EU: Bảo vệ rừng; Thà tai tiếng còn hơn bị thiệt; Cách ép chặt kinh tế Nga; Mộng xây cầu ở Ý; Pháp nguy cơ bạo lực tăng

Châu Âu dùng sức ép thương mại để bảo vệ rừng

Nghị viện châu Âu trong tuần trước đã phê chuẩn một bộ luật nhằm chống phá rừng.

Các doanh nghiệp bị cấm đưa vào thị trường châu Âu các sản phẩm mà nguyên liệu có nguồn gốc từ đất rừng tự nhiên, bị phá sau năm 2020.

Một bộ luật được lòng cử tri châu Âu, những người có ý thức tiêu dùng ngày càng rõ rệt: không mua những sản phẩm mà quy trình sản xuất góp phần tàn phá thiên nhiên. 522 phiếu thuận, chỉ có 44 phiếu chống. Các doanh nghiệp phải chứng minh được, các sản phẩm từ gia súc, cacao, cà phê, dầu cọ, đậu tương, cao su, gỗ, giấy… nhập khẩu vào châu Âu, không phải là kết quả của việc chặt phá rừng tự nhiên. Luật mới không quan tâm phá rừng là bất hợp pháp hay được chính quyền sở tại cho phép, cứ từ đất rừng nguyên sinh bị phá sau năm 2020 là không được phép bán tại thị trường châu Âu.

Ông Christophe Hansen - Nghị sĩ Luxembourg nói: "10 triệu ha rừng bị phá mỗi năm. Chúng ta còn không hành động thì rừng sẽ còn bị phá thêm nữa. Chúng ta cảm thấy áy náy, cảm thấy tội lỗi, khi mua cà phê, ca cao, thịt, đậu tương và dầu cọ, những sản phẩm thường được sản xuất trên các khoảnh rừng bị phá bỏ để lấy đất làm nông nghiệp, và rồi lại được bày bán trong các siêu thị châu Âu".

Doanh nghiệp về phía châu Âu đứng ra nhập khẩu phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm và khai báo tọa độ vùng nguyên liệu, căn cứ vào ảnh vệ tinh chụp vùng nguyên liệu đó trước và sau ngày 31/12/2020.

Luật mới cũng quy định phân loại các quốc gia xuất khẩu nông sản vào châu Âu theo tiêu chí rủi ro mất rừng cao, trung bình hay thấp. Nếu một nước được tính là có mức độ phá rừng thấp, thì nông sản từ nước đó vào châu Âu sẽ ít bị thẩm định hơn. Tóm lại, Liên minh châu Âu muốn sử dụng vị thế của khách hàng để ngăn chặn nạn phá rừng nguyên sinh tại các nước bán hàng vào châu Âu.

Bà Karin Karlsbro - Nghị sĩ Thụy Điển: "Sức mạnh của thị trường chung châu Âu có tác dụng đòn bẩy. Chính sách thương mại của chúng ta là một trong những công cụ quan trọng tác động đến các quốc gia khác, nhằm bảo vệ các khu rừng trên thế giới. Những sản phẩm không gây hại đất rừng đều được chào đón trên thị trường chung châu Âu".

Khoảng 80% rừng tự nhiên bị phá hiện nay là nhằm mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Các nước châu Âu vẫn nhập khẩu một số nông sản có được do phá rừng, và do đó chịu trách nhiệm gián tiếp đối với khoảng 16% diện tích rừng bị tàn phá trên thế giới.

(Nguồn: VTV)

EU thà tai tiếng còn hơn bị thiệt

EU vừa đưa lại bằng chứng mới cho thấy sự trợ giúp Ukraine trong xung đột với Nga không tuyệt đối, không vô giới hạn và không hoàn toàn vô tư, như EU vẫn luôn quả quyết.

EU vốn đã cho phép Ukraine xuất khẩu miễn thuế vào thị trường khối này để thể hiện sự ủng hộ Kyiv về chính trị, kinh tế và thương mại. Quyết định trên giúp Ukraine trở nên không khác gì các thành viên chính thức của EU khi tham gia vào thị trường nội địa chung và liên minh thuế quan chung.

Đối với EU, việc được miễn mọi thuế quan xuất khẩu này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trên hai phương diện. Thứ nhất, Ukraine nhìn nhận việc này là sự gắn kết chặt chẽ vào EU, giúp cho tiến trình thu nạp Ukraine không những chỉ tiến triển mà còn trở nên không thể bị đảo ngược. Thứ hai, EU giúp giải cứu giao thương cho Ukraine, nhất là về lương thực và nông phẩm trong bối cảnh gặp trở ngại lớn bởi chiến tranh.

Vậy mà bây giờ, Ủy ban Châu Âu lại quyết định ngừng miễn thuế xuất nhập khẩu cho Ukraine ít nhất 5 tuần. Lý do là có 5 nước thành viên EU, bao gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia, Bulgaria và Romania kiên quyết phản đối, thậm chí còn đơn phương cấm nhập khẩu lương thực và nông phẩm của Ukraine. Năm thành viên này phản đối bởi hàng hóa của Ukraine được miễn thuế đã phá giá lương thực và nông phẩm ở các nước ấy, gây thiệt hại cho nông dân và ngành nông nghiệp sở tại.

EU phải lụy các thành viên trên vì nếu không sẽ bị họ hành động bất chấp, gây mất uy và tổn hại thể diện cho cả khối. Các thành viên trên và cả Ủy ban Châu Âu thà chịu tiếng thất tín với Kyiv còn hơn bị thiệt vì Ukraine.

(Nguồn: Thanh Niên)

EU tuyên bố tìm được phương án ép chặt kinh tế Nga?

Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đã tìm được phương án để trừng phạt kinh tế Nga sau nhiều tranh cãi.

Financial Times đưa tin, các nước EU đang dự tính các phương án mới nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga. Trong số đó, EU sẽ cấm một số hoạt động giao dịch sang các nước giúp đỡ Nga tái xuất khẩu hàng hóa.

Tờ báo dẫn một số nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận từ giới chức EU cho biết, một số quốc gia đã giúp đỡ Nga bằng cách nhập khẩu một số hàng hóa mà EU cấm. Do đó, EU đang tìm cách để "bịt các lỗ hổng trừng phạt" này.

Một cơ chế pháp lý sẽ cho phép Brussels xác định các sản phẩm bị trừng phạt đến Nga thông qua các bên thứ ba và các quốc gia bán lại chúng.

Ủy ban châu Âu sau đó sẽ đưa ra cảnh báo chính thức cho các quốc gia này. Nếu những điều đó không được chú ý và tái phạm, Brussels sau đó sẽ thêm tên của các sản phẩm và quốc gia thứ ba này vào các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Các nguồn tin trong cuộc thảo luận khẳng định biện pháp cấm xuất khẩu này có thể nằm trong gói trừng phạt lần thứ 11 mà EU đang dự kiến áp đặt lên Nga.

Dẫu vậy, mối lo ngại từ một số quốc gia EU về việc mối quan hệ thương mại từ các quốc gia EU với các nước thứ ba giúp đỡ Nga. Không chỉ mối quan hệ bị giảm sút nghiêm trọng mà còn có tác động dây chuyển trên quy mô lớn. Ngoài ra, việc áp đặt các cơ chế pháp lý nói trên có thể còn vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu.

Một quan chức nói với FT: "Các biện pháp mới sẽ dẫn đến khá nhiều cuộc thảo luận ở EU về việc liệu chính các nước châu Âu có cảm thấy thoải mái để áp đặt vòng trừng phạt Nga thứ 11 theo cách đó hay không.

Làm thế nào để can thiệp vào hoạt động giao dịch thương mại quốc tế của một quốc gia khác? Làm cách nào để yêu cầu họ hoạt động theo cách mà bạn muốn? Sẽ phải rất cẩn thận khi sử dụng củ cà rốt và cây gậy!"

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định tại Hội đồng Lập pháp Nga cho rằng, Moscow đang phải chịu "sự xâm lược kinh tế" một cách tập thể từ phương Tây.

"Các đối tác của chúng tôi, hay có thể nói, đã là đối tác cũ, đang phá hủy khuôn khổ pháp lý và các kênh liên lạc một cách điên cuồng, cố gắng áp đặt quan điểm và cái gọi là quy tắc của họ lên mọi người.

Chúng tôi sẽ không bò dưới vỏ bọc với họ. Nhưng chúng tôi cũng sẽ không tuân theo quy tắc của họ" - ông Putin khẳng định.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga không muốn rơi vào tình trạng "tự cô lập" và vẫn sẵn sàng hợp tác công bằng với "các quốc gia thân thiện".

Ông nói: "Chúng tôi sẽ mở rộng quan hệ đối tác thực dụng, bình đẳng, cùng có lợi, độc quyền với các nước thân thiện ở Âu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh".

Ông lưu ý rằng Nga có "nhiều người cùng chí hướng" ở các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ.

"Tuy nhiên, giới tinh hoa sẽ cư xử khác nhau. Nhưng bạn và tôi đều biết rằng giới tinh hoa của những quốc gia này không phải lúc nào cũng theo đuổi một chính sách nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân của họ. Điều này sẽ ám ảnh họ" - Tổng thống Nga cảnh báo.

(Nguồn: Soha)

Mộng xây cầu treo dài nhất thế giới của Italy trước thách thức mafia

Italy muốn xây cầu treo dài nhất thế giới, nhưng mafia và các thách thức địa lý có thể gây cản trở.

Giấc mơ về một cây cầu nối đất liền với Sicily qua eo biển Messina đã có từ thời La Mã, khi quan chấp chính tối cao Metellus cho xâu chuỗi các thùng và gỗ lại với nhau để di chuyển 100 con voi chiến từ Carthage đến Rome vào năm 252 TCN, theo các bài viết của triết gia Gaius Plinius Secundus.

Kể từ đó, nhiều kế hoạch khác nhau đến rồi đi như nước chảy qua cầu.

Ý tưởng này lại một lần nữa sống lại khi chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni hồi tháng 3 thông qua một nghị định có thể hiện thực hóa việc xây dựng cây cầu.

Nếu được xây dựng, cây cầu bắc qua eo biển Messina sẽ dài 3,2 km và là cây cầu treo dài nhất thế giới. Tuy nhiên, mafia và vấn đề địa lý có thể cản trở nỗ lực này, theo CNN.

Giấc mộng sắp thành?

Năm 2006, việc thầu xây dựng cây cầu đã được trao cho WeBuild. Khi chính phủ của ông Silvio Berlusconi sụp đổ vào cùng năm đó, kế hoạch xây dựng cây cầu đã bị gạt sang một bên vì thủ tướng kế tiếp, ông Romano Prodi, cho rằng dự án lãng phí tiền bạc và gây rủi ro cho môi trường.

Kể từ đó, nhiều chính phủ tiếp theo đã cố gắng hồi sinh nó.

Cây cầu chưa bao giờ gần với hiện thực như bây giờ, sau khi bà Meloni ký nghị định mở đường cho các kế hoạch cụ thể. Nghị định sẽ trở thành luật vào tháng 6 và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Matteo Salvini cho biết ông hy vọng sẽ động thổ vào tháng 7/2024.

Giám đốc kỹ thuật của WeBuild, Michele Longo, hôm 18/4 nói trước Quốc hội Italy: “Cây cầu bắc qua eo biển Messina là dự án có thể động thổ ngay lập tức. Ngay sau khi hợp đồng được khôi phục và cập nhật, dự án có thể bắt đầu. Thiết kế quản lý và thực hiện kế hoạch dự kiến mất 8 tháng, trong khi thời gian cần thiết để xây dựng cây cầu sẽ kéo dài hơn 6 năm”.

Chi phí ước tính của dự án là 4,5 tỷ euro (4,96 tỷ USD) riêng cho cây cầu và 6,75 tỷ euro (7,4 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng hỗ trợ, bao gồm nâng cấp các tuyến đường bộ và đường sắt, xây dựng nhà ga, cùng công tác chuẩn bị trên đất liền và dưới đáy biển để “giảm rủi ro địa chất thủy văn” trong quá trình xây dựng, theo kế hoạch trình bày với Bộ Giao thông vận tải.

Theo Bộ Tài chính Italy, kể từ năm 1965, 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) trong công quỹ đã được chi cho các nghiên cứu khả thi. Bộ trưởng Salvini nói rằng "không xây dựng cây cầu sẽ tốn kém hơn xây dựng".

Mafia và bảo kê

Miền Nam Italy được cho là dễ xảy ra tham nhũng do là địa bàn của hai tổ chức tội phạm lớn là 'Ndrangheta ở Calabria và Cosa Nostra ở Sicilia. Hai tổ chức này có khả năng lớn trong việc xâm nhập các dự án xây dựng.

Vụ bắt giữ Matteo Messina Denaro, ông trùm của Cosa Nostra, gần đây sau 30 năm lẩn trốn ở Sicily, là một chiến thắng.

Denaro chống lại việc xây dựng cây cầu, cũng như một số trùm băng đảng khác, một phần vì các tổ chức tội phạm kiếm sống từ sự nghèo đói và kém phát triển, theo lời khai từ những người cung cấp thông tin đã góp phần vào việc bắt giữ Denaro.

Dẫu vậy, nỗi sợ hãi vẫn còn. Một nghiên cứu chống mafia của Trung tâm Nomos - được công bố cách đây 20 năm nhưng vẫn đang được cập nhật - cảnh báo quy trình vận chuyển và cung cấp vật tư cho dự án có thể nằm dưới sự kiểm soát của tội phạm. Cũng có khả năng những kẻ phá bĩnh tại địa phương sẽ đòi tiền bảo kê dự án.

Đứng trước vấn đề này, Bộ trưởng Salvini nhấn mạnh với quốc hội: “Tôi không sợ tội phạm xâm nhập. Chúng tôi có thể đảm bảo các công ty tốt nhất của Italy, châu Âu, và toàn cầu làm việc ở đó. Sẽ có các cơ quan giám sát để theo dõi mỗi euro đầu tư vào cây cầu”.

Thách thức địa lý và môi trường

Các vấn đề địa vật lý có thể còn khó giải quyết hơn.

Eo biển Messina nằm dọc theo một đường đứt gãy địa chất, nơi xảy ra trận động đất 7,1 độ richter vào năm 1908, giết chết hơn 100.000 người và tạo ra sóng thần tàn phá khu vực ven biển ở cả hai bờ biển Calabria và Sicilia.

Nó vẫn là sự kiện địa chấn nguy hiểm nhất từng được ghi nhận ở châu Âu cho đến nay.

Vùng nước ở đây cũng khá hỗn loạn. Theo NASA, các dòng hải lưu thay đổi sáu giờ một lần, chúng mạnh đến mức thường giật đứt rong biển khỏi đáy biển. Các cơn sóng mạnh thậm chí có thể nhìn thấy được từ không gian.

Theo kế hoạch ban đầu của WeBuild, cầu được thiết kế để chịu sức gió lên tới 300 km/h, và có thể mở cửa cho xe lưu thông được dưới sức gió lên đến 150 km/h.

Cây cầu được thiết kế ba làn đường dành cho xe cộ ở mỗi hướng, trong đó một làn dành cho trường hợp khẩn cấp. Ở giữa là đường ray xe lửa.

Theo kế hoạch hiện tại, cây cầu có thể đón 6.000 ôtô và xe tải đi qua mỗi giờ và 200 chuyến tàu mỗi ngày.

Mặt cầu nằm ở độ cao khoảng 74 m so với mực nước biển, đủ để tàu chở hàng và thậm chí cả những tàu du lịch cao nhất đi qua ở phía dưới. Nó cũng sẽ được thiết kế để chịu được động đất mạnh 7,5 độ richter.

Nói về những thách thức địa lý, ông Longo của WeBuild nói với CNN công ty họ “đã đọc tất cả nghiên cứu” về khu vực này trước khi đưa ra kế hoạch. Về vấn đề tội phạm, ông cho rằng đó là “rủi ro thấp”.

Một vấn đề khác mà dự án vấp phải là sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường. Họ từ lâu đã lập luận rằng cây cầu sẽ tàn phá địa hình và động vật hoang dã.

“Eo biển Messina là con đường di cư quan trọng của các loài chim và động vật có vú sống ở biển, một trong những nơi tập trung đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới”, người phát ngôn của nhóm Legambiente nói, nhấn mạnh rằng việc xây dựng cầu sẽ làm gián đoạn các tuyến đường di cư giữa châu Phi và châu Âu của sinh vật.

Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cũng đã vận động chống lại việc hồi sinh dự án. “Toàn bộ khu vực eo biển Messina là vùng được bảo vệ theo Chỉ thị Môi trường sống của EU”, Giám đốc quan hệ thể chế của WWF Stefano Lenzi cho biết trong một tuyên bố.

Quay trở lại năm 2006, trước khi kế hoạch bị gác lại, tổ chức này đã chuẩn bị một vụ kiện nhằm ngăn chặn kế hoạch vi phạm các khu vực được bảo vệ của Liên minh châu Âu.

(Nguồn: Zing News)

Nguy cơ bạo lực tăng cao tại Pháp trong Ngày Quốc tế lao động 1/5

Bộ Nội vụ Pháp cho biết sẽ triển khai 12.000 cảnh sát và hiến binh cùng việc sử dụng máy bay không người lái để đảm bảo an ninh trước khả năng bạo động từ các cuộc mít tinh và tuần hành với quy mô chưa từng có sẽ diễn ra trong dịp ngày Quốc tế lao động 1/5 năm nay nhằm phản đối luật cải cách hưu trí mới.

Theo nhà chức trách Pháp, các cuộc mít tinh và tuần hành nhân Ngày quốc tế lao động năm 2023 sẽ không đơn thuần là dịp kỷ niệm thông thường mà đây sẽ là cơ hội để các nghiệp đoàn lao động và các đảng phái chính trị đối lập tại Pháp vận động người dân thống nhất gia tăng phản đối các chính sách chung của chính phủ, đặc biệt là luật cải cách hưu trí vừa mới được Tổng thống Emmanuel Macron ký ban hành hồi giữa tháng 4/2023.

Cơ quan mật vụ Pháp cảnh báo dù đang là kỳ nghỉ Xuân nhưng vẫn sẽ có khoảng 600.000 người Pháp hưởng ứng tham gia, gấp từ 5-6 lần quy mô các năm trước, trong đó riêng tại thủ đô Paris có thể lên đến 100.000 người.

Cơ quan này cũng đặc biệt bày tỏ lo ngại về nguy cơ sẽ có khoảng 2000 phần tử cực đoan cùng hàng nghìn thành viên Phong trào Áo vàng năm 2019 sẽ trà trộn vào các cuộc tuần hành tại thủ đô Paris và tại các thành phố lớn như Lyon, Rennes, Toulouse hay Nantes để kích động gây rối. Đáng chú ý, cuộc tuần hành nhân ngày Quốc tế lao động năm 2023 cũng sẽ thu hút sự tham gia của các nghiệp đoàn nước ngoài.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp ông Gérald Darmanin cho biết sẽ triển khai một lực lượng cực lớn để ứng phó với các cuộc tuần hành được cho là lịch sử: “Bộ Nội vụ Pháp cũng sẽ triển khai quân số lịch sử. Sẽ có khoảng 12.000 cảnh sát và hiến binh được điều động trên toàn nước Pháp trong ngày 01/5, trong đó 5.000 quân là tại Paris. Đây là quân số cực lớn và lý do chính là các cuộc tuần hành có nguy cơ dẫn đến bạo lực”.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin trước đó đã đề nghị tỉnh trưởng các tỉnh trực tiếp có mặt xử lý, đồng thời cho phép sử dụng máy bay không người lái theo dõi, giám sát an ninh các hoạt động tuần hành.

Trong khi đó, các nghiệp đoàn lớn của Pháp tuyên bố sẽ có khoảng 1 triệu người Pháp xuống đường trong ngày hôm nay và biến các cuộc tuần hành nhân ngày Quốc tế lao động năm 2023 trở thành sự kiện lịch sử và lớn nhất trong vòng 30-40 năm trở lại đây./.

(Nguồn: VOV)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang