EU: Đạo luật về phá rừng; Tìm 'cha hờ' cho con; Thực phẩm ở Anh tăng giá; Hy Lạp ngược dòng; Hungary chặn gói vũ khí cho Ukraine

EU thông qua đạo luật cấm hàng hoá liên quan đến nạn phá rừng

27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua luật mới nhằm góp phần giảm bớt tình trạng phá rừng trên toàn cầu.

Mới đây, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua luật mới nhằm góp phần giảm bớt tình trạng phá rừng trên toàn cầu thông qua điều chỉnh hoạt động kinh doanh một loạt các mặt hàng.

Theo luật mới, các công ty kinh doanh dầu cọ, thịt gia súc, gỗ, càphê, cacao, cao su, đậu nành, và các sản phẩm phái sinh như chocolate, giấy in, sẽ cần chứng minh hàng hóa mà họ bán tại EU không liên quan đến hoạt động phá rừng ở bất kỳ đâu trên thế giới từ sau năm 2021.

Luật này cũng quy định các công ty phải chứng minh những hàng hóa mà họ nhập khẩu có tuân thủ các quy tắc tại quốc gia xuất xứ, trong đó tính đến cả vấn đề bảo vệ người bản địa.

Trước đó, ngày 19/4, Nghị viên châu Âu (EP) đã thông qua luật mới nói trên.

Rừng giúp loại bỏ khí nhà kính khỏi khí quyển một cách tự nhiên vì thực vật hấp thụ khí CO2 khi chúng phát triển.

Theo Viện Tài nguyên Thế giới, cứ mỗi phút trôi qua, thế giới mất đi một khu rừng có diện tích bằng 10 sân bóng đá. EU cho rằng nếu không có quy định mới, mỗi năm sẽ có 248.000 ha rừng bị phá hủy, tương đương với diện tích nước thành viên Luxembourg.

Các khu rừng trên khắp thế giới đang ngày càng bị đe dọa do tình trạng chặt phá rừng để lấy gỗ và làm nông nghiệp, trong đó có trồng đỗ tương và cây cọ dầu. Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ước tính 420 triệu ha rừng, diện tích lớn hơn cả EU, đã bị phá hủy trong giai đoạn 1990-2020.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Những thai phụ tìm 'cha hờ' cho con để nhập tịch Anh

Điều tra của BBC cho thấy nhiều thai phụ nhập cư sẵn sàng chi hơn 10.000 USD tìm công dân Anh nhận làm bố cho con mình để nhập tịch.

Phóng sự điều tra được BBC đăng ngày 16/5 cho thấy nhiều kẻ môi giới sử dụng Facebook để tìm kiếm những người đàn ông Anh sẵn sàng điền tên mình vào giấy khai sinh cho con cái của phụ nữ nhập cư tại nước này, giúp đứa trẻ có quốc tịch Anh và người mẹ có lộ trình nhập tịch rõ ràng.

Hoạt động tìm "cha hờ" này xảy ra ở nhiều cộng đồng nhập cư trên toàn nước Anh và được quảng cáo rộng rãi trên một số hội nhóm Facebook dành cho những người Việt Nam đang tìm việc ở Anh.

Theo quy định của luật pháp Anh, con của những phụ nữ nhập cư bất hợp pháp sẽ được mặc định là người Anh nếu có cha là công dân nước này hoặc là nam giới được phép lưu trú vô thời hạn. Người mẹ sau đó có thể nộp đơn xin visa diện gia đình, cho phép ở lại Anh và nộp đơn xin nhập tịch.

Điều tra viên của BBC đã đóng giả là một phụ nữ mang thai đang lưu trú bất hợp pháp tại Anh và liên lạc với những kẻ môi giới về dịch vụ này.

Một người môi giới tự xưng là Thai đã tiếp xúc, cho hay có thể kết nối với nhiều đàn ông Anh sẵn sàng đóng vai "cha hờ" và tư vấn giá trọn gói là 11.000 bảng (13.700 USD), mô tả quá trình "rất dễ dàng" và hứa hẹn "làm mọi thứ để đứa trẻ có hộ chiếu Anh".

Thai cho biết sẽ bịa ra một câu chuyện thuyết phục để qua mặt giới chức Anh về mối quan hệ giữa "thai phụ" với người cha hờ của đứa bé. Anh ta sau đó giới thiệu một người đàn ông Anh tên là Andrew.

Theo thỏa thuận, Andrew sẽ nhận thù lao 8.000 bảng (khoảng 10.000 USD). Trong cuộc gặp, Andrew xuất trình hộ chiếu để chứng minh mình là công dân Anh. Hai người cũng chụp ảnh chung.

Một người môi giới khác, xưng là Thi Kim, cho biết đã giúp đỡ "hàng nghìn" thai phụ nhập theo cách này. Kim lấy phí môi giới 300 bảng, khẳng định có thể giới thiệu một người đàn ông Anh nhận làm "cha hờ" với giá 10.000 bảng.

"Tất cả những nam giới này đều sinh ra ở Anh và chưa từng đăng ký khai sinh cho con trước đó. Tôi biết cách xử lý mọi thứ, bạn không cần lo lắng, hộ chiếu chắc chắn sẽ được cấp", Kim nói với điều tra viên BBC.

Luật sư di trú Anh Ana Gonzalez cho hay các đường dây lừa đảo để được cấp visa này "cực kỳ phức tạp" với thủ đoạn tinh vi, khiến cảnh sát khó theo dõi và phát hiện.

"Chúng cũng thể hiện nỗi tuyệt vọng của các thai phụ nhập cư và hành trình đằng đẵng của họ chỉ để được ở lại Anh", bà nói. "Quy định cấp quốc tịch là để bảo vệ trẻ em, không nên được xem là kẽ hở để cấp visa cho những phụ nữ nhập cư không giấy tờ".

Nhiều thai phụ cũng đăng bài tìm "cha hờ" cho con trên các hội nhóm Facebook. "Tôi đang bầu 4 tháng, cần một người cha có quốc tịch từ 25 đến 45 tuổi", một tài khoản viết.

"Tôi là một ông bố có 'sổ đỏ' (tiếng lóng chỉ hộ chiếu Anh), hãy nhắn tin cho tôi", một tài khoản khác trả lời.

BBC không thể ước tính quy mô của đường dây lừa đảo. Bộ Nội vụ Anh không cung cấp dữ liệu về các vụ đã điều tra, nhưng cho biết đã cấp gần 4.900 visa diện gia đình, trong đó có những người đăng ký cư trú với tư cách là cha mẹ trẻ em Anh.

Luật sư nhập cư Harjap Bhangal cho biết tình trạng "cha hờ" đã tồn tại trong nhiều năm qua ở hàng loạt nhóm nhập cư tại Anh như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nigeria và Sri Lanka. Ông kêu gọi Bộ Nội vụ Anh điều tra thêm về các đơn xin cấp visa có dấu hiệu sai phạm.

Giới chức Anh không yêu cầu xét nghiệm ADN khi đăng ký khai sinh hoặc cấp hộ chiếu cho trẻ em. Tuy nhiên, để kiểm soát tình trạng này, luật sư Bhangal đề xuất tiến hành xét nghiệm ADN nếu đứa trẻ có bố là người Anh, còn mẹ là người nhập cư không có giấy tờ.

(Nguồn: Vnexpress)

Giá thực phẩm ở Anh tăng 100%

Chi phí thực phẩm tiếp tục tăng ở Anh, với giá một số sản phẩm thịt, sữa chua và rau tăng gấp đôi trong năm qua.

Đây là kết quả về tăng giá thực phẩm theo phát hiện mới nhất từ công cụ theo dõi thông tin chi tiết về người tiêu dùng "Which?".

Cuộc khảo sát hàng tháng do Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) ủy quyền đã tiết lộ rằng lạm phát ở các loại thực phẩm trước đây đã trải qua sự gia tăng mạnh nhất, bao gồm sữa, bơ, các mặt hàng phết và bánh, đã giảm nhẹ, nhưng những nhóm thực phẩm thiết yếu khác vẫn tiếp tục tăng tháng này qua tháng khác.

Phân tích tháng 4 của FSA về hơn 26.000 sản phẩm thực phẩm và đồ uống tại 8 siêu thị lớn cho thấy, trung bình giá thịt, cá, sữa chua và rau tăng lần lượt 15%, 16,5%, 21,8% và 15,3%.

"Nhìn vào mức trung bình trong khoảng thời gian ba tháng dài hơn, chúng tôi đã tìm thấy một số ví dụ về các mặt hàng riêng lẻ tăng giá gấp đôi trong khoảng thời gian một năm", báo cáo cho biết.

Tại chuỗi siêu thị Asda, xúc xích Morliny Frankfurters (350g) tăng từ mức trung bình 1,25 Bảng (1,56 USD) lên 2,42 Bảng (3,03 USD), tăng 93,8% so với một năm trước. Một gói bốn củ hành tây nâu tại Morrisons đã tăng từ 65 pence lên 1,24 Bảng Anh, tăng hơn 90% trong 12 tháng.

Trong khi đó, giá pho mát Cottage tự nhiên Aberdoyle Dairies tại Lidl đã tăng vọt từ 67 pence vào năm 2022 lên 1,34 Bảng trong năm nay, tương ứng với mức tăng 100,9%.

Nghiên cứu cho biết: "Những ví dụ về việc siêu thị tăng giá ồ ạt đối với một số loại thực phẩm phổ biến cho thấy mức độ khó khăn, đặc biệt đối với khách hàng có thu nhập thấp, để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh". "Các loại thực phẩm khác mà lạm phát tiếp tục tăng hàng tháng bao gồm nước trái cây, chocolate, nước, cá, bữa ăn sẵn bản quản lạnh và pho mát".

Cơ quan này đã kêu gọi Thủ tướng Anh Rishi Sunak can thiệp thay mặt cho những người tiêu dùng đang gặp khó khăn, vì dữ liệu mới nhất của FSA cho thấy, lạm phát lương thực vẫn ở "mức cao đáng kinh ngạc".

Sue Davies, người đứng đầu bộ phận chính sách lương thực của "Which?" cho biết: "Thật đáng báo động khi thấy các sản phẩm như thịt, pho mát và rau mà người dân thường sử dụng vẫn tăng giá nhanh chóng. Các siêu thị phải cung cấp giá cả minh bạch để mọi người có thể dễ dàng tìm ra sản phẩm nào mang lại giá trị tốt nhất".

Các số liệu chính thức chỉ ra rằng tỷ lệ lạm phát ở Anh đã giảm nhẹ vào tháng 4 nhưng vẫn ở mức trên 10%, với chi phí ăn uống ở mức cao nhất trong 45 năm.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Anh, Huw Pill, đã tuyên bố vào cuối tháng 4 rằng các hộ gia đình và doanh nghiệp Anh cần chấp nhận rằng họ nghèo hơn và nên ngừng yêu cầu tăng lương cũng như đẩy giá cả lên cao hơn.

(Nguồn: CafeF)

Cú lội ngược dòng từ quốc gia từng là 'cơn đau đầu' của EU

Từng khiến lục địa già đau đầu bởi cuộc khủng hoảng tài chính, Hy Lạp hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tại thủ đô Athens nhộn nhịp, không còn ai lo lắng về Grexit - cụm từ chỉ việc Hy Lạp rời khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Trên những con phố trước đây ngập tràn các cửa hiệu đóng cửa, người dân địa phương phàn nàn về giá thuê tăng và xu hướng lan rộng của các căn hộ Airbnb.

Hy Lạp vẫn còn chặng đường dài để hồi phục sau cuộc suy thoái sâu nhất mà chưa nền kinh tế phát triển nào phải gánh chịu kể từ những năm 1930. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP nước này vẫn thấp hơn 24% so với năm 2008. Hy Lạp là quốc gia nghèo thứ hai trong Liên minh châu Âu, đứng sau Bulgaria về GDP bình quân đầu người điều chỉnh theo sức mua.

Tuy nhiên, nền kinh tế Hy Lạp tăng trưởng gần 6% trong năm ngoái. Ngành công nghiệp nước này chú trọng xuất khẩu nhiều hơn, trong khi giới đầu tư nước ngoài nhìn nhận Hy Lạp như điểm đến thân thiện, còn số người trẻ di cư tìm cơ hội tốt hơn đã giảm, theo Wall Street Journal.

Vẫn còn hời hợt và chậm trễ

Theo Chủ tịch Xi măng Titan Dimitri Papalexopoulos - người đứng đầu liên đoàn doanh nghiệp chính của Hy Lạp, nước này đã chứng kiến những bước tiến đáng kể, nhưng chưa toàn diện.

Ông Papalexopoulos cho biết nhiều năm cải tổ chương trình cứu trợ quốc tế trong giai đoạn 2010-2018 và các biện pháp của chính phủ hiện tại biến Hy Lạp thành nơi dễ dàng đầu tư và kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều bộ phận tại khu vực công vẫn chưa thay đổi, đáng chú ý là hệ thống tư pháp chậm chạp, trong khi thuế lao động vẫn còn rắc rối, dẫn tới trốn thuế.

Một nền kinh tế Hy Lạp lành mạnh về mặt cấu trúc sẽ là bằng chứng lớn nhất cho thấy khu vực đồng euro đã hoàn toàn vượt qua cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng đầu những năm 2010.

Nợ quốc gia của Hy Lạp, vào khoảng 170% GDP, vẫn ở mức cao nhất trong EU. Nước này cũng đang nỗ lực loại bỏ xếp hạng “rác” (junk rating) với trái phiếu chính phủ.

Phần lớn chủ nợ của Hy Lạp đến từ khu vực đồng euro, nơi tạo điều kiện cho Athens trả các khoản vay cứu trợ với lãi suất tối thiểu.

Tăng trưởng và lạm phát đang ăn mòn tỷ lệ nợ trên GDP. Chính phủ Hy Lạp đang ca ngợi điều này cùng nhiều dữ liệu kinh tế tích cực khác khi vận động cuộc bầu cử ngày 21/5 tới. Chính phủ cho rằng một phần kinh tế cải thiện nhờ những đại tu ban hành cách đây 4 năm.

“Năm 2019, các cử tri cho rằng thuế quá cao, tình trạng quan liêu tràn lan và không đủ việc làm. 4 năm sau, chúng ta chứng kiến bức tranh hoàn toàn khác”, Alex Patelis - cố vấn kinh tế trưởng của thủ tướng - nhận định.

Các đối thủ chính trị ca ngợi tiến bộ của chính phủ trong việc số hóa các hoạt động hàng ngày trong khu vực công, từ nộp thuế đến xin giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, có ý kiến chỉ trích một số phương án được thực hiện rề rà và hời hợt.

Theo Miranda Xafa - nhà kinh tế học và cựu cố vấn chính phủ, việc số hóa dịch vụ khiến dư thừa nhiều công chức, nhưng chính phủ không cam kết cắt giảm việc làm.

Nhiều doanh nhân cho biết những rắc rối bất tận tại tòa án vẫn là một trải nghiệm điển hình tại Hy Lạp.

Một dự án trang trại gió lớn ở miền Bắc Hy Lạp - được tài trợ một phần bởi quỹ đầu tư của Mỹ - đã nhận được giấy phép môi trường vào năm 2014. Nông dân và thợ săn địa phương đã đệ đơn kiện dự án này. Vụ việc được đệ trình lên tòa án hành chính cao nhất Hy Lạp, nhưng bị bác bỏ vào năm 2019.

Hai năm sau, chủ đầu tư thu hẹp quy mô dự án và nhận được giấy phép môi trường mới. Giấy phép này lại dấy lên tranh cãi, lần này từ chính quyền địa phương. Một nguồn tin cho hay ngày ra tòa được ấn định vào tháng 11 tới, nhưng có khả năng hoãn lại.

Liên đoàn người sử dụng lao động cũng không hài lòng với cách chính phủ áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào các quy tắc lao động nhưng không sửa đổi những quy tắc đó cho hiệu quả, điển hình như quy trình thông báo làm thêm giờ.

“Hãy sửa đổi các quy trình trước khi số hóa chúng. Đây là ví dụ cho kiểu cải cách sâu rộng chưa được thực hiện toàn diện”, ông Papalexopoulos nói.

Chính phủ tuyên bố muốn thực hiện đại tu tư pháp trong nhiệm kỳ thứ hai. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết sẽ cải cách doanh nghiệp nhà nước sau vụ va chạm tàu hỏa hồi tháng 2 khiến 57 người thiệt mạng. Vụ tai nạn đã phơi bày những lỗ hổng trong khu vực công của Hy Lạp.

Những điểm sáng

Hy Lạp đang được hưởng lợi từ các quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19 của EU. Tăng trưởng hiện tại có thể khó duy trì khi các quỹ này dừng lại.

Dẫu vậy, Hy Lạp cũng chứng kiến một số tin tức lạc quan nhất về kinh tế đến từ lĩnh vực thương mại. Lĩnh vực này vốn tăng mạnh trong tỷ trọng GDP của Hy Lạp, phản ánh nền kinh tế cởi mở hơn trong cạnh tranh quốc tế.

Du lịch đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, trong khi các lĩnh vực khác như vận chuyển và lọc dầu phát triển mạnh. Các ông lớn vận tải biển của Hy Lạp kiếm được một phần lợi nhuận từ việc vận chuyển dầu Nga.

Xuất khẩu - sản xuất cũng trên đà tăng. Tuy nhiên, sự phục hồi đang thúc đẩy nhập khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại. Nếu xu hướng này duy trì thì có thể làm “sống lại” sự phụ thuộc vào vay nợ nước ngoài của Hy Lạp.

Chính phủ cho rằng thâm hụt thương mại là do giá năng lượng tăng vọt vào năm ngoái, nhưng một số nhà kinh tế học nói còn có nhiều nguyên nhân khác.

Hy Lạp “phụ thuộc rất lớn vào hàng hóa nhập khẩu. Cơ sở sản xuất ở Hy Lạp không đủ rộng để đáp ứng nhu cầu thông qua các nguồn nội địa”, bà Xafa nói.

Lĩnh vực công nghệ nhỏ nhưng đang phát triển là điểm sáng khác. Marco Veremis, nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ, cho biết vốn đầu tư mạo hiểm và tài trợ của EU đang thúc đẩy khởi nghiệp - viễn cảnh hầu như không tồn tại cách đây một thập niên - và hiện có giá trị vốn hóa thị trường gần 10 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài vào Hy Lạp đang tăng mạnh, mặc dù ở mức thấp, đạt mức tương đương khoảng 7,6 tỷ USD vào năm ngoái.

Google, Amazonvà Microsoft đã mở các trung tâm dữ liệu hoặc điện toán đám mây ở Hy Lạp. Công ty dược phẩm Pfizer khai trương trung tâm nghiên cứu ở thành phố Thessaloniki, nhờ vị trí địa lý nằm giữa đông và tây của Hy Lạp, với lượng lớn người có trình độ học vấn, chi phí lương tương đối thấp và các ưu đãi tài chính.

Nico Gariboldi - người đứng đầu trung tâm - cho biết công ty thuê khoảng 200 nhân viên và sẽ sớm tăng lên 500.

Theo ông Patelis, các công ty đa quốc gia đầu tư vào Hy Lạp không phải vì nước này có giá cả rẻ, mà là vì sự ổn định. “Đó là lý do việc Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro quan trọng tới vậy”, ông nói.

(Nguồn: Zing News)

Hungary chặn gói vũ khí 500 triệu euro cho Ukraine

Chính phủ Hungary bất ngờ ra lệnh chặn thanh toán gói thứ 8 trị giá 500 triệu euro (544 triệu USD) từ Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) để các quốc gia thành viên EU mua vũ khí cung cấp cho Ukraine.

Động thái này giáng đòn mạnh mẽ vào Ukraine giữa lúc nước này đang nỗ lực kêu gọi phương Tây chuyển thêm vũ khí cho cuộc phản công như dự kiến.

Gói viện trợ lẽ ra sẽ được phân bổ ngày 22/5, nhưng Budapest đã chặn quyết định này trừ khi họ nhận được "sự đảm bảo" rằng tiền quỹ của EPF sẽ không được sử dụng riêng cho viện trợ cho Ukraine trong tương lai mà cần mang tính toàn cầu.

EPF là một quỹ trị giá 5,6 tỷ euro (6,08 tỷ USD) mà EU sử dụng để tài trợ cho quân đội nước ngoài và bồi hoàn cho các thành viên chấp nhận gửi vũ khí cho các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, EPF chỉ được sử dụng để cung cấp thiết bị phi sát thương cho Georgia, Mali, Moldova, Mozambique và Ukraine, với tổng số tiền chưa đến 125 triệu USD.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, quỹ này đã chuyển phần lớn tiền cho Ukraine. Thông qua quỹ này, EU hỗ trợ Lực lượng Vũ trang Ukraine trong 7 gói hỗ trợ liên tiếp, cũng như nhiều quốc gia khác như Mozambique, Georgia, Moldova, Mali, Somalia, Niger, Jordan, Bosnia và Herzegovina, Li Băng và Mauritania.

Vào đầu tháng 2, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói hỗ trợ quân sự thứ 7 mới nhất cho Ukraine từ quỹ này, cũng như phân bổ ngân sách cho một nhiệm vụ huấn luyện của EU dành cho quân đội Ukraine. Ngoài ra, vào đầu tháng 5, Hội đồng EU đã quyết định phân bổ 1 tỷ euro từ quỹ này trong sáng kiến cung cấp đạn pháo cho Ukraine.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Hungary, một thành viên NATO, có quyết định bất lợi cho Ukraine.

Cuối năm 2022, Hungary đã tác động làm đình chỉ một đợt viện trợ kinh tế trị giá 18 tỷ euro (19,5 tỷ USD) cho Ukraine mà khối này vay từ thị trường toàn cầu. Hồi tháng 1, Hungary cũng đã chặn EPF cung cấp đợt vũ khí thứ 7 cho Ukraine, nhưng gói này đã được phê duyệt vài tuần sau đó.

Chính phủ Thủ tướng Viktor Orban cũng liên tục từ chối gửi vũ khí cho Ukraine cũng không cho phép NATO gửi vũ khí đến Ukraine qua lãnh thổ Hungary. Thủ tướng Hungary thậm chí cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO châm ngòi cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, gây tổn hại đến lợi ích của châu Âu.

Chính phủ của ông Orban tuyên bố ủng hộ kế hoạch giải quyết cuộc xung đột bằng con đường ngoại giao.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang