EU: 'Tàu ma' chuyển dầu Nga; Dân Pháp xuống đường; Đức: Giết bản sao để giả chết, bảo vệ rừng Amazon, đa dạng hóa lợi ích

Hé lộ chân dung công ty đứng sau những “tàu ma” vận chuyển dầu Nga, “tẩu tán” hàng triệu thùng dầu ra thị trường bất chấp lệnh cấm của EU

(Ảnh minh họa).

Bất chấp những lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga vẫn giữ được dòng chảy dầu thô của mình ra thị trường nhờ vào công ty này.

Một văn phòng nhỏ ở ngoại ô thành phố Mumbai là lời giải cho câu hỏi dầu thô của Nga đã tiếp tục chảy ra thị trường như thế nào. Địa chỉ này là trụ sở của một công ty vận tải biển Ấn Độ. Công ty này đã không quản lý bất kì một con tàu nào cho đến năm 2022.

Dữ liệu theo dõi tàu biển cho thấy công ty này đã nắm quyền kiểm soát 20 tàu chở dầu sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, đưa chúng vào hoạt động vận chuyển dầu thô Nga dọc theo các tuyến đường thương mại mới được thiết lập đến Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Gatik Ship Management là một trong những công ty mới nổi tích cực nhất trong việc mua lại các tàu chở dầu cũ kỹ để thay thế các tàu thuộc sở hữu của phương Tây không còn giao dịch với Nga. Theo dữ liệu về điều hành vận tải, môi giới và theo dõi tàu, đội tàu song song đó đang giúp Moscow cung cấp dầu thô cho người mua ở châu Á.

Dầu Nga được vận chuyển ra sao?

Theo cơ sở dữ liệu của EU, Gatik là người quản lý các con tàu chứ không phải chủ sở hữu. Chủ sở hữu đã đăng ký của 20 tàu chở dầu – với phần nhiều trong số đó được đặt tên theo các nhân vật thần thoại Hy Lạp như Electra, Odysseus và Hector - có cùng địa chỉ ở Mumbai với Gatik. Công ty sở hữu tàu chở dầu Gatik có tên Buena Vista, đã vận chuyển dầu thô của Nga đến Ấn Độ trong tháng này là Social Club.

Theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, Nga đang trên đà xuất khẩu 158 triệu thùng dầu thô bằng đường biển trong tháng này, tháng cao nhất từ đầu năm 2022 đến nay. Các Giám đốc điều hành vận tải biển của Nga cho biết, sự thiếu hụt của các tàu chở dầu sẵn có không phải là vấn đề cản trở cho họ.

Một công ty con có trụ sở tại Dubai của tập đoàn vận tải khổng lồ PAO Sovcomflot thuộc sở hữu nhà nước của Nga cũng thực hiện vận chuyển dầu tương tự. Một số công ty vận tải biển lớn của phương Tây, trong đó có một trong những công ty lớn nhất của Hy Lạp - cũng đang vận chuyển dầu thô của Nga và giao dịch dầu dưới mức giá trần.

Trong số những người cung cấp tàu chở dầu có Gatik. Theo cơ sở dữ liệu vận chuyển của Liên minh châu Âu, kể từ tháng 6, công ty đã nhận 25 tàu dưới cánh của mình. Độ tuổi trung bình của những chiếc tàu là 17 tuổi, khi các chủ tàu chở dầu thường cân nhắc gửi tàu đi làm phế liệu.

Vào giữa tháng 1, tàu Atalanta dài 249 mét của Gatik đã chất đầy dầu thô Urals của Nga tại Primorsk trên Biển Baltic. Dữ liệu của Refinitiv và MarineTraffic cho thấy từ đó tàu chở dầu gắn cờ St. Kitts & Nevis đi về phía Vadinar trên bờ biển phía Tây của Ấn Độ. 6 tàu chở dầu Gatik khác đã chất đầy dầu thô của Nga từ ngày 5 tháng 12 đến ngày 14 tháng 1, bao gồm một chiếc đã thực hiện hành trình hai lần.

Theo Yen Ling Song, nhà phân tích tại S&P Global Commodities cho biết các tàu chở dầu do các công ty ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hồng Kông, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga kiểm soát đã vận chuyển hơn 60% dầu thô của Nga kể từ khi giá trần có hiệu lực. Trong khi đó 29% di chuyển trên các con tàu do châu Âu kiểm soát, chủ yếu đến từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số nhà khai thác tàu chở dầu chủ đạo đang tận dụng giá trần. Trong số những công ty hoạt động tích cực nhất phải kể đến TMS Tankers của Hy Lạp - được thành lập bởi ông trùm vận tải biển George Economou và là một phần của Tập đoàn TMS. Dữ liệu vận chuyển cho thấy các tàu chở dầu do TMS quản lý đã nạp dầu thô của Nga 14 lần trong khoảng thời gian từ ngày 5 tháng 12 đến ngày 14 tháng 1.

(Nguồn: Soha)

Hàng triệu người Pháp tiếp tục xuống đường phản đối cải cách hưu trí

Hôm nay (31/1) trên toàn nước Pháp sẽ diễn ra các cuộc đình công và tuần hành quy mô lớn để phản đối dự luật cải cách hưu trí của chính phủ.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết sẽ triển khai 11.000 cảnh sát để ứng phó nguy cơ bạo động trong khi Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục khẳng định cải cách là điều tất yếu.

Đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng 2 tuần qua, 8 nghiệp đoàn lao động lớn nhất của Pháp liên kết phát động đình công và tuần hành lớn trên toàn quốc để phản đối dự luật cải cách hưu trí được chính phủ công bố ngày 11/1.

Đại diện các nghiệp đoàn lao động cho biết hoạt động đình công sẽ có sự hưởng ứng tham gia của nhiều lĩnh vực ngành nghề từ năng lượng, y tế, giáo dục, bưu điện, các khu trượt tuyết và đặc biệt là giao thông. Theo dự báo, hệ thống xe bus, tàu điện ngầm đô thị, đặc biệt là tại thủ đô Paris hay các tuyến đường sắt liên tỉnh chỉ hoạt động với công suất 1/3 ngày thường, trong khi 1/5 chuyến bay tại các sân bay lớn như Charles de Gaulle và Orly ở thủ đô Paris sẽ bị hoãn huỷ.

Tổng Công đoàn lao động Pháp (CGT) trong những ngày qua liên tiếp kêu gọi tiến hành đình công, phong toả các nhà máy lọc dầu cùng các cơ sở lưu trữ giống như hồi tháng 10/2022 nhằm gia tăng sức ép lên chính phủ.

Theo các nghiệp đoàn lao động, số lượng người Pháp tham gia đình công và tuần hành ngày 31/1 sẽ vượt qua con số hơn 2 triệu người mà các tổ chức này ghi nhận được trong cuộc tổng đình công và tuần hành lần thứ nhất hôm 19/1.

Bộ Nội vụ Pháp dự báo sẽ có khoảng 1 triệu đến 1,2 triệu người Pháp sẽ xuống đường tham gia các cuộc tuần hành lớn diễn ra trên toàn quốc. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã cho biết khoảng 11 ngàn cảnh sát sẽ được triển khai để ngăn chặn nguy cơ các cuộc tuần hành biến thành bạo loạn. Tình báo Pháp cảnh báo sẽ có nhiều “điểm đen” trên cả nước, và riêng tại thủ đô Paris sẽ có khoảng 400 điểm đen và 4.000 cảnh sát sẽ được triển khai ứng phó.

Trong khi đó, dự luật cải cách hưu trí đã được Thủ tướng Elisabeth Borne trình lên Ủy ban các vấn đề xã hội thuộc Quốc hội ngày 30/1 để xem xét trước khi đưa ra phiên họp toàn thể dự kiến diễn ra vào giữa tháng 2/2023.

Phát biểu trong chuyến thăm Hà Lan ngày hôm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục nhấn mạnh việc nâng độ tuổi về hưu lên 64 vào năm 2030 là điều tất yếu: “Cải cách hưu trí là điều không thể tránh được nếu đưa ra so sánh với các nước châu Âu khác cũng như thấy được sự cần thiết để duy trì và cứu cả hệ thống. Thủ tướng hoàn toàn có lý để thực hiện và tôi ủng hộ điều này”.

(Nguồn: CafeF)

Cô gái Đức bị nghi giết bản sao để giả chết

(Ảnh minh họa).

Công tố viên cho rằng cô gái người Đức gốc Iraq đã tìm một người giống mình trên Instagram và sát hại để giả chết.

Khi thi thể đầy máu của một cô gái được phát hiện hồi tháng 8/2022 trong xe đỗ ở Ingolstadt, miền nam nước Đức, thông tin ban đầu xác định nạn nhân là Sharaban K, chuyên gia làm đẹp 23 tuổi người Đức gốc Iraq sống ở Munich.

Một số người thân của Sharaban K xác nhận danh tính thi thể, nhưng báo cáo khám nghiệm tử thi ngày hôm sau đặt ra nghi vấn. Cuối cùng, nạn nhân được xác định là Khadidja O, blogger làm đẹp người Algeria sống ở Heilbronn, bang Baden-Württemberg lân cận, cũng 23 tuổi.

Theo cảnh sát, hai người phụ nữ "nhìn rất giống nhau" vì đều có tóc đen dài thẳng, cùng màu da, trang điểm đậm. Báo chí Đức gọi đây là "vụ giết người bản sao".

Sharaban K bị bắt ngày 19/8/2022 cùng bạn là Sheqir K, 23 tuổi, người Kosovo, dù giới chức không công bố động cơ cho đến 30/1. Nạn nhân và bị cáo được gọi bằng tên và chữ cái đầu của họ theo thông lệ trong hệ thống luật pháp Đức.

"Cuộc điều tra dẫn chúng tôi đến kết luận bị cáo muốn lẩn trốn vì gia đình mâu thuẫn và giả chết để đạt được mục đích đó", Veronika Grieser, công tố viên bang Ingolstadt nói sáng ngày 30/1.

Cảnh sát cho hay Sharaban K từng liên lạc với một số phụ nữ có ngoại hình giống mình. Cô ta sử dụng nhiều tên giả để hoạt động trên các trang mạng xã hội vào tuần trước khi vụ giết người xảy ra.

"Bằng cách đưa ra nhiều lời hứa hẹn, cô ta đã cố gắng hẹn gặp họ nhưng không thành", Grieser nói.

Tuy nhiên, Khadidja O đã đồng ý gặp vì lời đề nghị dùng mỹ phẩm. Sheqir K và Sharaban K đã lái ôtô đến đón nạn nhân từ căn hộ của Khadidja O vào ngày xảy ra án mạng. Trong khu rừng trải dài giữa Heilbronn và Ingolstadt, hai người đã lấy cớ dụ Khadidja O rời khỏi xe và đâm chết cô.

"Chúng tôi chưa tìm được hung khí gây án nhưng tìm được rất nhiều bằng chứng", phát ngôn viên cảnh sát Andreas Aichele nói. "Nạn nhân bị giết bằng hơn 50 nhát dao, gương mặt biến dạng hoàn toàn".

Công tố viên nói rằng hai nghi phạm đã bế nạn nhân lên ghế sau xe của mình, lái đến Ingolstadt, đỗ xe ở một khu dân cư yên tĩnh bên bờ sông Danube, nơi bố mẹ của Sharaban K phát hiện ra nạn nhân ngay trước nửa đêm ngày 16/8/2022.

Phát ngôn viên của văn phòng công tố bang Ingolstadt cho hay cuộc điều tra đang tiếp diễn và nhiều nhân chứng đang được phỏng vấn. Hai nghi phạm đối mặt bản án chung thân nếu bị kết tội.

"Đây là vụ án rất đặc biệt", Aichele nói. "Vào ngày tìm được thi thể, chúng tôi không ngờ vụ án sẽ diễn biến theo hướng này".

(Nguồn: Vnexpress)

Đức cam kết hỗ trợ hàng triệu USD để bảo vệ rừng Amazon

Ngày 30/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết hỗ trợ 200 triệu euro (217 triệu USD) cho các dự án bảo vệ môi trường tại Brazil.

Thông tin này được công bố trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Scholz tới thủ đô Brasilia.

Theo thông báo của Đại sứ quán Đức, gói hỗ trợ trên bao gồm cả 35 triệu euro đóng góp cho Quỹ rừng Amazon, giúp thúc đẩy sáng kiến trị giá hàng tỷ USD do Na Uy và Đức tài trợ nhằm bảo vệ rừng Amazon và chống nạn phá rừng.

Ngoài ra, Đức cam kết tài trợ 33,6 triệu USD để giúp các bang của Brazil bảo vệ rừng Amazon, 87 triệu USD để cấp khoản vay lãi suất thấp cho nông dân tái trồng rừng.

Số tiền còn lại sẽ được chi cho các dự án xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, dự án tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo trong công nghiệp và giao thông, cũng như hoạt động tái trồng rừng ở các khu vực bị suy thoái.

Theo Văn phòng Tổng thống Brazil, vấn đề bảo vệ rừng Amazon là trọng tâm trong chương trình nghị sự giữa Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Brazil Lula da Silva.

Ông Scholz là Thủ tướng Đức đầu tiên thăm Brazil kể từ năm 2015 và là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm quốc gia Nam Mỹ này kể từ khi Tổng thống Lula da Silva nhậm chức ngày 1/1 vừa qua, sau khi quan hệ giữa Đức và Brazil đóng băng dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Jair Bolsonaro.

Đức và Na Uy đã tạm dừng tài trợ cho Quỹ rừng Amazon dưới thời ông Bolsonaro. Quỹ rừng Amazon đóng băng từ năm 2019 khi Tổng thống Brazil khi đó là ông Bolsonaro giải thể ban điều hành và bãi bỏ các kế hoạch hành động.

Quỹ này đã được Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva tái khởi động sau khi bà nhậm chức với cam kết chấm dứt nạn phá rừng tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này.

Tổng thống Brazil Lula da Silva cho biết Quỹ Amazon sẽ được chi cho các tình huống khẩn cấp, trong đó có cuộc khủng hoảng y tế tại cộng đồng người bản địa ở miền Bắc Brazil.

Khu vực này là nơi sinh sống của người da đỏ bản xứ Yanomami đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và nhiều căn bệnh khác do hoạt động khai thác vàng trái phép.

Ngày 22/1 vừa qua, Bộ Y tế Brazil đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế tại khu bảo tồn bản địa lớn nhất nước này.

Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.

Được xem là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu thổ dân thuộc 500 bộ lạc và nơi trú ngụ của hơn 3 triệu loài động, thực vật khác nhau.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Đa dạng hóa lợi ích

(Ảnh minh họa).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa có chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới 3 quốc gia Nam Mỹ giàu tài nguyên là Argentina, Chile và Brazil nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác với khu vực Mỹ Latinh cả về chính trị lẫn kinh tế, năng lượng, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Berlin ở Tây bán cầu. Chuyến thăm cũng là cơ hội để Đức can dự nhiều hơn vào khu vực Nam Mỹ.

Trong suốt chuyến thăm, các cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Argentina Alberto Ángel Fernández, Tổng thống Chile Gabriel Boric và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva được tổ chức trong không khí cởi mở với mong muốn sẵn sàng cùng nhau vượt qua những quan điểm khác biệt để thúc đẩy hợp tác hơn nữa, đặc biệt là về kinh tế, năng lượng và nguyên liệu thô.

Nhiều năm qua, Đức có truyền thống duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp nhưng không quá tham vọng với cả 3 quốc gia Mỹ Latinh. Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, chính phủ liên minh hiện nay ở Đức muốn giảm nhanh chóng sự phụ thuộc vào Nga cũng như Trung Quốc. "Đa dạng hóa quan hệ kinh tế, năng lượng" là cụm từ đã trở nên thông dụng và được thảo luận rộng rãi tại Đức trong suốt thời gian qua. Và khu vực Mỹ Latinh, nhất là 3 quốc gia Argentina, Chile và Brazil, được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu thực hiện chủ trương này.

Một trong những trọng tâm thảo luận giữa Thủ tướng Đức và các nhà lãnh đạo Argentina và Brazil là nhanh chóng đạt sự nhất trí chung về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Sau hơn 20 năm đàm phán, hai bên đã đạt được thỏa thuận năm 2019, nhưng cho đến nay văn kiện này vẫn chưa được phê chuẩn do gặp phải rất nhiều chỉ trích, đặc biệt là vấn đề bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon. Thời gian qua EU đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm từ các khu vực phá rừng.

Với chuyến thăm cấp cao này, Chính phủ Đức muốn thực hiện nỗ lực mới để "làm sống lại" hiệp định đã ký thông qua các thỏa thuận bổ sung. Điều kiện chính trị hiện tại được cho là chưa bao giờ thuận lợi hơn. Các quốc gia MERCOSUR hy vọng có thể hưởng lợi từ những biến động địa chính trị quốc tế và thay đổi chính sách năng lượng của châu Âu, từ đó giúp họ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế; trong khi Đức và EU cũng đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác tin cậy cho tương lai. Nhưng theo chuyên gia Detlef Nolte từ Viện nghiên cứu GIGA của Đức, thời gian đang rất cấp bách, nếu không hoàn tất trong năm nay, hiệp định "có thể sẽ không bao giờ thành công".

Hơn bất kỳ quốc gia EU nào khác, hiệp định này được coi là hết sức quan trọng đối với nền kinh tế xuất khẩu của Đức. Hơn 12.000 doanh nghiệp Đức đã và đang xuất khẩu sang MERCOSUR nhận thấy thị trường bán hàng khổng lồ này có thể được sử dụng tốt hơn nữa nếu FTA được phê chuẩn. Hiệp định sẽ tạo ra một thị trường tự do với hơn 750 triệu người, chiếm gần 20% tổng sản lượng kinh tế và 31% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu toàn cầu. Đó cũng là lý do tháp tùng Thủ tướng Olaf Scholz trong chuyến công du này là lãnh đạo hàng chục tập đoàn công nghiệp lớn của Đức.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội các phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Peter Adrian, FTA giữa EU và MERCOSUR, cũng như các hiệp định với Mexico và Chile, cần phải sớm được phê chuẩn. Nếu không, nền kinh tế Đức và châu Âu sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh, đặc biệt là so với Mỹ và Trung Quốc. Cùng quan điểm trên, ông Ulrich Ackermann, người đứng đầu bộ phận ngoại thương của Hiệp hội các nhà sản xuất máy và thiết bị Đức (VDMA) cho rằng trong một thời gian dài, Chính phủ Đức đã không chú ý nhiều tới Mỹ Latinh, bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác với khu vực quan trọng này. Do đó chuyến thăm này rất quan trọng, Chính phủ Đức cần tham gia mạnh mẽ hơn trong việc hợp tác với khu vực này trước khi quá muộn.

Hợp tác về năng lượng và tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô cũng là một trong những trọng tâm chính của chuyến công du. Tại Argentina, 2 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng đã được ký kết. Một thỏa thuận tương tự cũng được ký tại Chile. Phía Đức thể hiện sự quan tâm lớn trong việc thúc đẩy hợp tác về năng lượng tái tạo, phát triển hydro xanh với cả 3 quốc gia, và cả khí đốt hóa lỏng với Argentina. Những điều này cũng là định hướng của chính phủ các nước Nam Mỹ trong thời gian tới. Tổng thống Fernández cho biết Argentina muốn "trở thành nhà sản xuất khí đốt an toàn trên thế giới" và mở rộng công suất hiện có. Argentina có một trong những mỏ khí đá phiến lớn nhất thế giới, nhưng việc khai thác gặp nhiều khó khăn và thiếu cơ sở hạ tầng để phân phối trong nước cũng như xuất khẩu. Việc hợp tác chặt chẽ với Đức sẽ giúp Argentina khắc phục những khó khăn này.

Đối với quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới như Đức, bên cạnh nguồn cung năng lượng, nguồn nguyên liệu thô bền vững và an toàn luôn được coi trọng. Từ khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra, điều này lại càng trở nên cấp bách. Do đó, chuyến công du của Thủ tướng Đức tới Nam Mỹ cũng được nhiều chuyên gia coi là "chuyến đi tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thô", nhất là lithium. Berlin muốn tiếp cận nguồn dự trữ lithium khổng lồ ở Argentina và Chile để phục vụ ngành công nghiệp ô tô điện.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, khoảng 57% trữ lượng lithium trên thế giới nằm ở "tam giác quốc gia lithium" Nam Mỹ là Argentina, Bolivia và Chile. Tuy nhiên, so với Trung Quốc và Mỹ, "quốc gia ô tô" Đức đang tụt lại phía sau trong việc tìm kiếm và đầu tư khai thác để đảm bảo nguồn cung lithium lâu dài. Cho đến nay, Trung Quốc đã khai thác và nhập khẩu lithium nguyên liệu trên quy mô lớn từ khắp nơi trên thế giới, sau đó chế biến và xuất khẩu lại dưới dạng sản phẩm tinh chế. Chuyên gia kinh tế Carl Moses từ Buenos Aires cho rằng so với Trung Quốc và nhiều nước khác, Đức vẫn chưa hiện diện nhiều trong "tam giác quốc gia lithium" Nam Mỹ.

Để khắc phục điều này, trong chuyến thăm, Đức và Chile đã ký thỏa thuận hợp tác về quan hệ đối tác trong khai thác mỏ, nguyên liệu thô và nền kinh tế tuần hoàn. Nhiều dự án hợp tác khai thác chung hứa hẹn sẽ được mở rộng hoặc sớm được triển khai mới. Tại Argentina, hai bên cũng thảo luận việc nhập khẩu lithium và một số nguyên liệu khác như đồng, quặng sắt... Với nguồn dự trữ lithium khổng lồ, Chile và Argentina hứa hẹn sẽ là nhà cung cấp quan trọng loại nguyên liệu này cho "nhu cầu không bao giờ cạn" của nền công nghiệp Đức.

Chuyến công du của Thủ tướng Olaf Scholz một lần nữa cho thấy Đức đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại, tăng cường thiết lập đối tác năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn cung nguyên liệu thô, qua đó đa dạng hóa lợi ích của Đức ở Mỹ Latinh và ngược lại. Giới chuyên gia nhận định dù sẽ có không ít khó khăn trong việc triển khai các dự án cụ thể, nhưng những thỏa thuận vừa được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mà nếu được tận dụng tốt, những lợi ích mà cả hai bên thu được sẽ không hề nhỏ.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

(Xem thêm:

=> EU: Áp giá trần mới dầu Nga; Biểu tình ở Pháp; Đức: Kinh tế suy thoái, mối lo sưởi ấm bằng than, Không cấp máy bay cho Ukraine ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang