EU: Anh mất vị thế thiên đường; Biểu tình ở Stockholm; Đức: Nhận chỉ trích, đoán vận đầu năm, Hội chợ Tuần lễ Xanh Berlin

ANH KHÔNG CÒN LÀ THIÊN ĐƯỜNG CỦA GIỚI SIÊU GIÀU

(Ảnh minh hoạ).

Các nhà đầu tư, doanh nhân giàu có đang có xu hướng chuyển dịch đến EU, Trung Đông và châu Á khi Anh không còn là "thiên đường" với họ, một khảo sát chỉ ra.

Theo khảo sát của tổ chức tư vấn chuyển dịch đầu tư Henley & Partners, trong năm 2022, hơn 1.400 triệu phú đã rời khỏi Anh. Trước đó, khoảng 2.200 triệu phú rời Anh vào năm 2019, và 2.800 người rời đi năm 2018, 4.200 người vào năm 2017.

Xu hướng chuyển dịch này bắt đầu từ khi Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) năm 2016. Tổng cộng, từ đó đến nay, khoảng 12.000 triệu phú đã rời khỏi Anh.

"Hậu quả của Brexit đang thể hiện ra, chúng ta đã chứng kiến sự dịch chuyển của giới giàu có khỏi Vương quốc Anh", Stuart Wakeling, người đứng đầu văn phòng Henley & Partners ở London, cho biết.

Khảo sát của Henley & Partners cũng chỉ ra, nhiều triệu phú đang tìm đến Trung Đông và châu Á, coi đây là những điểm đến đầy hứa hẹn. Ví dụ, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tiếp nhận số lượng triệu phú mới kỷ lục trong năm 2022.

Trong khi đó, một nghiên cứu của Trung tâm Cải cách châu Âu cho thấy, Brexit khiến Anh thiệt hại khoảng 40 tỷ USD.

(Nguồn: Dân Trí)

BIỂU TÌNH Ở STOCKHOLM: ĐỐT CẢ KINH KORAN - THỔ NHĨ KỲ LÊN ÁN

Các cuộc biểu tình ở Stockholm hôm thứ Bảy phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển, gồm cả việc đốt một bản sao kinh Koran, làm gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm quốc gia Bắc Âu này cần sự hậu thuẫn của Ankara để gia nhập liên minh quân sự, theo Reuters.

"Chúng tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể đối với cuộc tấn công đê hèn vào cuốn kinh thiêng liêng của chúng tôi... Việc cho phép thực hiện hành động nhằm vào đạo Hồi và xúc phạm các giá trị thiêng liêng của chúng tôi dưới chiêu bài tự do ngôn luận là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Tuyên bố được đưa ra sau khi một chính trị gia chống người nhập cư thuộc phe cực hữu đốt một bản sao kinh Koran gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Thụy Điển thực hiện các hành động cần thiết đối với những kẻ gây hại và mời tất cả các nước thực hiện các bước cụ thể chống lại chứng sợ Hồi giáo.

Một cuộc biểu tình riêng lẻ đã diễn ra trong thành phố, ủng hộ người Kurd và chống lại nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển. Một nhóm người biểu tình ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tổ chức mít tinh bên ngoài đại sứ quán. Cả ba sự kiện đều có giấy phép của cảnh sát.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom nói rằng các hành động khiêu khích bài trừ Hồi giáo thật kinh khủng.

"Thụy Điển có quyền tự do ngôn luận sâu rộng, nhưng điều đó không có nghĩa là Chính phủ Thụy Điển, hoặc bản thân tôi, ủng hộ các quan điểm được bày tỏ," Billstrom viết trên Twitter.

Việc đốt kinh Koran được Rasmus Paludan, lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Hard Line của Đan Mạch thực hiện. Paludan, người có quốc tịch Thụy Điển, trước đây đã tổ chức một số cuộc biểu tình đốt kinh Koran.

Không thể liên hệ ngay với Paludan qua email để đưa ra bình luận.

Trong giấy phép mà ông ta có được từ cảnh sát, ghi rằng cuộc biểu tình mà ông ta tổ chức là nhắm vào đạo Hồi và điều mà họ gọi là nỗ lực của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Tayyip Erdogan nhằm gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận ở Thụy Điển.

Một số quốc gia Ả Rập bao gồm Ả Rập Saudi, Jordan và Kuwait đã lên án kịch liệt việc đốt kinh Koran. "Ả Rập Xê Út kêu gọi lan truyền các giá trị đối thoại, khoan dung và cùng tồn tại, đồng thời bác bỏ hận thù và chủ nghĩa cực đoan", Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út cho biết trong một tuyên bố.

Thụy Điển và Phần Lan năm ngoái đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi Nga xâm lược Ukraine nhưng tất cả 30 quốc gia thành viên phải chấp thuận hồ sơ của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thụy Điển nói riêng, trước tiên phải có lập trường rõ ràng hơn trong việc chống lại những gì họ coi là khủng bố, chủ yếu là các chiến binh người Kurd và một nhóm mà họ đổ lỗi cho âm mưu đảo chính năm 2016.

Tại cuộc biểu tình nhằm phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và thể hiện sự ủng hộ đối với người Kurds, những người phát biểu đứng trước một tấm băng rôn lớn có dòng chữ "Tất cả chúng tôi là PKK"; PKK tức Đảng Công nhân người Kurd, một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Mỹ và một số nước khác coi là bất hợp pháp, và phát biểu trước vài trăm người ủng hộ người Kurd và cánh tả.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển", Thomas Pettersson, phát ngôn viên của Liên minh chống NATO và là một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, nói với Reuters.

Cảnh sát cho biết tình hình ổn định ở cả ba cuộc biểu tình.

Tại Istanbul, những người trong một nhóm khoảng 200 người biểu tình đã đốt một lá cờ Thụy Điển trước lãnh sự quán Thụy Điển để đáp trả việc đốt kinh Koran.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Thụy Điển bị hủy

Trước đó vào thứ Bảy, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết do thiếu các biện pháp hạn chế các cuộc biểu tình, nước này đã hủy chuyến thăm dự kiến ​​tới Ankara của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển - Pal Jonson.

Ông Jonson nói riêng rằng ông và Hulusi Akar (người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ) đã gặp nhau vào thứ Sáu trong một cuộc họp mặt của các đồng minh phương Tây ở Đức và đã quyết định hoãn cuộc gặp vốn đã được lên kế hoạch.

Ông Hulusi Akar cho biết ông đã thảo luận với Erdogan về việc thiếu các biện pháp hạn chế các cuộc biểu tình ở Thụy Điển nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ và đã truyền đạt phản ứng của Ankara tới Jonson bên lề cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine.

"Không thể chấp nhận được việc không hành động hay phản ứng trước những (cuộc biểu tình) này. Những điều cần thiết đáng ra phải thực hiện, các biện pháp lẽ ra nên được xúc tiến", Akar nói, theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ Thụy Điển vào thứ Sáu nói về các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch.

Phần Lan và Thụy Điển đã ký một thỏa thuận ba bên với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022 nhằm vượt qua sự phản đối của Ankara về tư cách thành viên NATO của họ. Thụy Điển cho biết họ đã hoàn thành một phần trong bản ghi điều khoản nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang đòi hỏi nhiều hơn, bao gồm cả việc dẫn độ 130 người mà họ cho là khủng bố.

(Nguồn: BBC)

ĐỨC NHẬN BÃO CHỈ TRÍCH VÌ 'HỘI CHỨNG SỢ NGA'

(Ảnh minh hoạ).

Chính phủ Đức đã thể hiện sự sợ hãi đối với Nga, nhận xét như vậy đã được trình bày bởi nhà báo người Anh Tom Watling.

Đại diện của Hoa Kỳ, Đức và các nước NATO khác đã không đạt được thỏa thuận về việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) chuẩn phương Tây cho Ukraine trong cuộc họp vừa kết thúc tại căn cứ không quân Ramstein.

Theo nhận xét của nhà báo Tom Watling, sau khi kết thúc cuộc đàm phán, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bị cáo buộc là mắc "hội chứng sợ Nga". Ý kiến nói trên được đăng tải trong một bài viết trên tờ Daily Express.

"Nước Đức với 'hội chứng sợ Nga' bị coi là 'kẻ hèn nhát chính trị' vì từ chối gửi xe tăng tới Ukraine”, tác giả bài viết trên ấn phẩm Anh nói rõ.

Nhà báo của tờ Daily Express thông tin thêm rằng giới lãnh đạo Ukraine đã yêu cầu xe tăng hiện đại từ các đối tác của họ và đề xuất này đã làm bùng phát những cuộc thảo luận sôi nổi trong thế giới phương Tây.

Lúc đầu Hoa Kỳ từ chối thỏa mãn đề xuất này của Ukraine, sau đó mọi hy vọng của Kyiv đều đổ dồn vào Đức và xe tăng Leopard 2. Tuy nhiên, Berlin cũng không muốn gửi các phương tiện tác chiến cần thiết cho Ukraine. Kết quả là, những lời buộc tội về "sự hèn nhát chính trị" và "hội chứng sợ Nga" đã giáng xuống đầu giới lãnh đạo Đức.

Cụ thể, nhà phân tích quân sự người Anh - Giáo sư Michael Clark đã cáo buộc Thủ tướng Đức Olaf Scholz là người thiếu quyết đoán. Ông tin rằng những gì vừa diễn ra là một xác nhận tuyệt vời rằng Đức rất sợ Nga.

“Bất chấp mọi điều họ nói về tầm quan trọng chiến lược và việc phải ngăn chặn tham vọng của Moskva, những gì diễn ra đã chứng tỏ Đức rất sợ Nga”, vị chuyên gia quân sự Anh nhận định.

Giáo sư Michael Clark tin rằng những gì đã xảy ra là một dạng tín hiệu xấu từ phương Tây đối với Ukraine và Nga có thể tận dụng. Điện Kremlin sẽ hiểu rằng đối thủ của họ đang sợ hãi và điều này có thể thúc đẩy Tổng thống Putin hành động quyết đoán hơn nữa.

Nhưng bên cạnh những lời chỉ trích, Đức cho biết mình vẫn là quốc gia viện trợ quân sự nhiều hàng đầu cho Ukraine, Berlin đã cung cấp cho Kyiv cả những "báu vật" của mình như pháo tự hành PzH 2000 và đặc biệt là hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T cũng như sắp tới là Patriot.

Đối với vấn đề cung cấp xe tăng Leopard 2, Đức khẳng định họ sẵn sàng chuyển giao nhưng không tiến hành một mình, tức là nhiều quốc gia cùng phải thực hiện cùng lúc.

Hiện tại đã có Anh cam kết cung cấp xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, Ba Lan cũng đang xem xét việc giao Leopard 2A4 cho Kyiv mà không cần Đức cho phép, bởi vậy ngày mà Berlin gửi "những chú báo" của mình tới chiến trường có lẽ sắp diễn ra.

(Nguồn: Soha)

ĐỘC LẠ: PHONG TỤC ĐOÁN VẬN ĐẦU NĂM TẠI ĐỨC

Phong tục đón Tết của mỗi nước trên thế giới đều có những nét độc đáo, thú vị riêng. Tại Đức, người dân có phong tục đoán vận vào những ngày đầu năm.

Nếu Tết Âm Lịch mang nhiều ý nghĩa với người Việt, thì Tết Dương Lịch cũng là dịp được người dân Đức hết sức mong chờ. Năm mới là dịp để mọi người mang theo nhiều điều mong ước về sự an lành, may mắn và thành công đối với bản thân, gia đình.

Đối với người Đức, họ sẽ dành trọn 1 tuần lễ để sum họp với gia đình, bạn bè và vui chơi thỏa thích trong dịp đầu năm mới. Để chuẩn bị cho dịp đón năm mới, người dân nước Đức cũng trang trí lại nhà cửa, dọn dẹp đường phố sach sẽ và chuẩn bị thức ăn cho những bữa tiệc đón năm mới. Trước Giao thừa 15 phút, mọi người ngồi lại quây quần bên nhau, chờ đến khi đồng hồ điểm đúng 0h, tất cả mọi người đều ra ngoài xem bắn pháo hoa và ném bỏ một thứ gì đó ra sau. Theo niềm tin của người Đức, lúc đó chính là thời điểm họ thoát khỏi những khó khăn và vận xui đeo bám trong năm cũ để chào đón nhiều điều tốt lành khi năm mới bắt đầu.

Sau Giao thừa, mọi người trao cho nhau những cái ôm và lời chúc "Frohes Neujahr" (Chúc mừng năm mới), mong ước cho một năm mới được thuận buồm xuôi gió.

Sau đó, mỗi gia đình quây quần bên nhau trong những bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ món ăn và cùng nhau xem các chương trình truyền hình đặc biệt. Người Đức quan niệm, nếu ăn cà rốt và bắp cải sẽ mang đến sự ổn định về tài chính.

Đêm Giao thừa tại Đức, mỗi nhà thường bày lên trên bàn tiệc một chiếc đĩa có đựng 12 củ hành. Các củ hành được khoét những lỗ nhỏ và rắc muối vào. Mỗi củ hành được đặt tên cho mỗi tháng trong năm.

Bên cạnh đó, người Đức cũng có một phong tục đón chào năm mới khá độc đáo gọi là Bleigießen, đó là dùng chì nóng để dự đoán vận may trong năm. Vào thời Nước Đức còn chia cắt thành Đông Đức và Tây Đức, người dân Đông Đức có tục đổ chì nóng lên một cái thìa rồi ném thìa xuống nước, sau đó họ sẽ vớt chì lên, nhìn vào hình dạng cục chì vớt lên mà tiên đoán năm mới sẽ làm ăn thành đạt hay thất bại.

Đến tận ngày nay, phong tục này vẫn được người dân một số nơi ở nước Đức gìn giữ, người dân Đức tin rằng, mỗi biểu tượng tạo thành từ chì nóng chảy sẽ tượng trưng cho những ý nghĩa khác nhau. Cũng giống như văn hóa ngày đầu tiên của năm mới của người Viêt, chúng ta sẽ hái lộc hay rút quẻ xăm đầu năm để cầu may

(Nguồn: Người Đưa Tin)

ĐỨC: HỘI CHỢ TUẦN LỄ XANH BERLIN THU HÚT ĐÔNG ĐẢO KHÁCH THAM QUAN

(Ảnh minh hoạ).

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Tuần lễ Xanh (Grüne Woche) lần thứ 87- hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm, nông nghiệp và làm vườn, đã diễn ra tại Trung tâm triển lãm quốc tế ở thủ đô Berlin (Messe Berlin). Sự kiện được nối lại sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, thu hút rất đông khách tham quan để nắm bắt các xu hướng của ngành thực phẩm và nông nghiệp.

Hội chợ Tuần lễ Xanh không chỉ là nơi giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, đồ gia dụng và thực phẩm mà còn kết hợp rất nhiều hoạt động liên quan như các hội nghị chuyên ngành, hội thảo bàn tròn, chính trị... Các chuyên gia tham dự sẽ thảo luận về những giải pháp cho cuộc sống bền vững, bảo vệ khí hậu và bảo tồn tài nguyên cũng như vấn đề an ninh lương thực. Ngoài ra, giá lương thực tăng cao do chiến tranh, quá trình chuyển đổi trong ngành nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường và bảo vệ động vật cũng sẽ là những chủ đề được quan tâm thảo luận tại các diễn đàn trong khuôn khổ hội chợ.

Điểm nhấn trong Tuần lễ Xanh là Diễn đàn Toàn cầu về Lương thực và Nông nghiệp (GFFA) với khẩu hiệu "Chuyển đổi hệ thống lương thực: Phản ứng toàn cầu đối với các cuộc khủng hoảng", thu hút sự tham dự của khoảng 2.000 chuyên gia từ nhiều nước trên thế giới. GFFA, do Bộ Lương thực và Nông nghiệp liên bang Đức đứng ra tổ chức, là hội nghị quốc tế hàng đầu về các vấn đề của ngành nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu trong tương lai.

Trong 10 ngày diễn ra sự kiện (20-29/1), với sự tham gia của khoảng 1.400 nhà triển lãm đến từ gần 60 quốc gia, diện tích trưng bày lên tới 113.000 m², Trung tâm triển lãm Berlin sẽ trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của thế giới về các chủ đề nông nghiệp, thực phẩm và làm vườn. Hội chợ cung cấp cái nhìn tổng quan thị trường toàn cầu về ngành thực phẩm cũng như hàng loạt đặc sản vùng miền từ 12 bang của Đức và các nước tham gia hội chợ.

Theo các nhà tổ chức, tính đến hết ngày 21/1, đã có khoảng 400.000 lượt khách tham quan và tham dự các sự kiện tại hội chợ. Hội chợ năm 2022 đã bị huỷ bỏ hoàn toàn do đại dịch COVID-19, trong khi sự kiện năm 2021 được thực hiện theo hình thức trực tuyến mà không có các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm.

Tuần lễ Xanh Berlin là một trong những hội chợ thương mại giàu truyền thống nhất và có uy tín nhất ở Đức. Được tổ chức từ năm 1926 tại Berlin, đây là hội chợ thương mại quốc tế hàng đầu về thực phẩm, nông nghiệp và làm vườn, thu hút sự tham gia của các nhà triển lãm từ khắp nơi trên thế giới.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

(Xem thêm:

=> EU: Dầu Nga biến mất; Thủ tướng Anh bị phạt; Cải cách hưu bổng ở Pháp; Tình báo Đức báo động; Cấp thêm vũ khí cho Ukraine ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang