EU: Credit Suisse nhận phao cứu sinh; ECB tăng lãi suất; Pháp bùng phát biểu tình; 'Cãi bẫy' đang chờ; Gián điệp Nga ở Ba Lan

Credit Suisse nhận được 'phao cứu sinh', châu Âu đã có thể ăn mừng?

(Ảnh minh họa).

Credit Suisse đã nhận được "phao cứu sinh", nhưng không thể loại trừ con đường dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới.

Cổ phiếu Credit Suisse sụp đổ, gửi "rung chấn" tới khắp các ngân hàng châu Âu.

Nhưng khoản cho vay khẩn cấp 50 tỷ franc Thụy Sĩ từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ vào đầu giờ sáng 16/3 đã giúp kéo một trong những tổ chức ngân hàng hàng đầu của nước này, Credit Suisse, có trụ sở tại Zurich, khỏi bờ vực sụp đổ.

Khi thị trường mở cửa giao dịch vào buổi sáng 16/3, cổ phiếu của ngân hàng Credit Suisse đã tăng vọt 40%. Đây rõ ràng là tín hiệu vui đối với những người đã luôn nói rằng những gì đang trải qua không phải là cuộc khủng hoảng của châu Âu.

Nhìn từ quan điểm pháp lý, những rắc rối tại Credit Suisse đã âm ỉ trong nhiều năm và không liên quan nhiều đến các yếu tố đã khiến Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở California sụp đổ một tuần trước đó, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải can thiệp triệt để.

Credit Suisse từ lâu đã trong quá trình tái cơ cấu, bị kéo đi xuống bởi một loạt bê bối đáng tiếc.

Sau cú giải cứu Credit Suisse, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã thể hiện tự tin, có phần "thách thức" tại cuộc họp chính sách lãi suất ngày 16/3. Trong khi các thị trường đang mong đợi một sự gián đoạn đối với lịch trình tăng lãi suất dày đặc của ECB, thì bà Lagarde cho biết vẫn tiếp tục lộ trình của mình. Hệ thống ngân hàng châu Âu có thể xử lý nó - bà phát tín hiệu.

Điều mà thị trường muốn biết là, liệu bà Lagarde có lại phải hối hận không?

Phản ứng trên thị trường chứng khoán đã nói lên điều đó. Giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn ở châu Âu, trong đó có Deutsche Bank của Đức và Société Générale của Pháp, tiếp tục đà đi xuống sau cuộc họp, thậm chí cả Credit Suisse cũng giảm đà tăng.

Sai lầm có đang lặp lại?

Hơn một thập kỷ trước, một trong những người tiền nhiệm của bà Lagarde, ông Jean-Claude Trichet, đã ngoan cố tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc khủng hoảng nợ công năm 2011. Căng thẳng đã đẩy nhiều khu vực ngoại vi châu Âu đến bờ vực sụp đổ kinh tế và làm lung lay niềm tin của thị trường vào hệ thống đồng tiền chung euro.

Ngày nay, các nhà phân tích vẫn còn tranh cãi về việc liệu bà Lagarde có lặp lại sai lầm tương tự hay không.

Elettra Ardissino, nhà phân tích cấp cao về châu Âu tại Greenmantle, cho biết: “Ông Trichet đã gây ra một cuộc bán tháo tại các quốc gia ở vùng rìa châu Âu. Có rất ít bằng chứng cho thấy sự hoảng loạn ngân hàng đang lan sang các quốc gia khác - chênh lệch lợi suất trái phiếu BTP-Bund vẫn được kiềm chế".

Những người khác, như chuyên gia Marc Ostwald tại ADM Investor Services, tin rằng rủi ro nằm ở nơi khác, có khả năng ở các quốc gia vùng lõi của châu Âu như Đức và nhiều quốc gia trong số đó đang phải đối mặt với khó khăn kép do thâm hụt công và tỷ lệ nợ ngày càng tăng do chi tiêu thời kỳ đại dịch COVID-19, cũng như tác động từ các biện pháp hỗ trợ Ukraine, và sự thay đổi mạnh mẽ về chi phí tài chính so với thời kỳ hưởng lãi suất bằng 0 hoặc âm.

Ông Ostwald nói với Politico: “Thị trường là một trò chơi về niềm tin và niềm tin đang có nguồn cung rất khan hiếm. Có rất nhiều rủi ro: chênh lệch lãi suất của các chính phủ khu vực đồng euro lớn hơn, phí bảo hiểm rủi ro tăng và vẫn có nguy cơ kịch trần nợ của Mỹ".

Việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hỗ trợ Credit Suisse có thể đã lặp lại những gì người tiền nhiệm của bà Lagarde là Mario Draghi đã làm khi ông tuyên bố ECB sẵn sàng làm "bất cứ điều gì" để bảo vệ hệ thống. Tuy nhiên, bảng cân đối công khai năm 2023 nhiều khả năng sẽ cho thấy những hạn chế mới. Và việc đặt toàn bộ sức nặng của nền kinh tế quốc gia cho một ngân hàng châu Âu có thể là không đủ trong thời điểm này.

Tác động của lãi suất cao đã khiến ngay cả những tổ chức mạnh nhất như Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, cũng phải ghi nhận khoản lỗ, báo hiệu khả năng chính phủ sẽ phải giải cứu ngân hàng bằng tiền đóng thuế.

Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương đã bác bỏ những lo ngại như vậy, nói rằng ngay cả khi chính phủ rút lại hỗ trợ, thì các ngân hàng này sẽ không bao giờ phá sản vì họ có quyền tiếp cận máy in tiền của chính họ.

Theo Politico, những biện pháp phòng vệ như vậy chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, tình trạng kinh tế được cải thiện và niềm tin vào các loại tiền tệ quốc gia vẫn ở mức cao. Không có ba nguyên tắc cơ bản đó, không thể loại trừ khả năng hình thành "một Argentina mới".

(Nguồn: Báo Tin Tức)

ECB tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đón nhiều "tin xấu"

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa thông báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm.

Theo Reuters, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm vào thứ 5, ngày 16/3 trong bối cảnh “khó khăn” của thị trường tài chính. Điều này đã được nói đến trong tuần trước.

Việc ECB tăng lãi suất là bởi lạm phát gây ra ảnh hưởng lớn hơn các vấn đề của một số ngân hàng thế giới hiện nay. Đồng thời, theo thông tin mới nhất, Ngân hàng trung ương của 20 quốc gia sử dụng đồng euro cũng đã nâng lãi suất tiền gửi lên 3% - mức cao nhất kể từ cuối năm 2008, do lạm phát được cho cho là vượt quá mục tiêu 2%.

Thực tế, ECB cũng đã nâng lãi suất trong 6 cuộc họp liên tiếp kể từ tháng 7/2022 (tổng cộng 3,5 điểm phần trăm).

Bên cạnh đó, sau nhiều “biến động” trên thế giới, một số nhà đầu tư tài chính đã mong rằng ECB sẽ lựa chọn mức tăng nhỏ hơn là 0,25 điểm phần trăm. Họ cũng đang kỳ vọng ECB sẽ đặt mức lãi suất cao nhất là 3,25%, so với mức 4,1% được dự báo vào tuần trước.

Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực đồng Euro đã rơi tự do trong tuần này do sự ảnh hưởng từ sự cố SVB và Credit Suisse. Nhưng trong ngày 16/3, có thông tin cho rằng NHTW Thụy Sĩ đã “bơm” cho Credit Suisse khoản cứu trợ 54 tỷ USD. Động thái này đủ lớn để khiến cổ phiếu của ngân hàng này tăng khoảng 20% ​​và kéo theo các cổ phiếu của ngân hàng khác.

Lo lắng chính hiện tại của ECB là chính sách tiền tệ có thể vận hành không như mong muốn nếu như thế giới xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện. Điều đó khiến ECB rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi vừa phải đề cao nhiệm vụ chống lạm phát vừa muốn duy trì sự ổn định tài chính.

Đại diện của ECB cũng cho biết: “Hội đồng quản trị đang theo dõi sát sao tình hình không ổn định hiện tại và sẽ có phương thức ứng phó cần thiết để duy trì sự ổn định giá cả và thị trường tài chính”.

Sự chú ý của các nhà đầu tư hiện tại là cuộc họp báo của Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Tại đó, dự kiến bà sẽ được hỏi về các động thái chính sách trong tương lai.

Hồi tháng 1/2023, bà cũng đã khẳng định quyết tâm của ECB về việc tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát một cách tốt nhất. Mục tiêu lạm phát 2% đã được đặt ra từ nhiều tháng qua.

(Nguồn: CafeF)

Pháp bùng phát biểu tình vì luật nâng tuổi hưu

(Ảnh minh họa).

Nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn, nổ ra ở Pháp sau khi chính phủ của Tổng thống Macron vượt quyền quốc hội, phê chuẩn luật tăng tuổi hưu.

Hàng nghìn người Pháp hôm 16/3 tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội ở trung tâm thủ đô Paris, dưới sự giám sát của cảnh sát chống bạo động, khi Hạ viện nước này thảo luận về dự luật cải cách hưu trí đã được Thượng viện thông qua trước đó.

Tuy nhiên, khi biết tin Tổng thống Emmanuel Macron dùng quyền đặc biệt trong hiến pháp để thông qua luật tăng tuổi hưu từ 62 lên 64 mà không cần phê chuẩn của Hạ viện, đám đông đã bày tỏ bất bình, phẫn nộ.

"Tôi rất tức giận với những gì đang xảy ra. Là một công dân Pháp, tôi thấy mình như bị lừa. Trong nền dân chủ này, lẽ ra một đạo luật như vậy phải được thông qua trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội", Laure Cartelier, giáo viên 55 tuổi, chia sẻ.

Tới tối cùng ngày, người biểu tình tập trung tại trung tâm quảng trường Concorde ở Paris. Cảnh sát phải dùng tới hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông quá khích sau khi hành vi đốt phá xảy ra. Khoảng 120 người biểu tình bị bắt vì cáo buộc phá hoại.

Phóng viên AFP cho biết ngay cả sau khi đám đông biểu tình bị giải tán, một số người vẫn tới phóng hỏa và đập phá các cửa hàng ở những khu phố lân cận.

Tại Marseille, thành phố lớn thứ hai ở Pháp, một số cửa hàng bị cướp bóc trong lúc xảy ra biểu tình hỗn loạn. Ở các thành phố Nantes, Rennes và Lyon, đụng độ cũng nổ ra giữa đám đông biểu tình và lực lượng an ninh.

Nhiều công đoàn Pháp đã kêu gọi đình công và biểu tình hàng loạt, chỉ trích động thái phê chuẩn luật tăng tuổi hưu của chính phủ ông Macron là hành động "phủ nhận nền dân chủ".

Trước đó, các công đoàn Pháp đã tổ chức nhiều cuộc đình công để phản đối dự luật, ảnh hưởng tới nhiều dịch vụ công cộng, hoạt động đường sắt, bến cảng và các trường học. Cuộc đình công của các nhân viên vệ sinh môi trường ở Paris đã khiến 7.000 tấn rác không được dọn dẹp, chất đống trên đường phố.

Luật nâng tuổi hưu mới được thông qua còn yêu cầu người lao động Pháp làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu. Khi được công bố năm ngoái, dự luật vấp phải phản đối từ công chúng, với nhiều cuộc biểu tình, đình công đã xảy ra từ tháng 1, và cũng không nhận được nhiều ủng hộ tại Hạ viện. Các cuộc thăm dò chỉ ra 2/3 dân Pháp phản đối luật này.

Tổng thống Macron giải thích rằng cải cách hưu trí là cần thiết để giữ hệ thống bền vững hơn. Hội đồng Cố vấn Hưu trí Pháp ước tính hệ thống hưu trí Pháp thâm hụt thường niên khoảng 10 tỷ euro (10,73 tỷ USD) từ năm 2022 đến 2032.

(Nguồn: Vnexpress)

Mua khí hóa lỏng từ Nga tăng mạnh - 'cái bẫy' đang chờ EU

Giấc mơ của EU về việc từ bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng của Nga và tước đi thu nhập của Moscow cho đến nay vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo trung tâm phân tích Bruegel, vào cuối năm 2022, các nước châu Âu đã mua tổng cộng 19,2 tỷ mét khối LNG của Nga. Con số này nhiều hơn 35% so với năm 2021, khi EU mua 14,2 tỷ nhiên liệu hóa lỏng. Trong 12 tháng năm ngoái, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bỉ đã trở thành những nhà nhập khẩu LNG chính từ Nga.

Các nhà phân tích của Đại học Columbia cho biết: “Việc nhắm mắt làm ngơ trước dòng khí đốt ngày càng tăng của Nga cần sự cảnh giác".

Như Thời báo Brussels nhấn mạnh, LNG từ Nga vẫn cần thiết ở châu Âu vì nó có thể dễ dàng tiếp cận và tương đối rẻ do gần gũi về mặt địa lý.

Kết quả là, sau tất cả các lệnh trừng phạt và thiệt hại về nhiên liệu vận chuyển qua các đường ống, Liên minh châu Âu đã trở thành người tiêu dùng LNG lớn thứ hai của Nga. Điều này là vô cùng bất ngờ với chính EU.

Nguyên liệu thay thế cho LNG Nga có thể quá đắt đối với người châu Âu. Theo Eurostat, vào năm 2022, châu Âu đã chi 208 tỷ euro để mua khí đốt, gấp 3,3 lần so với năm 2021 là 62,5 tỷ euro.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, phần lớn chi tiêu năng lượng rơi vào khí hóa lỏng – 109,4 tỷ euro (vận chuyển qua đường ống – 98,6 tỷ euro).

Đồng thời, nhập khẩu của Mỹ tăng gấp 7 lần lên 48,4 tỷ euro. Nga nhận 47,6 tỷ, trong đó 16,2 tỷ là LNG. Qatar đứng ở vị trí thứ ba về doanh số bán hàng tại EU.

“Châu Âu không thể thiếu khí đốt từ Nga. Xét cho cùng, nó rẻ hơn so với khí đốt của Qatar hoặc Mỹ. Nếu cuối cùng họ từ chối, Moscow sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Và LNG của Ấn Độ cũng có thể là của Nga”, chuyên gia Leonid Khazanov nhận định.

Thật vậy, gần như không thể xác minh nguồn gốc của LNG – không có ngân hàng nhiên liệu mẫu từ các quốc gia khác nhau và sẽ không thể tiến hành phân tích nguồn gốc từ các tàu chở dầu.

Tất nhiên, việc Nga tăng nhập khẩu đi ngược lại chính sách năng lượng của EU. Và điều đó sẽ đi kèm với những rủi ro nhất định.

Politico cảnh báo: “Putin có thể chặn xuất khẩu sang các nước không thân thiện trong khi tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho các nước châu Á đang gặp phải tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng".

Tờ báo cho biết, “Châu Âu thực sự đã rơi vào bẫy do tiêu thụ LNG của Nga. Mọi thứ đều có thể biến thành một vụ tống tiền bằng khí đốt khi cần phải tích trữ cho mùa đông sắp tới.”

Giấc mơ của EU về việc từ bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng của Nga và tước đi thu nhập của Moscow cho đến nay vẫn chưa thể đạt được.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) báo cáo rằng người châu Âu sẽ thiếu 30 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên vào mùa hè này nếu Moscow cắt các đường ống còn lại và nhu cầu LNG của Trung Quốc tăng lên.

Vortexa tin rằng “Khí đốt của Nga sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc lấp đầy các cơ sở lưu trữ của châu Âu”. Điều này khiến Brussels lo lắng rất nhiều.

Nga, nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng lớn thứ tư thế giới, hiện cung cấp khoảng 15% nguồn cung cho châu Âu. Theo các nhà phân tích của Rystad Energy, con số này sẽ còn tăng lên.

(Nguồn: Soha)

Ba Lan phá vỡ mạng lưới gián điệp Nga

(Ảnh minh họa).

Ba Lan phá vỡ một mạng lưới gián điệp của Nga hoạt động tại nước này và bắt giữ 9 người mà Ba Lan cho là đang chuẩn bị các hành động phá hoại và theo dõi các tuyến đường sắt đến Ukraine, Bộ trưởng Nội vụ loan báo ngày 16/3.

Là đồng minh của Ukraine và là trung tâm chuyển giao vũ khí cho các lực lượng vũ trang của Kyiv, Ba Lan cho biết nước này thường xuyên trở thành mục tiêu trong các nỗ lực của Nga nhằm gây bất ổn cho Ba Lan.

Ông Mariusz Kaminski nói trong một cuộc họp báo: “Trong những ngày gần đây, Cơ quan An ninh Nội bộ đã bắt giữ 9 người bị tình nghi hợp tác với cơ quan mật vụ Nga.”

Các nghi phạm là người nước ngoài đến từ các quốc gia ở phía đông Ba Lan.

“Các nghi phạm đã tiến hành các hoạt động tình báo chống lại Ba Lan và chuẩn bị các hành động phá hoại theo yêu cầu của tình báo Nga,” ông nói.

Ông Kaminski cho biết sáu trong số những người bị giam giữ đã bị buộc tội làm gián điệp cho Nga và tham gia vào một nhóm tội phạm có tổ chức. Thủ tục truy tố đối với ba người bị giam giữ ngày 15/3 đang diễn ra, ông nói thêm.

Ông Kaminski cho hay nhân viên của Cơ quan An ninh Nội bộ đã giữ các máy ảnh, thiết bị điện tử, cũng như máy phát GPS.

Nhóm này cũng đã được lệnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm gây bất ổn cho quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine, và họ đã được trả tiền cho các hoạt động của mình, ông nói.

Tuyên bố của ông Kaminski được đưa ra sau khi đài phát thanh tư nhân RMF FM đưa tin hôm 15/3 rằng các cơ quan an ninh Ba Lan đã bắt giữ 6 người bị tình nghi làm gián điệp cho Nga. Theo RMF, các camera đã được tìm thấy gần sân bay Jasionka gần Rzeszow, nơi đã trở thành điểm trung chuyển vũ khí và đạn dược chuyển đến Ukraine.

Ngày 15/3, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã gặp Giám đốc CIA William Burns. Văn phòng tổng thống cho biết họ đã thảo luận về tình hình an ninh.

Một số nước châu Âu đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc làm gián điệp kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine kéo quan hệ giữa Moscow và Liên hiệp châu Âu xuống mức thấp lịch sử.

Vào tháng Hai năm nay, một công dân Nga sống và hoạt động kinh doanh ở Ba Lan trong nhiều năm đã bị buộc tội làm gián điệp cho Nga từ năm 2015 đến tháng 4 năm 2022.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang