EU: Dầu Nga vẫn chảy; Thượng đỉnh rạn nứt; Macron không nhượng bộ; Paris quá tải rác; Cuộc đua mới với Mỹ

Dầu thô Nga vẫn chảy tới châu Âu bất chấp các lệnh trừng phạt

(Ảnh minh họa).

Một khối lượng lớn dầu thô Nga vẫn đang được chuyển đến thị trường toàn cầu, khiến một số chuyên gia nghi ngờ rằng sản phẩm này đang tìm đường đến thị trường châu Âu qua “cửa sau”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố việc châu Âu phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga chỉ còn là “lịch sử”. Tuy nhiên, một số quan chức khác – từ giới chức cấp cao của Ukraine, đến các thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) và những chuyên gia trong lĩnh vực này – đều cho rằng chương lịch sử này vẫn đang được viết tiếp.

Theo những quan chức này, một lượng đáng kể hydro carbon của Nga, đặc biệt là dầu mỏ, vẫn đang lách khỏi các lệnh trừng phạt và chảy vào thị trường châu Âu. Trong đó, ông Oleg Usenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng nguồn cung năng lượng của Nga vẫn chảy qua những lỗ hổng có sẵn để vào châu Âu.

“Chúng ta phải khắc phục những lỗ hổng này để ngăn cản Nga có doanh thu từ dầu mỏ, sử dụng để tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine”, ông Usenko nhấn mạnh.

Dầu thô vốn được biết đến là mặt hàng rất khó theo dõi trên thị trường toàn cầu. Các thùng dầu thô có thể dễ dàng pha trộn với các lô hàng khác ở những quốc gia quá cảnh, tạo ra lô dầu lớn hơn không thể xác định nguồn gốc. Hơn nữa, quá trình tinh chế dầu thô cũng loại bỏ mọi vết tích về nguồn gốc của nhiên liệu này.

Hơn nữa, mạng lưới phức tạp các công ty vận chuyển cũng đã tạo thêm vỏ bọc bí ẩn cho các lô dầu thô. Phương Tây đã cáo buộc một số công ty giúp Nga che giấu nguồn gốc xuất khẩu dầu thô bằng nhiều cách khác nhau.

Ông Mikhail Khodorkovsky, cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí khổng lồ Yukos của Nga, cho biết: “Không giống như đường ống khí đốt, thị trường dầu mỏ mang tính toàn cầu. Các hệ thống hoán đổi và đan xen, trộn lẫn với nhau là hoạt động phổ biến. Hệ quả của lệnh cấm vận đã khiến chi phí vận chuyển dầu Nga tăng lên đáng kể, thu nhập được phân phối lại có lợi cho các bên trung gian và chiết khấu tăng lên do thị trường người mua thu hẹp”.

EU đã cấm phần lớn nhiên liệu hóa thạch của Nga kể từ khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, ngoại trừ số lượng hạn chế dầu thô và khí đốt vẫn chuyển qua một số đường ống, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm dầu mỏ.

Nhưng khối lượng lớn dầu thô của Nga vẫn đang được chuyển đến thị trường toàn cầu, khiến một số chuyên gia nghi ngờ rằng sản phẩm này đang tìm đường đến thị trường châu Âu qua “cửa sau”.

Ông Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Thương mại Hàng hóa toàn cầu Trafigura cho biết: “Kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt, khối lượng xuất khẩu dầu thô của Nga ít nhiều vẫn ổn định. Có thể là dầu của Nga vẫn đang được bán cho EU và các quốc gia phương Tây thông qua các bên trung gian”.

Một tuyến đường tiềm năng cung cấp dầu Nga vào châu Âu là đi qua Azerbaijan – quốc gia giáp Nga và là điểm khởi đầu của đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC), do Tập đoàn BP vận hành. Cảng Ceyhan ở Thổ Nhĩ Kỳ là trung tâm cung cấp chính và vận chuyển dầu thô đến châu Âu. Cảng này cũng nhận được số lượng lớn dầu thô từ Iraq thông qua đường ống Kirkuk-Ceyhan.

Ông François Bellamy – thành viên của Ủy ban Công nghiệp, Nghiên cứu và Năng lượng của Nghị viện châu Âu – đã bày tỏ nghi ngờ về đường ống này trong một câu hỏi gần đây trước ủy ban.

Ông cho biết dữ liệu cho thấy Azerbaijan đã xuất khẩu 242.000 thùng/ngày, nhiều hơn sản lượng sản xuất từ tháng 4 đến tháng 7/2022. Đây cũng là mức chênh lệch lớn so với sản lượng trong nước, ở mức 648.000 thùng/ngày vào tháng trước và đang giảm trong dài hạn.

“Làm cách nào một quốc gia có thể cùng lúc giảm sản lượng và tăng lượng xuất khẩu? Có điều gì đó hoàn toàn không nhất quán trong các số liệu này. Điều đó khiến chúng tôi nghi ngờ rằng các biện pháp trừng phạt đang bị phá vỡ”, ông Bellamy nói.

Người phát ngôn của Ủy ban trên cho biết giới chức đang nỗ lực khắc phục những kẽ hở trong biện pháp trừng phạt. Ủy ban cũng đã bổ nhiệm ông David O’Sullivan, cựu đại sứ EU tại Mỹ, làm đặc phái viên có nhiệm vụ giải quyết hành vi lách lệnh trừng phạt.

Vị quan chức này chỉ ra rằng dữ liệu do ông Bellamy đưa ra về các giao dịch dầu mỏ của Azerbaijan, dữ liệu công bố gần đây nhất, xảy ra trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực, nên không có nghi vấn về việc né lệnh trừng phạt.

Ông Aykhan Hajizada, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Azerbaijan, khẳng định: “Azerbaijan không xuất khẩu dầu Nga sang EU thông qua đường ống BTC”. Ông nhấn mạnh Azerbaijan chỉ sử dụng các nguồn dầu thô không bị trừng phạt, và cam kết thực hiện các hoạt động cung cấp và giao dịch một cách cẩn trọng, phù hợp với luật pháp và quy định liên quan.

Về phần mình, Tập đoàn dầu khí BP trước đây phủ nhận đường ống BTC vận chuyển dầu của Nga. Dữ liệu các chuyến hàng dầu thô từ Ceyhan cho thấy khối lượng xuất khẩu sang EU gần đây giảm xuống - từ khoảng 3 triệu tấn/tháng (khoảng 700.000 thùng/ngày) từ đầu năm 2022 xuống còn 2 triệu tấn/tháng trong năm nay.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp đôi lượng nhập khẩu dầu trực tiếp của Nga vào năm ngoái. Ankara cũng đã từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô của Nga, mặc dù vẫn hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine.

Cuối năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) của Phần Lan cảnh báo một tuyến đường mới vận chuyển dầu mỏ của Nga tới EU đang hình thành thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Đây sẽ là điểm đến ngày càng nhộn nhịp của dầu thô Nga - nơi dầu Nga được tinh chế thành các sản phẩm dầu mỏ mà không bị xử phạt và có thể bán lại.

“Chúng tôi có đủ bằng chứng cho thấy một số công ty quốc tế đang mua các sản phẩm từ dầu Nga và bán chúng sang châu Âu. Điều đó là hợp pháp, nhưng hoàn toàn không phù hợp”, ông Usenko, cố vấn của Tổng thống Zelensky, cho biết.

Hôm 20/3, Tổ chức phi chính phủ Global Witness của Anh đã công bố báo cáo cho thấy dầu của Nga liên tục được bán với giá vượt mức trần 60 USD do các nước G7 áp đặt vào tháng 12 năm ngoái.

Mai Rosner, nhà vận động đã nghiên cứu báo cáo, nhận định: “Thực tế, dầu của Nga tiếp tục chảy quanh thế giới, không phải do lỗi của các biện pháp trừng phạt. Các chính phủ đã cung cấp cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch cánh cửa rộng mở, và các thương nhân cũng như các công ty dầu mỏ lớn đang khai thác những kẽ hở này để tiếp tục kinh doanh như bình thường”.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Thượng đỉnh EU lại có nguy cơ rạn nứt vì mẫu thuẫn Pháp-Đức

Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) họp thượng đỉnh lần thứ hai trong năm 2023 trong hai ngày 23 và 24/3 tại Brussels thảo luận về việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho EU cũng như ứng phó xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, mâu thuẫn Pháp-Đức đang đe doạ phủ bóng lên hội nghị.

Trong bức thư gửi đến nguyên thủ các nước EU mời dự họp thượng đỉnh EU trong hai ngày 23 và 24/3 tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel cho biết, chủ đề đầu tiên sẽ được thảo luận tại thượng đỉnh lần này là về cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine cũng như gia tăng năng lực công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Trước đó, vào đầu tuần này, ngoại trưởng các nước EU đã nhóm họp và quyết định sẽ viện trợ 1 triệu đơn vị đạn pháo cho Ukraine trong thời gian 12 tháng tới, đồng thời bỏ ra hơn 3 tỷ euro để mua chung đạn pháo nhằm lấp đầy các kho dự trữ vốn đã bị thâm hụt nghiêm trọng do viện trợ cho Ukraine thời gian qua. Tuy nhiên, để đảm bảo có đủ số đạn này, châu Âu cần phải khẩn cấp gia tăng năng lực sản xuất quốc phòng bởi theo ông Josep Borrel, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, từ nhiều năm qua, châu Âu đã suy giảm năng lực quốc phòng vì quá tập trung vào phát triển kinh tế, nên không còn thích ứng được với sự thay đổi quá lớn của môi trường an ninh.

“Từ 20 năm qua, từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, châu Âu đã suy giảm năng lực quốc phòng, đó là thực tế. Chi tiêu quốc phòng châu Âu đã giảm một nửa và theo các số liệu chúng tôi có, năng lực sản xuất đạn dược của châu Âu đã suy giảm 4 lần. Và bây giờ chúng tôi đột nhiên phải bắt buộc gia tăng năng lực này khi môi trường an ninh đã thay đổi khốc liệt”, ông Josep Borrel nói.

Sau chủ đề về Ukraine, các lãnh đạo EU sẽ dành một thời lượng lớn để thảo luận về chính sách thương mại, công nghiệp mới của EU nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế châu Âu trước áp lực ngày càng gia tăng từ chính sách bảo hộ của các đối thủ kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Lãnh đạo các nước EU cũng sẽ nghe Thụy Điển, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, báo cáo sơ bộ các điều chỉnh đang tiến hành nhằm xây dựng chính sách nhập cư mới của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, ông Charles Michel cũng thông báo, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres sẽ tham dự ngày họp đầu tiên cùng các lãnh đạo EU để thảo luận các vấn đề toàn cầu.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh thứ hai trong năm 2023, giới quan sát tại châu Âu nhận định, chủ đề về gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp châu Âu sẽ là một ưu tiên lớn của châu Âu vào thời điểm này bởi sau chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đến Mỹ vào ngày 10/03, châu Âu và Mỹ vẫn chưa tìm được giải pháp cho các mâu thuẫn liên quan đến việc Mỹ tung ra “Đạo luật giảm lạm phát” (IRA) vào cuối năm 2022, một đạo luật mà châu Âu chỉ trích gay gắt là mang tính bảo hộ và làm tổn hại đến các công ty châu Âu.

Hiện tại, Ủy ban châu Âu đang chịu sức ép rất lớn về việc phải sớm đưa ra các hành động quyết liệt nhằm trả đũa chính sách của Mỹ và bảo vệ lợi ích cho các công ty châu Âu, nếu không hàng loạt tập đoàn lớn tại châu Âu sẽ chuyển sản xuất ra khỏi châu lục này vì năng lực cạnh tranh bị suy giảm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các chủ đề lớn này của Thượng đỉnh EU đang có nguy cơ bị phủ bóng bởi mâu thuẫn Pháp-Đức trong hai lĩnh vực là ô tô sử dụng động cơ đốt trong và năng lượng hạt nhân. Trong vài tuần qua, chính phủ Đức cùng một số nước tại châu Âu, nổi bật là Italia, đang lên tiếng yêu cầu xem xét lại kế hoạch được Nghị viện và Uỷ ban châu Âu thông qua cuối năm 2022 là từ năm 2035 sẽ cấm bán toàn bộ xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong, tức chạy bằng xăng hoặc diesel. Phía Đức đang vận động để có ngoại lệ cho các ô tô động cơ đốt trong chạy bằng nhiên liệu trung hòa các-bon (CO2), một loại nhiên liệu nhân tạo.

Giới quan sát cho rằng ý định của Đức là để bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi khổng lồ của nước này, vốn nổi tiếng nhiều thập kỷ qua với ô tô chạy bằng động cơ đốt trong nhưng đang có dấu hiệu chậm chân trong cuộc đua xe điện với các đối thủ từ Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Pháp đã lên tiếng phản đối gay gắt ý định này của Đức và cho rằng kế hoạch giảm 100% khí thải CO2 từ ngành công nghiệp ô tô châu Âu kể từ 2035 là không thể thay đổi. Trong khi đó, Pháp lại đang vận động châu Âu nâng cao tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân trong kế hoạch trung hòa các-bon của EU, một chính sách mà chính phủ Đức lại không ủng hộ do Đức từ nhiều năm nay vẫn đang kiên trì với kế hoạch chấm dứt việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Các tranh cãi này giữa Pháp và Đức đang trở nên khó dung hoà, buộc Bộ trưởng Giao thông Pháp Clément Beaune đầu tuần này lên tiếng tuyên bố rằng hai nước cần phải công khai thảo luận về các bất đồng, trong bối cảnh quan hệ giữa hai quốc gia đầu tàu EU vừa chỉ mới nồng ấm trở lại vào tháng 2 sau một thời gian mâu thuẫn nặng nề./.

(Nguồn: Soha)

Tổng thống Macron: Cải cách hưu trí của Pháp sẽ được thực thi trước cuối năm 2023

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định quyết tâm ban hành dự luật cải cách hưu trí trước cuối năm 2023 để đối phó với trước tình trạng dân số già tăng nhanh khiến các quỹ hưu trí ngày càng thâm hụt.

Ông Emmanuel Macron cũng cảnh báo không chấp nhận các hành vi quá giới hạn khi các cuộc tổng đình công và tuần hành lớn sẽ đồng loạt diễn ra trên toàn nước Pháp trong ngày hôm nay để phản đối cải cách hưu trí.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 và France 2 trong ngay 22/03, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Dự luật cải cách hưu trí đã được thông qua theo đúng quy trình dân chủ dù Thủ tướng Elisabeth Borne phải sử dụng Điều 49.3 trong Hiến pháp để thông qua tại Quốc hội trong sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng cánh tả, cực tả và cực hữu.

Ông Macron bày tỏ mong muốn Hội đồng Hiến pháp sớm ra quyết định đảm bảo Dự luật cải cách hưu trí đi theo đúng lộ trình dự kiến và chính thức được ban hành trước cuối năm 2023.

Người đứng đầu nước Pháp nhấn mạnh không có giải pháp hoàn hảo nhưng cải cách hưu trí là cần thiết để giải quyết thực trạng dân số đang già đi nhanh chóng, có thể lên đến gần 30%, và khiến các quỹ hưu trí thâm hụt ngày một lớn.

“Có một thực tế là khi tôi bắt đầu đi làm thì mới chỉ có 10 triệu người nghỉ hưu. Con số này ngày hôm nay là 17 triệu và sẽ tăng lên thành 20 triệu vào năm 2030. Vậy nên, chúng ta không thể giữ mãi những quy định cũ. Chúng ta càng chờ đợi, tình hình sẽ ngày càng xấu đi. Cải cách là điều cần thiết và vì lợi ích chung”, ông Macron nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron loại trừ khả năng tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn và khẳng định sự ủng hộ dành cho nữ Thủ tướng Elisabeth Borne dù uy tín giảm mạnh trong thời gian gần đây vì Dự luật cải cách hưu trí.

Người đứng đầu nước Pháp khẳng định tôn trọng quyền dân chủ của các nghiệp đoàn nhưng cảnh báo sẽ không dung thứ cho các hoạt động biểu tình đi quá giới hạn giống như những gì từng xảy ra sau các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2021 và tại Brazil mới đây.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết sẽ triển khai một lực lượng kỷ lục 15.000 cảnh sát trên toàn nước, trong đó riêng tại thủ đô Paris là 5.000 cảnh sát để ứng phó với các cuộc biểu tình được dự báo tiềm ẩn nhiều nguy cơ bạo động diễn ra trong ngày hôm nay.

Theo thông báo của các nghiệp đoàn lao động, các cuộc đình công lớn cũng đồng loạt diễn ra trong nhiều lĩnh vực ngành nghề trong ngày 23/03. Theo dự kiến, hệ thống giao thông đường sắt tại Paris và nhiều thành phố lớn sẽ gần như không hoạt động, khoảng 30% số chuyến bay sẽ huỷ, khoảng 1/5 trường học tại Pháp sẽ đóng cửa hoặc dừng cung cấp các dịch vụ bổ trợ như nhà ăn hay trông giữ trẻ, một nửa số nhà máy lọc dầu thuộc các tập đoàn TotalEnergies và ExxonMobile dừng hoạt động hoặc bị phong toả…

Thủ đô Paris hiện vẫn còn hơn 9.000 tấn rác chưa được thu gom khi các cuộc đình công của nhân viên môi trường dự kiến sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 3/2023.

(Nguồn: VOV)

Pháp: Thủ đô Paris đối mặt với tình trạng quá tải rác sinh hoạt

Những đống rác ngoài đường phố Paris đang ngày một nhiều lên và tại một số nơi, rác còn cao hơn đầu người. Chúng đã trở thành biểu tượng cho hoạt động biểu tình của người lao động Pháp.

Cuộc đình công của những người thu gom rác ở Paris, diễn ra từ hai tuần qua để phản đối cải cách lương hưu, đã được gia hạn thêm một tuần nữa khiến thủ đô của nước Pháp ngập trong rác thải.

Kể từ thông báo 49.3 tại Quốc hội liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu trong bộ luật cải cách hưu trí, người dân Paris phải sống trong ngập ngụa rác thải. Những túi rác chất đống trên vỉa hè, đây đó một vài thùng rác khổng lồ bị đốt cháy vào đêm hôm trước vẫn còn bốc khói. Mặc dù tiết trời vào xuân đã ấm áp hơn, nhưng các quán bar - nhà hàng chẳng còn khách lai vãng vì chẳng ai muốn ngồi uống bia hay nhâm nhi ngụm cà phê trên những vỉa hè chất đầy rác.

Ở các phố nhỏ, các bậc cha mẹ đưa con đến trường phải lách qua những túi rác chất dọc vỉa hè. Trên đại lộ rộng lớn đẹp đẽ, khách du lịch qua đường kéo khăn che mũi để tránh phải hít thở mùi hôi thối của những đống rác khổng lồ. Nhiều vụ việc phá phách xảy ra trong những ngày gần đây đang làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã không thể giải quyết được đối với người dân của các quận nội thành, nơi việc thu gom rác sinh hoạt không còn được đảm bảo như thường lệ.

Việc Paris ngập trong rác là do những nhân viên thu gom rác thải khu vực công trong các quận nội thành đình công để phản đối chính sách cải cách hưu trí. Hiện chỉ có các công ty tư nhân đảm nhiệm công việc này. Cuộc sống hàng ngày của người dân thủ đô đang bị ô nhiêm trầm trọng mà chưa thấy có dấu hiệu cải thiện.

Trong khi cuộc đình công của những người thu gom rác ở Paris chống lại cải cách lương hưu đang ở tuần thứ ba thì phong trào này đã được gia hạn cho đến thứ Hai ngày 27/3. Natacha Pommet, Tổng thư ký của Liên đoàn dịch vụ công cộng CGT, cảnh báo: "Vào ngày 27/3, sẽ có một cuộc họp mới để quyết định các bước tiếp theo của phong trào".

Tình trạng ùn ứ rác đã khiến lũ chuột hoành hành ở các khu vực công cộng. Thêm vào đó là thời tiết ấm lên cùng những tia nắng và cả các cơn mưa mùa xuân làm cho rác thải sinh hoạt nhanh bị thối rữa, bốc mùi, tạo nên nguy cơ lớn cho dịch bệnh phát triển. Người dân Paris đang ngày càng bất mãn với hành động phản đối của các nghiệp đoàn vệ sinh môi trường.

Ông François Morvan, một cư dân quận 14 Paris cho biết việc ứ động rác thải ở Paris đang khiến người dân rất bất bình vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, môi trường và sức khỏe người dân thành phố.

"Tôi không phản đối việc đình công, hay bày tỏ thái độ phản đối chính quyền, nhưng tôi nghĩ rằng còn nhiều cách khác tốt hơn. Đình công theo kiểu để thành phố ngập trong rác là không chấp nhận được vì nó gây hại tới vệ sinh môi trường và sức khoẻ cộng đồng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của người dân. Do đó tôi rất phản đối điều này", ông François Morvan bày tỏ với một thái độ bất mãn.

Mệt mỏi với đống rác thải ùn ứ trước cửa nhà, nhiều hộ dân cư đã phải thuê các công ty tư nhân đến thu gom và dọn dẹp rác sinh hoạt, nhằm lấy lại sự sạch sẽ cho môi trường sống của chính họ. Về phía chính quyền, để giải quyết tình trạng ô nhiễm này, cảnh sát trưởng Paris Laurent Nuñez đã gửi một lá thư thông báo chính thức tới Tòa thị chính yêu cầu đảm bảo dịch vụ công tối thiểu.

Từ vài ngày qua, Cảnh sát thành phố đã huy động trên 670 nhân viên thu gom rác đến làm, 11 công ty thu gom rác đã được trưng dụng. Nhờ đó, hơn 200 xe chở rác đã được đưa vào sử dụng, 4 trung tâm phân loại rác thải đã được cảnh sát mở đường để cho phép các phương tiện này ra vào”, theo nguồn tin từ Sở cảnh sát. Điều này giúp “giảm nhẹ” số lượng rác chưa được thu gom, hiện đã lên tới 9.300 tấn, theo thông báo của Tòa thị chính.

Mới đây, Thị trưởng thành phố Paris đã phải ra quyết định thành lập đơn vị xử lý khủng hoảng để có thể "xác định và ưu tiên các hành động cần thực hiện, cũng như đưa ra các quyết định cần thiết để đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ công trong các tình huống đặc biệt" và đơn vị này sẽ đặt “dưới quyền của thị trưởng Paris”, theo thông cáo báo chí của Tòa thị chính.

Theo dự kiến, cuộc đình công của nhân viên thu gom rác thành phố Paris sẽ có thể kéo dài đến 27/3, và trong tiết Xuân ẩm ướt như hiện nay, thì người dân Paris sẽ phải sống chung với rác thải và hít thở bầu không khí ô nhiễm trong một tuần nữa.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Cuộc đua mới giữa Mỹ và châu Âu

(Ảnh minh họa).

Cách tiếp cận mạnh mẽ mới của Mỹ đang buộc Liên minh châu Âu phải đưa ra những biện pháp khôn khéo hơn về khía cạnh kinh doanh trong chiến lược khí hậu của mình.

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón người đồng cấp Pháp tại Washington vào đầu tháng 12/2022, không lâu sau khi hoàn tất khoản giảm thuế thân thiện với môi trường trị giá 369 tỷ USD, đã có sự rạn nứt trong quan hệ hợp tác ngoại giao về vấn đề nóng lên toàn cầu.

Chỉ một ngày trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) là “cực kỳ hung hăng” đối với doanh nghiệp châu Âu trước các nhà lập pháp Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) lo ngại IRA là phản cạnh tranh và có thể cướp việc làm tại châu Âu khi thu hút các nhà sản xuất chuyển tới Mỹ.

Một minh chứng rõ ràng về sức hút của IRA là vào hôm 13/3, hãng ôtô khổng lồ Volkswagen của Đức thông báo đã chọn Canada để xây dựng nhà máy sản xuất pin đầu tiên bên ngoài châu Âu.

Nhà sản xuất vòng bi lớn nhất thế giới SKF của Thụy Điển cũng quyết định đặt cơ sở mới của mình ở Bắc Mỹ.

Trong khi đó, công ty hóa chất khổng lồ BASF của Đức và nhà sản xuất thép ArcelorMittal đe dọa thu hẹp sự hiện diện ở châu Âu - nơi họ đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng vọt - để nghiêng về nước Mỹ có nhiều chính sách khuyến khích.

Sự cạnh tranh từ Mỹ

Nếu đây là điều mà các nhà lãnh đạo chính trị của châu Âu lo sợ, thì những nhà hoạch định chính sách ở lục địa già trong tuần này lại dường như không hề lo lắng.

8 tháng sau khi luật khí hậu của Mỹ thông qua, EU đang xem xét một chính sách phản ứng nhằm cải thiện lộ trình Thỏa thuận xanh để giải quyết biến đổi khí hậu trong một thập kỷ.

Các biện pháp do Ủy ban châu Âu đề xuất vào cuối tuần này không gợi ý một cuộc chạy đua giữa Washington và Brussels vì tương lai xanh.

Thay vào đó, chính sách mới trong Đạo luật Công nghiệp Net Zero sẽ đẩy nhanh việc cấp phép và đặt mục tiêu sản xuất các công nghệ bao gồm pin mặt trời, tuabin gió, máy bơm nhiệt, pin và máy điện phân, theo tài liệu dự thảo được Bloomberg xem xét.

Chưa bên nào chạm tới "nút thắt", ngay cả khi các công ty đang dần thay đổi tư thế của mình trước những ưu đãi cạnh tranh.

Không giống như chính sách của EU tập trung vào trợ cấp để thúc đẩy việc áp dụng sản phẩm và công nghệ xanh, IRA nhằm mục đích lôi kéo các nhà sản xuất có thể mang lại việc làm cho Mỹ.

Và nó được xem là chính sách hiệu quả với Roeland Baan, giám đốc điều hành của nhà sản xuất hydro xanh Topsoe có trụ sở tại Đan Mạch.

Công ty của ông đang xem xét triển khai thêm nhà máy thứ hai ở Mỹ sau khi xây dựng nhà máy 500 megawatt ở Đan Mạch.

“Hãy nhìn vào số tiền. Không có quá nhiều sự khác biệt về quy mô giữa EU và Mỹ”, ông nói. “Nhưng nó dễ tiếp cận hơn ở Mỹ. Có nhiều sự rõ ràng và chắc chắn hơn về những gì bạn nhận được, cũng như bằng cách nào”.

Baan nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với hydro xanh ở cả hai bờ Đại Tây Dương, vì vậy các biện pháp khuyến khích đơn giản hơn ở Mỹ sẽ mở ra những con đường bổ sung cho sự phát triển.

Đây có thể là kết luận mà các doanh nghiệp khác cũng đưa ra: Không phải thời điểm đóng cửa sản xuất ở châu Âu, mà là nên tăng cường đầu tư vào Bắc Mỹ.

Các chương trình xanh của EU sẽ tăng thêm 1000 tỷ đô la chi tiêu trong thập kỷ này, theo dự đoán từ một số nhà nghiên cứu tại BloombergNEF.

Không chỉ vậy, dựa trên quan điểm Mỹ đang bắt kịp cuộc đua với biện pháp chi tiêu xanh trị giá 369 tỷ USD và một số ưu đãi thuế của nước này chưa được khai thác hết, tổng số tiền cuối cùng có thể cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, đối với nhiều công ty châu Âu, việc tiếp cận nguồn tài trợ hiện có ngày càng trở nên cồng kềnh khi những chương trình tài trợ mới với các yêu cầu và mục tiêu khí hậu khác nhau được đưa ra, thường buộc họ phải thuê thêm nhân viên chỉ để xử lý công việc quản lý và thủ tục giấy tờ tẻ nhạt.

Điểm yếu này lại chính là điểm hấp dẫn của IRA. Mỹ đã sử dụng biện pháp khuyến khích giảm thuế đơn giản và rõ ràng để thúc đẩy doanh số bán ôtô điện, triển khai bộ sạc xe, sản xuất máy bơm nhiệt trong nước và nhiên liệu tương lai như hydro xanh.

“Tôi thà có một cuộc cạnh tranh tích cực với Mỹ về khí hậu hơn là phàn nàn rằng người Mỹ không làm gì cả”, Pascal Canfin, người đứng đầu ủy ban môi trường của Nghị viện châu Âu, nói.

Ông nhận thấy việc EU áp dụng lâu dài định giá carbon cùng những quy định chặt chẽ hơn về đầu tư xanh, bên cạnh ưu đãi tài chính được thiết lập cho công nghệ sạch, mang lại lợi thế cho khối trong nỗ lực chung nhằm hạn chế khí nhà kính.

Và IRA đã thúc đẩy EU cải thiện hơn nữa khung chính sách của mình.

“Giống với bất cứ cuộc đua nào, những người châu Âu chúng tôi phải ở phía chiến thắng”, ông nói.

Cú sốc với châu Âu

Rủi ro thực sự đối với sản xuất công nghiệp châu Âu, và khiến các quan chức EU khó chịu là yêu cầu về hàm lượng nội địa của IRA.

Theo điều khoản trong IRA, chính phủ sẽ cung cấp khoản tín dụng thuế cho những phương tiện ít nhất phải được sản xuất và lắp ráp một phần ở Bắc Mỹ.

Đây được xem là đòn giáng trực tiếp vào các nhà sản xuất ôtô châu Âu.

Volkswagen đã phản ứng bằng cách tăng tốc đầu tư vào Mỹ, chi 2 tỷ USD cho một nhà máy sản xuất xe điện ở Nam Carolina.

Trong bối cảnh đó, để khắc phục những sai sót trong khía cạnh kinh doanh của chiến lược khí hậu, vào tháng 2, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra Kế hoạch Công nghiệp Xanh với mục đích đơn giản hóa quy định, tăng tốc khả năng tiếp cận tài chính, phát triển kỹ năng cho ngành công nghiệp xanh và tạo ra “nhiều hơn môi trường hỗ trợ” cho sản xuất.

Ủy ban sẽ tiến thêm một bước nữa vào hôm 16/3 bằng cách đưa ra một gói biện pháp bao gồm Đạo luật Công nghiệp Net Zero.

Mặc dù việc phê duyệt chính thức có thể mất khoảng một năm, nhưng đạo luật này có thể mang lại sự thúc đẩy cho một số ngành công nghiệp.

Henrik Anderson, giám đốc điều hành của Vestas Wind Systems, một trong những nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất, nói với Bloomberg vào tháng 11/2022 rằng quá trình cấp phép chậm chạp là "thách thức lớn nhất" ở châu Âu .

Ngoài ra, chi phí vận hành nhà máy cao cũng nằm trong danh sách việc cần làm của khối.

Ngay từ trước cuộc xung đột ở Ukraine, EU đã có giá năng lượng cao hơn và dễ biến động hơn so với Mỹ. Việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga khỏi lưới điện của lục địa càng làm tăng đáng kể sự chênh lệch về chi phí điện năng trên khắp Đại Tây Dương.

“IRA đóng vai trò như một cú sốc điện đối với châu Âu”, nghị sĩ Canfin cho biết. “Chúng ta cần thay đổi để đơn giản hóa quy tắc và cung cấp cho các công ty khả năng dự đoán về giá năng lượng”.

Dù vậy, châu Âu được hưởng lợi từ lập trường thống nhất hơn trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Không giống như đảng Dân chủ ở Mỹ, những người phải tranh luận với đảng Cộng hòa phản đối luật khí hậu, các nhà lập pháp châu Âu không phải lo lắng nhiều về vấn đề này.

“Chính sách tối ưu là sự kết hợp giữa định giá carbon, đầu tư và quy định. Đó là cách tiếp cận của châu Âu”, Simone Tagliapetra, nhà nghiên cứu tại tổ chức Bruegel cho biết. “Nhưng về mặt chính trị, đó là điều cấm kỵ” ở Mỹ.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang