EU: Covid-19 đang gia tăng; Xoay sở tìm kiếm nhân công; Nước Anh hỗn loạn vì tin đồn thất thiệt; Cam kết ủng hộ Ukraine

COVID-19 ĐANG TRỞ LẠI

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 8/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc COVID-19 ngày càng gia tăng trên toàn thế giới và tình hình dự kiến sẽ không được cải thiện trong thời gian tới.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Giám đốc Phòng chống và chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh và đại dịch của WHO, cho biết “dữ liệu từ hệ thống giám sát của chúng tôi trải rộng khắp 84 quốc gia cho thấy tỷ lệ xét nghiệm dương tính với SARS-CoV- 2 đã tăng lên trong vài tuần qua”. Theo bà Maria, mặc dù tỷ lệ xét nghiệm dương tính tổng thể lớn hơn 10% nhưng vẫn có sự dao động giữa các vùng, đồng thời cho biết rằng ở châu Âu, tỷ lệ xét nghiệm dương tính là trên 20%.

Tuy nhiên, bà Kerkhove cho rằng tỷ lệ lây nhiễm trên thực tế có thể cao hơn, vì việc theo dõi nước thải cho thấy mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 trong một số trường hợp có thể cao hơn tới 20 lần so với kết quả xét nghiệm.

WHO cũng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện các biến thể nghiêm trọng hơn ngày càng tăng khi virus tiếp tục lây lan và tiến hóa, có thể dẫn đến một biến thể kháng lại sự can thiệp của y tế. Bà Kerkhove nhấn mạnh: “Với mức độ lây lan đáng kể như vậy, nếu chúng ta có một biến thể nghiêm trọng hơn, thì khả năng những người dân có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng là rất đáng kể”.

Tỷ lệ nhập viện vẫn thấp hơn đáng kể so với đỉnh điểm dịch, song WHO kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng, đảm bảo rằng các nhóm có nguy cơ cao nhất sẽ được nhắc nhở tiêm chủng 12 tháng/lần.

Tiến sĩ Kerkhove nhấn mạnh điều quan trọng là mọi người phải thực hiện các bước để giảm nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả việc đảm bảo rằng họ đã được tiêm một liều vaccine COVID-19 trong 12 tháng qua nếu thuộc nhóm có nguy cơ.

Việc sản xuất vaccine đã giảm trong 18 tháng qua và số lượng nhà sản xuất cũng giảm. Người ta hy vọng rằng vaccine vẫn đang được phát triển có thể giúp giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, nhiễm trùng và bệnh nghiêm trọng.

 

 

KINH TẾ CHÂU ÂU GẶP KHÓ VÌ THIẾU LAO ĐỘNG

Một số nước Liên minh châu Âu (EU) đang thiếu lao động ở nhiều ngành, nhiều cấp độ kỹ năng, nhất là các lĩnh vực: xây dựng, y tế, kỹ thuật, khối ngành dịch vụ...

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), số lượng người nước ngoài gia nhập thị trường lao động châu Âu ngày càng tăng, cho thấy nền kinh tế khu vực này ngày càng có nhu cầu về nhân lực nhập cư. Thực trạng chung của thị trường lao động châu Âu là chỗ làm trống ngày càng nhiều, nhân lực hiếm; chủ đang cần thợ, việc đang chờ người.

Trang Insider Monkey cho hay nhiều nước châu Âu đang đối diện tình trạng già hóa dân số và thiếu trầm trọng lao động có tay nghề. Thị trường lao động châu Âu đang trong tình trạng "toàn dụng nhân công", nghĩa là hầu như mọi người trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động đều có việc làm.

Tại Bỉ, cơn "khát" lao động lan ra nhiều ngành. Trong đó, ngành xây dựng phải tuyển cả người không có nghề, chưa biết nghề về đào tạo. Nhân công thiếu hụt tới mức các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng bất cứ ai ứng tuyển.

Tại Bồ Đào Nha, khoảng 58.000 vị trí trong 8 lĩnh vực chính chưa tuyển được bao nhiêu người dù đã kéo dài hơn 100 ngày. Sự thiếu hụt này đặc biệt nghiêm trọng trong các ngành như công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, khách sạn, xây dựng, nông nghiệp và năng lượng tái tạo.

Thiếu lao động lành nghề cũng là vấn đề nan giải đối với nền kinh tế Đức hiện nay. Viện Nghiên cứu kinh tế Đức cho rằng nước này cần khoảng 400.000 lao động nhập cư mỗi năm để bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế.

Mới đây, Chính phủ Đức nỗ lực thúc đẩy tuyển dụng lao động từ các quốc gia bằng việc sớm ký kết những thỏa thuận di cư tiếp theo, trọng tâm là tuyển lao động lành nghề. Việc đẩy mạnh các thỏa thuận di cư là "chìa khóa quan trọng" để đưa lao động lành nghề đến Đức nhanh hơn, đồng thời giảm tình trạng di cư bất hợp pháp thông qua việc hồi hương người không được phép ở lại Đức.

Với nỗ lực thu hút lao động, nhiều hiệp hội DN hàng đầu ở Đức cho rằng cần phải hình thành "văn hóa chào đón" lao động nước ngoài. "Văn hóa chào đón" này có thể bắt đầu bằng việc cấp thị thực nhập cảnh dễ dàng hơn đối với người muốn đến Đức làm việc, sau đó cung cấp nhà ở và dịch vụ chăm sóc trẻ em tốt hơn.

Trước cuộc khủng hoảng nhân lực, lương tối thiểu đã trở thành một công cụ chính sách quan trọng nhằm thu hút lao động ở châu Âu. Tây Ban Nha đã tăng 22% mức lương tối thiểu vào năm 2019, Đức tăng 15% vào năm 2022, Pháp tăng hơn 14% và Anh tăng 10% trong năm nay...

Lãnh đạo EU cũng đã đề nghị các nước tạo điều kiện cho công dân nước ngoài sinh sống tại châu Âu dễ dàng tham gia thị trường lao động, nhất là người có tay nghề cao. Nhiều nước còn đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực đào tạo nghề, hỗ trợ chi phí tuyển dụng. Ngoài việc tăng lương và phúc lợi, nhiều DN châu Âu còn chủ động giảm giờ làm - tuần làm việc 4 ngày, hoặc cho phép làm việc tại nhà để "có người làm"...

Theo ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Phòng Thông tin - Tuyên truyền Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, châu Âu đang là điểm đến hấp dẫn của lao động Việt Nam. Dù vậy, khi sang châu Âu làm việc, người lao động sẽ phải đối mặt một số vấn đề khó khăn như: thời tiết rất lạnh, ít việc vào mùa đông, khác biệt văn hóa, cạnh tranh với lao động nước khác... Bên cạnh đó, người có nhu cầu đi làm ở châu Âu phải tìm hiểu thật kỹ để tránh bị lừa.

 

 

VÌ TIN ĐỒN THẤT THIỆT, CẢ NƯỚC ANH HỖN LOẠN

Làn sóng biểu tình phản đối người nhập cư và Hồi giáo bùng phát thành bạo loạn ở nhiều nơi trên khắp nước Anh do sự lan truyền tin đồn thất thiệt về gốc gác của nghi phạm 17 tuổi vụ đâm dao nghiêm trọng nhắm vào trẻ em tham gia một lớp học múa ở thị trấn Southport cuối tháng trước.

New York Times ngày 8/8 dẫn thông báo của nhà chức trách Anh xác nhận khoảng 6.000 cảnh sát đã được triển khai tới hơn 10 thành phố và thị trấn trên khắp nước này để hỗ trợ tái lập trật tự, trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực chống nhập cư và phản đối Hồi giáo, do các nhóm cực hữu kích động, chưa hạ nhiệt. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên Anh huy động một lượng nhân viên an ninh lớn như vậy để ứng phó với tình trạng bạo loạn kể từ năm 2011.

Làn sóng biểu tình bạo lực lần này bùng phát trên các thành phố lớn, nhỏ tại nước Anh sau khi nghi phạm Axel Rudakubana, 17 tuổi, bị bắt hôm 29/7 với cáo buộc đâm dao tại một trường dạy múa ở thị trấn Southport, vùng Merseyside, nơi tổ chức lớp yoga và nhảy múa chủ đề Taylor Swift dành cho trẻ em 6-11 tuổi. Vụ tấn công nghiêm trọng do Rudakubana thực hiện khiến 3 bé gái thiệt mạng, 2 bé khác và 2 người lớn bị thương nghiêm trọng.

Theo Guardian, cảnh sát Anh ban đầu không công khai danh tính của Rudakubana do nghi phạm là người chưa thành niên. Tuy nhiên, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn thất thiệt rằng nghi phạm là người tị nạn Hồi giáo đến Anh bằng thuyền hồi năm ngoái và nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan tình báo MI6, dấy lên làn sóng bài nhập cư và phản đối Hồi giáo. Thông tin giả này lan truyền nhanh đến mức cảnh sát Anh buộc phải phá lệ khi khẳng định Rudakubana sinh ra tại vùng Cardiff của Anh và sống gần thị trấn Southport. Cảnh sát chưa công bố động cơ của Rudakubana, nhưng nhấn mạnh đây không phải một âm mưu tấn công khủng bố.

Suốt một tuần qua, hơn 100 cuộc biểu tình đã diễn ra tại Anh. Tại nhiều đô thị, những kẻ quá khích đã ném gạch đá, pháo sáng vào cảnh sát, phóng hỏa ôtô, tấn công nhà thờ Hồi giáo và các khách sạn là nơi trú ẩn của người xin tị nạn. Cảnh sát Anh cho rằng, một số cá nhân đang lợi dụng các giả thuyết không có thật và suy đoán về nghi phạm để cố tình gây mất trật tự trên đường phố.

Cảnh sát cũng nhận định, tình trạng lộn xộn chủ yếu liên quan tới những người từng thuộc Liên đoàn Phòng vệ Anh (EDL), tổ chức cực hữu bài Hồi giáo được thành lập cách đây 15 năm và hiện không còn tồn tại. Những người ủng hộ tổ chức này từng có liên quan đến nạn hooligan bóng đá. Hỗn loạn kéo dài đã khiến gần 430 người bị bắt, bao gồm cả những người có hành vi kích động bạo lực trên mạng xã hội, và ít nhất 120 người bị truy tố, đồng thời khiến một số quốc gia cảnh báo công dân thận trọng khi đến Anh.

Trước bối cảnh bạo lực chưa hạ nhiệt, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer, ngày 7/8 (giờ địa phương) cảnh báo bất cứ ai tham gia hành vi bạo lực sẽ đối mặt với “toàn bộ sức mạnh của hệ thống luật pháp”. Đề cập đến những người bị bắt giữ vì hành vi kích động bạo lực, ông Starmer nêu rõ, “những người dính líu đến tình trạng hỗn loạn, dù trực tiếp hoặc trực tuyến, sẽ đều bị xử lý trong vòng một tuần”. Trước đó, Thủ tướng Starmer từng khẳng định tình trạng bạo lực “không đơn giản là một cuộc biểu tình vượt kiểm soát” mà là “một nhóm cá nhân có ý định bạo loạn”.

Ngay sau khi thông điệp của Thủ tướng Starmer được phát đi, tối 7/8, hàng chục ngàn người phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc đã tổ chức tuần hành tại nhiều thành phố khắp nước Anh trong đó có London, Birmingham, Bristol, Liverpool và Newcastle.

The Guardian cho biết, họ đứng thành hàng ngang, giơ cao những tấm biển mang dòng chữ “phản đối phân biệt chủng tộc”, tạo ra một “lá chắn sống” bên ngoài các trung tâm tị nạn. “Đường phố này là của ai? Của tất cả chúng ta!”, đám đông hô vang trong cuộc biểu tình tập trung vài nghìn người ở Walthamsotw, Đông Bắc London. Một số vụ va chạm quy mô nhỏ đã xảy ra giữa hai phe biểu tình phản đối/ủng hộ nhập cư ở thành phố Blackpoool, Aldershot và một số nơi khác, nhưng cảnh sát đã nhanh chóng can thiệp nên không có thương vong nào được ghi nhận.

Nhà chức trách Anh được cho là đang khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường xử lý những kẻ quá khích. Bộ Tư pháp Anh ngày 8/8 thông báo, các phiên tòa sẽ được mở suốt đêm để nhanh chóng đưa những kẻ bạo loạn ra xét xử. Bên cạnh đó, các nhà tù sẽ bố trí thêm hơn 560 phòng giam sớm nhất là vào tuần tới để tiếp nhận các đối tượng bạo loạn bị kết án.

Trong khi đó, cảnh sát Anh công bố hàng loạt hình ảnh ghi từ camera giám sát, kêu gọi công chúng hỗ trợ xác định danh tính những người có hành vi bạo lực để nhanh chóng xử lý. Giới quan sát đánh giá, khi biểu tình qua đi, Chính phủ Anh của Thủ tướng Starmer sẽ phải tìm cách giải quyết hai vấn đề gai góc, đầu tiên là ngăn chặn tình trạng chia rẽ trong dân chúng liên quan đến vấn đề người nhập cư và tiếp đó là ứng phó với vấn nạn tin giả trên mạng xã hội.

 

 

CHÂU ÂU CAM KẾT TIẾP TỤC ỦNG HỘ UKRAINE

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết EU đã luôn ủng hộ Ukraine ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột và sẽ tiếp tục đứng bên cạnh Ukraine.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 7/8 thông báo Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp hỗ trợ gần 108 tỷ euro (118 tỷ USD) cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, đồng thời nhấn mạnh khối sẽ đồng hành cùng Ukraine trong suốt thời gian cần thiết.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, bà von der Leyen cho biết EU đã luôn ủng hộ Ukraine ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột và sẽ tiếp tục đứng bên cạnh Ukraine.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết các nhà sản xuất vũ khí trong nước sẽ đảm bảo 70% giá trị các hợp đồng cung cấp vũ khí cho quân đội nước này trong năm 2024.

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Dmytro Klimenkov cho biết tỷ lệ nêu trên vẫn có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu và năng lực sản xuất.

Ông Klimenkov cũng cho biết cơ quan mua sắm quốc phòng Ukraine đã ký hơn 20 hợp đồng với các nhà sản xuất vũ khí toàn cầu từ 10 quốc gia, chủ yếu là từ châu Âu và Mỹ, trong đó toàn bộ là những loại vũ khí đã được Bộ Quốc phòng nước này xác nhận.

Giám đốc cơ quan mua sắm quốc phòng Ukraine, bà Maryna Bezrukova nhấn mạnh các thiết bị có nhu cầu lớn trên chiến trường sẽ được chứng nhận nhanh hơn nhiều.

Theo bà, khung thời gian cho việc bàn giao thiết bị cho các đơn vị chiến đấu phụ thuộc vào các điều kiện cung cấp và hậu cần, chẳng hạn như thiết bị bay không người lái (UAV) DJI Mavic đã mua được chuyển giao nhanh chóng tới chiến tuyến, trong khi việc sản xuất các thiết bị mới phải mất nhiều thời gian hơn.

Bà cũng khẳng định cơ quan này đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu tính chất quan liêu của các quy trình trên, qua đó giúp các thiết bị và vũ khí cần thiết đến được với chiến tuyến đúng thời hạn, giúp nâng cao hiệu quả mua sắm quốc phòng và tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine.

Trong một diễn biến khác, nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon đã nhận được hợp đồng trị giá 478 triệu USD của Cơ quan Hỗ trợ và Mua sắm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO (NSPA) để cung cấp tên lửa đánh chặn GEM-T cho Đức - loại vũ khí thay thế các tên lửa Patriot mà nước này cung cấp cho Ukraine.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời Tổng giám đốc NSPA Stacy A. Cummings cho biết: "Hợp đồng này một lần nữa chứng minh rằng NSPA, với tư cách là tổ chức hàng đầu của NATO về hỗ trợ và mua sắm đa quốc gia, cung cấp các giải pháp đa quốc gia hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho các quốc gia, đồng thời củng cố năng lực công nghiệp của châu Âu."

GEM-T là tên lửa đánh chặn được thiết kế để chống lại tên lửa đạn đạo chiến thuật một cách hiệu quả.

Hiện tại, Ukraine đang triển khai ít nhất 4 hệ thống Patriot, 3 hệ thống của Đức và 1 hệ thống do Mỹ cung cấp. Romania cũng cam kết sẽ cung cấp cho Kiev một khẩu đội, trong khi Hà Lan cho biết sẽ hợp tác với một quốc gia đối tác khác để cung cấp thêm một hệ thống hoàn chỉnh hơn.

 

Nguồn: Báo Tin Tức; Người Lao Động; CAND; VietnamPlus

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang