các trạm sạc ở Hà Lan tích hợp công nghệ thông minh, cho phép người dùng kiểm soát và theo dõi quá trình sạc qua các ứng dụng di động. Một số trạm còn sử dụng công nghệ smart charging để tối ưu hóa việc sử dụng điện năng và giảm tải áp lực lên lưới điện.

So với các nước châu Âu khác, phí sạc xe điện ở Hà Lan khá phải chăng, thay đổi tùy theo trạm sạc, đơn vị vận hành trạm sạc và địa điểm. Các trạm sạc ở Hà Lan cũng quy chuẩn mẫu phích cắm, khi phần lớn bộ sạc công cộng ở Hà Lan sử dụng phích cắm Mennekes loại 2, bộ sạc nhanh thường sử dụng phích cắm CCS Combo. Hệ thống thanh toán quẹt thẻ và quản lý dữ liệu cũng được triển khai đồng bộ.

 

 

BỆNH SỞI GIA TĂNG ĐỘT BIẾN

Theo chuyên gia, sự gia tăng đáng kể số ca mắc bệnh sởi là hệ quả của việc trẻ em trên toàn cầu không được tiêm vaccine đầy đủ.

Theo một báo cáo gần đây từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024, 30 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Khu vực kinh tế châu Âu ghi nhận hơn 18.000 ca mắc sởi.

Trong đó, Romania là quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất EU, với hơn 14.000 ca được báo cáo trong giai đoạn này.

Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca mắc bệnh sởi tại khu vực châu Âu đã tăng hơn 200% trong năm 2023.

Cụ thể, khu vực này ghi nhận hơn 306.000 ca mắc bệnh, tăng mạnh so với con số khoảng 99.700 ca vào năm 2022. Sự gia tăng đột biến này diễn ra trong bối cảnh dịch sởi bùng phát trên toàn cầu, với tổng cộng 10,3 triệu ca mắc bệnh sởi được ghi nhận trong năm qua, tăng 20% so với năm 2022.

Mặc dù số ca mắc bệnh tại châu Âu tăng mạnh, tỷ lệ vẫn tương đối thấp so với các khu vực khác. Châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với ước tính khoảng 4,8 triệu ca mắc bệnh sởi trong năm 2023, chiếm gần một nửa tổng số các đợt bùng phát lớn và nghiêm trọng. Đông Nam Á là khu vực đứng thứ hai với khoảng 2,9 triệu ca mắc bệnh sởi.

Sởi là một loại virus rất dễ lây lan và chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Tuy nhiên, bệnh này có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng hai liều vaccine. Dù vậy, tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu vẫn chưa đạt mức cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh.

Theo báo cáo, chỉ 83% trẻ em trên toàn cầu được tiêm liều vaccine sởi đầu tiên vào năm 2023, và dưới 75% được tiêm liều thứ hai. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 95% cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

WHO và CDC cho biết kể từ năm 2000, chương trình tiêm chủng vaccine sởi đã ngăn ngừa được 60,3 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự chững lại trong tỷ lệ tiêm chủng đã dẫn đến tình trạng 22 triệu trẻ em bỏ lỡ liều vaccine sởi đầu tiên vào năm 2023.

Tiến sĩ Natasha Crowcroft, cố vấn cấp cao về bệnh sởi và rubella tại WHO, cho biết: “Sự gia tăng đáng kể số ca bệnh là hệ quả của việc trẻ em trên toàn cầu không được tiêm vaccine đầy đủ. Trong khi đó, loại vaccine sởi có sẵn ở mọi quốc gia”.

Theo tiến sĩ Crowcroft, phần lớn các trường hợp trẻ em không được tiêm phòng đến từ những quốc gia có thu nhập thấp hoặc những vùng đang chịu ảnh hưởng bởi xung đột. Đây cũng là những nơi nguy cơ tử vong do bệnh sởi ở mức cao nhất. Bà nhấn mạnh cần có nỗ lực toàn cầu mạnh mẽ hơn để đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 95% nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai, WHO và CDC kêu gọi các quốc gia tăng cường chương trình tiêm chủng và ưu tiên các biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của vaccine sởi. Điều này đặc biệt cần thiết tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc đang đối mặt với xung đột và khủng hoảng kinh tế.

 

 

LỰC LƯỢNG TRIỂN KHAI NHANH LÀ GÌ?

15 thành viên EU và hơn 1.700 quân sẽ tham gia Cuộc tập trận quân sự thực tế (LIVEX) lần hai của EU tại Bergen, Đức, từ ngày 25/11 đến 10/12.

Theo Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (EEAS), cuộc tập trận LIVEX là một phần trong kế hoạch La bàn chiến lược của EU, nhằm mục đích tạo ra Năng lực triển khai nhanh của Liên minh châu Âu (EU RDC) để tăng cường năng lực an ninh và quốc phòng của khối vào năm 2030.

EU RDC là gì?

Được thiết kế để ứng phó nhanh với khủng hoảng bên ngoài EU, nó được giới thiệu vào năm 2022

Được tạo ra để cho phép triển khai nhanh chóng để quản lý khủng hoảng.

Bao gồm tới 5.000 quân, bao gồm các thành phần trên bộ, trên không và trên biển.

Mục đích của cuộc tập trận này?

Là một phần không thể thiếu của LIVEX24, cuộc tập trận này nhằm mục đích kiểm tra khả năng tương tác của các lực lượng triển khai nhanh của EU để chuẩn bị cho các cuộc xung đột cường độ cao tiềm tàng.

Cuộc tập trận sẽ được tiến hành dưới sự chỉ huy của Eurocorps và Bộ tư lệnh Quân đội Đức.

Nội dung cuộc tập trận

Hoạt động chung sẽ được thử nghiệm ở ba giai đoạn chỉ huy và tham mưu: chiến lược, chiến thuật và tác chiến.

Cuộc tập trận sẽ bao gồm việc triển khai thực địa một nhóm tác chiến gồm bộ binh miền núi, một đơn vị bộ binh nhẹ/tăng cường, các đơn vị y tế của Lực lượng đặc nhiệm y tế (MED TF) và Tiểu đoàn hỗ trợ dịch vụ chiến đấu của Áo.

Áo, Bỉ, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp, Hungary, Croatia, Ireland, Luxembourg, Litva, Hà Lan, Ba Lan, Romania và Thụy Điển sẽ tham gia cuộc tập trận đa quốc gia.

EU đã tổ chức các cuộc tập trận trực tiếp trước đó vào năm 2023 tại Tây Ban Nha, viện dẫn mối đe dọa an ninh được nhận thấy từ Nga.

Tổng thống Vladimir Putin đã bác bỏ những tuyên bố này là vô căn cứ, gọi chúng là một chiến thuật để đánh lừa công chúng và biện minh cho việc tăng chi tiêu quân sự.

Lập phòng tuyến mới

Ngay trước khi LIVEX24 diễn ra, một bức thư của bốn nhà lãnh đạo của Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia gửi lãnh đạo EU cho rằng, việc xây dựng tuyến phòng thủ sẽ giải quyết "nhu cầu cấp bách" nhằm bảo vệ EU khỏi cái mà các tác giả của bức thư gọi là các mối đe dọa quân sự và hỗn hợp đến từ Nga và Belarus.

Các mối đe dọa hỗn hợp bao gồm các biện pháp phi quân sự như thông tin sai lệch, tấn công mạng, áp lực kinh tế và đẩy người di cư qua biên giới.

"Quy mô và chi phí của nỗ lực chung này đòi hỏi một hành động chuyên biệt của EU để hỗ trợ cả về mặt chính trị và tài chính", bức thư nói thêm.

Chi phí ước tính cho việc xây dựng tuyến phòng thủ dọc theo biên giới EU dài 700 km với Nga và Belarus là khoảng 2,5 tỷ euro (2,67 tỷ USD).

Lãnh đạo 4 nước nhận định EU cần thực hiện những biện pháp đặc biệt để bảo vệ và phòng thủ biên giới, gồm cả biện pháp quân sự lẫn dân sự. Họ cũng cho rằng EU cần phối hợp với NATO trong quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch.

Ba Lan đẩy mạnh vận động EU đầu tư gia cố biên giới với Belarus trong vài tháng qua.

Thủ tướng Ba Lan hồi tháng 5 thông báo sẽ gia cố toàn bộ biên giới phía đông nước này để chặn làn sóng người di cư bất hợp pháp, khẳng định "biên giới của Ba Lan cũng là biên giới của EU" và đề nghị liên minh hỗ trợ tài chính.

Estonia, Latvia, Phần Lan, Na Uy và Ba Lan hồi tháng 5 cùng đưa ra đề nghị xây dựng "bức tường máy bay không người lái" dọc theo biên giới của liên minh quân sự NATO và Nga.

Ba Lan cũng từng cùng Hy Lạp nêu sáng kiến thiết lập hệ thống phòng không chung cho toàn EU, dựa trên hình mẫu là hệ thống Vòm Sắt của Israel.

Quan hệ giữa Nga với Ba Lan và các nước Baltic ngày càng xấu đi liên quan đến chiến sự Ukraine. 4 nước này đã cung cấp nhiều khí tài cho Ukraine, động thái này đã vấp phải chỉ trích của Moscow khi cho rằng điều đó chỉ khiến xung đột kéo dài thêm.

 

 

NÔNG DÂN BIỂU TÌNH KHẮP NƯỚC PHÁP ĐỂ PHẢN ĐỐI THỎA THUẬN EU-MERCOSUR

Nông dân sẽ biểu tình trên khắp nước Pháp trong ngày 18/11 nhằm phản đối thỏa thuận thương mại tự do EU-Mercosur, được cho là sẽ gây ra một cuộc cạnh tranh không lành mạnh.

Một nỗ lực của Liên minh châu Âu và khối Mercosur (bao gồm Brazil, Argentina, Bolivia, Paraguay và Uruguay) nhằm đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay đã khiến nông dân Pháp tỏ ra tức giận.

Nông dân đã biểu tình trên khắp châu Âu vào mùa đông năm ngoái sau khi hàng nhập khẩu từ Ukraine tràn vào khối tăng vọt sau khi cuộc xung đột với Nga nổ ra.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ở Pháp dường như dữ dội hơn, sau khi mùa màng bị ảnh hưởng bởi thời tiết và dịch bệnh gia súc bùng phát, cùng với bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6.

"Chúng tôi có những yêu cầu tương tự như hồi đầu năm, không có gì thay đổi. Chúng ta phải cho chính phủ biết giới hạn của mình", Armelle Fraiture nói tại trang trại bò sữa của mình ở phía bắc Paris.

Khi nông dân phải đối mặt với hàng nhập khẩu rẻ hơn, các quy định nghiêm ngặt và thu nhập ít ỏi, một thỏa thuận Mercosur sẽ là "một giọt nước tràn ly", Arnaud Rousseau, người đứng đầu hiệp hội nông dân chính của Pháp, FNSEA, nói với BFM TV hôm 17/11.

Ông cho biết hàng chục nghìn trang trại ở Pháp, nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất EU, đang gặp khó khăn về tài chính.

Nông dân Pháp lo ngại một thỏa thuận Mercosur sẽ khiến EU tràn ngập thịt bò, thịt gà, đường và ngô từ Brazil và Argentina, những quốc gia mà họ cho rằng đã sử dụng các loại thuốc trừ sâu trên cây trồng và kháng sinh trong chăn nuôi bị cấm ở châu Âu.

Nông dân sẽ bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình vào trong ngày 18 và 19/11, chủ yếu là trước các tòa nhà chính phủ, trong một kế hoạch biểu tình kéo dài được lên kế hoạch cho đến giữa tháng 12, ông Rousseau nói.

Trước cuộc biểu tình quy mô toàn quốc, một nhóm nông dân đã lái máy kéo chặn một làn đường cao tốc gần Paris vào tối 17/11, với các biểu ngữ như "Đừng nhập khẩu những loại nông sản mà chúng ta không muốn".

Tổng thống Emmanuel Macron hôm 17/11 đã một lần nữa phản đối một thỏa thuận với khối Mercosur như đề xuất.

Tuy nhiên với việc Pháp thiếu các đồng minh EU trong các cuộc đàm phán Mercosur và những bất bình ở nông thôn ngày càng sâu sắc, chính quyền Tổng thống Macron có thể sẽ phải chật vật trong việc xoa dịu nông dân.

"Chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ ra đường để biểu tình, nhưng chúng tôi không biết khi nào có thể được trở về", bà Fraiture nói.

 

Nguồn: CafeF; Soha; Môi Trường; Giáo dục & Thời đại; Nông Nghiệp

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang