.jpg)
TĂNG CƯỜNG 'TRÁM LỖ HỔNG' AN NINH
An ninh nội địa đang nổi lên như ưu tiên hàng đầu tại châu Âu, trong bối cảnh các mối đe dọa từ tấn công khủng bố đến sự leo thang của tội phạm mạng hiện ở mức đáng lo ngại.
Báo cáo Đánh giá mối đe dọa tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) do Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) công bố cho thấy, các mạng lưới tội phạm có tổ chức đang phát triển mạnh tại châu Âu. Theo thống kê của Europol, có đến 30% các tổ chức tội phạm nguy hiểm nhất đã tồn tại và hoạt động trong hơn một thập niên tại "Lục địa già". Trong khi đó, những cuộc tấn công mạng và chiến dịch thao túng thông tin, gồm việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo, đang diễn ra với tần suất và quy mô ngày càng lớn, đặt ra thách thức nghiêm trọng.
Chỉ tính từ đầu năm tới nay, các nước EU chứng kiến hàng loạt vụ bạo lực sử dụng súng, dao... gây thương vong và tạo tâm lý lo âu, bất an trong xã hội. Ngày 4/2, một đối tượng đã xả súng sát hại 10 người ở Thụy Điển. CH Séc, Hà Lan, Áo, Pháp, Đức, Slovakia... liên tiếp ghi tên vào danh sách những nước có vụ tấn công bằng dao, trong đó vụ ở Slovakia xảy ra ở trường học, vụ ở Đức nhằm vào cảnh sát. Đức trong tháng 2 và tháng 3 liên tục chứng kiến vụ tấn công bằng xe tải ở Munich và vụ lao xe vào đám đông ở quảng trường thành phố Mannheim.
Trước thực trạng này, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố chiến lược ProtectEU, một kế hoạch nhằm tăng cường khả năng phản ứng của EU trước những nguy cơ về an ninh. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của Brussels, bao gồm Sách Trắng Quốc phòng (công bố tháng 3 vừa qua), Liên minh Sẵn sàng ứng phó (cũng được công bố tháng trước) và sắp tới là sáng kiến "Lá chắn Dân chủ", với mục tiêu bảo vệ châu Âu trước các mối đe dọa từ bên ngoài.
ProtectEU đặt mục tiêu xây dựng một châu Âu an toàn hơn thông qua 5 trụ cột hành động chủ đạo, gồm củng cố năng lực an ninh nội khối; tăng cường khả năng phòng vệ trước các mối đe dọa và hành vi thù địch, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ hạ tầng trọng yếu và an ninh mạng; siết chặt mạng lưới đối phó với tội phạm có tổ chức; thiết lập hệ thống giám sát tài trợ khủng bố bao phủ toàn EU, gồm các giao dịch nội khối, thanh toán trực tuyến...; và xác định vai trò toàn cầu của EU trong lĩnh vực an ninh, qua đó định vị EU như tác nhân an ninh có ảnh hưởng quốc tế.
Phó Chủ tịch EC, bà Henna Virkkunen, đã mô tả chiến lược này là "một phản ứng toàn diện đối với các mối đe dọa an ninh nội địa có nguồn gốc từ con người", bao gồm khủng bố, tội phạm có tổ chức và tội phạm mạng. Bà nhấn mạnh rằng an ninh đóng vai trò then chốt không chỉ trong việc bảo vệ các giá trị nền tảng mà còn là điều kiện tiên quyết cho sự thịnh vượng kinh tế. EU cần một thái độ chủ động và quyết đoán để đối phó với những thách thức an ninh ngày càng phức tạp.
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách Nội vụ và Di cư, ông Magnus Brunner, nhấn mạnh ProtectEU sẽ không chỉ thúc đẩy một nền văn hóa an ninh mới trong EU mà còn cung cấp cho các cơ quan thực thi pháp luật những công cụ hiệu quả hơn để dự đoán, ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa đối với an ninh nội địa. Cuối cùng, chiến lược ProtectEU không chỉ đơn thuần là một kế hoạch hành động về an ninh mà còn là bước đi quan trọng trong chiến lược dài hạn của EU nhằm xây dựng một liên minh có khả năng chống chịu cao và bảo vệ được các giá trị cơ bản của mình.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng để ngỏ một số vấn đề, mà một số chuyên gia ví đây như một "chiếc hộp Pandora" chứa đựng những cơ hội lớn lẫn rủi ro tiềm ẩn. ProtectEU không chỉ mang đến những công cụ mạnh mẽ giúp đối phó với các mối đe dọa an ninh hiện hữu mà còn đặt ra câu hỏi về cách thức cân bằng giữa an ninh và quyền tự do cá nhân, giữa việc bảo vệ người dân và bảo vệ những giá trị mà châu Âu luôn tự hào.
Một trong những điểm nhấn của ProtectEU là tăng cường chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên EU với mục tiêu là xây dựng một môi trường an toàn cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là liệu việc thu thập và chia sẻ thông tin trên diện rộng có đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư của công dân EU hay không. Đây là một thách thức lớn mà EU cần phải giải quyết để cân bằng giữa an ninh quốc gia và quyền tự do cá nhân.
Kể từ năm 2026, các quốc gia EU sẽ có thể sử dụng Hệ thống Thông tin Schengen (SIS) để báo cáo về các công dân ngoài EU có liên quan đến các tội phạm nghiêm trọng, bao gồm cả khủng bố. Điều này cũng đã vấp phải sự chỉ trích từ các nghị sĩ, như bà Saskia Bricmont thuộc Nhóm Xanh/ Liên minh Tự do châu Âu, người cho rằng việc tăng cường quyền truy cập vào dữ liệu của lực lượng thực thi pháp luật không thể thay thế được yêu cầu về nguồn lực con người và tài chính.
Một biện pháp quan trọng khác trong chiến lược ProtectEU là việc mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cho các cơ quan an ninh của EU, bao gồm Europol và Cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển (Frontex). Lực lượng Frontex dự kiến sẽ được bổ sung lên tới 30.000 nhân sự và được trang bị công nghệ giám sát tiên tiến. Mục tiêu là cải thiện khả năng phát hiện và ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới, đồng thời hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc trục xuất những công dân ngoài EU có nguy cơ gây ra mối đe dọa an ninh.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng vấp phải những quan ngại của các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người nhập cư, cho rằng việc đầu tư mạnh vào các cơ quan bảo vệ biên giới mà thiếu chú trọng đến các chính sách nhân đạo sẽ dẫn đến gia tăng bất ổn và phân biệt đối xử với người nhập cư. Một số ý kiến cho rằng EU tiếp tục coi nhập cư như một mối đe dọa, thay vì nhận thức về vai trò của người nhập cư trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển xã hội.
EU lần lượt công bố Sách Trắng Quốc phòng, Liên minh Sẵn sàng ứng phó và ProtectEU trong bối cảnh tình hình địa chính trị ngày càng biến động, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền, đặt các nước EU trước một loạt thách thức và xáo trộn về an ninh cũng như kinh tế. EU đang phải đối mặt với một thực tế mới đầy rủi ro và bất ổn liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, căng thẳng địa chính trị gia tăng, nguy cơ rất đa dạng từ thảm họa thiên nhiên và tai nạn công nghiệp, chiến tranh điện tử, khủng bố, tội phạm có tổ chức và tội phạm mạng....
Trong khi đó, một nghiên cứu công bố năm ngoái chỉ ra những lỗ hổng của EU trong việc ứng phó với các thách thức an ninh, bao gồm cách tiếp cận rời rạc trên toàn khối, thiếu khả năng sẵn sàng ứng phó và chưa đủ năng lực chống chọi. Cho đến nay, việc đảm bảo an ninh có lẽ vẫn là câu chuyện đơn lẻ của từng quốc gia dù EU đã có khá nhiều công cụ nhằm triển khai các hành động tập thể vì mục tiêu an ninh chung.
Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về sự cần thiết phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn trong vấn đề an ninh, nói cách khác là tự chủ về an ninh. Bởi vậy, dù vẫn còn nhiều tranh cãi, song rõ ràng ProtectEU cùng với các chiến lược khác thể hiện quyết tâm của EU trám những lỗ hổng an ninh trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn.
CẢNH BÁO VI NHỰA XÂM CHIẾM CÁC DÒNG SÔNG LỚN
Ngày 7/4, Quỹ Tara Océan công bố nghiên cứu cho thấy tình hình ô nhiễm vi nhựa ở các dòng sông tại châu Âu ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến sự sinh tồn của các loại thủy sinh và sức khỏe con người.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 7/4, Quỹ Tara Océan công bố nghiên cứu cho thấy ô nhiễm vi nhựa - phát sinh từ lốp xe, từ việc mở nắp chai, hoặc từ các sợi vải tổng hợp - hiện diện trong mọi dòng sông ở châu Âu.
Một số hạt vi nhựa nổi trên mặt nước, số khác chìm xuống đáy sông: vi nhựa đã xâm chiếm các dòng sông ở châu Âu, từ sông Elbe ở Đức đến sông Ebre ở Tây Ban Nha, qua sông Seine ở Pháp và sông Thames ở Anh.
Ông Jean-François Ghiglione, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) chuyên về độc học sinh thái biển, cho biết: “Ô nhiễm hiện diện trong tất cả các dòng sông châu Âu được nghiên cứu.” Ông là người đã điều phối chiến dịch khảo sát quy mô lớn vào năm 2019 trên 9 con sông lớn của lục địa già.
Cuộc khảo sát mang tên Tara Microplastiques này có sự tham gia của 40 nhà hóa học, sinh vật học và vật lý học từ 19 phòng thí nghiệm, cùng nhiều nghiên cứu sinh và nghiên cứu sau tiến sỹ, với sự hỗ trợ của Quỹ Tara Océan.
Tại các con sông của châu Âu như Elbe, Ebre, Garonne, Loire, Rhône, Rhine, Seine, Thames và Tiber, các nhà nghiên cứu đã áp dụng chung một phương pháp: thu thập và phân tích mẫu nước tại cửa sông, sau đó tiến hành khảo sát ngược dòng đến thành phố lớn đầu tiên nằm trên sông.
Nhà vật lý-hóa học Alexandra Ter Halle thuộc CNRS Toulouse, người trực tiếp phân tích các mẫu, cho biết vi nhựa nhỏ hơn hạt gạo. Chúng là những hạt nhựa có kích thước dưới 5 mm, nhiều hạt trong đó hoàn toàn vô hình nếu nhìn bằng mắt thường. Chúng bao gồm sợi vải tổng hợp từ việc giặt đồ, các hạt nhỏ phát sinh từ lốp xe hơi hoặc khi vặn mở nắp chai nước và cả các viên nhựa nguyên sinh dùng trong công nghiệp.
Theo các nhà khoa học, mức độ ô nhiễm “đáng báo động” được ghi nhận trung bình là “3 hạt vi nhựa/m3 nước” ở 9 dòng sông được khảo sát. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 40 hạt vi nhựa/m3 từng được đo tại 10 con sông ô nhiễm nhất thế giới, trong đó có Hoàng Hà, Dương Tử (Trường Giang), Nile, Niger, Amur - nơi tập trung phần lớn hoạt động sản xuất nhựa và xử lý rác thải toàn cầu.
Nhưng nếu xét đến lưu lượng nước, ông Jean-François Ghiglione nhấn mạnh: “Ở Valence, sông Rhône có lưu lượng 1.000m3 mỗi giây, tức là có 3.000 hạt vi nhựa chảy qua mỗi giây.” Ở sông Seine, con số này là 900 hạt mỗi giây.
Ông Ghiglione lưu ý nhờ những tiến bộ trong phương pháp phân tích, phát triển trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện một điều đáng ngạc nhiên là: “khối lượng của các hạt vi nhựa siêu nhỏ - loại không thể nhìn thấy bằng mắt thường - lớn hơn khối lượng của các hạt có thể nhìn thấy.”
Trong khi các hạt nhựa lớn nổi và dễ bị thu gom ở bề mặt, thì các hạt nhỏ li ti lại phân bố khắp cột nước và dễ bị sinh vật thủy sinh nuốt phải.
Một trong những nghiên cứu đã phát hiện một loại vi khuẩn nguy hiểm bám trên vi nhựa trong sông Loire, có khả năng gây bệnh ở người. Một kết quả bất ngờ khác là 25% số vi nhựa tìm thấy trong các con sông không đến từ rác thải, mà từ nhựa nguyên sinh công nghiệp. Những hạt này - còn được gọi là “giọt lệ của nàng tiên cá” - cũng thường được phát hiện trên các bãi biển sau các tai nạn hàng hải.
Kết quả này, có được nhờ một chiến dịch khoa học cộng đồng quy mô lớn, mang tên Plastique à la loupe (Tìm hiểu nhựa), có một không hai trên thế giới, với sự tham gia của 350 lớp học từ các trường trung học cơ sở và phổ thông tại Pháp, tương đương với khoảng 15.000 học sinh mỗi năm tiến hành lấy mẫu ven sông.
Tuy nhiên, theo ông Ghiglione, các nhà khoa học đã từ chối xếp hạng các dòng sông châu Âu theo mức độ ô nhiễm từ cao đến thấp do số liệu quá tương đồng, và dữ liệu vẫn chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng không thể kết luận chắc chắn về tác động của các thành phố lớn vì "không chứng minh được mối liên quan trực tiếp giữa sự hiện diện của vi nhựa và một thành phố lớn, bởi kết quả đo ở thượng lưu và hạ lưu ở một thành phố không khác biệt nhiều.
Hiện liên minh khoa học quốc tế trong khuôn khổ các đàm phán Liên hợp quốc về giảm ô nhiễm nhựa đang kêu gọi cắt giảm mạnh sản xuất nhựa nguyên sinh, vì sản xuất nhựa có liên quan chặt chẽ đến ô nhiễm.
SẴN SÀNG TRẢ ĐŨA ĐÒN THUẾ QUAN CỦA MỸ
.jpg)
Động thái đáp trả thuế quan của Liên minh châu Âu (EU) có thể ảnh hưởng lên số lượng hàng hóa Mỹ trị giá 400 tỉ euro.
Theo RTÉ News, đây là hành động đáp trả đối với mức thuế 25% của Mỹ lên thép nhôm, mức thuế đối ứng 20% tuần trước của Mỹ đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của EU, cũng như mức thuế 25% của Mỹ đối với ô tô và linh kiện ô tô xuất khẩu từ châu Âu.
Ủy ban châu Âu sẽ công bố danh sách cuối cùng các sản phẩm của Mỹ bị nhắm mục tiêu để đáp trả thuế quan đối với thép và nhôm vào tối 7-4 (giờ địa phương) và các quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu về danh sách đó trong ngày 9-4.
Danh sách này sẽ bao gồm thịt, ngũ cốc, rượu vang, gỗ và quần áo của Mỹ cũng như kẹo cao su, chỉ nha khoa, máy hút bụi và giấy vệ sinh.
Trước đó, thông báo về các biện pháp áp thuế mà Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm 2-4 đã làm dấy lên nỗi lo về suy thoái toàn cầu và suy thoái kinh tế ở Mỹ. Thuế quan của ông Donald Trump ảnh hưởng khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu của EU sang Mỹ, vốn có tổng giá trị 532 tỉ euro vào năm ngoái.
Các bộ trưởng EU sẽ tập trung vào hai chương trình nghị sự trong cuộc họp ngày 7-4. Thứ nhất, trả đũa ngay lập tức đối với mức thuế 25% mà ông Donald Trump áp lên thép nhôm của châu Âu vào tháng trước. Thứ hai, cách ứng phó với mức thuế đối ứng 20% đối với hầu hết mặt hàng xuất khẩu của EU sang Mỹ.
Các nhà ngoại giao EU cho biết mục đích chính của cuộc họp là đưa ra thông điệp thống nhất về mong muốn đàm phán với Washington về việc xóa bỏ thuế quan nhưng cũng sẵn sàng đáp trả nếu đàm phán bất thành.
Trong số các thành viên EU, có nhiều ý kiến khác nhau về cách ứng phó. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất các công ty châu Âu nên tạm dừng đầu tư vào Mỹ cho đến khi "mọi thứ được làm rõ". Trong khi đó, Ireland, quốc gia có gần 1/3 lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ, đã kêu gọi cân nhắc phản ứng trong khi Ý, quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 của EU sang Mỹ, đã đặt câu hỏi liệu EU có nên đáp trả hay không.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessant trước đó cho hay 50 quốc gia đã liên hệ với chính quyền ông Donald Trump để tìm kiếm các cuộc đàm phán nhằm giảm thuế quan. Tuy nhiên, ông Bessant nói với NBC News rằng Tổng thống Donald Trump vẫn còn "đòn bẩy" tối đa.
LÀN SÓNG BÁN THÁO CHỨNG KHOÁN
Thị trường chứng khoán châu Âu giảm mạnh do ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan toàn cầu của Mỹ, các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo tài sản rủi ro.
Thị trường chứng khoán châu Âu giảm mạnh vào ngày 7/4, tăng thêm lo ngại về đợt suy giảm toàn cầu bắt đầu từ tuần trước sau các thông báo mới về đòn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cụ thể, chỉ số DAX của Đức giảm đến 10%, trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp và FTSE 100 của Anh cũng giảm đáng kể. Cổ phiếu của Rheinmetall, nhà sản xuất quốc phòng hàng đầu của Đức, giảm tới 27% trước khi hồi phục nhẹ. Đến cuối giờ chiều, chỉ số DAX của Đức tăng nhẹ, rút khỏi mức giảm 10% trước đó và kết thúc phiên với chỉ số giảm 4,2%.
Chỉ số Stoxx 600 của toàn châu Âu giảm 4% vào lúc 12h11 (theo giờ London), với tất cả các lĩnh vực và sàn giao dịch chính đều chịu tổn thất nặng nề.
Tuần trước, chỉ số Stoxx 600 ghi nhận mức giảm 8,4%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong vòng năm năm qua. Chỉ số Stoxx 600 từng ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất thập kỷ là vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020.
Các cổ phiếu bị bán tháo mạnh nhất tại Đức là nhóm đại gia sản xuất sản phẩm quốc phòng, như Thyssenkrupp, Hensoldt và Rheinmetall, với mức giảm quanh 10%. Nhóm trang phục thể thao như Adidas, Puma cũng mất 8-9%.
Những biến động này phản ánh lo ngại của nhà đầu tư về tác động tiêu cực của các biện pháp thuế quan đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và các công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Trump công bố đầy đủ danh sách thuế quan "trả đũa", khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên bởi mức thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính của Mỹ.
Quyết định này cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, khi Trung Quốc tuyên bố trả đũa bằng cách áp mức thuế 34% đối với hàng hóa Mỹ. Liên minh châu Âu cam kết sẽ thực hiện các biện pháp đối phó nếu các cuộc đàm phán với Mỹ thất bại.
Trên phố Wall, chứng khoán giảm mạnh vào cuối tuần trước, với các cổ phiếu công nghệ lớn “Magnificent Seven” mất hơn 1 nghìn tỷ USD trong một ngày. Vào sáng ngày 4/4, chỉ số hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm khi hậu quả của các biện pháp thuế quan tiếp tục lan rộng.
Các chỉ số tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ cũng đi xuống. DJIA tương lai hiện mất 1.033 điểm, tương đương 2,7%. S&P 500 và Nasdaq 100 tương lai giảm lần lượt 3,3% và 4,2%.
EU “KHÁT” KHOÁNG SẢN THÔ CỦA TRUNG Á
.jpg)
Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các loại khoáng sản quan trọng, Liên minh châu Âu (EU) vừa tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với 5 quốc gia giàu tài nguyên ở Trung Á tại thành phố Samarkand (Uzbekistan) để luận bàn về tầm quan trọng của các loại khoáng sản cần thiết cho ngành công nghiệp quốc phòng và quá trình chuyển đổi xanh của khối gồm 27 quốc gia thành viên này.
Ngoài sự hiện diện của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cùng Tổng thống nước chủ nhà Shavkat Mirziyoyev, hội nghị diễn ra ngày 3 và 4-4 quy tụ dàn lãnh đạo cấp cao từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan. Ðây là Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á lần thứ ba, sau 2 hội nghị diễn ra năm 2022 và 2023, song là hội nghị đầu tiên có chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) tham gia. Tại hội nghị, ngoài việc thảo luận xung quanh các vấn đề gồm phát triển bền vững, nỗ lực của Nga nhằm tránh các lệnh trừng phạt, phần lớn thời lượng hội nghị được dành để luận bàn việc phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để giúp Trung Á khai thác các nguồn tài nguyên có giá trị theo cách bền vững và ngược lại giúp EU đa dạng hóa nguồn cung cấp khoáng sản của khối.
Cách tiếp cận mới
Quan hệ giữa EU và Trung Á đã từng bước được cải thiện trong những năm gần đây. EU lần đầu tiên thông qua chiến lược về khu vực Trung Á năm 2007 và sau đó tiếp tục được cập nhật năm 2019. Chiến lược này nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực và hướng đến thúc đẩy quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Trung Á, cho phép khu vực phát triển thành một không gian kinh tế và chính trị bền vững, thịnh vượng và có sự kết nối mật thiết. Tuy vậy, mối quan tâm của EU trong việc phát triển quan hệ với Trung Á chỉ thực sự được đẩy mạnh từ năm 2022, với Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á đầu tiên diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Marcin Popławski, chuyên gia tại Viện Các vấn đề quốc tế Ba Lan (PISM), nhận định cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi cách tiếp cận của EU với Trung Á. Hai năm qua, khu vực này đã trở nên quan trọng hơn đối với Brussels trong việc khai thác tiềm năng về năng lượng và giao thông. Trong thời gian này, mô hình liên lạc chính trị thường xuyên ở cấp cao nhất đã phát triển, chiến lược hợp tác được cập nhật và các dự án kinh tế mới được triển khai. Những động thái này được củng cố bằng hành động bổ sung từ các quốc gia thành viên, chủ yếu là Ðức và Pháp.
EU là đối tác thương mại thứ hai của khu vực (chiếm 22,6% tổng kim ngạch thương mại nước ngoài năm 2023). EU cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Á, chiếm hơn 40% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 năm qua (hơn 100 tỉ euro), tập trung vào các lĩnh vực chính như dược phẩm, xây dựng, năng lượng và nông nghiệp.
Hiện nay, sở dĩ EU quan tâm nhiều hơn với Trung Á là bởi khu vực này sở hữu lượng lớn khoáng sản thô quan trọng, vốn không thể thiếu đối với nhiều lĩnh vực chiến lược. “Rất nhiều nguyên liệu thô quan trọng mà EU cần đều có ở Trung Á. Ví dụ, silicon cần thiết cho việc sản xuất các tấm pin mặt trời, trong khi vonfram cần thiết cho việc phát triển radar và nhiều thiết bị quốc phòng khác, còn lithium giữ vai trò quan trọng cho việc sản xuất pin. Các quốc gia Trung Á giàu cả 3 loại này và nhiều loại khác nữa nhưng phần lớn các nguồn tài nguyên này bị mắc kẹt trong một ngành khai thác chưa phát triển” - Samuel Vesterbye, giám đốc tổ chức tư vấn Hội đồng Láng giềng châu Âu, cho biết.
Viện Nghiên cứu châu Á - châu Âu (EIAS) cho rằng tiềm năng mở rộng sản xuất khoáng sản của Trung Á là rất lớn. Kazakhstan hiện sản xuất 19 trong số 34 nguyên liệu thô quan trọng của EU và đang chuẩn bị mở rộng lên con số 21, trong khi Uzbekistan được xem là nhà cung cấp urani lớn thứ năm thế giới và cũng rất giàu bạc, titan, molypden và vàng. Trong khi đó, Tajikistan là một trong những nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới nhưng gần như không thể xuất khẩu sang EU vì lý do hậu cần, buộc Dushanbe phải bán cho Trung Quốc và Nga.
Cạnh tranh với Nga và Trung Quốc
Trung Á được xem là nguồn thay thế cho hầu hết những gì châu Âu cần từ Trung Quốc. Năm 2023, EU nhập khẩu 94% lượng nguyên tố đất hiếm từ Trung Quốc, Nga và Malaysia. Tuy nhiên, Trung Quốc là đồng minh quan trọng của Nga và đang xây dựng ngành công nghiệp công nghệ xanh vốn cần dùng nhiều khoáng sản. Vậy nên, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu ít nhất một loại khoáng sản quan trọng, khiến EU lo ngại chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Gần đây, Trung Quốc còn hạn chế xuất khẩu antimon, loại khoáng sản được dùng để sản xuất kính nhìn ban đêm cũng như nhiều ứng dụng quân sự khác.
Ngoài ra, Trung Á còn giữ vai trò quan trọng trong sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu trị giá 300 tỉ euro của châu Âu. Sáng kiến này được coi là đối thủ cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc, đảm trách việc phát triển Tuyến Vận tải Quốc tế Xuyên Caspi (TITR) giúp cải thiện khả năng kết nối giữa EU và Trung Á, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 15 ngày. TITR được coi là tuyến đường ngắn nhất từ Trung Quốc đến châu Âu và là một trong giải pháp thay thế cho Kênh đào Suez. Giới chuyên gia cho rằng việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng dọc theo tuyến đường sẽ làm gia tăng đáng kể hoạt động thương mại.
Ước tính, các chính phủ Trung Á cần 18,5 tỉ euro để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết. Vào tháng 1 năm ngoái, EU đã huy động được hơn một nửa số tiền đó từ các quốc gia thành viên, khu vực tư nhân cũng như Ngân hàng Ðầu tư châu Âu hay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu. Marie Dumoulin, Giám đốc chương trình châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Ðối ngoại châu Âu, cho rằng để thu hút Trung Á trước các đối thủ như Nga hay Trung Quốc, EU cần phải chủ động. “Các quốc gia Trung Á nên được hưởng lợi từ sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu nhưng các dự án cụ thể lại chậm được hiện thực hóa và không dễ nhìn thấy. Do đó, nếu muốn trở thành đối thủ cạnh tranh trong khu vực, EU cần phải thay đổi” - bà Dumoulin cho biết.
Thực tế, Trung Á lâu nay duy trì mối quan hệ kinh tế sâu rộng và lâu đời với Nga và Trung Quốc. Sự hợp tác này diễn ra ở cả cấp độ song phương lẫn từng quốc gia. Nga hiện đang chiếm hơn 30% tổng kim ngạch thương mại của các quốc gia Trung Á. Ðiều đáng chú ý là bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây, hoạt động thương mại giữa Nga và các quốc gia trong khu vực vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Nguồn: Báo Tin Tức; VietnamPlus; Soha; CafeF; Báo Cần Thơ
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá