- Thời sự
- EU
Ngoài Ukraine và Gruzia, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi ghi nhận tiến bộ tích cực từ một số ứng cử viên khác, đặc biệt là Montenegro trong quá trình đàm phán gia nhập.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30/10 đã thông báo về kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine và Moldova.
Theo đó, EC hy vọng sẽ mở được tất cả các chương đàm phán với hai quốc gia này vào năm 2025.
Trước đó, vào tháng 6/2022, EU đã chính thức khởi động quá trình đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hai quốc gia này.
Quá trình đàm phán bắt đầu với giai đoạn kiểm tra các quy định pháp luật của Ukraine và Moldova để đánh giá mức độ tương thích với các chuẩn mực pháp lý của EU.
Theo đánh giá từ phía EC, giai đoạn kiểm tra này-còn gọi là “sàng lọc”-đang diễn ra thuận lợi và chưa gặp trở ngại đáng kể nào. EC kỳ vọng sẽ tiến tới giai đoạn đàm phán chi tiết, mở ra 35 chương đàm phán từ lĩnh vực pháp quyền đến bảo vệ môi trường vào năm 2025.
Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Để có thể trở thành thành viên EU, Ukraine và Moldova cần thực hiện nhiều cải cách sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực chống tham nhũng và cải thiện hệ thống tư pháp.
Phát biểu với báo giới tại Brussels, đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh EU sẽ hỗ trợ Ukraine trong việc thực hiện các cải cách quan trọng để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn trở thành thành viên chính thức của EU.
Về phía Gruzia, một quốc gia khác cũng đang nỗ lực gia nhập EU, quá trình đàm phán đã bị đình trệ do những lo ngại về tình hình chính trị trong nước. EC yêu cầu Gruzia phải thực hiện một số cải cách để có thể nối lại quá trình đàm phán.
Ngoài Ukraine và Gruzia, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi ghi nhận tiến bộ tích cực từ một số ứng cử viên khác, đặc biệt là Montenegro trong quá trình đàm phán gia nhập.
Điều này mang đến hy vọng về khả năng mở rộng thêm EU, không chỉ ở Đông Âu mà còn ở các khu vực khác, nhằm tạo động lực mới cho liên minh này trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và những biến động địa chính trị gia tăng.
Dù vẫn còn nhiều thách thức, EU đang thể hiện sự kiên định trong việc mở rộng liên minh, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe nhằm đảm bảo ổn định chính trị và phát triển bền vững cho toàn khu vực.
Kế hoạch áp thuế lên tới 45% đối với ô tô điện nhập khẩu được xem là bước leo thang căng thẳng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc, trong khi có thể gây cản trở cho kế hoạch chống biến đổi khí hậu của EU.
Quyết định áp thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thương mại thay mặt cho 27 quốc gia thành viên, sẽ có hiệu lực từ ngày 31/10.
Do vậy, hai bên còn rất ít thời gian đàm phán để có thể đi tới một giải pháp hòa giải. Ông Olof Gill, người phát ngôn EC cho biết, bất kỳ phương án nào do Bắc Kinh đưa ra cũng phải phù hợp với quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đồng thời có thể giám sát và thực thi:
“Đề suất của Ủy ban châu Âu về việc áp thuế chống trợ cấp đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc nhận được sự ủng hộ cần thiết từ các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, chúng tôi và Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thay thế đủ để ngăn chặn tình trạng trợ cấp gây thiệt hại từ phía Trung Quốc”.
Nếu được áp dụng, mức thuế châu Âu đặt ra đối với các nhà sản xuất ô điện Trung Quốc có thể dao động từ 17 tới 45% và kéo dài trong ít nhất 5 năm.
Giới phân tích đánh giá, đây là biện pháp thương mại nghiêm trọng nhất mà EU dành cho Trung Quốc trong vòng hơn một thập kỷ qua. Phóng viên đài CNBC thông tin: “Thuế áp dụng sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ mà nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nhận được từ chính phủ. Điều đáng lưu ý là tất cả đều thực hiện theo quy tắc của WTO, một tổ chức mà cả Trung Quốc và EU là thành viên”.
Thống kê cho thấy, giá trị xuất khẩu ô tô Trung Quốc vào châu Âu tăng từ 1,6 tỷ USD năm 2020 lên gần 12 tỷ USD vào năm 2023. Ô tô Trung Quốc hiện chiếm khoảng 15% thị phần ở châu Âu. Viễn cảnh xe điện giá rẻ ‘made in China’ tràn ngập, làm dấy lên lo ngại về công ăn việc làm của 2,5 triệu công nhân ngành ô tô châu Âu và hơn 10 triệu người phụ thuộc gián tiếp.
Tuy nhiên, quyết định áp thuế lại đang gây tranh cãi trong chính nội bộ châu Âu. Trong khi một số nước như Pháp, Ba Lan, Italia ủng hộ thì Đức, quốc gia có ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh, và Hungary bỏ phiếu phản đối.
Theo bà Hildegard Muller, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức, quyết định của EC là một ‘bước thụt lùi về hợp tác toàn cầu’. Bà Muller cho rằng, điều châu Âu cần làm lúc này là ngăn chặn leo thang, tránh không rơi vào một cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc.
Trong khi đó, thủ tướng Hungary, Viktor Orban cảnh báo, EU có nguy cơ đang bắt đầu cuộc ‘chiến tranh lạnh’ về kinh tế với Trung Quốc.
Lý giải về bất đồng giữa các nước thành viên EU, ông Niclas Frederic Poitiers, chuyên gia về các vấn đề chính sách và kinh tế từ Viện Nghiên cứu Bruegel, Bỉ nhận định: “Các nhà sản xuất ô tô của Đức đã đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc và chủ yếu hoạt động ở phân khúc cao cấp nên họ không quá lo lắng về xe giá rẻ nhập khẩu. Trong khi những nhà sản xuất ô tô của Pháp hay Italia không đầu tư nhiều vào Trung Quốc và họ đang cạnh tranh trực tiếp với nước này ở phân khúc bình dân”.
Phản ứng trước kết quả bỏ phiếu của Ủy ban châu Âu, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, đồng thời cho rằng quyết định áp thuế là ‘vô lý và không công bằng’.
Các chuyên gia phân tích, nếu Trung Quốc sử dụng biện pháp đối phó, nhiều doanh nghiệp ô tô Đức có thể bị ảnh hưởng. Bởi dữ liệu thương mại cho thấy, gần 1/3 doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô Đức đến từ Trung Quốc.
Ông William Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nêu quan điểm: “Theo tôi Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa. Trước mắt có thể với một số hãng ô tô của Đức như Volkswagen hay Daimler-Benz. Như chúng ta biết, từng có một làn sóng thanh tra bất thường tấn công các nhà máy của họ ở Trung Quốc và phát hiện tới 37 vi phạm về an toàn”.
Đại diện các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức như BMW, Mercedes đều cho rằng, quyết định áp thuế đối với xe Trung Quốc là ‘sai lầm’, đồng thời kêu gọi Ủy ban châu Âu hoãn việc thực thi để hai bên tiếp tục đàm phán.
Không chỉ gây chia rẽ trong nội bộ các nước thành viên, quyết định áp thuế còn khiến châu Âu gặp thách thức trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bởi người tiêu dùng khó tiếp cận với xe điện giá rẻ. Ông Seth Goldstein, chuyên gia tài chính từ Công ty phân tích đầu tư Morningstar chia sẻ: “Tôi không nghĩ điều này sẽ có tác động quá lớn và làm chậm tốc độ tăng trưởng của xe điện. Nhưng mức thuế nhập khẩu quá cao sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu không đưa ra các mẫu xe giá cạnh tranh, đủ rẻ hoặc nằm trong mức giá mà người tiêu dùng mong muốn”.
Với việc thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu qua Ukraine đã chấm dứt, liệu "lục địa già" có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng mới hay không?
Liên minh châu Âu (EU) hiện vẫn nhận được một lượng nhỏ khí đốt xuất khẩu của Nga, nhưng liệu một cuộc khủng hoảng mới có xảy ra ở lục địa này vào cuối năm nay hay không? Điều gì đang đe dọa đến an ninh năng lượng châu Âu và những quốc gia nào sẽ gặp rủi ro?
Dòng chảy khí đốt từ Nga vẫn được duy trì
Theo trang money.it, nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua Ukraine hiện tương đối nhỏ. Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ m3 khí đốt qua tuyến đường này vào năm 2023, tương đương 8% lượng khí đốt vận chuyển vào thời kỳ cao điểm từ Nga sang châu Âu trong năm 2018-2019.
Cụ thể, đường ống dẫn khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhgorod thời Liên Xô cũ vận chuyển nhiên liệu từ Siberia qua thành phố Sudzha ở vùng Kursk của Nga, sau đó chảy vào Ukraine và đến Slovakia.
Tại đây, đường ống chia thành các nhánh dẫn đến Cộng hòa Czech (Séc) và Áo. Áo là quốc gia vẫn nhận phần lớn khí đốt qua Ukraine, trong khi Nga chiếm khoảng 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Hungary.
Hầu hết các tuyến đường ống dẫn khí đốt khác của Nga đến châu Âu đều bị đóng cửa, bao gồm tuyến Yamal-châu Âu qua Belarus và Dòng chảy phương Bắc dưới biển Baltic. Các tuyến đường ống khác còn hoạt động, dẫn khí đốt từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ là Dòng chảy Xanh và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Cần lưu ý rằng, trên thực tế, việc khí đốt qua đường ống Yamal-châu Âu và Dòng chảy phương Bắc hiện đã biến mất, trong khi các tuyến qua Ukraine và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hoạt động nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vẫn hoạt động.
Hiện tại, các nước thành viên EU phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt của Ukraine đều mua được khí đốt của Nga với mức giá thấp nhất có thể mà không phụ thuộc vào trung gian bán lại với giá cao hơn.
Loại bỏ hoàn toàn tuyến đường vận chuyển này có nghĩa là họ phải ký hợp đồng mới, lên kế hoạch cho các tuyến đường mới, cho cả LNG ngoài khơi và những đường ống từ các quốc gia khác để thay thế nguồn cung bị mất của Nga. Trong cả hai trường hợp, chi phí sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, Ukraine đã từ chối đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga và các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Azerbaijan.
Vẫn còn lo ngại về việc liệu Azerbaijan có thể sản xuất đủ khí đốt để thay thế hoàn toàn Nga hay liệu nước này sẽ chỉ đóng vai trò trung gian, đổi tên “khí đốt của Nga” thành “khí đốt của Azerbaijan” trước khi vận chuyển qua đường ống của Ukraine.
Châu Âu có đối mặt với khủng hoảng?
Với việc chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine, liệu lục địa già có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới?
Theo chuyên gia Violetta Silvestri, mặc dù Nga hiện cung cấp một lượng nhiên liệu tối thiểu cho lục địa già, việc chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine có thể gây ra vấn đề cho nguồn cung của EU.
Các nhà quan sát đang đặt ra câu hỏi liệu EU có thực sự không cần đến khí đốt của Nga hay không và câu trả lời sẽ có vào tháng 12 tới. Theo tin tức mới nhất, Ukraine trên thực tế sẽ không gia hạn thỏa thuận với Nga sau khi hết hạn, tức là vào ngày 31/12/2024.
Triển vọng đó có thể gây ảnh hưởng khắp châu Âu. Trên thực tế, các quốc gia như Áo, Slovakia và Hungary vẫn nhận được khí đốt của Nga và cho rằng đây là loại nhiên liệu rẻ nhất đối với họ, đồng thời cho rằng các nước láng giềng EU áp đặt phí vận chuyển cao đối với những dòng khí đốt thay thế.
Châu Âu đã nhanh chóng nỗ lực tái cân bằng nguồn cung sau khi nổ ra xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, dòng chảy khí đốt từ Nga vẫn còn tồn tại. Sự chú ý một lần nữa lại đổ dồn vào an ninh năng lượng ở châu Âu. Liệu lục địa già có thực sự không cần đến khí đốt của Nga? Điều gì có thể xảy ra vào năm 2025?
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tuần trước đã cảnh báo khả năng đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine bị đóng cửa gây ra tình trạng không chắc chắn đối với châu Âu trong mùa Đông này.
Cơ quan này cho biết, mặc dù khí đốt của Nga quá cảnh qua Ukraine chỉ đáp ứng một phần nhỏ trong tổng nhu cầu khí đốt của EU vào năm 2023, sự gián đoạn của các dòng vận chuyển này sẽ có tác động đáng kể đến một số thị trường Trung và Đông Âu cũng như Moldova.
Theo Giám đốc Sáng kiến Khí hậu và An ninh Năng lượng tại Viện Brookings, Samantha Gross, toàn bộ EU có thể phải hứng chịu “hiệu ứng gợn sóng”. Khi cơ sở hạ tầng khí đốt hiện tại được vận hành với nhiều va chạm và vấn đề hơn, thị trường sẽ trở nên cứng nhắc hơn, ít có khả năng xảy ra sai sót hơn trong trường hợp có vấn đề về nguồn cung.
Những thay đổi đáng kể về nguồn cung ở châu Âu
Kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine, hệ thống cung cấp năng lượng cho châu Âu đã thay đổi đáng kể. Các nước ven biển đã phát triển khả năng nhập khẩu LNG chủ yếu từ Mỹ khi các hợp đồng mới được ký kết. Đến năm 2023, khí đốt qua đường ống của Nga chỉ chiếm 8% lượng năng lượng nhập khẩu của EU, giảm từ mức hơn 40% vào năm 2021.
Các nhà phân tích của Viện Brookings lưu ý rằng, “trong khi khí đốt tự nhiên được nhập khẩu từ Nga qua đường ống bắt đầu giảm vào mùa hè năm 2021, khối lượng LNG của Nga đến châu Âu cho đến nay vẫn không thay đổi”. Trong khi đó, vai trò của Mỹ đã trở nên quan trọng.
Ngay cả những quốc gia liên quan nhiều nhất đến việc Nga ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine cũng đã tìm kiếm giải pháp thay thế. Slovakia và Áo đã tìm được các nguồn khí đốt khác thông qua những thỏa thuận với các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Hungary có thể hoãn vấn đề này và tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt của Nga thông qua Serbia.
Sự bất ổn về an ninh năng lượng ở châu Âu vẫn chưa hoàn toàn biến mất và cũng không có nguy cơ tăng giá đột ngột. Trên thực tế, một loạt yếu tố cần xem xét nhằm đảm bảo nguồn cung vẫn còn phức tạp và cho thấy châu Âu cần các nước khác để có được lượng khí đốt cần thiết.
Theo phân tích của Euronews, nhiều tập đoàn châu Âu đã âm thầm chuyển khoảng 14,3 triệu USD cho các chiến dịch tranh cử tại Mỹ trong chu kỳ bầu cử hiện tại. Trong đó, 56% dành cho chiến dịch tranh cử của Đảng Cộng hòa, và 44% dành cho Đảng Dân chủ.
Mặc dù luật pháp Mỹ cấm các công ty nước ngoài đóng góp trực tiếp cho các cuộc bầu cử, các tập đoàn châu Âu đã vượt qua rào cản này bằng cách sử dụng công ty con của họ tại Mỹ để thành lập các PAC (Ủy ban Hành động Chính trị). PAC huy động tiền từ các nhân viên Mỹ của mình và chuyển vào các chiến dịch tranh cử, chủ yếu tập trung vào các ứng cử viên quốc hội hơn là ửng cử viên tổng thống.
PAC đã tồn tại trong hệ thống tài chính hỗ trợ của Mỹ từ nhiều thập kỷ. Dù bị giới hạn về số tiền quyên góp trực tiếp cho các chiến dịch, các PAC có thể chi tiền không giới hạn cho quảng cáo ủng hộ các đảng và người được họ đề cử. Với hình thức này, PAC trở thành công cụ quan trọng cho các tập đoàn châu Âu muốn can thiệp vào chính sách của Mỹ.
Theo Euronews, khoảng 143 công ty có trụ sở tại 13 quốc gia châu Âu, trong đó có 10 quốc gia thuộc EU, đã tài trợ cho các chiến dịch tranh cử tại Mỹ thông qua PAC. Những khoản đóng góp lớn nhất đến từ UBS (Thụy Sĩ), T-Mobile (Đức) và BAE Systems (Anh). Các công ty này đều có lợi ích kinh tế gắn bó chặt chẽ với thị trường Mỹ và do đó cần phải tham gia vào tiến trình chính trị để bảo vệ lợi ích.
Theo Sarah Bryner, Giám đốc Nghiên cứu và Chiến lược tại Open Secrets, PAC không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là phương tiện vận động hành lang quan trọng. Bà cho biết nhiều tập đoàn châu Âu phụ thuộc vào khách hàng tại Mỹ và do đó cần phải tác động đến các quyết định chính sách.
Các PAC có mối quan hệ với châu Âu thường đóng góp khoản tài trợ tương đối bằng nhau cho cả chiến dịch của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Điều này giúp họ đảm bảo giữ mối quan hệ với các chính trị gia nắm giữ quyền lực tại các cơ quan quản lý.
Mặc dù các PAC liên kết với châu Âu tài trợ cho cả hai bang, 55% trong tổng số 13,2 triệu euro tài trợ cho kỳ bầu cử này hướng tới các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa. Chỉ có các PAC từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha giành sự hỗ trợ cho Đảng Dân chủ.
Mặc dù các PAC có liên hệ với châu Âu đã có những đóng góp đáng kể, tác động của chúng vẫn rất nhỏ so với quy mô cuộc tranh cử tại Mỹ. Theo Open Secrets, từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2024, chiến dịch tranh cử tổng thống tại Thượng viện và Hạ viện huy động khoảng 8,6 tỷ USD (7,9 tỷ euro). Trong đó, đóng góp từ các tỷ phủ Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nhiều đến việc định hình kết quả bầu cử.
Hiện tại, các siêu PAC, sự mở rộng của PAC truyền thống, đang ngày càng trở nên quan trọng trong hệ thống chính trị Mỹ. Mặc dù không thể quyên góp tiền trực tiếp cho ứng cử viên chính trị, nhưng chúng có khả năng gần như không bị hạn chế trong việc thúc đẩy chiến dịch của ứng cử viên thông qua quảng cáo và phương tiện truyền thông xã hội.
Tính hợp pháp của các siêu PAC thường gây tranh cãi. Đầu tuần này, văn phòng luật sư quận Philadelphia đã đệ đơn kiện khoản tiền quyên góp 1 triệu USD của một siêu PAC ủng hộ ông Trump do tỷ phú Elon Musk tài trợ. Khoản tiền này được dùng để khuyến khích cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu tại các bang chiến địa, làm dấy lên những nghi vấn về việc tận dụng quyền lực tài chính trong bầu cử.
Ít nhất 95 người thiệt mạng và hàng chục người khác mất tích sau khi trận lũ quét chết chóc nhất trong nhiều thập kỷ tàn phá khắp miền đông và miền nam Tây Ban Nha.
Hãng tin BBC dẫn lời Guillermo Serrano Perez, 21 tuổi đến từ Paiporta, gần Valencia nói: "Khi nước bắt đầu dâng lên, nó ập tới như một cơn sóng thần vậy". Chàng trai 21 tuổi này là một trong số hàng nghìn người đã trải qua trận lũ quét đêm 29/10.
Khi lũ quét xảy ra, Perez đang lái xe trên đường cao tốc cùng bố mẹ. Nước tràn vào xe và họ phải tìm cách trèo lên cầu, bỏ lại xe trước cơn thịnh nộ của nước lũ.
Mặc dù mưa lớn đã tấn công Valencia trong nhiều giờ, nhưng nhiều người như Guillermo Serrano Pérez và gia đình anh, đã không kịp trở tay trước sức mạnh của lũ lụt.
Khu vực phía đông của Valencia là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt giá lạnh tồi tệ nhất xảy ra ở Tây Ban Nha trong một thế kỷ. Mưa như trút nước khi luồng không khí lạnh mùa thu từ phía bắc tràn qua vùng biển ấm của Địa Trung Hải. Lũ lụt đã khiến nhiều người bị mắc kẹt, nhiều ô tô bị nhấn chìm dưới nước, hàng loạt chuyến tàu phải hủy.
Hơn 1.000 quân nhân đã được triển khai tới Valencia để đối mặt với những gì mà Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles mô tả là "hiện tượng chưa từng có".
Nguồn: VietnamPlus; VOV Giao Thông; VietnamBiz; Kinh tế & Đô thị; Vietnamnet
EU: Giao thông hỗn loạn vì tuyết sớm; Khủng hoảng khí đốt mới; Bước lùi tham vọng xe điện; ‘Chảy máu’ chất xám; Bất an ở Biển Baltic
EU: Vụ gian lận thuế VAT; Dân quay lưng với Mỹ; Thách thức chờ Von der Leyen; Pháp gặp cú sốc ở Phi; Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa
EU: Giá khí đốt tăng; Tăng cường an ninh mạng; Mua sắm cuối năm gặp khó; ‘Né’ chiến tranh thương mại; Chính phủ Pháp bên bờ sụp đổ
EU: Mong muốn tự bảo vệ; Các thách thức kinh tế; Ngành pin xe điện lâm nguy; Ủng hộ thắt lưng buộc bụng; ‘Át chủ bài’ cuối cùng ở Kiev
EU: Ô nhiễm từ LNG; Cảnh báo bong bóng cổ phiếu AI; Tích cực thay thế LNG Mỹ; ‘Ủng hộ’ trái phiếu quốc phòng; Khó ‘gồng gánh’ Kiev
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá