EU: 'Gót chân Asin' viện trợ; Đối mặt hạn hán; Thảm kịch ở Hy Lạp; Căng thẳng Serbia-Kosovo; Đức gây sức ép trừng phạt

Châu Âu lộ "gót chân Asin" khi viện trợ xe tăng cho Ukraine

(Ảnh minh họa).

Gần 1 tháng sau khi Đức cho phép các đồng minh châu Âu cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do nước này sản xuất cho Ukraine, quá trình chuyển giao vẫn diễn ra một cách chậm chạp.

Châu Âu thiếu đầu tư cho quân đội

Một số quốc gia phát hiện ra rằng, những chiếc xe tăng có trong kho vũ khí của họ không sẵn sàng hoạt động hoặc thiếu phụ tùng thay thế. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã vấp phải sự phản đối bất ngờ ngay chính trong liên minh của họ, thậm chí từ các cơ quan quốc phòng. Quân đội của một số nước thậm chí phải điều động cả những chuyên gia quân sự đã nghỉ hưu để dạy binh sỹ Ukraine cách vận hành xe tăng.

Quá trình đấu tranh để cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine đã phơi bày một thực tế mà châu Âu dường như lãng quên từ lâu: các trận đánh trên bộ quy mô lớn vẫn là một phần quan trọng của cuộc xung đột hiện đại và nhiều quốc gia đã thiếu đầu tư cho quân đội kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Chính vì thế khi cuộc xung đột lớn nhất xảy ra trên lục địa châu Âu kể từ Thế chiến 2, họ chưa có sự phòng bị kỹ càng.

Vấn đề về thiếu vũ khí, đạn dược đối với châu Âu đã nảy sinh kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhưng giờ đây, mức độ khó khăn càng trở nên rõ ràng hơn khi Đức và đồng minh tìm cách tập hợp đủ số lượng 62 chiếc xe tăng Leopard 2 để cung cấp cho Ukraine.

Trong nhiều tuần qua, Thủ tướng Olaf Scholz đã chịu áp lực mạnh mẽ từ nhà lãnh đạo Ukraine, các chính trị gia châu Âu và nhiều chuyên gia an ninh về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine cũng như cho phép các quốc gia khác gửi xe tăng do Đức sản xuất tới quốc gia này. Cuối cùng, ông đã phải đồng ý bất chấp lo ngại rằng quyết định này có thể gây leo thang căng thẳng với Nga.

Châu Âu hiện giờ đã đạt được sự đồng thuận rõ ràng về cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard cho Ukraine, nhưng quá trình chuyển giao đang diễn ra một cách chậm chạp. Châu Âu ước tính có khoảng 2.000 xe tăng Leopard 2 thuộc nhiều phiên bản khác nhau. Đây là một trong những mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực được sử dụng phổ biến nhất trên khắp lục địa. Tuy vậy, các quốc gia chỉ cam kết cung cấp cho Ukraine với số lượng rất ít, chẳng hạn Đức chỉ chuyển giao 18 chiếc còn Ba Lan chuyển giao 14 chiếc, trong khi Kiev nói rằng họ cần hàng trăm chiếc xe tăng để đối phó với các cuộc tấn công trên bộ của Nga. Vẫn chưa rõ, trong trường hợp những chiếc xe tăng này bị bắn hạ hoặc gặp trục trặc trên chiến trường, những quốc gia nào sẽ sẵn sàng thay thế chúng.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 vừa qua, Bộ trường Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết: “Một số quốc gia thông báo đã hoặc sẽ thực hiện việc chuyển giao, nhưng vẫn còn nhiều quốc gia chưa đưa ra cam kết. Đây là điều khiến tôi ngạc nhiên. Rõ ràng họ được bật đèn xanh nhưng họ không sẵn sàng làm điều đó”.

Một số quan chức của Đức và châu Âu tham gia cuộc đàm phán về chuyển giao xe tăng cho Ukraine nói rằng, tình hình ngày càng phức tạp hơn. Nhiều nước châu Âu vẫn ngần ngại là bởi họ đang gặp khó khăn. Chẳng hạn Phần Lan – nước có đường biên giới chung với Nga dài hơn 1.300km, hiện chưa chính thức gia nhập NATO, không muốn làm suy yếu khả năng phòng thủ của họ. Thụy Điển thì lại đối mặt với vấn đề khác. Các chính trị gia của nước này muốn cung cấp xe tăng cho Ukraine còn quân đội thì không. Sau Chiến tranh Lạnh, nhiều nước châu Âu cho rằng, xung đột đã lùi sâu vào quá khứ vì thế họ thường liên tục giảm ngân sách quốc phòng, dẫn đến việc thu hẹp quy mô quân đội. Hiện giờ, khi xung đột kề bên, họ có xu hướng bảo toàn các nguồn lực quân sự sẵn có.

Thách thức về tân trang và bảo trì

Tây Ban Nha – nước có 108 xe tăng Leopard 2A4, đã đề nghị Đức cấp phép để cung cấp một số xe tăng này cho Ukraine. Nhưng giới chức Tây Ban Nha cho biết, nhiều xe tăng hiện trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và cần phải được tân trang lại. Quá trình này có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Ulrike Franke, một nhà phân tích quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu cho rằng, nỗ lực tìm kiếm và tập hợp xe tăng gửi cho Ukraine đã đặt ra những câu hỏi lớn về tình trạng thiếu hụt trang thiết bị và vấn đề bảo trì đối với quân đội các nước châu Âu.

Ba Lan có khoảng 200 xe tăng Leopard 2 – nhưng nước này cho biết sẽ chỉ cung cấp 14 chiếc cho Ukraine. Một số nhà phân tích cho rằng, Ba Lan có thể kéo dài việc chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine cho đến khi nhận được xe tăng K2 mới do tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc sản xuất, nhằm thay thế mẫu xe của Đức. Trước đó, Ba Lan đã gửi nhiều xe tăng T-72 nâng cấp cho Kiev, song vẫn chưa hoàn tất quá trình đào tạo cho binh sỹ Ukraine.

Khó khăn trong sản xuất vũ khí

Ngay cả việc cung cấp những chiếc xe tăng Leopard 1 cũ hơn cũng đối mặt với nhiều thách thức. Hà Lan, Đức và Đan Mạch đã đưa ra một sáng kiến chung, theo đó sẽ tân trang và gửi 150 chiếc Leopard 1 tới Ukraine vào cuối năm nay. Nhưng tại buổi huấn luyện cho các binh sĩ Ukraine ở Đức vào đầu tuần này, một quan chức quân đội cho biết họ buộc phải tìm kiếm những cựu binh từng lái xe tăng Leopard 1 để giúp huấn luyện các lực lượng Ukraine, bởi những chiếc xe tăng cũ quá xa lạ với quân đội của họ.

Một vấn đề khác là chính phủ các nước châu Âu và ngành công nghiệp quốc phòng của họ đang rơi vào tình trạng bế tắc trong sản xuất vũ khí. Các nhà lãnh đạo châu Âu muốn ngành công nghiệp quốc phòng đẩy mạnh sản xuất vũ khí, còn lãnh đạo doanh nghiệp muốn có đơn đặt hàng dài hạn của chính phủ trước khi gia tăng công suất.

Các chuyên gia an ninh cho biết, với tốc độ sản xuất như hiện nay, quân đội các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu xe tăng nghiêm trọng trong vòng 2 đến 3 năm tới trước khi ngành công nghiệp quốc phòng chế tạo những phương tiện mới./

(Nguồn: VOV)

Châu Âu đối mặt hạn hán

Một đợt nắng nóng giữa mùa đông, lượng mưa thấp kỷ lục và tình trạng thiếu tuyết đáng kinh ngạc ở châu Âu đang đẩy các con sông, kênh và hồ trên khắp lục địa xuống mức thấp báo động.

Hình ảnh những lòng sông khô cạn và những hồ nước bị thu hẹp thường gắn liền với cái nóng như thiêu đốt của mùa hè chứ không phải mùa đông. Thế nhưng, khởi đầu năm mới ấm áp và khô hạn bất thường đang ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn của châu Âu, bao gồm miền Trung và Tây Nam nước Pháp, miền Bắc Tây Ban Nha và miền Bắc Italy.

Hạn hán kỷ lục ở Pháp và Italy

Tại Pháp - quốc gia đang trải qua thời kỳ khô hạn nhất trong hơn 60 năm - có thể sớm đưa ra các hạn chế về nước. Ông Simon Mittelberger - một nhà khí hậu học tại Météo-France – chia sẻ với CNN, đất nước này “đã trải qua chuỗi 32 ngày liên tiếp không có lượng mưa đáng kể, cụ thể từ ngày 21/1 đến ngày 21/2”.

Ông Mittelberger cho biết, tình trạng thiếu mưa đang có tác động tiêu cực đến các sông và hồ cũng như đất đai của đất nước. “Đất khô hơn nhiều so với bình thường. Pháp sẽ không ghi nhận được độ ẩm của đất cho đến giữa tháng 4 năm nay” – ông Mittelberger nói.

Theo ông Mittelberger, lượng tuyết rơi cũng thấp. Dãy núi Pyrenees gần đạt mức kỷ lục về lượng tuyết rơi thấp nhất vào cùng thời điểm trong năm. Theo Tổ chức nghiên cứu CIMA, dãy núi Alps đã có ít tuyết hơn 63% so với bình thường.

Việc thiếu tuyết vào mùa đông có thể đe dọa nguồn dự trữ nước vào mùa xuân và mùa hè, vì tuyết tan ít hơn để duy trì các dòng sông. Mùa hè năm ngoái, Pháp đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, nhưng ông Mittelberger cảnh báo, năm nay “tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn nếu không có lượng mưa đáng kể trong vài tháng tới”.

Bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp, ông Christophe Béchu gọi đợt hạn hán mùa đông năm nay là “chưa từng có” và cảnh báo đất nước đang trong tình trạng báo động.

Tương tự ở Italy, một số vùng nước nổi tiếng nhất của đất nước cũng đang cạn kiệt. Hiện nay, mực nước ở hồ Garda thấp đến mức có thể đi bộ đến một hòn đảo ở giữa hồ, dọc theo một dải lòng hồ lộ thiên. Vài tháng trước, lối đi này không tồn tại.

Việc di chuyển bằng taxi nước ở Venice cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì một số kênh đào của thành phố đã trở nên quá cạn để giữ cho thuyền gondola nổi. Tình hình này một phần là do thiếu mưa. Một thành phố từ lâu luôn lo sợ lũ lụt giờ đang vật lộn với vấn đề ngược lại- hạn hán.

Con sông dài nhất của Italy, sông Po - chảy qua vùng trung tâm nông nghiệp phía Bắc nước này - có lượng nước ít hơn 61% so với thường lệ. Mùa hè năm ngoái, chính phủ Italy đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với khu vực xung quanh sông Po - nơi đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua.

Ông Giorgio Zampetti, Tổng Giám đốc của Legambiente - một nhóm môi trường của Italy - lo ngại rằng, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. “Năm 2023 mới bắt đầu, nhưng nó đang cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về các hiện tượng thời tiết cực đoan và mức độ hạn hán” - ông Zampetti nói trong một thông cáo báo chí.

Nỗi lo nguồn nước

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Graz ở Áo được công bố vào tháng 1 năm nay – nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích nguồn nước ngầm trên thế giới - tình hình nguồn nước của châu Âu đã trở nên “rất bấp bênh”.

Ông Torsten Mayer-Gürr - một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu - cho biết: “Một vài năm trước đây, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng nước sẽ là một vấn đề ở châu Âu. Chúng tôi thực sự đang gặp vấn đề với nguồn cung cấp nước. Cần phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này”.

Tại Tây Ban Nha - nơi đã trải qua một năm nóng nhất được ghi nhận vào năm ngoái – cũng đang có những lo ngại về nguồn cung cấp nước. “Chúng tôi không thể đảm bảo nguồn cung cấp nước cho nhu cầu nước uống hoặc cho các mục đích kinh tế chỉ dựa vào mưa” – bà Teresa Ribera, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Sinh thái cho biết trong một cuộc họp báo gần đây.

Quốc gia này đã phê duyệt kế hoạch đầu tư khoảng 24 tỷ USD vào quản lý nước, bao gồm các biện pháp cải thiện vệ sinh và xử lý nước cũng như hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu. Kể từ năm 1980, lượng nước trung bình sẵn có đã giảm 12%, trong khi các nhà nghiên cứu dự đoán rằng, nó có thể giảm thêm tới 40% vào năm 2050.

Trong khi châu Âu trước đó đã bị tàn phá bởi hạn hán mùa hè, các chuyên gia lo ngại tình trạng khô hạn đặc biệt trong 2 tháng qua có thể báo hiệu một thực tế mới, một phần do nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên.

Ông Andrea Toreti - nhà khí hậu học tại Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, nói với CNN: “Những điều kiện này rất hiếm trong quá khứ, nhưng biến đổi khí hậu đang làm thay đổi chế độ mưa ở châu Âu và khiến những điều kiện cực đoan này trở nên tái diễn và dữ dội hơn. Có một mối lo ngại ngày càng tăng do thiếu lượng mưa trong những tuần qua, cũng như nhìn lại đợt hạn hán tồi tệ trong năm 2022” - ông Torerti nói.

(Nguồn: Đại Đoàn Kết)

Dân Hy Lạp thức giấc giữa thảm kịch rúng động cả nước

(Ảnh minh họa).

Người dân Hy Lạp ngày 1/3 thức giấc với thông tin đau buồn về vụ đâm tàu thảm khốc ở phía bắc nước này trong đêm 28/2 khiến 36 người chết.

Hiện trường vụ hai tàu hỏa đâm trực diện làm 36 người chết ở Hy Lạp Vụ va chạm trực diện giữa tàu chở khách và tàu chở hàng xảy ra gần thành phố Larissa, miền Trung Hy Lạp hôm 28/2 khiến ít nhất 36 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực làm việc xuyên đêm để tìm kiếm người sống sót sau vụ hai tàu đâm trực diện ở thị trấn Tempe, gần thành phố Larissa, miền Trung Hy Lạp ngày 28/2.

Số người thiệt mạng trong thảm kịch đường sắt chấn động đã lên tới ít nhất 36 nạn nhân, bên cạnh 85 người bị thương, đội cứu hỏa địa phương cho hay, theo Guardian.

Thảm khốc

Thống đốc vùng Thessaly Konstantinos Agorastos cho biết hai đoàn tàu - một tàu chở khách đi từ Athens đến thành phố Thessaloniki, phía bắc Hy Lạp - và một đoàn tàu chở hàng từ Thessaloniki đến Larissa, đã va chạm trực diện bên ngoài thành phố miền Trung nước này.

“Vụ va chạm rất mạnh”, ông Agorastos xác nhận và cho biết thêm rằng 4 toa đầu tiên bị trật bánh, trong khi 2 toa phía đầu tàu “gần như bị phá hủy hoàn toàn”.

Vị thống đốc cho biết thêm khoảng 194 hành khách đã được sơ tán an toàn đến Thessaloniki trên các chuyến xe buýt.

Cảnh sát cùng nhân viên cứu hỏa và cứu hộ vẫn đang làm việc tại hiện trường, Đội cứu hỏa công bố trong một tuyên bố ngay trước 5h30.

Nhiều toa trật bánh và ít nhất ba toa bốc cháy sau vụ va chạm cách Athens khoảng 380 km về phía bắc. Các quan chức bệnh viện ở thành phố Larissa gần đó nói rằng ít nhất 25 người bị thương nặng.

Cơ quan điều hành đường sắt Hellenic Train cho hay chuyến tàu chở khách đi hướng bắc từ Athens đến Thessaloniki có khoảng 350 hành khách trên tàu khi vụ va chạm xảy ra.

Đài truyền hình SKAI phát sóng cảnh các toa tàu bị trật bánh, hư hỏng nặng với nhiều cửa sổ bị vỡ giữa những đám khói dày đặc, cũng như các mảnh vỡ vương vãi trên đường. Nhân viên cứu hộ mang theo những ngọn đuốc vào trong các toa tàu để tìm kiếm hành khách bị mắc kẹt.

"Đó là 10 giây ác mộng giữa lửa cháy"

Những người sống sót chia sẻ một số hành khách đã bị văng qua cửa sổ của các toa tàu do cú va chạm mạnh. Họ cho biết những người khác đã vật lộn để thoát ra sau khi đoàn tàu chở khách lao xuống một cánh đồng cạnh đường ray.

“Trong toa tàu, mọi người hoảng loạn và la hét”, một thanh niên được sơ tán đến cây cầu gần đó nói với SKAI TV.

Một hành khách khác nói với ERT, đài truyền hình công cộng của Hy Lạp: “Chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ… toa (tàu) bắt đầu quay, trước khi lật ngang khi chúng tôi thoát ra được”.

“Đó là 10 giây ác mộng giữa lửa cháy, không thể nhìn thấy gì nhiều vì khói”, một hành khách khác kể lại.

"Giống như một trận động đất," Angelos Tsiamouras, một hành khách khác, nói với ERT.

Một hành khách được báo Protothema phỏng vấn cho hay: “Tôi không bị thương nhưng tôi bị dính máu từ những người khác bị thương gần đó”.

Một thiếu niên nói với truyền thông Hy Lạp rằng khi toa tàu đầu tiên bốc cháy, cậu ta đã dùng túi để phá cửa kính trên toa tàu thứ tư của mình và thoát ra ngoài.

Vào đầu ngày 1/3, cảnh quay từ đài truyền hình nhà nước ERT cho thấy các nhân viên cứu hộ với đèn pha tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát và các cánh đồng xung quanh.

"Chúng tôi đang trải qua một thảm kịch. Chúng tôi đang kéo ra những người còn sống, bị thương... có người đã tử vong. Chúng tôi sẽ ở đây suốt đêm, cho đến khi hoàn thành, cho đến khi tìm thấy người cuối cùng", một nhân viên cứu hộ tình nguyện nói với ERT.

Truyền thông địa phương đưa tin người thân của các hành khách đã tập trung tại Thessaloniki để chờ đợi.

Chuyến tàu chở khách rời Athens vào khoảng 19h30 giờ địa phương hôm 28/2 (tức 5h30 GMT ngày 1/3). Lực lượng cứu hỏa xác nhận họ đã được thông báo về vụ tai nạn ngay trước nửa đêm 1/3.

Tàu chở khách do tập đoàn Ferrovie dello Stato Italiane của Italy vận hành, theo trang web của tập đoàn này. Đây là nhà cung cấp vận tải đường sắt chính cho hành khách và hàng hóa ở Hy Lạp và chạy 342 tuyến hành khách và thương mại mỗi ngày.

Năm 1972, 19 người thiệt mạng khi hai đoàn tàu va chạm trực diện bên ngoài Larissa, theo Reuters.

Hệ thống đường sắt cũ kỹ của Hy Lạp cần được hiện đại hóa, với nhiều đoàn tàu chạy trên đường ray đơn và các hệ thống điều khiển tự động và tín hiệu vẫn được lắp đặt ở nhiều khu vực.

Hy Lạp đã bán công ty điều hành đường sắt TRAINOSE cho Ferrovie dello Stato Italiane của Italy vào năm 2017 như một phần của chương trình cứu trợ quốc tế, với kỳ vọng hàng trăm triệu euro sẽ được đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sắt trong những năm tới.

(Nguồn: Zing News)

Căng thẳng Serbia-Kosovo vẫn tiếp tục bất chấp kế hoạch hòa giải chính trị của EU

Serbia và Kosovo đã cáo buộc nhau từ chối ký một kế hoạch do EU tài trợ nhằm bình thường hóa quan hệ sau nhiều tháng căng thẳng chính trị leo thang.

Serbia và Kosovo đã ngầm chấp thuận một đề xuất của EU nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai bên. Nhưng hiện chưa bên nào chịu ký kết vào thỏa thuận của EU và mọi con mắt đang đổ dồn vào các cuộc đàm phán tiếp theo dự kiến ​​​​diễn ra trong tháng 3 này.

Cụ thể, đầu tuần này, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti đã ngầm chấp thuận kế hoạch của EU nhằm chấm dứt nhiều tháng khủng hoảng chính trị và giúp cải thiện quan hệ song phương.

Phát biểu sau khi tổ chức các cuộc hội đàm tại Brussels giữa Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić và nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell cho biết cả hai bên đã đồng ý “không cần thảo luận thêm” về văn bản do EU đề xuất.

“Hôm nay (27/2) đã đạt được tiến bộ và tôi đánh giá cao các bên vì sự tham gia của họ”, ông Borrell nói với các phóng viên mà không có các nhà lãnh đạo Kosovo và Serbia.

Vòng đàm phán mới nhất diễn ra sau nhiều tháng "ngoại giao con thoi", với các nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết đây là lần đầu tiên cuộc đối thoại chuyển từ quản lý khủng hoảng đơn thuần sang các cuộc thảo luận thực tế về bình thường hóa.

Ông Borrell cho biết các cuộc đàm phán tiếp theo của các nhà lãnh đạo Serbia và Kosovo sẽ được tổ chức vào tháng 3 để quyết định về phụ lục, nghĩa là vạch ra các bước để thực hiện thỏa thuận cuối cùng.

Thỏa thuận do EU đề xuất quy định rằng cả hai bên sẽ tôn trọng độc lập, tự chủ, quyền tự quyết, bảo vệ nhân quyền và không phân biệt đối xử. Hai bên cũng đã đồng ý tăng cường hợp tác trong tương lai về các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, giao thông và kết nối, tư pháp và thực thi pháp luật, y tế, thể thao, bảo vệ môi trường.

Cả Serbia và Kosovo đều muốn gia nhập EU, nhưng khối này tuyên bố rằng trước tiên họ cần giải quyết những tranh chấp của mình. Thỏa thuận cũng yêu cầu hai bên không cản trở các bước gia nhập EU của nhau.

Tuy nhiên, các chi tiết của thỏa thuận do EU làm trung gian vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Sau khi cuộc họp hôm 27/2 kết thúc vào tối muộn, cả ông Kurti và Vučić đều đổ lỗi cho nhau vì đã không đạt được tiến bộ theo thỏa thuận.

Tổng thống Serbia đã dội một gáo nước lạnh vào hy vọng thực hiện nhanh chóng thỏa thuận khi nói với truyền thông trong nước rằng ông không thể nhượng bộ và mong đợi "nhiều phiên họp nữa". Tổng thống Vučić nêu rõ: “Thật tốt khi chúng tôi đã nói chuyện và tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể vượt qua các động thái đơn phương gây nguy hiểm cho sự an toàn của người dân".

Ông Vučić cũng bác bỏ các cuộc đàm phán là “không có gì đặc biệt” và trong khi đồng ý tiếp tục đàm phán, nhà lãnh đạo Serbia nhấn mạnh: “Chúng tôi không có lộ trình. Chúng ta cần ngồi lại và làm việc theo lộ trình”.

Về phần mình, ông Kurti có quan điểm tích cực hơn khi nói rằng phía Kosovo sẽ ký thỏa thuận nếu phía Serbia sẵn sàng làm như vậy.

Ông Kurti phát biểu với các phóng viên tại Brussels: “Thật đáng tiếc là chúng tôi đã không ký thỏa thuận hôm nay mặc dù thực tế là tất cả chúng tôi đều đồng ý. Thỏa thuận hoàn toàn thiết lập sự bình đẳng giữa các bên, tính đối xứng và tình láng giềng tốt đẹp".

Ông Kurti nói thêm: “Tôi tin rằng chúng tôi đang đi đúng hướng trong việc bình thường hóa quan hệ với Serbia và trên con đường hướng tới quan hệ láng giềng tốt đẹp của châu Âu".

Gần đây, căng thẳng đã bùng lên vì những vấn đề có vẻ nhỏ nhặt như đổi biển số xe, hay việc bắt giữ một sĩ quan cảnh sát người Serbia của Kosovo. Các nước phương Tây đã lo ngại rằng căng thẳng có thể lan rộng thành một cuộc xung đột mới ở Balkan, nổ ra trong bối cảnh giao tranh Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Lý do Đức đe dọa trừng phạt các công ty EU trốn tránh lệnh trừng phạt Nga

(Ảnh minh họa).

Đức đang gây áp lực với nhưng công ty EU trốn tránh lệnh trừng phạt Nga khi kim ngạch thương mại ngoài EU với Moskva tăng vọt. Nhờ giao thương với "các nước thân thiện", các công ty Nga đã tìm cách thay thế hoặc né tránh hầu hết các biện pháp trừng phạt đối với máy móc và công nghệ.

Tờ Financial Times (Anh) dẫn lời Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck mới đây tuyên bố rằng Berlin sẽ trừng phạt các công ty EU trốn tránh lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, trong bối cảnh Mỹ và các nước EU ngày càng lo ngại về những lỗ hổng lệnh trừng phạt.

Nhờ giao thương với "các nước thân thiện", các công ty Nga đã tìm cách thay thế hoặc né tránh hầu hết các biện pháp trừng phạt đối với máy móc và công nghệ.

Đức đặc biệt dễ xuất hiện lỗ hổng trừng phạt. Trước xung đột Nga - Ukraine, số công ty Đức đăng ký ở Nga nhiều gấp 10 lần so với bất kỳ quốc gia EU nào khác. Hơn nữa, kể từ khi xung đột bắt đầu, chỉ có 9% công ty nước ngoài từng nói rằng họ sẽ rời đi là thực sự rút lui. Trong số các công ty Đức hoạt động tại Nga, chỉ có 4% đóng cửa.

Do đó, ông Habeck đề xuất kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty bán hàng hóa sang Nga thông qua các nước thứ ba và đe dọa họ sẽ bị truy tố hình sự vì khai báo xuất khẩu sai nếu bị bắt. Theo ông Habeck, việc trốn tránh lệnh trừng phạt là "tội không nhẹ" và kêu gọi một chế độ chặt chẽ hơn để cảnh sát áp dụng lệnh trừng phạt trên tất cả các quốc gia thành viên EU.

Báo cáo Chuyển đổi của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) gần đây nhất đưa ra thông tin chi tiết về các luồng thương mại đang thay đổi nhanh chóng kể từ khi lệnh trừng phạt của phương Tây được áp dụng do xung đột ở Ukraine.

Cụ thể, trong khi kim ngạch thương mại của Nga với EU sụt giảm thì kim ngạch thương mại của Moskva với “các nước thân thiện” lại tăng vọt. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt Đức trở thành nhà xuất khẩu và trở thành điểm trung chuyển chính cho hàng hóa từ phần còn lại của thế giới đến Nga. EBRD lưu ý rằng trong khi xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng vọt, nhưng nhập khẩu từ châu Âu của họ không thay đổi nhiều, cho thấy hầu hết hàng hóa được gửi đến Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ đều được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, ở các quốc gia khác trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đã chứng kiến ​​việc nhập khẩu hàng hóa phương Tây của họ tăng vọt và xuất khẩu sang Nga cũng tăng vọt. Theo báo cáo của EBRD, Kyrgyzstan, Armenia, Gruzia và thậm chí cả Estonia đều chứng kiến ​​kim ngạch thương mại tăng mạnh.

Lỗ hổng trừng phạt đặc biệt khiến phương Tây lo ngại với công nghệ và máy móc, những thứ mà Nga gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp của phương Tây. Về lý thuyết, các biện pháp trừng phạt công nghệ là một trong những biện pháp dễ kiểm soát nhất vì các công ty phương Tây có quyền kiểm soát gần như độc quyền đối với lĩnh vực này. Trên thực tế, các công ty Nga cho biết họ có thể thay thế gần như toàn bộ hàng nhập khẩu này, trong đó Trung Quốc đóng vai trò dẫn đầu (67%).

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Viện Gaidar ở Moskva, 15% các công ty Nga được hỏi cho biết họ đã “bằng cách nào đó” vẫn tiếp tục nhập khẩu máy móc và công nghệ bị phương Tây trừng phạt. Các nhà sản xuất Nga cũng đã đầu tư mạnh vào việc trang bị lại để lấp đầy lỗ hổng do nguồn cung cấp phương Tây bị hạn chế.

Viện Gaidar cũng phát hiện ra rằng các công ty Nga đã thay thế phần lớn phụ tùng bị trừng phạt bằng hàng nhập khẩu từ các "quốc gia thân thiện". Trung Quốc một lần nữa đóng vai trò dẫn đầu chiếm gần 2/3 (63%) lượng hàng nhập khẩu của các công ty công nghiệp có sự chuyển đổi nhà cung cấp. Các nhà cung cấp từ các quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò tương tự trong các bộ phận cũng như trong máy móc.

Elina Ribakova, chuyên gia kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã đánh giá về tác động của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga: “Nga đang có được mọi thứ mình cần, mặc dù với chi phí cao hơn và khó khăn hơn".

Nghiên cứu dữ liệu thương mại của EBRD cũng cho thấy "một lượng đáng kể" các sản phẩm bị trừng phạt đang được xuất khẩu từ EU và Đức sang các nước thứ ba "và sau đó xuất khẩu sang Nga", bất chấp các lệnh trừng phạt nghiêm khắc. Bộ kinh tế Đức cho rằng "chúng tôi phải cùng nhau giải quyết những lỗ hổng trừng phạt này một cách hiệu quả hơn những gì chúng ta đã làm cho đến nay, cả ở cấp quốc gia và cấp EU".

Vì vậy, Đức được cho là sẽ thúc đẩy các đề xuất được đưa vào gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga, với việc ông Habeck tuyên bố rằng các doanh nghiệp trốn tránh lệnh trừng phạt là "phản bội lợi ích của những người [Ukraine] đang đấu tranh cho tự do của họ".

Ông Habeck cũng đang đề xuất một cấp độ báo cáo mới trong đó các nhà xuất khẩu phải cung cấp "người sử dụng cuối" một cách minh bạch, nhằm xác định người nhận lợi ích cuối cùng của hàng hóa xuất khẩu như một phần trong tờ khai xuất khẩu của họ, thay vì chỉ là cảng ghé đầu tiên cho hàng hóa xuất khẩu.

Quy tắc mới của ông Habeck sẽ áp dụng cho "tất cả hàng hóa bị trừng phạt có ý nghĩa quan trọng đối với Nga và bất kỳ ai cung cấp thông tin sai lệch trong tuyên bố sử dụng cuối cùng sẽ bị kết án hình sự".

Đề xuất trên của ông Habeck diễn ra khi EU và các đối tác, bao gồm cả Mỹ và Anh, gặp nhau để chia sẻ thông tin tình báo về khả năng né tránh các biện pháp trừng phạt. David O'Sullivan, đặc phái viên trừng phạt mới được bổ nhiệm của EU, đã giải thích với tờ Financial Times rằng họ lo ngại về các kế hoạch né tránh lệnh trừng phạt khi tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ EU.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang