EU: Dầu Nga vẫn chảy; Khó tách rời kinh tế TQ; Ông Sarkozy đi tù; Hàng tỷ USD tiêu tan ở Anh; Dân Pháp không đủ ăn

EU "cạn lời" vì dầu Nga vẫn chảy mạnh về châu Âu: Thậm chí còn gián tiếp tạo nên kỷ lục xuất khẩu của Nga

(Ảnh minh họa).

Mặc cho hàng loạt lệnh cấm vận từ EU, dầu mỏ Nga vẫn đang có những khách hàng gián tiếp và thị trường tiềm năng ở ngay chính châu Âu.

Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại, mới đây tuyên bố khối này sẽ hành động chống lại việc nhập khẩu các sản phẩm nhiên liệu của Ấn Độ sử dụng dầu của Nga. Theo Al Jazeera, đây là một chỉ trích hiếm hoi về vai trò của Ấn Độ trong việc giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Borell cho biết EU không thấy có vấn đề về gia tăng thương mại dầu mỏ giữa Nga và Ấn Độ nhưng kêu gọi trừng phạt việc Ấn Độ bán lại dầu của Nga vào châu Âu dưới dạng nhiên liệu tinh chế, bao gồm cả dầu diesel.

Trong năm qua, Ấn Độ đã nổi lên như một trong những khách hàng hàng đầu của dầu mỏ Nga. Việc tiếp cận dầu thô giá rẻ của Nga đã thúc đẩy sản lượng và lợi nhuận tại các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, cho phép họ xuất khẩu các sản phẩm nhiên liệu tinh chế với giá cạnh tranh sang Châu Âu. Trong những tháng gần đây, các báo cáo trên Reuters và Bloomberg cùng những báo cáo khác đã trích dẫn bằng chứng ngày càng nhiều về việc các công ty Ấn Độ mua dầu của Nga, tinh chế và bán lại cho châu Âu .

"Việc Ấn Độ mua dầu của Nga là điều bình thường. Và nếu, nhờ những hạn chế của chúng tôi về giá dầu, Ấn Độ có thể mua loại dầu này với giá rẻ hơn nhiều, thì Nga càng nhận được ít tiền càng tốt", ông Borrell nói trong cuộc phỏng vấn. "Nhưng nếu họ sử dụng nó để trở thành một trung tâm tinh chế dầu của Nga và các sản phẩm phụ để bán cho chúng tôi... chúng tôi phải hành động".

Dầu mỏ tinh chế: Mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ

Dầu mỏ tinh chế là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ và những hạn chế lớn đối với việc bán loại dầu này sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế quốc gia. Những hạn chế như vậy cũng có thể gây thêm áp lực buộc Ấn Độ cân nhắc lại mối quan hệ bền chặt truyền thống với Nga.

Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, trước đây hiếm khi mua dầu của Nga do chi phí vận chuyển cao, đã nhập khẩu 970.000-981.000 thùng mỗi ngày (bpd) trong năm tài chính 2022/23 (tháng 4-tháng 3), chiếm hơn 1/5 tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu của nước này.

Nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga Rosneft và nhà máy lọc dầu hàng đầu của Ấn Độ là Tập đoàn dầu mỏ Ấn Độ cũng đã ký một thỏa thuận nhằm tăng và đa dạng hóa các loại dầu được giao cho Ấn Độ.

Theo dữ liệu theo dõi tàu từ Kpler, Reliance Industries và Nayara Energy là những nhà xuất khẩu nhiên liệu tinh chế chính của Ấn Độ và là khách hàng chính mua dầu của Nga. Ấn Độ thường xuất khẩu trung bình 154.000 thùng dầu diesel và nhiên liệu máy bay mỗi ngày sang châu Âu trước năm 2022. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 200.000 thùng/ngày sau khi EU cấm hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga từ ngày 5/2 năm nay, dữ liệu từ Kpler cho thấy.

Ông Borrell cho rằng bất kỳ cơ chế nào để ngăn chặn dòng dầu của Nga sẽ cần phải được thực hiện bởi Ấn Độ, gợi ý rằng EU có thể nhắm mục tiêu vào những khách hàng mua nhiên liệu tinh chế của Ấn Độ mà họ tin rằng có nguồn gốc từ dầu thô của Nga.

"Nếu họ bán, đó là vì có ai đó đang mua. Và chúng ta phải xem ai đang mua", ông nói.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết cho đến nay Nga đã thất bại trong việc cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày (bpd) như đã cam kết và thậm chí có thể đang tìm cách tăng sản lượng để bù đắp cho doanh thu bị mất.

IEA cho biết trong Báo cáo thị trường dầu mỏ rằng xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu của Nga tiếp tục chứng tỏ khả năng phục hồi, với xuất khẩu đạt mức cao nhất trong tháng 4 kể từ sau khi xung đột bùng nổ, đạt mức 8,3 triệu thùng/ngày.

Theo OilPrice, con số kỷ lục trong xuất khẩu tỏ ra trái ngược với kỳ vọng rằng Nga sẽ giảm nguồn cung cho thị trường hiện nay.

Nga đã cảnh báo vào tháng 2 rằng họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngày do lệnh cấm nhập khẩu của EU và trần giá đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ. Ban đầu, Nga cho biết việc giảm sản lượng này sẽ áp dụng cho tháng 3. Nhưng Phó Thủ tướng Alexander Novak đã tuyên bố từ giữa tháng 3 rằng việc cắt giảm sẽ được kéo dài cho đến cuối năm 2023.

Doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga ước tính tăng 1,7 tỷ USD so với tháng trước, lên 15 tỷ USD trong tháng 4, nhưng đã giảm 27% so với một năm trước, trong khi tiền thu thuế từ lĩnh vực dầu khí giảm 64%, cơ quan này cho biết thêm.

IEA lưu ý: "Nga dường như gặp một số vấn đề trong việc tìm kiếm khách sẵn sàng mua dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của mình".

Dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg theo dõi cho thấy hôm 13/5 cho thấy xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển đã tăng trong 4 tuần tính đến ngày 12/5 lên mức cao kỷ lục mới và hiện ước tính đã tăng 10% so với đầu tháng 4.

Dầu thô trên các tàu khởi hành từ các cảng xuất khẩu dầu của Nga và trên đường đến các thị trường quốc tế đã đạt kỷ lục khác ở mức 3,61 triệu thùng mỗi ngày trong 4 tuần tính đến ngày 12/5, theo dữ liệu được báo cáo bởi Bloomberg. Đó là khối lượng xuất khẩu dầu thô bằng đường biển cao nhất của Nga kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi chi tiết các chuyến hàng vào đầu năm 2022.

(Nguồn: CafeF)

Châu Âu khó tách rời kinh tế với Trung Quốc

Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề xuất "giảm thiểu rủi ro" cho EU bằng cách cắt bớt liên hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng không dễ thực hiện.

Châu Âu đang lựa chọn cách cư xử với Trung Quốc. Là đồng minh thân cận nhất của Mỹ, nhưng nội bộ các nước châu Âu vẫn đang dao động giữa cứng rắn và hòa dịu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuần trước, Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, thúc giục các bộ trưởng ngoại giao tìm ra "một chiến lược chặt chẽ" khi đối mặt với "sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc". Vẫn chưa rõ chiến lược đó có thể là gì và liệu khối này có tiếp tục liên kết chặt chẽ với Mỹ nếu địa chính trị leo thang hơn.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu có những thái độ khác nhau vài tháng qua, cho thấy khối này thiếu một kế hoạch chung. Tháng 10/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Đức đến Trung Quốc với giọng điệu cứng rắn. Nhưng chỉ tháng sau, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng các lãnh đạo doanh nghiệp sang thăm. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez thì chọn mở cửa thương mại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa 53 CEO sang Bắc Kinh và nhấn mạnh rằng châu Âu nên tránh xa căng thẳng Trung - Mỹ. Bình luận của ông sau đó gây náo động ở châu Âu và Mỹ.

Xung đột Ukraine càng làm phức tạp thêm tình hình. Hầu hết quốc gia ở phía đông của Liên minh Châu Âu - những quốc gia trước đây chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc - đã trở nên quyết liệt hơn. Họ cảm thấy lo lắng không chỉ về mối quan hệ bạn bè giữa Moskva và Bắc Kinh, mà còn về việc Tổng thống Macron đề cập đến "tự chủ chiến lược" với Mỹ.

Với nhiều diễn biến này, Economist cho rằng, châu Âu ở tình thế đỉnh điểm của tiến thoái lưỡng nan. Bài toán của các lãnh đạo EU là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức độ nào và cần làm gì nếu Mỹ khắt khe hơn.

Xét về kinh tế, họ đang gắn bó với Trung Quốc ra sao?

Châu Âu tiếp xúc với Trung Quốc nhiều hơn về mặt kinh tế so với Mỹ. Khoảng 8% doanh thu của các công ty đại chúng của châu Âu đến từ Trung Quốc, so với 4% của các công ty Mỹ, theo Morgan Stanley. Châu Âu và Mỹ có tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa tương tự sang Trung Quốc (7-9%), nhưng do châu Âu là nền kinh tế thâm dụng thương mại nhiều hơn nên độ nhạy cảm cao hơn. Các khoản đầu tư vào Trung Quốc trị giá 2% GDP của châu Âu so với 1% của Mỹ.

Để có một cái nhìn toàn diện, Economist đưa ra thước đo về "tổng mức độ tiếp xúc với Trung Quốc". Nó gồm 3 yếu tố: xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu dịch vụ và doanh số các công ty con do phương Tây sở hữu tại Trung Quốc. Những số liệu sử dụng là năm 2020 - năm cuối cùng có dữ liệu. Sáu nền kinh tế lớn nhất, bao gồm cả Anh, được chọn ra để tính toán. Việc tiếp xúc kinh tế với Trung Quốc có tính cả Hong Kong ở mảng dịch vụ.

Kết quả, tỷ lệ tiếp xúc với Trung Quốc của 6 ông lớn châu Âu đạt 5,6% tổng GDP của họ, tăng từ 3,9% vào 2011. Con số này cao hơn Mỹ (4,2%). Italy và Tây Ban Nha tiếp xúc ở mức 1-2%, Pháp và Anh là 4-5%, còn Đức đến 9,9%.

Trong trường hợp chuỗi cung ứng châu Âu và Trung Quốc bị chia tách cứng nhắc, tổng chi tiêu quốc gia của khu vực đồng euro sẽ giảm hơn 2%, theo Ngân hàng Trung ương châu Âu. Thiệt hại ở Đức sẽ cao hơn trung bình.

Tương tự, một nghiên cứu của IMF vào tháng 4 cho biết trong trường hợp có sự chia rẽ đầu tư giữa phương Tây và Trung Quốc, GDP của châu Âu sẽ giảm 2%, gấp đôi so với Mỹ. Ngoài ra, sự chia tách sẽ gây ra khủng hoảng tại một số công ty hàng đầu châu Âu phụ thuộc vào Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất ôtô của Đức, đế chế hàng xa xỉ của Pháp và ngành ngân hàng của Anh.

Những năm gần đây, ở châu Âu nổi lên thảo luận về chính sách "giảm thiểu rủi ro" (de-risking), nghĩa là giảm bớt các liên kết thay vì tách rời kinh tế tổng thể với Trung Quốc. Nó manh nha xuất hiện 4 năm trước, với một bài phân tích chiến lược cho rằng Trung Quốc không chỉ là một đối tác lẫn cạnh tranh kinh tế, mà còn là một đối thủ có hệ thống. Các thủ đô trên khắp châu Âu, vốn đã bán các cảng và cơ sở hạ tầng khác cho các nhà đầu tư Trung Quốc, bắt đầu suy nghĩ lại.

Trục trặc chuỗi cung ứng thời đại dịch cho thấy những nguy cơ của việc phụ thuộc quá nhiều vào ngành công nghiệp Trung Quốc. "Thỏa thuận toàn diện về đầu tư" Sino-EU, được ký kết vào tháng 12/2020, đã bị châu Âu gạt sang một bên.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen cho rằng "giảm thiểu rủi ro" là bước tiếp theo và người châu Âu có thể đồng ý. Nhưng nó vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nó không có nghĩa là đóng cửa hoàn toàn với Trung Quốc, mà là đa dạng hóa, củng cố an ninh kinh tế.

Giống Mỹ, châu Âu dễ bị tổn thương nhất về mặt chiến lược khi nói đến sự phụ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc với một số nguồn cung nhất định. Vào năm 2022, Trung Quốc đã khai thác gần ba phần năm nguyên tố đất hiếm toàn cầu, được sử dụng trong thiết bị điện tử. Nước này tinh chế 60% lượng lithium và 80% lượng coban của thế giới, hai nguyên liệu đầu vào cốt lõi để sản xuất pin.

Châu Âu nhập khẩu 98% đất hiếm từ Trung Quốc, thậm chí nhiều hơn cả Mỹ với mức 80%. Theo một nghiên cứu của Merics (Đức), 97% chloramphenicol được sử dụng để sản xuất thuốc kháng sinh của EU phụ thuộc vào Trung Quốc. Đối với Mỹ, con số này là 93%.

Đến nay, các công ty châu Âu đã đa dạng hóa các nhà cung cấp, "kết bạn" với đồng minh. "Tất cả chúng tôi học được từ Covid-19 rằng phải tăng gấp đôi và gấp ba nguồn cung, không chỉ từ Trung Quốc", một công ty khổng lồ của Pháp cho biết. Các công ty đang tìm đến Mexico, Ấn Độ, Morocco, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà hoạch định chính sách EU công bố "Đạo luật về nguyên liệu thô quan trọng", được thiết kế để đảm bảo rằng không quá 65% lượng tiêu thụ hàng năm với bất kỳ nguyên liệu nào được liệt kê có nguồn gốc từ một quốc gia vào 2030.

Trong lĩnh vực công nghệ, các công ty châu Âu tham gia vào một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. ASML (Hà Lan) - sản xuất thiết bị dùng để chế tạo chất bán dẫn, đã hạn chế bán máy móc tiên tiến cho Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia của châu Âu cũng đang điều chỉnh cách hoạt động ở Trung Quốc. Trong một số trường hợp, họ đang thoái vốn.

Một cách khác là giúp các công ty con ở Trung Quốc tự cung tự cấp hơn. Một thước đo là vốn đầu tư của các công ty con đến từ lợi nhuận chính họ, thay vì từ tiền gửi từ châu Âu. Đối với các công ty con của Đức ở Trung Quốc, tỷ lệ này đã tăng từ 2% vào năm 2002 và 52% vào năm 2012, rồi lên 85% vào năm 2022.

Yếu tố cuối cùng của việc giảm thiểu rủi ro là sàng lọc chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu. Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, theo Merics và công ty tư vấn Rhodium. FDI của Trung Quốc đạt đỉnh ở châu Âu vào năm 2016.

Con đường để châu Âu "giảm thiểu rủi ro" không dễ dàng. Các công ty lớn, vẫn quan tâm đến "giấc mơ Trung Hoa" có thể từ chối tham gia. "Có một số lĩnh vực cấm nhất định về công nghệ ở Trung Quốc, nhưng phần còn lại thì chúng tôi không thể tách rời. Đó là công việc kinh doanh thông thường và càng nhiều càng tốt", một nhà công nghiệp cấp cao của châu Âu cho biết. Khi Tổng thống Pháp Macron ở Bắc Kinh, Airbus đã đồng ý mở rộng dây chuyền lắp ráp ở Thiên Tân và xác nhận đơn hàng bán 160 máy bay cho Trung Quốc.

Chiến lược này cũng có thể gặp khó khăn trong việc thích ứng với sự thay đổi công nghệ và các tác động thương mại của nó. Ôtô là một ví dụ điển hình. EU hầu như không xuất khẩu xe điện sang Trung Quốc nhưng gần như tất cả ôtô xuất khẩu của Trung Quốc sang EU đều chạy bằng pin. Người châu Âu tìm kiếm phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, còn Trung Quốc vừa háo hức vừa có vị trí thuận lợi để phủ sóng xe điện "Made in China" khắp lục địa già.

Các cuộc thảo luận của khối trong những tháng tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất của khối và nằm trong số những nền kinh tế tiếp xúc nhiều nhất với Trung Quốc. Ông Macron từ lâu đã thúc đẩy châu Âu trở nên tự chủ hơn trước Mỹ. Ông Scholz thì đối mặt với những quan điểm khác nhau trong chính phủ liên minh. Ông định tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương với Trung Quốc tháng tới.

Cả Pháp và Đức đều dè dặt về các biện pháp "giảm thiểu rủi ro" của bà Von der Leyen, nhưng họ ủng hộ nguyên tắc này. Trong khi, phần lớn các nước thành viên Đông Âu lại có vẻ cảnh giác với ảnh hưởng của Trung Quốc. Châu Âu cần một cuộc tranh luận có cân nhắc về những việc cần làm tiếp theo, theo Economist.

(Nguồn: Vnexpress)

Kháng cáo thất bại, ông Sarkozy thành cựu tổng thống Pháp đầu tiên nhận án tù

(Ảnh minh họa).

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kháng cáo thất bại đối với án phạt tù dành cho ông vì tội tham nhũng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Tuy nhiên, theo BBC, tòa phúc thẩm Paris ngày 17/5 ra phán quyết rằng, ông Sarkozy, 68 tuổi có thể đeo thiết bị giám sát để thụ án tại nhà thay vì phải ngồi tù.

Năm 2021, ông Sarkozy đã bị kết án 3 năm tù, trong đó có 2 năm tù treo, vì tội tham nhũng và gây sức ép nhằm thu thập thông tin về một cuộc điều tra năm 2014 liên quan đến những cáo buộc tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử của ông năm 2012.

Theo cơ quan công tố, đảng theo đường lối bảo thủ của ông Sarkozy đã chi tổng số tiền cao gấp đôi mức tối đa 22,5 triệu Euro được quy định trong luật bầu cử để thực hiện các chiến dịch vận động bầu cử. Ông cũng bị buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi bằng cách hứa đảm bảo một công việc danh giá cho vị thẩm phán thụ lý vụ việc.

Cho đến nay, ông Sarkozy vẫn nhất quyết phủ nhận đã có hành vi sai trái. Suốt 3 năm qua, ông cũng chưa phải thụ án vì còn chờ tòa xem xét đơn kháng cáo.

Phán quyết mới của tòa phúc thẩm Paris đánh dấu việc ông Sarkozy, người giữ chức Tổng thống Pháp giai đoạn 2007-2012, là cựu lãnh đạo chính phủ đầu tiên của nước này phải nhận án tù. Ông cũng bị cấm giữ các chức vụ ở các cơ quan công quyền trong 3 năm.

(Nguồn: Vietnamnet)

Hàng tỷ USD tiêu tan ở Anh vì một loài cây từ Nhật

Loài cây cốt khí củ có nguồn gốc từ Nhật Bản đang trở thành mối đe dọa cho hệ sinh thái bản địa của Anh, đồng thời khiến chủ sở hữu các bất động sản thiệt hại hàng tỷ USD.

Năm 2014, Paul Ryb mua một ngôi nhà ở Highgate, London mà không lường trước hiểm họa sẽ đến. Mùa xuân 2015, những người làm vườn phát hiện những đám cây cốt khí củ đe dọa toàn bộ hệ sinh thái của khu vườn. Ryb phải thuê người đào toàn bộ khu vườn để loại bỏ loài cây từ Nhật Bản, tốn hơn 12.000 USD.

Sau đó, chủ nhân ngôi nhà khởi kiện người trước đó đã giúp ông kiểm định căn nhà. Năm 2019, tòa án xử Ryb thắng kiện và được bồi thường 60.000 USD, theo Guardian.

Loài xâm lấn nguy hại

Cốt khí củ có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng đã lan rộng khắp châu Âu và Bắc Mỹ và trở thành loại thống trị ở nhiều môi trường sống khác nhau. Chúng mọc rất nhanh, có thể cao tới 2,5 m chỉ trong vòng một tháng và bao phủ một diện tích rộng lớn.

Tại London, nhiều khu vực được chọn là nơi tổ chức Olympic 2012 từng bị cốt khí củ xâm lấn. Nhà chức trách đã phải tốn hàng chục triệu USD để xử lý loài cây này.

Cốt khí củ rất khó bị tiêu diệt, ngay cả khi bị nhổ bật gốc, làm rụng lá, chúng thậm chí có thể sống sót ngay cả khi dung nham nóng chảy qua. Tại Anh, các bất động sản bị cốt khí củ xâm lấn khiến chúng bị giảm giá trị tổng cộng tới 25 tỷ USD.

Sự lan rộng của loài cây xâm lấn từ Nhật Bản đã thu hút sự chú ý của Quốc hội Anh, một số ủy ban đã được thành lập để tìm cách ứng phó với cốt khí củ. Tuy nhiên đến nay, chưa có giải pháp khả thi nào được tìm ra.

Gethin Bowes, chuyên gia về môi trường, cho biết phần rễ là "pin" tiếp năng lượng cho sức sống của cây cốt khí củ. Ngay cả khi phần thân đã bị cạo sạch hoặc bị tiêu diệt bởi thuốc diệt cỏ, bộ rễ sâu dưới mặt đất có thể nằm im tới 20 năm trước khi mọc lại, khiến cốt khí củ trở thành mối đe dọa dai dẳng.

Khi rễ cây nằm im dưới mặt đất, những tác động từ bên ngoài sẽ kích thích chúng phát triển, mọc lại cây mới. Ngay cả một mẩu rễ nhỏ cũng có thể mọc thành một cây hoàn chỉnh.

Để có thể tiêu diệt cốt khí củ, cần loại bỏ mọi tàn dư của rễ cây dưới mặt đất. Tại Anh, một số chuyên gia kiểm định bất động sản phải sử dụng chó đã qua đào tạo để đánh hơi phát hiện rễ cây cốt khí củ.

Loài cây từ Nhật Bản là đặt ra những thách thức cho các dự án xây dựng lớn. Chúng xuất hiện gần như ở mọi nơi, từ bờ sông, ven đường, bãi đậu xe, cho tới vườn cây tư nhân. Ngay cả tại những mảnh đất từng được xử lý, cốt khí củ vẫn có thể quay trở lại, xâm nhập vào cấu trúc bên trong các tòa nhà.

Khó tiêu diệt hoàn toàn

Cốt khí củ Nhật Bản có mặt tại Anh từ 1850 thông qua các hoạt động thương mại. Thời điểm đó, các loài thực vật từ nước ngoài chưa được coi là loài xâm lấn như hiện nay. Thậm chí, cốt khí củ còn được yêu thích bởi khả năng phát triển ổn định và tính thẩm mỹ.

Thế nhưng, vào đầu thế kỷ XX, loài cây từ Nhật Bản bắt đầu phát triển mạnh trong tự nhiên và lan ra khắp nước Anh. Các nỗ lực kiểm soát sự sinh sôi của cốt khí củ đều không hiệu quả. Loài cây từ Nhật Bản, cùng các loài xâm lấn khác, bắt đầu thay thế các loài cây bản địa.

Tác động từ sự sinh sôi của cốt khí củ không mấy được quan tâm cho tới khi chúng ảnh hưởng tới giá trị bất động sản. Sự hiện diện của loài cây này có thể khiến bất động sản sụt giá đáng kể, thậm chí khiến các ngân hàng từ chối cho vay để mua nhà.

Năm 2012, Viện Khảo sát Công chứng Hoàng gia Anh ra quy định coi sự hiện diện của cốt khí củ trong phạm vi 7 m là mối đe dọa tới giá trị bất động sản, khiến giá trị hàng triệu căn nhà bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nhà chức trách không tìm ra giải pháp hữu hiệu nào để xử lý vấn đề.

Cốt khí củ có sức sống mạnh mẽ vượt trội các đối thủ khác, chúng ngăn cản sự sinh sôi của các loài cây nhỏ hơn nhờ một hóa chất bên trong lớp lá của mình. Dù không thể đâm xuyên qua bê tông cốt thép hay làm xói mòn nền móng các tòa nhà, cốt khí củ có thể đâm xuyên qua những vết nứt.

Loài cây từ Nhật Bản cũng có những sự thay đổi theo mùa. Chúng rụng lá vào mùa đông và sinh trưởng tươi tốt trong mùa hè. Lá của cốt khí củ có hình trái tim, hoa màu kem.

Các công nhân kiểm soát thực vật thường sử dụng glyphosate để tiêu diệt cốt khí củ, đây là loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi. Dù glyphosate bị hoài nghi gây ra những lo ngại cho sức khỏe cộng đồng, chuyên gia Gethin Bowes cho rằng loại thuốc này là lựa chọn kiểm soát cốt khí củ hiệu quả nhất.

Dù thừa nhận có những lo ngại về tác động sức khỏe khi sử dụng glyphosate, ông Bowes cho rằng việc để loài cây này sinh sôi tự do không kiểm soát sẽ có những tác động tồi tệ hơn nữa cho môi trường và đa dạng sinh học.

Dan Jones, tiến sĩ sinh vật học, cho biết đã làm thí nghiệm về kiểm soát cốt khí củ từ 2011. Jones điều hành một công ty tư vấn về đối phó các loài xâm lấn có tên Advanced Invasives. Trên cánh đồng rộng hàng chục km2 ở Cardiff, Advanced Invasives đã thử nghiệm nhiều cách thức để tiêu diệt cốt khí củ.

Jones cho biết cắt cỏ trên mặt đất chỉ làm tình hình tồi tệ hơn. Nghiên cứu công bố năm 2018 của Jonese cho biết phương pháp hữu hiệu nhất là sử dụng glyphosate vào mùa thu trong nhiều năm liên tiếp.

Tuy vậy, dù lớp cây trên mặt đất bị tiêu diệt hoàn toàn, phần rễ cốt khí củ vẫn tiếp tục bám sâu trong lòng đất, khiến việc tiêu diệt hoàn toàn loài cây này là bất khả thi. Để có thể tiêu diệt hoàn toàn, chỉ có cách đào tận gốc và loại bỏ toàn bộ lớp đất, tuy nhiên cách làm này rất đắt đỏ.

(Nguồn: Zing News)

16% người dân Pháp không đủ ăn vì giá thực phẩm tăng cao

(Ảnh minh họa).

Số người Pháp không thể lo đủ bữa ăn trong ngày đã tăng từ 12% lên 16% chỉ trong vòng 6 tháng qua, và cao gấp gần 2 lần so với con số ghi nhận được năm 2016 do giá thực phẩm tăng cao trung bình hơn 10% trong hơn 1 năm qua.

Theo một cuộc điều tra do Trung tâm nghiên cứu và quan sát điều kiện sống Pháp (Crédoc) thực hiện, giá cả các mặt hàng thực phẩm đang ngày càng trở nên đắt đỏ với mức thu thập của người dân Pháp.

Các số liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ lạm phát trong ngành thực phẩm trung bình ở mức trên 10% từ hơn 1 năm qua, thậm chí leo thang lên 14%-15% trong hai tháng gần đây, vượt xa so với tốc độ tăng lương hàng năm, dao động ở mức 4-6%.

Giá thực phẩm tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến số người Pháp không thể lo đủ bữa ăn trong ngày đã tăng mạnh thêm 4% chỉ trong vòng 6 tháng qua và nâng tỷ lệ đói nghèo lên 16%, gần như gấp đôi so với con số ghi nhận được vào năm 2016.

Ngay cả với những người không rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì cứ 2 người được hỏi thì 1 người cho biết không thể mua tất cả những loại thực phẩm mà họ mong muốn và dần phải từ bỏ những lựa chọn ưu tiên trước đây như thịt, cá hay rau củ quả. Giỏ hàng mua sắm của người tiêu dùng Pháp cũng ngày càng ít các sản phẩm tươi sống nhưng đắt đỏ để nhường chỗ cho các mặt hàng giá rẻ không phải lúc nào cũng đảm bảo chất lượng.

Các con số đáng lo ngại khác cũng cho thấy 24% người Pháp dưới 40 tuổi và khoảng 7% người trong độ tuổi từ 60-69 đang có cuộc sống bấp bênh, không đủ ăn. Trong các gia đình có trẻ em, phụ nữ là những người có nguy cơ cao nhất rơi vào tình trạng ăn không đủ. Viện nghiên cứu Crédoc cảnh báo vấn đề mất an toàn và an ninh lương thực có thể sẽ dẫn đến những hệ luỵ về sức khoẻ.

Bộ Kinh tế Pháp hôm qua (17/5) đã triệu tập lãnh đạo ngành công nghiệp thực phẩm để yêu cầu đàm phán lại với các chuỗi phân phối lớn về mức tăng giá được xác định là 10% trong cuộc gặp hàng năm vào đầu tháng 3/2023, nhất là trong bối cảnh giá các nguyên liệu đầu vào và năng lượng đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp ông Bruno Le Maire cảnh báo sẽ sử dụng chế tài nếu giá thực phẩm không hạ nhiệt thời gian tới.

“Nếu các nhà công nghiệp thực phẩm từ chối đàm phán lại mức giá, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các chế tài, trong đó có cả công cụ thuế để thu hồi mức lợi tức mà họ có được từ túi tiền của người tiêu dùng”./.

(Nguồn: VOV)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

Đức & EU

Thế giới

Video

Theo dõi trên

Đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2023 tại CHLB Đức

Nhằm tưởng nhớ công đức Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước; góp phần cùng cộng đồng người Việt giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam tới bạn bè Đức và quốc tế, đặc biệt thế hệ trẻ sinh trưởng tại CHLB Đức; Được sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam, Hội Đồng hương Vĩnh Phú, Hội Người Việt Nam TP Leipzig, cùng các tổ chức Hội Đoàn người Việt Nam tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023, diễn ra tại CHLB Đức:

Thời gian:  Từ 13 giờ 00 đến 20 giờ, chủ nhật, ngày 23.04.2023.

Địa điểm: SELGROS, Maximilianallee 05, 04129 Leipzig. 

Nội dung chương trình: 

-Dâng hương và lễ vật lên bàn thờ Tổ, tưởng nhớ 18 vị Vua Hùng đã có công dựng nước. 

-Ca múa nhạc dân tộc, thể hiện văn hoá tâm linh, ca ngợi non sông đất nước Việt Nam. 

Đại Lễ Giỗ Tổ hân hạnh được đón tiếp các vị khách quý từ Việt Nam, Đại Sứ quán Việt Nam, lãnh đạo thành phố Leipzig, Halle, tiểu bang Sachsen, Sachsen Anhalt, quan khách địa phương cùng cả ngàn người Việt từ khắp các địa phương trên toàn nước Đức hân hoan đổ về tham dự, trở thành một Đại lễ hội quy mô lớn bậc nhất từ trước tới nay của cộng đồng người Việt Nam tại Đức.

Hội Người Việt Leipzig – Trung Cao

 

Checklist các loại bảo hiểm có tác dụng GIảm Thuế

Những loại bảo hiểm nào có tác dụng giảm thuế/ được hỗ trợ thuế/ xin lại được thuế?

các loại bảo hiểm bắt buộc cũng như tự nguyện được chính phủ khuyến khích và có tác dụng tiết kiệm tiền thuế:

1. Bảo hiểm y tế/ Krankenversicherung

2. Bảo hiểm nuôi dưỡng lúc bị tàn phế / Pflegeversicherung.

3. Bảo hiểm thất nghiệp/ Arbeitslosenversicherung.

4. Bảo hiểm trách nhiệm khi vô tình gây hại cho ngườikhác / Haftpflichtversicherung.

5. Erwerbs- und Berufsunfähigkeitsversicherung/ Bảo hiểm mất sức lao động

6. Unfallversicherung / Bảo hiểm tai nạn

7. Bảo hiểm hưu trí / Altersvorsorgeleistungen.

8. Bảo hiểm nhân thọ / Risikolebensversicherung

9. Krankentagegeld- und Krankenhaustagegeldversicherungen.

10. Rechtschutzversicherung

Quan trọng cần để ý lúc này là giới hạn cho việc khấu trừ thuế tổng các loại không quá:

 

- 1900e (3800e đối với cặp vợ chồng) đối với: Người đi làm công (Angestellter), Công chức (Beamter), và người về hưu (Rentner)

- 2800e đối với người Selbständiger

 

Ở đây mình xin nói đến những nhóm bảo hiểm đặc biệt quan trọng trong việc khấu trừ thuế trước, từ từ mình sẽ thêm những mục khác vào sau.

 

Số 8: Bảo hiểm hưu trí / Altersvorsorgeleistungen Bảo hiểm được tính là chi phí đặc biệt (Sonderausgaben), thuộc nhóm này chính là các loại bảo hiểm về hưu trí (ví dụ: BasisRente, Rürup Rente, RisterRente..) các loại bảo hiểm tiết kiệm dài hạn (private Altersvorsorge, Vermögensaufbau…). Chính vì vậy việc dành một khoản hàng tháng tiết kiệm cho hưu trí là một điều quan trọng, và lại rất phải chăng khi chúng ta còn khấu trừ được thuế từ đó nữa.

Anh chị có thể liên hệ để biết chính xác loại Hưu trí của mình, hoặc liên hệ tư vấn để mua chính xác loại dành cho mình tại www.taichinh360.de

 

Số 1 và 2. Bảo hiểm y tế và bảo hiểm thương tật tàn phế Kranken- und Pflegeversicherung.

Đối với 2 loại bảo hiểm này bạn cứ khai đầy đủ lúc khai thuế, kể cả phần của vợ/chồng/partner và con cái. Phần lớn các anh chị làm công đều đã đạt mức tối đa giảm thuế trong mục này, nhưng chắc ăn thì mình vẫn liệt kê ra, finanzamt sẽ tự tính là phần nào còn giảm thuế được và không

Quan trọng của nhóm bảo hiểm này là Basisbeitrag (14,6% giống nhau giữa các hãng bảo hiểm) và Zusatzbeitrag (1,3-1,7% chênh nhau giữa các hãng bảo hiểm). Phần Basisbeitrag thường mọi người làm công đều đạt mức giảm thuế tối đa như ở trên mình có nói. Phần Zusatzbeitrag thì sẽ là phần được giảm thuế extra nữa mà mọi người đều nên để ý khi khai thuế

Basisbeitrag và Zusatzbeitrag của Krankenversicherung có thể tìm thấy ở đâu?

Basisbeitrag có thể thấy ngay trong Lohnabrechnung hàng tháng.

Zusatzbeitrag nằm trong hóa đón của hãng bảo hiểm gửi cho mình, họ có thống kê là ví dụ AOK là 1,7%, tương ứng với bao nhiêu đây tiền...

Loại bảo hiểm y tế nào còn được giảm thuế?

Đó chính là các loại bảo hiểm về Răng cỏ (Zahnzusatzversicherung), bảo hiểm du lịch nước ngoài (Auslandskrankenversicherung), bảo hiểm tai nạn (Unfallversicherung), bảo hiểm mất sức lao động (Berufsunfähigkeitsversicherung)

 

Số 4, 6, 10 Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (Haftpflichtversicherung), bảo hiểm tai nạn (Unfallversicherung), và bảo hiểm luật (Rechtschutzversicherung)

Các loại bảo hiểm này phần lớn đều được khấu trừ thuế một phần theo dạng là „sonstigen Vorsorgeaufwendungen“ là chi phí đặc biệt.

Ngày nay càng nhiều anh chị làm Homeoffice, vì vậy các loại bảo hiểm này cũng được xét thêm khấu trừ thuế trong trường hợp mình sử dụng nó cho mục đích công việc.

Ví dụ: Unfall xảy ra khi mình làm Homeoffice, mình vướng chân vào máy in khi đang làm việc khiến máy tính rớt xuống là gãy xương chân. Vì vậy trong trường hợp này Unfallversicherung vốn cho privat thì cũng được khấu trừ thuế một phần do Homeoffice

 

Huong Luu

Lên đầu trang