EU: 6 nước vạch 'giới hạn đỏ'; Anh mở mỏ than mới; Đức: Xông vào sân bay, 'hoàng tử' gây chính biến, 'lá chắn phòng thủ tên lửa'

SÁU QUỐC GIA EU VẠCH 'GIỚI HẠN ĐỎ' VỀ GIÁ TRẦN KHÍ ĐỐT

(Ảnh minh hoạ).

Sáu quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sẽ không chấp nhận bất cứ nỗ lực nào nhằm hạ thấp hơn nữa mức giá trần mà khối sẽ áp với khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Trong bức thư gửi CH Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Đại sứ của 6 nước gồm Đức, Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Estonia và Luxembourg đã bày tỏ lo ngại, đồng thời nhấn mạnh “mức giá trần không thể bị hạ thấp hơn nữa hoặc bị thay thế”.

Sáu quốc gia trên hoài nghi về việc áp giá trần khí đốt của Nga, do lo ngại việc này sẽ gây rối loạn thị trường năng lượng của châu Âu và khiến EU khó khăn hơn trong việc mua nhiên liệu nếu các nhà cung cấp khí đốt chuyển sang bán ở những nơi không bị áp giá trần.

Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất mức giá trần sẽ được áp dụng nếu giá khí đốt vượt quá 275 euro mỗi megawatt giờ (MWh) trong 2 tuần đối với giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan.

Giá TTF, vốn là mức giá chuẩn của châu Âu, sẽ cần cao hơn 58 euro so với giá tham chiếu cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong 10 ngày, để kích hoạt việc áp giá trần.

Bỉ, Italy, Ba Lan và Hy Lạp nằm trong số những nước cho rằng một mức giá trần là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi trường hợp chi phí quá cao cho khí đốt và muốn một mức giá trần thấp hơn đề xuất của EC. Hiện các nhà ngoại giao EU đang tiếp tục thảo luận nhằm nỗ lực tiến gần hơn một thỏa thuận.

Sáu quốc gia trên muốn mức giá đề xuất hiện nay sẽ được phê chuẩn tại cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng EU ngày 13/12 tới.

(Nguồn: Soha)

CHÍNH PHỦ ANH "BẬT ĐÈN XANH" CHO DỰ ÁN KHAI THÁC THAN MỚI SAU 30 NĂM

Vương quốc Anh sẽ phát triển mỏ than mới đầu tiên sau 30 năm. Than được khai thác từ mỏ sẽ sử dụng để sản xuất thép, thay thế than nhập khẩu.

Vương quốc Anh sẽ phát triển mỏ than mới đầu tiên sau 30 năm tại Whitehaven ở Cumbria thuộc Tây Bắc vùng England.

Theo đó, Bộ trưởng Nâng cấp nước Anh Michael Gove ngày 7/12 bật đèn xanh cho dự án ước tính trị giá 165 triệu bảng, dự kiến sẽ sản xuất 2,8 triệu tấn than/năm và tạo ra khoảng 500 việc làm tại khu vực. Than được khai thác từ mỏ sẽ được sử dụng để sản xuất thép, thay thế than nhập khẩu.

Dự án dự kiến sẽ tạo ra khoảng 400.000 tấn khí thải nhà kính/năm, tương đương lượng khí thải của 200.000 ôtô lưu thông trên đường.

Tuy vậy chính phủ Anh tuyên bố: “Mỏ có tác động trung lập đối với biến đổi khí hậu. Do đó, mỏ than này phù hợp với các chính sách của chính phủ nhằm đối phó với thách thức của biến đổi khí hậu”.

Bộ Nâng cấp nước Anh, Nhà ở và Cộng đồng cũng cho biết quyết định phê duyệt dự án phù hợp với chính sách giảm phát thải khí nhà kính của chính phủ, khẳng định mỏ than mới sẽ hoạt động theo luật khí hậu của Anh, theo đó nước này sẽ phải đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và các hoạt động sử dụng than sẽ ngừng vào năm 2049.

Những người ủng hộ khẳng định khu mỏ mới sẽ mang lại những việc làm cần thiết. Khu vực này vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc đóng cửa các mỏ và nhà máy trong những thập kỷ gần đây.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng mỏ than mới sẽ là một đòn giáng mạnh vào vị thế của Anh với tư cách là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Được biết, dự án trên bắt đầu được đề xuất từ năm 2014 và được chính quyền địa phương phê duyệt vào năm 2020, song đã đình trệ 2 năm do chính phủ hủy bỏ việc phê duyệt khi Anh chuẩn bị đảm nhận vai trò chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 năm ngoái.

Chủ tịch Cop26 Alok Sharma vào cuối tuần trước cho biết, việc phát triển mỏ than mới sẽ gửi đi thông điệp hoàn toàn trái ngược với nỗ lực của Anh trong 3 năm qua trong việc thuyết phục các quốc gia ngừng sử dụng than đá, nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhất.

Ông Nicholas Stern, chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực khí hậu, phát triển và chính sách công, cũng nhận định việc phát triển mỏ than mới sẽ gây tổn hại danh tiếng chính trị của Anh trong bối cảnh giảm phát thải khí nhà kính đang là nhu cầu cấp thiết trên toàn cầu.

Tháng trước, Anh đã chuyển giao quyền chủ tịch Hội nghị COP27 cho Ai Cập, sau khi chủ trì COP26, được đánh giá là thành công khi các nước cam kết tiếp tục duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế do chính phủ Anh thực hiện vào năm ngoái với vai trò chủ tịch COP26, để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, thế giới sẽ không được phát triển thêm bất kỳ dự án nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt) mới.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

NHÓM NHÀ HOẠT ĐỘNG KHÍ HẬU XÔNG VÀO HAI SÂN BAY ĐỨC

(Ảnh minh hoạ).

Nhóm hoạt động khí hậu dán tay xuống đường băng sân bay Munich và xông vào sân bay Berlin-Brandenburg, giữa lúc ngày càng có nhiều hoạt động gây tranh cãi.

Phát ngôn viên sân bay ở Munich hôm nay cho biết 4 nhà hoạt động đã dán tay vào đường băng phía bắc sân bay khoảng 45 phút, trước khi bị giải tán và bị bắt.

"Chúng tôi có thể xử lý tất cả chuyến bay đến và đi thông qua đường băng phía nam. Hành động của họ dẫn đến sự chậm trễ nhỏ nhưng các chuyến bay không bị hủy", phát ngôn viên sân bay nói, thêm rằng các nhà hoạt động đã bị bắt và hoạt động bay đã trở lại bình thường.

Tại sân bay Berlin-Brandenburg, bang Brandenburg, gần thủ đô Berlin, phát ngôn viên cho biết "một số người" vào đường băng, nhưng không gây ra tác động nào đến hoạt động bay.

Nhóm hoạt động khí hậu Last Generation (Thế hệ cuối cùng) cho biết trong một tuyên bố rằng họ tiến hành các cuộc biểu tình để phản đối "thành phần chính được nhà nước tài trợ gây ra thảm họa khí hậu", ngụ ý hoạt động của máy bay.

"Chúng tôi không thể im lặng đứng nhìn khi một số người giàu nhân danh tất cả chúng ta đẩy thế giới xuống vực sâu và tàn phá sinh kế chung của chúng ta", người phát ngôn của Last Generation cho hay.

Last Generation gần đây có nhiều hoạt động vì môi trường gây tranh cãi tại nhiều quốc gia. Tại Đức, họ có nhiều hoạt động nguy hiểm, khiến các chính trị gia chỉ trích. Trong vài tháng qua, các thành viên của nhóm đã hắt khoai tây nghiền lên bức tranh Claude Monet ở Potsdam, dán tay xuống đường băng ở sân bay Berlin-Brandenburg và trong triển lãm xương khủng long tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Berlin.

Các nhà hoạt động Last Generation cũng gây tranh cãi vào tháng 11 khi họ dường như ngăn cản các nhân viên cấp cứu đến hiện trường vụ tai nạn. Chính phủ đã cảnh báo các nhà hoạt động khí hậu không vi phạm pháp luật và Thủ tướng Olaf Scholz mô tả hoạt động nguy hiểm của họ là "sai lầm".

(Nguồn: Vnexpress)

CHÂN DUNG KẺ TỰ NHẬN ‘HOÀNG TỬ’ ÂM MƯU GÂY CHÍNH BIẾN Ở ĐỨC

Chính quyền Đức hôm 7/12 đã bắt giữ 25 thành viên và những người ủng hộ một nhóm cực hữu mà các công tố viên cho biết đang có kế hoạch lật đổ chính phủ đương nhiệm bằng vũ lực.

Hãng tin Reuters dẫn lời các công tố viên cho biết, nhóm nghi phạm trên lấy cảm hứng từ các thuyết âm mưu của QAnon và Reichsbuerger (Công dân của Đế chế) - những người không công nhận tính hợp pháp của nước Đức hiện đại và cho rằng Đế chế Đức vẫn tồn tại. Đối tượng cầm đầu được cho là Heinrich XIII ‘Hoàng tử’, thành viên gia đình quý tộc nhà Reuss ở Đức.

Hãng tin Sky News dẫn lời nhà chức trách Đức cho biết, Heinrich XIII xuất thân từ gia đình quý tộc Đức có tên là nhà Reuss, và những thành viên của Reichsbuerger đã lên kế hoạch để đưa ông này lên làm “lãnh đạo một chính phủ mới”.

Theo thông tin từ chính quyền Đức, Reuss là một gia đình quý tộc Đức có từ thế kỷ 12 với người đặt nền móng cho dòng họ này là Erkenbert I (1090-1163). Trải qua hàng trăm năm từ thời Trung cổ cho tới Cận đại, con cháu của Erkenbert I đã cai trị nhiều vùng lãnh thổ mà nay thuộc miền đông nước Đức.

Tuy nhiên, nhà Reuss đã chấm dứt sự cai trị khi Đức trở thành một nước cộng hòa. Những vùng đất của gia đình quý tộc này sau đó đã trở thành một phần bang Thuringia, Đức vào năm 1920.

Tất cả những nam thành viên trong gia tộc này đều được đặt tên là Heinrich (Henry), với người sinh ra đầu tiên trong mỗi thế kỷ sẽ được gọi với cái tên Heinrich I, người thứ hai là Heinrich II và tiếp tục như thế cho đến thế kỷ tiếp theo.

Theo Sky News, Heinrich XIII kết hôn với một phụ nữ Iran và có hai người con trong độ tuổi 30. Dù chi tiết về nguồn thu nhập của ông này tới nay chưa được chính quyền Đức hé lộ, nhưng nhiều báo cáo cho thấy Heinrich XIII làm việc trong lĩnh vực tài chính và bất động sản.

Người đứng đầu nhà Reuss hiện nay là Hoàng tử Heinrich XIV vào đầu năm nay nói rằng, bản thân ông đã cố gắng giữ khoảng cách với Heinrich XIII. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo OTZ hồi tháng Tám, ông Heinrich XIV miêu tả Heinrich XIII là một “ông già lẩm cẩm, người tin vào các thuyết âm mưu và đã không liên lạc với gia đình trong 14 năm”.

(Nguồn: Vietnamnet)

ĐỨC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN "LÁ CHẮN PHÒNG THỦ TÊN LỬA"

Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ hy vọng, nước này sẽ phát triển một "lá chắn phòng thủ tên lửa" trong 5 năm tới.

Ông Scholz đưa ra tuyên bố trên vào ngày 8/12 khi phát biểu với hãng tin Funke của Đức và báo Ouest-France của Pháp.

Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh, ngay bây giờ, Chính phủ Đức sẽ thảo luận với các nhà sản xuất những hệ thống khác nhau để sẵn sàng đưa ra quyết định cụ thể. Ông Scholz tái khẳng định sẽ thúc đẩy chi tiêu quốc phòng của Đức đáp ứng mức mục tiêu tương đương 2% GDP mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề ra, trong đó có việc mở rộng khả năng phòng không của cái gọi là “Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu” (European Sky Shield Initiative) với các quốc gia thành viên NATO khác.

Đức và hơn 10 đối tác khác trong NATO đang hướng tới việc mua chung các hệ thống phòng không. Trong số các lựa chọn đang được cân nhắc có hệ thống phòng không Arrow 3 của Israel, Patriot của Mỹ và IRIS-T của Đức.

Hồi tháng 11, một tên lửa đã rơi vào ngôi làng ở Ba Lan ở gần biên giới với Ukraine khiến 2 người thiệt mạng. Sự việc đã cho thấy những lỗ hổng của hệ thống phòng không NATO và thúc đẩy Đức triển khai hệ thống phòng không Patriot tại Ba Lan.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 7/12 cho biết, sau khi thảo luận với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, ông chấp nhận việc triển khai hệ thống Patriot tại Ba Lan và kết nối tổ hợp tên lửa này với hệ thống điều khiển chung của Ba Lan.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức thông tin, giới chức hai nước đã có cuộc trao đổi hiệu quả về đề nghị của Berlin liên quan đến việc triển khai hệ thống Patriot tại Ba Lan và nhất trí về mặt nguyên tắc.

Địa điểm triển khai hệ thống cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ cho hoạt động này đang được thảo luận ở cấp chuyên viên và một nhóm khảo sát thực địa sẽ sớm đến Ba Lan.

(Nguồn: VTV)

(Xem thêm:

=> EU: Thiếu điện lan rộng; Góc khuất nước Anh; Đức: Vụ đảo chính, Tịch thu tài sản Rosneft, bù đắp kho đạn ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang