- Thời sự
- EU
Các nhà hoạt động Hy Lạp đã lên án NATO và chính phủ đã kéo đất nước vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Các nhà hoạt động ở Hy Lạp đã phản đối viện trợ của NATO cho Kiev và chặn một đoàn xe tải chở vũ khí dành cho quân đội Ukraine, truyền thông Hy Lạp đưa tin trong tuần này.
Cuộc biểu tình được tổ chức bởi các thành viên của Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) và chi nhánh thanh niên KNE của đảng này tại thị trấn Tyrnavos thuộc vùng Thessaly.
Theo truyền thông địa phương, hàng chục nhà hoạt động đã chặn 1 xa lộ ở Tyrnavos nhằm cố gắng chuyển hướng một đoàn 6 xe tải có biển số từ Ukraine, Ba Lan và Bulgaria.
Những chiếc xe này được cho là chở "tên lửa và đạn dược khác" từ một căn cứ quân sự địa phương đến Ukraine theo các thỏa thuận song phương do Athens và Kiev ký kết.
Các video đăng trên mạng internet cho thấy người biểu tình vẫy biểu ngữ và cờ, hô vang các khẩu hiệu lên án NATO và viện trợ của NATO cho Ukraine. Họ cũng chỉ trích chính phủ Hy Lạp vì đã thực sự kéo đất nước vào một cuộc chiến với Nga.
“Chúng tôi thay mặt cho các nhóm doanh nghiệp trong nước lên án chính phủ. Họ đang đổ hết đạn dược khỏi các trại lính Hy Lạp, khiến đất nước này tham gia vào một cuộc chiến tranh bất công giữa Hoa Kỳ-NATO-EU”, Vasilis Metaxas, Nghị sĩ châu Âu của KKE, phát biểu trong cuộc biểu tình.
Người biểu tình cũng lên án việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm vào giữa ban ngày qua một thành phố đông dân, nơi có hàng nghìn người sinh sống. Cuối cùng, những chiếc xe tải buộc phải dừng lại và đi theo một con đường khác.
Sau khi những chiếc xe tải rời đi, người biểu tình tiếp tục diễu hành qua thị trấn, có sự tham gia của cư dân địa phương và thị trưởng Stelios Tsikritsi của Tyrnavos.
“Người dân Tyrnavos, với truyền thống đấu tranh của mình, đã nhiều lần gửi đi thông điệp phản chiến. Chúng tôi sẽ không để hàng hóa tử thần đi qua thành phố, không để đất nước bị kéo sâu hơn vào lò sát sinh” - thị trưởng Tsikritsi phát biểu.
Hy Lạp, cùng với hầu hết các nước đồng cấp EU, đã đứng về phía Kiev trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và đã cung cấp đạn dược và các loại vũ khí khác cho Ukraine.
Tháng trước, Athens ký một thỏa thuận an ninh với Kiev, cam kết tham gia đào tạo phi công và nhân viên kỹ thuật Ukraine để vận hành máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.
Nga đã cảnh báo về viện trợ quân sự của phương Tây cho Kiev và nói rằng việc cung cấp vũ khí sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí về sự cần thiết phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn trong vấn đề an ninh, thay vì chỉ dựa vào Mỹ.
Ðây là tuyên bố được Thủ tướng Hungary Viktor Orban đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) lần thứ 5, diễn ra trong ngày 7/11 tại nước này, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo đến từ gần 50 quốc gia châu Âu và các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề an ninh cấp bách của châu Âu, trong đó có nạn di cư bất hợp pháp, an ninh và kết nối khu vực.
Còn ông Edi Rama, Thủ tướng Albania - nước dự kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EPC lần thứ 6 vào tháng 5/2025, đã đánh giá cao cơ hội trao đổi thẳng thắn về các vấn đề nhạy cảm.
Ông Edi Rama cũng lưu ý rằng mức độ tương tác hiện nay giữa EU với các quốc gia châu Âu khác ngoài khối tăng cao so với cách đây vài năm, bày tỏ sự lạc quan về tương lai của Albania sẽ sớm được kết nạp vào EU và ghi nhận sự ủng hộ của Hungary - với tư cách Chủ tịch luân phiên của EU trong việc khởi động các cuộc đàm phán gia nhập EU trực tiếp. Thủ tướng Rama cũng bày tỏ hy vọng Albania cùng các nước Tây Balkan có thể gia nhập EU trong thập kỷ này.
Thông tin ông Donald Trump thắng cử và quay trở lại Nhà Trắng với tư cách Tổng thống thứ 47 của Mỹ đang “chiếm sóng” mọi diễn đàn, sự kiện khắp nơi và trở nên đặc biệt “nóng” ở bên kia bờ Đại Tây Dương.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 7/11 cho biết rằng hòa bình là điều cần thiết ở châu Âu "càng sớm càng tốt" nhưng ưu tiên hàng đầu là đạt được lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) tại thủ đô Budapest, ông Orban cho biết: "Chúng ta đã nhất trí rằng chúng ta cần hòa bình càng sớm càng tốt ở châu Âu". Tuy nhiên, ông lập luận rằng hòa bình chỉ là "bước thứ hai".
"Bước đầu tiên là lệnh ngừng bắn. Và tôi lo ngại rằng nếu chúng ta suy nghĩ quá nhiều và nói quá nhiều về giải pháp hòa bình lâu dài sau chiến tranh, chúng ta có thể làm giảm cơ hội đạt được lệnh ngừng bắn", nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy của Hungary nói.
Ông Orban nhắc lại rằng nếu không có đối thoại, sẽ không thể có hòa bình, và chìa khóa của đối thoại là thiết lập lệnh ngừng bắn. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu Âu phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với an toàn và an ninh của chính mình.
"Chúng ta không thể chờ người Mỹ bảo vệ chúng ta", ông Orban nói. "Và cũng có sự nhất trí rằng châu Âu nên tiếp tục là một bên tích cực trong các cuộc đàm phán về tương lai. Điều này sẽ quyết định tương lai của châu Âu".
Thủ tướng Hungary lưu ý rằng sẽ sớm có các cuộc đàm phán như vậy và trong thời gian đó, châu Âu "nên có mặt để có thể tác động đến các quyết định trong tương lai".
Về chủ đề viện trợ cho Ukraine, ông Orban bày tỏ lo ngại về tương lai của khoản hỗ trợ tài chính mà các quốc gia phương Tây đã cam kết. Gói viện trợ trị giá 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) cho Ukraine hiện là một "câu hỏi còn bỏ ngỏ" sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Orban nói.
Ngoài ra, cũng có câu hỏi được đặt ra đối với NATO sau khi ông Trump thắng cử. Trong khi các nhà phân tích không chắc chắn liệu chính quyền Trump 2.0 có tiếp tục cam kết với NATO hay không, các chuyên gia cho rằng ông Trump có thể gây sức ép để buộc các đồng minh ở châu Âu có trách nhiệm nhiều hơn đối với vấn đề tự vệ.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump thường nói về việc nước Mỹ không chỉ quay lưng lại với các đồng minh của mình mà còn cho phép đối thủ "làm bất cứ điều gì họ muốn" đối với các quốc gia thành viên không chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng chung.
"Nói thẳng ra, không ai biết ông Trump sẽ làm gì với NATO. Ông ấy không có cam kết sâu sắc với NATO và ông ấy từ lâu đã lập luận rằng châu Âu nên làm nhiều hơn nữa để tự vệ", Giáo sư Stephen M. Walt từ Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế Robert và Renée Belfer thuộc Trường Harvard Kennedy, nói với Newsweek.
"Nhưng ông ấy có thể thích ở lại NATO để có ảnh hưởng đến các chính sách của khối, trong khi liên tục phàn nàn về những gì người châu Âu đang làm và sử dụng mối đe dọa rút lui để ép buộc họ về cả vấn đề kinh tế và an ninh".
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về khả năng tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong trường hợp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump quyết định ngừng giúp đỡ Kiev.
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, các quan chức EU trong cuộc họp mới đây tại Budapest (Hungary) đã thảo luận về việc liệu khối này có sẵn sàng chi trả cho cuộc chiến của Ukraine trong thời gian tới hay không. Mối lo ngại lớn nhất của EU lúc này là ông Donald Trump có thể sẽ chuyển gánh nặng tài chính sang châu Âu, mặc dù hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy tổng thống đắc cử Mỹ sẽ dừng viện trợ cho Ukraine.
Cũng tại cuộc họp ở Budapest, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khuyến khích các lãnh đạo châu Âu tập trung vào việc duy trì nguồn cung cấp vũ khí, thay vì làm suy yếu vị thế của Ukraine bằng việc thảo luận về lệnh ngừng bắn hoặc nhượng bộ Nga.
“Để đạt được hoà bình ở thời điểm hiện tại, nguồn động lực sẽ là lòng quả cảm của người Ukraine và sự ủng hộ của phương Tây. Tuy nhiên, chúng ta sẽ xem kịch bản diễn biến như thế nào trong những tuần tới", Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói với các phóng viên bên lề cuộc họp ở Budapest.
Một số quan chức châu Âu cho biết, vấn đề thực sự không phải là tiền mà là các nguồn lực quân sự sẵn có, chủ yếu đến từ Mỹ.
Các quan chức khác cho rằng, châu Âu nên đợi đến sau lễ nhậm chức của ông Trump vào tháng 1 để tìm hiểu về các kế hoạch của ông đối với Ukraine. Tuy nhiên, một số người tin rằng EU không đủ khả năng chi trả, và Ủy ban châu Âu nên đưa ra đề xuất về cách EU sẽ phản ứng với việc chấm dứt viện trợ của Mỹ.
Trong lúc đó, ông Trump đã bắt đầu các cuộc nói chuyện đầu tiên với các nhà lãnh đạo châu Âu.
Một quan chức giấu tên cho biết, ông Trump biết rõ rằng ông không thể chỉ gây sức ép buộc Ukraine nhượng bộ Nga, mà không đưa ra bất kỳ điều gì để đổi lại.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, châu Âu sẽ không thể tự tài trợ cho nền quốc phòng của Ukraine nếu Mỹ rút lại sự ủng hộ dưới thời ông Donald Trump.
Theo Thủ tướng Estonia Kristen Michal, tương lai của EU sẽ được quyết định bởi sự ủng hộ của EU đối với Ukraine trong những tháng tới. Vì sau chiến thắng của ông Donald Trump tại Mỹ, các quốc gia châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ chính họ và Kiev.
Israel gửi máy bay thương mại đến Hà Lan hôm 8/11 để đưa người hâm mộ bóng đá Israel về nhà sau các cuộc tấn công qua đêm ở Amsterdam mà các quan chức mô tả là bài Do Thái, mặc dù có bằng chứng về những tiếng hô vang khiêu khích từ người hâm mộ Israel.
Các video trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát chống bạo động can thiệp vào các cuộc đụng độ, một số kẻ tấn công hét lên những lời lăng mạ chống Israel. Nhưng một số cảnh quay cũng cho thấy những người ủng hộ Israel hô vang những khẩu hiệu chống người Ả Rập trước trận đấu tối ngày 7/11.
Thị trưởng Amsterdam Femke Halsema cho biết những người ủng hộ Maccabi Tel Aviv đã "bị tấn công, lăng mạ và ném pháo hoa" và cảnh sát chống bạo động đã can thiệp để bảo vệ họ cũng như hộ tống họ đến khách sạn. Bà Halsema cho biết ít nhất 5 người đã được điều trị tại bệnh viện.
Các biện pháp an ninh đã được tăng cường tại thành phố, nơi hàng trăm người tụ tập hôm 7/11 để tưởng nhớ vụ thảm sát người Do Thái của Đức Quốc xã trên khắp nước Đức vào ngày 9-10 tháng 11 năm 1938, được gọi là Kristallnacht.
Các vụ bài Do Thái đã gia tăng ở Hà Lan kể từ khi Israel phát động cuộc tấn công vào Gaza sau khi nhóm Hamas của Palestine tấn công vào Israel ngày 7/10/2023, khi nhiều tổ chức và trường học Do Thái báo cáo các mối đe dọa và thư thù hận.
Văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết lệnh điều máy bay được đưa ra sau "một vụ việc rất bạo lực" nhắm vào công dân Israel sau trận đấu giữa Maccabi, theo truyền thống được xác định là một câu lạc bộ Do Thái, và Ajax Amsterdam.
Một video được Reuters xác minh cho thấy một nhóm đàn ông chạy gần ga trung tâm Amsterdam, đuổi theo và tấn công những người đàn ông khác, trong khi còi báo động của cảnh sát vang lên.
Tuy nhiên, một video khác đã được xác minh cho thấy người hâm mộ Maccabi đốt pháo sáng và hô vang "Ole, ole, hãy để IDF chiến thắng, chúng ta sẽ [đập] bọn Ả Rập", ám chỉ Lực lượng Phòng vệ Israel.
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cho biết ông "kinh hoàng trước các cuộc tấn công bài Do Thái vào công dân Israel", mà ông gọi là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Ông Schoof cho biết ông đã đảm bảo với Netanyahu qua điện thoại rằng "những kẻ gây án sẽ bị xác định và truy tố".
Tổng thống Israel Isaac Herzog đã nói chuyện với Vua Hà Lan Willem-Alexander, người mà ông cho biết đã "bày tỏ sự kinh hoàng và sốc ghê gớm về những hành vi phạm tội đã gây ra".
Ông Herzog trích dẫn lời nhà vua nói rằng Hà Lan đã làm cộng đồng Do Thái của mình thất vọng trong Thế chiến thứ hai – dưới sự chiếm đóng và đàn áp của Đức Quốc xã – và một lần nữa vào đêm ngày 7/11.
‘Những người Hồi giáo phạm tội’ bị đề nghị trục xuất
Chính trị gia bài Hồi giáo Geert Wilders, người đứng đầu đảng lớn nhất trong chính phủ Hà Lan, cho biết ông "xấu hổ khi điều này có thể xảy ra ở Hà Lan".
Trong một đăng tải với lời lẽ cay độc trên nền tảng mạng xã hội X, ông Wilders đổ lỗi cho "những người Hồi giáo phạm tội" và nói rằng họ nên bị trục xuất.
Cảnh sát cho biết đã có những vụ việc xảy ra trước trận đấu, trong đó khoảng 3.000 người ủng hộ Maccabi đã đến Amsterdam.
Đại sứ quán Israel tại The Hague cho biết đám đông đã hô vang khẩu hiệu chống Israel và chia sẻ video về hành vi bạo lực của họ, như "đá, đánh, thậm chí là cán qua người dân Israel", trên mạng xã hội.
"Vào đêm trước Kristallnacht – khi người Do Thái ở Đức Quốc xã phải đối mặt với các cuộc tấn công tàn bạo – thật kinh hoàng khi chứng kiến bạo lực bài Do Thái trên đường phố châu Âu một lần nữa", đại sứ quán cho biết.
Cảnh sát nói rằng 62 nghi phạm đã bị bắt giữ sau trận đấu khi những người biểu tình ủng hộ Palestine tìm cách vào sân vận động Johan Cruyff Arena, mặc dù thành phố đã cấm biểu tình ở đó.
Họ cho biết người hâm mộ đã rời khỏi sân vận động mà không có sự cố nào sau trận đấu của giải Europa League, trong đó Ajax đã giành chiến thắng 5-0, nhưng các cuộc đụng độ đã nổ ra qua đêm tại trung tâm thành phố.
Tổng thống Herzog là một trong những chính trị gia cấp cao của Israel cho biết vụ bạo lực gợi nhớ đến cuộc tấn công vào Israel của các tay súng Hamas năm ngoái cũng như các cuộc tấn công vào người Do Thái châu Âu trong các cuộc tàn sát của những thế kỷ trước.
"Sáng nay, chúng tôi kinh hoàng chứng kiến những hình ảnh và video gây sốc mà kể từ ngày 7 tháng 10, chúng tôi đã hy vọng sẽ không bao giờ phải chứng kiến nữa: một cuộc tàn sát bài Do Thái hiện đang diễn ra chống lại người hâm mộ Maccabi Tel Aviv và công dân Israel ngay tại trung tâm Amsterdam", ông viết trên X.
Các hãng hàng không El Al và Arkia của Israel đã công bố 5 chuyến bay đến Amsterdam.
Cuộc chiến ở Gaza đã làm dấy lên các cuộc biểu tình ủng hộ cả hai bên trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ, và cả người Do Thái và người Ả Rập đều bị tấn công.
Vào tháng 3, việc Tổng thống Herzog khai trương một bảo tàng Holocaust mới tại Amsterdam đã dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực của các nhà hoạt động ủng hộ Palestine.
Theo các quan chức y tế tại Gaza, hơn 43.000 người Palestine đã thiệt mạng và 102.000 người khác bị thương trong cuộc tấn công quân sự của Israel vào vùng đất này, sau khi nhóm chiến binh Palestine giết chết 1.200 người Israel và bắt giữ hơn 250 người làm con tin.
Nguồn: Soha; Nhân Dân; Người Đưa Tin; Tiền Phong; VOA
EU: Giao thông hỗn loạn vì tuyết sớm; Khủng hoảng khí đốt mới; Bước lùi tham vọng xe điện; ‘Chảy máu’ chất xám; Bất an ở Biển Baltic
EU: Vụ gian lận thuế VAT; Dân quay lưng với Mỹ; Thách thức chờ Von der Leyen; Pháp gặp cú sốc ở Phi; Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa
EU: Giá khí đốt tăng; Tăng cường an ninh mạng; Mua sắm cuối năm gặp khó; ‘Né’ chiến tranh thương mại; Chính phủ Pháp bên bờ sụp đổ
EU: Mong muốn tự bảo vệ; Các thách thức kinh tế; Ngành pin xe điện lâm nguy; Ủng hộ thắt lưng buộc bụng; ‘Át chủ bài’ cuối cùng ở Kiev
EU: Ô nhiễm từ LNG; Cảnh báo bong bóng cổ phiếu AI; Tích cực thay thế LNG Mỹ; ‘Ủng hộ’ trái phiếu quốc phòng; Khó ‘gồng gánh’ Kiev
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá