EU: Bất ngờ cho chuyên gia kinh tế; Căng dòng khí đốt Nga; Thỏa thuận ngũ cốc; Chia rẽ vấn đề Ukraine; Cha của 600 đứa trẻ

Châu Âu gây bất ngờ cho các chuyên gia kinh tế

Mùa đông ấm hơn, giá năng lượng thấp hơn và việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã giúp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thoát suy thoái “trong gang tấc”.

Nền kinh tế châu Âu đã vượt qua suy thoái vào đầu năm nay, cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của “lục địa già” bất chấp xung đột Nga-Ukraine, các dấu hiệu căng thẳng trong ngành ngân hàng và các đợt tăng lãi suất liên tục để chống lạm phát.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã gây bất ngờ khi tăng trưởng nhẹ bất chấp những dự đoán rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ đẩy khu vực này vào suy thoái.

Trong quý I năm nay, mức tăng trưởng khiêm tốn của Eurozone trùng hợp với sự phục hồi ở Trung Quốc và sự suy giảm ở Mỹ. Tổng hợp lại, những điều này cho thấy nền kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi từ mức đáy vào cuối năm ngoái, mặc dù những cơn gió ngược từ việc chính sách tiền tệ siết chặt có thể hạn chế sự phục hồi.

Nơi tăng trưởng, nơi đình trệ

Dữ liệu do Eurostat – cơ quan thống kê của EU – công bố hôm 28/4 cho thấy, mức tăng trưởng trung bình ở 20 quốc gia thành viên Eurozone trong quý I/2023 là 0,1%.

Mặc dù toàn khối ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ, có một sự khác biệt lớn giữa các quốc gia thành viên. Đức – nền kinh tế lớn nhất Eurozone – đã đình trệ và thu hẹp 0,1% trong quý I năm nay, sau khi giảm 0,5% trong quý IV/2022. Sự sụt giảm cũng được nhìn thấy ở Ireland (giảm 2,7%) cũng như ở Áo (giảm 0,3%).

Bồ Đào Nha ghi nhận mức tăng trưởng hàng quý cao nhất, với 1,6%, theo sau là Italy, Tây Ban Nha và Litva với mức tăng 0,5%. Nền kinh tế Pháp tăng 0,2%.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, triển vọng tăng trưởng có thể vẫn yếu nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn quyết tâm chống lại áp lực lạm phát cơ bản mạnh mẽ bằng mức lãi suất cao hơn.

“Mức tăng rất nhỏ của GDP trong quý I có nghĩa là Eurozone đã tránh được cuộc suy thoái kỹ thuật trong gang tấc”, ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết.

“Tuy nhiên, nền kinh tế về cơ bản đã bị đình trệ do nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc năng lượng, sau đó là thắt chặt tiền tệ. Chúng tôi nghĩ rằng hoạt động của nền kinh tế sẽ vẫn yếu trong các quý tới”.

Mức tăng trưởng nhỏ vào đầu năm 2023 theo sau sự co hẹp trong quý IV/2022 và làm giảm mức tăng sản lượng hàng năm của Eurozone từ 1,8% xuống còn 1,3%.

Mặc dù nền kinh tế Eurozone đã đi ngang trong 6 tháng qua, nhưng thành công của khu vực này trong việc ngăn chặn một cuộc suy thoái nghiêm trọng đã khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên. Thời điểm này năm ngoái, họ đã dự đoán một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Giải thích về điều này, ông Carsten Brzeski, người đứng đầu toàn cầu về kinh tế vĩ mô tại ngân hàng ING, cho biết: “Thời tiết mùa đông ấm hơn, giá năng lượng bán buôn thấp hơn, Trung Quốc mở cửa trở lại và kích thích tài khóa là những động lực chính đằng sau hiệu suất tốt hơn mong đợi này”.

Nguy cơ suy thoái vẫn rình rập

“Nền kinh tế Eurozone đã phục hồi khi đối mặt với việc tăng giá năng lượng và tăng lãi suất trong vài tháng qua, và trong khi tăng trưởng đang chậm lại, điều này vẫn đúng trong quý đầu tiên của năm”, ông Neil Birrell, Giám đốc Đầu tư của Premier Miton Investors, cho biết.

Sự phục hồi của châu Âu một phần được thúc đẩy bởi sự phục hồi sản lượng tại các nhà máy thâm dụng năng lượng. Trước đó, khi giá năng lượng đạt mức cao kỷ lục, họ đã phải cắt giảm sản lượng để “sống sót” qua giai đoạn khó khăn.

Một trong những công ty này là Salzgitter AG, một nhà sản xuất thép của Đức. Công ty hiện đang kiểm soát tốt chi phí năng lượng và cảm thấy lạc quan hơn về triển vọng của mình.

“Thật tốt khi giá năng lượng đã giảm đáng kể sau mức đỉnh mà chúng ta từng chứng kiến vào năm 2022”, ông Gunnar Groebler, Giám đốc Điều hành Salzgitter, cho biết. “Chúng tôi đã điều chỉnh triển vọng của mình trong năm nay so với tháng 11 năm ngoái, thời điểm ảm đạm hơn nhiều”.

Tuy nhiên, khả năng ECB siết chặt chính sách hơn sau cuộc họp vào ngày 4/5 tới là khá chắc chắn.

“Không có gì trong tập dữ liệu này cho thấy nền kinh tế đang đình trệ hoặc lạm phát đã bị đánh bại. Trên thực tế, dữ liệu lạm phát ở cấp quốc gia cho thấy điều ngược lại”, vị chuyên gia của Premier Miton Investors cho biết.

Theo Eurostat, tỉ lệ lạm phát hàng năm ở Eurozone đã giảm mạnh trong tháng 3 từ 8,5% xuống 6,9%. Nhưng ECB đang lo ngại về lạm phát lõi (loại trừ các yếu tố dễ biến động như lương thực và năng lượng). Con số này đã tăng từ 5,6% lên mức cao kỷ lục mới là 5,7% vào tháng trước, dẫn đến dự báo rằng ECB sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm khi họp vào tuần tới.

Nhiều nhà kinh tế vẫn cho rằng điều này có nguy cơ đẩy nền kinh tế khu vực vào suy thoái, nếu không phải năm nay thì là năm sau.

“Việc quá tập trung vào các con số lạm phát trong quá khứ và bỏ qua các động lực tín dụng yếu kém cũng như căng thẳng trong một số lĩnh vực kinh doanh tài chính làm tăng nguy cơ ECB sẽ đi quá xa với việc tăng lãi suất và làm chậm nền kinh tế quá mức vào năm tới”, ông David Kohl, nhà kinh tế trưởng của Julius Baer, nhận định

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Châu Âu tìm cách cắt dòng năng lượng cuối cùng với Nga

Châu Âu đang tìm giải pháp cắt nguồn khí đốt hóa lỏng nhập từ Nga, từ đó chặn nguồn cung tài chính quan trọng với Moskva.

Nhằm tăng sức ép với Nga vì chiến dịch tại Ukraine, các nước châu Âu năm ngoái quyết định đoạn tuyệt với nguồn nhiên liệu hóa thạch của nước này, cấm nhập khẩu dầu thô và diesel từ Moskva, hạn chế khí đốt qua đường ống, đồng thời tìm kiếm những nhà cung cấp mới để thay thế.

Nhưng một lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Trong năm 2022, các chuyến tàu vận chuyển LNG của Nga đến châu Âu tăng vọt, khi dòng chảy dầu khí qua đường ống bị cắt giảm đáng kể.

Theo dữ liệu hàng hải từ Kpler và MarineTraffic, lượng NLG Nga nhập khẩu vào châu Âu đã tăng hơn 38% vào năm 2022, lên 15 triệu tấn, mức cao nhất lịch sử.

Mặc dù lượng LNG mà châu Âu nhập từ Nga tương đối nhỏ, việc duy trì hoạt động này đã phần nào làm suy yếu nỗ lực mà phương Tây theo đuổi nhằm bóp nghẹt nguồn thu từ năng lượng của Moskva. Chúng cũng chiếm một nửa lượng khí đốt mà châu Âu vẫn nhập từ Nga kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát.

"Năm ngoái, để chuẩn bị cho mùa đông, châu Âu cần tất cả LNG mà họ có thể nhận được, vì thế họ nhận mọi chuyến hàng có mặt trên thị trường", Xi Nan, phó chủ tịch cấp cao về nghiên cứu khí đốt và LNG tại công ty tư vấn Rystad Energy, trụ sở ở Oslo, Na Uy, cho hay.

Một mùa đông ấm hơn bình thường đã giúp châu Âu vượt qua thời khắc khó khăn với lượng khí đốt dự trữ lớn hơn nhiều so với dự kiến. Tính đến đầu tháng 4, các kho dự trữ khí đốt của khu vực được lấp đầy khoảng 55%, mức kỷ lục đối với thời điểm này trong năm, cao hơn gần 30 điểm phần trăm so với năm 2022, theo dữ liệu từ tổ chức Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu, trụ sở tại Brussels, Bỉ.

Nguồn LNG nhập từ Nga được coi là một trong những yếu tố giúp châu Âu đạt được kết quả này. Cắt đứt nguồn nhập khẩu LNG này sẽ là hành động cuối cùng trong chiến lược quyết liệt của châu Âu nhằm thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga.

Ủy viên Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson đã yêu cầu các công ty trong khu vực hạn chế ký hợp đồng mới với các nhà cung cấp LNG Nga.

Hà Lan, một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất châu Âu, cho biết họ đã cấm ký hợp đồng nhập khẩu mới và yêu cầu các công ty loại bỏ dần LNG Nga khỏi hệ thống cửa hàng của họ. Tuy nhiên, những hợp đồng hiện tại không thể bị phá nếu không có các biện pháp thống nhất trên toàn EU.

Loạt biện pháp gây áp lực của EU với Nga đến nay vẫn chỉ tập trung vào trừng phạt, điều đòi hỏi 27 quốc gia thành viên phải đồng thuận. Nhưng đề xuất mới hướng đến việc cho phép mỗi nước thành viên áp lệnh hạn chế nhập khẩu riêng, đồng thời ngăn các công ty Nga đặt chỗ lưu trữ tại những kho LNG của họ.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu động thái cắt đứt huyết mạch năng lượng cuối cùng này có "lợi bất cập hại", gây tổn thất cho châu Âu nhiều hơn Nga hay không.

Châu Âu vẫn có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng trong trường hợp thời tiết bất lợi, như đợt nắng nóng mùa hè hoặc mùa đông lạnh giá năm nay, hoặc sự cố gián đoạn nguồn cung không lường trước được.

"Giống như chúng ta đang ở trong bầu không khí bình yên trước cơn bão nhưng chúng ta không biết chắc liệu cơn bão có thực sự đến hay không", Anne-Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, bình luận, lưu ý rằng nguy cơ châu Âu tính toán sai lầm là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Việc đoạn tuyệt với LNG Nga có khả năng làm tăng hơn gấp đôi giá khí đốt tự nhiên của châu Âu, từ mức 44 USD/MWh hiện tại lên khoảng 99 USD/MWh, nếu không có nguồn nào khác thay thế, theo công ty tư vấn Energy Aspects, Anh.

Điều này khó có thể xảy ra, do các hợp đồng chi phối hoạt động mua bán giữa công ty Yamal LNG của Nga và khách hàng châu Âu chủ yếu là những giao dịch có thời hạn nhiều thập kỷ hoặc vô thời hạn. Theo dữ liệu từ Kpler, TotalEnergies của Pháp và Naturgy Energy Group của Tây Ban Nha nằm trong số những khách hàng hàng đầu của công ty Yamal LNG.

TotalEnergies sở hữu cổ phần của Yamal LNG và cho biết họ sẽ tiếp tục nhập khẩu LNG của Nga, miễn là không có lệnh trừng phạt nào được đưa ra đối với nguồn năng lượng này.

Theo ước tính từ Rystad Energy, xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu có giá trị khoảng 27 tỷ USD vào năm ngoái, do giá khí đốt tự nhiên tăng vọt.

Dù vậy, Simone Tagliapietra, chuyên gia về năng lượng tại Viện Bruegelm trụ sở tại Brussels, Bỉ, đánh giá con số này khá nhỏ bé so với những gì Nga kiếm được từ hoạt động xuất khẩu dầu toàn cầu và việc doanh thu từ LNG sụt giảm sẽ không thể giáng một đòn mạnh vào Điện Kremlin.

Nhưng động thái như vậy sẽ EU gửi đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ, ngay cả khi nó có thể gây tổn hại tới nền kinh tế châu Âu, ông cho biết.

"Về mặt chính trị, việc tiếp tục nhập LNG Nga sẽ trở nên không bền vững và sớm hay muộn chúng ta phải cắt giảm chúng. Nếu không, tổn hại về chính trị và hình ảnh chắc chắn sẽ cao hơn chi phí kinh tế", Tagliapietra nhấn mạnh.

(Nguồn: Vnexpress)

5 nước Đông Âu đạt thỏa thuận với EC giải quyết dư thừa ngũ cốc của Ukraine

Giám đốc thương mại EU cho biết, các bên đã đạt được thỏa thuận chính trị liên quan đến nhập khẩu nông sản của Ukraine tại EU.

Ngày 28/4, 5 quốc gia Đông Âu bao gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania và Bulgaria đã đạt được thỏa thuận với Ủy ban châu Âu về việc vận chuyển hàng triệu tấn ngũ cốc Ukraine ra khỏi khu vực sau gần hai tuần đàm phán căng thẳng.

Năm quốc gia này đã lên tiếng phản đối “các tuyến đường đoàn kết” – do EU thiết lập để giúp Ukraine xuất khẩu nông sản ra bên thứ 3, những mặt hàng này đã tràn ngập thị trường nông sản các nước, gây những khó khăn cho người nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc thương mại EU Dombrovskis cho biết, các bên đã đạt được thỏa thuận chính trị liên quan đến nhập khẩu nông sản của Ukraine tại EU. Trước đó, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Bulgaria đã hạn chế nhập khẩu sản phẩm của Ukraine vào đầu tháng này, sau khi các cuộc biểu tình của nông dân các nước nổ ra do không thể cạnh tranh với các sản phẩm Ukraine có giá thành rẻ hơn nhiều.

Mặc dù Romania không áp đặt các hạn chế với hàng hóa từ Ukraine nhưng quốc gia này đã cùng với 4 quốc gia khác kêu gọi cơ quan điều hành EU mở rộng các biện pháp phòng ngừa tạm thời để ngăn chặn các hệ lụy xảy ra đối với thị trường nông nghiệp của các quốc gia này.

Đại diện Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các biện pháp phòng vệ khẩn cấp đối với lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương. Mặc dù, không cung cấp thêm chi tiết về những điều khoản mà các biện pháp khẩn cấp áp dụng hiện tại nhưng các nhà ngoại giao EU cho biết, việc nhập khẩu các sản phẩm vào 5 quốc gia đó sẽ bị chặn trừ khi quá cảnh vào các nước EU hoặc nước thứ ba khác.

Dự kiến, Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước, ước tính khoảng 100 triệu Euro. Ngay sau khi thỏa thuận đạt được, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen hoan nghênh quyết định này và cho rằng, sẽ bảo toàn năng lực xuất khẩu nông sản của Ukraine nhằm đảm bảo tránh cuộc khủng hoảng lương thực thế giới và các vấn đề sinh kế của nông dân châu Âu./.

(Nguồn: CafeF)

Chính sách lấp lửng của Trung Quốc khiến EU chia rẽ trong vấn đề Ukraine?

Tương tự quan điểm của Mỹ về Đài Loan, quan điểm của Trung Quốc về việc Nga tấn công Ukraine cũng được giới quan sát đánh giá là “mập mờ chiến lược”. Chính sách lấp lửng này có thể làm EU thêm chia rẽ trước các vấn đề như cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga.

“Mập mờ chiến lược”

Một mặt, Trung Quốc đã nhất quán nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Mặt khác, Trung Quốc tránh chỉ trích “chiến lược quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, đồng thời tái bảo đảm với Moscow về “tình hữu nghị không giới hạn”.

Bắc Kinh cũng nhắc lại cam kết hỗ trợ giải quyết khủng hoảng Ukraine qua biện pháp chính trị. Nhưng Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU), Fu Cong, sử dụng cuộc phỏng vấn của mình với một hãng truyền thông Trung Quốc để tuyên bố rằng hợp tác của nước ông với châu Âu là bất tận tương tự như việc quan hệ của Trung Quốc với Nga là vô giới hạn.

Tin tức cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm kéo dài và ý nghĩa với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - lần đầu tiên hai người nói chuyện với nhau kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine cách đây hơn một năm.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin: Ông Tập Cận Bình nói với ông Zelensky rằng Trung Quốc sẽ không “thêm dầu vào lửa” trong cuộc xung đột này nhưng hòa đàm là “giải pháp duy nhất để thoát khỏi xung đột”. Ông nói thêm rằng “không có bên chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân”.

Không có gì bí mật về việc quan hệ EU - Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine. Các chuyến thăm gần đây tới Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã khẳng định rõ điều này.

Châu Âu bị chia rẽ khi tình hình Ukraine bế tắc

Các sự kiện trên cho thấy mức độ đa dạng trong cách tiếp cận của châu Âu đối với Trung Quốc cũng như mức độ ảnh hưởng của chúng đối với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Mặc dù liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine vẫn được cố kết cho đến lúc này, người ta ngày càng nhận thấy điều đó là nhờ vai trò thủ lĩnh của Mỹ trên các mảng kinh tế, chính trị và quân sự.

Điều này cũng rõ ràng tại Hội nghị Hội đồng đối ngoại EU ở Luxembourg gần đây. Cao ủy Đối ngoại và chính sách an ninh của EU, Josep Borrell, gần như không có gì mới để đưa ra về kế hoạch của EU cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo.

Quan trọng nhất và cũng gây thất vọng nhất cho Ukraine là người ta vẫn chưa chốt được các đề xuất về cách thức tăng năng lực sản xuất quân sự của châu Âu.

Tương tự, một gói trừng phạt mới của EU chống lại Nga ít khả năng được kết luận ngay, phải chờ đến thời điểm sau đó trong tháng 5 này. Bên cạnh đó, EU và Nhật Bản đã có động thái phản đối kế hoạch của Mỹ kêu gọi các nước G7 cấm tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang Nga.

Tất cả những điều này tạo thêm sức nặng cho các câu hỏi về triển vọng một cuộc phản công thành công của Ukraine được đưa ra trong các bản đánh giá tình báo bị rò rỉ thời gian qua.

Chính sách của Trung Quốc cũng làm nổi bật sự bất định sâu sắc đang tiếp diễn, thậm chí là sự chia rẽ, trong phương Tây về việc có đàm phán với Nga hay không, bằng cách nào và với nội dung gì.

Một mặt, có những người muốn hối thúc phương Tây tăng mạnh sự ủng hộ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Mặt khác, có những người cổ xúy cho một chiến lược mới nhằm đưa cuộc tranh đấu từ chiến trường sang bàn đàm phán.

Cả hai cách tiếp cận đều có logic nội tại riêng. Cả hai đều muốn tránh thế bế tắc kéo dài và gây tổn thất lớn cho các bên trên chiến trường.

Thế bế tắc như vậy sẽ không chỉ gây thêm phí tổn cho Nga và Ukraine mà còn tác động vượt ra xa bên ngoài biên giới của Ukraine. Cựu Tổng thống Nga Medvedev đã đe dọa chấm dứt thỏa thuận hiện nay cho phép ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine được đi qua Biển Đen. Đây là tuyến cung cấp lương thực thiết yếu cho nhiều nước đang phát triển. Nếu Nga ngăn chặn thỏa thuận này, điều đó cũng sẽ làm tăng hơn nữa căng thẳng nội EU về việc trung chuyển (và tiếp cận thị trường) đối với ngũ cốc Ukraine.

Không phải ngạc nhiên nhiều khi sau đó các nước như Brazil muốn xem Trung Quốc nỗ lực trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.

Nỗi sợ của người Pháp phản ánh thực tế

Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rõ ràng là sự ủng hộ của người đồng cấp Pháp quan trọng hơn cả của Brazil. Tổng thống Pháp Macron được cho là đang hợp tác với Trung Quốc để tạo ra một khung đàm phán Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, ông Macron đã bị nhiều nước phương Tây chỉ trích khi làm vậy. Chỉ có Bộ trưởng Italy Guido Croscetto ủng hộ ý tưởng Trung Quốc nên đứng ra làm trung gian cho đàm phán hòa bình.

Hồi tháng 6/2022, ông Macron đã bị nhiều bên chỉ trích vì gợi ý rằng không nên khiến Nga bị mất mặt. Hồi tháng 12/2022, ông đề xuất bảo đảm an ninh cho Moscow - một ý tưởng đã bị Ukraine và các đồng minh phương Tây chế giễu.

Tuy nhiên, không nên đơn giản xem cam kết của Pháp về nhu cầu đàm phán là việc Paris nhượng bộ Moscow.

Thực tế, cam kết của Pháp phản ánh những khó khăn thực tế của Ukraine trong việc giành chiến thắng quân sự trên chiến trường. Quan điểm của Pháp cũng phản ánh nỗi sợ xung đột với Nga sẽ leo thang hơn nữa và quan hệ với Trung Quốc sẽ xấu đi đến mức không thể đảo ngược được.

Các chuyến thăm nhộn nhịp của châu Âu tới Trung Quốc trong 6 tháng qua, bắt đầu bằng chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng 11/2022, là chỉ dấu về tầm quan trọng của mối quan hệ này đối với EU và các nước thành viên chủ chốt của khối. Và Pháp không đơn lẻ trong nỗ lực tìm kiếm chấm dứt xung đột vũ trang Ukraine sớm hơn tại bàn đàm phán thay vì là trên chiến trường.

EU hiện không có khả năng đưa ra cam kết mang tính quyết định trong việc củng cố năng lực của Ukraine giành chiến thắng trên chiến trường trước quân đội Nga. Đây là triệu chứng cho thấy trong nội bộ EU đang có cuộc đấu về tầm nhìn đối với tương lai trật tự quốc tế và vai trò mà khối muốn nắm giữ./.

(Nguồn: Soha)

Cha của hàng trăm đứa trẻ bị tòa án Hà Lan cấm hiến tinh trùng

Một tòa án Hà Lan ngày 28/4 ra lệnh cho một người đàn ông mà các thẩm phán cho là cha của 500-600 đứa trẻ trên khắp thế giới phải ngừng hiến tặng tinh trùng.

Theo phán quyết của tòa, người đàn ông Hà Lan 41 tuổi mà tờ Telegraaf xác định là Jonathan Meijer bị cấm hiến thêm tinh dịch cho các bệnh viện. Ông ta có thể bị phạt 100.000 euro cho mỗi vi phạm.

Tòa án cũng yêu cầu ông Meijer viết thư cho các bệnh viện ở nước ngoài yêu cầu họ tiêu hủy bất kỳ tinh dịch nào của ông mà họ còn trong kho.

Quyết định này được đưa ra sau một vụ kiện dân sự bắt đầu bởi một tổ chức đại diện cho quyền lợi cho các trẻ em sinh ra từ tinh trùng hiến tặng và các bậc cha mẹ Hà Lan đã sử dụng tinh trùng hiến tặng của ông Meijer.

Họ lập luận rằng việc ông Meijer tiếp tục hiến tặng đã vi phạm quyền có cuộc sống riêng tư của những đứa trẻ này vì khả năng hình thành các mối quan hệ yêu đương của các em bị cản trở bởi nỗi sợ vô tình loạn luân và cận huyết.

Việc hiến tặng hàng loạt của ông Meijer lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào năm 2017 và ông đã bị cấm hiến tặng cho các bệnh viện hỗ trợ sinh sản ở Hà Lan, nơi ông đã là cha của hơn 100 đứa trẻ.

Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục hiến tặng ở nước ngoài, bao gồm cả ngân hàng tinh trùng Đan Mạch tên là Cryos hoạt động trên phạm vi quốc tế. Theo nhật báo Algemeen Dagblad, ông Meijer cũng đã tự giới thiệu mình với tư cách là người hiến tinh trùng trên các trang web, đôi khi sử dụng một tên khác.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang