EU: Chuyển sang cực hữu; Khó xử lý tài sản Nga; Gấp rút trao quà cho Ukraine; Tụt hậu với Mỹ-TQ; Chiến thắng cho Thủ tướng Ý

CHÂU ÂU ĐÃ SẴN SÀNG CHUYỂN SANG CỰC HỮU?

Cử tri ở 21 quốc gia EU - bao gồm Pháp và Đức - sẽ kết thúc cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu kéo dài 4 ngày vào ngày 9/6.

Dự kiến cuộc bầu cử ​​sẽ chuyển hội đồng sang cánh hữu và tăng số lượng những người theo chủ nghĩa dân tộc hoài nghi châu Âu.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ định hình cách Liên minh châu Âu - khối gồm 450 triệu công dân - đối mặt với những thách thức bao gồm nước Nga, sự cạnh tranh công nghiệp gia tăng từ Trung Quốc và Mỹ, biến đổi khí hậu và tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Cuộc bầu cử bắt đầu diễn ra vào ngày 6/5 ở Hà Lan và các quốc gia khác hôm 7/6 và 8/6. Tuy nhiên, phần lớn phiếu bầu của EU sẽ được bỏ vào ngày 9/6, với Pháp, Đức, Ba Lan và Tây Ban Nha mở cuộc bỏ phiếu, trong khi Italy tổ chức bỏ phiếu trong ngày thứ hai.

Nghị viện châu Âu cho biết sẽ công bố một cuộc thăm dò ý kiến sau bỏ phiếu trên toàn Liên minh châu Âu vào khoảng 20h30 giờ CET (18h30 theo giờ GMT). Sau đó, kết quả bầu cử tạm thời đầu tiên sẽ có sau 23h30 giờ CET khi cuộc bỏ phiếu cuối cùng của EU ở Italy đã được thực hiện.

Các cuộc thăm dò dư luận dự đoán những người theo chủ nghĩa tự do thân châu Âu và đảng Xanh sẽ mất ghế, làm giảm phần lớn phe trung hữu và trung tả, đồng thời làm phức tạp thêm những nỗ lực thúc đẩy thông qua luật mới của EU hoặc tăng cường hội nhập châu Âu.

Nhiều cử tri đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, lo ngại về vấn đề di cư và chi phí của quá trình chuyển đổi xanh, cũng như lo lắng trước căng thẳng địa chính trị gia tăng, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine. Các đảng cứng rắn và cực hữu đã nắm bắt được mối lo lắng này và đưa ra cho cử tri một giải pháp thay thế cho xu hướng chính thống.

Đảng Xanh ở châu Âu - đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các hộ gia đình, nông dân và ngành công nghiệp gặp khó khăn về các chính sách tốn kém của EU nhằm hạn chế lượng khí thải CO2 - dường như sẽ là một trong những bên thua cuộc lớn.

Các dự báo dành cho khối Phục hưng châu Âu (Renew Europe) cũng rất ảm đạm, với kỳ vọng rằng đảng Rassemblement National cực hữu của bà Marine Le Pen sẽ đánh bại phong trào Phục hưng trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron ở Pháp.

Tại Hà Lan, các cuộc thăm dò ý kiến ​​từ hôm 6/6 cho thấy đảng Tự do chống nhập cư của ông Geert Wilders theo chủ nghĩa dân tộc đã giành được 7 trong số 29 ghế của Hà Lan trong Hội đồng EU, từ con số 0 vào năm 2019, sau chiến thắng đậm của ông trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2023.

BÀI TOÁN XỬ LÝ TÀI SẢN TỊCH THU TỪ NGA KHIẾN CHÂU ÂU GẶP KHÓ

Đề xuất được các bên đưa ra là 90% tiền lãi tích lũy từ ngoại hối của Nga - 17 tỷ euro trong 5 năm tới - sẽ được chuyển qua Cơ sở Hòa bình Châu Âu để mua vũ khí cho Ukraine. Phần còn lại sẽ được sử dụng để phục hồi và tái thiết.

Theo nhà vận động tài chính Bill Browder, Liên minh châu Âu đang đàm phán để đi đến sự đồng thuận đề xuất trên, đồng thời khuyến cáo tình hình tài chính của Ukraine sẽ trở nên nghiêm trọng đến mức phương Tây cuối cùng sẽ buộc phải bàn giao toàn bộ 300 tỷ euro tài sản Nga đang bị phong tỏa.

Những người thúc đẩy mạnh mẽ nhất việc thu giữ toàn bộ 300 tỷ euro bao gồm Ngoại trưởng Anh David Cameron và chính quyền Mỹ. Ông Cameron hồi tháng 4 cho rằng, cần tìm cách sử dụng những tài sản đó để giúp Ukraine phòng thủ.

Mỹ đã thông qua Đạo luật Tái thiết Thịnh vượng và Cơ hội cho Ukraine, hợp pháp hóa việc tịch thu tài sản của Nga. Cả Mỹ và Anh đều đang bước vào mùa bầu cử - bất kỳ cách nào nhằm giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế trong nỗ lực chiến sự của Ukraine đều có sức hấp dẫn chính trị rõ ràng.

Chính quyền Anh có thể giữ nguyên quan điểm, mặt khác sự thay đổi chính trị ở Mỹ có thể có tác động sâu sắc đến cuộc chiến. “Hoàn toàn có khả năng ông Trump sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm giải phóng tài sản của EU và trao chúng cho Ukraine”. “Cần phải tịch thu tài sản càng sớm càng tốt”, theo ông Bowder.

Tuy nhiên, một số nước EU, trong đó có Italia, Pháp và Đức, lại thận trọng hơn. Sự quan tâm chính hiện nay tập trung vào khía cạnh việc tịch thu tài sản có thể được hiểu là trái với quyền của Nga, theo luật pháp quốc tế, về chủ quyền.

Đức đặc biệt lo ngại về việc thay đổi luật có thể ảnh hưởng như thế nào đến các yêu cầu bồi thường xuất phát từ Thế chiến thứ hai. Một lo lắng khác là việc tịch thu tài sản của Nga có thể bình thường hóa hoạt động này và khuyến khích các chính phủ khác làm điều tương tự.

Một cân nhắc khác là những tài sản này có thể hữu ích cho các nhà đàm phán khi xung đột kết thúc nếu vẫn ở trạng thái đóng băng. Bằng cách này, chúng có thể trở thành một phần của thỏa thuận hòa bình.

Trở lại năm 2022, khi tài sản bị đóng băng, liên minh phương Tây coi đây là một cuộc đảo chính tài tình. Tuy nhiên, một số nhà tài chính lo lắng về hậu quả của việc rút một khoản tiền lớn như vậy ra khỏi hệ thống và chuyển cho Ukraine. Bà Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đã nói rằng “việc chuyển từ phong tỏa tài sản sang tịch thu và xử lý chúng là điều cần phải được xem xét rất cẩn thận”.

Mối lo ngại của bà Lagarde là việc tịch thu có thể “phá vỡ trật tự quốc tế mà bạn muốn bảo vệ; mà bạn muốn Nga và tất cả các nước trên thế giới tôn trọng”.

Vào tháng 2, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Đã đến lúc bắt đầu thảo luận về việc sử dụng lợi nhuận đặc biệt từ tài sản bị phong tỏa của Nga để cùng nhau mua thiết bị quân sự cho Ukraine”. Số tiền này có thể lên tới 5 tỷ euro mỗi năm.

Bước đầu tiên đã được Bỉ thực hiện là đánh thuế khoản lãi tích lũy này tại Euroclear, cơ quan nắm giữ phần lớn dự trữ ở nước ngoài của Nga. Số tiền 2 tỷ USD thu được sẽ dần dần được chuyển sang Ukraine. Ngay cả hướng đi này cũng khiến một số ngân hàng cảnh báo, họ cho rằng nó dựa trên luật chưa được kiểm chứng.

Nga tức giận trước kế hoạch của EU chuyển tiền cho Ukraine. Họ mô tả kế hoạch của G7 là “cướp bóc” và đe dọa sẽ có hành động pháp lý trong nhiều thập kỷ chống lại tất cả những bên liên quan và đáp trả nếu tài sản hoặc thu nhập của họ bị tịch thu.

Dmitry Peskov, Giám đốc báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết hồi tháng 3: “Người châu Âu nhận thức rõ về thiệt hại mà những quyết định như vậy có thể gây ra cho nền kinh tế cũng như hình ảnh của họ, danh tiếng của họ như một người bảo đảm đáng tin cậy, có thể nói, về quyền bất khả xâm phạm về tài sản”.

Trong số nhiều mối đe dọa pháp lý và kinh tế mà các thể chế và chính phủ phương Tây gặp phải khi xử lý 300 tỷ euro ngoại hối của Nga, mối đe dọa này khiến các chính trị gia ít quan tâm nhất.

CHÂU ÂU GẤP RÚT TRAO QUÀ CHO UKRAINE: GIẤC MƠ CỦA KIEV SẮP THÀNH?

Ủy ban châu Âu khuyến nghị Liên minh châu Âu nên bắt đầu cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine.

Mong muốn vào EU của Ukraine sắp thành hiện thực?

Tờ Financial Times (FT) dẫn nguồn thạo tin cho biết, Ủy ban Châu Âu đã khuyến nghị Liên minh châu Âu (EU) nên bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine trong tháng này. Động thái này nằm trong nỗ lực thể hiện sự ủng hộ của khối đối với Kiev ngay trước khi Budapest đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EU.

Kiev đã nộp đơn xin gia nhập EU vài tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và được cấp tư cách ứng cử viên vài tháng sau đó. Đây là một trong những quyết định nhanh nhất của khối, được thúc đẩy bởi những động thái từ phía Moscow.

Chiến dịch quân sự của Nga đã thúc đẩy quá trình mở rộng EU, khi Ukraine và Moldova trở thành các ứng cử viên gia nhập EU vào tháng 6/2022 và Georgia vào cuối năm 2023. Các cuộc đàm phán với một số nước ở Tây Balkan cũng đã được đẩy nhanh sau nhiều năm trì trệ.

Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, trong cuộc họp về tư cách thành viên của Ukraine ở EU hồi tháng 12/2023, Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người phản đối các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine - đã quyết định rời khỏi phòng họp trong khi 26 lãnh đạo đại diện cho 26 quốc gia thành viên còn lại của EU tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu quyết định.

Hôm 7/6, phát biểu tại một cuộc họp với các đại sứ các nước thành viên, Ủy ban Châu Âu cho biết, Ukraine hiện đã đáp ứng các tiêu chí như thực hiện các biện pháp chống tham nhũng, hạn chế vận động hành lang chính trị, các quy định về kê khai tài sản đối với các quan chức nhà nước...

Georgia trong những tuần gần đây đã thông qua luật kiểm soát đại diện nước ngoài bất chấp cảnh báo của Brussels và đã không nhận được tín hiệu tích cực từ EU.

Lo ngại vấp phải cản trở từ Hungary

Theo một số quan chức quen thuộc với vấn đề, khuyến nghị của Ủy ban châu Âu đòi hỏi sự nhất trí từ tất cả 27 chính phủ của EU và Hungary đã nhanh chóng đưa ra phản đối tại cuộc họp hôm 7/6. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu cho biết: "Quyết định hiện nằm trong tay các quốc gia thành viên".

Budapest cho rằng, Kiev cần phải làm nhiều hơn nữa vì quyền lợi của người dân tộc Hungary sống ở Ukraine. Hai nguồn thạo tin cho biết, một cuộc thảo luận của khối về việc có bắt đầu đàm phán để Ukraine gia nhập EU không sẽ bắt đầu vào tuần tới. Người phát ngôn của chính phủ Hungary đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban - một đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 12 đã nhượng bộ trong việc phủ quyết đề nghị gia nhập EU của Ukraine, nói rằng ông sẽ có rất nhiều cơ hội để ngăn chặn việc này trong tương lai.

Trước đây, Thủ tướng Orban đã nhiều lần trì hoãn các quyết định khác liên quan đến Ukraine, bao gồm việc trao cho nước này tư cách ứng cử viên EU và thông qua gói viện trợ 50 tỷ USD của khối dành cho Kiev.

Budapest sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của EU vào ngày 1/7, điều này sẽ mang lại cho nước này thêm đòn bẩy trong việc thiết lập chương trình nghị sự của các cuộc họp, nơi các vấn đề liên quan đến Ukraine sẽ được thảo luận.

Bỉ - nước nắm giữ chức chủ tịch luận phiên hiện tại đang thúc đẩy nỗ lực tổ chức vòng đàm phán gia nhập đầu tiên của Ukraine vào ngày 25/6 - trước khi trao quyền tiếp quản cho Hungary.

Hungary chỉ trích cách tiếp cận của phương Tây

Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 7/6 cho biết, EU đã rơi vào tình trạng "rối loạn" giữa căng thẳng Nga - Ukraine, đồng thời cho biết rằng lối suy nghĩ này nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc khối triển khai quân đội tới Ukraine.

Budapest đã liên tục chỉ trích cách tiếp cận của phương Tây đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến leo thang và xung đột trực tiếp giữa châu Âu và Nga.

Quốc gia EU này cũng phản đối quan điểm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người đã gợi ý rằng phương Tây không nên loại trừ lựa chọn gửi quân tới Ukraine. Hungary cảnh báo rằng một động thái như vậy có thể gây ra Thế chiến thứ 3.

LÝ GIẢI NGUYÊN NHÂN KHIẾN CHÂU ÂU TỤT HẬU TRƯỚC MỸ-TRUNG

Theo New York Times, EU đang rơi vào cuộc khủng hoảng về năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc liên tục chạy đua giành ưu thế trên trường kinh tế toàn cầu.

Tỷ trọng của châu Âu trong nền kinh tế toàn cầu đang bị thu hẹp, làm dấy lên lo ngại rằng “lục địa già” khó có thể theo kịp Mỹ và Trung Quốc.

Trong một báo cáo về tương lai của của thị trường chung Liên minh châu Âu (EU), cựu thủ tướng Ý Enrico Letta nhận xét: “Chúng ta quá nhỏ bé”.

Ông Nicolai Tangen, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới đến từ Na Uy, nói với Financial Times: “Dân châu Âu không có nhiều tham vọng”. “Còn người Mỹ làm việc chăm chỉ hơn nhiều”.

Hiệp hội các phòng thương mại châu Âu tuyên bố: “Các doanh nghiệp châu Âu cần lấy lại sự tự tin”.

Châu Âu được cho là đang rơi vào một “cuộc khủng hoảng về năng lực cạnh tranh”. Bên cạnh việc ban hành quá nhiều quy định, giới lãnh đạo của khối lại có rất ít quyền lực. Thị trường tài chính quá phân mảnh; đầu tư công lẫn tư rất thấp; còn các doanh nghiệp quá nhỏ để cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.

Trong khi đó, Bắc Kinh và Washington đang rót hàng trăm tỷ USD nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, năng lượng thay thế và xe điện, đồng thời có tác động mạnh mẽ đến thương mại tự do của thế giới.

Đầu tư tư nhân tại EU cũng tụt hậu. Theo báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey, đầu tư bởi các tập đoàn lớn vào khối thấp hơn 60% so với Mỹ trong năm 2022, đồng thời tăng trưởng đầu tư vào Mỹ cao gấp 2/3 lần EU.

Về thu nhập bình quân đầu người, tính trung bình, EU thấp hơn 27% so với Mỹ. Tăng trưởng năng suất chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác, trong khi giá năng lượng lại cao hơn nhiều.

Những thách thức cố hữu đối với Liên minh châu Âu ngày càng lớn trong bối cảnh trình độ công nghệ phát triển nhanh chóng, xung đột quốc tế ngày càng tăng và nhiều chính sách quốc gia được ban hành nhằm định hướng kinh doanh.

Trước tình cảnh hiện tại, châu Âu đã thực hiện một số biện pháp để bắt kịp thời cuộc. Năm ngoái, EU đã thông qua kế hoạch công nghiệp xanh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Mùa xuân năm nay, EU lần đầu tiên đề xuất chính sách phòng thủ công nghiệp. Nhưng những nỗ lực này dường như bị lấn át bởi nguồn lực từ Mỹ và Trung Quốc.

Trong một phân tích mới nhất, công ty nghiên cứu Rystad Energy dự báo EU “sẽ rời xa mục tiêu chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng về điện tái tạo, công nghệ sạch và đầu tư vào chuỗi cung ứng trong khối”.

Theo cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, cả đầu tư công và tư ở EU cần tăng thêm 500 tỷ euro mỗi năm chỉ để dành riêng cho quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm theo kịp Mỹ và Trung Quốc.

Vẫn còn một bộ phận lớn ở châu Âu ưa thích thị trường mở và bày tỏ nghi ngờ về sự can thiệp của chính phủ. Nhưng nhiều quan chức cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu khẳng định cần phải có hành động quyết liệt hơn.

Họ lập luận rằng nếu không tập hợp tài chính công và tạo ra một thị trường vốn duy nhất, châu Âu sẽ không thể thực hiện các khoản đầu tư cần thiết vào quốc phòng, năng lượng, siêu máy tính và nhiều lĩnh vực khác để cạnh tranh hiệu quả.

Ông Letta cho biết mình đã trực tiếp trải nghiệm những rào cản đối với khả năng cạnh tranh của châu Âu khi dành sáu tháng tới 65 thành phố châu Âu để nghiên cứu báo cáo. Ông chỉ ra rằng không thể đi lại “bằng đường sắt cao tốc giữa các thủ đô châu Âu”. “Đây là một mâu thuẫn sâu sắc, cho thấy các vấn đề của thị trường chung”.

Trong hơn một thập kỷ, châu Âu đã tụt hậu về một số thước đo khả năng cạnh tranh, bao gồm đầu tư vốn, nghiên cứu và phát triển, cũng như tăng trưởng năng suất. Nhưng theo McKinsey, khối này đang dẫn đầu thế giới về giảm khí thải, hạn chế bất bình đẳng thu nhập và tăng cường tính di động xã hội.

Vả lại, một số khoảng cách về kinh tế với Mỹ là kết quả của sự lựa chọn. Cách biệt về tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người giữa châu Âu và Mỹ phần lớn là bởi người châu Âu trung bình chọn làm việc ít giờ hơn.

Nhưng những lựa chọn xa xỉ như vậy đối với người châu Âu có thể biến mất nếu họ tiếp tục như hiện tại. Ông Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Bruegel, cho biết các chính sách quản lý năng lượng, thị trường và ngân hàng trong khối quá khác nhau. “Nếu chúng tôi tiếp tục có 27 thị trường chưa hội nhập tốt, chúng tôi không thể cạnh tranh với người Trung Quốc hoặc Mỹ”, ông cảnh báo.

THÊM MỘT CHIẾN THẮNG CHO THỦ TƯỚNG ITALY

Chiều 8/6, cử tri Italy bắt đầu bỏ phiếu để bầu ra 76 ghế trong Nghị viện châu Âu mới, cùng các cuộc bầu cử địa phương tại hơn 3.700 đô thị và vùng Piedmont. Các điểm bỏ phiếu trên khắp Italy mở cửa từ 15 giờ ngày 8/6, với tổng cộng 12 đảng tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Thủ tướng Giorgia Meloni và đảng Anh em Italy (FdI) cánh hữu của bà đang trên đường giành chiến thắng lớn, tiếp tục bỏ xa các đối tác trong liên minh cầm quyền như đảng Liên đoàn (Lega) chống người di cư và đảng Forza Italia (FI) trung hữu.

tướng Meloni duy trì được tỷ lệ ủng hộ ổn định kể từ khi trở thành Thủ tướng vào tháng 10/2022, một phần nhờ phe đối lập trung dung và cánh tả bị chia rẽ, cũng như sự sụt giảm ủng hộ đối với 2 đảng còn lại trong liên minh cầm quyền.

Kết quả cuộc thăm dò lớn mới nhất của Euronews, được công bố ngày 5/6, cho thấy FdI có khả năng giành được 27,2% số phiếu bầu, gấp hơn 3 lần so với con số 9,1% của Lega và 8,1% của FI. Đứng thứ 2 là đảng Dân chủ trung tả (PD) đối lập với 20,6%, thứ 3 là Phong trào năm sao (M5S) với 15,7%, trong khi tỷ lệ ủng hộ các đảng còn lại đều dưới 4,5%.

Thủ tướng Meloni, người đứng đầu Nhóm bảo thủ và cải cách châu Âu (ECR), đích thân lãnh đạo chiến dịch tranh cử của đảng mình với mục tiêu đạt được tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao để giành được càng nhiều ghế càng tốt và tác động đến việc hình thành các liên minh trong Nghị viện châu Âu tương lai.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Maurizio Scordino nói: “Tôi đã bỏ phiếu cho bà Giorgia Meloni và đảng FdI vì tôi hoàn toàn nhất trí với các giải pháp của Thủ tướng về nhập cư. Tôi hy vọng các đại biểu trong Nghị viện mới sẽ hoàn thành chương trình họ đã đưa ra. Ở châu Âu, tôi thấy rằng Italy đang được tôn trọng hơn”.

Tuy nhiên, trước khi có thể trở thành một người môi giới quyền lực tại Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Meloni cần phải vượt qua hai trở ngại ở trong nước. Một là Phó Thủ tướng Matteo Salvini, người đứng đầu đảng Lega thuộc Nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID) của nhà lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen, với cương lĩnh tranh cử thiên hữu hơn. Hai là khả năng cánh tả được củng cố. Nếu PD, một thành viên của nhóm Xã hội và Dân chủ (S&D), có thể tìm thấy điểm chung với M5S, phong trào do cựu Thủ tướng Giuseppe Conte lãnh đạo, thì các lực lượng cánh tả và trung tả có thể tạo ra một cấu trúc mạnh mẽ trong bối cảnh chính trị rạn nứt của Italy.

Cử tri Italy có thể bỏ phiếu cho đến tận 23 giờ ngày 9/6, khi cuộc bầu cử tại những nơi khác ở châu Âu đã kết thúc. Các kết quả sơ bộ sẽ được công bố sau đó.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN về những kỳ vọng đối với Nghị viện châu Âu mới, ông Claudio Protasi nói: “Với nghị viện mới, tôi hy vọng có thêm sự đoàn kết ở châu Âu bởi hiện vẫn còn rất nhiều người đang trải qua khó khăn, thậm chí trong hoàn cảnh nghèo đói và cần sự trợ giúp của cộng đồng. Tôi hy vọng về một châu Âu với những ý tưởng có thể đảm bảo cuộc sống cho tất cả người lao động”. Còn bà Cinzia Scuto nói: “Ở Italy, chúng tôi rất coi trọng việc làm, gia đình và sức khỏe. Chúng tôi rất tin tưởng vào những người lãnh đạo sắp tới ở châu Âu, những đại diện đầy năng động của một thế hệ mới, có thể đáp ứng được mong muốn của chúng tôi”.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu được cho là không ảnh hưởng đến chính trị quốc gia, nhưng thực tế lại rất khác, đặc biệt là ở Italy. Thủ tướng Meloni đang hy vọng kết quả bỏ phiếu sẽ thắt chặt sự kiểm soát của bà đối với chính trường Italy. Bà Meloni thậm chí còn kêu gọi cử tri “chỉ viết Giorgia” (tên của bà) trên lá phiếu của họ. Lý do là cuộc bầu cử này có thể giúp định hình hướng đi tương lai của Italy, cũng như đánh giá sức nóng của các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu và tương lai của Thỏa thuận xanh châu Âu, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, di cư và vai trò trên toàn cầu của EU.

Nguồn: VTV; Kinh tế & Đô thị; Soha; CafeF; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang