Nan giải bài toán lạm phát tại châu Âu

(Ảnh minh họa).
Lạm phát của châu Âu trong tháng 4 là 7%, phù hợp với dự báo, nhưng con số này tăng so với mức 6,9% ghi nhận trong tháng 3.
Thành viên Hội đồng Quản trị của Cơ quan Đánh giá Italy (OIV), cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân tích tài chính Italy (AIAF) Antonio Tognoli đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến lạm phát không giảm ở châu Âu.
Ngay sau khi thoát khỏi đại dịch Covid-19, nền kinh tế châu Âu tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động kinh tế từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này đã khiến hoạt động tăng trưởng bị chậm lại đáng kể, lạm phát tăng cao và các giai đoạn căng thẳng tài chính trở thành hiện thực. Sau khi tránh được suy thoái vào mùa Đông, châu Âu hiện phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là duy trì sự phục hồi, vượt qua tình trạng lạm phát và bảo vệ sự ổn định tài chính.
Tại khu vực châu Âu, lạm phát toàn phần đã giảm đáng kể từ mức đỉnh, nhưng điều này vẫn chưa đủ. OIV tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì như vậy trong phần lớn năm 2024. Giá năng lượng giảm gần đây sẽ giúp lạm phát cơ bản thấp hơn, nhưng không đủ để hạ xuống nhanh chóng. Kịch bản xấu nhất là mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trên mọi mặt, chẳng hạn như lạm phát có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn dự kiến, hay giá năng lượng có thể tăng trở lại.
Nhìn chung, khi đối mặt với sự không chắc chắn, các ngân hàng trung ương nên duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến khi lạm phát cơ bản được điều chỉnh theo hướng đi xuống và hướng tới các mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương. OIV tin rằng rất khó để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể tự mình thành công. Để đẩy lùi lạm phát dai dẳng bằng cách tránh khủng hoảng tài chính và suy thoái, tất cả các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính và cơ cấu cần phải được phối hợp với nhau. Duy trì sự ổn định tài chính đòi hỏi phải có sự giám sát và theo dõi chặt chẽ của cả ngân hàng và các trung gian tài chính phi ngân hàng. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch dự phòng và hành động khắc phục kịp thời. Ví dụ, tại Liên minh châu Âu (EU), sự ổn định có thể được tăng cường bằng cách mở rộng phạm vi của các công cụ xử lý ngân hàng, đồng thời làm rõ nguồn lực từ Quỹ Giải quyết đơn lẻ (SRF). Đây là quỹ do các bên trung gian của các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tài trợ với kế hoạch thanh toán kéo dài trong 8 năm mà không sử dụng nguồn tiền công.
Đẩy lùi lạm phát cũng đòi hỏi các chính phủ châu Âu phải theo đuổi việc củng cố tài chính đầy tham vọng hơn so với kế hoạch hiện nay. Một điểm khởi đầu tốt sẽ là dần loại bỏ hầu hết các biện pháp hỗ trợ năng lượng và tăng cường các biện pháp hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương. Chính sách tài khóa chặt chẽ hơn cũng sẽ giúp ECB đạt được mục tiêu hạ lãi suất. Điều này sẽ làm giảm chi phí trả nợ và tăng cường hơn nữa sự ổn định tài chính bằng cách giảm nguy cơ bị tổn thương của các nền kinh tế Eurozone trước rủi ro phân mảnh tài chính.
Cuối cùng, cải cách nguồn cung có thể giúp duy trì tăng trưởng kinh tế khi có các chính sách kinh tế vĩ mô hạn chế. Có thể dễ dàng nhận thấy tiến độ thực hiện các Kế hoạch Phục hồi và Khả năng phục hồi ở châu Âu và Liên minh Thị trường vốn có thể “khơi thông” các khoản đầu tư cần thiết để tăng năng lực sản xuất chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng, đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của EU và cải thiện an ninh năng lượng.
(Nguồn: Hải Quan Online)
'Bẫy tỷ lệ sinh thấp' đáng báo động ở Italy
Việc suy giảm tỷ lệ sinh của Italy được nhận định là rất đáng báo động. Nếu quốc gia Nam Âu này không thể đảo ngược xu hướng, họ có thể đối mặt với "thời kỳ đen tối" về kinh tế.
Italy, đất nước từng được biết đến với những đại gia đình quây quần bên bàn ăn tối, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Lần đầu tiên, số ca sinh trong một năm giảm xuống dưới 400.000, tương đương trung bình 1,25 trẻ sơ sinh trên một phụ nữ, theo số liệu chính thức năm 2022. Điều này đồng nghĩa mức sinh thay thế đang âm, vì số người chết đang vượt quá số ca sinh.
Italy là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới và có dân số gần 60 triệu. Theo Viện Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT), quốc gia Nam Âu này chỉ ghi nhận 393.000 trẻ sơ sinh vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 1861 - thời điểm bắt đầu ghi nhận số liệu.
Gánh nặng lớn
Nếu xu hướng này không tự đảo ngược, Italy có thể phải đối mặt với “thời kỳ đen tối” về kinh tế, vì số lượng người tham gia lực lượng lao động sụt giảm ngay cả khi số người nghỉ hưu gia tăng.
Chia sẻ với CNN, giáo sư nhân khẩu học Maria Rita Testa của Đại học Luiss ở Rome, cho biết trong hệ thống hưu trí hiện tại của Italy, những người đang trong lực lượng lao động sẽ trả trợ cấp hưu trí cho những người hiện đã nghỉ hưu.
“Điều này sẽ tạo ra thách thức và gánh nặng lớn”, bà nói.
“Các dự báo của chính phủ cho thấy rằng mức chi tiêu hưu trí sẽ đạt đỉnh vào năm 2044 để đáp ứng nhu cầu của lượng lớn những người thuộc thế hệ baby boomer”, bà Testa cho biết. "Baby boomer" là thuật ngữ dùng để mô tả những người sinh trong giai đoạn 1946-1964, thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh sau Thế chiến II.
Tỷ lệ sinh ở Italy giảm dần kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Nhiều nhà nhân khẩu học nhận định nguyên do bắt nguồn từ sự bất ổn kinh tế.
Thu nhập trung bình hàng tháng trên khắp Italy là 2.475 euro (2.678 USD), theo ISTAT. Tuy nhiên, giá bất động sản cho thuê trung bình là 13,16 USD mỗi m2, đồng nghĩa một căn hộ gia đình rộng 100 m2 sẽ có giá khoảng 1.316 USD/tháng - chiếm gần nửa ngân sách hàng tháng.
Italy cũng từng là quốc gia của những người tiết kiệm. Người Italy trung bình tiết kiệm 20% thu nhập hàng năm, theo số liệu của ISTAT, một phần vì nhiều gia đình sống trong những ngôi nhà nhiều thế hệ hoặc nhà do cha mẹ mua.
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 ập đến và Italy bị phong tỏa, tỷ lệ tiết kiệm hàng năm giảm xuống chỉ còn hơn 11% vào tháng 7/2020 và tiếp tục giảm xuống chỉ còn hơn 5% thu nhập hàng năm vào tháng một, theo Ngân hàng Thế giới và ISTAT.
Đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhiều người trong số họ mới bắt đầu đi làm. Điều đó khiến họ do dự khi quyết định sinh con.
“Đối với những người quyết định chuyển sang giai đoạn làm cha mẹ, vấn đề lớn là tìm được công việc ổn định và độc lập về kinh tế để cho phép họ vay tín dụng mua nhà và bắt đầu xây dựng gia đình”, bà Testa nói.
Tác động lan tỏa
Để thúc đẩy sự bùng nổ trẻ em, chính phủ Italy tung ra nhiều biện pháp khuyến khích. Vào tháng 5/2021, chính phủ của ông Mario Draghi đưa ra trợ cấp hàng tháng 175 euro (190 USD) cho mỗi đứa trẻ.
Chính sách này được chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni tiếp tục thực thi. Kế hoạch của ông Draghi bao gồm việc bơm 25,4 triệu USD vào nền kinh tế để tăng cường chăm sóc trẻ em và tuyển dụng thêm phụ nữ, thanh niên.
Theo Guardian, việc dân số đang già đi nhanh chóng càng gây thêm áp lực lên tài chính của chính phủ. Trước đó, Thủ tướng Meloni từng nói rằng Italy "sẽ biến mất" trừ khi đất nước này thay đổi.
Trong khi đó, Italy đang chứng kiến làn sóng nhập cư bất thường chưa từng có, với 45.510 người đến nước này bằng đường biển trong khoảng thời gian ngày 1/1-16/5. Không ai trong số những người di cư đến nước này nhận được đảm bảo tị nạn hoặc sự bảo vệ, trừ khi họ trải qua quá trình xin tị nạn kéo dài.
Và không một đứa trẻ nào được sinh ra trong quá trình đó sẽ được tính vào thống kê nhân khẩu học của Italy hoặc được hòa nhập vào xã hội nước này, vì chúng hiện bị giữ trong các trại di cư sau khi Italy tuyên bố tình trạng khẩn cấp về người nhập cư vào tháng trước.
Claudia Giagheddu Saitta, 27 tuổi và Gabriele De Luca, 31 tuổi, lo lắng về việc sinh con khi có quá nhiều bất ổn. Họ nói rằng việc cắt giảm thuế đối với các sản phẩm dành cho trẻ em và khuyến khích sinh nở là chưa đủ.
“Chính phủ cho rằng 10.000 euro (10.800 USD) là đủ để sinh một đứa con. Tuy nhiên, các biện pháp khuyến khích đó chỉ mang tính tạm thời, trong khi một đứa trẻ lại tồn tại mãi”, Giagheddu Saitta nói. Cô cảm thấy ý tưởng sinh nhiều hơn một đứa con là không thể nào.
Bên cạnh đó, anh De Luca nhận định chính phủ đã không làm đủ cho thế hệ trẻ, một phần vì tỷ lệ sinh thấp trong nhiều thập kỷ đã khiến giới trẻ trở thành thiểu số. Anh nhận định vì chính phủ được bầu chọn bởi những người ở độ tuổi 50, 60 và 70 nên lợi ích của họ được đặt lên hàng đầu.
Theo cơ quan đăng ký khai sinh quốc gia, chưa đến 1/4 phụ nữ sinh năm 1980, hiện 43 tuổi, có con. Một số muốn có con, nhưng không đủ khả năng chi trả việc nuôi con, và những người khác đang chọn không sinh con.
Tuổi sinh con của phụ nữ Italy cũng ở mức lớn nhất của châu Âu. Theo một số chuyên gia mà CNN phỏng vấn, đó là vì họ cảm thấy mình cần phải đạt mức độ ổn định nhất định về tài chính và công việc trước khi có thể thoải mái lập gia đình. Và điều này thường xảy đến khi phụ nữ ở độ tuổi 30.
Trong khi đó, bà Testa lo ngại tỷ lệ sinh thấp sẽ dễ có tác động lan tỏa. Trước đây, người nước ngoài sống ở Italy sinh nhiều con hơn so với phụ nữ Italy, nhưng giờ đây họ đang thích nghi với môi trường kinh tế và có mức sinh tương tự Italy.
“Cái bẫy mức sinh thấp chỉ ra rằng nếu phụ nữ và nam giới quen với quy mô gia đình nhỏ thì nó có thể trở thành mô hình tham chiếu lý tưởng. Và nếu gia đình một con là mô hình tham chiếu, tỷ lệ sinh thậm chí sẽ còn thấp hơn và tạo ra vòng xoáy đi xuống của mức sinh thấp", bà Testa nhận định.
(Nguồn: Zing News)
Bác sỹ trẻ ở Anh tiếp tục tổ chức đình công đòi tăng lương

(Ảnh minh họa).
Tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi của nhân viên y tế, đã thông báo rằng các bác sỹ trẻ sẽ ngưng việc trong vòng 72 giờ từ 7 giờ sáng ngày 14/6 đến 7 giờ sáng ngày 17/6.
Lực lượng bác sỹ trẻ ở Anh sẽ tổ chức một cuộc đình công mới trong ba ngày vào tháng 6 tới sau khi các cuộc đàm phán với chính phủ không giải quyết được yêu cầu tăng lương của họ.
Ngày 22/5, Hiệp hội y khoa Anh (BMA), tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi của nhân viên y tế, đã thông báo rằng các bác sỹ trẻ sẽ ngưng việc trong vòng 72 giờ từ 7 giờ sáng ngày 14/6 đến 7 giờ sáng ngày 17/6.
Đây sẽ là cuộc đình công thứ ba mà các bác sỹ trẻ tổ chức nhằm gây sức ép buộc chính phủ tăng 35% lương để bù đắp cho mức lương giảm theo giá trị thực tế mà họ ước tính lên tới 26,2% từ năm 2008.
BMA cảnh báo rằng họ sẽ tiếp tục đình công ít nhất ba ngày mỗi tháng "trong suốt mùa hè" cho đến khi quyền đình công của họ hết hạn theo luật.
Các bác sỹ trẻ đã tổ chức một cuộc tuần hành kéo dài ba ngày vào tháng 3 và một cuộc tuần hành kéo dài bốn ngày đúng dịp lễ Phục sinh vào tháng 4.
Tổ chức công đoàn này cũng đổ lỗi cho chính phủ về cuộc đình công vào tháng tới và cho biết các bộ trưởng chỉ đề xuất tăng 5% lương ít ỏi cho các bác sỹ trẻ.
Nhưng thông tin này đã bị các quan chức chính phủ bác bỏ và tuyên bố rằng chính BMA đã đề xuất một thỏa thuận tăng lương trong 4 năm cho các bác sỹ trẻ với mức tăng 49%.
Người phát ngôn của chính phủ Anh phê phán BMA đã khăng khăng quan điểm đòi tăng lương "không thể chấp nhận được" và từ chối thỏa hiệp.
Ngoài cuộc đình công của các bác sỹ trẻ, Cơ quan y tế quốc gia (NHS) ở Anh cũng có thể sớm phải đối mặt với các cuộc đình công của các nhóm nhân viên khác.
Dự kiến, các thành viên của Hiệp hội điều dưỡng hoàng gia (RCN), tổ chức đại diện quyền lợi cho khoảng 500.000 y tá tại Anh, sẽ bỏ phiếu lần thứ 2 về việc có tiếp tục đình công thêm 6 tháng nữa đến tháng Lễ Giáng sinh 2023 hay không trong ngày 23/5.
Bên cạnh đó, BMA cũng sẽ tổ chức lấy phiếu của các chuyên gia tư vấn của bệnh viện để xem liệu họ có muốn tham gia đình công cùng các bác sĩ trẻ để đòi tăng lương hay không.
Tiến sỹ Vivek Trivedi và Tiến sỹ Robert Laurenson, đồng chủ tịch ủy ban bác sỹ trẻ của BMA, tiết lộ rằng họ đã thảo luận với Bộ trưởng Y tế Steve Barclay trong ba tuần qua nhằm tránh lặp lại hai cuộc tuần hành vừa qua, vốn làm gián đoạn nghiêm trọng các dịch vụ khám chữa bệnh của NHS.
Tuy nhiên, họ cho biết các cuộc đàm phán đã trở nên "không hiệu quả" và đổ vỡ khi ông Barclay từ chối thừa nhận rằng lương của các bác sỹ trẻ đã bị xói mòn rất lớn và cần phải khôi phục lại mức của năm 2008./.
(Nguồn: VietnamPlus)
Nỗ lực giảm khí thải, Pháp cấm các chuyến bay ngắn
Lệnh cấm chuyến bay nội địa đối với những hành trình ngắn có thể di chuyển trong chưa đầy hai tiếng rưỡi nếu đi bằng tàu hỏa đã bắt đầu có hiệu tại Pháp từ ngày 23/5.
Mặc dù quyết định này đã được đưa vào luật khí hậu năm 2021 và đang được áp dụng trên thực tế, nhưng một số hãng hàng không vẫn yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) điều tra tính hợp pháp của lệnh cấm kể trên.
Theo đó, chính sách mới của Pháp sẽ tác động hầu hết chuyến bay giữa thủ đô Paris và nhiều trung tâm trong khu vực như Nantes, Lyon và Bordeaux, trong khi các chuyến bay nối chuyến không bị ảnh hưởng.
Luật mới cũng quy định rằng các dịch vụ đường sắt phải thường xuyên và kịp thời để đáp ứng nhu cầu của hành khách, cũng như số lượng hành khách gia tăng sắp tới.
Hãng hàng không Air France đã cam kết tuân thủ quy định trên với chính phủ Pháp thông qua kế hoạch đổi lấy gói hỗ trợ tài chính do COVID-19 năm 2020.
Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh các chính trị gia Pháp đang tranh luận về cách thức giảm lượng khí thải từ máy bay tư nhân.
Trong khi các nghị sĩ kêu gọi cấm hoàn toàn các chuyến bay tư nhân nhỏ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Clement Beaune lại chủ trương đánh thuế khí hậu cao hơn đối với người sở hữu máy bay tư nhân từ năm tới.
(Nguồn: Báo Tin Tức)
Hungary phản đối lệnh trừng phạt mới của EU đối với Nga

(Ảnh minh họa).
Hungary phản đối một số điều khoản quan trọng trong gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga do Ủy ban châu Âu đề xuất.
Đề cập đến gói trừng phạt thứ 11 chống Nga, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói rằng "Brussels lẽ ra phải học được một bài học từ hậu quả của các lệnh trừng phạt trước đó".
"Các biện pháp trừng phạt có hại cho châu Âu hơn là với Nga. Tôi nghĩ rằng không nên đưa ra gói trừng phạt thứ 11, điều này sẽ trở thành một phép thử thực sự đối với châu Âu nói chung và nền kinh tế của các nước châu Âu nói riêng", ông Peter Szijjarto nói.
Ngoại trưởng Hungary cho biết nước này phản đối các hạn chế bổ sung đối với các công ty châu Âu về kinh doanh hàng hóa của Nga. Ông Peter Szijjarto cũng nhắc lại rằng Hungary sẽ phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của EU nhằm hạn chế hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
"Bất chấp áp lực từ nhiều phía, Hungary phản đối mạnh mẽ biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hạt nhân, bởi vì điều đó liên quan đến an ninh năng lượng của Hungary. Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ không mạo hiểm với an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary", ông Peter Szijjarto cho hay.
EU đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 11 lên Nga. Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết gói trừng phạt thứ 11 có thể được thống nhất trước cuộc họp cấp bộ trưởng EU tiếp theo vào tháng 6.
Mới đây, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell thừa nhận không chỉ Hungary mà một số quốc gia khác phản đối gói thứ 11 của liên minh đối với Moskva.
EU đã tung ra 10 gói trừng phạt đối với Nga. Trong gói trừng phạt mới nhất hôm 24/2, EU hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với hàng hóa sử dụng lưỡng dụng (quân sự và dân sự), cũng như các biện pháp chống lại các thực thể hỗ trợ xung đột, tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái được Nga sử dụng...
Nga đã lên án các biện pháp trừng phạt của EU và bác tác động của các lệnh này lên Moskva.
(Nguồn: Soha)
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá