EU: Credit Suisse sắp bị kỷ luật; Trừng phạt Belarus; Cảnh báo đáp trả Nga; Khung thỏa thuận Windsor; Pháp chìm trong bất ổn

FINMA: Ngân hàng Credit Suisse có thể bị kỷ luật

(Ảnh minh họa).

Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ FINMA cho biết đang xem xét liệu có áp dụng biện pháp kỷ luật đối với các nhà quản lý của Credit Suisse sau khi ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ được giải cứu vào tuần trước bởi UBS.

Chủ tịch FINMA Marlene Amstad nói với tờ báo Thụy Sĩ NZZ am Sonntag rằng cơ quan này "vẫn để ngỏ" liệu các thủ tục mới có được bắt đầu hay không, nhưng trọng tâm chính của cơ quan quản lý này là "giai đoạn hội nhập chuyển tiếp" và "duy trì sự ổn định tài chính".

UBS đã đồng ý mua Credit Suisse với giá 3 tỷ Franc Thụy Sĩ (3,26 tỷ USD) dưới dạng cổ phiếu một tuần trước và chịu khoản lỗ lên tới 5 tỷ Franc trong vụ sáp nhập do chính quyền Thụy Sĩ thu xếp trong thời kỳ thị trường ngân hàng toàn cầu hỗn loạn.

Credit Suisse hôm Chủ nhật đã từ chối trả lời về các bình luận của Chủ tịch FINMA khi được Reuters yêu cầu trả lời.

Khi được hỏi liệu FINMA có đang xem xét việc quy trách nhiệm cho các nhà quản lý hiện tại của Credit Suisse về sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ hay không, bà Amstad cho biết đang "xem xét các lựa chọn".

"Credit Suisse có một vấn đề về văn hóa dẫn đến việc thiếu trách nhiệm”, bà Amstad được NZZ trích dẫn và nói thêm: "Nhiều sai lầm đã được thực hiện trong vài năm".

Bà Amstad nói rằng FINMA đã tiến hành sáu "thủ tục cưỡng chế" công khai đối với Credit Suisse trong những năm gần đây.
“Chúng tôi đã can thiệp và sử dụng những công cụ mạnh nhất của mình”, bà nói về những động thái trước đó của FINMA.

(Nguồn: VOA)

EU dọa tăng trừng phạt Belarus

EU kêu gọi Belarus không cho phép Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ, cảnh báo áp thêm trừng phạt với Minsk.

"Belarus cho phép Nga bố trí vũ khí hạt nhân sẽ đồng nghĩa một sự leo thang vô trách nhiệm và đe dọa an ninh châu Âu. Belarus vẫn có thể dừng điều này, đó là lựa chọn của họ. Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng áp thêm lệnh trừng phạt để đáp trả", cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cho biết ngày 26/3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 tuyên bố Moskva sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông chủ Điện Kremlin cho biết động thái này "không có gì bất thường" và Mỹ đã làm điều tương tự trong nhiều thập kỷ tại các quốc gia như Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Litva ngày 26/3 tuyên bố sẽ kêu gọi đưa thêm các biện pháp trừng phạt Nga và Belarus vào gói biện pháp đang được thảo luận tại Brussels. "Cùng với các đối tác châu Âu - Đại Tây Dương, Litva sẽ xác định cách phản ứng với những kế hoạch quân sự của Nga và Belarus", Bộ Ngoại giao Litva cho biết.

Litva cho rằng việc Belarus hỗ trợ chiến dịch của Nga ở Ukraine và ngày càng tham gia vào các kế hoạch quân sự của Moskva là nguy cơ với khu vực Baltic.

Trợ lý của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cáo buộc lãnh đạo Nga "vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân". Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho rằng Nga "đang bắt Belarus làm con tin hạt nhân".

Mỹ chưa thấy dấu hiệu nào của việc Nga di chuyển vũ khí hạt nhân, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói ngày 26/3. Trong khi đó, NATO chỉ trích Nga đưa ra các tuyên bố hạt nhân "nguy hiểm, vô trách nhiệm" và liên minh quân sự này đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Một quan chức ngoại giao Đức gọi động thái của Nga là "nỗ lực đe dọa hạt nhân" và Berlin "sẽ không đi chệch hướng" vì điều này. Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi Nga thu hồi "kế hoạch gây bất ổn" và thể hiện trách nhiệm của một cường quốc hạt nhân.

Belarus có đường biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Nga và Belarus có mối quan hệ quân sự thân thiết và Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine. Phương Tây đã áp nhiều vòng trừng phạt với Nga và Belarus để đáp trả, trong đó có loại một số ngân hàng khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế thương mại và trừng phạt loạt quan chức.

(Nguồn: Vnexpress)

EU cảnh báo đáp trả nếu Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus

(Ảnh minh họa).

Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell tuyên bố EU sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Phía Nga cho rằng, Mỹ đã đặt những vũ khí như vậy ở một số quốc gia nên Belarus yêu cầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga không phải điều bất thường...

“Việc Belarus triển khai vũ khí hạt nhân của Nga là một sự leo thang vô trách nhiệm và là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu”, hãng tin TASS dẫn lời ông Borrell viết trên tài khoản Twitter cá nhân ngày 26/3 nhấn mạnh.

Theo người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Belarus vẫn có thể ngăn chặn việc triển khai vũ khí như vậy, tùy thuộc vào lựa chọn của họ. “EU sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo", ông Borrell nói thêm.

Phát biểu của đại diện EU được đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 thông báo việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 1/7 tới.

Tổng thống Nga cũng cho biết, Moscow đã chuyển giao cho Minsk một hệ thống tên lửa Iskander có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo nhà lãnh đạo Nga, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã yêu cầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus.

Ông Putin nhấn mạnh, Mỹ đã đặt những vũ khí như vậy ở một số quốc gia nên yêu cầu của Belarus không phải là điều gì bất thường.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Pháp đã kêu gọi Nga sửa đổi thỏa thuận với Belarus về việc triển khai vũ khí hạt nhân vì việc này tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn.

(Nguồn: Soha)

Kỷ nguyên mới trong quan hệ Anh - EU với Khuôn khổ Windsor

Sau 3 năm rời khởi Liên minh châu Âu (EU), Anh và EU đã chính thức ký thực thi Khung thỏa thuận Windsor nhằm giải quyết tình trạng bế tắc thương mại giữa London và Brussels hậu Brexit, đồng thời khắc phục những bất cập trong Nghị định thư Bắc Ireland.

Trước đó, hồi cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đạt được nhất trí về Khuôn khổ Windsor. Việc thực thi khuôn khổ Windsor được kỳ vọng sẽ mở đường cho Anh thiết lập mối quan hệ kinh tế gần hơn với Liên minh châu Âu, sau một thời gian nước Anh chịu quá nhiều khó khăn do tác động của Brexit.

Đánh giá về thỏa thuận Windsor

Kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu, nước Anh phải mất hơn 2 năm mới ký kết với khối này về thực thi Khung thoả thuận Windsor. Việc Liên minh châu Âu và chính phủ Anh ký thoả thuận chính thức mang tên Khung thoả thuận Windsor là một động thái mang lại lợi ích cho cả hai bên. Tóm tắt một cách ngắn gọn thì Khung thoả thuận Windsor có thể xem là một thoả thuận Brexit phiên bản mới, trong đó ghi nhận những điều chỉnh liên quan đến chủ đề gây tranh cãi nhất trong bản thoả thuận Brexit cũ ký cuối năm 2019 là vấn đề Bắc Ireland.

Trong Khung thoả thuận Windsor thì vấn đề Bắc Ireland được giải quyết bằng các nhân nhượng giữa EU và chính phủ Anh, được đích thân Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đàm phán và hoàn tất vào tháng trước tại London.

Theo Khung thoả thuận mới, hàng hoá từ các phần lãnh thổ khác của Vương quốc Anh chuyển đến Bắc Ireland sẽ được phân thành hai làn Xanh - Đỏ, một làn dành riêng cho Bắc Ireland thì sẽ được tự do lưu chuyển, không phải chịu bất cứ kiểm tra hải quan nào từ phía EU, một dành cho thị trường EU thì sẽ được kiểm soát. Phía EU cũng chấp nhận một điều khoản mang tên là “Phanh Stormont”, tức trao cho Nghị viện Stormont ở Bắc Ireland cơ chế “phanh khẩn cấp”, được phép dừng các điều luật của EU áp dụng tại Bắc Ireland nếu có mâu thuẫn với lợi ích và các điều luật tại Bắc Ireland, đổi lại phía Anh vẫn cho phép Toà Tư pháp châu Âu có quyền phán xử quyết định trong các vụ việc liên quan đến châu Âu tại Bắc Ireland.

Nhìn chung, đây là một thoả thuận mang tính thoả hiệp cao giữa hai bên, giúp phía chính phủ Anh giải toả được các bức xúc nhất liên quan đến vấn đề Bắc Ireland trong thoả thuận Brexit cũ là việc tự do lưu chuyển hàng hoá trong thị trường nội địa Vương quốc Anh và phần nào đó trấn an được các đảng phái theo chủ nghĩa hợp nhất tại Bắc Ireland bằng cơ chế “phanh Stormont”. Phía EU thì vẫn giữ được quyền lực phán xử của Toà Tư pháp châu Âu, duy trì được việc kiểm soát hải quan nhất định và quan trọng hơn, là bảo vệ được thoả thuận hoà bình “Ngày thứ Sáu tốt lành”, tránh đẩy tình hình an ninh trên đảo Ireland vào nguy cơ bất ổn trở lại.

Do đó, mặc dù được đánh giá là chưa hoàn hảo nhưng Khung thoả thuận Windsor là một thoả thuận cả hai bên cùng có lợi. Ngay cả đảng đối lập lớn nhất tại Anh là Công đảng cũng bỏ phiếu ủng hộ khung thoả thuận mới này. Về phía EU, khung thoả thuận này cũng nhanh chóng được thông qua mà không gặp cản trở gì. Ý nghĩa quan trọng nhất với cả EU và Anh, đó là khung thoả thuận này cho phép hai bên chấm dứt các tồn đọng của Brexit, gạt Brexit sang một bên để hướng tới các ưu tiên hợp tác mới trong tương lai, trong bối cảnh cả hai bên đều đang phải đối mặt với các thách thức lớn hơn nhiều câu chuyện Brexit.

Khó khăn của Anh và EU trong quá trình đàm phán

Trong cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Anh tuần trước, khung thoả thuận Windsor mặc dù được thông qua nhưng vẫn vấp phải sự phản đối của một nhóm các nghị sĩ chống đối trong chính nội bộ đảng Bảo thủ Anh. Đây là nhóm những người theo đuổi chính sách Brexit cứng rắn, trong đó có cả 2 cựu Thủ tướng Anh là ông Boris Johnson và bà Liz Truss.

Những nghị sĩ này cho rằng khung thoả thuận Windsor thực chất là một sự đánh đổi của Thủ tướng Anh Rishi Sunak và rằng ông Rishi Sunak đã chấp nhận quá nhiều nhượng bộ với EU để đổi lại một mối quan hệ kinh tế thân thiết hơn với EU trong tương lai. Những người này kết luận rằng Khung thoả thuận Windsor thực chất chỉ là sự che đậy cho việc nước Anh sẽ không thực thi Brexit một cách đúng nghĩa. Sự phản đối của 22 nghị sĩ đảng Bảo thủ này, trong đó hạt nhân là các nghị sĩ thuộc “Nhóm nghiên cứu châu Âu” (ERG) vốn là các thành phần chống châu Âu mạnh nhất, cho thấy về lâu dài Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ còn nhiều lần đối mặt với các cản trở từ nhóm này trong việc thực thi các chính sách đối ngoại với châu Âu.

Ngoài sự phản đối của 22 nghị sĩ đảng Bảo thủ, một nguy cơ khác đối với việc thực thi Khung thoả thuận Windsor trong thời gian tới là thái độ không hợp tác của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP). Đây là đảng theo đường lối hợp nhất Bắc Ireland với Vương quốc Anh, kiên quyết chống lại các chính sách và xu hướng mà đảng này cho rằng sẽ chia tách Bắc Ireland khỏi Vương quốc Anh.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Anh tuần trước, các nghị sĩ của DUP cũng bỏ phiếu chống và cho đến nay DUP vẫn chưa chấp nhận đề nghị quay trở lại tham gia vào chính phủ chia sẻ quyền lực tại Bắc Ireland, đồng thời cho rằng cơ chế “phanh Stormont” vẫn là không đủ để ngăn ngừa nguy cơ Bắc Ireland bị kéo xa khỏi Vương quốc Anh. Tuy nhiên, hiện tại DUP không còn đủ sức nặng chính trị để tác động lớn đến tính toán chiến lược của chính phủ Anh.

Về thực chất, trong tiến trình đàm phán giữa EU và Anh để hoàn tất Khung thoả thuận Windsor, các khó khăn và thách thức lớn chủ yếu đến từ phía Anh, chính xác là việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak phải làm sao để có thể cân bằng, hài hoà lợi ích của tất cả các đảng phái tại Anh và Bắc Ireland.

Về phần EU, quan ngại lớn nhất là việc đánh mất kiểm soát hải quan tại Bắc Ireland, qua đó tạo ra lỗ hổng cho hàng hoá không được kiểm soát tràn vào thị trường đơn nhất châu Âu, còn với việc bảo vệ thoả thuận hoà bình “Ngày thứ Sáu tốt lành” thì cả EU lẫn phía Anh đều có mối lo lắng ngang nhau. Do đó, trong quá trình đàm phán với chính phủ Anh, phía EU có nhiều không gian hành động hơn, có điều kiện để thích ứng linh hoạt hơn, nói cách khác là có vị thế đàm phán tốt hơn. Điều này đã thể hiện trong kết quả cụ thể của Khung thoả thuận Windsor, một bản thoả thuận mà đa số giới phân tích đánh giá là EU đạt được nhiều lợi ích hơn.

Tuy nhiên, cũng cần khách quan ghi nhận các nỗ lực của Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Qua việc hạn chế tối đa số nghị sĩ đảng Bảo thủ chống đối và thậm chí còn thuyết phục được Công đảng đối lập ủng hộ Khung thoả thuận Windsor thì có thể nói ông Rishi Sunak đã thành công, củng cố được vai trò và vị thế của mình trong đảng Bảo thủ.

Tác động của Khung thỏa thuận Windsor với quan hệ Anh - EU

Một trong những lĩnh vực hợp tác mà EU và Anh có thể mở ra ngay lập tức sau khi ký Khung thoả thuận Windsor là về việc Anh tiếp cận với hệ thống nghiên cứu của châu Âu mang tên “Chân trời”. Đây là một chương trình nghiên cứu và đổi mới khoa học rất lớn của châu Âu, có ngân sách lên đến trên 95 tỷ euro, được khởi động từ năm 2021 và kéo dài đến 2027. Việc được tham gia vào chương trình này sẽ giúp ích rất lớn cho giới nghiên cứu và học thuật tại Anh và giới khoa học tại Anh đang mong muốn tham gia một cách sớm nhất có thể vào chương trình này. Trước đó, do các bất đồng với Anh về việc thực thi điều khoản Bắc Ireland trong thoả thuận Brexit, EU đã không cho phép Anh được tham gia chương trình này.

Ngoài việc giải quyết bất đồng trực tiếp là vấn đề Bắc Ireland thì về dài hạn, ý nghĩa chiến lược lớn hơn của Khung thoả thuận Windsor là cho phép EU và Anh xây dựng lại niềm tin với nhau, vốn đã bị rạn nứt nghiêm trọng dưới thời ông Boris Johnson và bà Liz Truss. Nguyên nhân là do cả ông Boris Johnson và bà Liz Truss đều từng công khai ý định không thực thi Nghị định thư Bắc Ireland trong thoả thuận Brexit 2019, công khai tuyên bố sẵn sàng vi phạm thoả thuận đã ký sau khi nhận ra rằng việc áp dụng Nghị định thư Bắc Ireland trong thực tế phức tạp hơn rất nhiều. Thái độ bất nhất và mang tính đối đầu này từ phía chính phủ Anh khiến rất nhiều nước châu Âu bất mãn, không có niềm tin vào việc xây dựng mối quan hệ mới với Anh hậu Brexit.

Do đó, việc chính phủ của ông Rishi Sunak ký Khung thoả thuận Windsor với EU phần nào khôi phục lại niềm tin từ phía châu Âu, qua đó có thể đẩy mạnh các hợp tác tương lai giữa hai bên. Trước mắt đã có nước Pháp thay đổi cách tiếp cận với Anh, bằng việc tổ chức Thượng đỉnh Anh - Pháp đầu tiên sau 5 năm vào tháng trước, chỉ ít ngày sau khi ông Rishi Sunak và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Ursula von der Leyen hoàn tất Khung thoả thuận Windsor. Pháp và Anh hiện đã nhất trí gác lại mọi bất đồng trong vài năm qua và xây dựng một giai đoạn mới trong quan hệ song phương. Điều tương tự cũng có thể đến trong thời gian tới, với việc Anh - CH Ireland xây dựng quan hệ đối tác mới, Anh - Tây Ban Nha khởi động lại các đàm phán về vấn đề chủ quyền của Gibraltar. Không chỉ với EU, Khung thoả thuận Windsor cũng giúp Anh giải toả được các căng thẳng lớn với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Anh, bởi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nhiều lần cảnh báo Anh phải cải thiện quan hệ với EU để bảo vệ thoả thuận hoà bình “Ngày thứ Sáu tốt lành” trên đảo Ireland.

Vì vậy, về tổng thể, Khung thoả thuận Windsor có thể xem là một cột mốc mới, đánh dấu giai đoạn tích cực hơn trong quan hệ giữa Anh và EU, giúp hai bên gác lại câu chuyện Brexit quá mệt mỏi và tiêu tốn nguồn lực để tập trung cho các ưu tiên quan trọng hơn trong bối cảnh biến động địa chính trị to lớn tại châu Âu vì xung đột tại Ukraine.

(Nguồn: VOV)

Pháp chìm trong bất ổn và 'bóng ma' về một phong trào Áo vàng mới

(Ảnh minh họa).

Các cuộc biểu tình tại Pháp hiện nay có một số điểm khác so với phong trào Áo vàng trước đây, nhưng chúng cũng có điểm tương đồng nhất định.

Người Pháp đang phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron một cách giận dữ. Sau nhiều tháng đình công và biểu tình, căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào hôm 23/3, với một số vụ bạo lực bùng phát ở Paris gợi lại những ký ức về phong trào "Áo vàng" kéo dài nhiều tháng trước đây.

Các cuộc biểu tình đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nước này và thậm chí cả chương trình nghị sự quốc tế của Pháp, với việc Điện Elysée hoãn chuyến thăm được chờ đợi từ lâu của Vua Charles III tới Paris. Các công đoàn đã kêu gọi tổ chức một ngày đình công lớn khác vào 28/3, nhưng các cuộc biểu tình tự phát, nhỏ hơn đang nổ ra, một tín hiệu về các cuộc tuần hành của lực lượng "Áo vàng" trong quá khứ.

Các cuộc đình công và biểu tình phản đối cuộc cải cách hưu trí bắt đầu từ đầu năm nay và leo thang trong tuần vừa qua, sau khi chính phủ bỏ qua quốc hội để thông qua văn bản này trong bối cảnh lo ngại rằng sẽ không có đủ phiếu bầu. Những người biểu tình rất tức giận với Chính phủ Pháp vì cải cách - vốn sẽ nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 và mở rộng các khoản đóng góp để được hưởng lương hưu đầy đủ - và cũng vì đã bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của quốc hội.

Có một số điểm khác biệt giữa các cuộc biểu tình đang diễn ra và phong trào Áo vàng tự phát đã phong tỏa cả nước trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Macron. Trước khi biến thành một phong trào chống Chính quyền của Tổng thống Macron quy mô lớn, những người tham gia phong trào Áo vàng bắt đầu như một cuộc biểu tình phản đối thuế nhiên liệu, chủ yếu do những người thuộc tầng lớp thấp hơn từ các vùng nông thôn sử dụng ô tô của họ để thực hiện. Các hành động bạo lực và phá hoại là đặc điểm chính của các cuộc biểu tình Áo vàng sau đó ở khắp mọi nơi trên nước Pháp.

Điều đó khác với các cuộc biểu tình hiện nay, nơi bạo lực chủ yếu nổ ra sau các cuộc biểu tình truyền thống do công đoàn lãnh đạo hoặc trong các cuộc biểu tình quy mô nhỏ. Nhưng điểm chung của cả hai phong trào biểu tình là sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Theo một cuộc thăm dò của Ifop được công bố hôm 23/3, hơn 60% người Pháp ủng hộ các cuộc biểu tình mạnh mẽ hơn để khiến chính phủ nhượng bộ.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Pháp đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và bóng ma về một phong trào Áo vàng mới đang bao trùm nước Pháp. Một số người biểu tình đã mặc đồng phục phản quang trong các cuộc tuần hành ở Paris và một số cuộc mít tinh nhỏ tự phát với những người mặc áo vàng đang diễn ra trên khắp đất nước.

Các nhân viên cảnh sát ngoài thực địa đã cảnh báo chính phủ Pháp rằng họ đang trải qua tình trạng bạo lực tương tự trong phong trào Áo vàng trước đây. "Chúng tôi đang ở trước thềm một cuộc nổi dậy. Tổng thống đang đùa với lửa. Điều này có thể dẫn đến bi kịch”, một sĩ quan cảnh sát chống bạo động cấp cao cho biết, cảnh báo nguy cơ thương vong khi các lực lượng bảo đảm an ninh bị quá tải do phải đối mặt với mức độ giận dữ và bạo lực ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Pháp, hơn 400 sĩ quan cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ trên đường phố chỉ riêng trong ngày 23/3, hàng trăm người biểu tình đã bị bắt, nhưng chưa có con số về số người biểu tình bị thương do bị cuốn vào tình trạng bất ổn.

Tổng thống Macron, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây đã ngầm so sánh biểu tình bạo lực ở Pháp với bạo loạn ở Mỹ hoặc ở Brazil. Các công đoàn tổ chức các cuộc biểu tình cũng ý thức được rằng mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Hôm 24/3, người đứng đầu công đoàn CFDT Laurent Berger đã hoan nghênh Tổng thống Macron khi ông đề xuất tạm dừng cải cách hưu trí trong 6 tháng và gặp lại các công đoàn để thảo luận về vấn đề này. Ông Laurent Berger nói: "Điều này có thể giúp cho tình hình dịu đi".

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy ông có thể thay đổi quyết định. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 22/3, ông Macron bảo vệ cải cách và lập luận rằng các công đoàn đã không đưa ra các đề xuất thay thế để cải cách hệ thống hưu trí - điều mà họ ngay lập tức phản đối.

Về lý thuyết, sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu của quốc hội về chương trình cải cách, chính phủ do Thủ tướng Elisabeth Borne đứng đầu đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào đầu tuần trước. Nhưng còn một rào cản chính trị cuối cùng mà Tổng thống Macron phải vượt qua tại Hội đồng Hiến pháp Pháp, nơi các thẩm phán hiến pháp sẽ phải quyết định xem văn bản có phù hợp với hiến pháp hay không, đặc biệt là khi liên quan đến thủ tục thông qua.

Đồng thời, Hội đồng Hiến pháp đang đánh giá yêu cầu của các nghị sĩ đối lập về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về văn bản trên. Động thái thứ hai khó có thể thành công nhưng các nhà lãnh đạo phe đối lập đã gia tăng áp lực lên tòa án hiến pháp để phán quyết cải cách, hoặc một phần của nó, là vi hiến.

Tóm lại, sự phẫn nộ trước quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron bỏ qua quốc hội, sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí, đã gây ra nhiều ngày bất ổn trên khắp đất nước.

Quan trọng nhất, sự bất mãn của người Pháp có thể vượt xa giá trị của cuộc cải cách hưu trí. Tại cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái, ông Macron đã mất đa số hoàn toàn trong Quốc hội Pháp và quyết định bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của quốc hội về cải cách lần này càng cho thấy sự hạn chế của tổng thống. Những người phản đối nói rằng hành động mới của chính phủ đã gây thêm sự tức giận của công chúng Pháp.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang