- Thời sự
- EU
Mỗi năm tại châu Âu ghi nhận khoảng 175.000 người chết vì nắng nóng và dự kiến tăng vọt những năm tới do tình trạng ấm lên toàn cầu.
Số liệu trên trên UN News dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hôm 2/8.
“Hơn 50 quốc gia khắp châu Âu đang phải trả giá đắt nhất do nhiệt độ liên tục tăng” – Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết – “Mỗi năm ở châu Âu ghi nhận khoảng 175.000 người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng”.
WHO nhấn mạnh nhiệt độ ở châu Âu đang tăng nhanh gấp 2 lần so với mức trung bình trên toàn cầu. Số ca tử vong liên quan đến nắng nóng trong khu vực châu Âu đã tăng 30% trong 2 thập niên qua.
Khu vực châu Âu đã trải qua 3 năm nóng nhất trong lịch sử kể từ năm 2020. Nhiệt độ cực đoan làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính, gồm tim mạch, hô hấp và bệnh mạch máu não, sức khỏe tâm thần và các bệnh liên quan đến tiểu đường.
WHO dự báo số ca tử vong liên quan đến nắng nóng dự kiến tăng vọt trong những năm tới do tình trạng ấm lên toàn cầu.
WHO kêu gọi các chính phủ cần phải hành động nhiều hơn nữa để giảm thiểu tình trạng sốc nhiệt đối với những người dễ bị tổn thương.
Số liệu và cảnh báo của WHO được đưa ra sau khi Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hiệp Quốc ( WMO) ghi nhận nhiệt độ Trái đất đạt mức kỷ lục trong 3 ngày liên tiếp từ 21-23/7.
Nhiều khả năng sản xuất công nghiệp ở châu Âu sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn trong những tháng tới, chuyên gia nhận định.
Hoạt động công nghiệp tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục suy giảm vào tháng 7, trong khi những khó khăn kinh tế mà "cựu lục địa" phải đối mặt ít có dấu hiệu thuyên giảm, theo kết quả khảo sát kinh doanh được công bố hôm 1/8.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của Ngân hàng thương mại Hamburg (HCOB) – đo lường sức khỏe tổng thể của các nhà máy trên toàn khu vực Eurozone, giữ nguyên ở mức 45,8 điểm. Con số này cao hơn một chút so với mức 45,6 điểm được báo cáo trong ước tính nhanh công bố tuần trước, nhưng thấp hơn đáng kể so với mốc 50 điểm phân biệt giữa tăng trưởng và suy giảm.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và Eurozone, có PMI thấp nhất trong 3 tháng, trượt từ mức 43,5 điểm xuống 43,2 điểm trong giai đoạn tháng 6-tháng 7. Điều này diễn ra sau khi tăng trưởng GDP của quốc gia này yếu hơn dự kiến, -0,1% thay vì dự báo trước đó là +0,1%, do cơ quan thống kê Eurostat của EU công bố.
Tin tức này làm gia tăng nỗi lo rằng Đức có thể đang bên bờ vực của một cuộc suy thoái kỹ thuật (được xác định bằng ít nhất 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm) chỉ vài tháng sau khi thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế năm 2023, khi đầu tàu châu Âu ghi nhận thành tích tệ nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới.
Ông Sander Tordoir, nhà kinh tế trưởng tại Trung tâm Cải cách châu Âu (CER), cho biết tình trạng suy thoái công nghiệp của Đức không còn có thể được đổ lỗi cho sự tăng vọt giá năng lượng theo sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào tháng 2/2022, vì chi phí năng lượng hiện nay nhìn chung tương tự như mức trước đại dịch Covid-19.
"Tôi nghĩ sẽ mất thời gian để phân tích các yếu tố, nhưng cũng rất rõ ràng rằng không thể thực sự là lỗi của năng lượng nữa", ông Tordoir nói với cổng thông tin Euractiv hôm 1/8.
Vị chuyên gia cho rằng những nguyên nhân có thể dẫn đến sự suy giảm công nghiệp của Đức bao gồm nhu cầu trong nước và bên ngoài chậm lại cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc, quốc gia đang ngày càng ưu tiên xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tiên tiến.
"Thặng dư xuất khẩu sản xuất của Trung Quốc cao hơn nhiều so với trước đại dịch và chúng có xu hướng nằm ở các lĩnh vực thế mạnh của Đức, chủ yếu là ô tô. Vì vậy, theo tôi, đó hẳn là một yếu tố lớn", ông Tordoir cho biết.
Trong khi đó, Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 của khu vực Eurozone, đã ghi nhận mức giảm PMI thậm chí còn lớn hơn, từ 45,4 xuống 44. Đây là mức thấp nhất mà nước này ghi nhận trong 6 tháng và thấp hơn một chút so với ước tính sơ bộ của tuần trước là 44,1.
"Hoạt động công nghiệp ở khu vực Eurozone đã bị ảnh hưởng trên diện rộng vào tháng 7", ông Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng thương mại Hamburg (HCOB), cho biết trong một tuyên bố.
Vị chuyên gia cho biết thêm rằng dữ liệu khảo sát cho thấy chỉ có Hy Lạp và Tây Ban Nha ghi nhận "tăng trưởng thực chất" trong hoạt động nhà máy vào tháng trước – nhưng cảnh báo rằng "ngay cả ở các nước này, động lực cũng đã chậm lại đáng kể".
"Nhiều khả năng ngành sản xuất sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn trong những tháng tới", ông De la Rubia nhận định.
Lần đầu tiên, năng lượng gió và mặt trời chiếm tỷ lệ cao hơn nhiên liệu hóa thạch trong tổng lượng điện sản xuất của Liên minh Châu Âu nửa đầu năm 2024.
Theo phân tích của Viện nghiên cứu Ember, năng lượng gió và mặt trời chiếm tỷ lệ kỷ lục là 30% nhu cầu năng lượng toàn khu vực. Dầu, khí đốt và than đá đóng góp tổng cộng 27% điện năng - giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là cột mốc đáng chú ý khi xét đến thời điểm hai năm trước, châu Âu đang chạy đua nhập khẩu khí đốt vì Nga cắt nguồn cung sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine. Giá khí đốt tăng vọt và nhu cầu đi xuống. Tuy nhiên, nhu cầu đang có dấu hiệu phục hồi và được thay thế bằng năng lượng tái tạo. Thủy điện đã trở lại sau khi hạn hán giảm bớt ở một số khu vực của EU, với sự kết hợp của điện gió và mặt trời, năng lượng tái tạo đóng góp một nửa sản lượng điện cho EU trong nửa đầu năm.
"Những cột mốc quan trọng này chỉ ra định hướng rất rõ ràng", Chris Rosslowe, nhà phân tích tại Ember, nói với Business Insider. "Câu hỏi không phải là liệu năng lượng tái tạo có thống trị mạng lưới điện của châu Âu hay không mà là khi nào điều đó sẽ xảy ra".
Xu hướng này đặt ra câu hỏi về việc xây dựng nhanh chóng các nhà ga xuất khẩu khí đốt, được gọi là nhà ga LNG, tại Mỹ và Canada, để vận chuyển nhiều nhiên liệu hơn đến châu Âu. Ember phát hiện rằng trong năm nay, sản lượng khí đốt tại EU đã giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023, ngay cả khi nhu cầu điện tăng lên. Năng lượng tái tạo gia tăng đã đẩy nhiên liệu hóa thạch ra khỏi các quốc gia như Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và Bỉ.
Trong một báo cáo riêng, Ember dự báo tình trạng dư thừa nguồn cung LNG toàn cầu vào năm 2026 và nhu cầu khí đốt của EU sẽ giảm đáng kể vào năm 2030.
"Mục tiêu ngắn hạn là đa dạng hóa các nguồn cung khí đốt ở châu Âu khi Nga xung đột Ukraine", Sarah Brown, Giám đốc chương trình châu Âu của Ember, cho biết. Bà nói thêm rằng việc xuất khẩu LNG hàng loạt từ những nơi như Mỹ, đã bỏ qua thực tế rằng nhu cầu khí đốt đang giảm nhanh chóng ở châu Âu.
"Nguồn cung LNG toàn cầu, bao gồm các dự án đang hoạt động và đang được xây dựng, vượt xa nhu cầu dự kiến", bà Brown cho biết.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, vào năm 2023, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, vượt qua Úc và Qatar. Châu Âu là điểm đến chính cho các mặt hàng xuất khẩu này và nhu cầu dự kiến sẽ tăng trong năm nay. Các chuyến hàng đến Châu Á cũng đang tăng lên. 5 nhà ga LNG mới đang được xây dựng tại Mỹ và hơn 10 nhà ga nữa có thể đang được lên kế hoạch, chúng tùy thuộc vào kết quả đánh giá tác động của chính quyền Biden đối với khí hậu.
Nhưng ngành khí đốt có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ tiềm năng ở các nước châu Âu như Đức, quốc gia bổ sung công suất điện gió và mặt trời nhiều nhất trong số các thành viên EU trong nửa đầu năm. Đức cũng đã đóng cửa 15 nhà máy điện than vào tháng 4 và nhập khẩu thêm điện hạt nhân từ Pháp.
Rosslowe cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức phản ánh các quyết định chính sách được đưa ra cách đây vài năm. Vào năm 2021, Chính phủ đã đặt mục tiêu tham vọng hơn để giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm việc loại bỏ than vào năm 2030 và thay đổi một số quy trình cấp phép để đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các dự án năng lượng gió và mặt trời
Báo cáo của Ember cho biết, mặc dù chưa rõ mức độ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm như thế nào ở châu Âu, nhưng một loạt các dự án năng lượng gió và mặt trời đang được triển khai cho thấy ngưỡng chuyển giao này có thể là vĩnh viễn.
Từ ngày 1/8, Liên minh châu Âu (EU) chính thức kích hoạt Đạo luật quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), với kỳ vọng rằng sẽ bảo vệ quyền công dân trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đầu năm nay, sau các cuộc đàm phán diễn ra khá căng thẳng, EU đã thống nhất thông qua các quy tắc sâu rộng đầu tiên trên thế giới để quản lý AI, đặc biệt là các hệ thống phổ biến như ChatGPT của OpenAI. Các công ty sẽ phải tuân thủ đạo luật này vào năm 2026, tuy nhiên, một số điều khoản của luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Đạo luật AI là gì?
Đạo luật AI (AI Act) là một phần của luật pháp EU về quản lý AI, được Ủy ban châu Âu đề xuất lần đầu tiên vào năm 2020, nhằm giải quyết những tác động tiêu cực của AI.
Đạo luật đặt ra một khuôn khổ quản lý toàn diện và hài hòa cho AI trên toàn EU, áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để quản lý công nghệ. Đồng thời, luật sẽ tác động đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phát triển hệ thống AI; nhưng cũng có thể tác động đến doanh nghiệp không phải công ty công nghệ nhưng triển khai hoặc chỉ sử dụng AI trong một số trường hợp nhất định.
Luật áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để quản lý AI, nghĩa là các ứng dụng khác nhau của công nghệ sẽ được quản lý khác nhau tùy thuộc vào mức độ rủi ro mà AI gây ra cho xã hội. Chẳng hạn, nhà cung cấp AI có rủi ro cao phải tiến hành đánh giá rủi ro và đảm bảo sản phẩm tuân thủ luật pháp EU trước khi ra mắt công chúng. Các hình ảnh, văn bản hay video do AI sản sinh sẽ phải được ghi rõ là sản phẩm của AI...
Có thể nói, nếu hệ thống có rủi ro cao, công ty sẽ phải thực hiện luật và nghĩa vụ chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền công dân. Ví dụ, rủi ro đối với sức khỏe hoặc quyền lợi của người châu Âu càng cao thì các công ty càng phải có nghĩa vụ lớn hơn trong việc bảo vệ cá nhân khỏi bị tổn hại.
Ngoài ra, các lệnh cấm sử dụng AI để giám sát dựa trên tổng hợp dữ liệu và các hệ thống sử dụng thông tin sinh trắc học để suy đoán chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng tình dục của một cá nhân sẽ được áp dụng 6 tháng sau khi Luật có hiệu lực.
Mức phạt cho các hoạt động vi phạm
Đạo luật AI của EU chia công nghệ thành các loại rủi ro, từ không thể chấp nhận - nghĩa là công nghệ sẽ bị cấm - đến mức độ rủi ro cao, trung bình và thấp.
Trong Đạo luật AI, các công ty vi phạm quy định về các hành vi bị cấm hoặc nghĩa vụ dữ liệu sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 35 triệu euro (41 triệu USD) hoặc 7% doanh thu hằng năm trên toàn thế giới. Mức phạt sẽ tùy thuộc vào hành vi vi phạm và quy mô của công ty bị phạt. Mức phạt này cao hơn so với GDPR, luật bảo mật kỹ thuật số nghiêm ngặt của châu Âu – các công ty phải đối mặt với mức phạt lên tới 20 triệu euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu hàng năm vì vi phạm GDPR.
Các chuyên gia dự đoán, Đạo luật AI sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến toàn cầu, tuy nhiên, EU cần "mạnh tay" phạt nặng các công ty vi phạm để các quy định có tác động sâu rộng.
Các hạn chế đối với các hệ thống mô hình chung sẽ bắt đầu được giám ít nhất sau 12 tháng nữa. Các hệ thống AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI và Gemini của Google có 36 tháng để hoàn thiện hệ thống tuân thủ quy định.
Hồi tháng 5, EU đã thành lập văn phòng AI - gồm các chuyên gia công nghê, luật sư và nhà kinh tế - theo luật mới để đảm bảo luật được tuân thủ nghiêm ngặt. Việc giám sát tất cả mô hình AI nằm trong phạm vi của đạo luật sẽ thuộc về Văn phòng AI của EU.
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc khả năng đình chỉ các khoản viện trợ cho Gruzia trong bối cảnh đạo luật minh bạch về ảnh hưởng của nước ngoài có hiệu lực tại quốc gia này.
Ông Peter Stano, người phát ngôn chính về chính sách đối ngoại và an ninh của Ủy ban châu Âu tuyên bố khối này đang cân nhắc việc đình chỉ các khoản hỗ trợ cho Gruzia.
Ông lưu ý rằng cơ quan ngoại giao EU thực sự quan ngại về những sự kiện gần đây ở Gruzia và việc luật gây tranh cãi nói trên có hiệu lực tại quốc gia này là một bước thụt lùi trên con đường hội nhập vào Liên minh châu Âu.
Trong ngắn hạn, EU đã giảm các cuộc tiếp xúc chính trị với các quan chức Gruzia đồng thời EU đang cân nhắc việc đình chỉ hỗ trợ tài chính cho chính phủ Gruzia. Ông cũng lưu ý rằng Liên minh châu Âu đã đóng băng 30 triệu euro viện trợ quân sự cho Gruzia trong khuôn khổ cơ sở Hòa bình châu Âu.
Cuối tháng 5 vừa qua, Gruzia thông qua luật minh bạch về ảnh hưởng của nước ngoài. Tiếp đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, các nhà lãnh đạo của khối đã kêu gọi chính quyền Gruzia làm rõ ý định gia nhập, thông qua việc cân nhắc lại tiến trình hành động hiện nay.
Liên minh châu Âu cho rằng động thái của Gruzia trên thực tế đã khiến tiến trình gia nhập EU của nước này bị tạm dừng. Đạo luật này bắt đầu có hiệu lực hồi tháng 6 bất chấp sự phản đối của phe đối lập và sự phủ quyết của Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, sau đó đã cảnh báo Gruzia rằng khả năng gia nhập liên minh của nước này đang bị đe dọa.
Dự kiến, Gruzia sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 10. Đại sứ EU tại nước này bày tỏ hy vọng chính phủ mới sẽ bắt đầu lại công việc nghiêm túc hướng tới hội nhập vào liên minh.
Nguồn: Giáo dục & Thời đại; Người Đưa Tin; Năng Lượng Quốc Tế; Tài Chính Tiền Tệ; VOV
EU: Tuyết rơi sớm, lũ kinh hoàng; Thách thức sống còn; Cần 800 tỷ euro vực dậy kinh tế; Giảm thuế xe điện TQ; Động thái mới về tài sản Nga
EU: Kinh tế suy giảm; Người độc thân chật vật; Luật cạnh tranh gặp khó; Kiếm tiền từ dầu giá rẻ của Nga; Pháp 50 ngày chưa có thủ tướng
EU: Kinh tế yếu hơn dự tính; Dầu Nga vẫn chảy; Maroc chặn 45.000 di dân lậu; Anh-Ireland tái thiết quan hệ; Pháp 'quay cuồng' vì biểu tình
EU: Hết dư địa giảm lãi suất; Vẫn cần khí đốt Nga; Gập ghềnh cuộc đua xe điện; Truy thu 14 tỉ USD tiền thuế của Apple; 'Thề' đáp trả Iran
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá