Châu Âu đẩy mạnh cạnh tranh công nghệ xanh

Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua các quy định được nới lỏng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghệ xanh tại lục địa già với Trung Quốc và Mỹ.
Ưu tiên sản xuất tại châu Âu
Trong bối cảnh phải đối mặt cùng lúc với nhiều nguy cơ như giá năng lượng tăng vọt, cạnh tranh mạnh từ Trung Quốc và Mỹ làm ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp xanh của châu Âu, hơn 1 năm trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bản kế hoạch mang tên “Kế hoạch công nghiệp cho thỏa thuận xanh trong kỷ nguyên trung hòa carbon” đặt trọng tâm vào việc nới lỏng hơn các quy định tài trợ nhà nước cho các dự án xanh cũng như giảm bớt các ràng buộc pháp lý. Lần này, các quy định nới lỏng vẫn tiếp tục theo hướng đó. Pin mặt trời, turbine gió, bình điện, máy bơm nhiệt, hydro tái tạo... là những lĩnh vực công nghệ được EU ưu tiên cho mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2050 đạt trung hòa carbon, tạo lập khả năng tự chủ năng lượng và thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Brussels chủ trương ủng hộ các lĩnh vực trên để đẩy mạnh sản xuất hơn nữa tại châu Âu và để chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường năng lượng sạch, mà theo ước tính từ nay đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3, lên 600 tỷ EUR/năm (khoảng 646 tỷ USD). Khác với đề xuất trước đây của EC, văn kiện mới chấp thuận đưa toàn bộ lĩnh vực hạt nhân vào danh sách các công nghệ chiến lược, một chiến thắng quan trọng đối với Pháp và khoảng 10 quốc gia khác đang nghiên cứu - phát triển năng lượng nguyên tử nhằm bảo đảm cung cấp nguồn điện phi carbon. Tuy nhiên, mỗi quốc gia thành viên vẫn được tự do loại trừ năng lượng hạt nhân hoặc bất kỳ công nghệ nào khác khỏi các biện pháp hỗ trợ mới.
Không muốn tụt hậu
Vài năm gần đây cuộc đua giành vị trí thống trị trong các ngành công nghiệp xanh đã tăng tốc trên thế giới. Là nước khởi đầu sớm, Trung Quốc đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong kế hoạch 5 năm vừa qua, trong đó đáng chú ý là tạo ra bước đột phá trong thị trường ô tô điện. Những nước khác theo sau như Canada, Nhật Bản, Mỹ đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào công nghệ xanh, khiến EU không khỏi lo ngại. Khối 27 nước châu Âu đã ý thức được là phải hành động nếu không muốn phải hứng chịu đợt di dời sản xuất mới và bị tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghiệp xanh.
Nghị sĩ Christophe Grudler thuộc Nghị viện châu Âu thừa nhận, ngày nay, đa số các sản phẩm công nghệ sạch được chế tạo bên ngoài EU dẫn đến sự lệ thuộc chiến lược vào những nước thứ ba như hơn 90% các tấm pin mặt trời lắp đặt tại châu Âu hiện nay được sản xuất ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, kế hoạch của châu Âu cũng là để đối phó với chính sách trợ giá của nhà nước cho công nghiệp xanh ở Trung Quốc, Mỹ.
EU ấn định mục tiêu bảo đảm 40% nhu cầu về công nghệ xanh bằng các sản phẩm từ những nhà máy riêng của mình từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, chương trình này chỉ dự trù 1,5 tỷ EUR (khoảng 1,6 tỷ USD) từ nguồn tiền có sẵn như ngân quỹ đã dành cho nghiên cứu - phát triển. Đức và một vài nước đóng góp chính khác cho ngân sách EU đã bác bỏ ý tưởng về một quỹ tự chủ châu Âu để thúc đẩy nền công nghiệp châu Âu cũng như tăng tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh.
EU chi hàng chục tỉ euro mua khí đốt và dầu của Nga
EU đã chi gần 30 tỉ euro để mua khí đốt, dầu mỏ và các sản phẩm dầu của Nga trong năm 2023.
Bất chấp các lệnh cấm và lệnh trừng phạt sâu rộng, Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu, sản phẩm dầu mỏ và khí đốt Nga.
Nhật báo kinh doanh RBK của Nga trích dẫn dữ liệu từ văn phòng thống kê của EU Eurostat cho biết, Nga đã cung cấp năng lượng trị giá hơn 29 tỉ euro (31,2 tỉ USD) cho EU vào năm ngoái.
Con số này giảm ba lần so với năm 2022, khi EU mua năng lượng trị giá hơn 90 tỉ euro của Nga.
Liên minh châu Âu tiếp tục nhập khẩu dầu, sản phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga. Mặc dù Brussels cấm mua dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, nhưng vẫn có những miễn trừ tạm thời. Chẳng hạn, Bulgaria vẫn được nhập khẩu dầu bằng đường biển của Nga. Đường ống dẫn dầu Druzhba vẫn cung cấp dầu cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech. Trong khi đó, khí đốt và LNG qua đường ống của Nga không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế.
Theo số liệu của RBK, tổng xuất khẩu của Nga sang khối 27 thành viên đạt hơn 50 tỉ euro vào năm ngoái, trong khi Nga nhập khẩu hơn 38 tỉ euro từ EU.
Kể từ tháng 2.2022, khi xung đột Ukraina bắt đầu, EU đã áp đặt 12 gói trừng phạt Nga và dần dần thu hẹp phạm vi thương mại. Ủy ban châu Âu tuyên bố các hạn chế đã làm giảm khoảng 147 tỉ euro kim ngạch thương mại của khối với Nga trước lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến tình trạng “tất cả các mặt hàng lớn đều đã bị trừng phạt” - một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói với tạp chí Politico trong các cuộc đàm phán về gói trừng phạt mới nhất.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maksim Reshetnikov cho biết hồi đầu tháng này rằng, thị phần của EU trong kim ngạch thương mại của Nga đã giảm hơn một nửa - từ 36% xuống 15%, trong khi thương mại của nước này với các quốc gia thân thiện đã tăng từ 46% lên 77%.
EU dự kiến công bố gói trừng phạt thứ 13 đối với Nga đúng dịp 2 năm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina vào ngày 24.2. Gói trừng phạt dự kiến sẽ nhắm mục tiêu vào khoảng 200 thực thể và cá nhân nhưng không bao gồm bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu nào.
Đầu tuần này, tờ Financial Times đưa tin, Hungary - quốc gia luôn chỉ trích các hạn chế đối với Nga và viện trợ quân sự của EU cho Ukraina - đã từ chối ký vào dự thảo trừng phạt mới.
Châu Âu “nhức nhối” bài toán tự chủ quốc phòng

Thủ tướng Đức Olaf Scholz một lần nữa hối thúc châu Âu tăng cường năng lực phòng thủ nhằm ứng phó tốt hơn với môi trường an ninh nhiều biến động.
Lập trường mới đây của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người sẽ tái tranh cử vào tháng 11 tới, về chi tiêu quốc phòng đã khiến các đồng minh Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo ngại về số phận của điều khoản phòng thủ tập thể.
Phát biểu nhân Hội nghị an ninh Munich đang diễn ra tại miền Nam nước Đức, Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh: “Dù kết quả bầu cử ở phía bên này hay bên kia bờ Đại Tây Dương như thế nào, một điều rõ ràng là: châu Âu chúng ta phải quan tâm nhiều hơn tới an ninh của chính mình ở hiện tại và tương lai. Hiện có một sự sẵn sàng rất lớn ở châu Âu về điều này và tôi cũng đã nói với Tổng thống Joe Biden trong chuyến thăm Washington tuần trước”.
Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP nhằm đáp ứng mục tiêu của NATO. Theo Thủ tướng Olaf Scholz, Đức cũng đang thảo luận với các đồng minh Pháp và Anh về việc phát triển vũ khí chính xác có khả năng tấn công từ xa nhằm đảm bảo chiến lược răn đe.
Trước đó cũng trong tuần này, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cho biết, Liên minh châu Âu phải tăng cường khả năng phòng thủ và sẵn sàng đối mặt với các mối đe doạ mà không cần sự hỗ trợ của đối tác an ninh lâu năm là Mỹ.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cho biết: “Liên minh châu Âu vẫn cần phải làm nhiều hơn về chi tiêu quốc phòng và gửi đi thông điệp rõ ràng rằng, chúng ta đủ mạnh để bảo vệ lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải kiên định với quan điểm rằng, châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa, đề phòng trường hợp chúng tôi phải đi một mình”.
Trên thực tế, không chỉ đến phát biểu của cựu Tổng thống Donald Trump, bài toán “nâng cao năng lực phòng thủ” từ lâu đã trở thành vấn đề gây nhức nhối tại châu Âu.
Tuyên bố hồi năm 2019 của Tổng thống Pháp Emnanuel Macron rằng NATO đang bị “chết não” đã tạo ra một cơn địa chấn tại châu Âu. Tổng thống Pháp Emnanuel Macron từ lâu đã chủ trương châu Âu nên tự định vị mình là một thế lực có quyền quyết định và quyền tự quyết trong khi cố gắng giữ Mỹ ở gần châu Âu nhất có thể.
Cũng trong năm 2019, Pháp và Đức đã ký một hiệp ước hợp tác quân sự với những điều khoản mới, đặt nền tảng cho việc thành lập một quân đội chung trong tương lai.
Hơn 2 năm sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra và hơn 7 thập kỷ kể từ khi NATO được thành lập, châu Âu đang thích ứng với một thực tế mới về quốc phòng và an ninh.
Các nước châu Âu đã cam kết tăng cường khả năng phòng thủ và bắt đầu phân bổ nguồn tài trợ tương ứng. Dựa trên các kế hoạch chi tiêu đã được công bố, Viện nghiên cứu quốc tế McKinsey dự đoán, ngân sách quốc phòng tại châu Âu sẽ tăng tổng cộng từ mức 700 tỷ Euro của năm 2022 lên 800 tỷ Euro vào năm 2028.
Hai đòn bẩy kinh tế EU trong tương lai
Báo cáo của EC về Năng lực cạnh tranh và Thị trường chung 2024 nêu bật tầm quan trọng của việc áp dụng kỹ thuật số và tính bền vững trong nền kinh tế tương lai.
Kể từ khi thành lập năm 1993, thị trường chung châu Âu đã đảm bảo rằng nền kinh tế EU có thể tiếp cận các nguồn cung đa dạng, nguồn cầu rộng rãi và một số cơ hội để mở rộng sản xuất và đổi mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Châu Âu (EC), một loạt các thách thức từ nội tại cho tới bên ngoài đang đe dọa tới năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế châu Âu nói chung.
Những vấn đề đó mới đây được EC nêu ra trong báo cáo Thị trường chung và Năng lực cạnh tranh thường niên năm 2024. Bên cạnh việc chỉ ra các mục tiêu, thách thức và lợi thế của thị trường chung Châu Âu trong năm qua, báo cáo này đã nêu bật 9 động lực cạnh tranh của thị trường chung, cũng như những tiến bộ hoặc trở ngại hàng năm mà những động lực này phải đối mặt cho đến nay.
Các mục tiêu thu hút sự chú ý
Một trong những vấn đề cốt lõi nhất với châu Âu là lĩnh vực công nghệ. Với một lượng dân số đang trong quá trình già hóa nhanh, khu vực kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang nhìn vào sự đổi mới về kỹ thuật số và tăng trưởng xanh như một động cơ chính. Trong bối cảnh đó, quá trình chuyển đổi số dường như vẫn chưa đi tới mục tiêu.
Theo Cơ quan Giám sát Hệ sinh thái Công nghiệp (EMI) Châu Âu, vào năm 2022 châu Âu chỉ có 69% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có mức “cường độ kỹ thuật số” cơ bản, vẫn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 90% của EU vào năm 2030.
Cường độ kỹ thuật số (Digital Intensity Index - DII) là chỉ số dựa trên 12 thông số kỹ thuật số được chọn, ví dụ như việc sử dụng AI, trang web, phương tiện truyền thông xã hội, quyền truy cập vào máy tính của nhân viên,... Trong đó, các công ty có cường độ kỹ thuật số cơ bản đáp ứng ít nhất 4 trong số 12 thông số đã chọn này, trong khi các công ty có cường độ kỹ thuật số cao đáp ứng từ 7 đến 9 tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp có cường độ rất cao đáp ứng từ 10 đến 12 thông số.
Tuy nhiên, EMI lưu ý rằng 49% SMEs cho biết họ đang tăng tốc đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả hàng không vũ trụ và quốc phòng. Các doanh nghiệp kinh doanh về công nghệ xanh và nông sản đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Một số ngành dịch vụ như du lịch đang có khoảng cách về kỹ năng kỹ thuật số và kỹ năng xanh ngày một lớn dù nhu cầu chuyển đổi cao. Các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa cũng như xây dựng là những ngành có nhu cầu đặc biệt cao về kỹ năng kỹ thuật số.
Các công ty kỹ thuật số trong lĩnh vực điện tử, di động và bán lẻ nhận được nhiều khoản đầu tư nhất từ các công ty đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân châu Âu vào năm 2021. Tuy nhiên, nguồn tài chính tư nhân vẫn khá chững lại ở EU, so với Mỹ, quốc gia có nhiều quy mô mở rộng hơn hơn châu Âu.
Nhiều thách thức phía trước
Báo cáo của EC nhấn mạnh khó khăn về vĩ mô đang đe dọa tới mục tiêu tăng trưởng của EU, từ đại dịch cho tới xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra. Những giải pháp tức thời đã được đưa ra, bao gồm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, thiết lập các đối tác cung cấp đa dạng hơn, cũng như ưu tiên chuyển đổi số và xanh (chuyển đổi kép). Các mục tiêu khí hậu khác cũng được chú trọng hơn.
Tuy nhiên, những thách thức dai dẳng hơn dường như vẫn chưa có lời giải. Căng thẳng địa chính trị, rủi ro từ những tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), tình trạng thiếu lao động, lạm phát và lãi suất tăng cao tiếp tục là mối đe dọa đối với các mục tiêu này, theo EC. Bên cạnh đó, sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp xe điện (EV) và chất bán dẫn cũng là một mối đe dọa khác đối với tính bền vững của kinh tế châu Âu.
Điều kiện tài chính của EU cũng gặp khó khăn đáng kể trong năm ngoái, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn đầu tư. Điều này chủ yếu là do lãi suất tăng cao cũng như việc thắt chặt các tiêu chuẩn về hạn mức tín dụng và các khoản vay mới.
Bởi vậy, những tiến bộ mới được mong chờ từ EC và các bên liên quan nhằm cải thiện khả năng phục hồi của khối thương mại trong năm 2024. Đó có thể là việc tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có của châu Âu về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, dịch vụ chất lượng cao, cơ sở sản xuất vượt trội và đi đầu trong phát triển công nghệ sạch. Những điều này được cho sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giải quyết những thách thức trên, đặc biệt trong ngành xe điện và chất bán dẫn.
Ngoài ra, các biện pháp như Quỹ Phục hồi Bền vững (RRF), Quỹ Gắn kết và các chương trình tương tự của EU cũng được đánh giá góp phần quan trọng vào việc giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số ngay cả trong thời điểm vốn đầu tư thấp và niềm tin đang lung lay.
Chưa kể, EC cũng đang lên kế hoạch mở rộng Liên minh Châu Âu trong chiến lược gia tăng phạm vi của thị trường chung, thể hiện qua việc thu hút các ứng cử viên mới hay cải thiện các hiệp định khu vực thương mại tự do với Moldova và Ukraine - được xem là những minh chứng cho nỗ lực của EU nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.
Người dân Anh ồ ạt ra nước ngoài chữa răng

Hàng nghìn người Anh đang đổ ra nước ngoài để chữa răng, thậm chí chỉ là những dịch vụ điều trị nha khoa cơ bản.
Trước đây người Anh thường chỉ ra nước ngoài làm dịch vụ thẩm mỹ, thì nay nhiều người đang đi điều trị nha khoa cơ bản.
Khi bà Marion Parks, hạt Suffolk, Anh biết mình cần khám răng chuyên sâu, bà quyết định tốt nhất là đến thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Parks cho rằng: "Tôi nghĩ đây thực sự là dấu hiệu của thời kỳ này, bởi vì chuyện này đang trở thành điều bình thường. Mọi người đến Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ để điều trị nha khoa, mà còn vì những mục đích khác, không chỉ là thẩm mỹ. Người ta còn đi để thay khớp háng, vì hệ thống y tế công ở Anh có danh sách chờ đợi rất dài. Người ta cân nhắc ra nước ngoài điều trị để không phải chịu đau lâu".
Bà Parks chỉ có thể tiếp cận nha sĩ công, nhưng giờ do chi phí cao nên dịch vụ cấy ghép mà bà đang cần lại chỉ được cung cấp trong một số trường hợp hiếm hoi - chẳng hạn như khi bệnh nhân bị ung thư miệng. Trang web của hệ thống y tế công Anh nói rõ: "Cấy ghép răng thường chỉ được y tế tư nhân cung cấp và có chi phí cao".
Phòng khám Nha khoa Tower ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đã điều trị cho hơn 500 bệnh nhân người Anh trong năm 2023, tăng hơn 300 người so với năm 2022, và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng, một phần nhờ đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ đang yếu.
Ông Vedat Etemoglu, quản lý phòng khám nha khoa Tower, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Một trong những lý do chính là do trong hệ thống y tế công ở Anh phải xếp hàng dài. Nhưng ngoài ra, tất nhiên, còn có vấn đề giá cả. Có sự khác biệt đáng kinh ngạc giữa mức giá mà các nha sĩ ở Anh đưa ra và mức giá chúng tôi đưa ra ở đây".
Bà Parks được một phòng khám tư ở Anh báo giá 5.000 Bảng (hơn 154 triệu đồng) cho hai răng cấy ghép, trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, bà chỉ phải trả 923 Bảng (hơn 28 triệu đồng). Chi phí này còn bao gồm chỗ ở. Vé máy bay khứ hồi cũng chỉ có giá dưới 200 Bảng (khoảng 6 triệu đồng).
Các công ty nha khoa khác hoạt động trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và Romania cho biết họ nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ từ người dân Anh. Medical Travel Market, một công ty tư vấn có trụ sở tại Vương quốc Anh, tính đến giữa tháng 11/2023 đã nhận được hơn 1.500 yêu cầu đi điều trị ở nước ngoài, tăng hơn 450% so với năm 2022. Công ty Cấy ghép Nha khoa ở nước ngoài Dental Implants Abroad cho biết họ đã phục vụ một số lượng kỷ lục người Anh vào năm 2023, giúp hàng trăm chuyến bay đến Romania để trồng răng. Dental Departures, công du lịch nha khoa lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, dự kiến lượng đặt phòng từ Anh sẽ tăng 15% lên mức cao kỷ lục vào năm 2023. Dent Royal đã đặt chỗ cho 600 bệnh nhân người Anh đến thành phố ven biển Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ, tăng 350 người so với năm trước đó.
Nước Anh đang thiếu nha sĩ trầm trọng. Vào năm 2021, nước này đứng thứ 3 từ dưới lên trong số 22 quốc gia giàu có của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về khả năng tiếp cận với nha sĩ. Các trục trặc trong hệ thống chi trả trung ương khiến hàng triệu người không thể tiếp cận được nha sĩ với chi phí thấp trong hệ thống y tế công. Các phương tiện truyền thông đưa tin về những người tự nhổ răng, còn các tổ chức xã hội cảnh báo rằng những căn bệnh khác sẽ không được điều trị nếu người dân không khám nha khoa thường xuyên.
Hiệp hội nha khoa Anh cho biết số người Anh hiện không thể tiếp cận nha sĩ công là 12 triệu người. Với con số này, nhu cầu ra nước ngoài chữa răng sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng; Lao Động; VOV; Diễn Đàn Doanh Nghiệp; VTV
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá