EU: Bỏ máy bay đi tàu hỏa; Khó thu tài sản Nga; Vua Charles hoãn thăm Pháp; Pháp: Đốt tòa thị chính, Tức giận đổ lên Macron

Châu Âu đang cố gắng bỏ máy bay để chuyển sang tàu hỏa

Kể từ khi phong trào "xấu hổ khi đi máy bay" - "flight shame" bắt đầu khuyến khích du khách tìm kiếm các giải pháp thay thế xanh hơn cho máy bay phản lực, nhiều người ở châu Âu đã tìm đến mạng lưới đường sắt rộng lớn của lục địa này.

Sự dịch chuyển chỉ mới bắt đầu

Châu Âu đang đầu tư rất nhiều vào đường sắt, dường như quá trình cắt giảm mạng lưới vận tải hàng không của lục địa này đang được tiến hành tốt. Trong tương lai, châu Âu gần như dựa hoàn toàn vào những con đường sắt để đi lại và bầu trời trở nên trong xanh hơn.

Đó là bối cảnh của một cuộc cách mạng đường sắt có thể thấy được ở châu Âu, với các tuyến tốc độ cao mới được đưa vào hoạt động, các đường hầm mới cắt giảm thời gian di chuyển...

Theo một cuộc khảo sát năm 2020, các quốc gia châu Âu đang xem xét hạn chế các chuyến bay thương mại chặng ngắn - một động thái có thể được hoan nghênh vì 62% công dân châu Âu sẽ ủng hộ lệnh cấm các chuyến bay chặng ngắn.

Tây Ban Nha đã vạch ra kế hoạch cắt giảm các chuyến bay mà hành trình tàu hỏa mất ít hơn 2,5 giờ vào năm 2050.

Mới đây, hãng hàng không Hà Lan KLM (KLM Royal Dutch Airlines) lập quan hệ đối tác với ngành đường sắt để phân bố lại hành khách trên một số tuyến đường nhất định.

Áo và gần đây là Pháp cũng đang tìm cách hạn chế các tuyến đường hàng không nội bộ nơi tàu hỏa có thể thay thế.

Ở Tây Ban Nha, Đức và Áo, các chương trình khuyến mại vé giá rẻ cũng đóng vai trò quan trọng.

Năm 2023, Pháp đã có luật để cấm các chuyến bay ngắn trên một số tuyến nội địa giúp nước này cắt giảm mức độ ô nhiễm đang làm nóng hành tinh.

Tuy nhiên, EU khẳng định, Pháp muốn áp dụng lệnh cấm, nước này phải có những những tuyến tàu cao tốc thay thế, để có thể di chuyển giữa hai TP trong vòng chưa đầy hai tiếng rưỡi.

Pháp cũng phải có đủ các chuyến tàu chạy sớm và chạy muộn để thuận lợi cho du khách có được thời gian ít nhất là 8 tiếng ở điểm đến.

Điều này có nghĩa là, ở Pháp chỉ có ba tuyến bay đủ điều kiện loại bỏ: Những tuyến đường nối sân bay Paris-Orly với các TP Bordeaux, Nantes và Lyon.

Phán quyết của Ủy ban châu Âu - EC đã làm giảm bớt các kế hoạch ban đầu của Pháp, theo đó sẽ có thêm 5 tuyến bay nữa kết thúc: từ Sân bay Charles de Gaulle của Paris đến Bordeaux, Nantes, Lyon và Rennes, cũng như tuyến từ Lyon đến Marseilles.

“Thủ phạm” vẫn còn đó

"Lệnh cấm các chuyến bay của Pháp là một động thái mang tính biểu tượng, nhưng sẽ có rất ít tác động đến việc giảm lượng khí thải", Jo Dardenne, Giám đốc hàng không của nhóm chiến dịch vận tải sạch hơn Giao thông vận tải & Môi trường (T&E) cho biết.

T&E đã ước tính rằng 3 tuyến bay bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm chỉ chiếm 0,3% lượng khí thải do các chuyến bay cất cánh từ lục địa Pháp tạo ra và 3% lượng khí thải của các chuyến bay nội địa của đất nước (chỉ tính lại các chuyến bay nội địa trong đất liền).

Nếu thêm 5 tuyến mà chính quyền Pháp muốn đưa vào, những con số đó sẽ lần lượt là 0,5% và 5%.

Theo EU, khí thải hàng không ở châu Âu đã tăng trung bình 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn 2013 - 2019.

Không có gì ngạc nhiên khi những động thái này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong ngành hàng không.

Theo một báo cáo năm 2022 do Hiệp hội các hãng hàng không khu vực châu Âu (ERA) công bố, nếu tất cả các chuyến bay của hãng hàng không trên các tuyến đường dưới 500km (310 dặm) chuyển sang một hình thức vận tải công cộng khác, lượng carbon giảm được tổng cộng lên đến 5% lượng khí thải trong EU.

"Đối với nhiều người ra quyết định, việc cấm các chuyến bay ngắn và thể hiện sự ủng hộ đối với ngành đường sắt là một chiến thắng dễ dàng để giành được sự ủng hộ của công chúng, đặc biệt là ở châu Âu", Montserrat Barriga, Tổng Giám đốc của ERA, nói với CNN.

Nhưng Montserrat Barriga và những người khác chỉ ra rằng, hạn chế các chuyến bay đường ngắn và loại bỏ dần các khoản trợ cấp carbon cho các chuyến bay ở châu Âu nhưng lại không thực hiện các bước quan trọng nào để hạn chế các tuyến bay kết nối bên ngoài khối là chưa đủ.

Các chuyến bay đường dài tạo ra nhiều khí thải nhất trên toàn cầu. Một bài báo gần đây trên Tạp chí Địa lý Giao thông cho thấy rằng trong khi các chuyến bay dưới 500 km (310 dặm) chiếm 27,9% số chuyến khởi hành ở EU, chúng chỉ chiếm 5,9% lượng nhiên liệu bị đốt cháy.

Ngược lại, các chuyến bay dài hơn 4.000km chỉ chiếm 6,2% số chuyến khởi hành từ EU, nhưng tiêu hao 47% nhiên liệu.

Jo Dardenne của T&E cho biết: “Các chính phủ làm đúng nhưng lại tiếp tục phớt lờ nguồn phát thải hàng không lớn nhất là ở các chuyến bay đường dài, vẫn không được định giá và không được kiểm soát”.

Jon Worth, người sáng lập nhóm vận động công cộng Trains for Europe, cho biết: “Những tuyến đường sắt cao tốc mới xuyên qua châu Âu gần đây góp phần vào sự sụp đổ của Hãng hàng không quốc gia Ý - Alitalia.

Giá cao và tần suất bay thấp vẫn là một trở ngại trong việc thu hút nhiều người chuyển từ đi máy bay, đặc biệt là trên các tuyến đường trục chính như Paris đến Amsterdam, Frankfurt và Barcelona”.

Đó là góc nhìn ở khía cạnh vận chuyển hành khách và kinh tế. Ở khía cạnh khác, để giảm phát thải carbon, châu Âu phải làm nhiều hơn việc loại bỏ nhưng tuyến bay ngắn có đường sắt thay thế.

Mới đây nhất, Hà Lan đang có kế hoạch cắt giảm các chuyến bay quốc tế từ sân bay Schiphol của Amsterdam, một trong những trung tâm hàng không bận rộn nhất châu Âu.

Các quan chức Hà Lan đã tuyên bố vào ngày 17/ 3 rằng họ sẽ áp đặt các hạn chế đối với tất cả các chuyến bay quốc tế rời Hà Lan để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Động thái đã gây lo ngại cho các hãng hàng không, dù rằng việc cắt giảm cũng chỉ áp dụng vào các tuyến bay thuộc Lục địa già mà thôi.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

EU thừa nhận khó tịch thu tài sản Nga

Quan chức EU cho hay kế hoạch tịch thu tài sản Nga, trong đó có khối tài sản 350 tỷ USD, là điều chưa từng có và phức tạp.

"Việc tịch thu lượng tài sản lớn để trang trải cho quá trình tái thiết Ukraine không đơn giản chút nào", Anders Ahnlid, lãnh đạo nhóm chuyên trách Liên minh châu Âu (EU) về tài sản bị đóng băng của Nga, nói hôm 24/3.

Nhóm chuyên trách này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên hồi tuần trước, nhưng ông Ahnlid cho biết họ đều hiểu rằng việc tìm ra các biện pháp hợp pháp để tịch thu tài sản Moskva, từ du thuyền của các tỷ phú cho tới dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga, là một thách thức rất lớn.

Nhiều công dân Nga bị nhắm mục tiêu trong danh sách trừng phạt của EU đã kiện ra tòa. Tòa sơ thẩm châu Âu đầu tháng này phải ban hành lệnh đình chỉ một phần lệnh trừng phạt với tay đua Công thức 1 người Nga Nikita Mazepin. Tay đua này là con trai của chủ sở hữu Uralchem, tập đoàn hóa chất lớn ở Nga.

"Điều đó cho thấy EU là liên minh được xây dựng dựa trên luật pháp", ông Ahnlid nói.

Quan chức EU hy vọng quá trình tịch thu tài sản Nga có thể đạt được kết quả vào tháng 6, song vẫn nhấn mạnh đó là vấn đề phức tạp, cần phải thực hiện cả trong tiến trình ngắn hạn và dài hạn.

Ông Ahnlid, giám đốc Ủy ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển, là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ông từng làm việc về các gói trừng phạt áp đặt với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014.

Ông nói thêm các chuyên gia pháp lý cần phân biệt giữa tài sản tư nhân bị chính phủ phương Tây đóng băng, như du thuyền của tý phú, và tài sản nhà nước, như 350 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài.

Quan chức EU cho rằng tài sản tư nhân thường được được một công ty thứ ba bảo vệ, khiến chúng khó bị tịch thu hơn. "Đương nhiên chúng ta vẫn phải khiến Nga trả giá và bù đắp cho sự tàn phá ở Ukraine", ông Ahnlid nói.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, ngoài các lệnh trừng phạt, phương Tây còn muốn Moskva bồi thường thiệt hại cho Kiev. Tổng thiệt hại về nhà cửa, hạ tầng giao thông của Ukraine sau một năm chiến sự lên tới hơn 85,8 tỷ USD.

(Nguồn: Vnexpress)

Vua Charles phải hoãn chuyến thăm Pháp vì làn sóng biểu tình bạo lực

Vua Charks III phải hoãn chuyến thăm cấp nhà nước sang Pháp, dự kiến tới Paris và Bordeaux, vì làm sóng biểu tình đã sang ngày thứ 10 ở nước láng giềng châu Âu.

Điện Elysée cho hay quyết định hoãn chuyến thăm của vua Charles và Vương hậu Camilla được thống nhất với phía Anh.

Đáng ra, chuyến thăm của Nguyên thủ quốc gia Anh, theo lời mời từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xảy ra hôm Chủ Nhật, nhưng bị hoãn lại.

Mới nhất đây, tòa thị chính Bordeaux đã bị phóng hỏa trong khi các cuộc biểu tình ở Pháp đang diễn ra để phản đối kế hoạch tăng tuổi hưởng lương hưu.

Không rõ ai là thủ phạm đằng sau vụ cháy, ngọn lửa đã nhanh chóng được dập tắt bởi lính cứu hỏa.

Hơn một triệu người đã xuống đường trên khắp nước Pháp vào thứ Năm.

Cảnh sát đã bắn hơi cay vào những người biểu tình ở thủ đô và 80 người đã bị bắt trên cả nước.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra vì nhiều người Pháp phản đối luật tăng tuổi nghỉ hưu thêm hai năm lên 64.

Các công đoàn đã kêu gọi tiếp tục biểu tình vào thứ Ba tới, trùng với chuyến thăm cấp nhà nước của Vua Anh Charles III tới Pháp.

Thủ tướng Pháp, Élisabeth Borne, đã tweet: "Biểu tình và bày tỏ sự bất đồng là một quyền. Bạo lực và suy thoái mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay là không thể chấp nhận được. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới cảnh sát và lực lượng cứu hộ đã được huy động."

Các điểm du lịch nổi tiếng như Tháp Eiffel và Cung điện Versailles, nơi dự kiến tổ chức tiệc tối cho Vua Charles và Tổng thống Pháp vào tuần tới, cũng đóng cửa vào thứ Năm.

Có những cuộc đụng độ ở các thành phố phía tây Nantes, Rennes và Lorient.

(Nguồn: BBC)

Biểu tình rầm rộ chống cải cách hưu trí ở Pháp, tòa thị chính Bordeaux bị đốt

Bạo lực đã bùng phát ở một số nơi trong bối cảnh biểu tình chống cải cách hưu trí của chính phủ diễn ra rầm rộ khắp nước Pháp.

Đông đảo người biểu tình hôm 23/3 đã xuống đường trên khắp nước Pháp để thể hiện sự phẫn nộ của họ đối với quyết định tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, mới được chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron thông qua. Các công đoàn tuyên bố có tới 3,5 triệu người tham gia biểu tình chống cải cách hưu trí. Trong khi, nhà chức trách đưa ra con số thấp hơn nhiều, chỉ gần 1,1 triệu người.

Tại Paris, các lãnh đạo công đoàn ước tính con số kỷ lục 800.000 người tham gia tuần hành khắp thủ đô để yêu cầu chính phủ hủy bỏ cải cách gây tranh cãi. Song, cảnh sát thống kê chỉ có 119.000 người biểu tình tham gia hoạt động này.

Theo báo Guardian, các cuộc biểu tình chủ yếu ôn hòa đã bị hủy hoại bởi sự bùng phát của bạo lực và đốt phá. Tại thành phố tây nam Bordeaux, cửa trước của tòa thị chính bị phóng hỏa, trong khi ở Paris, cảnh sát và các nhóm biểu tình đụng độ đến khuya.

Cũng tại thủ đô Pháp, bầu không khí trở nên tồi tệ khi một nhóm thanh niên quá khích mặc đồ đen và đeo mặt nạ, dẫn đầu cuộc tuần hành đã đập phá các nhà chờ xe buýt, pano quảng cáo, cửa sổ của các cửa hàng, mặt tiền của một nhà hàng McDonald và các ki-ốt bán báo. Họ để lại các cửa kính bị nứt vỡ và hàng đống thùng đang bốc cháy phía sau.

Các vụ đụng độ tồi tệ nhất diễn ra ở quảng trường l'Opéra và sau đó là quảng trường Bastille, nơi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông biểu tình bằng hơi cay.

Đã có những cuộc biểu tình lớn ở Marseille, Lyon, Besançon, Rennes, Arles cũng như các thị trấn và thành phố khác của Pháp. Tại thành phố Rouen, nơi ước tính có 14.800 – 23.000 người tham gia tuần hành, một người phụ nữ đã bị lựu đạn hơi cay thổi bay một phần bàn tay.

Giới phân tích nhận định, dù Chính phủ Pháp đã vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội hôm 20/3, đồng nghĩa luật tăng tuổi hưu sẽ chính thức được triển khai, nhưng việc biểu tình phản đối vẫn tiếp diễn khắp toàn quốc có thể làm leo thang tình trạng bất ổn, dẫn tới cơn bão chính trị mới bủa vây Tổng thống Macron.

(Nguồn: Vietnamnet)

Chiếc đồng hồ xa xỉ và cơn tức giận đang đổ lên Tổng thống Macron

Làn sóng phẫn nộ tại Pháp lúc này không hẳn đến từ nội dung của dự luật nâng tuổi nghỉ hưu, mà từ cách Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ "vượt mặt quốc hội".

Làn sóng biểu tình tại Pháp đã kéo dài hơn một tuần qua, và sẽ còn tiếp tục trong tuần tới, cho đến khi chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tìm giải pháp trấn an sự phẫn nộ của công chúng.

Cải cách hưu trí là trọng tâm của những bất ổn trong lòng nước Pháp vào lúc này. Tuy nhiên, mồi lửa không hẳn đến từ nội dung rằng sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, mà là cách ông Macron dùng quyền hiến định để khiến dự luật thông qua mà không cần bỏ phiếu, một động thái bị các phe đối lập coi là phản dân chủ.

Cuối cùng, sự hỗn loạn đã mở rộng thành một điều gần với cuộc khủng hoảng hiến pháp.

“Chúng ta đã chuyển từ một cuộc khủng hoảng xã hội về vấn đề nghỉ hưu sang giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng dân chủ”, Laurent Berger, lãnh đạo Liên đoàn Lao động Dân chủ Pháp, nói. “Sự tức giận đang gia tăng, và trước mắt chúng ta là một tổng thống không nhìn thấy thực tế đó”.

Trong cuộc phỏng vấn được lên sóng truyền hình 1 ngày trước khi hàng triệu người biểu tình đổ ra đường ở khắp nước Pháp, ông Macron bị phát hiện đã lén tháo chiếc đồng hồ đắt tiền, thứ được xem là biểu hiện của một "tổng thống của người giàu", điều ông Macron thường bị cáo buộc.

Lằn ranh đỏ

Với động thái của chính phủ, người Pháp dường như cảm thấy ông Macron đã vượt qua lằn ranh đỏ, theo New York Times.

Khi các cuộc thăm dò cho thấy 2/3 nghị sĩ Hạ viện sẽ phản đối dự luật hưu trí, ông Macron đã sử dụng quyền hiến định để dự luật được thông qua mà chưa cần Hạ viện bỏ phiếu.

Điều 49.3 trong Hiến pháp của nước Pháp quy định, một chính phủ cầm quyền được phép thông qua một dự thảo luật mà không cần một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Điều khoản này được coi là một “ngoại lệ” nhằm tránh tình trạng bị đóng băng của một dự thảo luật khi có tranh chấp giữa hai nhánh hành pháp và lập pháp.

Điều 49.3 hiện được sử dụng 100 lần kể từ khi tồn tại trong nền cộng hòa thứ năm của Pháp, và 11 lần dưới chính phủ của bà Elizabeth Borne.

Tuy nhiên, trong trường hợp chính phủ viện dẫn đến điều 49.3 thì Quốc hội Pháp có quyền yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Nếu đa số bất tín nhiệm, chính phủ đương nhiệm sẽ bị giải tán để thành lập một chính phủ mới.

Chính phủ Pháp đã lách qua khe cửa hẹp và sống sót sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở giới thượng tầng chính trị ở đất nước hình lục lăng.

Thăm dò cho thấy sự ủng hộ dành cho ông Macron đã giảm xuống còn 28%, mức thấp nhất kể từ cuộc biểu tình áo vàng nổ ra vào năm 2018. Đồng thời, việc dùng điều 49.3 bị các phe đối lập coi là phản dân chủ.

Lập trường của ông Macron

Trong buổi phỏng vấn, ông Macron khẳng định sẽ không chấp nhận chủ nghĩa nổi dậy, đồng thời gợi nhắc đến sự tương đồng với cuộc bạo loạn Điện Capitol ở Mỹ năm 2021.

Ông nói rằng mình có trách nhiệm trong việc đảm bảo ổn định hệ thống hưu trí của Pháp. Tổng thống Pháp cho rằng hệ thống hưu trí sẽ quá tải nếu lực lượng lao động phải hỗ trợ người về hưu, vốn đang có tuổi thọ ngày càng tăng.

Ông Macron cho rằng sự thay đổi này là cần thiết để ổn định kinh tế. Các cải cách kinh tế trong nhiệm kỳ tổng thống của ông đã khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh, tạo việc làm và thu hút đầu tư nước ngoài. Dù vậy, đây không phải là thời điểm công chúng Pháp có thể nghe những bài giảng kinh tế.

Nhiều người đã lên kế hoạch cho cuộc biểu tình lớn hơn vào ngày 28/3. Chuyến công du đầu tiên của Vua Charles III với tư cách quốc vương nước Anh vẫn chưa thể thực hiện, khi Điện Buckingham phải hoãn chuyến thăm của Hoàng gia Anh đến Pháp, TIME đưa tin.

Điện Elysee cho biết Tổng thống Macron đã nói với Vua Charles III vào ngày 24/3 rằng chuyến thăm cấp nhà nước sẽ được dời lại để "nhà vua được chào đón trong điều kiện tương xứng với quan hệ hữu nghị hai nước".

Ông Macron, người không thể tranh cử nhiệm kỳ tới do quy định của hiến pháp, cho rằng những thay đổi trong cải cách hưu trí là quan trọng cho vấn đề kinh tế và đáng để đánh đổi tỷ lệ tín nhiệm, và đây cũng mục tiêu ông đặt ra trong nhiệm kỳ thứ hai, theo Guardian.

Những người ủng hộ tổng thống nói rằng tuổi nghỉ hưu của nam giới ở Pháp thấp hơn 2 năm so với trung bình tại EU, với phụ nữ là một năm. Trong khi đó, công chúng phản đối việc tăng thuế, do những áp lực kinh tế hậu Covid-19.

Dù vậy, những nghiên cứu độc lập từ hội đồng tư vấn hưu trí chỉ ra những con số phản bác luận điểm chi tiêu hưu trí sẽ vượt tầm kiểm soát trong 25 năm tới.

Giới phê bình cho rằng ông Macron đã quá cứng rắn, trong khi mặt khác ông ưu tiên cắt giảm thuế doanh nghiệp, dù đặt mục tiêu giảm thâm hụt quốc gia.

Các quan sát tin rằng dù ông Macron thắng thế trong cải cách hưu trí, nhưng phần còn lại của nhiệm kỳ sẽ gặp nhiều cản trở với tiền lệ này.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang