EU: Đánh thuế khí phát thải gia súc; Ba Lan 'vươn lên số 1 NATO'; Pháp đãi ông Tập quốc yến, bộn bề lo toan; Nỗi lo từ nước Pháp

ĐAN MẠCH ĐÁNH THUẾ KHÍ PHÁT THẢI GIA SÚC

Đan Mạch, một trong những nước xuất khẩu thịt lợn và sữa lớn nhất thế giới, vừa trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng thuế phát thải carbon đối với ngành nông nghiệp.

Đan Mạch sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp thuế lên sự phát thải khí metan từ gia súc, một biện pháp độc đáo nhằm giúp quốc gia Bắc Âu này, vốn nổi tiếng là một trong những nước tiên tiến nhất về khí hậu, đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045.

Bắt đầu từ năm 2030, các khí thải metan - loại khí gây hiệu ứng nhà kính phổ biến thứ hai trong khí quyển-từ sự phát thải của bò và lợn ở Đan Mạch sẽ bị đánh thuế với mức 300 kroner (43,85 USD) mỗi tấn CO2 tương đương.

Mức thuế này sẽ tăng lên 750 kroner vào năm 2035, theo thỏa thuận được ký kết vào cuối tháng Sáu giữa chính phủ và các đại diện của nông dân, ngành công nghiệp và công đoàn. Văn bản này cần được Quốc hội phê chuẩn và sẽ được xem xét sau kỳ nghỉ hè.

Theo ông Christian Fromberg, chuyên gia về nông nghiệp của tổ chức Greenpeace, văn bản này mang lại hy vọng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang lùi bước trong hành động vì khí hậu.

Mặc dù thuế carbon nên cao hơn và được thực hiện sớm hơn, đây vẫn là một bước quan trọng.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự tiếc nuối rằng đây là "một cơ hội lớn bị bỏ lỡ" để "nông nghiệp Đan Mạch chuyển hướng mới" khi mà các phương pháp canh tác hiện tại vẫn là thâm canh và xả nhiều nitrogen, gây ra hiện tượng thiếu oxy trong nước, khiến hệ sinh thái biển bị suy giảm. Ông Fromberg cho rằng rất khó để nói rằng “đây là một thỏa thuận lịch sử.”

Nó tiếp nối sự gia tăng thâm canh nông nghiệp Đan Mạch trong 70 năm qua. Và thỏa thuận này khuyến khích nông nghiệp Đan Mạch tiếp tục là quốc gia chăn nuôi thâm canh nhất thế giới.

Tuy nhiên, Hiệp hội Nông nghiệp bền vững Đan Mạch cho rằng thỏa thuận này có thể đe dọa an ninh lương thực. Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho nông dân Đan Mạch, kế hoạch này đề xuất một khoản khấu trừ thuế 60%.

Chi phí thực tế cho các nông dân dự kiến sẽ là 120 kroner mỗi tấn từ năm 2030, và 300 kroner vào năm 2035. Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ Kinh tế, thỏa thuận này có thể dẫn đến việc mất đi tới 2.000 việc làm trong ngành này vào năm 2035.

Số tiền thu được từ thuế sẽ được tái đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh của ngành nông nghiệp. Hơn 60% diện tích đất của Đan Mạch được dành cho nông nghiệp.

Hơn nữa, việc để hoang 140.000 hecta đất sẽ giúp tăng khả năng lưu trữ carbon trong đất, giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển.

Theo Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch, trên quy mô toàn cầu, Đan Mạch là một trong những nước xuất khẩu thịt lợn hàng đầu, mặt hàng chiếm gần một nửa lượng xuất khẩu nông nghiệp của quốc gia này.

BA LAN VƯƠN LÊN SỐ 1 NATO VỀ CHI TIÊU CHO QUỐC PHÒNG

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tối 12/7 cho biết, Ba Lan sẽ chi 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng vào năm 2025.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Sikorski nêu rõ: "Ba Lan chi 4% GDP cho quốc phòng vào năm 2024 và 5% GDP vào năm 2025. Chúng ta là số 1 trong NATO, tổ chức bao gồm cả Mỹ, rõ ràng theo tỷ lệ tương ứng, bởi chúng ta không còn sống trong hòa bình lâu dài thời hậu Chiến tranh Lạnh nữa".

Tuy nhiên, bất chấp sự chi tiêu hào phóng của Ba Lan, Ngoại trưởng nước này vẫn cảnh báo không nên sử dụng ngân sách quân sự làm phong vũ biểu. Lấy Iceland làm ví dụ, ông lưu ý, dù nước này không có quân đội nhưng vẫn đóng vai trò rất quan trọng do vị trí chiến lược.

Ông Sikorski đồng thời tiết lộ rằng, chính phủ Ba Lan đang đối thoại với cả nhóm của Donald Trump và của Tổng thống Biden.

Phát biểu trên đài truyền hình tư nhân TVN24 hôm 11/7, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Cezary Tomczyk thông báo nước này sẽ tăng ngân sách quốc phòng khoảng 10% vào năm 2025 lên mức cao kỷ lục.

Trước đó, ngày 10/7, tham mưu trưởng quân đội Ba Lan - Tướng Wieslaw Kukula - tuyên bố tại một buổi họp báo rằng, nước này cần chuẩn bị cho binh lính của mình trong một cuộc xung đột tổng lực. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Ba Lan tăng cường số lượng binh sĩ ở biên giới với Nga và Belarus.

Phát biểu họp báo, Tướng Kukula lập luận: “Hôm nay, chúng ta cần chuẩn bị lực lượng cho một cuộc xung đột toàn diện, chứ không phải là một cuộc xung đột kiểu phi đối xứng... Diễn biến này buộc chúng tôi phải tìm ra sự cân bằng giữa nhiệm vụ ở khu vực biên giới và duy trì cường độ huấn luyện trong quân đội”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Pawel Bejda xác nhận kể từ tháng 8, số lượng binh sĩ bảo vệ biên giới phía Đông nước sẽ tăng lên 8.000, từ mức 6.000 của hiện tại. Bên cạnh đó, lực lượng dự bị bổ sung gồm 9.000 người có thể được tăng cường trong vòng 48 giờ.

Mối quan hệ của Ba Lan với Nga và Belarus đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022.

Hồi tháng 5, Ba Lan đã công bố thông tin chi tiết về “Lá chắn phía Đông” - chương trình trị giá 10 tỷ Zloty (2,5 tỷ USD) nhằm tăng cường phòng thủ dọc biên giới với Belarus và Nga, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

PHÁP CHIÊU ĐÃI QUỐC YẾN VỚI ÔNG TẬP

Mauro Colagreco là một trong ba đầu bếp lên thực đơn cho quốc yến do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức tại Điện Elysee để chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo CNN, trong 11 năm lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vô tình khởi xướng nhiều xu hướng ẩm thực và du lịch, từ việc thúc đẩy việc bán bánh bao ở Bắc Kinh đến bán rượu trong một quán bar ở Anh.

Nhưng khi nói đến những bữa tiệc chính thức cấp nhà nước mà ông tham dự, hiếm khi công chúng có cơ hội tự mình trải nghiệm những món ăn đó.

Trở lại đầu tháng 5/2024, ông Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến công du vòng quanh châu Âu, chuyến đi đầu tiên của ông kể từ năm 2019. Khi đến Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức quốc yến tại Điện Elysee để chiêu đãi nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Trung Quốc.

Nhưng những thực khách tò mò hy vọng có cơ hội nếm thử những món mà hai nhà lãnh đạo Pháp - Trung đã được phục vụ sẽ không tìm thấy các món ăn đó ở Paris. Để làm được điều đó, họ phải đến nhà hàng Plaisance ở Hồng Kông (Trung Quốc), nơi đã tung ra thực đơn "Trải nghiệm quốc yến Trung Quốc - Pháp" được phục vụ cho đến cuối tháng 6 vừa qua.

Nhà hàng này thuộc về Mauro Colagreco - đầu bếp kiêm chủ sở hữu quán ăn nổi tiếng Mirazur ở Menton (Pháp) và là một trong ba đầu bếp được mời tới để lên thực đơn quốc yến.

Cơ hội nấu ăn cho một vị khách bí ẩn

Đầu bếp Colegreco cho biết, cơ hội nấu ăn cho các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới bắt đầu từ cuộc điện thoại từ Điện Elysee.

"[Họ] đề nghị tôi tham gia lên thực đơn cho bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước này mà không cho biết lãnh đạo khách mời là ai, vì lý do bí mật nhà nước", Colegreco nói với CNN trong một email và nói thêm rằng ông đã nhanh chóng đồng ý với nhiệm vụ này.

"Điều này càng làm tăng thêm sự phấn khích vì bạn không bao giờ biết được khẩu vị của thực khách sẽ như thế nào. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã tạo ra một thực đơn rất đúng với phong cách ẩm thực mà tôi yêu thích, với những món ăn đặc biệt và hương vị tinh tế", Colegreco nói.

Colegreco được giao nhiệm vụ chế biến món khai vị của bữa tiệc.

Là một người Ý gốc Argentina, có kinh nghiệm ở Pháp, đầu bếp Colegreco nổi tiếng với việc kết hợp những ảnh hưởng từ tất cả các nền văn hóa đó, tập trung mạnh vào tính mùa vụ và tính bền vững.

Năm 2019, ông trở thành đầu bếp không phải người Pháp đầu tiên đạt được ba sao Michelin tại Pháp với nhà hàng Mirazur. Mirazur cũng được xếp vị trí số 1 ở giải thưởng "50 nhà hàng tốt nhất thế giới" cùng năm đó.

Colagreco cho biết, nhóm của họ chỉ có một tháng để lên thực đơn và chuẩn bị món ăn trong quốc yến, nhưng các đầu bếp được "toàn quyền lựa chọn" để tạo ra bất cứ món gì họ thích miễn là nó "tiêu biểu và tôn vinh các sản phẩm của Pháp".

"Phải thừa nhận, tôi khá tự tin khi biết thực khách là ai; Tôi có tình yêu sâu sắc với châu Á và trải nghiệm đầu tiên của tôi ở đó là ở Thượng Hải vào năm 2011", Colagreco nói.

Ngoài nhà hàng Plaisance ở Hồng Kông, chuỗi nhà hàng của Colagreco hiện có 5 cơ sở ở Trung Quốc đại lục.

Colagreco cho biết, việc lên thực đơn cho hai nhà lãnh đạo là một trải nghiệm đầy thử thách và thú vị.

Sau khi đưa ra công thức nấu ăn, Colagreco đã gửi các yêu cầu và danh sách nguyên liệu khác nhau của nhóm mình tới nhóm đầu bếp của Điện Elysee, do đầu bếp Fabrice Desvignes phụ trách.

Sau đó, vào buổi sáng của ngày tổ chức quốc yến, nhóm của Colagreco đến Điện Elysee để bắt đầu chuẩn bị cho bữa tiệc sẽ diễn ra vào buổi tối cùng với các đầu bếp khác. Trong khoảng thời gian ngắn này, Colagreco cho biết họ phải linh hoạt và di chuyển trong căn bếp xa lạ một cách nhanh chóng và suôn sẻ.

"Sau đó, chúng tôi được bà Brigitte Macron đến thăm trong bếp, điều này thực sự khiến chúng tôi cảm thấy yên tâm và được động viên", Colagreco nói về cuộc gặp với Đệ nhất Phu nhân Pháp.

"Việc nấu ăn cho bà ấy là một trách nhiệm khá lớn. Bây giờ chúng tôi mới nhận ra mình thật may mắn khi được là một phần của khoảnh khắc tuyệt vời này", Colagreco nói.

Món khai vị hấp dẫn Đệ nhất Phu nhân Trung Quốc

Theo CNN, tổng cộng có 250 vị khách được mời đến dự quốc yến.

Thực đơn cuối cùng lại tương đối đơn giản: một bữa ăn gồm ba món để phù hợp với lịch trình chặt chẽ của các nhà lãnh đạo.

Món khai vị của Colagreco là cua Tourteau (cua nuôi của Pháp) và bánh trứng cá muối Oscietra được bao phủ bởi lớp thạch phủ hoa màu hồng và tím tuyệt đẹp.

Colagreco cho biết: "Cả nhóm đã dành thời gian để nghĩ ra một món ăn đáng ngạc nhiên."

"Chúng tôi phải cung cấp những hương vị hấp dẫn vị giác của mọi người nhưng cũng phải thể hiện bản sắc ẩm thực của chúng tôi. Mục đích là để thể hiện kiến thức chuyên môn của chúng tôi về ăn uống lành mạnh và tôn vinh sản phẩm [của Pháp]."

"Nhưng đó cũng là một màn trình diễn đầy tính nghệ thuật và đầy màu sắc, với bức màn hoa vũ trụ mà chúng tôi mang đến từ khu vườn Mirazur độc đáo của mình. Thẩm mỹ rất quan trọng vì đây là tiếp xúc đầu tiên với một món ăn và điều này đặc biệt tinh tế", Colagreco nói.

Và thật may mắn cho người đầu bếp, sự chú ý đến từng chi tiết đó đã không bị bỏ quả.

"Phu nhân của Chủ tịch Trung Quốc có vẻ thấy nó rất hấp dẫn nên nhiệm vụ đã hoàn thành", Colagreco nói.

Colagreco đã có thể trò chuyện với các vị khách vào cuối bữa tiệc. Colagreco cho biết, Đệ nhất Phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viên đã cảm ơn ông ấy và khen ngợi tính thẩm mỹ, sự tinh tế và hương vị của món khai vị.

Theo CNN, Pierre Gagnaire - đầu bếp của nhà hàng ba sao Michelin cùng tên ở Paris - phụ trách món chính của quốc yến.

Gagnaire chọn phục vụ món gà Bresse nấu chậm và rượu morels với sự pha trộn giữa rượu Cognac, Port và Madeira, và nước luộc gà. Món ăn này được phủ một lớp nước sốt làm từ Vin Jaune - một loại rượu vang trắng đặc biệt được sản xuất tại vùng sản xuất rượu vang Jura của Pháp.

Món tráng miệng, dâu tây và cỏ roi ngựa pavlova - được sáng tạo bởi người sáng lập tiệm bánh Délicatisserie ở Paris và đầu bếp bánh ngọt nổi tiếng Nina Métayer - đã kết thúc bữa tiệc.

Fromagerie Quatrehomme - một nhà buôn phô mai và nhà chế biến phô mai ở Paris từ năm 1953 - đã tuyển chọn các loại phô mai cho sự kiện này.

Tất cả các đồ dùng trong quốc yến đều được cung cấp bởi La Manufacturing de Sèvres - được thành lập vào năm 1759 và là một trong những nhà máy sản xuất sứ hoàng gia/quốc gia chính của Pháp.

NHỮNG LO TOAN BỘN BỀ TRONG NGÀY PHÁP ĂN MỪNG QUỐC KHÁNH

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 14/7, cả nước Pháp ăn mừng ngày Quốc khánh. Nhưng khác với mọi lần, ngày 14/7 năm nay diễn ra trong bối cảnh người dân Pháp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và bộn bề công việc. Tuy vậy, ngày quốc lễ vẫn diễn ra trong ánh sáng lung linh của ngọn đuốc Olympic và những màn pháo hoa rực rỡ.

Quốc khánh Pháp diễn ra trong bối cảnh chính trường nước này đang trải qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có. Sau quyết định giải thể Quốc hội của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cuộc bầu cử lập pháp sớm đã được tiến hành tại nước này với những diễn biến bất ngờ, dẫn đến việc không có đảng phái nào chiếm được đa số ghế tại Quốc hội mới để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ.

Cho đến nay, đã hai tuần kể từ khi kết thúc bầu cử, các bên vẫn đang bận đàm phán để tìm ra gương mặt có thể đảm nhiệm vai trò Thủ tướng, đủ khả năng kết nối các phe phái chính trị trong chính phủ đồng thuận để điều hành đất nước. Chưa biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ lựa chọn ai làm Thủ tướng, nhưng chắc chắn sắp tới ông sẽ rất vất vả khi phải làm việc với một Quốc hội rất khó kiểm soát và một chính phủ không dễ điều hành.

Không chỉ đau đầu với nỗi lo chính trường, nước Pháp còn bận rộn với công tác chuẩn bị cho Olympic mùa hè 2024, sẽ diễn ra chưa đầy hai tuần sau lễ diễu binh chào mừng Quốc khánh 14/7. Quảng trường Concorde và đại lộ Champs-Elysées, nơi theo truyền thống sẽ là khán đài và chứng kiến màn diễu binh của các lực lượng vũ trang Pháp vào dịp Quốc khánh, giờ được sử dụng làm điểm thì đấu cho một số môn thể thao. Do đó buổi lễ diễu binh hằng năm vào ngày 14/7 đã phải chuyển sang đại lộ Foch, nối liền Khải hoàn môn với cửa ngõ Dauphine.

Cũng vì sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này, các khu vực xung quanh tháp Eiffel, đã được sử dụng làm địa điểm thi đấu, khiến hàng trăm nghìn người dân thủ đô và khách du lịch không còn chỗ để ngắm nhìn pháo hoa đêm Quốc khánh, đành chấp nhận đứng từ xa chiêm ngưỡng những bông pháo rực rõ đủ sắc màu được bắn lên từ tháp Eiffel.

Olympic Paris 2024 cũng khiến nhiều nơi ở Paris và các thành phố, thị trấn đã không thể tổ chức các lễ hội văn hóa, nghệ thuật thường niên vào dịp này, do hầu hết lực lượng an ninh đã được huy động cho sự kiện thể thao sắp tới.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin cũng đã huy động khoảng 130.000 cảnh sát và hiến binh làm việc vào Thứ Bảy và Chủ nhật này trên khắp nước Pháp để đảm bảo lễ hội trong ngày Quốc khánh diễn ra suôn sẻ. Riêng tại Paris, con số này lên đến 11.000 cảnh sát.

Điểm nhấn của ngày lễ Quốc khánh năm nay là sự xuất hiện của ngọn lửa Olympic ở thủ đô Paris. Hành trình xuyên qua thành phố của Ngọn đuốc được bắt đầu từ cuộc diễu hành quân sự. Tay đua Thibaut Vallette, người từng đoạt huy chương vàng ở Olympic Rio de Janeiro (Brazil) năm 2016, và huấn luyện viên của đội tuyển bóng đá Olympic của Pháp, Thierry Henry, là những người được vinh dự mang ngọc đuốc thiêng này. Băng qua những công trình vĩ đại ở tả ngạn sông Sein như tòa nhà Quốc hội, Nhà thờ Đức Bà, Thượng viện và Đại học Sorbonne, ngọn đuốc được đưa đến Gare du Nord trước khi trở về trung tâm Paris, thắp sáng Tòa thị chính thành phố vào lúc 11h đêm, cùng thời điểm với màn bắn pháo hoa truyền thống ngày 14/7 tại tháp Eiffel.

Bất chấp những lo toan, bộn bề cả trên chính trường lẫn trong đời thường, người dân Pháp vẫn xuống đường ăn mừng ngày lập quốc trong không khí vui tươi, với mong muốn nước Pháp sẽ có thể vượt qua mọi thử thách để tiếp tục phát triển.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, chị Emilie Jardin, một người dân thủ đô Paris, bày tỏ hy vọng chính phủ mới sắp được thành lập có thể vượt qua được những rạn nứt xã hội, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, vì một tương lai tốt đẹp hơn. Đặc biệt với các vấn đề về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, chị mong chính phủ sẽ để tâm đến nhiều hơn vì nó quan trọng đối với tương lai nước Pháp và cũng là điều mà giới trẻ rất quan tâm".

Còn anh Virgil Lutz, lại quan tâm hình ảnh nước Pháp trên trường quốc tế. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Pháp sẽ phải tiếp tục có mối quan hệ tốt với các đồng minh về kinh tế, quân sự ,năng lượng đặc biệt là trong khu vực EU. Với mong muốn đất nước có thể đứng vững trong bối cảnh thế giới rất phức tạp hiện nay, anh cho rằng Pháp chỉ là một mắt xích trong cả dây chuyền, do đó nước này sẽ phải đạt được sự gắn kết xã hội ở mức cao nhất và tiếp tục liên kết với của các đồng minh để vượt qua những thách thức hiện nay.

Không ít những khó khăn đang chờ đón nước Pháp, nhưng với niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn, người dân và chính quyền Pháp đã tạm gạt mối lo sang một bên để có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui của ngày Quốc khánh.

NỖI LO CỦA CHÂU ÂU

Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đã kết thúc được một tuần, nhưng hậu bầu cử vẫn là chủ đề nóng khi mà Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), có một vị thế quan trọng trong khối này.

Theo bà Marie Krpata, nhà nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng là một lực đẩy trong EU liên quan một số chủ đề, như năm 2017, đưa ra một số đề xuất giúp EU tiến lên; có thành công nhất định về chính sách công nghiệp của EU; thiết lập các cơ chế bảo hộ thương mại, tích cực phối hợp trong chính sách quốc phòng ở cấp độ châu lục. Ngoài ra, còn có khái niệm "quyền tự quyết" của châu Âu, một khái niệm do Tổng thống Pháp đề xướng và được chấp nhận trong nội bộ EU…

Thế nhưng Quốc hội Pháp hiện bị phân rẽ làm 3 khối chính trị lớn mà không có bên nào chiếm được đa số tuyệt đối. Tình hình kéo dài sẽ buộc phải tìm kiếm các liên minh để thông qua các văn bản luật. Theo bà Krpata, điều đó sẽ khiến Pháp phải dồn mọi chú ý cho các vấn đề trong nước, tiếng nói trong EU sẽ bị suy yếu khi không thể đóng góp nhiều cho khối. Trong khi đó, tình hình ở Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, cũng không mấy sáng sủa.

Báo The Economist từng bày tỏ lo ngại về tình hình kinh tế không được như mong muốn: tăng trưởng trì trệ, lạm phát cao, giá năng lượng bị tăng lên khiến tính cạnh tranh của các cơ sở công nghiệp Đức gặp khó khăn.

Thêm nữa, năm 2025, Đức cũng sẽ có bầu cử lập pháp, trước mắt sẽ có các cuộc bầu cử vùng ở các bang phía Đông như Brandenburg, Saxony vào tháng 9-2024. Liệu các đảng trong liên minh cầm quyền có chiến thắng, trong bối cảnh theo truyền thống, cử tri các bang phía Đông nước Đức đều ủng hộ các đảng cực đoan, các đảng cực hữu và cực tả.

Vì vậy, theo bà Krpata, cả Pháp và Đức nhiều khả năng đều bị suy yếu. Điều này tác động nghiêm trọng đến EU vào thời điểm khối này đang đứng trước những ngả rẽ quan trọng, phải quyết định cách thức hành động trong một thế giới mà các mối quan hệ quốc tế ngày càng gay gắt hơn; EU đang bị kẹp giữa Trung Quốc và Mỹ, nhất là khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng vào cuối năm nay.

Nguồn: Môi trường & Đô thị; Báo Quốc Tế; Soha; Báo Tin Tức; Sài Gòn Giải Phóng

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang