EU: Cấm xe động cơ đốt trong; Chảy máu công nghiệp; Hungary quay xe khỏi Nga; Pháp xét 5 ngân hàng, lối thoát khủng hoảng

EU chấm dứt kỷ nguyên của ôtô động cơ đốt trong

(Ảnh minh họa).

Sau một tháng tranh luận, Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã thống nhất về các quy tắc mang tính bước ngoặt về việc ôtô tại khối này sẽ không phát khí thải sau năm 2035.

Quyết định này đánh dấu sự kết thúc đối với kỷ nguyên ôtô chạy bằng động cơ đốt trong. Các bộ trưởng năng lượng của các nước dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận chung giữa cơ quan hành pháp của EU và Đức để thông qua ôtô chạy hoàn toàn nhiên liệu điện tử sau năm 2035. Sau đó, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các quy tắc để ôtô chạy bằng nhiên liệu điện tử được phép lưu thông trên các con đường của châu Âu.

Nếu đề xuất này bị quốc hội hoặc các quốc gia thành viên từ chối, ủy ban cho biết họ sẽ theo đuổi một quy trình khác để hướng tới xu hướng nhiên liệu điện tử.

Ủy ban “cam kết thực hiện quy định về khí hậu trung lập về mặt công nghệ, đặc biệt liên quan đến quy định về tiêu chuẩn khí thải CO2 đối với ôtô và xe hạng nhẹ. Sau khi tham khảo ý kiến của các bên liên quan, ủy ban cũng sẽ đề xuất quy định cụ thể.

Thỏa thuận của EU dự kiến sẽ giúp ích cho các ứng dụng đặc biệt với một số mẫu xe của Volkswagen.

Nhiên liệu điện tử là loại nhiên liệu được sản xuất bằng năng lượng tái tạo và carbon dioxide thu được từ không khí, nhưng không được coi là giải pháp khả thi cho đại đa số ôtô do chi phí cao và không có sẵn ở hiện tại. Thay vào đó, phần lớn các nhà sản xuất ôtô trong khu vực dự kiến sẽ vẫn tập trung vào các phương tiện chạy bằng pin.

Volkswagen cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi coi nhiên liệu điện tử là một sự bổ sung hữu ích cho đội động cơ đốt trong hiện có và cho các ứng dụng đặc biệt như Porsche 911”. Nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu cũng cho biết họ vẫn cam kết điện khí hóa tất cả các sản phẩm của mình.

Ở Trung Quốc, các đại lý ôtô tại đây đang vật lộn để duy trì hoạt động sau khi loại bỏ ôtô chạy xăng trước khi các tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.

Hiệp hội Đại lý ôtô Trung Quốc cho biết, các hãng xe cần thay đổi mô hình sản xuất truyền thống để đáp ứng xu hướng đang thay đổi của thị trường và thiết lập chế độ bồi thường cho các đại lý để có thể cần phải giải phóng hàng tồn kho.

(Nguồn: Lao Động)

Châu Âu đối mặt với thực trạng "chảy máu công nghiệp"

Nhiều tập đoàn muốn di dời một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất của họ ra bên ngoài châu Âu do giá năng lượng tăng quá cao.

Hãng ô tô Ford tuyên bố sẽ cắt giảm 3.800 việc làm tại châu Âu trong 2 năm tới. Còn tập đoàn hóa chất BASF thông báo đóng cửa một số đơn vị sản xuất tại Đức với lý do giá khí đốt tại châu Âu đạt mức kỷ lục, khiến BASF không còn khả năng cạnh tranh.

BusinessEurope, tổ chức tập hợp các hiệp hội sử dụng người lao động từ 35 quốc gia châu Âu đưa ra cảnh báo nền công nghiệp của EU có khả năng suy sụp. Ông Markus Beyrer, Tổng Giám đốc của BusinessEurope cho biết thêm rằng nhiều công ty đang trong quá trình di dời một phần, hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất của họ ra bên ngoài châu Âu.

Dù thời gian qua giá năng lượng ở châu Âu có giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với ở Mỹ. Thêm vào đó Mỹ đã thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA), một kế hoạch trợ cấp quy mô lớn giúp nước này dễ dàng thu hút các nhà công nghiệp lớn đến từ châu Âu. Cho đến nay, đã có không ít tập đoàn châu Âu bắt đầu xây dựng mới, hoặc mở rộng cơ sở sản xuất trên khắp các bang của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện động và năng lượng tái tạo với nhiều khoản vốn đầu tư hàng chục tỉ USD. IRA thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng đến nền công nghiệp châu Âu.

Trước áp lực trên, đầu tháng 3 vừa qua Ủy ban Châu Âu đã thông qua một văn bản tạo điều kiện cho trợ cấp đối với các doanh nghiệp muốn góp phần giảm lượng khí thải CO2. Văn bản đơn giản hóa thủ tục và mở rộng diện trợ cấp nhà nước cho đến cuối năm 2025. Trong văn bản có một cơ chế cho phép các quốc gia thành viên, trong một số trường hợp ngoại lệ, được tự điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp với mức trợ cấp mà một nước thứ 3 đưa ra để ngăn chặn nước này giành lấy một dự án đầu tư tiềm năng ở châu Âu.

Ủy ban Châu Âu cho biết công cụ này cũng sẽ giúp đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và các dự án khử carbon trong công nghiệp. Thêm vào đó, văn bản cũng đơn giản hóa các điều kiện cung cấp hỗ trợ cho các dự án nhỏ hoặc cho các công nghệ chưa chín muồi, đồng thời nâng mức trần trợ cấp được phép và đơn giản hóa việc tính toán số tiền được giải ngân.

Mặc dù vậy, đại diện BusinessEurope cho rằng Ủy ban Châu Âu những nỗ lực như vậy của Ủy ban Châu Âu là chậm chạp và chưa đủ mạnh mẽ. Ủy ban Châu Âu cần tính thêm phương án giảm thuế để nhanh chóng hạ giá năng lượng.

(Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư)

Hungary 'quay xe khỏi Nga' và ủng hộ để Phần Lan gia nhập khối quân sự Nato

(Ảnh minh họa).

Hôm 27/03/2023, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu với đa số áp đảo thông qua lá phiếu xin nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (Nato) của Phần Lan.

Chỉ có sáu phiếu chống và tới 182 phiếu thuận cho thấy Thủ tướng Victor Orban, lãnh đạo đảng Fidesz chiếm đa số trong Hạ viện đã "xoay chiều" không làm khó với Phần Lan.

Động thái này được các báo châu Âu đánh giá là hành động "quay xe" (pivot away) của ông Orban đối với Nga.

Hungary phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga và chính phủ cánh hữu của ông Orban nói họ sẽ "không bắt ông Putin theo lệnh Tòa Hình sự Quốc tế -ICC".

Trước đó, ông Orban chờ xem quốc gia thành viên Nato khác là Thổ Nhĩ Kỳ có ủng hộ Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này hay không.

Hai nước Bắc Âu chờ vào Nato

Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước Nato chọn vị thế riêng, khác các quốc gia thành viên còn lại trong việc chần chừ ủng hộ hai quốc gia Bắc Âu giáp Nga, Phần Lan và Thụy Điển vào Nato.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không đồng ý để Thụy Điển gia nhập Nato và yêu cầu Stockholm phải đặt một số tổ chức người gốc Kurd ở Thụy Điển vào danh sách Theo điều 10 Hiến chương Nato thì mọi thành viên đều phải chuẩn thuận thì tổ chức này mới có thể nhận thêm thành viên mới.

Vì tất cả các nước thuộc Nato bị ràng buộc bởi các điều khoản phải hỗ trợ nhau bằng quân sự một khi có nước thành viên bị tấn công.

Về thủ tục, cả Phần Lan và Thụy Điển đều đã được chấp nhận vào Nato tại hội nghị thượng đỉnh tháng 9/2022 ở Madrid.

Nhưng quốc hội các nước thành viên còn phải thông qua đơn của hai nước trên.

Cho đến cuối tuần qua, 28 nước đã thông qua, trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Lãnh đạo Hungary cho hay họ ủng hộ Thụy Điển vào Nato nhưng đảng Fidesz trong Hạ viện Hungary vẫn chưa làm gì với thủ tục này, bất chấp yêu cầu từ cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Jake Sullivan.

Nhìn chung, lá đơn của Stockholm có vẻ sẽ chỉ còn phụ thuộc vào Ankara, quốc gia Nato duy nhất ở vùng Cận Đông, chia sẻ Biển Đen với cả Nga và Ukraine.

Sự kiện hai nước Phần Lan và Thụy Điển bỏ quy chế trung lập có từ hàng chục năm để chọn trở thành nước thuộc khối quân sự Nato được cho là chỉ xảy ra sau khi Nga xâm lăng Ukraine tháng 2/2022, biến đổi cục diện an ninh châu Âu.

(Nguồn: BBC)

Pháp bất ngờ khám xét 5 ngân hàng lớn

Văn phòng công tố tài chính quốc gia Pháp hôm qua (28/3) đã bất ngờ ra lệnh khám xét đồng loạt 5 ngân hàng lớn của Pháp với lý do trốn thuế và rửa tiền quy mô lớn với số tiền ước tính lên đến 1 tỷ euro.

Theo báo chí Pháp, các cuộc khám xét đã đồng loạt diễn ra trong sáng ngày 28/3 tại trụ sở của 5 ngân hàng lớn của Pháp là BNP Paribas, Exane, Société Générale, Natixis và HSBC, nằm trong thủ đô Paris và khu tài chính La Défense ở ngoại ô Paris.

Trên trang Twitter, Bộ trưởng Ngân khố Pháp ông Gabriel Attal đã xác nhận thông tin trên và đánh giá là chiến dịch khám xét chưa từng có nhắm vào các ngân hàng lớn của Pháp. Cơ quan điều tra tư pháp tài chính của Pháp (SEJF) đã phải huy động gần như toàn bộ nhân viên với 16 thẩm phán và 160 điều tra viên kết hợp cùng 6 công tố viên đến từ Cơ quan công tố thành phố Cologne của Đức được cử sang để thực hiện.

Trong thông cáo phát đi, Văn phòng công tố tài chính quốc gia Pháp (PNF) cho biết hồ sơ điều tra được mở từ cuối năm 2021 sau khi cơ quan này nhận được các tài liệu do cơ quan quản lý thuế Pháp cung cấp nghi ngờ các ngân hàng trên đã có các hành vi trốn thuế và rửa tiền trốn thuế.

5 ngân hàng đã bị cáo buộc sử dụng cùng một phương thức tài chính chung gọi là “Cum Cum” để trốn thuế đánh vào cổ tức mà những người nước ngoài nắm giữ cổ phần trong các công ty Pháp niêm yết trên thị trường chứng khoán phải trả. Cụ thể là các cổ đông nước ngoài sẽ nhượng lại cho các ngân hàng cổ phần của mình ngay trước ngày được chia cổ tức và ngày phải nộp thuế để tránh bị đánh thuế và sau đó sẽ mua lại, nhận lại chính số cổ phần đã bán cộng với tiền cổ tức sau khi đã trừ đi một khoản phí hoa hồng phải trả cho các ngân hàng.

Theo PNF, thủ đoạn trốn thuế trên đã gây thiệt hại cho ngân khố của Pháp khoản tiền lên tới 1 tỷ euro. Người phát ngôn của PNF cho biết sẽ phải mất nhiều tháng để phân tích, đánh giá tất cả thông tin tài liệu thu thập được trước khi diễn ra các phiên điều trần hoặc đưa ra các lệnh bắt giữ.

Trước các cáo buộc, 5 ngân hàng đều cho rằng các giao dịch tài chính trên là không vi phạm pháp luật. Tại Pháp, các hành vi rửa tiền gian lận thuế nghiêm trọng có thể bị phạt 10 năm tù và nộp phạt một nửa số tiền trốn thuế.

(Nguồn: VOV)

Biểu tình phản đối cải cách ở Pháp: Sắp thấy lối thoát khủng hoảng?

(Ảnh minh họa).

“Người Pháp rất ngoan cố và mọi thứ đang vượt khỏi tầm kiểm soát”, một hành khách thốt lên trong bối cảnh nhà ga xe lửa ở Paris bị người biểu tình chặn.

Một trong những nhà lãnh đạo nghiệp đoàn nổi tiếng nhất nước Pháp cho biết, ông đã được Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne mời họp vào đầu tuần tới để thảo luận về kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ đã kích hoạt làn sóng tổng đình công và biểu tình trên toàn quốc hôm 28/3.

Những người biểu tình đã trở lại đường phố trong ngày hành động thứ 10 với bối cảnh lo ngại rằng các cuộc tuần hành chủ yếu là ôn hòa có thể biến thành một làn sóng bạo lực mới tương tự như các cuộc đụng độ bạo lực nổ ra vào tuần trước.

Biểu tình khắp nơi

Người biểu tình được nhìn thấy đi lại trên đường ray tại một nhà ga ở Paris. Tháp Eiffel đã bị đóng cửa. Bom khói nổ ở sân bay Biarritz, cách thủ đô 746 km. Sự tức giận của công chúng đối với những cải cách hưu trí của ông Macron không có dấu hiệu giảm bớt.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra một cách hòa bình vào buổi sáng, với những đám đông lớn ở nhiều thành phố. Vào đầu giờ chiều, người biểu tình đã bắt đầu lấp đầy đường phố Paris.

Tại thành phố Nantes ở phía Tây, mặt trước của một chi nhánh ngân hàng BNP Paribas đã bị phóng hỏa, theo Reuters.

Ở phía Tây Bắc, các video trên mạng xã hội được CNN xác minh cho thấy những người biểu tình thả bom khói bên ngoài lối vào sân bay Biarritz và khu vực lên máy bay của nhà ga, trước khi thông báo sơ tán vang lên trên loa.

Xa hơn về phía Bắc, những người biểu tình đi bộ trên đường ray xe lửa tại ga xe lửa Gare de Lyon của Paris, theo kênh truyền hình BFM của CNN.

Đường cao tốc ở một số thành phố của Pháp đã bị chặn vào sáng 28/3 và các cuộc đình công trong lĩnh vực vận tải, hàng không và năng lượng tiếp tục làm gián đoạn việc đi lại.

Liên đoàn sinh viên UNEF cho biết lối vào của khoảng 20 trường đại học bao gồm Science Po và một phần của Sorbonne ở Paris cũng như các tổ chức ở Lyon, Nice và Toulouse, cũng bị chặn.

Lo ngại rằng bạo loạn có thể bùng phát tại các cuộc biểu tình lớn như đã xảy ra hôm 23/3, các nhà chức trách đã cho triển khai một lực lượng an ninh khổng lồ chưa từng có tiền lệ với 13.000 cảnh sát trên khắp đất nước, bao gồm 5.500 sĩ quan ở thủ đô Paris.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết, Bộ của ông đã “lường trước những rủi ro cao đối với trật tự công cộng” trong các cuộc biểu tình, và “hơn 1.000 cá nhân cấp tiến” có thể sẽ trà trộn vào đám đông người biểu tình ở thủ đô và các thành phố khác.

Lối thoát khủng hoảng

Kể từ khi chính phủ Pháp thúc đẩy dự luật tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 thông qua mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 16/3, các cuộc biểu tình phản đối vẫn không ngừng nổ ra rầm rộ trên khắp đất nước.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây cũng cho thấy phần lớn người dân không hài lòng với cách Tổng thống Macron thông qua dự luật cũng như việc nhà lãnh đạo này thờ ơ trước ý kiến của cử tri.

“Mọi người đang trở nên điên cuồng hơn”, Clément Saild, một hành khách đi tàu tại nhà ga Gare de Lyon của Paris, nơi các đường ray tạm thời bị người biểu tình chiếm dụng hôm 28/3, cho biết.

Chàng thanh niên 26 tuổi cho biết, anh ủng hộ các cuộc đình công bất chấp tác động của chúng đối với giao thông vận tải và các dịch vụ khác.

Một hành khách khác, Helene Cogan, 70 tuổi, thốt lên: “Người Pháp rất ngoan cố và mọi thứ đang vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Các bên đang thúc giục ông Macron hạ nhiệt tình hình bằng cách lùi bước. Các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn lao động một lần nữa kêu gọi chính phủ đình chỉ dự luật, và lần này đề nghị sử dụng các bên hòa giải thứ ba, vì chính phủ và các nghiệp đoàn vẫn còn cách xa nhau.

Một trong những nhà lãnh đạo nghiệp đoàn nổi tiếng nhất nước Pháp cho biết, ông đã được Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne mời họp vào đầu tuần tới để thảo luận về kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ đã kích hoạt làn sóng tổng đình công và biểu tình thứ 10 trên toàn quốc hôm 28/3.

Ông Laurent Berger, người đứng đầu công đoàn CFDT ôn hòa, nói với mạng TMC TV rằng chính phủ đã gửi cho các công đoàn lời mời họp qua email, với lịch họp dự kiến vào ngày 3/4 hoặc 4/4 tới. “Chúng tôi sẽ dự họp. Chúng tôi đã thống nhất với nhau như vậy”, ông nói, đề cập đến các cuộc thảo luận với các nghiệp đoàn khác. “Cùng nhau, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải đi để đưa ra các đề xuất của mình”.

Văn phòng của Thủ tướng Pháp không trả lời yêu cầu bình luận, Bloomberg cho biết.

Các nghiệp đoàn đã thúc giục ông Macron ngừng kế hoạch cải cách hưu trí vốn không được ưa chuộng của ông, khẳng định sự phản đối vẫn mạnh mẽ ngay cả khi số lượng người đi biểu tình giảm. Khoảng 740.000 người đã tham gia các cuộc tuần hành trên khắp đất nước hôm 28/3, giảm so với ít nhất 1,09 triệu người hôm 23/3, theo số liệu từ Bộ Nội vụ Pháp. Số lượng người tham gia đình công cũng giảm

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang